thoa my 2

4.TRẠNG THÁI TRƯỚC VẬN ĐỘNG

Trong hoạt động cơ nói chung và hoạt động thể thao nói riêng, trước khi tập luyện và thi đấu xuất hiện hàng loạt những biến đổi chức năng của cơ thể nhằm mục đích chuẩn bị cho cơ thể trước một nhiệm vụ nhất định.

Do ảnh hưởng của cơ chế phản xạ có điều kiện (các yếu tố tâm lý gây nên bởi: địa điểm, thời gian, ý nghĩa của các cuộc tập luyện hay thi đấu...), làm tăng trương lực thần kinh trung ương, tăng hoạt tính chức năng của các cơ quan và hệ thống, đặc biệt là những hệ thống đóng vai trò quan trọng, quyết định khả năng lao động của cơ thể.

Những biến đổi sinh lý trước vận động có thể xảy ra trước vài giờ, vài ngày và thậm chí nhiều ngày, phụ thuộc vào trình độ rèn luyện, vào tip hoạt động thần kinh của VĐV. Phụ thuộc vào thời gian xuất hiện, trạng thái trước vận động được chia ra thành trạng thái trước thi đấu và trạng thái trước xuất phát. ở trạng thái trước xuất phát các biến đổi chức năng diễn ra mạnh mẽ hơn, và nó chuyển trực tiếp sang pha huy động.

Trong trạng thái trước xuất phát xảy ra những biến đổi ở hầu hết các hệ thống chức năng của cơ thể: tăng tần số tim, tăng sức bóp cơ tim - tăng lượng máu tâm thu, tăng huyết áp, tăng thông khí phổi; tăng hưng phấn của các tế bào thần kinh, mức độ linh hoạt của các quá trình thần kinh. Nhu cầu sử dụng oxy có thể tăng 2 - 2,5 lần so với mức bình thường, tăng hàm lượng catecholamin và một số hoomon trong máu nhằm huy động nguồn dự trữ năng lượng cho hoạt động cơ (ngay trước vận động hàm lượng glucoza, các axit béo tự do trong máu tăng cao).

Trạng thái trước vận động có thể có những ảnh hưởng khác nhau đến thành tích thể thao. Trạng thái trước xuất phát được chia thành 3 loại: trạng thái sẵn sàng, trạng thái bồn chồn và trạng thái thờ ơ.

- Trạng thái sẵn sàng là trạng thái mà trong đó sự hưng phấn và linh hoạt của các quá trình thần kinh gia tăng ở mức vừa phải (hợp lý). Những thay đổi của thần kinh trung ương đảm bảo cho những thay đổi tương ứng trong trạng thái chức năng của hệ thống vận động và hệ thống thực vật. Biểu hiện là tăng vừa phải hoạt động của hệ thống cung cấp oxy và trao đổi chất (tăng nhịp tim, tăng thông khí phổi và nhu cầu oxy của cơ thể). Những thay đổi này giúp nâng cao thành tích thể thao.

- Trạng thái bồn chồn hay còn gọi là trạng thái "sốt". Thần kinh trung ương bị hưng phấn cao, dẫn đến những thay đổi đáng kể của các chức năng thực vật, làm hao phí nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể. VĐV hưng phấn quá mức, dễ bị kích động, hay phạm sai lầm về kỹ thuật và chiến thuật trong thi đấu. Dạng phản ứng này có hiệu quả thấp, cơ thể hao phí nhiều nhiều sức lực trong giai đoạn trước xuất phát nên khả năng lao động giảm.

- Trạng thái thờ ơ có đặc điểm là trong hệ trung ương thần kinh các quá trình ức chế chiếm ưu thế, những thay đổi chức năng thực vật không đáng kể. VĐV có trạng thái cảm xúc buồn, sợ thi đấu (thường gặp ở những VĐV có trình độ tập luyện thấp hoặc đang chờ đợi một trận đấu với đối thủ mạnh hơn). Trạng thái thờ ơ có ảnh hưởng xấu đối với thành tích thi đấu, đặc biệt là khi thi đấu những nội dung có thời gian ngắn.

Mức độ và tính chất của các phản ứng trước xuất phát phụ thuộc vào trình độ tập luyện của VĐV. Sự tập luyện nâng cao tính bền vững của hệ thần kinh với các tác nhân kích thích tác động lên cơ thể ở giai đoạn chuẩn bị xuất phát. Ngoài ra, kinh nghiệm thi đấu (tham gia nhiều cuộc thi đấu khác nhau) giúp VĐV đánh giá đúng khả năng của bản thân và của đối thủ.

Đặc điểm của các phản ứng trước xuất phát cũng phụ thuộc đáng kể vào loại hình hoạt động thần kinh của VĐV. ở những VĐV có loại hình thần kinh không cân bằng, các quá trình hưng phấn chiếm ưu thế thì các phản ứng trước xuất phát thường diễn ra theo dạng trạng thái "sốt".

5.TRẠNG THÁI BẮT ĐẦU VẬN ĐỘNG (Trạng thái huy động).

Mặc dù trong cơ thể VĐV đã xảy ra những biến đổi nhất định trong giai đoạn trước vận động và đặc biệt là trong giai đoạn khởi động, nhưng khi bắt đầu thực hiện các bài tập luyện hoặc thi đấu các chức năng sinh lý vẫn chưa được huy động một cách tối đa.

