Thien than va ac quy 4
Dù biết rằng chỉ còn rất ít thời gian, Giáo chủ Thị thần Carlo Ventresca vẫn bước đi thong thả. Cần phải có thời gian để sắp xếp lại những ý nghĩ ngổn ngang trong tâm trí trước khi tham dự nghi lễ cầu nguyện đầu tiên. Đã có quá nhiều sự kiện. Những biến cố trong suốt 15 ngày qua đang đè nặng lên vai khi viên thị thần trẻ tuổi đang một mình sải bước dọc hành lang phía Bắc.
Giáo chủ Thị thần đã làm theo tất cả những chỉ dẫn viết trong thư. Theo đúng nghi thức của toà thánh, sau khi Giáo hoàng tạ thế,
Giáo chủ Thị thần đặt một ngón tay lên động mạch của Đức Thánh Cha, nghe hơi thở của Người và gọi tên Người ba lần để khẳng định rằng Người đã thực sự về nước Chúa. Theo luật, không có khám nghiệm tử thi. Sau đó, ngài đã niêm phong phòng riêng của Giáo hoàng, đập vỡ chiếc nhẫn ngư phủ và con dấu của ngài, rồi lo sắp xếp hậu sự. Sau khi tất cả đã xong xuôi, ngài mới bắt đầu chuẩn bị cho Mật nghị Hồng y để bầu Giáo hoàng mới.
Mật nghị Hồng y, Giáo chủ Thị thần thầm nghĩ. Thử thách cuối cùng. Đây là một trong những truyền thống cổ xưa nhất của Thiên Chúa giáo. Ngày nay, mọi người dường như đều biết trước kết quả, nên nghi thức này bị chỉ trích là nhiêu khê, là giống trò khôi hài hơn là một cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ngài hiểu rằng thái độ đó chỉ là kết quả của sự thiếu hiểu biết mà thôi.
Mật nghị Hồng y không phải là một cuộc bàu cử, mà là một nghi lễ chuyển giao quyền lực huyền bí và cố xưa. Một truyền thống vô cùng cổ xưa... sự bí mật, những mảnh giấy gấp làm đôi, nghi thức đốt phiếu bầu, quy trình hoà trộn những hợp chất hoá học, tín hiệu bùng khói...
Đặt chân đến hành lang ngoài mang tên Gregory XIII, Giáo chủ Thị thần thầm băn khoăn không hiểu Hồng y Giáo chủ Mortati có cảm thấy lo lắng hay không. Chắc chắn đức cha cũng đã biết sự vắng mặt của bốn vị được chú ý đặc biệt. Không có họ thì quy trình bỏ phiếu sẽ kéo dài suốt đêm. Việc Hồng y Mortati được tấn phong làm Đại Cử Tri là hoàn toàn đúng đắn, Giáo chủ Thị thần tự trấn an mình. Đức cha là người có đầu óc khoáng đạt, và có quyền được nói thẳng mọi ý nghĩ của mình. Hơn lúc nào hết, đêm nay, Mật nghị Hồng y thực sự cần có một người lãnh đạo ra trò để mà lèo lái.
Lên đến những bậc trên cùng của cầu thang Hoàng gia, Giáo chủ Thị thần Carlo Ventresca tưởng như đang phải đứng trên vách núi cheo leo nhất trong cuộc đời. Từ tít trên cao này, Giáo chủ Thị thần vẫn có thể nghe rất rõ những âm thanh vọng lên từ nhà nguyện Sistine ở dưới kia - những lời trao đổi không mấy thoải mái của 165 vị Hồng y Giáo chủ.
161 thôi chứ, vị thầy tu trẻ tuổi tự đính chính lại.
Trong khoảnh khắc, Giáo chủ Thị thần tưởng như mình đang rơi thẳng xuống địa ngục, tiếng người gào thét, những lưới lửa trùm kín cơ thể ngài, rồi đất đá và máu từ trời cao trút xuống như mưa.
Sau đó là sự tĩnh lặng.
***
Tỉnh dậy, chú bé tưởng mình đang ở trên thiên đàng. Xung quanh cậu cái gì cũng trắng. Ánh sáng tinh khiết và rực rỡ. Chắc nhiều người sẽ nghĩ một đứa bé 10 tuổi thì làm sao hiểu được thiên đàng là thế nào, nhưng Carlo Ventresca thì lại biết rất rõ xứ sở ấy Ngay lúc này đây, cậu bé đang ở trên thiên đàng. Còn có thể ở nơi nào khác được đây? Trong một thập kỷ ngắn ngủi có mặt trên trần thế, Carlo đã cảm nhận được vẻ uy nghi của Chúa trời - tiếng đàn rền vang, mái vòm cao vòi vọi, những bài thánh ca ngân lên cao vút, những tấm kính màu, ánh sáng lấp lánh của đồng và vàng. Ngày nào mẹ Maria cũng đưa Carlo đi lễ nhà thờ.
Nhà thờ chính là nhà của chú bé.
- Tại sao ngày nào mình cũng đi lễ hả mẹ? - Carlo hỏi, tuy cậu bé rất thích được đi lễ.
- Bởi vì mẹ đã hứa với Chúa như vậy, - mẹ cậu trả lời. - Và lời hứa với Chúa quan trọng hơn bất kỳ lời hứa nào khác. Không được thất hứa với Chúa.
Carlo hứa với mẹ là sẽ không bao giờ thất hứa với Chúa. Cậu bé yêu mẹ hơn hết thảy. Mẹ là thiên thần. Đôi khi cậu gọi mẹ là Maria beneddeta - Mary được ban phước lành - dù mẹ không thích thế tí nào. Quỳ cạnh mẹ trong buổi lễ, cảm nhận mùi hương ngọt ngào toả ra từ cơ thể mẹ, chú bé nghe tiếng mẹ rì rầm tụng kinh. Ave Maria, mẹ của đức Chúa xin hãy cầu nguyện cho tội lỗi của chúng con ngay lúc này vào lúc chúng con từ giã cõi trần.
- Cha con đâu? - Carlo hỏi, dù cậu biết rằng cha đã qua đời trước khi chú được sinh ra.
- Bây giờ Chúa chính là cha của con. - Lúc nào mẹ cũng nói như vậy - Con là con của nhà thờ.
Carlo thích điều đó.
- Bất cứ khi nào con cảm thấy sợ hãi, hãy nhớ rằng Chúa chính là cha của con. Chúa sẽ dõi theo từng bước chân con, che chở cho con mãi mãi. Người có những dự định rất lớn lao cho con, Carlo ạ.
Cậu bé tin rằng những gì mẹ nói chính là sự thật. Cậu cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong dòng máu của mình.
Máu...
Máu từ trên trời đổ xuống!
Tĩnh lặng. Sau đó là thiên đường.
Khi luồng sáng rực rỡ ấy bị người ta tắt đi, Carlo nhận ra rằng thiên đường của chú chính là phòng Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Santa Clara ở ngoại vi Palermo. Carlo là người duy nhất sống sót khi bọn khủng bố cho nổ tung nhà nguyện nhỏ nơi hai mẹ con đang cầu nguyện trong khi đi du lịch tới khu vực ấy. 37 người thiệt mạng, trong đó có mẹ của Carlo. Chỉ mình Carlo thoát chết. và báo chí đều cho rằng đó là phép nhiệm màu của thánh Francis. Không hiểu vì lý do gì, chỉ mấy giây trước khi nhà nguyện nổ tung, Carlo đã rời khỏi chỗ của cậu gần bên mẹ và đến chỗ hốc tường được bảo vệ để xem tấm thảm thêu minh hoạ sự tích thánh Francis.
Chúa đã gọi mình lên đó, Carlo tự nhủ. Người muốn cứu mình.
Carlo phải chịu rất nhiều đau đớn. Cậu bé vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ đang quỳ trong nhà nguyện, gửi chú một cái hôn gió, rồi ngay sau đó là tiếng nổ dữ dội, cơ thể ngọt ngào của mẹ bị xé toang thành từng mảnh. Cậu bé thấy ngay trước mắt tội ác của con người. Máu đồ như suốt. Máu của mẹ! Máu của Maria được ban phước lành!
Chúa sẽ dõi theo con và luôn chở che cho con, mẹ đã nói với Carlo như thế.
Nhưng lúc ấy có thấy Chúa đâu!
Thế rồi, như để chứng minh rằng lời nói của mẹ là đúng, một vị tu sĩ tìm đến bệnh viện. Không phải ai khác, mà chính là đức cha Giám mục. Cha cầu nguyện cho Carlo. Phép nhiệm màu của thánh Francis. Khi Carlo bình phục hẳn, cha thu xếp cho chú ở trong một nhà tu nhỏ liền kề nhà thờ lớn nơi ngài trụ trì.
Carlo được các tu sĩ nuôi nấng, dạy dỗ, thậm chí chú bé còn trở thành phụ lễ cho những người bảo trợ mới của mình. Đức giám mục gợi ý bảo Carlo nhập học ở một trường công lập, nhưng cậu bé từ chối. Nhà thờ là nơi khiến chú thấy hạnh phúc nhất. Lúc này cậu đã thực sự được sống trong ngôi nhà của Chúa. Đêm nào Carlo cũng cầu nguyện cho mẹ.
Chúa đã cứu mình vì một lý do nào đó, cậu bé thầm nghĩ. Lý do đó là gì nhỉ?
16 tuổi, theo luật của nước Ý, Carlo buộc phải tham dự khoá huấn luyện quân dự bị trong hai năm. Đức giám mục bảo rằng nếu vào học ở trường dòng, cậu sẽ không phải gia nhập quân dự bị. Và Carlo đã trả lời rằng cậu bé dự định sẽ vào học trường dòng, nhưng trước hết cậu cần phải hiểu rõ thế nào là tội lỗi đã.
Đức giám mục không thể hiểu nối.
Carlo tin rằng nếu định dành cả đời trong nhà thờ để chiến đấu với tội lỗi thì trước tiên cần phải hiểu thật rõ về tội lỗi. Và làm gì có nơi nào thuận tiện cho việc đó hơn trại lính đây! Quân đội thì phải sử dụng súng đạn. Một trái bom đã cướp đi mạng sống của mẹ Maria được ban phước lành!
Đức giám mục ra sức khuyên can, nhưng Carlo đã quyết.
- Hãy cẩn trọng, con của ta. - Đức giám mục dặn dò. - Con hãy nhớ rằng nhà thờ vẫn luôn đợi con quay trở lại.
Hai năm quân ngũ của Carlo là thời gian thật khủng khiếp. Thời thơ ấu của anh thật yên tĩnh và đầy ắp những suy tưởng. Trong quân ngũ không có chỗ cho cả sự yên tĩnh lẫn suy tưởng. Lúc nào cũng ồn ào. Chỗ nào cũng thấy những cỗ máy to lớn. Không có nổi một giây phút yên bình. Dù hàng tuần những người lính cũng dự lễ Mi sa trong doanh trại, nhưng Carlo không thể cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn những người đồng ngũ của anh. Tâm trí của họ quá động loạn, và họ không thể nào thấy được Chúa.
Carlo căm ghét cuộc sống mới này là chỉ mong được nhanh chóng trở về nhà. Nhưng anh vẫn quyết tâm thực hiện cho xong dự định của mình. Anh cần phải nhìn rõ thế nào là tội lỗi. Vì anh cương quyết từ chối học bắn súng, họ đành phải dạy anh cách lái máy bay cứu thương. Carlo ghét tiếng ồn và mùi xăng nồng nặc của máy bay trực thăng nhưng ít ra thì nhờ nó anh có thể bay lên trời cao, để được gần mẹ trên thiên đàng. Khi được thông báo rằng một phần nội dung trong chương trình học sẽ là nhảy dù, Carlo khiếp sợ.
Nhưng không còn sự lựa chọn nào khác.
Chúa sẽ che chở cho mình, anh tự nhủ.
Nhưng lần nhảy dù đầu tiên hoá ra lại mang đến cho Carlo cảm giác vui sướng chưa từng thấy. Anh tưởng như mình được bay tới bên Chúa. Carlo muốn thu nhận tất thảy mọi thứ vào lòng... sự tĩnh lặng... cảm giác bồng bềnh... khuôn mặt mẹ hiện lên nơi những đám mây trắng cuồn cuộn đang lao vút lên cao khi anh rơi tự do xuống mặt đất. Chúa có những dự định lớn lao cho con đấy Carlo ạ. Sau khi mãn hạn quân dịch, Carlo quay về tu viện.
Thế mà đã 23 năm trôi qua.
Giờ đây, đặt chân lên từng bậc thang dẫn xuống nhà nguyện, Giáo chủ Thị thần Carlo Ventresca cố hiểu thật thấu đáo chuỗi sự kiện đã khiến ngài phải đứng trước ngã rẽ khác thường này.
Hãy dẹp mọi sợ hãi, ngài tự bảo mình. và dâng trọn đêm nay cho Chúa.
Đã trông thấy cánh cửa lớn bằng đồng của nhà nguyện Sistine với bốn lính canh Thuỵ Sĩ đang gác bên ngoài. Những người lính kéo chốt, mở toang cánh cửa. Mọi mái đầu trong phòng đều quay lại. Giáo chủ Thị thần đưa mắt nhìn khắp lượt những chiếc áo chùng đen và khăn choàng đỏ trước mặt mình. Ngài hiểu ra dự định của Chúa đối với bản thân mình. Định mệnh của Giáo hội đang được đặt trọn vào tay ngài.
Giáo chủ Thị thần đưa tay làm dấu rồi bước qua ngưỡng cửa.
Ngồi trong chiếc xe đưa tin chuyên dụng đang đỗ ở phía Đông quảng trường St. Peter, Gunther Glick, phóng viên của đài BBC, đang thầm nguyền rủa công việc được tổng biên tập giao cho. Mục tổng hợp tin hàng tháng mà anh làm lần đầu đã được ca ngợi hết lời là sắc bén, đáng tin cậy, và rất nhiều thông tin. Ấy thế mà giờ này anh phải ngồi chết dí ở đất Vatican để đợi tin về Giáo hoàng.
Anh tự nhắc mình rằng đưa tin cho đài BBC thì danh giá hơn và không thể nào giống việc ngồi bịa tin vịt cho tờ British Tattler, nhưng kiểu này thì nhất định không thể coi là đưa tin được.
Công việc của Glick cực kỳ đơn giản. Đơn giản đến mức quá đáng. Anh phải ngồi đây mà chờ mấy lão già cóc đế bí mật bầu ra một lão trùm sò cũng già cóc đế. Sau đó anh sẽ đứng trước ống kính máy quay, thực hiện một mẩu tin kéo dài 15 giây, lấy cảnh Vatican làm nền.
Thông minh gớm.
Glick không thể ngờ đài BBC giờ vẫn còn cử phóng viên đến tận nơi để đưa những tin rác rưởi kiểu này. Mấy ông lớn của làng truyền thông Hoa Kỳ đêm nay có thấy mặt mũi đâu. Đời nào họ thèm tới! Mà làm thế là quá đúng. Họ chỉ cần xem đài CNN, tóm lấy những nét chính, rồi cho người đứng nói trước một tấm phông màu xanh, sau đó ghi chồng lên một đoạn phim thật nào đó. MSNBC thậm chí còn có cả thiết bị tạo tiếng gió và mưa trong trường quay để cho những thước phim y như thật. Người xem bây giờ có cần sự thật nữa đâu, họ chỉ cắn giải trí và thư giãn mà thôi.
