Hà Giang 1945

Ngày 9 tháng 3 năm 1945 không hề chậm trễ, Nhật đảo chính Pháp, nắm toàn bộ chính quyền. Một vài người nghĩ thời cơ cách mạng đã đến, nhưng chưa, chưa đủ. Pháp còn thua Nhật thì nói gì đến ta. Nhật tàn bạo hơn cả Pháp, chúng thật sự nuốt tươi Việt Nam. Khổ ải chồng chất không có dấu hiệu dừng.

Nạn đói ngày càng khủng khiếp. Con số người chết đã lên đến hai triệu. Xác người chồng chất nơi nơi, mùi xác phân hủy đâu đâu cũng có, người ta phải dùng khói để hun làm át mùi thối.

Ám ảnh.

Nỗi ám ảnh đó khắc ghi vào trong ký ức mỗi con người như một cơn ác mộng không dứt. Nhưng điều kỳ diệu khiến cả Pháp, cả Nhật, cả thế giới kinh ngạc là dù chết vì đói, đồng bào ta vẫn không hề giết người mình nuốt miếng thịt sống đó. Bởi vì máu tươi chảy trong người đồng bào Việt Nam là cùng một cội, cùng một nhịp đập, nói cùng một thứ tiếng linh thiêng. Há nào có thể giết nhau để sống còn? Hoạn nạn mới thấy chân tình.

Hà Giang tháng tư năm 1945.

Vào tháng tư, mùa tam giác mạch vừa tàn. Trên sườn núi chỉ còn cây không hoa. Dù nói nạn đói hoành hành ở miền xuôi nhưng thoang thoảng trong gió Hà Giang cũng có mùi xác thối. Nhật vì xem nơi đây là miền núi không quan trọng nên không áp dụng chính sách khai thác ở đây, cũng cho là một điều may mắn đi.

Được lệnh hành động của Đảng, chiến khu hoạt động mạnh mẽ, các lực lượng cách mạng được bổ sung liên tục. Hôm nay căn cứ ở Hà Giang lại đón một đội mới được điều đến. Thiên Yết cùng đồng đội chờ người đến, anh bỗng nhớ đến lời nói của em trước khi rời đi lần đó. Đã mười tháng, em đi mang theo tâm tư của anh về lại Hà Nội, người ở Hà Giang chẳng qua chỉ là một chút ý thức còn sót lại. Điều đó càng khiến anh hết lòng cống hiến cho cách mạng. Chẳng ai biết khi nhận được lệnh hành động anh đã mừng đến nhường nào. Thiên Yết cược, anh mang hai thứ quý giá nhất cuộc đời mình ra cược. Đó là sinh mạng và tình yêu. Hoặc một mất một còn hoặc cả hai...đều mất.

Xử Nữ quả thật có trong đội người mới đến, em đã thực hiện lời hứa với Thiên Yết. Em gầy hơn lần trước khá nhiều. Môi cười dịu dàng với anh nào đâu còn cô gái rạng rỡ ngày trước mà trầm ấm hệt ngọn nến nhỏ bé. Nhưng nhìn sâu trong đôi mắt em, anh lại thấy nỗi mất mác to lớn đến mức như tảng đá che đi ánh sáng chiếu đến. Thiên Yết biết, lần thứ hai đến Hà Nội, anh đã thấy loại ánh mắt của em.

- Chú Yết, đợt này em có thể ở lại Hà Giang luôn, không về Hà Nội nữa.

Bước bên cạnh anh, Xữ Nữ vu vơ nói.

- Sao lại không về? Chẳng phải còn bác Lan à?

Thiên Yết ngạc nhiên.

- Mẹ em...theo bố rồi. Mẹ không qua khỏi nạn đói.

Anh dừng bước, quay sang ôm em vào lòng. Nước mắt từ khi nào tràn mi rơi dài trên khuôn mặt nhỏ nhắn.

- Cả mẹ cũng bỏ em. Bây giờ em chỉ còn chú. Chú đừng bỏ em...xin chú đấy.

- Sẽ không.

