2. THIỀN SƯ Cảm Thành (? - 860)


Chùa Kiến sơ, đời thứ 2. Người Tiên du, họ Thị(1).  Ban đầu Sư [5b1] xuất gia, tên đạo là Lập Đức, ở tại núi Tiên du(2) của quận mình. Sư lấy việc đọc kinh làm sự nghiệp. Có hương hào họ Nguyễn mến Sư đức hạnh cao cả, muốn đổi nhà làm chùa mời Sư tới ở, bèn đến lấy tình mời Sư, Sư chẳng chịu nhận.

Ban đêm mộng thấy thần nhân mách: "Nếu theo ý của Nguyễn, thì chẳng mấy năm sẽ được điều lành lớn", bèn đáp lại lời mời. {Nay là chùa Kiến sơ ở Phù đổng}.

Chẳng bao lâu thì Thiền sư Vô Ngôn Thông đến. Sư biết Thông là người phi thường, sớm hôm phục dịch, chưa từng biếng nhác. Thông cảm động trước lòng thành của Sư, bèn đặt tên là Cảm Thành.

Một hôm, Thông gọi Sư đến dạy: "Xưa, Đức Thế Tôn vì một nhân duyên lớn , mà xuất hiện ở đời(3) , hóa duyên xong xuôi, ngài vào Niết bàn. Chân tâm vi diệu như thế gọi là Chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng, tam muội pháp môn, chính ngài tự thân trao cho đệ tử là tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm Sư tổ(4) , đời đời truyền nhau, đến Đại sư Đạt Ma từ Ấn Độ sang, trải bao hiểm nguy, để truyền pháp này cho đến Lục tổ Tào Khê, đắc pháp với Ngũ tổ. Khi Đạt Ma [6a1] mới đến, vì người đời chưa biết tin, nên lấy sự truyền y để làm rõ việc đắc pháp. Nay đức tin đã chín muồi, thì y bát là đầu mối của tranh chấp, phải dừng lại ở nơi ông, không nên truyền nữa(5) . Từ đó, lấy tâm truyền tâm, không truyền y bát. Bấy giờ Nam Nhạc Nhượng đầu tiên được tâm truyền, rồi Nhượng trao cho Mã Tổ Nhất, Nhất lại trao cho Bách Trượng Hải(6) . Ta nhờ ở Bách Trượng mà được tâm pháp đó. Lâu nghe phương này, hâm mộ Đại thừa cũng nhiếu, nên ta xuôi Nam để tìm thiện tri thức. Nay gặp được ngươi, ấy bởi duyên xưa. Hãy lắng nghe ta nói kệ:

"Các nơi đồn đãi

Dối tự rao truyền

Rằng thủy tổ ta

Gốc tự Tây thiên

Truyền pháp nhãn tạng

Gọi đấy là Thiền

Một hoa năm lá(7)

Hạt giống liên miên

Ngầm hợp mật ngữ

Muôn ngàn có duyên(8)

Tam tông đều gọi

Thanh tịnh bản nhiên

Tây Thiên cõi này

Cõi này Tây Thiên

Xưa nay nhật nguyệt

Xưa nay sơn xuyên

Đụng đâu cũng vướng(9)

Phật tổ thành oan

Sai một mảy may

Đi mất trăm ngàn

Ngươi khéo quan sát

Chớ lửa cháu con

Dẫu có hỏi ta

Ta vốn Vô Ngôn(10)

[6b1] Nghe xong lời đó, Sư liền tỉnh ngộ.

Một lần có vị Tăng đến hỏi: "Thế nào là Phật?"

Sư đáp: "Khắp hết mọi nơi."

Lại hỏi: "Thế nào là tâm Phật?"

Sư đáp: "Chẳng từng che dấu"

Lại thưa: "Người học không hiểu".

Sư bảo: "Đi quá xa rồi"

Về sau, Sư không bệnh mà mất. Bấy giờ là năm Canh thìn Đường Hàm Thống thứ nhất (860).

<------------------------------

Chú thích:

1: Bản đời Lê viết "Tánh Thị", thì Thị đây chỉ họ của Cảm Thành. Thành như vậy họ Thị, họ Thị không phải là không biết đến trong lịch sử. Tam quốc chí 63 còn ghi lại một nhân vật của triều Tôn Ngô tên Thị Nghi, rồi chú rằng: Nghi nguyên có họ Thị nhưng sau viết cải thành Thị. Bản đời Nguyễn trước chữ "Tánh Thị", viết thêm hai chữ "vị tường". Đây chắc là một tăng bổ của Phúc Điền, nếu không phải là của Tiêu sơn tự cổ bản.