Glick ngồi nhìn qua cửa kính xe, mỗi lúc một thêm buồn chán. Trước mắt anh, hình khối những toà nhà của Vatican nhô cao trên nền trời như một bằng chứng buồn thảm về những gì bàn tay con người có thể tạo ra nếu họ thực sự quyết tâm.
- Suốt đời mình đã tạo ra được cái gì chưa nhỉ? - Anh chợt nói to ý nghĩ của mình. - Chưa thì phải.
- Thế thì đừng có cố quá nữa. - Một giọng phụ nữ cất lên ngay cạnh anh.
Glick giật nảy người. Anh gần như quên hẳn rằng trong xe còn có một người nữa. Glick quay xuống hàng ghế sau. Chinita Macri, kỹ thuật viên camera đi cùng với anh, đang lặng lẽ ngồi lau kính mắt. Lúc nào cũng thấy chị ta lau kính. Chinita là người da đen, nhưng thích được gọi là người Mỹ gốc Phi, một cách nói đầy oai vệ và bảnh choẹ. Và chị ta không bao giờ cho phép mọi người quên điều đó. Người phụ nữ này khá kỳ cục, nhưng Glick thích thế. Và dĩ nhiên anh phải tận dụng người bạn đồng hành này.
- Có chuyện gì thế hả Gunther? - Chinita hỏi.
- Chúng ta đang làm cái quái gì ở đây thế nhỉ?
Chinita vẫn tiếp tục lau kính:
- Chứng kiến một sự kiện trọng đại.
- Mấy ông già tự giam mình trong phòng tối mà trọng đại à?
- Anh biết là sau khi chết anh sẽ xuống thẳng địa ngục, đúng thế không nào?
- Đang ở đó rồi thì đúng hơn.
- Nói tôi nghe xem nào. - Giọng Chinita sao nghe giống giọng nói của mẹ anh đến thế.
- Tôi muốn bỏ cuộc quá rồi.
- Trước đây anh viết cho tờ à?
- Đúng thế, nhưng chẳng làm được gì tiếng tăm cả.
- Thôi mà, tôi nghe nói anh đã viết một bài cực kỳ xuất sắc về cuộc sống tình dục bí mật của Nữ hoàng với những người hoàn toàn xa lạ.
- Cảm ơn.
- Này, mọi sự đang tốt đẹp dần lên đấy. Tối nay anh sẽ làm nên 15 giây lịch sử của ngành truyền hình.
Glick rên lên. Ngay lúc này anh như đã nghe thấy giọng nói của người dẫn chương trình: "Cảm ơn Gunther, thông tin thật tuyệt - Sau đó người này sẽ đưa mắt nhìn sang hướng khác và chuyển sang bản tin thời tiết. - Có lẽ chúng ta nên chuyển sang mục tiếp theo".
Macri cười phá lên:
- Không cần có chút kinh nghiệm nào à? Lại còn chòm râu kia nữa chứ! Quên chuyện đó đi.
Glick đưa tay lên sờ chòm râu đỏ trên cằm.
- Để thế này trông tôi thông minh sáng láng hơn đấy chứ.
Điện thoại trong xe đổ chuông, vừa đúng lúc để tránh cho Glick một thất bại nữa.
- Có khi là tổng biên tập đấy, - anh nói, lòng chợt tràn đầy hi vọng. - Biết đâu ông ấy định bảo chúng ta về làm tin tại trường quay.
- Về đề tài này ấy à? - Macri cười lớn. - Anh chỉ được cái mơ hão.
Glick trả lời điện thoại với phong thái điềm tĩnh nhất anh có thể nặn ra được:
- Gunther Glick, BBC, đưa tin trực tiếp tại thành phố Vatican.
Từ đầu dây bên kia vang lên giọng đàn ông đặc sệt chất Trung Đông:
- Nghe cho kỹ nhé. - Ông ta nói - Tôi sắp cho anh đổi đời đấy.
Lúc này, chỉ có Langdon và Vittoria đang đứng trước cánh cửa đôi hai lớp bằng đồng dẫn vào sảnh chính của Nhà mái vòm bí mật. Những tấm thảm treo tường cực lớn chạy dọc mọi mảng tường, nền đá cẩm thạch của gian phòng lớn chẳng hề ăn nhập với một dãy camera không dây được lắp ngay sát hình trạm trổ các tiểu thiên sứ trên trần nhà. Langdon đặt tên ngay cho kiểu trang trí này là Phục Hưng Chết. Ngay bên cạnh lối vào có một tấm biển đồng.
ARCHIVIO VATLCANO(1)
Curatore, Padre Jaqui Tomas(1)
Cha Jaqui Tomaso. Langdon nhận ra cái tên trong những bức thư khước từ mà anh vẫn để nguyên trong ngăn kéo. Thưa ông Langdon, tôi rất lấy làm tiếc khi phải viết bức thư này để từ chối việc...
Tiếc. Láo toét. Từ khi triều đại của Jaqui Tomaso bắt đầu, Langdon chưa thấy bất kỳ nhà khoa học Mỹ không theo Thiên Chúa chính thống nào được cấp phép vào Nhà mái vòm bí mật của Vatican. Người giữ đền, giới khoa học vẫn thường gọi ông ta như thế. Jaqui Tomaso chắc chắn là vị thủ thư cứng nhắc nhất thế giới.
Đẩy cửa để bước vào lối đi có mái vòm dẫn vào đại sảnh chính, Langdon mơ hồ có cảm giác là sẽ thấy cha Jaqui trong bộ quân phục; đầu đội mũ bảo hiểm, tay cầm khẩu bazôca đang đứng gác. Nhưng thực ra chẳng thấy có ai hết.
Yên tĩnh. Chỉ có ánh sáng dịu.
Nhà mái vòm Vatican, giấc mơ cả đời của Langdon.
Đưa mắt nhìn khắp căn phòng thiêng liêng một lượt, anh không khỏi tự cảm thấy hổ thẹn. Langdon nhận ra rằng mình thật là viển vông và ngây ngô. Suốt bao nhiêu năm nay, anh đã mường tượng ra một căn phòng hoàn toàn khác. Anh đã nghĩ về những giá sách lớn, bụi bặm bám đầy trên những cuốn sách rách tơi tả, các tu sĩ thì dùng ánh nến và ánh sáng từ những khung cửa kính màu để tra cứu danh mục, còn các thầy tu thì miệt mài bên những cuốn sách.
Sai toét.
Thoạt nhìn, căn phòng giống như một cái nhà chứa máy bay được phân chia thành vô số sân chơi quần vợt biệt lập. Dĩ nhiên là Langdon hiểu công dụng của những lớp vỏ bọc bằng kính này; anh không ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng. Hơi ẩm và nhiệt độ cao sẽ nhanh chóng huỷ hoại những tấm giấy da cừu và da bê cổ.
Để bảo vệ sách theo đúng quy chuẩn thì cần phải có những cái lồng kính như thế này - những mái vòm kính có tác dụng khử hơi ẩm và axít tự nhiên trong không khí. Langdon đã rất nhiều lần vào bên trong những lồng kính kiểu này, nhưng bao giờ anh cũng có một cảm giác bất an... cảm giác vừa bước vào một cái thùng kín mít, nguồn cung cấp khí ôxi hoàn toàn phụ thuộc vào một nhân viên thủ thư xa lạ.
Hiện lên mờ mờ dưới nguồn sáng nhạt từ cuối mỗi dãy, tất cả các lồng kính đều có vẻ tăm tối, thậm chí hơi ma quái. Trong vùng bóng tối được bao kín bởi những lồng kính, Langdon như trông thấy vô vàn bóng ma khổng lồ, tầng tầng lớp lớp trên những giá sách cao ngất, nặng trĩu lịch sử. Quả là đáng sợ.
Hình như cả Vittoria cũng đang cảm thấy y như thế. Đứng sát bên anh, cô lặng lẽ quan sát những lồng kính trong suốt.
Họ không có nhiều thời gian, và Langdon lập tức tìm khắp căn phòng lớn mờ tối để tìm cuốn danh mục tra cứu - một cuốn bách khoa toàn thư trong đó có tên của những cuốn sách lưu trữ tại đây. Nhưng chỉ thấy vài chiếc máy tính cá nhân đặt rải rác quanh phòng. có vẻ như ở đây họ sử dụng Biblion, toàn bộ danh mục tra cứu đã được nhập vào máy tính.
Vittoria có vẻ đầy hi vọng:
- Thế thì đỡ tốn thời gian.
Langdon thầm ước giá anh cũng có thể lạc quan như cô gái trẻ, nhưng có vẻ như họ có khá nhiều tin xấu. Anh bước lại bên một cái máy và bắt đầu gõ vào bàn phím. Những âu lo trong đầu anh ngay lập tức được xác thực.
- Chính ra họ nên dùng hệ thống kiểu cũ thì hơn.
- Tại sao?
Anh rời chiếc máy:
- Bởi vì theo hệ thống đó thì những cuốn sách thật không có mã số bảo vệ. Tôi không nghĩ rằng tất cả các nhà vật lý đều là những tin tặc bẩm sinh.
Vittoria lắc đầu:
- Nhưng tôi có thể bắt lũ hến mở miệng, vấn đề là thế.
Langdon hít một hơi thật sâu và quay lại nhìn nhũng vòm kính kỳ quái bên trong gian đại sảnh. Anh bước đến bên vòm kính gần nhất và nheo mắt nhìn vào bên trong. Bên trong lớp kính thấp thoáng những hình khối khá quen thuộc đối với Langdon: các kệ sách, hộp đựng giấy da, và quầy kiểm tra. Anh ngước mắt nhìn ký hiệu chỉ dẫn điện tử đang phát sáng ở cuối vòm kính. Giống như mọi thư viện khác, những bảng điện tử này cho biết những cuốn sách trên giá thuộc loại nào. Anh đọc những đề mục trên đó và bước dọc theo bức tường kính trong suốt.
PIETRO L EREMITA(3)... ... LE CROCIATE... URBANO(4) II... LEVANT(5)...
"Chúng được phân loại, - anh nhận xét. - Nhưng không xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên tác giả. - Langdon không hề cảm thấy ngạc nhiên. Các thư viện cổ không bao giờ được sắp xếp theo trật tự bảng chữ cái, vì có rất nhiều tác giả vô danh. Tên cuốn sách cũng không có tác dụng, vì rất nhiều tài liệu lịch sử là những bức thư không có tiêu đề, thậm chí chỉ là một mẩu giấy. Hầu hết tài liệu được xếp theo niên đại. Đáng tiếc là tài liệu ở đây không được tổ chức theo cả hai kiểu trên.
Langdon cảm thấy lượng thời gian quý giá đang dần cạn kiệt:
- Hình như Vatican có kiểu sắp xếp riêng thì phải.
- Lạ thật.
Langdon xem lại các đề mục một lần nữa. Những tài liệu này thuộc về những thế kỷ khác nhau, nhưng tất cả các từ khoá đều thể hiện cùng một mối liên hệ.
- Tôi nghĩ là họ sắp xếp theo chủ đề.
- Theo chủ đề à? - Vittoria thốt lên, vẻ không đồng tình. - Nghe không mấy thuyết phục.
Thật ra, thì Langdon thầm nghĩ, chính ra đây mới là cách sắp xếp hiệu quả nhất. Anh vẫn thường khuyến khích sinh viên của mình cố đạt được cái nhìn tổng quát về nội dung của một giai đoạn nghệ thuật thay vì bị lạc lối giữa một rừng những tên tuổi, ngày tháng và các tác phẩm cụ thể. Hình như Nhà mái vòm Vatican sắp xếp tài liệu của họ theo triết lý đó. Quả là tân tiến...
- Mọi tài liệu trong vòm kính này đều liên quan đến cuộc Thập tự chinh. - Lúc này anh đã thấy vững tin hơn. - Đó chính là chủ đề của kho lưu trữ này.
Mọi thứ. Những bằng chứng lịch sử, thư từ, tác phẩm nghệ thuật, thống kê xã hội học, những phân tích mới đây tất cả đều tập trung vào một chỗ... như khích lệ người đọc tìm hiểu sâu hơn về đề tài. Giỏi thật.
Vittoria nhíu mày:
- Nhưng các dữ liệu đồng thời cũng liên quan đến các lĩnh vực khác nữa chứ.
- Cho nên họ mới dùng các ký hiệu này để chú thích. - Langdon chỉ tay vào những mảnh nhựa nhiều màu được cài vào giữa những tập tài liệu. - Chúng chỉ ra những tài liệu liên quan đến đế tài lớn này còn nằm ở các khu khác nữa.
- Đúng thế thật. - Vittoria đáp, có vẻ như không muốn tranh cãi nữa. Cô đứng chống nạnh, đưa mắt nhìn khắp gian đại sảnh rộng mênh mông, rồi quay sang nhìn Langdon.
- Thưa giáo sư, tên của cuốn sách mà chúng ta đang tìm là gì vậy?
Langdon không nén nổi nụ cười mãn nguyện. Anh vẫn còn chưa hết bàng hoàng và sung sướng vì được đặt chân vào căn phòng này. Không phải trong khu này, anh thầm nghĩ. Nó ở đâu đó trong vùng tối kia thôi, và đang đợi ta.
- Theo tôi nào, - Langdon bảo cô gái. Anh nhanh nhẹn sải bước dọc theo vòm kính ngoài cùng, vừa đi vừa đọc những bảng chỉ dẫn mới. - Cô còn nhớ những gì tôi kể về Con đường ánh sáng không? Về cách thức tuyển mộ thành viên mới của hội Illuminati ấy?
- Cuộc săn lùng kho báu, - Vittoria vừa đáp vừa theo sát anh.
- Vấn đề của hội Illuminati là sau khi đã đặt các ám hiệu ở đúng chỗ cần thiết thì phải nghĩ cách để cho giới khoa học biết về sự tồn tại của con đường đó.
- Rất lôgíc. - Vittoria nói - Nếu không thì làm gì có ai biết mà đi tìm Đúng thế. Mà giả sử có nghe nói đến con đường đó thì các nhà khoa học cũng không biết bắt đầu tìm kiếm từ điểm nào. Thành Rome vô cùng rộng lớn.
- Đúng thế.
Langdon tiếp tục bước dọc theo vòm kính thứ hai, vừa nói vừa dọc lướt qua những bảng chỉ dẫn. - Cách đây khoảng 15 năm, một số nhà sử học ở trường đại học Sorbonne và tôi đã cùng phát hiện được một loạt thư tay của hội Illuminati, trong đó có rất nhiều lời ám chỉ đến segno.
- Dấu hiệu. Tiết lộ về sự tồn tại của con đường và điểm khởi đầu của nó.
- Đúng thế, và từ đó đến nay, rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về Illuminati, kể cả bản thân tôi, đã phát hiện thêm nhiều bức thư khác có nói bóng gió đến segno. Ngày nay ai cũng thừa nhận rằng những đầu mối đó quả thực có tồn tại và Galileo đã công bố rộng rãi về chúng trong giới khoa học mà Vatican không hề hay biết.
- Bằng cách nào vậy?
- Không rõ, nhưng rất có thể bằng các ấn bản. Trong suốt quãng đời còn lại của mình, ông đã cho in rất nhiều cuốn sách và bài báo.
- Mà Vatican lại không hề hay biết. Thế thì quá mạo hiểm.
