one and only
Viết: Shxxbli
Chính tả: Silemzioso
Challenge: Anh em mình
Cảnh báo nội dung: Rời rạc, khó hiểu, không theo mốc thời gian, không vui.
*
Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp nụ cười của Gia Kỳ trong giấc mơ xa.
Thằng bé nắm tay Trình Hâm chạy loăng quăng phía trước, tôi đẩy xe đạp chậm rãi đuổi theo sau, ba đứa ríu rít nói về cái trò vừa chơi xong rồi cười ầm giữa hẻm nhỏ.
Thật xinh đẹp.
Cũng thật thiên đường.
*
Khi tôi đã chết tám năm, Trình Hâm chết đúng nghĩa và Gia Kỳ chết trọn vẹn.
Đó là một ngày nắng. Cơ thể thằng bé trượt dài bên mộ cậu, miệng lẩm bẩm hát, đôi mắt cạn nước mờ mịt, vô hồn như một vong linh đứng bên cửa tử. Gia Kỳ lụi tàn, theo cơn gió đưa tro cốt vào hư không. Thằng bé chẳng thiết sống nữa. Nó nói với cậu ấy: “Đi trước nhé, bắt lấy hạnh phúc mới. Rồi tớ sẽ tìm cậu, tớ hứa mà.”
Tháng năm sau đó, Gia Kỳ chỉ tồn tại thay vì sống như một nhân loại bình thường.
Nó học Y, trở thành bác sĩ như mẹ mong muốn.
Mẹ nói làm bác sĩ sẽ có nhiều tiền, sau này mẹ già rồi, cần nó phụng dưỡng. Gia Kỳ hoàn thành nhiệm vụ được giao, nó gọi đó là một phần báo hiếu.
Thằng bé ngoan lắm, từ ngày lọt lòng nó đã khác tôi, không cho mình cái quyền được cãi lời mẹ, vì thế mẹ xem sự phục tùng của nó là điều hiển nhiên. Cấp hai lên cấp ba, Gia Kỳ thi chuyên Sinh, điền ba môn cần ôn là Sinh, Toán, Hóa.
Gia Kỳ thích ca hát nhưng nó không cho ai biết, trừ tôi và cậu, hai kẻ khác không phải nó cũng bất lực trước cuộc đời.
Trong suốt mười năm có lẽ, thằng bé cứu rất nhiều người, từ người quen đến người lạ, từ thượng lưu đến thấp kém, đến giây phút đặt chân vào cửa tử, người nó không thể cứu chỉ có bản thân và cậu.
Ngay điểm khởi đầu Gia Kỳ đã không xem bác sĩ là một nghề nghiệp, mà là nguyện vọng cuối cùng.
Chúng tôi từng ước hẹn về một tương lai, Gia Kỳ và cậu cùng đứng trên sân khấu, tôi nhờ thợ chụp cho cả hai một bức ảnh treo giữa phòng. Ảnh cưới. Đám cưới ma. Đám cưới mà chẳng ai trên thế giới ngoài ba chúng tôi nhận thiệp.
“Em chưa từng hối hận về những chuyện đã qua, chuyện em biệt tăm hay trở thành thằng con phản nghịch.”
Thằng bé nói.
“Em chỉ đau lòng, em thương cậu ấy quá.”
*
Đinh Trình Hâm là hàng xóm của chúng tôi.
Cậu bị đần, hay cười và lơ ngơ như một đứa trẻ dù đã 16.
Cậu sống với dượng. Ông là cảnh sát, cũng quyền thế lắm, người ta hay gọi ông là “Sếp Cao”. Lúc nào Sếp Cao cũng cười, dáng cao gầy, vận áo sơ mi trông rất đạo mạo. Sếp Cao nuôi Đinh Trình Hâm - con riêng của người vợ đã khuất, tiếng lành vang xa, đối với khu tôi thì việc làm của Sếp Cao như Bồ Tát sống.
Mẹ tôi chắc nịch: “Nếu không có Sếp Cao, thằng nhóc đó chết vất vưởng lâu rồi.”
Nếu mẹ biết Trình Hâm thà chết vất vưởng chứ không cần người đàn ông giả tạo đó nuôi, có lẽ mọi chuyện đã không đi xa đến vậy.
Lời cuối cùng tôi nói với Cao Thái Cường trước khi cảnh sát gông cổ ông vào tù là “Chó chết”, mặc kệ ông ta có nghe thấy hay không.
Vụ án “Bố dượng đánh chết con riêng của vợ” từ năm 1990 đến năm 2008 mới được đưa ra ánh sáng. Tôi lấy nó làm quà cho buổi tân gia của Mã Gia Kỳ và Đinh Trình Hâm ở một nơi nào đó mà tôi không biết tới, như cái cách gã đồ tể tiến hành hiến máu, như cái cách tôi chúc phúc cho hai đứa nhỏ.
Mẹ tôi không nói một lời. Tôi cũng không cần bà nói gì cả, những ân hận sau này đã chẳng còn quan trọng.