Bàn tay gầy của Thiên Yết dịu dàng vuốt lưng Xử Nữ. Em nấc nghẹn từng cơn. Dường như đã lâu lắm rồi em ôm nỗi đau này trong lòng, để nó cấu xé trái tim nhỏ bé đến vỡ vụn, từng chút một nuốt đi linh hồn. Khi bố hy sinh, em không buồn như thế này. Bởi vì bố không phải lúc nào cũng hiện hữu trong nhà, không phải mỗi khi em mở mắt ra sẽ thấy bố, nhắm mắt lại cũng thấy bố cuối cùng. Tuổi thơ em lớn lên thiếu vắng tình thương của một người bố. Nhưng mẹ thì khác. Mẹ lo cho em từng miếng cơm manh áo. Lúc nào cũng lo em chạy đông chạy tây bị thương tổn. Ngày ngày trong nhà đều có mẹ. Đến một ngày không còn tiếng nói mẹ đủ để giết chết thần trí em đến mức nào. Mẹ Xử Nữ qua đời vì đói, vì nhường cho em miếng cơm cuối cùng. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng mẹ cười nhẹ, dường như mẹ thấy bố, bố đến đón mẹ. Cả bố, cả mẹ của Xử Nữ đều lần lượt ra đi bởi chiến tranh, để lại cho em một sức mạnh to lớn cũng để lại một lỗ hổng trong tâm trí em. Một nửa linh hồn em chết rồi, theo bố mẹ về trời, nửa còn lại em để ở nơi anh và nơi đất nước anh yêu.

Xữ Nữ đến chiến khu cùng các cô gái khác, ai cũng mến họ. Núi rừng như được trao tặng thêm sức sống mãnh liệt mà hiền hòa che chở những người cách mạng. Tiếng cười giòn tan cuối cùng cũng vang lên nơi căn cứ quạnh quẽ. Ngày ngày khoảng thời gian được mọi người trông đợi nhất là buổi tối. Tất cả được ngồi xuống cạnh bàn cơm nói cười vui vẻ, mấy anh chiến sĩ cao hứng hát một bài của dân tộc Mông. Khung cảnh thật yên bình và ấm áp. Chỉ là khi nào chưa có hòa bình, ấm áp đó vẫn là phút giây nhất thời sẽ vụt đi. Vì vậy từng người nơi đây đều cùng chiến đâu cho một lý tưởng duy nhất để thời khắc này trôi đi lại đến.

Thiên Yết khẽ khàng quan sát Xử Nữ, em hiếm khi cười tươi như trước. Anh mường tượng ra được đồng hoa tam giác mạch ngày bão, rũ rượi thiếu sức sống. Nhưng hoa không chết đi mà chực chờ nắng ấm đến.

Anh nguyện hóa thân thành từng hạt nắng vàng ôm lấy em, bảo vệ em.

Hai tháng sau khi Xử Nữ đến, đồng đội thấy Thiên Yết cười nhiều hơn, hăng hái tham gia nhiệm vụ bằng tất cả nhiệt huyết mà anh có. Ai cũng bảo hòa bình rồi anh sẽ lấy vợ mà bỏ bạn. Lúc ấy Thiên Yết cười tươi đáp:

- Chúng mày phải đi thật nhiều tiền đấy!

Tình đồng chí cứ thế mà chớm nở trong chiến tranh hồi nào không hay. Người nào dám nói chiến khu chỉ toàn tử khí nghẹt thở bức người. Người đó hiển nhiên chưa thấy cuộc sống sinh hoạt của mấy chục người trêu đùa nhau. Cũng chưa thấy cảnh Lệ e ấp nắm tay Tân bày một mặt thẹn thùng. Và cũng chẳng thấy Thiên Yết sóng vai bên Xử Nữ, em dành nụ cười tươi tắn nhất cho anh, chỉ riêng anh mà thôi. Chiến tranh có thể kết thúc, hòa bình lập lại nhưng tình đồng chí ở chiến khu vẫn cứ bất diệt, không loại bom đạn nào có thể phá hủy được.

Một ngày tháng sáu, Thiên Yết cùng Xử Nữ xuống chợ huyện mua ít thức ăn tươi. Cả bọn ở chiến khu chỉ nuốt rau rừng mãi rồi cũng xanh như tàu lá thiếu chất dinh dưỡng. Có người nói đi săn thì không cho, bảo như thế sẽ tốn đạn, uổng lắm.