- Đúng thế. Tuy nhiên, segno đã được phát tán rộng rãi.
- Nhưng đã có ai thực sự tìm ra chúng chưa?
- Chưa. Nhưng bất cứ khi nào xuất hiện sự ám chỉ tới segno - trong nhật ký của hội Tam Điểm, trong những bài báo cáo khoa học cổ xưa, trong những bức thư của hội Illuminati - nó luôn được nhắc tới thông qua một con số.
- 666 phải không?
Langdon mỉm cười:
- Thực ra là 503
- Nghĩa là gì?
- Chưa ai luận ra được nghĩa của con số đó. Tôi trở nên nghiện con số 503, và đã thử tất cả mọi cách để tìm ra ý nghĩa của nó - số học, phân tích bản đồ, cả độ cao nữa. - Langdon đã đến cuối sảnh và bắt đầu xem xét vòm kế tiếp, miệng vẫn nói: - Sau nhiều năm tôi cũng chỉ biết được rằng nó bắt đầu bằng chữ số 5, một trong những con số thiêng của hội Illuminati. - Chợt Langdon ngừng lời.
- Tôi đoán anh vừa chợt hiểu ra nghĩa của nó, vì thế cho nên chúng ta mới vào tận đây.
- Đúng thế. Langdon đáp, anh chợt thấy tràn ngập tự hào về thành quả lao động của mình. - Cô đã nghe nói tới một cuốn sách của Galileo có tiêu đề là Dialogo(6) chưa?
- Có chứ. Nó được giới khoa học coi là cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại.
Sách bán chạy không thể hiện hết được ý nghĩa, nhưng Langdon hiểu ý Vittoria. Vào đầu những năm 1630, Galileo muốn xuất bản một cuốn sách ủng hộ mô hình nhật tâm của Copecnic, nhưng toà thánh cương quyết không cho phép Galileo phát hành cuốn sách nếu ông không thêm vào đó một minh chứng thuyết phục cho mô hình địa tâm của nhà thờ - mô hình mà Galileo biết là hoàn toàn sai lầm. Không còn cách nào khác, ông buộc phải chấp nhận yêu sách của nhà thờ và cho xuất bản một cuốn sách gồm hai phần tương xứng để bàn về cả hai mô hình - một đúng, một sai.
- Chắc cô cũng đã biết, - Langdon nói tiếp, - dù đã làm thế, cuốn sách vẫn bị coi là dị giáo, và Vatican đã cho giam lỏng Galileo tại nhà.
- Làm phúc đôi khi lại phải tội thế đấy.
Langdon mỉm cười.
- Đúng thế. Và Galileo tỏ ra rất ngoan cường.
Trong thời gian bị giam lỏng tại gia, ông vẫn bí mật viết một cuốn sách khác ít được biết đến hơn, cuốn sách mà nhiều người vẫn thường nhầm là Dialogo. Cuốn này có tiêu đề là Discorsi(7).
Vittoria gật đầu đống tình:
- Tôi cũng đã nghe nói về cuốn sách đó Luận về Thuỷ triều.
Langdon dừng phắt lại, ngạc nhiên vì cô gái trẻ thế mà đã nghe nói tới cuốn sách được xuất bản bí mật, luận giải về chuyển động của hành tinh và tác động của nó đối với thuỷ triều.
- Này giáo sư, - Vittoria nói, - Anh đang nói chuyện với một nhà nghiên cứu hải dương học người Ý có một người cha rất tôn thờ Galileo đấy.
Langdon cười lớn. Dù sao thì họ cũng không tìm cuốn Discorsi làm gì. Anh tiếp tục giải thích với cô gái rằng Discorsi không phải là cuốn sách duy nhất mà Galileo đã bí mật viết trong thời gian bị giam lỏng. Các sử gia tin rằng ông còn viết một cuốn nữa tiêu đề là Diagramma.
- Diagramma della Verita, - Langdon nói, - Biểu đồ chân lý.
- Chưa thấy ai nhắc tới cuốn đó bao giờ.
- Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Diagramma là cuốn sách bí mật nhất của Galileo - được cho là chứa đựng những kiến thức khoa học mà ông không được phép công khai trình bày. Giống như những bản thảo trước đó của Galileo, một người bạn của ông đã bí mật đem Diagramma ra khỏi Rome và lặng lẽ xuất bản ở Hà Lan. Nó nhanh chóng trở thành cuốn sách bí mật được yêu thích của giới học giả châu Âu. Sau đó thì Vatican biết tin về cuốn sách, và họ đã tổ chức cả một chiến dịch để thiêu huỷ nó.
Lúc này Vittoria tỏ vẻ hố nghi:
- Và anh cho rằng Diagramma nói đến đầu mối đó à? Segno ấy mà. Thông tin về Con đường ánh sáng ấy mà.
- Diagramma chính là cách để Galileo công bố về nó. Cái này thì tôi tin chắc. - Langdon đến bên vòm kính thứ ba và tiếp tục đọc các tấm biển chú thích. - Các chuyên gia về văn thư lưu trữ vẫn tìm kiếm cuốn sách này suốt bao nhiêu năm nay. Nhưng sau chiến dịch thiêu huỷ của Vatican, cộng thêm chỉ số bảo quản thấp của cuốn sách, thì dường như nó không còn tồn tại trên trái đất này nữa.
- Chỉ số bảo quản nghĩa là gì vậy?
- Độ bền ấy mà. Các nhân viên lưu trữ đánh giá mức độ bền vững của tài liệu bằng thang điểm mười. Diagramma được in trên giấy gió làm từ bột cỏ nến. Rất giống loại khăn ăn bằng giấy ngày nay. Tuổi thọ của nó không thể vượt quá một thế kỷ.
- Sao người ta không chọn chất liệu khác bến hơn nhỉ?
- Theo lệnh của Galileo. Đề bảo vệ các đồ đệ của ông ấy. Khi bị bắt quả tang mang theo tài liệu này, các nhà khoa học chỉ việc quăng nó vào nước để phi tang. Để phá huỷ bằng chứng thì loại giấy đó rất tuyệt, nhưng để lưu trữ thì không. Nhiều người cho rằng một cuốn Diagramma vẫn còn tồn tại đến sau thế kỷ 18.
- Một à? - Vittoria dường như đầy hi vọng. Cô gái đưa mắt nhìn khắp gian sảnh rộng. - Và nó đang ở đây sao?
- Vatican tìm được một bản ở Hà Lan ngay sau khi Galileo qua đời Suốt mấy năm liền tôi đã gửi đơn xin được đọc cuốn sách đó. Tôi biết nội dung của cuốn này mà.
Dường như đã hiểu rõ ý định của Langdon, Vittoria cũng bắt đầu bước dọc theo vòm kính kế bên, chăm chú xem các biển chú thích. Tốc độ tìm kiếm bắt đầu tăng lên gấp đôi.
- Cảm ơn cô. - Anh nói - Chúng ta cần tìm một biển chú thích nào đó có nội dung là Galileo, khoa học, nhà khoa học. Nhìn thấy nó là cô nhận ra ngay.
- Được rồi. Nhưng anh vẫn chưa giải thích làm thế nào mà anh đoán được rằng Diagramma có chứa các đầu mối. Chắc nó có liên quan đến con số 503 trong các bức thư của hội Illuminati chứ?
Langdon mỉm cười:
- Đúng vậy. Cũng mất một thời gian, nhưng rồi tôi phát hiện ra rằng 503 thực ra là một mã số rất đơn giản. Rõ ràng là mã số đó dùng để chỉ Diagramma.
Trong thoáng chốc, tâm trí Langdon quay về với thời điểm anh tình cờ phát hiện ra ý nghĩa đó: ngày 16 tháng 8. Cách đây hai năm. Lúc ấy anh đang đứng bên hồ nước, dự đám cưới con trai cửa một người bạn. Tiếng nhạc rộn ràng vang lên khi đám rước dâu vượt qua hồ nước một cách độc đáo: bằng một chiếc bè lớn.
Chiếc bè đó được trang hoàng bằng rất nhiều hoa. Trên thân bè là số hiệu DCII - được sơn bằng chữ số La Mã, đầy vẻ tự hào.
Không hiểu, Langdon hỏi bố của cô dâu:
- Sao lại 602?
- 602 nào?
Langdon chỉ tay vào số hiệu:
- DCII chính là cách viết theo kiểu La Mã của 602.
- Ông ta cười lớn:
- Không phải ký tự La Mã gì đâu. Chỉ là tên của chiếc bè này thôi mà.
- Bè DCII à?
Ông ta gật đầu:
- Viết tắt của Dick và Connie II.
Langdon tự nhận thấy rằng mình quả thật là ngô nghê. Dick và Connie chính là tên của đôi uyên ương trẻ. Chiếc bè đã được đặt tên theo hai bạn trẻ may mắn đó.
- Thế còn DCI thì sao rồi?
Ông ta rên rỉ:
- Hôm qua nó bị chìm trong khi hạ thuỷ mất rồi.
Langdon cười phá lên:
- Tôi rất lấy làm tiếc. - Anh quay lại nhìn thân bè một lần nữa. Chẳng khác gì phiên bản thu nhỏ của QEII. Một giây sau, anh chợt nghĩ ra.
Lúc này Langdon quay sang Vittoria:
- Như tôi đã nói với cô, 503 là một loại mật mã. Đấy là cách mà hội Illuminati dùng để ám chỉ một chữ số La Mã. Dùng ký tự La Mã để viết thì 503 sẽ thành...
- DIII.
Langdon ngước mắt lên:
- Cô nhanh trí thật đấy. Xin đừng nói với tôi là cô cũng là người của Illuminati.
Cô gái cười phá lên:
- Tôi vẫn thường xuyên dùng ký tự La Mã để đặt tên cho các vỉa địa tầng của đại dương mà.
Thảo nào, Langdon thầm nghĩ. Chúng ta cũng khá giông nhau đấy.
Vittoria ngước lên nhìn anh và hỏi:
- Vậy thì DIII nghĩa là gì?
- DI, DII, DIII là những cách viết tắt rất cổ. Các nhà khoa học thuở trước vẫn dùng những ký tự này để chỉ ba cuốn sách của Galileo mà mọi người hay nhầm lẫn với nhau.
Vittoria hít một hơi thật sâu:
- Dialogo... Discorsi... Diagramma.
- D-một, D-hai, D-ba. Đều bàn về khoa học. Đều gây nhiều tranh cãi 503 chính là DIII. Diagramma. Cuốn sách thứ ba của ông ấy.
Vittoria tỏ ra lo lắng:
- Nhưng như thế vẫn chưa giải thích được điều gì. Nếu như segno, đầu mối, một kiểu truyền bá cho Con đường ánh sáng thực sự có trong cuốn sách đó thì tại sao Vatican lại không phát hiện ra khi họ tìm được cuốn sách?
- Có thể họ đã đọc cuốn này rồi, nhưng không để ý. Cô hãy nhớ phương châm của Illuminati: Che giấu thông tin bằng hình thức công khai. Nguỵ trang. Segno chắc chắn cũng tuân theo tôn chỉ đó - công khai. Và những người không hiểu được nó sẽ chẳng nhận ra điều gì cả.
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là Galileo đã che giấu rất tài tình. Theo một số tài liệu sử học thì segno được thể hiện theo một cách thức mà hội Illuminati gọi là Linga Pura(8).
Ngôn ngữ tinh tuý à?
- Đúng thế.
- Toán học phải không?
- Tôi cũng đoán thế. Có vẻ khá rõ ràng. Galileo là một nhà khoa học và độc giả ông ấy hướng tới là các nhà bác học. Toán học chính là thứ ngôn ngữ lôgíc để chuyển tải chân lý. Tên của cuốn sách là Diagramma, cho nên rất có thể các sơ đồ toán học cũng là một phần của đầu mối.
Vittoria có vẻ yên tâm hơn một chút:
- Chắc là Galileo đã phát minh ra một loại ký hiệu toán học mà các tu sĩ không nhận ra được.
- Cô không tin lắm thì phải. - Langdon hỏi, chân vẫn bước dọc thèo vòm kính.
- Không. Cái chính là vì cả anh cũng có tin đâu. Nếu anh tin chắc rằng DIII chính là Diagramma thì sao không công bố? Để một người khác tiếp cận được với Nhà mái vòm Vatican có thể đến đây để kiểm chứng điều đó một cách nhanh chóng.
- Tôi không thích công bố. Langdon đáp. - Tôi đã phải trải qua bao khó nhọc mới tìm được thông tin đó, cho nên... - Anh chợt im bặt, sượng sùng.
- Anh muốn hưởng vinh quang.
Langdon thấy máu dồn lên mặt:
- Nói cách khác thì... cô nói đúng đấy.
- Anh không cần phải ngượng về điều đó. Anh đang nói chuyện với một nhà khoa học cơ mà. Một là công bố, hai là diệt vong. Ở CERN, chúng tôi vẫn thường nói với nhau là "Chứng minh hay là bóp chết".
- Không chỉ vì chuyện tôi muốn là người đầu tiên làm điều đó. Tôi sợ rằng nếu một người không thích hợp nào đó tìm thấy thông tin trong Diagramma thì đầu mối sẽ biến mất.
- Những người không thích hợp chính là Vatican sao?
- Không phải là họ không thích hợp, mà là toà thánh luôn xem thường những ảnh hưởng của Illuminati. Đầu thế kỷ XX, Vatican thậm chí còn tuyên bố rằng Illuminati chỉ là sản phẩm của những trí tưởng tượng viển vông. Giới tăng lữ cho rằng chẳng cần phải bận tâm đến trào lưu bài Thiên Chúa giáo đang len lỏi vào từng ngõ ngách của các nhà băng, trường đại học cũng như hệ thống chính trị của họ.
Động từ thời hiện tại chứ, Robert Langdon tự nhắc bản thân. Hiện nay, trào lưu bài trừ Thiên Chúa giáo đang len lỏi vào từng ngõ ngách các nhà băng, trường đại học cũng như hệ thông chính trị của họ.
Anh cho rằng rất có thể Vatican sẽ chôn vùi bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến các mối đe doạ từ hội Illuminati à?
- Có thể lắm chứ. Bất kỳ mối đe doạ nào, dù là thật hay tưởng tượng, đều góp phần làm lung lay niềm tin vào sức mạnh của nhà thờ.
- Một câu hỏi nữa nhé. - Bỗng nhiên Vittoria đứng lại và nhìn Langdon như thể anh là người ngoài hành tinh - Anh nói nghiêm túc không đấy?
Langdon cũng dừng bước:
- Ý cô là sao?
- Tôi muốn hỏi có phải đây thực sự là kế hoạch cứu nguy cho toà thánh của anh hay không?
Langdon không dám chắc anh vừa nhìn thấy gì trong ánh mắt của cô gái trẻ, sự thương hại đầy hài hước, hay cảm giác hốt hoảng thực sự.
- Cô muốn nói đến việc tìm cuốn Diagramma à?
- Không, tôi muốn hỏi việc tìm cuốn Diagramma, xác định vị trí của segno 400 năm tuổi, giải một số mã toán học, rồi lần theo dấu những tác phẩm điêu khắc cổ mà chỉ có những nhà khoa học ưu tú nhất trong lịch sử mới có thể lần ra được... tất cả những việc đó trong vòng bơn giờ đồng hồ à?
Langdon nhún vai:
- Nếu cô có ý kiến gì khác thì tôi rất sẵn lòng lắng nghe.
