Đã là người nhà thì phải đùm bọc lẫn nhau
Nhắc tới chuyện thi cử ta mới nhớ chừng nửa năm nữa là có kỳ thi Hương. Kỳ thi này được tổ chức ba năm một lần, người nào đậu mới được phép thi Hội, cuối cùng là thi Đình.
Thiếu gia Triệu An đã qua kỳ thi Hương vào sáu năm trước rồi, được gia nhập vào hàng ngũ cử nhân, không cần thi Hương nữa. Còn thi Hội cũng tổ chức ba năm một lần, vừa vặn là vào năm sau. Lúc đó nếu thiếu gia muốn thi thì chắc phải về Tướng phủ vì trường thi được tổ chức ở đó, về nhà thì tiện cho việc chuẩn bị hơn. Mà muốn thành Trạng Nguyên thì phải đỗ thi Đình cơ, còn phải đỗ với điểm tuyệt đối.
Ta tính tới tính lui, lẩm bẩm: "Năm nay Ngọc Am mười sáu, hai năm nữa mà là Trạng Nguyên thì sẽ thành người trẻ tuổi nhất. Nhưng nếu thiếu gia cũng đi thi, đậu cả văn lẫn võ thì sẽ thành Song Trạng Nguyên, vẫn đè Ngọc Am một cái đầu."
Trạng Nguyên chỉ cần điểm tuyệt đối, không phân hạng nhất nhì. Thế nên trường hợp có nhiều Trạng Nguyên một kỳ thi vẫn có thể xảy ra, dù xưa nay chưa từng xuất hiện. Ngược lại, nếu không có ai đủ điểm thì kỳ thi đó sẽ không có Trạng Nguyên, quá khứ đã xảy ra rất nhiều lần như vậy.
Thiếu gia nghiêng đầu nghe ta lảm nhảm, xen vào nói: "Sao ngươi biết ta sẽ thi cả văn lẫn võ?"
Ta nhướng mày, coi đây là chuyện đương nhiên: "Ngài là con trai Tướng quân, theo truyền thống gia đình thì phải thi võ chứ, còn được đặc cách nhiều thứ. Hơn nữa ngài khổ luyện như vậy không lẽ chỉ để cường thân kiện thể? Nô còn thấy ngài thường xuyên xem binh pháp, rõ ràng là chuẩn bị thi võ."
"Thế cũng đâu có nghĩa ta sẽ thi văn?"
"Nhưng ngài là cử nhân rồi, giờ mà bỏ không phải quá đáng tiếc sao? Trong trường học có người hơn ba mươi rồi vẫn miệt mài khoa cử mà chưa qua được kỳ thi Hương đó. Hơn nữa đậu thi Hội sẽ được gọi là Tiến sĩ, được bổ nhiệm chức quan, có bổng lộc hàng năm. Ngài không muốn công danh cũng phải cần lợi lộc, sao lại không thi được chứ?" Ta phân tích rành mạch, càng nói càng thấy có lý.
Thiếu gia phì cười, lấy quạt gõ đầu ta mấy cái: "Tóm lại Nô chỉ quan tâm đến bổng lộc thôi đúng không, Nô không quan tâm ta gì cả. Mỗi ngày ta khổ cực rèn luyện làm gì, cuối cùng chỉ bị người ta xem là công cụ kiếm tiền thôi."
Ta lấy tay che đầu, sợ bị gõ nữa thì thành ngu ngốc mất: "Ta chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho ngài, làm việc cần mẫn không đòi hỏi lương lậu, chỉ mong được no bụng thôi. Mắt thấy chúng ta sắp phải đào rễ cây lên ăn rồi thì không lo sao được. Một năm tới thi Hội thì ta còn chống cự được, lâu hơn nữa thì thành bộ xương khô luôn. Ngài không thương xót Nô sao?"
Thiếu gia trầm ngâm, phe phẩy quạt, bộ dạng này so với Ngọc Am còn tuấn tú hơn trăm lần, không cần cố sức cũng toát ra vẻ thi sĩ đại tài. Ngài mỉm cười: "Nô muốn vậy thì ta đành liều mạng mà thi thôi."
Có câu này của thiếu gia thì ta yên tâm. Ngài cố gắng sơ sơ thôi là đủ lắm rồi. Đằng này còn liều mạng thì đâu chỉ đè một cái đầu, đạp Ngọc Am xuống bùn lầy còn được. Bên bạn bè bên chủ tớ, tất nhiên ta phải giữ lòng trung thành với thiếu gia đến cùng. Bánh bao thịt thì ngon đấy, nhưng mà ngon miệng nhất thời không bằng mái nhà che mưa nắng dài lâu.
"Nô à." Bỗng dưng thiếu gia lại gọi ta, còn dùng chất giọng trầm thấp nhẹ nhàng đầy mê hoặc: "Dạo này ăn uống khó khăn nhỉ?"
Đi theo thiếu gia bao nhiêu năm, ta lập tức hiểu ý hùa theo: "Đâu chỉ khó khăn thôi, rõ ràng là khổ không kể sao cho hết. Chum gạo sắp cạn, rau rác chưa kịp mọc lại, thịt thì khỏi nói, một tuần chỉ được hai ba bữa, ta thì quen rồi, còn ngài không được tẩm bổ chịu sao thấu, học văn rèn võ gì cũng cần nhiều sức lực. Nhìn ngài xem, chưa chi đã gầy đi rồi, ai mắt mù mới không thấy thắt lưng ngài rộng ra rồi nè."
Thiếu gia thở dài thườn thượt, ẩn ý nhìn sư phụ Trần Anh đang ngó trời ngắm đất ở bên cạnh: "Mắt mù thì không, già rồi bị viễn thị thì có đấy."
Dù không biết viễn thị là gì, ta vẫn hát bè theo ngài: "Ấy ấy. Ai bị bệnh về mắt đấy, thế thì phải ăn cá nhiều vào. Thịt cá bổ mắt, chỉ có điều cá ngoài chợ vừa mắc tiền lại không tươi ngon. Phải chi có ai chịu khó đi câu ngoài bờ sông thì hay quá. Mùa này ăn cá kho với rau muống luộc thì còn hơn cả sơn hào hải vị."
Cho dù có giả câm điếc, sư phụ Trần Anh cũng chịu không nổi người giống trống, kẻ khua chiêng ở ngay cạnh. Ông khụ một tiếng, không cam tâm tình nguyện đề nghị: "Vừa hay tối nay ta định ra bờ sông đi dạo, sẵn tiện đem theo cần câu ra đó cũng là ý hay. Nhưng tài câu cá của ta chẳng ra sao, hai người đừng trông mong gì quá nhiều."
Ta vờ như không nghe thấy câu cuối cùng, liệt kê một lèo: "Cá kho, cá hấp, cá chiên, hay ông muốn làm canh chua. Trong bếp hình như vẫn còn chút nước cốt me, để ta vào kiểm tra lại mới được."
Thiếu gia gật gù: "Mùa này nước lớn từ sông Thượng đổ về kéo theo tôm cá. Ta bỗng dưng muốn ăn tép rang, tí nữa Nô nhớ dặn ta bảo Trần Duy lục cái giỏ tre trong kho ra đưa sư phụ nhé. Tép ăn cả vỏ tốt cho xương khớp, đặc biệt thích hợp với người lớn tuổi. Sư phụ nên ăn nhiều vào mới phải?"
Sư phụ Trần Anh méo miệng: "Hai đứa này... muốn bóc lột ta đấy à?"
Thiếu gia giả điếc, ôm vai ta đi vào trong, còn nháy mắt với ta một cái. Ta mừng thầm trong bụng, thế là ngoài Trầm Khiêm ra thì có thêm người tăng gia sản xuất rồi, sắp tới không cần lo chuyện thịt thà nữa.
Ta bấm đốt ngón tay tính nhẩm, Trần Khiêm hai, ba bữa đi săn một lần, vậy sư phụ chỉ cần một tuần đi câu hai lần là được, không tính là quá vất vả. Bây giờ gà cũng chịu đẻ, ta nuôi ba con, một con bị dọa tịt trứng từ lâu, hai con kia thay nhau ngày đẻ ngày nghỉ. Vậy là cả tuần đều có chất đạm, không sợ mọi người bị thiếu dinh dưỡng. Người sống chung một nhà phải đùm bọc lẫn nhau, góp lửa thổi cơm chung mới là đạo lý ngàn năm văn vở.
Chuyện ăn uống không cần lo nữa, ta lại phát rầu chuyện tiền bạc. Còn một năm nữa là phải đưa thiếu gia về Kinh đô thi Hội, chi phí trên đường nhất định không nhỏ. Chuyện lo lót tiền bạc thi cử cũng phải lo, ta không trông mong gì ông Tướng quân nữa đâu vì Triệu Minh Yên cũng sẽ thi. Ông ta thể nào chẳng thiên vị con thứ hơn, có khi còn muốn ngáng chân thiếu gia nữa kìa.
Trong lúc ta mặt ủ mày chau, thiếu gia đột nhiên vỗ quạt một cái phạch: "Ta có một ý tưởng kiếm tiền rất hay, không biết Nô có bằng lòng nghe theo?"
Ta không hề nghĩ ngợi gì, miễn nghe thấy "tiền" là sáng mắt nhận lời ngay: "Thiếu gia cứ nói, Nô làm được nhất định sẽ làm."
Thiếu gia nhìn sâu vào mắt ta, trông thật dịu dàng và đáng tin cậy, thế nhưng lời ngài lại như sét đánh bên tai: "Khác với thi văn, người học võ chỉ có hai kỳ thi là Võ cử và Bác cử, đậu Võ cử là được bổng lộc ngay. Nếu Nô cải nam trang đi thi thì..."
"Không được!" Ta lắc đầu nguầy nguậy: "Thi Võ cử ngoài thể hiện tài nghệ còn bị hỏi về binh pháp. Nô dốt đặc cán mai, không đậu nổi đâu."
"Không biết thì học cho biết, có ta ở đây Nô còn sợ học không vào sao? Nếu không phải ta là con Tướng quân, không cần thi Võ cử thì ta đã thi rồi, đâu cần Nô nhọc lòng như vậy." Thiếu gia nhỏ giọng dụ dỗ: "Bổng lộc Cống sĩ đủ để chúng ta ăn thịt no nê tận nửa năm, Nô không muốn sao?"
Đúng lúc sư phụ Trần Anh đi vào, huýt sáo trêu tức ta. Ta nào có ngờ quả báo đến sớm dữ vậy, vừa tính kế người ta xong quay đầu liền bị người tính kế lại. Ta khóc không ra nước mắt.
Đời là bể khổ, làm người thường quả là khó sống.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top