Góc tấu hài của triều đình nhà Trần


Bên cạnh những pha hóng hớt ăn đá vỡ đầu, uống rượu bị phụ huynh gank hay sợ xăm trốn mất dạng của 'playboy Thăng Long' Trần Anh Tông thì vua quan, hoàng thất nhà Trần còn một đống chuyện tấu hề có thể coi là vựa muối sử Việt. :))

- TRẦN ANH TÔNG DẠY CON

Thời trẻ Trần Anh Tông nổi tiếng với những pha máu lửa để đời nhưng đối với con cũng hơi căng. Trần Minh Tông hồi còn là thái tử ở Đông cung, có làm cái đèn chơi, Anh Tông đòi xem nhưng thái tử sợ không dám đưa. Sau có hôm Anh Tông rửa mặt, lại nhắc đến chuyện này, tức giận lấy cái chậu đồng ném con, Minh Tông núp vào cửa tránh kịp, còn cái cửa thì vỡ tan. Sau lên làm thái thượng hoàng, có lần ăn cùng Minh Tông, mắng là 'Nam nhi phải ăn như rồng nuốt, cọp cắn. Cần gì nhai kỹ?'

(Minh Tông: hỏn lọn 🥲)

- REACTION CỦA CÁC NƯỚC VỀ SIÊU SAO CHỔI NĂM 1264

Giáo hoàng Urban IV cho là điềm báo xấu của Thượng Đế, lo đến mức ngã bệnh và qua đời sau vài tuần; Tống Lý Tông lo sợ điềm xấu đến mức bệnh cũ tái phát, qua đời vào cuối năm đó; Cuộc nội chiến Toluid ở Mông Cổ, A Lý Bất Ca đang cố thủ. Tuy nhiên khi thấy sao chổi, A Lý Bất Ca cho là điềm báo nên đầu hàng anh trai Hốt Tất Liệt.

Đại Việt: Thượng Hoàng Thái Tông tuyên bố [Không phải hoạ nước ta, nhậu. 😎]

- ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG

Thiên Cảm hoàng hậu là nguyên phối hoàng hậu của Trần Thánh Tông. Tháng 8/1258 được phong Thiên Cảm phu nhân, không lâu sau phong hoàng hậu. Tháng 11 năm ấy, sinh hạ trưởng tử Trần Khâm (Trần Nhân Tông). Dựa vào mốc thời gian thì... hai vị ăn cơm trước kẻng. Trần Thánh Tông sủng hạnh hoàng hậu từ trước khi cưới. 😌

- HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN VÀ VỤ CƯỚP DÂU CHẤN ĐỘNG

Trần Quốc Tuấn và Công chúa Thiên Thành có tình cảm với nhau, nhưng công chúa được Thái Tông gả cho Trung Thành vương. Ngay lễ kết tóc, khi nhà trai đang tưng bừng vui vẻ thì Trần Quốc Tuấn trong đêm trèo tường vào phủ, tư thông với công chúa. Mẹ nuôi, cũng là cô ruột của Quốc Tuấn là Thuỵ Bà công chúa phải đập cửa cung cầu cứu vì sợ nhà Trung Thành vương tóm được. Thái Tông vội vàng cho binh áp giải (thực tế là đi bảo vệ) Quốc Tuấn dưới con mắt không hiểu gì của nhà trai. Thuỵ Bà công chúa lập tức dâng 10 mâm vàng hỏi cưới Thiên Thành công chúa cho Quốc Tuấn.

(Người khổ nhất ở đây không ai khác chính là Trần Thái Tông, bà chị thì kêu vội quá chỉ có 10 mâm vàng làm sính lễ dâng tạm, còn mình thì ngậm ngùi cắt 2000 khoảnh ruộng tốt ở Ứng Thiên bồi thường, an ủi nhà trai xấu số mất dâu ngay lễ kết tóc 🥲.)

- VỀ PHI VỤ THẢ VỀ NƯỚC NHƯNG NỬA ĐƯỜNG ĐỤC THUYỀN CHO CHETME Ô MÃ NHI

Triều đình ta giải thích là Ô Mã Nhi mập quá không vớt được nên nó chết, còn bọn lính Nguyên khác thì vẫn cứu. 🙂 Đấy là nói thế, nhà Nguyên tin hay không thì mọi người cũng đoán được rồi, nhưng cũng làm gì được đâu.