- Cô à, đây là món gì vậy?

Xử Nữ tay cầm một miếng bánh màu xám, lốm đốm đen như hạt vừng.

- Bánh tam giác mạch đấy, mùa hoa kia rất tốt, bánh làm ra ngon lắm.

Người bán hàng vừa luyên thuyên nói vừa cười với em. Đúng lúc này, Thiên Yết đi đến, cô ấy thấy vậy liền gói một phần bánh lớn đưa cho em nói mang về cho mọi người ăn.

- A, giờ em mới phát hiện ra gương mặt này của chú thật sự có thể kiếm ăn nha.

Khi cả hai đã đi qua khỏi hàng bánh, Xử Nữ quay sang nhìn Thiên Yết rồi cười cười. Anh không nói gì chỉ cầm một phần bánh đưa cho em. Xử Nữ ngây ngô nhìn miếng bánh trong tay mình dường như là không nỡ ăn. Cuối cùng vẫn hạ quyết tâm bỏ vào miệng. Bánh tan ra hương từ hạt tam giác mạch lan tỏa khó quên. Nuốt xuống miếng bánh như mang cả hương vị Hà Giang vào lòng. Đời này không quên. Khuôn mặt em trở nên tươi tắn rạng rỡ hơn nhiều so với lúc mới đến. Đôi mắt long lanh sáng rực. Ở bên cạnh, anh dịu dàng cười vuốt mái tóc em.

- Nếu thích như vậy, sau này hòa bình rồi phải học làm đấy nhé.

- Hòa bình...sao?

Em lại ngơ ngẩn. Hòa bình là thứ gì đó huyền ảo, xa vời, em có mơ cũng chẳng dám mơ đến. Nhưng cũng chính vì hai từ đó mà Xử Nữ có thêm sức mạnh vô hình để tiếp tục sống và chiến đấu.

Trở lại căn cứ, Thiên Yết nhận được tin phải đến Cao Bằng họp bàn về tình hình cách mạng. Đêm hôm đó, Thiên Yết không ngủ được đến lán tìm Xử Nữ. Anh cảm giác có hòn đá đè trong lồng ngực không cách nào giải bày đến nghẹt thở. Nỗi bất an trong tâm anh chưa bao giờ lớn như thế này. Vì một khoảnh khắc, lầm lỡ cả đời người.

Thiên Yết ra bờ suối tìm Xử Nữ. Trăng trên cao sáng ngời chưa từng có khắc họa hình ảnh người thiếu nữ ngồi bên bờ suối chải mái tóc dài. Em sáng rực giữa rừng núi hoang vu đẹp kỳ lạ tựa ngôi sao. Chiếc vòng bạc lấp lánh trên cổ tay em thu hút. Anh nhìn đến thẫn thờ rồi bất giác cười hồi nào không hay. Chân bước đến gần em hơn, nụ cười dần tươi hơn.

- Gội đầu vào ban đêm dễ ốm lắm.

Xử Nữ miên man đắm chìm trong suy nghĩ nghe tiếng anh thì giật thót, mắt mở to.

- Chú Yết! Chú thật là biết hù người khác.

- Cũng chỉ hù được mình em.

Thiên Yết cầm lấy chiếc lược chải tóc cho em, ánh mắt thập phần yêu chiều.

- Mai chú phải đi rồi nên nghỉ sớm.

Tiếng suối chảy qua khe đá róc rách mang nét đặc thù của núi rừng như đệm thêm cho giọng em thanh thao, trong vắt.

- Không sao.

Rồi chẳng ai nói với ai tiếng nào nữa. Có lẽ trong lòng mỗi người đều chồng chất những âu lo lớn đến nỗi khiến cả anh và em lặng đi. Không ai nói ra nhưng ai cũng hiểu trái tim sâu nơi lồng ngực đang vì người đối diện mà đập mà tiếp tục sống. Thiên Yết và Xử Nữ hiểu, tình cảm của riêng cả hai quá nhỏ bé so với vận mệnh lâm nguy mà đất nước đang phải đối mặt. Hạt giống chôn thật sâu thật chặt dưới tảng đá ngàn tấn, không hư hại nhưng cũng không có khả năng nảy mầm. Nỗi đau đớn cào xé tâm can mỗi người đến vụn vỡ. Bất kì ai trong hoàn cảnh này cũng sẽ tin vào hòa bình. Anh và em đều đặt tất cả hy vọng vào ngôi sao cao vời vợi sáng lập lòe mà không tắt đó.