Thật tình thì mẹ không đáng ghét, sự bảo thủ và độc đoán của bà mới khiến tôi ghét. Tôi ước khi ấy, bà có thể nhẹ nhàng với chúng tôi hơn một chút, chỉ thế thôi.
*
Cao Thái Cường đánh Đinh Trình Hâm mỗi ngày.
Vui đánh, buồn đánh, tức giận đánh, hài lòng cũng đánh. Ông là con chó điên. Nếu không phải Cao Thái Cường kì thị đồng tính luyến ái, có lẽ ông đã cưỡng hiếp con riêng của vợ.
Đinh Trình Hâm nói cậu đã từng phản kháng, nhưng cảnh sát không đứng về phía cậu, vòng kiểm soát của Cao Thái Cường càng không để cậu liên lạc với những tổ chức lớn hơn. Khi bị phát hiện, ông lại đánh cậu thừa sống thiếu chết.
Cậu được giáo dục trong môi trường của một nô lệ, những gì ông dạy cho cậu là phục tùng, khép miệng, âm thầm chịu chết.
Người quanh khu thờ Cao Thái Cường như thờ phật, vì thế, khi Gia Kỳ thưa chuyện lên đồn, phản ứng đầu tiên của họ là nghĩ thằng bé nói dối. Họ bảo Gia Kỳ về đi, trấn an thằng bé bằng những câu vô nghĩa rằng họ sẽ làm đến nơi đến chốn.
Sa Điền của 1990 như nhốt chúng tôi vào một cái hũ, vặn kín nắp lại, mãi không tìm được ánh sáng. Ở cái thời đại cũ rích ấy, chúng tôi sinh ra và chết đi, và chui nhủi như những con gián ngay trong thực tại của mình.
Khi xã hội muốn trách cứ bất kì điều gì, trước tiên hãy nhìn vào hoàn cảnh của họ.
Tôi không trách Đinh Trình Hâm, cậu là người bị hại.
Tôi trách Cao Thái Cường, ông ta là cầm thú.
Tiếng máy cưa nhà hàng xóm vang hàng đêm, cho tới khi tôi biết Cao Thái Cường dùng nó để che đi tiếng gậy đập, tiếng đổ vỡ và tiếng la hét, tôi mới cảm thấy ám ảnh thế nào.
Thỉnh thoảng, trong giấc mơ, tôi vẫn nghe thấy tiếng máy cưa đan vào tiếng khóc xé lòng của cậu.
Thỉnh thoảng, trong giấc mơ, tôi thấy cậu gọi tên Mã Gia Kỳ.
*
Đinh Trình Hâm không được yêu, rồi Mã Gia Kỳ xuất hiện, nó yêu cậu, xem cậu là mục tiêu duy nhất.
Đinh Trình Hâm không còn nữa, Mã Gia Kỳ biến mất, nó thương cậu, xem cậu là nguyện vọng cuối đời.
Cao Thái Cường nói với mẹ tôi chuyện Gia Kỳ và cậu yêu nhau.
Ông ghen. Ông cảm thấy việc Đinh Trình Hâm được người khác yêu chính là mối nguy hiểm, những phục tùng, ngoan ngoãn mà ông dạy dỗ sẽ theo Gia Kỳ mà mất hút. Ông diệt cỏ từ gốc, và Cao Thái Cường đã đúng, mẹ tôi cấm tiệt Gia Kỳ.
Thằng bé bị nhốt trong phòng hai tuần. Việc học tạm hoãn, sinh hoạt mẹ canh từng tí một. Mẹ không cho phép ai đến gần Gia Kỳ, hàng ngày đều mở cửa đúng giờ và giảng rất nhiều kiến thức để chứng minh “tình yêu đồng giới là bệnh hoạn”.
“Mẹ phải giấu mặt vào đâu? Rồi người ta sẽ chê cười, nói mẹ không biết dạy con, nói mẹ sinh ra một đứa ghê tởm. Gia Kỳ, con muốn mẹ sống thế nào?”
“Lý tưởng của mẹ là nuôi con khôn lớn, nhìn con thành đạt, lấy vợ sinh con. Một Mã Gia Thành chưa đủ để mẹ đau khổ sao? Con bạc bẽo với mẹ quá!”
Rồi thì.
“Mẹ chỉ muốn tốt cho con thôi mà.”
Tôi phát chán với đống lý luận khốn kiếp của mẹ, đến mức tôi ân hận vì lúc đi đã không dẫn Gia Kỳ theo, dù kết cục của tôi là bị lưu đày nơi trần gian và mãi mãi không được siêu thoát.
Chúng tôi như thú trong rạp xiếc, bị trói buộc, theo dõi, giam cầm, huấn luyện để mua vui cho khách lạ.
Tiếng máy cưa vang xuyên suốt.
Rồi như linh cảm của một kẻ đi trước, tôi nhận ra Trình Hâm đang đến rất gần mình.
Tôi nhảy cửa sổ, từ phòng ngủ xuống đất là hai tầng kèm một mét nền, Gia Kỳ gãy chân.
Tối ngày thứ mười ba, nó được đưa vào bệnh viện.