- TÌNH NGHĨA VUA QUAN VỚI QUẢ XOÀI

Trần Thái Tông có lần ban xoài (quả muỗm) cho các quan, nhưng một viên quan là Hoàng Cự Đà lại không có phần. Sau này khi quân Nguyên sang, mọi người di tản, Cự Đà chèo thuyền nhẹ chạy trốn, đúng lúc gặp hoàng thái tử (Trần Hoảng) đi thuyền ngược lên. Thái tử hỏi giặc ở đâu, Cự Đà bảo: "Không biết, đi mà hỏi bọn ăn xoài ấy 😒."
Thái tử nổi giận, xin Thái Tông khép vào cực hình để răn đe, nhưng Thái Tông cho là mình cũng có lỗi nên tha tội chết.

[Lười viết nên copy paste lại bài của mình luôn, cái này đăng trên group 'Tìm hiểu lịch sử', ai thích lịch sử có thể ghé group của tụi mình chơi =))) group đông vui thì đông vui nhưng thi thoảng choảng nhau xỉu.]

[THLS] NHỮNG PHA 'LƯƠN' CỦA TRẦN THÁNH TÔNG:
- Nhà Nguyên đòi giao nộp bọn thương nhân Hồi Hột (thực chất bọn này là gián điệp của Nguyên rải đi để thu thập tin tức). Vua Trần thoái thác là bọn này chết hết rồi.
- Nhà Nguyên đòi cống voi, Trần Thánh Tông trì hoãn với lý do loại thú này thân hình to lớn, đi lại chậm chạp, không như ngựa của thượng quốc.... lần sau sẽ tiến cống. Sau bị thúc ép, vua Trần lý do là "quản tượng không nỡ xa nhà" 🙂
- Trong chiếu dụ các năm 1267, 1275, 1291, nhà Nguyên đòi nhà Trần thực hiện các yêu sách nhưng vua Trần chỉ đáp ứng mỗi khoản cống nạp định kì. Nhưng hình như toàn cống hàng 'pha kè' nên trong chiếu thư năm 1275, vua Nguyên phàn nàn là chẳng cái gì dùng được.
- Năm 1283, nhà Nguyên yêu cầu vua Trần phải giúp quân lương để đánh Chiêm Thành. Trần Thánh Tông đưa thư từ chối liền cả ba việc giúp lương, giúp quân và vào chầu. Lý do là:
+ Về việc giúp quân: vũ khí không còn dùng được, lính được cho về làm dân...
+ Về việc giúp lương: địa thế giáp biển, ngũ cốc không nhiều, hạn hán, lụt lội, sáng no chiều đói, ăn uống không đủ...
+ Về việc sang chầu: "...Nay cha già đã mất, kẻ côi cút này đang chịu tang, nhiễm bệnh đến nay còn chưa hồi phục. Huống hồ kẻ côi cút này sinh trưởng nơi hẻo lánh, chẳng chịu được nóng lạnh, không quen thuỷ thổ, đường sá gian lao, e phơi xương trắng..."

Thậm chí không chỉ không chịu giúp Nguyên đánh Chiêm Thành, còn sai hai vạn quân và 50 chiến thuyền tiếp viện Chiêm Thành. Tất nhiên, vua Trần chối bay chối biến hết mấy vụ này trong thư gửi vua Nguyên.

(@Tư liệu tham khảo: Văn thư ngoại giao thời Trần - nội dung và nghệ thuật.)




- TRẦN THÁI TÔNG NHẬU VÀ MÚA HÁT CÙNG BÁ QUAN:

Tháng 3 năm Tân Hợi (1251), Trần Thái Tông ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi rượu say, vua hứng quá, bảo mọi người đứng cả dậy, dang tay múa hát tưng bừng. Ngự sử trung tướng Trần Chu Phổ cũng dang tay theo mọi người nhưng không hát được câu gì khác, chỉ nghêu ngao: "Sử quan hát thế thôi, sử quan hát thế thôi!"

