Vỏ quýt dày có móng tay nhọn


Lúc nghe thiếu gia Triệu An nói năm nào Võ cử cũng chỉ hỏi đi hỏi lại mấy câu, ta cứ tưởng chắc cùng lắm thì chỉ cần học số chữ cỡ quyển "Tam tự kinh" thôi, ai dè nó còn nhiều hơn hai cuốn "Luận Ngữ" và "Mạnh Tử" cộng lại. Lỡ đồng ý rồi không còn đường nào mà rút lui được nữa, ta đau khổ lận sách vào lưng, sáng trưa chiều tối đều mang ra đọc.

Võ cử tổ chức sớm hơn thi Hương một tháng, vậy là còn chừng bốn tháng nữa là ta phải bước lên đoạn đầu đài, xông pha vào đấu trường tả xung hữu đột để giành cái danh hiệu Cống sĩ kia. Bốn tháng nói dài không dài, nói ngắn cũng không ngắn. Sáng ta đi làm vườn, cho gà ăn. Trưa ta bắt đầu giặt giũ quét dọn, lo việc bếp núc. Tối đến là lúc may vá, làm thủ công. Chớp mắt cái đã ba tháng trôi qua mà sách đề thi thì mới học được hơn nửa.

Không thể trách ta được vì thật sự bận bịu quá, nào có thời gian rảnh rỗi để ôn bài. Được cái ta đã nhớ cái gì thì nhớ rất dai, hơn phân nửa đề thi này bắt ta đọc ngược lại cũng được. Thiếu gia thi thoảng sẽ khảo bài, hoặc kêu Trần Duy kiểm tra ta. Ngài khá hài lòng với tiến độ học tập này, còn khen ngợi ta kiên trì, không thấy khó mà nản lòng.

Mỗi lúc như vậy Trần Duy lại được dịp bĩu môi, chê ta rằng: "Một ngày học nửa trang, hai ngày sau mới nhớ nổi, còn thua cả Chí Mén nhà ông Tư."

Chí Mén là một đứa trẻ bảy tuổi, học trò nhỏ nhất ở trường học. Ta bị đem ra so sánh với con nít cũng không thấy nhục nhã gì, vì dù sao đứa con nít đó cũng là thần đồng trong huyện. Hạng nữ nô như ta biết đọc biết viết đã là hiếm có khó tìm lắm rồi, ba ngày nhớ được nửa trang thì đã sao, ta còn thấy phổng mũi tự hào nữa kìa.

Ta khi đó hất cằm cãi lại Trần Duy: "Ngươi chỉ giỏi nói phét, rõ ràng ta chỉ cần một ngày là nhớ được nửa trang. Ngươi có giỏi thì vừa lo việc nhà vừa học bài xem, không chừng một chữ ngươi cũng nhớ không nổi."

Thiếu gia đánh hơi thấy sắp có ẩu đả ở trong thư phòng của ngài liền nhét cho chúng ta mỗi người một hạt sen, hòa giải: "Hai người các ngươi ai cũng giỏi, là trợ thủ đắc lực mà ta đào tạo ra. Mỗi người lo liệu một việc khác nhau, mắc gì mà ngày nào cũng cãi lộn vậy?"

Ta nhìn hạt sen trong tay mà buồn hết sức. Hạt sen này là tự tay ta trồng, cất công đi thu hoạch rồi tốn sức phơi khô. Việc chân tay khó, việc đầu óc căng thẳng, ta là con người chứ có phải con trâu, con bò. Thế là ta tức ở trong lòng, mếu mặt bỏ hạt sen vào miệng, vị thơm ngon của nó cũng không át được nỗi đau khổ tận tâm can.

Trần Duy suốt ngày cãi nhau với ta, hắn đã quen bị ta bốp chát lại, có khi còn động chân tay với nhau. Nay mắt thấy ta sắp khóc tới nơi thì hắn hoảng lắm, bối rối nhét hạt sen thiếu gia cho vào tay ta: "Nè, cho ngươi, ta sai rồi được chưa. Sau này ta không chê ngươi ngu ngốc nữa."

Hắn không nói gì thôi, giờ ta lại nhớ đến vô số lần bị ức hiếp. Ta ít học làm sao cãi lại thư đồng nhiều chữ, gây lộn chục lần chỉ thắng được một, hai là may rồi. Nước mắt mới rơm rớm lấy đà trào ra một lược, ra ngửa mặt khóc đến nghẹt mũi tắc thở.

Thiếu gia Triệu An bỏ quạt xuống, xua tay đuổi Trần Duy ra ngoài rồi quay lại vuốt lưng ta: "Ngươi khóc cái gì? Có phải lần đầu hắn xấu miệng vậy đâu. Ngươi cứ coi như hắn nói hươu nói vượn, đừng để trong lòng."

"Cái nhà này..." Ta nấc một cái, ấm ức kể khổ: "Việc gì cũng đến tay Nô. Mệt lắm, còn bị ức hiếp..."

Thiếu gia nhíu mày, đau lòng vuốt tóc ta, còn lấy tay áo lau nước mắt cho ta. Ta ngửi mùi nắng trên áo ngài, cái này cũng là nhờ ta tranh thủ trời nắng đẹp đi phơi mới được vậy: "Ngài xem... áo này chất liệu dễ hỏng, Nô tốn nhiều thì giờ mới giặt sạch được, lại phải đợi nắng vừa mới dám đi phơi, giờ ngài lại làm nó bẩn rồi. Thời gian của Nô đều dành cho ngài... Nô thật sự mệt mỏi lắm, học không có vào."

Mắt ta nhìn đến đâu thì kể đến đấy, từ nhỏ đến lớn có thứ gì mà ta không từng động tay qua. Thiếu gia nghe ta kể cũng xiêu lòng, cuối cùng cầm tay ta, nắn nắn mấy vết chai mờ trên đó. Ngài nhỏ nhẹ an ủi: "Ta biết ngươi vất vả, trong nhà này ngươi là nhất, không ai lao tâm khổ tứ bằng ngươi."

"Ngài biết thì có ích lợi gì." Ta nghẹn ngào: "Đường nào Nô cũng phải làm, phải học hết thôi."

Thiếu gia thở dài: "Vậy thôi đừng học nữa."

"Nhưng mà không học thì không thi đậu đâu." Ta lại nấc, hít mũi tỏ ra đáng thương. Đâu phải tại ta lười, là do có lòng mà sức không đủ đấy chứ.

Thiếu gia lấy khăn tay chùi mũi cho ta, thương xót nói: "Ta nói không học thì không cần học. Dù sao ta cũng biết đề thi, ngươi học đúng câu đó là được."

Ta làm như chưa tin lắm, hỏi lại: "Ngài biết đề thi?"

"Ừ."

Ta nghe giọng điệu rõ ràng, biểu cảm thản nhiên này của thiếu gia thì chắc chắn là vậy rồi. Thế là ta lập tức nín khóc, tự lấy khăn tay ra lau mặt, tỉnh bơ nói: "Sao ngài không nói sớm, đỡ mất công Nô học nhiều như vậy, còn tốn biết bao nhiêu là nước mắt."

"Ngươi..."

Thiếu gia cả giận ném cái khăn tay dính nước mắt, nước mũi tèm lem lên bàn, bực mình: "Ngươi lại chơi trò này với ta, chán sống rồi à?"

Ta trừng mắt: "Ai bảo ngài lừa ta trước. Ngài dám nói ngài không cố ý hành ta, bắt ta học đề thi không?"

Thiếu gia khụ một tiếng, cơn giận bay biến đi đâu mất, chột dạ bào chữa: "Đó là vì tốt cho ngươi, làm người phải văn võ song toàn mới được, nghiêng về một phía sau này sẽ bị nhà chồng nói là sư tử Hà Đông, lúc đó người ta lại mắng ta không biết dạy dỗ người làm."

Ta trề môi, làm sư tử oai phong biết bao nhiêu, còn sợ người ta nói xấu sau lưng chắc? Ai dám nói ta như vậy xem ta có cắn nát cổ hắn ra không. Nhưng mà ta dữ với ai cũng được, tới lược thiếu gia thì phải cung kính. Ta dâng quyển đề thi lên bằng hai tay, mỉm cười: "Kính mời thiếu gia đánh dấu đề thi năm nay lại cho Nô."

Thiếu gia giật sách khỏi tay ta, lắc đầu ngồi xuống phản. Ngài lấy bút khoanh tròn một câu rồi vứt sách lại cho ta, bất lực nói: "Năm nào cũng khóc một trận, mà lần nào cũng khiến ta..."

Ngài bỏ ngỏ lời đang nói dở, thở dài thườn thượt, nâng tách trà mà mãi không nhấp được một ngụm. Ta đạt được mục đích rồi nên không quấy rầy nữa, vui vẻ cầm sách đi ra ngoài. Trần Duy đứng đợi thấy ta đi ra thì giật thót, giả bộ nhìn trời mây hoa lá chứ không dám nhìn ta.

Ta không trách hắn, nói thật thì sống cùng nhau lâu rồi, có khi không cãi nhau với hắn ta còn thấy trống vắng nữa là. Còn thiếu gia sao, ha ha, ta đã biết ngài cố ý bắt ta học từ lâu rồi. Chẳng qua ta biết không thật sự cố gắng, không làm ngài đau lòng thì còn khuya ta mới ép ngài cho ta biết đề thi được. Từ học cả quyển sách dày giảm xuống còn phân nửa đã là ăn món hời lớn, ta không thể được voi đòi tiên. Chuyện dùng nước mắt này cũng không được dùng thường xuyên, một năm một lần là vừa vặn.

Còn việc tại sao thiếu gia lại biết đề thi thì không nằm trong phạm vi mà ta có thể tư duy tới. Dù sao thì người không bình thường phải làm được việc người bình thường không làm được mà đúng không?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top