1.
Để tôi kể các bạn nghe về mùa hạ của tôi nhé.
Năm tôi lên tám tuổi, bố mẹ tôi ly hôn. Cuộc hôn nhân của hai người là sự gượng gạo suốt bao năm trời, từ khi tôi sinh ra cuộc hôn nhân của họ dường như chìm trong bế tắc.
Bố mẹ tôi kết hôn khi mẹ tôi vừa tròn mười tám. Nghe nói bố mẹ tôi cưới nhau do hai bên sắp đặt. Mẹ tôi vừa học xong đã vội lấy chồng, còn bố tôi vừa đi lính về nghe theo lời ông bà lấy vợ về bảo ban nhau làm ăn.
Một năm sau. Tôi ra đời, mẹ tôi vừa mười chín. Gia đình kinh tế khó khăn, lại thêm con nhỏ dần dần cuộc nói chuyện của họ chỉ xoay quanh những cãi vã vụn vặt trong đời sống bình thường. Hầu hết đều bắt nguồn từ hai chữ tiền nong.
Nhưng biết sao được, họ không yêu nhau. Và cũng thiếu ở nhau sự thấu hiểu.
Và rồi, họ ly hôn. Bố tôi có người mới, mẹ tôi đi tha hương cầu thực, họ mỗi người một cuộc sống. Và thế là tôi bị đẩy ra khỏi mái ấm, họ mỗi người đi tìm mái ấm riêng của mình. Còn mái ấm của tôi, dường như họ chẳng màng tới.
Không ngoài dự đoán. Tôi về quê ở với bà nội.
Ngày bố đưa tôi về, trong cái nắng chói chang. Xóm nghèo xác xơ đang trong mùa gặt. Mùi thơm của rơm mới có chút ngai ngái làm tôi rạo rực.
Và cũng từ đó, tôi gặp cậu.
Nhà bà tôi với nhà cậu cách nhau một con ngõ nhỏ.
Bà tôi làm nông, đã ngoài bảy mươi. Ngày tôi về bà chỉ biết ôm tôi mà khóc. Trong cái cảnh đói nghèo nhưng bà vẫn thương. Vẫn không để tôi đói ăn dù chỉ một ngày.
Bố tôi làm thủ tục nhập trường cho tôi. Rồi ông cũng đi xa, kể từ đó những lần tôi gặp ông chỉ là qua những bức thư cùng vài đồng bạc lẻ ông gửi nơi phố thị về. Trong trí nhớ của tôi, ông đã mờ nhạt từ rất lâu.
Trong cái đói nghèo của năm tháng ấy, tôi là một đứa con gái đen nhẻm cũng có chút gầy nếu không muốn nói là bị suy dinh dưỡng. Trong đôi mắt của tôi lúc ấy chỉ chất chứa những điều mới lạ về một vùng quê còn chưa mấy quen thuộc, và...cả cậu nữa.
Cái ngày đầu tiên tôi gặp cậu là khi, bà tôi đưa tôi sang nhà cậu vay gạo. Cái đói cái nghèo dường như đẩy bà cháu tôi vào cảnh túng quẫn, khi mới chỉ vừa đặt chân về đất quê, ngay ngày đầu tiên bà tôi đã phải dẫn tôi đi vay gạo, nghe mà xót xa.
Gia đình cậu vốn là gia đình có điều kiện, bố cậu đi công tác nước ngoài, mẹ cậu là công chức nhà nước. Do tính chất công việc của bố mẹ, cậu ở quê với ông bà. Hai đứa trẻ sống với ông bà nhưng lại hai hoàn cảnh khác nhau, nghe sao mà khập khiễng.
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày ấy, tôi vì ngại ngùng mà chỉ biết cúi đầu vò vạt áo đã có chút nhàu nhụa của bản thân. Nhà cậu đẹp lắm, là một ngôi biệt thự ba tầng, có cái sân vườn to to, khác xa với ngôi nhà cấp bốn của bà cháu tôi và cũng khác xa với khung cảnh xóm nghèo khi ấy. Nắng chiều buông xuống cành ổi, tạo thành những vệt nắng bất cân xứng trải dài trên sân gạch, trong khoảnh khắc nhẹ nhàng nào đó, tôi nhìn thấy cậu đứng ở nơi góc sân, trên tay là quả bóng, có lẽ cậu vừa đi đá bóng với lũ trẻ trong xóm.
Trong ấn tượng của đứa trẻ tám tuổi khi ấy, tôi nhìn cậu với tất cả sự tò mò về cậu nhóc nhà bên với đôi mắt ngờ nghệch cùng sự tự ti khi thứ cậu mặc trên người là bộ quần áo sặc sỡ và thời trang. Còn tôi, chỉ đơn giản là những chiếc quần áo bạc màu hàng tồn ngoài chợ. Trong tiềm thức non nớt khi đó, tôi đã nhận ra được rằng chúng tôi khác biệt nhiều nhất về gia cảnh.
Ấn tượng lần đầu tiên tôi gặp cậu là vậy đấy.
Để đủ tiền trang trải cho tôi đi học, bà tôi quyết định đi đan giỏ thuê cho người ta kiếm thêm thu nhập, cuộc sống của tôi chỉ đơn giản là sáng đi học, trưa phụ bà đan lát. Công việc không mấy nặng nhọc nhưng thu nhập không nhiều, chỉ đủ cho bà tôi rau cháo qua ngày.
Bởi chưa quen đường xá, cũng không có phương tiện đi lại. Bà nhờ cậu bạn hàng xóm chở tôi đi học mỗi ngày, ngôi trường cách nhà gần 4km. Trên con xe đạp địa hình của cậu. Ngày đầu tiên đi học tôi mới biết cậu tên Minh, Trần Tuấn Minh.