Thiên Yết đến ngồi cạnh Xử Nữ, em vẫn nhỏ bé như ngày nào. Em thay đổi rất nhiều. So với cô bé hai năm trước rực sáng tựa mặt trời thì người ngồi cạnh anh bây giờ là một thiếu nữ âm ỉ kiên cường hệt một đóm sao nhỏ bé. Chỉ Thiên Yết mới rõ, tâm tư anh nửa đặt vào đất nước, nửa ở nơi em được anh gói lại cẩn thận đặt vào tim. Tình cảm anh dành cho đất nước lớn bao nhiêu thì tình yêu anh gửi vào em nhiều gấp bội. Muốn em được bình an vui vẻ mà sống chỉ có thể cho em hòa bình vừa giản dị lại vừa xa xỉ hơn bất kì món vật phẩm nào.

Bàn tay Thiên Yết nắm trọn lấy bàn tay nhỏ bé của Xử Nữ mà nâng niu. Lòng ngực em rộn ràng hơn bao giờ hết tựa như có hàng trăm cái trống bỏi điên cuồng lắc ở bên trong. Em cảm nhận được anh vừa gầy vừa thô đầy vết chai sạm. Nhưng không vì thế mà em cho rằng chúng là xấu xí. Trái lại, em cảm thấy mỗi vết chai đẹp lạ kỳ. Bởi vì Xử Nữ như chạm vào một phần hồi ức và cuộc sống của anh, thấu hiểu hơn mười năm qua ở chiến khu anh sống vất vả đến nhường nào. Vậy mà bàn tay của Thiên Yết vẫn đủ ấm để sưởi đến tận lòng em. Như thế này, đối với Xử Nữ đã quá đủ rồi, em mất tất cả, nhưng không mất anh. Giây phút ngồi bên bờ suối lắng nghe tiếng rừng linh thiêng, bàn tay được anh ấp ủ truyền cho chút hơi ấm là điều tốt đẹp nhất từ khi sinh ra đến bây giờ mà trời ban cho em. Em khắc ghi mãi khoảnh khắc này, đến chết đi vẫn không quên.

- Chú, đêm nay cứ thế này nhé.

Xử Nữ nhìn dòng nước chảy mãi, thẩn thờ nói, có lẽ nước cuốn đi tâm tư em mất rồi.

- Không được. Hà Giang ban đêm rất lạnh, muỗi cũng nhiều.

Dường như cảm nhận được bàn tay Xử Nữ đủ ấm, Thiên Yết cầm lấy tay còn lại của em chà xát tạo nhiệt xua đi cái lạnh.

- Mai chú đi rồi...em phải ghi lại hình ảnh của chú thật kỹ.

Mặt Xử Nữ buồn xo, linh cảm mách bảo em, một điều bất lành. Linh cảm người phụ nữ lúc nào cũng đúng. Vì sao? Vì bao nhiêu tâm tư đều gửi ở chỗ người ấy hết rồi.

- Ngốc quá, có phải chú không về nữa đâu.

Thiên Yết bật cười xoa đầu em. Nhưng lòng anh nào yên, nỗi bất an thậm chí còn to lớn hơn em. Nếu anh không kiên cường thì em sẽ sụp đổ mất.

- Được, được nghe lời em.