Chú thích:
(1) Archivio Vaticano: Nhà mái vòm Vatican.
(2) Curatore, Padre Jaqui Tomaso: Người quản lý, cha Jaqui Tomaso.
(3) Pietro l erenmita: Peter - thầy tu khổ hạnh.
(4) Urbano: Thành phố.
(5) Levant: Miền cận Đông của vùng Địa Trung Hải.
(6) Dialogo: Đối thoại.
(7) Discorsi: Những bài phát biểu.
(8) Linga Pura: Ngôn ngữ thuần tuý.
Đứng bên ngoài vòm kính số 9, Robert Langdon đọc những tấm biển gài trên giá sách.
BRAHE... CLAVIUS... COPERNICUS... KEPLER... NEWTON...
Đọc lại những cái tên đó một lần nữa, anh thấy chột dạ. Các nhà khoa học đều ở đây cả. Còn Galileo thì sao không thấy?
Anh quay sang nhìn Vittoria, cô gái đang xem xét một vòm kính khác gần đó.
- Tôi tìm được đúng chủ đề rồi, nhưng chả thấy Galileo đâu cả.
- Có đấy! - Cô gái đáp, nheo mắt chỉ tay vào vòm kính bên cạnh. Ông ấy trong này này. Hi vọng anh mang theo kính, vì toàn bộ vòm này đều là về Galileo hết.
Langdon chạy lại. Vittoria nói đúng. Tất cả các biển chú thích trong vòm số 10 đều ghi cùng một cái tên.
IL PROCESSO GALILEANO(1)
Langdon à lên một tiếng, lúc này anh đã hiểu vì sao một mình Galileo chiếm trọn cả vòm kính.
- Vụ án Galileo. - Langdon kinh ngạc nhìn những kệ sách đằng sau lớp kính. - Những thủ tục pháp lý dai dẳng và tốn kém nhất trong lịch sử Vatican. 14 năm và 600 triệu lia. Tất cả đều nằm ở đây.
- Khá nhiều tài liệu pháp lý đấy chứ.
- Đã mấy thế kỷ rồi mà các thủ tục loại này có thay đổi gì mấy đâu.
- Giống như lũ cá mập ấy mà.
Langdon sải bước đến bên một cái nút khá lớn màu vàng bên cạnh vòm kính. Anh ấn nút, một loạt bóng điện bên trong vòm kính nhấp nháy rồi sáng lên. Ánh sáng màu đỏ sẫm, khiến cho toàn bộ vòm kính biến thành một cái hộp toả sáng màu đỏ thắm... một mê cung những kệ sách đầy chất ngất.
- Chúa ơi. - Vittoria có vẻ kinh hãi. - Chúng ta đang làm việc hay đang phơi nắng đây.
- Giấy da cừu và da dê rất dễ mất màu, cho nên các bóng đèn lắp trong vòm kính lúc nào cũng tối màu.
- Vào trong này thì phát điên lên mất.
Còn hơn thấy chứ, Langdon thầm nghĩ, chân bước lại bên cánh cửa dẫn vào trong vòm.
- Xin cảnh báo trước với cô là khí ôxi chính là chất ôxi hoá, cho nên các vòm kín kiểu này đều chứa rất ít ôxi. Bên trong vòm rất giống vùng chân không. Hô hấp sẽ khó khăn hơn đấy.
- Này, các vị Hồng y Giáo chủ già cả mà còn chịu được nữa là.
Đúng thế, Langdon thầm nghĩ. Hi vọng chúng ta cũng được may mắn giông họ.
Cửa vào trong vòm là một cái cửa xoay điện tử loại đơn.
Langdon đã để ý thấy bốn cái nút xếp thành hàng bên trong cánh cửa, từ mỗi vị trí chỉ có thể bấm được một nút. Khi có người ấn nút, cánh cửa này sẽ tự động quay ngược chiều nửa vòng trước khi dừng lại - chu trình chuẩn để cách ly bầu không khí bên trong vòm với bên ngoài.
- Khi nào tôi vào xong thì cô hãy nhấn nút và theo tôi. - Anh dặn dò. - Trong đó độ ẩm chỉ là 8%, hãy chuẩn bị tinh thần là sẽ có cảm giác khô miệng.
Langdon bước vào vị trí và nhấn nút. Cánh cửa kêu rì rì rồi bắt đầu quay. Chân bước theo cánh cửa quay vào trong, Langdon chuẩn bị tinh thần cho cảm giác sốc trong những giây đầu tiên khi bước vào vòm kính kín. Bước vào vòm kính kín kiểu này không khác gì bay lên đến độ cao trên 6000 mét tính từ mặt biển trong vòng một tích tắc. Nhiều người cảm thấy buồn nôn và đau đầu. Gấp đôi tầm nhidn, gấp đôi trở ngại, Langdon tự nhắc mình câu thần chú vẫn được các nhân viên lưu trữ rất ưa chuộng. Hai tai anh như muốn nổ tung. Có tiếng không khí rít mạnh, cánh cửa ngừng xoay.
Langdon đã ở bên trong vòm.
Điều trước tiên Langdon nhận thấy là không khí bên trong vòm loãng hơn anh tưởng. Có vẻ như Vatican nâng niu những vòm kính của họ hơn nhiều so với tất cả mọi kho lưu trữ khác. Anh cố kìm cảm giác muốn nôn oẹ, và thư giãn các cơ lồng ngực trong khi các mao dẫn trong cả hai lá phổi đang nở ra hết cỡ. Cảm giác nôn nao qua đi khá nhanh. Chẳng khác nào chui vào trong bụng cá voi, anh thầm nghĩ bài tập bơi 50 vòng quanh bể bơi ở trường đại học cũng có lúc phát huy tác dụng. Hơi thở đã trở lại bình thường, Langdon bắt đầu nhìn quanh. Dù lớp kính bao xung quanh hoàn toàn trong suốt anh vẫn thấy có cảm giác lo âu quen thuộc. Mình ở trong cái hộp kín, anh thầm nghĩ. Cái hộp kín đỏ như máu.
Cánh cửa xoay lại kêu rì rì sau lưng Langdon, anh quay lại nhìn, Vittoria cũng đang vào trong vòm. Vừa vào đến nơi, cô lập tức bị chảy nước mắt và thở một cách nặng nhọc.
- Chỉ mất một phút thôi. Nếu cô thấy choáng váng thì cúi đầu xuống.
- Tôi... thấy... - Vittoria nói khó nhọc, - như mang nhầm bình khí lúc lặn xuống... biển.
Langdon đợi cho cô gái trở lại bình thường, anh biết là Vittoria sẽ chịu đựng được. Trông cô gái trẻ này rất săn chắc và khỏe mạnh, khác hẳn bà cựu sinh viên ốm ho già lão mà dạo trước anh phải dẫn vào khu vòm kính lại thư viện trường Widener. Bà ta thở mạnh đến nỗi suýt văng cả mấy cái răng giả ra ngoài. Đến khi kết thúc chuyến đi thì Langdon gần như phải hô hấp nhân tạo cho bà già khổ sở đó.
Đỡ hơn rồi chứ? - Anh hỏi.
Vittoria gật đầu.
- Tôi đã một lần đi thử chiếc máy bay đáng nguyền rủa của viện cô, nên thấy rất nể cô.
Câu nói đùa của anh khiến cô gái mỉm cười:
- Cảm động quá.
Langdon với tay lên chiếc hộp gắn cạnh cánh cửa và lấy ra một dôi găng tay cô-tông màu trắng.
- Lắm lệ bộ thế cơ à? - Vittoria hỏi.
- Vì tay có axít. Nếu không có găng thì không thể sờ vào sách được Cô cũng phải đeo vào.
Vittoria lấy găng.
- Chúng ta còn bao nhiêu lâu nữa?
Langdon kiểm tra chiếc đồng hồ đeo tay có hình chuột Mickey:
- Giờ là 7 giờ.
- Chỉ có khoảng một giờ để tìm quyển sách thôi.
- Thực ra thì không được nhiều thế đâu. - Langdon chỉ tay vào thiết bị lọc khí trên nóc vòm:
- Bình thường thì người quản lý sẽ bật hệ thống tái ôxi hoá mỗi khi có người vào trong vòm, nhưng hôm nay thì không. 20 phút thôi, lâu hơn thế thì chúng ta sẽ chết ngạt.
Dưới ánh sáng màu đỏ, trông Vittoria nhợt nhạt hẳn đi.
Langdon mỉm cười, vuốt thẳng chiếc găng trên tay:
- Chứng minh hay là chết, Vittoria ạ. Chú Mickey này bắt đầu đếm thời gian rồi đấy.
Chú thích:
(1) Il processo Galileano: Vụ kiện của Galileo.
Phóng viên đài BBC Gunther Glick cứ chòng chọc nhìn ống nghe điện thoại đang cầm trên tay đến 10 giây rồi mới gác máy.
Từ phía sau xe, Chinita Macri chăm chú quan sát anh:
- Chuyện gì thế? Ai đấy?
Glick quay lại, cảm giác như một đứa trẻ vừa nhận được quà Giáng sinh nhưng vẫn chưa dám tin đó thực sự là quà của mình.
- Có người vừa báo tin. Trong toà thánh có chuyện. Chuyện đó xưa nay người ta vẫn gọi là Mật nghị Hồng y.
Chinita đáp.
- Có gì mà báo.
- Không, chuyện khác cơ. - Chuyện tày trời. Anh tự hỏi không biết những gì người kia nói với anh có xảy ra thật không. Glick xấu hồ nhận thấy mình đang cầu cho nó xảy ra thật. - Nếu tôi nói là bốn Hồng y Giáo chủ đã bị bắt cóc và sẽ bị hành quyết tại bốn nhà thờ trong đêm nay thì sao?
- Thì có kẻ rỗi hơi ở đài truyền hình muốn trêu anh cho đỡ buồn chứ sao.
- Thế nếu tôi bảo là có người sẽ báo cho chúng ta biết chính xác địa điểm của vụ hành quyết đầu tiên thì sao?
- Nói tôi nghe, anh vừa nói chuyện với gã phải gió nào thế?
- Anh ta không chịu xưng tên.
- Chắc vì anh ta báo tin vịt.
Glick đã đoán từ trước rằng Chinita sẽ nghi ngờ, nhưng người phụ nữ này quên mất rằng suốt gần 10 năm làm việc cho tờ British Tattler, anh đã biết quá rõ những kẻ mất trí và dối trá. Người này không thuộc hai loại đó. Anh ta tỉnh táo đến mức lạnh lùng. Lôgíc lắm. Gần 8 giờ tôi sẽ gọi lại, và cho anh biết chính xác địa điểm hành quyết. Những hình ảnh ghi được sẽ khiến anh nổi tiếng ngay lập tức, anh ta đã nói đúng y như thế. Khi Glick hỏi vì sao anh ta lại báo tin cho anh, câu trả lời đặc giọng Trung Đông cũng thật lạnh lùng. Phương tiện truyền thông là cánh tay phải của tình trạng hỗn loạn.
- Anh ta còn bảo tôi một điều nữa cơ. - Glick nói với Chinita.
- Cái gì? - Bảo là Elvis Presley mới được bầu làm Giáo hoàng à?
- Chị kết nối cho tôi cơ sở dữ liệu của đài đi. - Hoóc-môn adrenaline đang tăng lên rất nhanh trong cơ thể Glick. - Tôi muốn biết chúng ta đang đưa những tin gì liên quan đến anh chàng này.
- Anh chàng nào?
- Nối hộ đi mà.
Macri thở dài và bắt đầu kết nối với cơ sớ dữ liệu.
- Phải mất một phút đấy.
Glick bắt đầu thấy đầu óc chao đảo. - Người vừa gọi đến còn hỏi bằng được liệu chúng ta có nhân viên quay phim không.
- Kỹ thuật viên hình ảnh chứ.
- Và liệu chúng ta có truyền hình trực tiếp được không.
- Trên tần số 1.537 MHZ. Có chuyện gì nào? - Tiếng bíp, đã kết nối với cơ sở dữ liệu. - Rồi, đã nối xong. Anh cần biết về ai đây?
Glick đọc từ khoá cho Chinita.
Macri quay lại nhìn anh chằm chằm:
- Anh đùa đấy à?
Cách sắp xếp bên trong vòm kính số 10 không giống như Langdon nghĩ, và cũng chẳng thấy cuốn Diagramma ở chỗ những cuốn sách cùng loại của Galileo. Không thể truy cập vào chương trình Biblion và danh mục tra cứu, Vittoria và Langdon lúc này đang lâm vào thế bế tắc.
Có chắc là Diagramma ở trong thư viện này không? - Vittoria hỏi.
Chắc mà. Tên cuốn sách còn có cả trong danh mục Uficcio delta Propaganda delle Fede(1)
- Được rồi. Chỉ cần anh khẳng định chắc chắn. - Vittoria tìm bên phải, Langdon tìm bên trái.
Langdon bắt đầu tìm theo cách thủ công. Anh phải cố nén lòng để không dừng lại và đọc tất cả những báu vật đang hiện ra trước mắt. Quả là một bộ sưu tập quý giá. Nhà phân tích... Người đưa tin Những bức thư... Bức thư của nữ công tước Christina... Lời xin lỗi gửi Galileo.
Cuối cùng thì chính Vittoria lại là người tìm thấy vật báu ở gần cuối vòm. Cô kêu to:
- Diagramma della Verita!(2)
Từ đầu kia của vòm kính Langdon chạy ngay lại:
- Đâu?
Vittoria đưa tay chỉ, vã ngay lập tức Langdon hiểu vì sao trước đó họ không tên thấy cuốn sách. Bản thảo này được đựng trong một cái hộp chứ không nằm trên kệ. Những tài liệu không được đóng thành quyển vẫn thường được cất giữ trong hộp. Không còn chút nghi ngờ nào về tài liệu bên trong hộp nữa, bên ngoài hộp in dán nhãn đàng hoàng:
DIAGRAMMA DELLA VERITA.
Galileo Galilei, 1639
Langdon quỳ xuống, tim đập thình thịch.
- Diagramma. - Anh tươi cười nhìn Vittoria - Cừ lắm. Nào, giúp tôi lôi cái hộp ra!
Vittoria cũng quỳ xuống cạnh Langdon, cả hai cùng lấy đà.
Chiếc khay kim loại đỡ cái hộp lập tức quay hướng về phía họ, nắp hộp lộ hẳn ra ngoài.
- Không có khoá sao? - Vittoria ngạc nhiên trước cái chết được thiết kế quá đơn giản.
- Không bao giờ. Đôi khi cần phải sơ tán tài liệu một cách nhanh chóng. Do lụt lội hoặc hoả hoạn.
- Thế thì mở ra thôi.
Langdon không đợi phải giục đến lần thứ hai. Một phần vì giấc mơ khoa học bao lâu nay đang ở ngay trước mắt, phần vì không khí trong vòm rất loãng, anh không còn lòng dạ nào mà chần chừ. Langdon tháo chốt và nhấc nắp hộp ra. Có một cái túi nhỏ màu đen bằng vải thô nằm dưới đáy hộp. Độ thoáng khí của loại vải này là vô cùng quan trọng trong việc bảo quản cuốn sách. Dùng cả hai tay, Langdon nhẹ nhàng nâng cái túi vải lên theo đúng phương ngang, rồi nhấc ra khỏi hộp.