Sáng ngày thứ mười bốn, Đinh Trình Hâm mất.
Mười bốn ngày đưa chúng tôi xuống địa ngục, Phán Quan tuyên án, Thần Chết gọi tên, vội vàng đến mức chúng tôi không thể gặp nhau lần cuối.
*
Mã Gia Kỳ suy sụp, trầm cảm rồi bình tĩnh.
Thằng bé đã khác.
Khi nhìn xoáy vào đôi mắt vô hồn của nó, tôi bắt gặp nụ cười của Đinh Trình Hâm như còn sót lại. Gia Kỳ ít nói và lạnh nhạt, nó không thiết tha niềm vui, không thiết tha nỗi buồn, không thiết tha những quan tâm đã trở nên dư thừa của mẹ.
Thằng bé thường đến mộ của cậu. Nó dọn sạch cỏ. Thắp nhang. Hôn lên tấm ảnh đã phai màu trên bia và tỉ tê gọi tên cậu. Những lần mẹ hoảng hốt đi tìm khi đồng hồ đã qua 12 giờ đêm, Gia Kỳ đang lặng thinh nơi nghĩa trang u uất.
Nó đậu Y rồi. Trở thành bác sĩ. Kiếm thật nhiều tiền gửi về cho mẹ.
Nó tồn tại đến năm ba tư tuổi, khi lương trong bệnh viện tỉnh đã ổn định, khi danh tiếng của một bác sĩ trẻ tài ba đang độ cao trào, nó thôi tồn tại nữa. Gia Kỳ về nhà sau nhiều năm vắng mặt, nó quỳ trước mặt mẹ rất lâu, sau đó rời đi và biệt tích.
Mã Gia Kỳ mất.
Thằng bé nói với mẹ tôi.
“Con thương cậu ấy quá.”
“Đợi mười bảy năm rồi.”
“Bất hiếu với mẹ là mình con tội lệ. Nhưng tình yêu của chúng con không có lỗi. Nếu mẹ nghĩ A Trình làm sai thì con của mẹ cũng không hề đúng. Nếu mẹ nghĩ A Trình mê muội thì con của mẹ cũng ngu đần. Con ưng cậu ấy. Một chữ “ưng” bằng một kiếp người. Con về đây để gặp mẹ lần chót, không phải xin mẹ chấp nhận thành toàn cho chúng con.”
*
Thỉnh thoảng, tôi nhìn thấy Đinh Trình Hâm đang vun đất cho một chậu hoa bên kia ban công. Mã Gia Kỳ ngắm cậu rất lâu, nó quên cả việc phơi đồ, ở cái khoảng cách mà chỉ một tiếng gọi cũng có thể nghe thấy, nó đã lặng thầm nhìn cậu.
“Cậu ấy đáng yêu nhỉ?”
“Ừm.”
“Muốn làm quen không?”
“Em không dám.”
Tôi bật cười, kêu to một tiếng “Này!” rồi núp vội.
Đinh Trình Hâm vô cùng ngạc nhiên với tiếng kêu đó.
Trời nắng, bên kia dãy kẽm gai mọc lên tua tủa ngăn cách hai căn hộ, mi mắt phẳng lặng của cậu rung khẽ như vị thần vừa thả một viên pha lê xuống hồ Nguyên Sinh.
“Kết bạn nhé?” Gia Kỳ gợi ý.
Trình Hâm ngơ ngẩn gật đầu.
*
Thỉnh thoảng, trong giấc mơ, tôi thấy Mã Gia Kỳ ngồi cạnh mộ mình. Thằng bé uống say khướt, nó khóc như đứa trẻ đang thèm lắm cái cảm giác được sà vào lòng người mà nó tin cậy.
Khi tôi vòng tay ôm nó, xuyên thấu và hư vô đánh bật tôi về hiện thực, tôi là kẻ đã chết.
Giọng Gia Kỳ không chút cảm xúc.
“Em thích A Trình.”
“Cậu ấy là hy vọng của em.”
“Cũng là tuyệt vọng.”
Khi tia nắng cứu rỗi không còn, đứa trẻ trong phòng sẽ chết.
Tôi chết khi khẳng định rằng mình đã thôi mơ mộng về những phép màu có thể ôm ấp linh hồn mục ruỗng của tôi.
Gia Kỳ chết khi nó nhận ra bản thân chẳng cần một phép màu nào nữa.
*
Thỉnh thoảng tôi kể, bởi tôi không thường nhớ lại.
Những kí ức đau thương đã qua, sứt sẹo và điêu linh cho Đinh Trình Hâm, cho Mã Gia Kỳ, cho mẹ tôi ân hận đến bây giờ và cho một Mã Gia Thành luôn cố gắng để không hoài niệm.
Tôi vẫn vất vưởng nơi đây.
Bên kia chân trời, đâu đó kẻ có tình vẫn tìm lấy nhau.
Thỉnh thoảng, Mặt Trời thôi giãy chết giữa dai dẳng tháng năm nó luôn giãy chết.
Hết.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top