Một lúc lâu sau không nghe Xử Nữ nói gì, Thiên Yết buộc phải đầu hàng. Em cười rộ lên vui tươi. Đầu Xử Nữ nghiêng sang tựa vào bờ vai gầy của anh, lắng nghe nhịp đập nhẹ nhàng nơi lồng ngực kia. Thoáng, em chạm đến hòa bình. Hóa ra hòa bình của em không phải là thứ hư vô xa vời mà là anh. Chỉ cần có anh, em liền có hòa bình. Hai năm biết Thiên Yết là hai năm Xử Nữ sống an yên nhất, dù trải qua nạn đói kinh hoàng nhưng em vẫn không chết tâm. Bởi vì từng có người nói 'sẽ không', hiện tại có người cho em sức mạnh, tương lai nhất định có người cho em hòa bình. Hồi ức hai năm trước chảy qua tâm trí Xử Nữ. Em khắc ghi hình ảnh người thanh niên gầy mảnh mang chiếc ba lô to cồng kềnh cùng nụ cười sáng rực. Mũi em như có hương thoang thoảng của núi rừng mạnh mẽ xâm chiếm. Giá mà có thứ có thể lưu giữ mùi hương của anh lại để mỗi tối em âu yếm đặt dưới gối, mường tượng ra phút giây anh ở bên cạnh không rời. Mãi mãi là chỗ dựa của em trước chiến tranh tàn khốc. 

Mi mắt Xử Nữ dần hạ xuống. Chắc là do hơi mát từ dòng nước, là do rừng núi yên tĩnh cũng có thể do bờ vai Thiên Yết bình yên. Anh nhẹ nhàng gạt đi lọn tóc phủ trên mặt của người dịu ngoan yên giấc bên cạnh, ngắm nhìn em thật kĩ. Trong vô thức, tay Thiên Yết khẽ nắm chặt tay em, cảm nhận hơi ấm, sự tồn tại của người anh thương. Chiếc vòng bạc trên cổ tay Xử Nữ lấp lánh ánh sáng phản chiếu xuống con suối. Điều anh nguyện ước khắc ghi lên vòng bạc sắp thành hiện thực rồi. Đêm hôm đó, lòng Thiên Yết đầy những bộn bề nặng trĩu. Hà Giang đêm nay thực tĩnh mịch, buồn bã.

Sáng hôm sau, Thiên Yết cùng đồng đội khởi hành đi Cao Bằng họp với Ban thường vụ Trung ương Đảng. Xử Nữ đưa đôi mắt mơ hồ nhìn anh đi, nước mắt chảy ngược vào lòng như ngàn vạn mũi kim đâm chích tâm tư em. Em không có cảm giác mất anh, chỉ cảm thấy không gặp lại anh nữa. Ngày ngày Xử Nữ đều cố gắng. Em đã trở thành nữ du kích mang đầy nhiệt huyết và sức sống. Có những đêm thức trắng canh gác căn cứ, Xử Nữ mới thấu hiểu được cảm giác của anh khi nhìn xuống Hà Giang từ trên cao. Em kiên quyết thay anh bảo vệ nơi mà anh yêu. Những đồng đội của Xử Nữ không còn thấy em tươi cười như trước, có lẽ cơn gió nào đó thổi bay tâm hồn em đến nơi miền viễn chinh xa xăm.

Một ngày giữa tháng sáu, Xử Nữ đến chợ phiên của người Mông. Ai cũng đã quen mặt em, ai cũng cười hiền hậu dúi vào tay em những bó rau, vài miếng thịt mang về cho bộ đội dùng. Em như lạc vào tiên cảnh bình dị lạ thường mà cả anh và em đều dùng sinh mạng mình bảo vệ cho điều này. Chợt, Xử Nữ dừng bước bên một sạp hàng bán áo nam truyền thống của người Mông. Ngón tay em lướt nhẹ lên lớp vải lanh màu chàm tinh tế, tưởng tượng ra cảnh anh mặc vào sẽ mang hơi thở miền Tây Bắc dịu dàng ra sao. Cô bán hàng hỏi em có mua không, em chỉ lắc đầu. Sau này...có thời gian sẽ học làm cho anh, để chiếc áo anh mặc có từng đường kim mũi chỉ đều là do em may. Xử Nữ sau khi mua đầy đủ đồ dùng thiết yếu thì trở lại căn cứ trở lại một ngày bình thường không có anh. Chỉ là, em không biết hôm đó không giống mọi ngày. Cảnh mặt trời lặn một năm trước ngang nhiên hiện trước mắt em ngay giữa ban ngày.