- Cứ tưởng phải tìm được cả một hòm châu báu, hoá ra lại được một vật giống như cái vỏ gối bé tí hin thế này. - Vittoria nói.
- Theo tôi!
Langdon bảo cô gái. Hai tay nâng cái túi vải như thể trong đó là một lễ vật hiến tế linh thiêng nào đó. Langdon bước lại bên bàn kiểm tra bằng kính trong vòm. Chiếc bàn được để chính giữa vòm chủ yếu là để hạn chế việc di chuyển tài liệu lưu trữ, tuy nhiên hầu hết các học giả đều yêu thích vị trí kín đáo giữa các kệ sách này. Những phát kiến làm nên sự nghiệp đều được thực hiện tại những vòm kính lưu trữ hàng đầu thế giới kiểu này, và trong khi làm việc, không một học giả nào muốn để cho đối thủ nhòm qua kính và biết chính xác họ đang làm gì.
Langdon đặt cái túi lên bàn và mở cúc cài. Vittoria đứng sát cạnh anh. Lục thùng dụng cụ ngay cạnh bàn, Langdon lấy ra một cái kẹp mà cánh nhân viên lưu trữ vẫn gọi đùa là chũm choẹ con một loại nhíp kẹp lớn có gắn những miếng kim loại mỏng hình tròn ở đầu hai tay kẹp. Vừa cảm thấy vô cùng phấn khích,
Langdon vừa lo sợ, biết đâu đây chỉ là một giấc mơ và khi bất thình lình tỉnh dậy tại Cambridge, anh lập tức trông thấy một đống bài vở của sinh viên cần phải chấm ngay. Hít một hơi thật sâu Langdon mở túi. Tay run run, anh lùa kẹp vào trong túi.
- Bình tĩnh nào. - Vittoria lên tiếng. - Giấy thôi, không phải bạch kim đâu.
Langdon đưa kẹp vào cạnh xấp giấy, thận trọng dùng lực kẹp lại Sau đó, thay vì rút tập tài liệu ra, anh giữ yên nó tại chỗ rồi từ từ gỡ chiếc túi vải - một thủ tục bắt buộc đối với các nhân viên lưu trữ để giảm tối đa lực ma sát tác động lên tài liệu. Rút túi vải ra, bật đèn bàn lên xong, Langdon mới thôi không nín thở nữa.
Luồng sáng từ chiếc đèn bàn dưới tấm kính hắt ngược lên, khiến cho Vittoria trông hao hao giống bóng ma.
- Giấy cỡ nhỏ. - Cô gái nhận xét, giọng đầy thành kính.
Langdon gật đầu. Xấp giấy trước mặt họ trông rất giống một cuốn tiểu thuyết bìa mềm đã bị long gáy. Có thể thấy rằng trang giấy được trang trí cầu kỳ trên cùng chính là bìa tác phầm, có tiêu đề ngày hoàn thành, và tên tác giả do chính tay Galileo tự viết.
Trong khoảnh khắc này, Langdon hoàn toàn không còn nhớ đến khu chung cư chật chội của anh, sự mệt mỏi của bản thân, cũng như lình huống cấp bách và ngặt nghèo đã khiến anh có mặt ở nơi này. Langdon ngẩn ngơ ngắm nhìn cuốn sách. Trong những khoảnh khắc được chạm tay vào lịch sử như thế này,
Langdon thường mụ mị đi vì một niềm thành kính đến tột cùng... giống như khi được ngắm nhìn những nét vẽ tài hoa trên khuôn mặt của nàng Mona Lisa.
Xấp giấy nến màu vàng câm lặng trước mặt Langdon lúc này đúng là bản thảo viết tay của tác giả và đúng với niên đại giả định của nó. Nếu không kể đến độ bạc màu không thể tránh khỏi, cuốn sách rõ ràng đã được bảo quản một cách hoàn hảo. Có những vết rạn màu không đáng kể, độ mịn của giấy nến cũng không còn được hoàn hảo lắm. Nhưng nhìn một cách tổng quan thì quả là được bảo quản rất tốt. Langdon quan sát kỹ đường viền trang trí bằng tay quanh trang bìa, mắt anh bắt đầu mờ đi do độ ẩm quá thấp. Vittoria không thốt nên lời.
- Đưa cho tôi con dao nhỏ nào. - Langdon chỉ cho Vittoria cái khay đựng đầy những dụng cụ dùng cho công tác lưu trữ làm bằng thép không rỉ. Vittoria lấy con dao cho anh. Langdon đưa tay đón lấy. Con dao thuộc loại tốt. Langdon dùng tay kiểm tra bề mặt của dao để đảm bảo rằng không có dị vật cứng nào mắc ở đó. Rất thận trọng, anh lách lưỡi dao dưới vỏ hộp rồi nậy nhẹ, chiếc nắp bật tung.
Trang đầu tiên đầy những dòng chữ bay bướm cầu kỳ đến mức gần như không thể đọc nổi. Langdon nhận thấy ngay lập tức không có sơ đồ hay con số nào hết. Đây là một bài luận.
- Thuyết nhật tâm. - Vittoria dịch tiêu đề trên tờ giấy đôi. Cô nhìn lướt khắp trang giấy. - Hình như Galileo muốn phàn đối bằng được thuyết địa tâm. Tiếng Ý cổ, cho nên tôi không thể dịch được.
- Quên chuyện đó đi, chúng ta đang tìm kiếm toán học. Langdon đáp. - Ngôn ngữ thuần khiết.
Anh lại dùng con dao giở sang trang tiếp theo. Một bài luận nữa. Không thấy toán học và sơ đồ Bàn tay đeo găng của Langdon bắt đầu nhơm nhớp mồ hôi.
- Chuyển động của các hành tinh. - Vittoria lại tiếp tục dịch tiêu đề bài luận.
Langdon nhíu mày. Giờ mà là một thời điểm nào khác thì Langdon đã say sưa dọc kỹ bài này; không thể tin được là mô hình chuyển động của các hành tinh mà NASA đang sử dụng, kết quả của quá trình quan sát bằng các loại kính thiên văn hiện đại nhất, lại giống y xì những phán đoán ban đầu của Galileo.
- Không có toán học. - Vittoria nói - Bài này nói về chuyển động lùi và quỹ đạo hình e-líp hay cái gì đó tương tự.
Quỹ đạo e-líp. Langdon nghĩ đến vô số những rắc rối mà Galileo đã phải đương đầu khi ông miêu tả rằng các hành tinh chuyển động theo quỹ đạo hình e-líp. Vatican ưa thích sự hoàn hảo của quỹ đạo hình tròn và khăng khăng cho rằng quỹ đạo di chuyển chuẩn xác phải là hình tròn. Trái lại, hội Illuminati của Galileo lại cho rằng hình e-líp cũng rất hoàn hảo, và tôn sùng đặc điểm đối ngẫu và nhị tâm của nó. Đến tận thời hiện đại, hình e- líp vẫn còn rất phố biến trong các phù điêu và biểu tượng của hội Tam Điểm.
- Trang tiếp đi. - Vittoria nói.
Langdon lật trang giấy.
- Chu kỳ của mặt trăng và thuỷ triều. - Vittoria nói - Không có chữ số không thấy sơ đồ.
Langdon lại giở tiếp. Không thấy gì. Anh tiếp tục lật thêm hơn chục trang nữa. Không thấy gì. Không thấy gì. Không thấy gì.
- Tôì cứ tưởng ông ấy là nhà toán học chứ. - Vittoria nói - Ở đây thấy toàn chữ là chữ.
Langdon thấy không khỉ bắt đầu loãng dần. Hi vọng cũng đang tiêu tan dần. Xấp giấy thì đang mỏng dần đi.
- Trang này không có gì. - Vittoria nói - Không toán học. Có mấy ngày tháng, vài chữ số, nhưng không thấy gì có hơi hướng đóng vai trò đầu mối cả.
Langdon lật nốt trang giấy cuối cùng và thở dài. Cũng vẫn chỉ là một bài luận.
- Cuốn sách mỏng thật. - Vittoria nhíu mày.
Langdon gật đầu.
- Merdra. - Dân thành Rome vẫn thường nói thế.
Chết tiệt, Langdon rủa thầm. Hình của anh phản chiếu trong lớp kính trông đầy mai mỉa, chẳng khác gì hình ảnh phản chiếu sáng nay nhìn anh từ bên ngoài cửa sổ máy bay. Con ma già khú đế.
- Chắc chắn phải có cái gì chứ. - Langdon lên tiếng, chính anh cũng bị giật mình vì giọng nói khàn đặc của bản thân. - Segno chỉ ở quanh đâu đây thôi. Tôi biết mà.
- Hay suy đoán của anh về DIII không chính xác?
Langdon quay lại, chằm chằm nhìn cô gái.
- Thôi được - Vittoria nhượng bộ. - Suy luận đó rất lôgíc. Hay đầu mối không phải dưới dạng toán học?
- Ngôn ngữ thuần khiết. Còn là cái gì khác được đây?
- Nghệ thuật thì sao?
- Cả cuốn sách không có sơ đồ hay tranh minh hoạ nào.
- Tôi chỉ biết là ngôn ngữ thuần khiết tức là không phải tiếng Ý.
- Lôgíc nhất vẫn là toán học.
- Tôi cũng thấy thế.
Langdon không thể chấp nhận thất bại nhanh chóng đến vậy.
- Chắc các con số được viết bằng chữ. Toán học được diễn tả bằng lời thay vì bằng các phương trình.
- Tôi sẽ dành thời gian đọc tất cả các trang vậy.
- Chúng ta làm gì có thời gian. Phải chia đôi việc ra. - Langdon lật xấp giấy lại trang đầu. - Tôi biết chút ít tiếng Ý nên đọc được các con số. - Anh dùng dao gạt xấp giấy ra làm hai, kiểu như những người chơi bạc chia đôi xấp bài, rồi đặt gần chục trang trước mặt Vittoria. - Chắc chắn ở trong này. Tôi biết mà.
Vittoria cúi xuống và dùng tay lật trang giấy đầu tiên.
- Dùng dao! - Langdon nói ngay: Anh lấy một con dao nữa trong khay và đưa cho cô gái. - Phải dùng dao!
- Tôi đeo găng rồi còn gì. - Vittoria làu bàu. - Làm sao mà hỏng được cơ chứ!
- Thì cô cứ dùng dao đi.
Vittoria cầm lấy con dao.
- Anh có đang cảm thấy giống tôi không?
- Căng thẳng á?
- Không. Thiếu không khí.
Rõ ràng là Langdon cũng đã bắt đầu cảm nhận thấy điều đó.
Không khí hết nhanh hơn anh tưởng. Họ phải khẩn trương lên.
Những vấn đề hóc búa thuộc lĩnh vực lưu trữ kiểu này không có gì xa lạ đối với anh, nhưng vẫn cần phải có thời gian. Không nói thêm một lời, Langdon cúi xuống dịch trang giấy đầu tiên.
Hiện ra đi quỷ tặc, hiện ra đi nào.
Chú thích:
(1) Uficcio delta Propaganda delle Fede: Văn phòng quảng cáo.
(2) Diagramma della Verita: Biểu đồ chân lý
Ở một địa điểm trong thành Rome, có một bóng đen lảng vảng quanh một con dốc lát đá dẫn xuống ga tàu điện ngầm. Lối đi cổ được thắp sáng bằng đuốc, khiến cho bầu không khí càng nóng nực và ngột ngạt. Từ trên đỉnh dốc vang lên tiếng nói hoảng hốt của những người đã có tuổi, vang vọng trong không gian chật hẹp tù túng.
Vào đến trong ngách nhỏ, hắn nhìn thấy họ vẫn y nguyên như lúc hắn bỏ họ lại đó - bốn ông già trong trạng thái khiếp đảm, bị giam phía sau những song sắt rỉ ngoét của một căn phòng nhỏ.
- Ngươi là ai? - Một người hỏi bằng tiếng Pháp. - Ngươi muốn gì ở chúng ta?
- Này! - Một người khác nói tiếng Đức. - Thả chúng ta ra!
- Ngươi có biết chúng ta là ai không? - Một người nữa hỏi bằng tiếng Anh, chất giọng Tây Ban Nha.
- Tất cả im mồm! - Hắn ra lệnh, giọng rít lên đầy đã tâm.
Một trong bốn ông già ấy, ông già người Ý nhìn sâu vào khoảng trống đen ngòm trong mắt hắn và quả quyết rằng vừa trông thấy địa ngục. Chúa hãy cứu giúp chúng con, ông cầu nguyện.
Tên sát thủ xem đồng hồ một lần nữa và quay lại nhìn những nạn nhân của hắn.
- Đến lúc rồi. - Hắn tuyên bố. - Lão nào đầu tiên đây?
Trong vòm lưu trữ số 10, Robert Langdon đang săm soi từng chữ trên trang giấy trước mật, miệng lẩm nhẩm các số đếm bằng tiếng Ý. Ngàn... trăm... một hai, ba... năm mươi.. Anh cần những gì liên quan đến các con số. Bất kì thứ gì!
Dò đến hết trang, anh dùng con dao lật trang giấy qua một bên.
Trong khi gài sẵn lưỡi dao vào trang giấy tiếp theo, Langdon luống cuống, không cầm vững nổi con đao nữa. Mấy phút sau, anh cúi xuống và thấy con dao trong tay đã bị quẳng sang một bên từ lúc nào, anh đang dùng tay để lật các trang giấy. Ôi! Langdon kêu thầm, cảm thấy mình thật không phải phép chút nào. Khả năng kiểm soát bản thân của anh đang giảm đi nhanh chóng do thiếu ôxi. Sau khi chết chắc mình sẽ bị thiêu trong hoả ngục dành riêng cho các nhân viên lưu trữ mật thôi.
- Thế có phải tiện hơn hẳn không. - Vittoria thốt lên khi thấy Langdon dùng tay để lật tài liệu. Cô cũng quẳng con dao sang một bên và làm hệt như vậy.
- Thấy gì không?
Vittoria lắc đầu:
- Chẳng có dấu vết nào của toán học cả. Tôi đang đọc lướt đây... nhưng chẳng tìm thấy gì giống đầu mối cả.
Langdon tiếp tục đọc xấp tài liệu, cảm thấy mỗi lúc một khó khăn hơn. Khả năng đọc tiếng Ý của anh vốn đã kém, lại thêm chữ viết nhỏ, ngôn ngữ cổ nên rất chậm. Vittoria đọc xong trước, đang lật trang cuối cùng với vẻ thất vọng. Rồi đột nhiên lại đặt tờ giấy xuống để xem xét một cách kỹ lưỡng. Xem xong trang cuối cùng, Langdon vừa rủa thầm trong bụng vừa ngước mắt lên nhìn Vittoria. Cô gái đang nheo mắt, chăm chú nhìn vào một điểm trên trang giấy.
- Gì thế? - Anh hỏi.
Vittoria không ngẩng lên:
- Các trang của anh có chú thích ở dưới không?
- Không thấy có. Sao?
- Trang này có chú thích. Rất mờ, lại đúng vào chỗ giấy nhàu.
Langdon nhìn sang xem cô gái thấy cái gì, nhưng chỉ thấy mỗi số trang ghi ở góc trên bên phải của tờ giấy. Trang 5. Phải sau giây lát anh mới nhận ra sự trùng lặp ngẫu nhiên của con số 5.