Trạng thái huy động xảy ra ngay khi bắt đầu vận động, trong giai đoạn này tăng cường huy động nhanh các hệ thống chức năng của cơ thể. Cơ chế sinh lý của quá trình này là tạo ra những ổ hưng phấn vận động đảm bảo sự phối hợp cần thiết (phù hợp với nhiệm vụ vận động) giữa các chức năng vận động và chức năng thực vật; nâng cao khả năng phối hợp động tác (biên độ, tốc độ, nhịp điệu, lực); nâng cao các chức năng thực vật (tim-mạch, hô hấp, trao đổi chất, điều hoà nhiệt...) đến mức cần thiết để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho vận động.

Pha huy động được coi như sự thích ứng của cơ thể với mức độ vận động mới, nó xảy ra từ từ, trong một khoảng thời gian nhất định. Pha huy động có các đặc điểm sau:

- Sự tăng cường các chức năng xảy ra không cùng một lúc. Các chức năng vận động được huy động nhanh hơn so với các chức năng thực vật. Sự gia tăng các chỉ số của các hệ thống thực vật cũng không giống nhau. Ví dụ, tần số tim tăng nhanh hơn so với lực bóp tim và huyết áp, lượng thông khí phổi tăng nhanh hơn hấp thụ oxy...

- Tốc độ biến đổi các chức năng sinh lý tỷ lệ thuận với cường độ vận động. Điều đó cũng có nghĩa là thời gian của pha huy động tỷ lệ nghịch với cường độ vận động. Ví dụ, trong các bài tập ái khí công suất nhỏ thời gian để đạt mức hấp thụ oxy cần thiết khoảng 7- 10 phút, trong các bài tập ái khí công suất tối đa (chạy 1500 m) chỉ cần 1,5- 2 phút.

- Các chỉ số chức năng tăng cường không đều, ngay sau khi xuất phát tăng nhanh, sau đó tăng chậm lại, có chỉ số tăng nhiều, có chỉ số tăng ít. Ví dụ, nhịp tim có thể tăng trên 300% nhưng lượng máu tâm thu chỉ tăng không quá 30%.

- Do sự thích nghi với vận động của hệ thống cung cấp oxy (tim-mạch, hô hấp) xảy ra từ từ, nên những giây đầu của bất kỳ hoạt động thể lực nào năng lượng được cung cấp do phân huỷ ATP và CP hoặc phân huỷ đường yếm khí tạo ra axid lactic và có nợ oxy.

- Trình độ luyện tập càng cao pha huy động diễn ra càng ngắn.

Trong những hoạt động cơ căng thẳng và kéo dài, sau khi bắt đầu hoạt động vài phút, trong cơ thể VĐV có thể xuất hiện một trạng thái tạm thời đặc biệt gọi là trạng thái "cực điểm". Trạng thái này thường gặp ở những người ít rèn luyện hoặc ở cả VĐV nếu bắt đầu vận động với cường độ lớn. Dấu hiệu chủ quan của trạng thái này là VĐV cảm thấy tức thở, đánh trống ngực, chóng mặt, đau cơ, muốn bỏ cuộc. Các dấu hiệu khách quan gồm có: thở nhanh nông, mạch nhanh, hàm lượng CO2 trong máu và trong khí thở ra tăng cao, độ pH máu giảm, ra nhiều mồ hôi...

Nguyên nhân xuất hiện trạng thái cực điểm là do nhu cầu về oxy của hệ thống cơ bắp tăng cao mà khả năng của hệ thống vận chuyển oxy chưa kịp đáp ứng. Kết quả là trong cơ và máu tích nhiều sản phẩm của quá trình trao đổi chất yếm khí, đặc biệt là axid lactic. Những biến đổi nội môi thúc đẩy sự phát triển ức chế trong các trung tâm thần kinh (do tăng cường các xung động hướng tâm).

Để khắc phục trạng thái cực điểm tạm thời này VĐV phải có những nỗ lực ý chí lớn, và những dấu hiệu của trạng thái cực điểm mất đi, đột ngột chuyển sang trạng thái dễ chịu, hô hấp trở lại bình thường. Thông khí phổi giảm, độ sâu hô hấp tăng, nhịp tim có thể hơi giảm, pH máu tăng. Mồ hôi ra nhiều chứng tỏ các cơ chế điều nhiệt đã được thiết lập ở mức cần thiết để duy trì khả năng lao động... Trạng thái này được gọi là "hô hấp lần thứ hai". Trạng thái "hô hấp lần thứ hai" chứng tỏ cơ thể đã hồi phục được mối cân bằng giữa các quá trình ức chế và hưng phấn trong hệ thống thần kinh trung ương, các chức năng của cơ thể đã được huy động một cách thoả đáng để đáp ứng các đòi hỏi của vận động.

Trong quá trình tập luyện VĐV cần được tập cho quen với những cảm giác khó chiụ xuất hiện khi cơ thể bị thiếu oxy và tích luỹ các sản phẩm chuyển hoá. Lặp đi lặp lại động tác thở ra mạnh giúp cơ thể giải phóng nhanh lượng CO2 tích tụ trong cơ thể- thức đẩy hồi phục cân bằng kiềm toan.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: