Tìm vui ở những người xa lạ
Cách hai tuần tới ngày thi Võ cử, huyện Thanh Thiên đông đúc hơn mọi khi vì số sĩ tử từ các trấn xung quanh đổ dồn về. Nguyên nhân là do phía Tây và phía Nam huyện Thanh Thiên không phải đồi núi thì là rừng rú, ở vùng sâu vùng xa không được tổ chức thi thố gì nên mọi người phải lặn lội đến đây. Cộng thêm sau Võ cử một tháng là tới kỳ thi Hương, thí sinh văn võ gì cũng tề tụ lại hết.
Thừa dịp đông người dễ trà trộn, hai tuần này ta thường xuyên giả nam trang đi loanh quanh trong huyện. Ta đánh tiếng là người đến từ phương xa đến đây thi thử sức, may mắn được thiếu gia Triệu An cưu mang cho ở nhờ, hợp lý hóa chuyện ta trở về biệt phủ nghỉ ngơi vào ban đêm.
Thật ra số người thi võ không nhiều lắm, so với số người thi văn thì kém rất nhiều. Việc này là do mấy năm trước chiến tranh loạn lạc, quân khu thiếu người nên ra quyết định bắt mấy người từng thi võ tòng quân. Từ đó người ta có ác cảm với việc thi võ, dù nay đã là thời bình thì phụ huynh vẫn sợ con cháu mình bị bắt đi đánh giặc.
Chính vì số lượng thí sinh thi võ ít ỏi nên dân chúng trong huyện sẽ nhớ mặt hết, thế nên ta mới phải vất vả đi tạo vỏ bọc thế này. Mà cũng nhờ vậy mà ta được thoải mái trốn việc, cả ngày lêu lỏng vui sướng vô cùng.
Ta tất nhiên sẽ không tiêu tiền vào mấy nhà trọ, quán ăn. Nơi ta đến thường xuyên nhất là miếu thờ Quan Âm hay mấy sạp nghỉ được người dân dựng ở ven sông. Thí sinh nghèo không có tiền thường chọn mấy chỗ này nghỉ ngơi, đông người nên lắm chuyện thú vị.
Ta say sưa nghe một ông chú kể chuyện ma quái ở trên núi, nghe nói khu núi phía Tây có nhiều oan hồn, thường xuyên dụ dỗ người lạc đường ở lại đến chết đói chết khát cũng không thoát ra được. Quay qua là có ngay một thiếu niên sống trong rừng kể chuyện thần tiên, chốn hoang vu hay có tiên nữ ghé qua, tạo nên chuyện tình ngang trái với anh tiều phu may mắn. Nghe kể xong thì đi coi chọi dế, hứng lên thì tham gia đấu ô ăn quan, cả ngày dài không lúc nào là chán.
Đều là người sống trong vùng, tập quán văn hóa giống nhau thế nên rất dễ bắt chuyện. Có người kia nhà nghèo, hy vọng thi đậu lãnh bổng lộc đổi đời. Có người thì giàu có của ăn của để, chỉ mong đạt chút công danh làm rạng rỡ dòng họ. Cũng có người đơn giản là thi cho vui, coi như trải nghiệm tích lũy vốn sống. Chúng ta tình cờ gặp nhau, chia sẻ đôi câu là thành bạn, thi xong rồi thì tạm biệt, có khi chẳng bao giờ gặp lại được nữa, chẳng tính toán gì với nhau nên càng thoải mái vui vẻ.
Rõ ràng là quan hệ cạnh tranh, thế mà trong cái miếu rách này chỉ có hòa thuận và hào hứng. Bọn họ không ngại chia nhau miếng bánh ngụm nước, trời nắng thì rủ nhau chơi đùa, trời mưa thì co ro ngồi gần nhau sưởi ấm. Nhìn quanh một vòng rất dễ bắt gặp vài tụ người quây lại, giúp nhau ôn bài. Khi đám võ sĩ hứng lên còn ra ngoài sân tỉ thí, thế là chúng ta lại có dịp bắt kèo thắng thua, cược bằng quả dại hay cá tôm bắt ngoài sông.
Ban đêm, ta tay xách nách mang trở về. Bên trái là vò rượu nhỏ, bên phải là khô cá một nắng, đây là nhờ thắng cược mà có. Thiếu gia Triệu An ngồi ngoài đình bên bờ hồ chơi cờ một mình, thấy ta đi ngang thì ngoắc tay gọi lại.
Ngài nhìn ta kệ nệ để đồ lên bàn, tự giác kéo bàn cờ vây qua để chừa chỗ, thích thú nói: "Nô tới đúng lúc lắm, còn đem cả đồ nhắm nữa à?"
Ta thành thật kể lại sự tình, chuyện gì cũng nói, chi tiết diễn biến đến từng thế võ và phản ứng của người xung quanh, kể hăng say vô cùng. Ta sống cùng thiếu gia bao năm, tài nhìn người không chuẩn mười phần cũng phải được bảy, tám phần. Luận võ không thể nhìn tướng tá ai cao to hơn, mà còn phải nhìn hành động, thái độ và ánh mắt. Ta dựa vào khả năng phân tích cặn kẽ mọi yếu tố mà suy luận, kết quả là cược ba lần toàn thắng. Kể xong rồi thì cổ họng hơi khô, ta cứ thế mở nắp vò rượu, rót vào chung trà nốc một hơi cạn sạch.
Thiếu gia đẩy miếng khô cá trên bàn, bĩu môi: "Nô thì vui rồi, ta mấy ngày nay không cháo trắng rau dưa thì là thịt nướng khét lẹt, ăn đến mất luôn vị giác."