Trang số 5. Năm, môn đồ của thuyên Pitago, sao năm cánh, hội Illuminati. Langdon băn khoăn không hiểu có phải hội Illuminati đã chọn đúng trang 5 để gài đầu mối vào hay không. Trong ánh sáng màu đỏ sẫm mờ mờ ảo ảo đang phủ trùm lên cả hai người,
Langdon chợt thấy lóe lên một tia hi vọng mong manh.
- Chú thích đó có phải toán học không?
Vittoria lắc đầu:
- Chữ viết. Chỉ có một dòng. Khổ chữ nhỏ vô cùng. Gần như không đọc nổi.
Hi vọng tiêu tan.
- Đáng ra phải là toán học chứ. Ngôn ngữ thuần khiết cơ mà.
- Đúng thế, tôi cũng biết thế. - Cô gái lưỡng lự - Nhưng mà rất có thể anh muốn nghe nội dung chú thích này đấy.
Vittoria có vẻ khá hào hứng.
- Đọc đi!
Dí sát mặt vào tờ giấy, Vittoria đọc lo:
- Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng.
- Con đường ánh sáng à? - Langdon thấy các cơ bắp căng lên. - Lại xem nào?
- Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng.
Nghe xong, Langdon lại thấy tràn trề hi vọng. Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng. Chưa thể biết ngay dòng chữ này sẽ giúp gì cho họ, nhưng rõ ràng là nó đề cập trực tiếp đến Con đường ánh sáng. Con đường ánh sáng. Thử thách linh thiêng. Đầu óc anh như một cỗ máy phải hoạt động hết tốc lực nhưng lại không được cấp đủ năng lượng.
- Dịch chính xác chưa đấy?
Vittoria chần chừ:
- Thật ra thì... - Cô gái ngước lên nhìn anh,
Ánh mắt là lạ:
- Thực ra thì tôi không hề dịch. Dòng này viết bằng tiếng Anh.
Trong thoáng chốc, Langdon tưởng vòm kính quá kín đã ảnh hưởng đến thính lực của mình.
- Tiếng Anh à?
Vittoria đẩy tờ giấy tới trước mặt anh, Langdon đọc dòng chữ nhỏ xíu ở lề dưới.
Con đường ánh sáng thử thách linh thiêng.
- Tiếng Anh à? Tiếng Anh đóng vai trò gì trong một cuốn sách viết bằng tiếng Ý nhỉ?
Vittoria nhún vai. Có vẻ như cả cô gái cũng đang cảm thấy choáng váng.
- Hay chính tiếng Anh là cái mà họ cho là ngôn ngữ thuần khiết? Nó là ngôn ngữ quốc tế của khoa học mà. Ở CERN chúng tôi chỉ sử dụng mỗi thứ tiếng này thôi.
- Nhưng đây là từ thế kỷ 17 cơ mà. - Langdon phản bác. - ở Ý hồi đó làm gì có ai nói tiếng Anh, thậm chí cả... -. Chợt nhận ra điều mình sắp nói, anh ngừng lời. - Thậm chí cả...giới tăng lữ nữa.
Trí não Langdon căng ra như sợi dây đàn, và những lời nói của anh mỗi lúc một gấp gấp hơn.
- Vào thế kỷ 17, tiếng Anh chính là ngôn ngữ mà Vatican chưa để mắt tới. Họ giao tiếp với nhau bằng tiếng Ý, tiếng La-tinh, tiếng Đức, thậm chí cả tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, nhưng trong toà thánh không một ai biết tiếng Anh. Họ coi đó là thứ ngôn ngữ uế tạp nên chỉ phù hợp với những kẻ phàm phu tục tử như Chaucer và Shakespeare.
Langdon chợt nghĩ tới bốn phân nhóm của hội Illuminati: Đất, Nước, Khí và Lửa. Truyền thuyết về những cái tên bằng tiếng Anh của các nhóm này bất giác trở nên sáng rõ lạ kỳ. Anh cho rằng tiếng Anh được Galileo coi là ngôn ngữ thuần khiết là vì Vatican không sử dụng ngôn ngữ này à?
- Đúng thế. Hoặc là bằng cách dùng tiếng Anh để chỉ đầu mối, Galileo muốn bịt mắt Vatican một cách kín đáo.
- Nhưng có thấy đầu mối nào đâu. - Vittoria không đồng tình. - Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng. Câu này có ý nghĩa quái quỷ gì vậy?
Đúng thế thật, Langdon ngẫm nghĩ. Dù sao thì dòng chữ này cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Nhưng rồi anh chợt nhận ra một chi tiết kỳ lạ khi lặp đi lặp lại những từ ngữ ấy trong đầu. Lạ thật, Langdon nghĩ. Nếu thế thật thì sao đây?
- Phải ra khỏi đây ngay. - Vittoria nói, giọng hổn hển.
Langdon chẳng nghe thấy gì. Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng.
- Đây là một dòng thơ ngũ âm viết theo nhịp Iambic(1). Bất thình lình anh nói lớn. - Năm cặp gồm những âm có trọng âm và không có trọng âm.
Vittoria không hiểu:
- Iambic là thế nào?
Trong thoáng chốc, tâm trí Langdon chợt trở về với những buổi sáng chủ nhật ngồi trong lớp học Anh ngữ tại Học viện Phillips Exeter. Địa ngục trần gian. Hôm đó ngôi sao bóng rổ của trường Peter Greer không thể nào nhớ được những cặp âm cần thiết trong một dòng thơ viết theo thể Iambic của Shakespeare.
Thầy Bissel, một giáo viên rất nhiệt tình và sôi nổi, đã nhảy lên bàn và gào to lên:
- Greer, năm âm tiết! Hãy nghĩ đến những cái đĩa trong chạn bát nhà em mà xem! Lầu Năm góc! Năm cạnh! Năm! Năm! Năm! Thế!
Năm cặp âm, Langdon nhớ lại. Theo định nghĩa thì mỗi cặp có hai âm tiết. Không ngờ sự nghiệp của anh lại dựa trên những liên tưởng kỳ lạ đến vậy. Iambic là một thể thơ rất cân đối dựa trên hai con số thiêng của hội Illuminati: số 5 và số 2!
Tìm thấy rồi! Langdon muốn gạt ý nghĩ ấy ra khỏi tâm trí. Chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên thôi mà! Nhưng nó vẫn cứ bám lấy anh. Năm... liên quan đến Pitago và ngôi sao năm cánh. Hai... chỉ sự tồn tại song song của mọi hiện tượng.
Trong thoáng chốc, một ý nghĩ nữa khiến Langdon sững sờ.
Thể thơ Iambic, do sự đơn giản của nó, vẫn được mệnh danh là thể thơ thuần khiết. Ngôn ngữ thuần khiết? Không lẽ đây chính là ngôn ngữ thuần khiết mà hội Illuminati vẫn nhắc đến? Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng...
- Chà chà. - Vittoria thét lên.
Langdon quay lại và thấy cô gái đang xoay ngược tờ giấy.
Langdon chột dạ. Lại nữa à?
- Câu thơ này không thể là biểu tượng đối xứng hai chiếu được đâu!
- Không, không phải biểu tượng đối xứng hai chiều... nhưng mà... - Cô gái tiếp tục xoay xoay tờ giấy theo những góc vuông.
- Cái gì thế!
Vittoria ngẩng lên:
- Đó không phải là dòng thơ duy nhất.
- Còn dòng nữa à?
Mỗi lề có một dòng. Trên, dưới, phải, trái. Có vẻ là một bài thơ.
- Bốn dòng à? - Langdon xúc động đến nỗi nổi cả gai ốc. Galileo là nhà thơ ư? - Để tôi xem nào.
Vittoria không chịu rời tờ giấy. Cô vẫn tiếp tục xoay tờ giấy theo những góc 90 độ.
- Ban nãy tôi không nhìn thấy là vì chúng được in ở ngoài lề. - Cô gái dí sát mặt xuống tờ giấy - Chà, anh biết không, Galileo không tự viết những vần thơ này đâu.
- Cái gì?
- Thấy có chữ ký của John Milton.
- John Milton à?
Nhà thơ nổi tiếng người Anh, người đã viết tuyệt tác Thiên đường đã mất là người cùng thời với Galileo, và là người đầu tiên trong danh sách những người bị tình nghi có dính líu đến Illuminati. Từ lâu Langdon đã cho rằng những giai thoại về mối liên hệ giữa Milton và hội Illuminati của Galileo là đúng.
Milton không những đã hành hương đến Rome năm 1638 để "tiếp kiến những người khai sáng", một chuyến đi được rất nhiều người biết tới mà ông còn có những buổi gặp gỡ với Galileo trong suốt thời gian nhà khoa học vĩ đại này bị giam lỏng tại gia. Những cuộc gặp này đã được ghi lại trong các bức hoạ Phục Hưng, đặc biệt là bức Galileo và Milton của Annibale Gatti hiện vẫn được trưng bày tại bảo tàng IMSS ở Florence.
- Milton có biết Galileo, phải thế không? - cuối cùng thì Vittoria cũng chịu đưa cho Langdon tờ giấy. - Biết đâu vì lòng ái mộ mà ông ấy đã viết tặng Galileo bài thơ này.
Môi bặm lại, Langdon đón lấy tờ giấy. Đặt trang giấy phầng phiu trên mặt đất, anh bắt đầu đọc dòng thơ ở lề trên. Rồi quay tờ giấy 90 độ, anh đọc hàng chữ in dọc theo lề phải. Xoay một lần nữa, anh đọc hàng chữ ở lề dưới, và cuối cùng là lề trái. Tất cả có bốn dòng. Dòng đầu tiên Vittoria phát hiện được thực ra là dòng thứ ba của bài thơ. Kinh ngạc đến sững sờ, anh đọc đi đọc lại bốn dòng chữ, xoay theo chiều kim đồng hồ: trên, phải, dưới, trái. Đọc xong, Langdon thở phào. Không còn nghi ngờ gì nữa.
- Cô đã tìm ra, thưa cô Vetra.
Cô gái khẽ cười:
- Bây giờ chúng ta ra ngoài được chưa?
- Tôi phải chép lại những dòng này cái đã. Cần phải tìm một cái bút chì và một tờ giấy.
Vittoria lắc đầu:
- Quên ý nghĩ đó đi thôi, thưa giáo sư. Làm gì có thời gian mà chép. Chuột Mickey đang kêu tích tắc kia kìa. - Cô gái giằng lấy tờ giấy trên tay Langdon và lao ra ngoài.
Langdon đứng phắt dậy:
- Không được mang tờ giấy ra ngoài! Làm thế thì...
Nhưng Vittoria đã ra khỏi vòm kính.
Chú thích:
(1) Iambic: Một kiểu nhịp điệu trong văn vắn tiếng Anh gồm có sự xen kẽ giữa những âm tiết có trọng âm và không có trọng âm trong một dòng thơ.
Langdon và Vittoria chạy như bay ra khoảng sân trước cửa Nhà mái vòm bí mật. Không khí trong lành ùa mạnh vào hai lá phổi Langdon. Cảm giác hoa mắt nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, cảm giác tội lỗi thì không. Anh vừa đồng loã với hành động lấy cắp một thứ tài sản vô giá vốn được bảo vệ trong những vòm kính tốt nhất trên thế giới. Giáo chủ Thị thần vừa mới nói ban nãy, ta hoàn toàn tin tưởng ở con.
- Nhanh chân lên. - Vittoria vừa nói vừa đi như chạy qua Via Borgia để về văn phòng của Tổng Tư lệnh Olivetti, tay vẫn cầm tờ giấy.
- Nếu không khí ẩm bám vào tờ giấy nến đó thì...
- Bình tĩnh nào. Khi nào giải mã xong, chúng ta sẽ trả tờ giấy thiêng số 5 này về vòm kính ngay lập tức.
Langdon sải bước thật nhanh để theo cho kịp. Vượt qua cảm giác tội lỗi, anh vẫn thấy vô cùng kinh ngạc về những thông tin vừa có được. Hoá ra John Milton là thành viên của hội Illuminati. Chính ông ấy đã sáng tác bài thơ trong trang sách thiêng số 5 của Galileo mà Vatican không hề hay biết.
Đi hết khoảng sân rộng, Vittoria đưa cho Langdon tờ giấy.
- Có chắc là anh sẽ giải mã được bài thơ này không? Hay chúng ta vừa mất toi mấy nơ-ron thần kinh trong cái vòm kính ấy rồi?
Langdon cẩn thận đón lấy tờ giấy rồi nhanh chóng đút vào túi áo khoác rộng nhất của mình, để tránh ánh mặt trời và hơi ẩm.
- Tôi giải mã xong rồi.
Vittoria dừng phắt lại:
- Anh làm sao?
Langdon vẫn đi tiếp. Vittoria hối hả bước theo:
- Anh mới đọc có một lần mà! Tôi tưởng giải mã phải kỳ công lắm chứ!
Langdon biết cô gái nói không sai, nhưng chỉ đọc một lần duy nhất là anh đã giải mã segno được ngay. Một khổ thơ viết theo nhịp Iambic vô cùng hoàn hảo, và bàn thờ đầu tiên của khoa học đã hiện ra rõ mồn một. Thật lòng mà nói thì thành công quá dễ dàng này khiến Langdon cảm thấy hơi bất ổn. Từ bé anh đã được giáo dục đức tính chăm chỉ lao động của người Thanh giáo.
Trong tâm trí anh vẫn còn vang lên câu cách ngôn vùng New England mà cha anh rất hay đọc: Không khó khăn gian khổ mà vẫn đạt được tức là đã sai đường. Hi vọng câu nói này không phải lúc nào cũng đúng.
- Tôi đã giải mã xong. - Anh vừa nói vừa rảo bước. -Tôi biết vụ hành quyết đầu tiên sẽ diễn ra ở đâu. Chúng ta phải cảnh báo cho Olivetti ngay lập tức.
Vittoria gạn hỏi:
- Làm thế nào mà anh biết ngay được thế? Cho tôi xem lại tờ giấy cái nào? - Cô gái nhanh nhẹn thò cánh tay mềm mại vào túi áo của Langdon rồi lôi tờ giấy ra ngoài.
- Cẩn thận! Đừng có... - Langdon phản ứng.
Vittoria mặc kệ. Tay mở rộng tờ giấy, cô nhẹ nhàng bước đi bên anh, cố tận dụng ánh sáng để xem cho kỹ. Cô gái bắt đầu ngâm nga đọc, Langdon giơ tay định lấy lại tờ giấy, nhưng lập tức bị cuốn hút bởi chất giọng trầm trầm êm ái đến không ngờ của Vittoria.
Trong thoáng chốc, những vần điệu nhịp nhàng như đưa Langdon ngược về quá khứ... tưởng chừng như mình trở thành người cùng thời với Galileo, và đang nghe bài thơ lần đầu trong đời. biết rằng đây là một bước kiểm tra, là sơ đố, là đầu mối dẫn đến những bàn thờ khoa học... bốn cột mốc đánh dấu con đường. bí mật xuyên qua thành Rome. Những vần thơ đang được ngân lên từ đôi môi của Vittoria:
Từ nấm mồ trần tục của Santi, lăng mộ hang quỷ
Nguyên tố huyền bí hiển nhiên khắp thành Rome
Con đường ánh sáng, thử thách linh thiêng
Thiên thần dẫn lối trên hành trình cao cả.