Một tháng sau, Hà Giang tĩnh mịch buồn bã. Trong không khí Hà Giang nào đâu còn nhịp sống vui tươi trước kia mà chỉ có tang thương đau xé lòng. Nhìn lên sườn núi phía Bắc người ta không còn thấy những người lính đi tuần tra, chỉ thấy thấp thoáng dáng người đứng đó. Thiên Yết trở về. Hiện tại anh đang đứng giữa một khoảng đất trống, đất tơi ra cùng những mảnh đá vụn vỡ, thoang thoảng trong đất còn có mùi thuốc nổ và mùi máu thịt hãy còn. Nước từ đôi mắt vốn sáng ngời của anh chầm chậm lăn dài trên gò má hóp theo xương mặt rơi xuống thấm vào đất. Một cơn gió nhẹ thổi đến như đang ôm ấp, vỗ về anh, tựa như ai đó đang thì thầm với anh dịu nhẹ.

Chỉ mới một giờ trước thôi, Thiên Yết mang bao nhiêu niềm vui cách mạng thành công trở về căn cứ, vậy mà bây giờ nhận được một gáo nước khiến cho ngọn lửa vừa bùng cháy đó lụi tàn trong khoảnh khắc. Anh nhận được hung tin, mà hung tin này giết chết tâm trí anh đến một mảnh vỡ cũng chẳng còn. Xử Nữ hy sinh rồi. Em rời xa trần thế, rời xa anh khi mà một chút nữa là cách mạng chạm đến thành công. Thần trí Thiên Yết mơ hồ, chỉ nghe Lệ bảo phát xít Nhật đột ngột phát hiện căn cứ, mở kế hoạch bất ngờ tấn công. Xử Nữ chấp nhận ở lại cầm chân và đánh lạc hướng chúng để mọi người rút lui an toàn. Một mình em ở giữa rừng hát bài hát cách mạng vang cả bốn bề rừng núi. Sau đó, người ta nghe liên tiếp mấy tiếng nổ lớn, giọng hát trong trẻo của cô gái nhỏ cuối cùng cũng không còn chỉ có tiếng cánh quạt máy bay vù vù. Thiên Yết từ khoảnh khắc này chết lặng. Một mảnh da thịt em cũng không còn. Dù biết chiến tranh tất có hy sinh có mất mác, nhưng mất mác này đối với anh thật sự quá lớn rồi. Anh còn chưa kịp cho em nhìn thấy hòa bình.

Hiện tại, Thiên Yết hoang mang đứng nơi Xử Nữ ra đi. Mỗi tấc đất ở đây đều là em, đều mang hơi thở của em. Anh cúi người, cầm một nắm đất cho vào túi vải thổ cẩm nhỏ. Sau này mỗi nơi anh đến luôn có sự hiện diện của em, cùng anh chiến đấu và chứng kiến hòa bình. Khi anh chết đi, em cũng sẽ ở bên cạnh anh nửa bước không rời.

Ngày 6 và ngày 9 tháng 8 năm 1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật. Ở Đông Dương, chúng lao đao trước quân Đồng Minh. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Đảng Cộng sản Đông Dương gấp rút tiến hành cách mạng từ ngày 14 tháng 8 đến ngày 19 tháng 8 giành chính quyền ở Hà Nội, cách mạng bước đầu thắng lợi. Ngày 28 tháng 8, sau mười lăm ngày chiến đấu, cách mạng tháng Tám hoàn toàn thắng lợi. Ngày 30 tháng 8, Bảo Đại thoái vị, chấm dứt chế độ phong kiến giày vò người dân hơn mười thế kỷ qua. Quân dân Việt Nam đánh đổ cả đế quốc và phong kiến mà không tốn một giọt máu nào.

Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Nắng vàng rải rắc khắp quảng trường trong tiếng hò reo của người dân mừng chiến thắng. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hễ ai chứng kiến khung cảnh này, lắng nghe giọng nói của Người, ngày sau, đến khi già đi vẫn còn vang vọng trong ký ức không hề quên. Thiên Yết đứng trong hàng ngũ mang quân hàm thiếu tá nghiêm trang không ai biết trong tay anh cầm một chiếc túi nhiều màu sắc nho nhỏ. Càng không ai nghe tiếng lòng của anh.

"Xử Nữ...em thấy không, chúng ta thành công rồi. Em nghe chứ, tiếng hò reo vui mừng của người dân".

Thiên Yết cười nhẹ, nụ cười đầu tiên sau gần ba tháng mất em. Nhưng đáy mắt anh chỉ toàn thê lương không gì có thể che lấp.