"Này, tôi chưa từng nghe cậu nói chuyện. Cậu thử mở miệng ra nói tôi nghe xem nào, mấy đứa trẻ trong xóm nói cậu bị câm, thật hả?"
Tôi lặng lẽ ngồi sau yên xe đạp của cậu một cách rụt rè, nhận được câu hỏi của cậu tôi ngước mắt lên nhìn, cậu vẫn đạp xe vòng vòng trên con đường làng với bao đứa trẻ cùng trang lứa khác.
"Này...tôi bảo, cậu mấy cân mà nặng thế"
Cậu thở dài tiếp tục hỏi tôi, gáy có chút lấm tấm mồ hôi chạy dọc xuống vạt áo.
Đáp lại câu hỏi của cậu chỉ là tiếng im lặng của tôi.
Cậu cố tình phanh gấp, quay đầu lại nhìn. Đúng vừa lúc tôi ngước mắt lên, ánh mắt của tôi với cậu giao nhau, lần đầu tiên tôi nhìn thẳng vào mắt cậu, đôi mắt của cậu có màu hổ phách, hàng mi dài rũ xuống.
Chưa đầy một phút sau, cậu nhăn mặt hỏi tiếp.
"Cậu tên gì...nếu cậu không nói, tôi sẽ cho cậu đi bộ"
"Chi..Thùy Chi."
Tôi mấp máy trả lời cậu, cậu thoáng ngạc nhiên trong chốc lát, lần đầu tiên tôi đáp lại cậu. Mặc dù không tình nguyện cho lắm.
Dần dà cậu dẫn tôi đi chơi với mấy đứa trẻ khác trong xóm. Tôi quen thêm được vài người bạn, đó là Hùng và My. Hai đứa chúng nó cách nhà của chúng tôi chẳng bao xa.
Cũng từ đó tôi hoạt bát hơn hẳn, buổi trưa nắng như đổ lửa, trốn bà không ngủ chạy đi chơi với chúng nó. Tất nhiên là cậu sang rủ tôi.
Thấy bóng cậu thấp thoáng sau đống rơm trước nhà, tôi rón rén xuống giường, xỏ đôi dép cao su. Nhẹ nhàng chuồn ra sân.
May quá, bà tôi vẫn chưa dậy. Mới đầu giờ chiều cái nắng vẫn chói chang đến rát cả da. Nhưng dường như chúng tôi chẳng màng tới. Trên đầu chỉ vỏn vẹn chiếc mũ tai bèo, dắt tay nhau trốn đi chơi.
"Chi. Mày nhanh lên, bọn thằng Hùng với con My đợi mày nãy giờ lâu lắm."
Minh thoáng chút nhăn mặt, phần vì quá nắng nên gương mặt đỏ phừng phừng.
"Tao đợi bà tao ngủ. Bà tao mà biết bà đánh cho què giò."
Tôi thè lưỡi đáp lại. Vội trèo lên con xe đạp của cậu, hai đứa đèo nhau ra tận đầu làng.
Từ xa xa đã thấy hai đứa chúng nó đứng đợi ở đó. Thằng Hùng đã vội trèo tít lên cây nhãn đầu làng, để con bé My ở dưới một mình.
Thằng Hùng ngồi trên cao vặt nhãn ngồi ăn nhem nhẻm, con My ngồi dưới chẳng vừa. Nó lấy dép ném thằng Hùng, kết quả dép bị mắc tít trên tận ngọn nhãn.
Nhìn chiếc dép tổ ong màu vàng của nó mắc tít trên ngọn nhãn chúng tôi chỉ biết cười trừ.
My nó khóc nhè suốt cả buổi. Về sau thằng Hùng phải đưa dép của nó cho My đi. Còn về phần thằng Hùng, nó về nói dối bố nó là nó làm mất dép, bố nó đánh nó tịt cả mông. Đấy vậy mới nói, cái tật sỹ gái của nó không tự dưng mà có.
Cuối chiều. Chúng tôi dắt nhau ra đồng thả diều, tôi với My là con gái. Nên mấy cái này, chúng tôi không biết thả. Chạy sau hai đứa chúng nó muốn bở cả hơi tai, chạy dọc theo chân đê làng, nắng chiều đã phai dần, từng gợn gió rì rào làm lay động cả lũy tre.
Để mặc cho hai đứa kia thả diều. Tôi với My dắt nhau đi chơi đồ hàng, tôi với cái My hợp nhau lắm. Mỗi tội cái My nó mít ướt quá, hay khóc nhè. Nhưng theo lời thằng Hùng thì lại thành ra ăn vạ.
Khi ấy làng tôi hay mất điện lắm, tháng mất vài lần là ít. Còn nhớ những hôm mất điện, lũ trẻ chạy ào ra đường, ánh trăng sáng rực cả đường làng. Chúng chơi trốn tìm.
Đứa trốn đống gạch, đứa trốn đống rơm, đứa thì chui vào tận bụi ngô. Thời ấy mà, mạng xã hội là cái gì đó lạ lẫm và xa lạ với chúng tôi lắm. Có những cuộc hẹn chẳng cần nói nhiều, có những cuộc chơi đến quên cả giờ về thổi cơm.
"Có điện rồiiiiiiiiiiiii"
Lũ trẻ hô lên như một thủ tục thường lệ. Sau đó, chẳng ai bảo ai đứa nào đứa nấy chạy về nhà. Mà về đến nơi toàn bị ăn vụt, quần áo nhem nhuốc, thì đó, chui từ đống gạch với bụi ngô ra. Chân tay đứa nào đứa nấy lấm lem bùn đất.
Tuổi thơ của chúng tôi. Đẹp như vậy đấy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top