Vittoria đọc bài thơ hai lần, như thể muốn để cho những câu chữ kia tự ngân vang trong tĩnh lặng.
Từ nấm mồ trần tục của Santi, lăng mộ hang quỷ
Nguyên tố huyền bí hiển nhiên khắp thành Rome
Nguyên tố huyền bí. Rõ quá rồi. Đất, Khí, Lửa, Gió. Các thành tố của khoa học, bốn mốc chỉ đường của hội Illuminati được nguỵ trang thành những tượng đài tôn giáo.
- Mốc đầu tiên dường như là lăng mộ của Santi. - Vittoria nói.
Langdon mỉm cười:
- Tôi đã bảo là không đến nỗi quá khó mà lại!
- Santi là ai? - Vittoria hào hứng hỏi. - Và mộ của ông ấy nằm ở đâu?
Langdon cười một mình. Thật lạ, rất ít người biết đến Santi, họ của một trong những nghệ sĩ Phục Hưng nổi tiếng nhất. Tên riêng của ông thì cả thế giới đều biết đến... mới 25 tuổi, người nghệ sĩ có tài năng thiên bầm này đã được Giáo hoàng Julius đệ nhị tin cậy, và đến khi từ giã cõi đời ở tuổi 38, ông đã để lại cho hậu thế một di sản độc nhất vô nhị gồm những bức hoạ tuyệt tác trên tường. Santi là một vĩ nhân trong giới nghệ sĩ, và chỉ những nhân vật thật tầm cỡ mới được biết đến bằng tên riêng: Napoleon, Galileo, Jesus... và dĩ nhiên là những vị á thánh mà tên tuổi luôn được nhắc đến trong khuôn viên đại học Harvard như Sting, Madonna, Jewel, và cả một nghệ sĩ vốn tên là Prince, sau đổi thành XXX - biểu tượng mà Langdon đặt tên là "Hình chữ thập chìa khoá lưỡng tính".
Langdon nói:
- Santi là họ của nghệ sĩ Phục Hưng bậc thầy Raphael.
Vittoria có vẻ ngạc nhiên:
- Raphael à? Có thật là Raphael không?
- Không thể có người nào khác. - Langdon tiếp tục sải bước về phía văn phòng của đội lính gác Thuỵ Sĩ.
- Tức là con đường bắt đầu từ lăng mộ của Raphael à?
- Hoàn toàn hợp lý. - Langdon vẫn bước tiếp. - Hội Illuminati vẫn thường coi các hoạ sĩ và nghệ sĩ điêu khắc vĩ đại là những thành viên danh dự của phong trào Khai sáng. Rất có thể họ đã chọn lăng mộ của Raphael như một cách để tôn vinh người nghệ sĩ này.
Langdon còn biết rằng, cũng giống như nhiều nghệ sĩ bậc thầy khác, Raphael đã từng bị nghi ngờ có liên quan đến chủ nghĩa vô thần.
Vittoria cẩn thận trả tờ giấy vào trong túi áo khoác của Langdon.
- Raphael được chôn cất ở đâu?
Langdon hít một hơi thật sâu:
- Nghe có vẻ khó tin, nhưng ông ấy được an táng trong điện Pantheon.
Vittoria hoài nghi:
- Điện Pantheon à?
- Raphael được chôn cất lại điện Pantheon.
Quả thật Langdon hơi thất vọng, không ngờ điểm đầu tiên của con đường ánh sáng lại chính là điện Pantheon. Anh những tưởng bàn thờ số một của khoa học phải là một nơi nào đó yên tĩnh, khác hẳn các nhà thờ, nó phải là một nơi nào đó rất thanh tịnh. Ngay từ thế kỷ XVII, điện Pantheon được thiết kế với một mái vòm cực lớn có lỗ ở giữa, đã trở thành một trong những địa danh nổi tiếng nhất ở thành Rome.
- Mà Pantheon có phải là nhà thờ không nhỉ? - Vittoria thắc mắc.
- Nhà thờ Thiên Chúa cổ kính nhất ở Rome đấy.
Vittoria lắc đầu:
- Anh có thực sự tin rằng vị Hồng y Giáo chủ đầu tiên sẽ bị hành quyết ở điện Pantheon không? Đó đâu phải là một trong những điểm du lịch đông đúc nhất ở Rome.
Langdon nhún vai:
- Illuminati đã tuyên bố là họ muốn cả thế giới phải trông thấy. Hành quyết một vị Hồng y Giáo chủ ở Pantheon thì dĩ nhiên sẽ gây chú ý rồi.
- Nhưng làm gì có kẻ nào dám táo tợn giết người ở điện Pantheon rồi tẩu thoát trót lọt được cơ chứ? Không thể có chuyện đó.
- Không thể giống như việc bắt cóc bốn vị Hồng y Giáo chủ ngay tại Vatican chứ gì? Bài thơ này đã nêu chính xác địa điểm đó.
- Và anh tin chắc là Raphael được an táng tại Pantheon à?
- Tôi đã trông thấy mộ của ông ấy nhiều lần rồi.
Vittoria gật đầu, nhưng có vẻ vẫn chưa tin tưởng lắm:
- Mấy giờ rồi?
Langdon xem đồng hồ:
- 7 giờ 30 phút.
- Điện Pantheon có xa không?
- Khoảng độ một dặm. Còn kịp.
- Bài thơ nói đến nấm mồ trần tục của Santi. Anh nghĩ xem còn có ý nghĩa gì khác nữa không?
Langdon phăm phăm băng qua khoảng sân rộng của thánh đường Sentinel:
- Trần lục à? Thực ra thì khắp thành Rome chẳng có nơi nào trần tục hơn điện Pantheon. Cái tên của nó bắt nguồn từ tên của một giáo phái vốn vẫn tiến hành các nghi lễ của họ tại đó: Pantheism, họ thờ tất cả các thần, đặc biệt là Mẹ Đất.
Hồi còn học kiến trúc ở trường đại học, Langdon đã vô cùng kinh ngạc khi biết rằng kích thước của gian chính trong cung điện này liên quan đến nữ thần đất Gaia. Kích thước chính xác đến mức mái vòm hình cầu khống lồ vừa khít với cung điện, không lệch một li.
- Được rồi. - Vittoria nói, có vẻ đã bị thuyết phục. - Thế còn cái hang quỷ? Từ nấm mồ trần tục của Santi, lăng mộ hang quỷ?
Về điều này thì Langdon không được rõ lắm.
- Rất có thể hang quỷ chính là oculus, - anh phỏng đoán - Là cái giếng trời hình tròn nổi tiếng trên mái điện Pantheon.
Nhưng đấy là nhà thờ cơ mà. - Vittoria vừa nói vừa bước thoăn thoắt. - Sao họ lại gọi nó là hang quỷ?
Chính bản thân Langdon cũng đã đắn đo về chi tiết này. Anh chưa bao giờ nghe nói tới cái tên hang quỷ, nhưng đã từng đọc một bài luận viết từ thế kỷ thứ VI, nội dung của nó lúc này bỗng trở nên thích hợp kỳ lạ. Thiên tài Bede đã từng viết rằng cái lỗ tròn trên mái điện Pantheon là do một con quỷ đã đục ra để thoát khỏi toà nhà sau khi được đức thánh cha Baniface đệ tử phong thánh.
- Tại sao hội Illuminati lại dùng cái tên Santi trong khi hoạ sĩ này nổi tiếng khắp nơi với cái tên Raphael? - Vittoria hỏi khi hai người đi đến một khoảng sân nhỏ.
- Cô hỏi nhiều thật đấy.
- Cha tôi vẫn thường bảo thế.
- Có thể là vì hai lí do. Thứ nhất, Raphael có quá nhiều âm tiết, và không hợp với nhịp thơ Iambic.
- Có vẻ hơi suy diễn.
Langdon đồng ý:
- Thôi được, rất có thể dùng tên "Santi" là để cho đầu mối trở nên khó hiểu hơn, để đảm bảo rằng chỉ có người của phong trào Khai sáng mới hiểu được.
Cách giải thích này cũng không thuyết phục được Vittoria:
- Chắc chắn cả cái tên Santi cũng rất nổi tiếng khi Raphael còn sống.
- Không nổi tiếng mới hay chứ. Phải rất danh giá mới được gọi bằng tên riêng. Raphael không thích người ta nhắc đến họ của mình, giống hệt các ca sĩ nhạc pop thời nay. Như Madonna chẳng hạn, cô ta có bao giờ dùng cái họ Ciccone của mình đâu.
Vittoria có vẻ khoái trá:
- Hoá ra anh biết họ của Madonna.
Langdon hơi ngượng. Khi phải chung sống với 10.000 đứa trẻ vị thành niên, đầu óc con người ta rất dễ trở thành một mớ hổ lốn.
Khi Langdon và Vittoria đang vượt qua cánh cổng cuối cùng để vào Văn phòng của đội lính gác Thuỵ Sĩ thì họ bất thần bị chặn lại.
- Fennatevi!(1) Tiếng hô dõng dạc vang lên ngay sau lưng họ.
Langdon và Vittoria quay lại, một khẩu súng trường đang chĩa thẳng vào cả hai.
- Attento(2)! - Vittoria vừa lùi lại vừa thét lên. - Cẩn thận...
- Non spostatevi(3) - Người lính gác ngắt lời, lách cách lên cò súng.
- Soldato(4)! - Từ bên kia khoảng sân có người lên tiếng. Olivetti xuất hiện trước cửa trung tâm an ninh. - Để họ vào!
Người lính gác có vẻ bối rối:
- Ma, Signore, è una donna...
- Cho vào! - Olivetti quát.
- Signore, non posso(5)...
- Ngay lập tức! Anh vừa được lệnh mới rồi đấy. Hai phút nữa đại tá Rocher sẽ thông báo tình hình với cả đội. Chúng ta phải tổ chức truy lùng.
Với vẻ bối rối, người lính gác sải bước vào trung tâm an ninh.
Olivetti từ từ tiến lại bên Langdon và Vittoria, vẻ rất nóng nảy:
- Vào tận Nhà mái vòm bí mật của chúng tôi cơ à? Tôi muốn có một lời giải thích.
- Chúng tôi có một tin tốt đây. - Langdon đáp.
Olivetti nhíu mày:
- Còn chưa biết có tốt thật hay không.
Chú thích:
(1) Fennatevi: Đứng lại.
(2) Attento: Cấn thận.
(3) Non spostatevi: Đứng im.
(4) Soldato: Người lính.
(5) Signore, non posso: Thưa ngài, không thể...
Bốn chiếc xe Alfa Romeo 155 T-Sparks rú ga lao như bay dọc con đường Via Dei Coronari chẳng khác gì máy bay phản lực đang cất cánh từ đường băng. Trên xe là hơn chục lính gác Thuỵ Sĩ mặc thường phục được trang bị súng lục bán tự động Cherchi-Pardini, hộp hơi cay, súng gây mê nòng dài. Ba xạ thủ mang súng laze.
Từ ghế của mình cạnh người lái xe trên chiếc xe dẫn đầu, Olivetti quay lại nhìn Langdon và Vittoria, ánh mắt đầy giận dữ.
- Các vị hứa hẹn với tôi là sẽ giải thích rõ ràng cặn kẽ, vậy mà chỉ có thế?
Trong chiếc xe chật chội, Langdon cảm tưởng như bị bỏ tù:
- Tôi hiểu là ông đang...
- Này làm sao mà ông hiểu nổi cơ chứ! - Olivetti không bao giờ cao giọng, nhưng lúc này ông ta đang gằn từng lời nói - Ngay trong đêm diễn ra Mật nghị Hồng y, thế mà tôi phải cử những người lính được việc nhất đi ra khỏi phạm vi thành Vatican. Và giờ tôi lại còn phải bao vây điện Pantheon chỉ vì những lời phỏng đoán của một tay người Mỹ lạ hoắc sau khi gã đọc một bài thơ được sáng tác từ 400 năm trước. Đã thế tôi lại còn phải giao việc tìm kiếm phản vật chất cho những sĩ quan hạng hai nữa chứ!
Langdon phải hết sức kìm chế mới ngăn được ý định lôi tờ giấy trong túi áo ra và dúi vào tận mặt Olivetti.
- Tôi chỉ biết là những thông tin tôi tìm được nhắc đến mộ của Raphael, mà mộ của Raphael thì ở trong Pantheon.
Người sĩ quan đang lái xe gật đầu:
- Anh ấy nói đúng đấy, thưa chỉ huy. Tôi đã cùng với vợ...
- Lái xe đi. - Olivetti cộc cằn. Ông ta lại quay về phía Langdon - Làm sao tên sát thủ có thể giết người rồi tẩu thoát ở một địa điểm đông đúc như thế được cơ chứ?
- Tôi không biết. - Langdon đáp - Nhưng rõ ràng là hội Illuminati vô cùng cao tay. Họ đã đột nhập được vào CERN và Vatican. Phải nhờ vận may chúng ta mới được biết địa điểm hành quyết đầu tiên. Điện Pantheon là cơ hội duy nhất để ông có thể tóm được kẻ sát nhân.
- Lại càng thêm mâu thuẫn. - Olivetti lớn tiếng. - Cơ hội duy nhất là sao? Ông vừa mới nói là có hẳn một con đường kia mà. Hàng loạt tín hiệu chỉ đường cơ mà. Nếu điện Pantheon là đúng thì chúng ta có thể lần theo các dấu hiệu đó. Chúng ta có bốn cơ hội để tóm cổ hắn.
- Ban nãy tôi cũng có hi vọng đó. - Langdon đáp. - Và cách đây một thế kỷ thì... chúng ta cũng đã có cơ hội đó.
Phát hiện ra bàn thờ khoa học đầu tiên chính là Pantheon là một sự kiện buồn vui lẫn lộn. Lịch sử quả là có lắm trò ma mãnh để trêu ngươi những người đeo đuổi nó. Khả năng những tác phẩm điêu khắc phong phú trong điện Pantheon còn y nguyên như cũ sau bao thế kỷ thật là mong manh. Bao lâu nay, Langdon vẫn khát khao được tìm thấy con đường này và được đặt chân đến thánh địa của hội Illuminati. Nhưng buồn thay, điều này giờ đây là không thể.
- Cuối thế kỷ XVII, Vatican đã di chuyển và phá huỷ hầu hết các tác phầm điêu khắc trong điện Pantheon.
Vittoria kinh ngạc:
- Tại sao?
- Vì chúng là tượng các vị thần Olympia. Đáng tiếc là đầu mối đầu tiên cũng đã bị mất... cùng với nó là...
- Liệu còn có hi vọng tìm được con đường ánh sáng và những đầu mối khác hay không? - Vittoria hỏi.
Langdon lắc đầu:
- Chúng ta chỉ có một vận may duy nhất: điện Pantheon. Sau đó thì con đường ánh sáng bị mất dấu hoàn toàn.
Olivetti trừng trừng nhìn hai người một hồi, rồi quay lên phía trước.
- Quay lại! - ông ta gắt gỏng bảo người lái xe.
Anh lái xe đánh xe sang vệ đường và nhấn phanh. Ba chiếc Alfa Romeo sau lưng họ cũng lập tức dừng lại. Cuộc truy lùng của đội lính gác Thuỵ Sĩ bỗng nhiên ngừng lại.
- Ông làm cái gì thế? - Vittoria chất vấn.