- TRẦN THÁNH TÔNG TRANH ÁO:

Thánh Tông cùng anh là Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang cùng múa hát trước mặt Thượng hoàng (tức Trần Thái Tông). Thượng hoàng lúc bấy giờ mặc áo vải bông trắng. Quốc Khang múa điệu múa của người Hồ, thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang. Thánh Tông thấy vậy cũng bắt chước múa điệu múa người Hồ để xin cái áo ấy. Quốc Khang đùa nói: 'Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần còn không tranh với nhị lang. Nay đức chí tôn ban cho thần một vật nhỏ mọn mà nhị lang cũng muốn cướp sao?'. Thượng hoàng cả cười nói: "À thế ra mày coi ngôi vua với cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau. 😏"

- CON GÁI LÀ ĐỂ NÂNG NIU

Trần Anh Tông trong chuyến dâng lễ thắng trận các lăng ở phủ Long Hưng, thuyền ngự đứt dây bị đắm giữa sông. Anh Tông bám mui thuyền leo lên trước, đưa chân xuống cho đám cung nữ với nữ quan bám vào leo lên cùng. Còn bọn con trai thì mặc kệ cho tự leo. 🌝

- KHÔNG BIẾT NÊN KHÓC HAY CƯỜI

Trần Nhân Tông băng hà, linh cữu tạm quàn ở điện Diên Hiền. Triều đại này không có gì là không thể xảy ra, dân kéo nhau vào cung đưa ma đông lắm. 🥲 Đến lúc giờ lành mà dân đứng chật cả cung, tể tướng lấy roi quất để xua ra mà không tác dụng. Anh Tông cũng đau cả đầu, cùng Trọng Tử nghĩ cách. Cuối cùng giải pháp là lệnh cho Hải Khẩu quân và Hổ Dực quân ra ngoài nhảy múa hát hò thu hút chú ý, dân cùng bá quan thấy zui zui kéo qua hóng hớt, linh cữu Nhân Tông mới dời đi được.

(Thượng hoàng mà biết trò này lại là ông con Anh Tông nghĩ ra chắc phải bật dậy múc ông con cái đã. :) Bởi vậy mà sử quan Ngô Sĩ Liên ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: Nhà Trần khoan hậu thì có thừa mà nghiêm khắc thì không đủ. =)))

- Còn đây là chiếc ảnh, không biết nói gì hơn:


Một chút về Trần Anh Tông. Bạn có biết thời Anh Tông đã diễn ra sự kiện Đại Việt đánh thẳng sang đất Nguyên ngay trong thời kỳ Nguyên thịnh?

Cương mục chép việc năm 1313: "Lúc ấy, viên Tri châu Trấn An nhà Nguyên là Triệu Giác bắt người châu Tư Lang nước ta, lấy mất một lọ vàng, và lấn hơn một nghìn khoảng ruộng. Nhà vua bèn sai quân sang đánh châu Quy Thuận và châu Dương Lợi nhà Nguyên, nói rõ là cốt sang đánh để báo thù."

Con số ba vạn quân, hai ngàn kỵ chép trong Nguyên sử chưa có điều kiện kiểm chứng. Nhưng một đạo quân do đích thân hoàng đế Đại Việt chỉ huy, đánh sang các châu địa phận Trung Hoa, giết lính bắt dân, tuyên bố rõ lý do trả thù, trong giai đoạn nhà Nguyên vẫn còn thịnh trị chưa thoái trào, khiến nhà Nguyên phải cử sứ giả sang thì chắc chắn không phải chỉ là cuộc xung đột nhỏ lẻ bình thường ở biên giới.

Mọi người biết nhiều về trận Lý Thường Kiệt đánh ba châu Ung, Khâm, Liêm, nhưng lại khá hiếm người biết đến sự kiện này của Trần Anh Tông. Sử sách ít ghi chép, chỉ có ít đoạn được nhắc trong cuộc trò chuyện với sứ Nguyên và phần nhiều là Nguyên sử. Mình cũng rất thắc mắc nguyên nhân ít phổ biến như thế. Theo mình thì có lẽ là vì sau thời Trần đến thời Hồ đã xảy ra cuộc xâm lược của nhà Minh, ít nhiều sử sách thời kỳ này đã bị Minh Thành Tổ Chu Đệ cử Trương Phụ thiêu huỷ và đem về Trung Quốc.