Sau ngày 2 tháng 9, Thiên Yết trở lại Hà Giang, mặc cho đồng đội anh giữ lại. Ngày trước anh xao động trước Hà Nội bởi vì nơi đây có em. Bây giờ, nơi em hiện hữu lại là Hà Giang, anh phải tìm đến em.

Thiên Yết đứng giữa đồng hoa, tam giác mạch ở đây lại nở sớm hơn chỗ khác rất nhiều. Người dân ở đây ai cũng biết, ba tháng trước đây là nơi núi rừng rung chuyển, loang lổ những hố bom, là nơi cô gái du kích vĩnh viễn nằm lại. Ngày hôm sau, người ta thấy một thanh niên lấp hố bom, gieo những hạt tam giác mạch xuống lòng đất như gửi tình yêu của anh ở lại. Cuối cùng, chỉ có tam giác mạch ở mảnh đất này là nở đúng vào ngày Tuyên ngôn độc lập. Trong gió Hà Giang thoang thoảng hương hoa thật dịu và tươi mát.

Đưa tay vào trong túi, Thiên Yết lấy ra một chiếc vòng bạc nhiều chỗ cháy đen trên đó khắc dòng chữ:

Một đời bình an.

Một đời của Xử Nữ chỉ gói gọn trong thời gian hai tháng ở căn cứ, mỗi ngày được gặp Thiên Yết nói cười cùng anh. Và một đời đó bình an.

Có lẽ Xử Nữ không biết, từ trước khi đi Thiên Yết đã mua một chiếc váy cưới truyền thống của người Mông.

Có lẽ Thiên Yết cũng không hay, khoảnh khắc bên ngưỡng cửa sinh tử, thứ mà Xử Nữ nhìn thấy, nghe được không phải là máy bay với những tiếng gầm rú mà là hình ảnh, giọng nói trầm ấm của anh.

Em ra đi lúc chiến tranh chưa kết thúc và bi kịch của anh bắt đầu. Sau này, Thiên Yết chỉ sống vì đất nước, vì bảo vệ Hà Giang.

 Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn, roi

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi.

[ trích Quê Hương – Giang Nam]

*

Tại thời điểm này, ở Sài Gòn, thực dân Pháp xả súng vào đoàn người tham dự Ngày Độc Lập. Ngày 23 tháng 9 chúng rục rịch trở lại, muốn mang Việt Nam một lần nữa nuốt trọn.

_Hoàn_

Và sau đây là đôi lời lảm nhảm của Iris:

- Sự kiện lịch sử trong truyện chỉ đúng một nửa, những sự kiện có ngày tháng năm cụ thể là hoàn toàn chính xác theo sách vở và tư liệu. Và như các cậu biết đấy, năm 1945 chiến tranh Việt - Pháp chưa kết thúc mà Việt Nam phải bước vào cuộc kháng chiến trường kì đến tận tháng 5 năm 1954. Sau đó thì ai nhảy vào tiếp tục cuộc xâm lược của Pháp là ai mà người người đều biết đấy.

- Khu giải phóng Việt Bắc thành lập ngày 4 tháng 6 năm 1945, tại vì tớ rất ngáo nên nhào vô viết mà quên ngày thành lập nhưng không sửa được.

- Có thể các cậu sẽ thắc mắc vì sao truyện lại nhạt nhẽo như vậy, đơn giản thôi, tớ chỉ cho phép mình viết tới giới hạn như thế. Lấy bối cảnh chiến tranh thì không thể đặt tình cảm quá nhiều, không thể có hôn hít hay nói câu đại loại "thương" hay "yêu" bởi vì như vậy lại cá nhân hóa. Mục đích tớ chọn viết truyện có màu sắc của tiểu thuyết lịch sử này là để dụ dỗ các cậu theo con đường giống tớ mà. Gạt bỏ định kiến sang một bên, yêu sử như yêu chính con người Việt Nam.

- Đây là một món quà nhỏ dành tặng cho các bạn Xử Nữ.

- Cuối cùng cảm ơn các cậu đã đọc hết 4 shot và mong các cậu sau này sẽ tiếp tục ủng hộ tớ nhé *cúi đầu*.

Iris Frank

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top