2: Lịch triều hiến chương loại chí 3 tờ 2a6-7 nói: "Phật tích ở tại huyện Tiên du, lại có tên là núi Tiên du. Xưa có tiều phu Vương Chất vào thấy hai ông già đánh cờ dưới bóng cây tùng, bèn dựa búa đứng xem. Xem xong cuộc cờ, ngó lại thì không thấy ai cả, mà cán búa đã mục bao giờ, nên có tên là thôn Lạn kha". Vậy núi Tiên du cũng có tên là núi Phật tích hay núi Lạn kha. Và núi Lạn kha này, Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc ninh, nói: "Núi Lạn kha ở tại huyện Tiên du về phía nam cách bốn dặm, trên núi có ao Thú long, trên chóp Thất sơn có bàn cờ đá. Tương truyền xưa có tiều phu Vương Chất vào núi thấy hai ông già đánh cờ dưới bóng cây tùng bèn dựa búa đứng nhìn, đến khi cuộc cờ tan, mà không biết cán đã mục tan. Dưới núi có động tên Vạn phúc, cảnh trí thanh vắng tương truyền đời Lý dựng nên. Sử ký nói Triệu Đà đóng quân ở núi Tiên du đánh với An Dương Vương, tức là nơi đây. Truyền kỳ lục nói Từ Thức cởi áo cừu cho tiên nữ, tức cũng ở núi đây". Tuy nhiên An nam chí lược 1 tờ 22 cũng ghi: "Núi Tiên du có bàn đá lấp loáng dấu những đường gạch, tương truyền Tiên đánh cờ trên đó, sau bọn con gái đi hái củi giao hợp ở trên đó nên nó lật xuống và vỡ ra". Nay tức núi Lạn kha, huyện Tiên du, Hà Bắc.

3: Kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện: "Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời". Xem Diệu pháp liên hoa kinh 1 tờ 7a21.

4: Truyền đăng lục 1 tờ 205b26 - 28 nói, khi Phật sắp nhập diệt, Phật nói với đệ tử Ma Ha Ca Diếp rằng: "Ta đem thanh tịnh pháp nhãn. Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu chánh pháp, đem giao cho ngươi, ngươi nên giữ gìn".

5: Cả đoạn từ "Khi Đạt Ma mới đến" cho tới "không nên truyền nữa" ở đây là dẫn y nguyên văn câu nói của Hoằng Nhẫn cho Huệ Năng lúc Nhẫn truyền ca sa cho Năng, mà cả Pháp bảo đàn kinh tờ 394a28 lẫn Truyền đăng lục 3 tờ 223a20 đều có chép. Nguyên văn nó đọc: "Tích Đạt Ma sơ chí, nhãn vị chi tín, cổ truyền y bát dĩ minh đắc pháp. Kim tín tâm di thục, y nãi tranh đoan. Chỉ ư nhữ thân, bất phục truyền dã". Vì dẫn nguyên văn này, cho nên chữ ông trong đoạn này phải hiểu là chỉ Huệ Năng.

6: Sự truyền thừa nói đến trong đoạn này, ta có thể vẽ thành đồ biểu như sau:

Thích Ca Mâu Ni

Ma Ha Ca Diếp ...

Bồ Đề Đạt Ma (? - 528)

Huệ Khả (487 - 593)

Tăng Xán (? - 606)

Đạo Tín (580 - 651)

Hoằng Nhẫn (601 - 674)

Huệ Năng (638 - 713)

Nam Nhạc Hoài Nhượng (677 - 744)

Mã Tổ Đạo Nhất (709 - 788)

Bách Trượng Hoài Hải (720 - 814)

7: Nguyên văn: Nhất hoa khai ngũ diệp. Đạt Ma truyền pháp cho Huệ Khả đọc bài kệ:

Ngô bản lai tư độ

Truyền pháp cứu mê tình

Nhất hoa khai ngũ diệp

Kết quả tự nhiên thành

Xem Truyền đăng lục 3 tờ 219c 17-18

8: Nguyên văn: Tiềm phủ mật ngữ, thiên vạn hữu duyên. Lời phú chúc của Đạt Ma cho Huệ Khả cũng nói:

Tiềm phù mật chứng

Thiên vạn hữu dư

Nhữ dương xiển dương

Vật khinh vị ngộ.

Xem Truyền đăng lục 3 tờ 219c15.

9: Nguyên văn: Xúc đồ thành trệ. Hoà thượng Bảo Chí, Thập tứ khoa tụng:

Ngu nhân bị tha cấm hệ

Trí giả tạo tác giai không

Thanh văn xúc đồ vi tuệ

Đại sĩ nhục nhãn viên thông.

Xem Truyền đăng lục 29 tờ 450 c13-14. Xem thêm Bích nham lục 5 tắc 4 (tờ 182a5).

10: Nguyên văn: Ngã bản vô ngôn. Có thể dịch: "Ta vốn không lời". Vô Ngôn có thể chỉ Vô Ngôn Thông, cũng có thể chỉ cái chân lý không thể diễn tả được

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top