(Vụ này cay lắm cả nhà, bao nhiêu sách vở, văn hoá lịch sử, thi ca, điển tịch, hoạ phẩm bị thiêu rụi và cướp đi, giờ còn nhiều tư liệu nằm trong bảo tàng bên Trung Quốc, không thể nào biết được thời kỳ Lý Trần từng có nền văn hoá như thế nào, cái bây giờ nghiên cứu được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một thời kỳ mà Minh Thái Tổ phải cho là 'văn hiến chi bang', một thời kỳ được ca ngợi là thịnh trị, có thể đánh bại hai triều Tống, Nguyên, chắc chắn phải có sách vở tư liệu nhiều gấp ngàn lần những thứ ít ỏi còn lại mà ngày nay biết đến. Chu Đệ đã quyết tâm thiêu huỷ số lượng lớn sử sách kim cổ, thư tịch để huỷ hoại nền văn minh của Đại Việt, vô cùng đau đớn và đáng tiếc. Đây là lý do mình từng nói rất khó khăn trong tìm kiếm tư liệu cung đình và văn hoá Lý Trần.

Thằng cha Trương Phụ báo ứng đến hơi muộn, trong trận Thổ Mộc Bảo với quân Mông Cổ, Trương Phụ đã già vẫn phải theo hoàng đế xuất chinh và kết cục là bị giết, Minh Anh Tông thì bị bắt sống làm tù binh một năm ở Mông Cổ. Sau này mình sẽ có một đoản văn về sự kiện 'Đoạt môn chi biến' của anh em Minh Anh Tông và Minh Đại Tông. Nói chung cũng buồn.🥲)

Ngoài lề, trận Lý Thường Kiệt đánh thẳng sang đất Tống cho ai chưa biết.

Trận đánh phủ đầu nhằm vào ba châu Đại Tống, mục đích để phá kế hoạch xâm lược Đại Việt của Tống. Lý Thường Kiệt và Tông Đản dẫn 10 vạn binh chia đường vào đất Tống. Tông Đản vây Ung Châu, Lý Thường Kiệt đánh Khâm Châu, Liêm Châu. Sau khi đánh xong Khâm, Liêm, đánh tan đạo quân chi viện của Trương Thủ Tiết, Lý Thường Kiệt hội quân Tông Đản, công thành Ung Châu.

Tri châu là Tô Giám cố thủ thành Ung Châu, cuối cùng không chịu khuất phục, tự kết liễu 36 người trong nhà rồi tự thiêu. Cái chết của Tô Giám khiến quân và dân thành Ung Châu chống cự quyết liệt. Quân Đại Việt sau khi công thành đã đồ sát thành Ung Châu lên đến con số ước chừng 5 vạn tám ngàn người. Tính cả Khâm Châu, Liêm Châu thì lên tới 10 vạn. Sự kiện này đến nay còn gây tranh cãi về tính nhân đạo, nhưng là trận đánh khá máu lửa và góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống sau này của Đại Việt.

🍑

Chưa có dịp nói về chuyện này, về cách xưng hô mình sử dụng trong truyện, tất cả là tham khảo tư liệu văn tự và tham khảo nhà Tống chứ không ai kiểm chứng được thời đó trong hoàng thất xưng hô như thế nào. Thời kỳ này cách khá xa thời Nguyễn nên chắc chắn xưng hô cũng không giống Nguyễn. Hoàng tộc một số nước phương Tây cũng từng sử dụng văn viết trong giao tiếp để phân biệt tầng lớp. Nên mình không đồng tình việc 100% văn viết là văn viết, văn nói là văn nói. Hay là Việt Nam thì nhất định phải khác hoàn toàn Trung Quốc. Tất nhiên là vẫn sẽ có sự khác biệt và đặc trưng riêng, nhưng mình đành dựa theo văn viết của ĐVSKTT vậy. Mình cũng không khẳng định suy nghĩ của mình đúng, tham khảo 50/50 nhé. =)))

Nay khá vui vì hoàn bộ này cái nó cán mốc 10k lượt đọc luôn. 🍑

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top