"Ngày mai Nô không đi nữa, đãi thiếu gia một bữa thịnh soạn được không?" Ngoài khô cá, ta còn được một túi hương liệu, nghe nói thứ này nấu canh rất thơm, ngửi sơ qua thôi đã chảy hết nước miếng. Ngày mai ta năn nỉ Trần Khiêm bắt chim hay gà rừng về hầm chắc ngon lắm.
Thiếu gia lắc đầu từ chối: "Tâm ý này ta nhận, mà thôi để sau khi Nô thi xong rồi mở tiệc mừng cũng không muộn."
Bàn cờ chị chiếm chỗ, nhô ra ngoài bàn hơn phân nửa, thiếu gia phải dùng một tay đỡ lấy, tay còn lại cầm quân đen tiếp tục đánh cờ. Ta không hiểu mấy thứ này, chỉ thấy quân đen còn rất ít ỏi. Thiếu gia thấy ta ngó qua thì cười: "Muốn học không, cái này vui lắm, học giỏi thì đi cá cược với người ta, còn dễ ăn tiền hơn tỉ thí đánh nhau."
Ta nhăn mặt: "Thôi ạ, xem ngài chơi là đủ vui rồi."
"Xem mỗi ta chơi thì vui thế nào được. Ngày mai Nô đi vào trường Đăng Khoa đi, đừng đến mấy miếu thờ nữa, xem xem người ta đánh cờ thế nào để mở mang tầm mắt, biết đâu lại gặp được người tài giỏi hơn ta." Mặc dù ngày thường thiếu gia rất thích nói đùa trêu ghẹo ta, nhưng lúc này ngài hoàn toàn nghiêm túc. Ngài thật sự muốn ta đi tìm người khác để ngưỡng mộ sao?
Ta chưng hửng, ngồi suy nghĩ mãi vẫn không thấy bản thân đã làm gì sai. Chẳng lẽ do ta từ chối học đánh cờ nên làm ngài phật lòng? Cái này không trách ta được đâu, ta vốn lười học mấy thứ không có tác dụng gì với đời sống thường ngày lắm. Lâu lâu đánh cược thì vui, chứ đi cược thường xuyên thì thành con bạc ham mê đỏ đen rồi.
Nhớ đến gia đình Ngọc Am trước kia tuy không phải phú hào thì cũng là nhà khá giả, nay vì phụ thân hắn ham mê cờ bạc mà tán gia bại sản. Sau đó mẫu thân hắn phải chạy vạy mượn nợ khắp nơi, cuối cùng lãi mẹ chồng lãi con, hắn phải viết chữ đến bong gân mấy năm liền mới trả hết nợ.
Thế nên trong tất cả thú vui đời người thì ta sợ nhất là cờ bạc. Ham rượu, tham ăn thì chỉ hại bản thân, còn cờ bạc thì hại cả người xung quanh mình. Ta chẳng còn người thân ruột thịt nào, chẳng có ai bán mạng vì ta như Ngọc Am làm với phụ mẫu hắn đâu. Ta mà làm bậy chỉ tổ xấu mặt thiếu gia, mà ngài là mái nhà che chắn cả đời ta đấy, ngài bỏ ta rồi thì thành tứ cố vô thân, chẳng còn ai trên đời này để quan tâm tới nữa.
Ta không ngờ việc giữ mình như ngọc, tránh xa tệ nạn xã hội lại khiến ngài không vui, xụ mặt nói: "Người khác tài giỏi thế nào thì liên quan gì đến Nô. Ngài muốn Nô học đánh cờ giải trí cho ngài cũng được thôi, nhưng mà ta ngốc lắm, không khéo còn khiến ngài phiền não hơn."
Thiếu gia búng quân cờ trắng vào trán ta, nó nảy ra rơi trúng phốc vào một ô trên bàn cờ. Ta không thấy đau lắm nhưng vẫn xoa trán, sợ tí trí khôn còn sót lại cũng văng ra theo quân cờ.
"Không muốn học thì thôi, xưa nay ta có bắt ép ngươi làm gì không hả?" Thiếu gia bình thản nói: "Học đánh cờ để rèn tâm tính, ngươi không thích học thì tiếp xúc nhiều người vào. Hơn nữa không phải ngươi ham vui sao, đến trường học còn vui hơn chỗ miếu thờ nhiều."
Ta nhăn nhó: "Trường học toàn người ra vẻ đạo mạo, thanh cao, có gì vui được chứ?"
"Có một tiếng cười gọi là trào phúng. Ngươi cứ coi trường học là gánh xiếc, sĩ tử ở đó là con hát thì thấy vui ngay. Ngoài ra ta cần ngươi làm một chuyện..."
Thiếu gia nhìn ta đầy thâm ý, rất giống ánh mắt khi ngài sai bảo Trần Khiêm đi hại người. Ta thẳng lưng, cảm thấy vai mang trách nhiệm nặng nề, cung kính nói: "Thiếu gia cứ tự nhiên sai bảo, Nô sẽ cố gắng hết sức mình, có chết cũng không lùi bước."
Ngài mỉm cười, với tay xoa đầu ta: "Ta cần ngươi không làm gì cả."
"Không làm gì cả?"
"Đúng vậy, có thấy chuyện gì cũng nhắm mắt làm ngơ, như vậy là đã giúp ta rồi đấy."
Trần đời ta chưa bao giờ biết không cần làm gì cũng là giúp ích cho người khác. Phải chi ngày nào cũng được vậy thì vui hết biết.
Ủng hộ tác giả tại: https://www.facebook.com/nowhereblooming
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top