- Việc của tôi chứ còn cái gì. - Olivetti đáp, vẫn ngồi nguyên trên ghế, giọng ông ta lạnh như băng:
- Thưa ông Langdon, khi ông hứa hẹn sẽ giải thích trên đường đến điện Pantheon, tôi tưởng là sẽ có một lời giải thích rõ ràng vì sao đội lính gác của chúng tôi phải có mặt ở đó. Nhưng sự thật không phải vậy. Vì để đến đây, tôi đã phải bỏ dở những công việc khác vô cùng quan trọng, và cũng vì những lời giải thích của ông về những vật hiến tế trinh tiết cũng như bài thơ cổ kia không hề rõ ràng, tôi không thể tiếp tục làm việc này được nữa. Tôi sẽ cho đừng điệp vụ này ngay lập tức.
Ông ta rút máy bộ đàm, nhấn nút bật máy.
Vittoria chộp lấy cánh tay Olivetti:
- Ông không được làm thế.
Olivetti dập máy bộ đàm, trợn cặp mắt vằn đỏ và nhìn Vittoria chòng chọc:
- Cô đã bao giờ đến điện Pantheon chưa, thưa cô Vetra?
- Chưa bao giờ, nhưng mà...
Thế thì để tôi nói cho mà nghe, Pantheon là một căn phòng duy nhất. Căn phòng hình tròn xây bằng đá và xi măng. Chỉ có một lối vào. Không cửa sổ, chỉ có một lối vào duy nhất rất hẹp.
Và lúc nào cũng có ít nhất bốn lính gác La Mã đứng canh ở đó để giữ cho điện thờ khỏi bị phá hoại bởi những kẻ khủng bố ngoại đạo và đám khách du lịch Gypsy láu cá.
- Kết luận? - Vittoria lạnh lùng hỏi.
Kết luận à? - Những ngón tay của Olivetti ghì chặt nệm ghế. - Kết luận là không thể có những chuyện như cô vừa nói! Cô có thể cho tôi ví dụ về khả năng có một Hồng y Giáo chủ bị sát hại ngay trong Pantheon được không? Làm thế nào mà kẻ xấu có thể qua mặt lính gác để đưa con tin vào bên trong điện? Olivetti nhoài hẳn người về phía sau, hơi thở sực mùi cà phê của ông ta lúc này phả thẳng vào mặt Langdon:
- Bằng cách nào hả ông Langdon? Cho tôi một kịch bản xem nào.
Langdon cảm tưởng như chiếc xe chật chội đang thu hẹp lại.
- Làm sao mà biết được! Tôi có phải là kẻ sát nhân đâu mà biết hắn ta sẽ hành động kiểu nào! Tôi chỉ biết là...
- Một kịch bản à?
Vittoria đốp lại, giọng vô cùng điềm tĩnh:
- Ông nghe thử nhé. Hắn dùng máy bay trực thăng, thả vị Hồng y Giáo chủ đã bị khắc dấu nung đỏ trên người qua lỗ tròn trên mái vòm. Nạn nhân thét lên thất thanh, rồi rơi xuống sàn đá cẩm thạch và chết.
Tất cả mọi người trong xe đều quay đầu lại nhìn Vittoria chằm chằm. Langdon chẳng còn biết nói gì. Trí tưởng tượng của cô đáng sợ thật, cô gái ạ, lại còn nhanh nữa chứ.
Olivetti nhíu mày:
- Có thể, tôi thừa nhận... nhưng khó có thể...
- Hay kẻ sát nhân cho Hồng y Giáo chủ uống thuốc, rồi đặt ông ấy lên xe lăn, đầy vào như kiểu người ta đẩy một vị khách du lịch cao tuổi. Vào đến bên trong, hắn dùng dao cắt cổ nạn nhân, rồi bước ra ngoài.
Giả thuyết này khiến Olivetti thay đổi thái độ.
Không tồi chút nào! Langdon thầm nghĩ.
- Hoặc là kẻ sát nhân có thể... - Vittoria nói tiếp.
- Tôi nghe rồi. - Olivetti ngắt lời. - Đủ rồi.
Ông ta thở một hơi thật sâu. Có tiếng gõ côm cốp vào cửa sổ xe khiến mọi người giật nảy mình. Hoá ra là một sĩ quan ngồi trên chiếc xe theo sau.
Olivetti hạ kính cửa sổ xuống.
- Ổn cả chứ, thưa chỉ huy? - Người lính gác này mặc thường phục.
Anh ta vén tay áo lên, để lộ ra chiếc đồng hồ nhà binh màu đen đeo trên cổ tay. - 7 giờ 40 rồi sếp ạ, chúng ta cần thời gian để vào đúng vị trí
Olivetti trầm ngâm gật đầu, im lặng một hồi. Ông ta đi đi ngón tay trên kính cửa sổ, vẽ thành một vệt dài trên tấm kính phủ đầy bụi, mắt chăm chú nhìn hình ảnh của Langdon phản chiếu trong gương xe. Langdon thấy mình bị săm soi tỉ mỉ.
Cuối cùng ông ta quay lại nói với người lính bên ngoài cửa sổ, giọng đầy miễn cưỡng:
- Chia cả đội thành các nhóm độc lập. Các xe theo thứ tự đi về Piazza Della Rotunda, Via Degli Orfani, Piazza Sant Ignazio, và Sant Eustachio. Cự li là hai toà nhà tính từ mục tiêu. Vào đúng vị trí, nổ máy sẵn sàng và đợi lệnh tôi. Ba phút.
- Tốt lắm, thưa chỉ huy. - Anh lính nói và quay về xe của mình.
Langdon gật đầu nhìn Vittoria đầy tán thưởng. Cô gái cũng mỉm cười với anh. Trong thoáng chốc, Langdon cảm nhận thấy một sức hút mạnh mẽ, như thể một thỏi nam châm nào đó đang hút hai người lại gần nhau.
Vẫn ngồi nguyên trên ghế, viên chỉ huy quay lại nhìn Langdon chòng chọc:
- Thưa ông Langdon, mong rằng những phỏng đoán của ông là chính xác.
Langdon mỉm cười, không được thoải mái lắm. sao mà sai được cơ chứ?
Cảm thấy chất cromolyn và leukotriene mát lạnh đang toả ra khắp cơ thể, làm giãn hai thanh quản và các mao mạch phổi, Maximilian Kohler, giám đốc của CERN mở mắt ra. Ông đã thở được bình thường. Kohler thấy mình đang nằm ở một phòng riêng trong khu trạm xá của CERN, chiếc xe lăn ở ngay cạnh giường.
Kohler nhận thấy người ta đã mặc cho ông chiếc áo bệnh nhân bằng giấy, quần áo ông mặc lúc trước giờ được gấp gọn ghẽ và để ngay đầu giường. Từ ngoài cửa vọng vào tiếng nói chuyện của các cô y tá. Nằm im, nghe ngóng trong một phút, rồi hết sức nhẹ nhàng, ông trườn lên đầu giường, đưa tay với bộ quần áo. Vật lộn với hai cẳng chân bị liệt, Kohler tự mặc quần áo, sau đó trườn sang xe lăn.
Cố nén cơn ho, ông dùng lay đẩy xe lăn ra cửa, thận trọng không dùng động cơ. Đến sát cánh cửa, Kohler nhòm ra ngoài.
Sảnh ngoài không có ai.
Lặng lẽ, Maximilian Kohler lẻn ra khỏi khu trạm xá.
17 giờ 46 phút... và 30 giây.
Mặc dù đang nói chuyện qua máy bộ đàm, Olivetti cũng chỉ nói rất khẽ.
Mặc chiếc áo khoác vải tuýt, ngồi ở ghế sau của chiếc xe Alfa Romeo đang đỗ tại quảng trường Concorde, cách điện Pantheon ba toà nhà, Langdon toát mồ hôi. Cạnh anh, Vittoria đang chăm chú theo dõi Olivetti ra những mệnh lệnh cuối cùng cho đội lính gác Thuỵ Sĩ.
- Dàn quân thành vòng vây tám điểm. - Ông ta nói - Bao vây kín lối vào. Đối tượng có thể đã biết mặt các anh, nên phải nấp kín. Chỉ dùng vũ khí không sát thương. Bố trí một người cảnh giới mái vòm. Ưu tiên một là mục tiêu. Ưu tiên hai là tài sản.
Lạy chúa tôi, Langdon cảm thấy ớn lạnh khi nghe Olivetti nói đến khả năng vị Hồng y Giáo chủ có thể bị hại. Ưu tiên hai là tài sản.
- Nhắc lại. Vũ khí không sát thương. Bắt sống đối tượng. Bắt đầu hành động. - Olivetti ngắt máy bộ đàm.
Vittoria có vẻ ngạc nhiên và giận dữ.
- Thưa chỉ huy, không có ai vào bên trong à?
Olivetti quay lại:
- Vào trong à?
- Vào trong Pantheon chứ sao! Vào địa điểm hành quyết ấy!
- Cô nghe đây. - Olivetti nói, ánh mắt sắc lạnh. - Nếu trong đội lính của tôi đã có người bị mua chuộc thì chắc chắn hung thủ đã biết mặt tất cả đội. Đồng nghiệp của cô vừa cảnh báo với tôi rằng đây là cơ hội duy nhất để tóm cổ đối tượng. Tôi không có ý định cho người của tôi vào trong để đánh động hung thủ.
- Thế nhỡ hắn đã có mặt ở trong đó sẵn rồi thì sao?
Olivetti xem đồng hồ:
- Hắn đã báo hiệu thời điểm: 8 giờ. Chúng ta còn 15 phút.
- Hắn nói là sẽ sát hại vị Hồng y đầu tiên vào lúc 8 giờ. Nhưng rất có thể hắn đã đưa nạn nhân vào trong đó trước rồi. Nhỡ người của ông thấy hắn đi ra nhưng không biết hắn là hung thủ thì sao? Phải có người vào đó để chắc chắn là trong điện không có gì chứ.
- Thế thì quá mạo hiểm!
- Không hề, nếu người vào trong đó không bị nhận ra.
- Cải trang lúc này sẽ là quá mất thì giờ và...
- Tức là tôi đây này. - Vittoria nói.
Langdon quay lại, chằm chằm nhìn cô gái. Olivetti lắc đầu:
- Không thể được.
- Hắn đã giết cha tôi.
- Chính xác. Hắn có thể nhận ra cô.
- Ông đã nghe hắn nói trên điện thoại rồi đấy. Hắn không hề biết rằng Leonardo Vetra có một cô con gái. Chắc chắn hắn không biết tôi là ai. Tôi có thể giả làm khách du lịch và vào trong. Nếu thấy có gì khả nghi thì tôi sẽ bước ra giữa quảng trường và ra hiệu cho người của ông vào ngay.
- Tôi rất tiếc, nhưng làm thế là không được.
- Báo cáo. - Máy bộ đàm của Olivetti kêu khọt khẹt. - Chúng tôi đã vào vị trí ở hướng Bắc, nhưng bị đài phun nước chặn mất tầm nhìn. Chúng tôi chỉ nhìn thấy lối vào nếu chuyển đến đứng nấp ở quảng trường. Ý chỉ huy thế nào? Chấp nhận không nhìn thấy gì hay là mạo hiểm ạ?
Rõ ràng là Vittoria không thể chịu đựng thêm được nữa.
- Thấy chưa? Để tôi vào! - Cô gái mở cửa xe và lao ra ngoài.
Olivetti vứt ngay máy bộ đàm xuống ghế, chạy vòng ra trước đón đầu cô gái.
Langdon cũng lao ra khỏi xe. Vittoria định làm cái quái gì thế không biết!
Olivetti chặn Vittoria lại:
- Cô Vetra, cô có trực giác rất tốt, nhưng tôi không thể để thường dân can thiệp vào chuyện này được.
- Can thiệp à? Ông đang chơi trò mạo hiểm. Hãy để tôi giúp ông.
- Tôi cũng muốn bố trí trinh sát bên trong, nhưng mà...
- Nhưng mà làm sao? - Vittoria căn vặn nhưng mà tôi là đàn bà phải không?
Olivetti làm thinh.
- Tốt nhất là ông đừng bao giờ nói ra điều đó, ông chỉ huy ạ.
- Ông biết quá rõ rằng ý kiến đó là đúng, và nếu ông để những quan điểm kỳ quặc cổ xưa...
- Hãy để yên cho chúng tôi làm việc.
- Hãy để tôi giúp các ông một tay.
- Quá nguy hiểm. Chúng tôi sẽ không thể giữ liên lạc với cô. Không thể để cô cầm theo máy bộ đàm được. Lộ ngay.
Vittoria thò tay vào túi áo, lôi ra chiếc điện thoại cầm tay:
- Vô số khách du lịch vẫn mang theo cái này đấy.
Olivetti nhíu mày.
Vittoria mở máy điện thoại và giả gọi một cuộc:
- Chào anh yêu. Em đã ở trong Pantheon rồi. Anh cũng nên vào ngay đi. - Cô dập máy và nhìn thẳng vào Olivetti - Ai mà biết được nào? Tinh huống này thì nguy hiểm thế nào được? Để tôi làm trinh sát cho các ông!
Cô gái đưa tay chỉ chiếc máy bộ đàm giắt trên thắt lưng Olivetti:
- Số của ông là gì?
Olivetti không trả lời.
Trong lúc hai người đang tranh luận, anh lái xe chăm chú quan sát và dường như có những suy nghĩ riêng. Anh ta ra khỏi xe và kéo viên chỉ huy sang một góc. Họ thì thào trao đổi khoảng mười giây, rồi Olivetti gật đầu và quay lại bên Vittoria:
- Cô hãy ghi số này vào máy. - Rồi ông ta bắt đầu đọc số.
Vittoria ghi số vào máy của mình.
- Giờ thì gọi thử xem!
Vittoria bấm nút gọi tự động. Điện thoại của Olivetti đổ chuông. Ông ta mở máy, nói dõng dạc:
- Hãy vào trong toà nhà, cô Vetra, nhìn quanh, rồi ra khỏi đó và gọi về báo lại nhúng gì cô trông thấy.
Vittoria dập mạnh điện thoại:
- Rõ, thưa chỉ huy.
Langdon chợt thấy lo cho sự an toàn của cô gái.
- Từ từ đã.
Anh nói với Olivetti:
- Ông định cử cô ấy vào trong đó một mình hay sao?
Vittoria từ mắt nhìn anh:
- Robert, tôi sẽ không sao đâu mà.
Người lái xe của đội lính gác Thuỵ Sĩ lại kéo Olivetti sang một góc.
- Làm thế quá nguy hiểm. - Langdon bảo Vittoria.
- Đúng thế đấy. - Olivetti nói - Thậm chí nhân viên cừ nhất của tôi cũng không bao giờ tác chiến một mình. Anh trung uý này vừa mới thuyết phục tôi rằng để cả hai người cùng vào vai thì sẽ thích hợp hơn.
- Cả hai chúng tôi à? - Langdon do dự. - Thực ra ý tôi là...
- Cả hai người hãy vào cùng nhau, - Olivetti đề nghị. - Như thế các vị sẽ giống như một đôi uyên ương đang đi du lịch. Và như thế thì người nọ sẽ hỗ trợ cho người kia. Được thế thì tôi yên tâm hơn.
Vittoria nhún vai:
- Được thôi, nhưng chúng ta phải nhanh chân lên.
Langdon rên lên. Ý tưởng hay ho lắm, thưa các vị.
Olivetti chỉ tay xuống cuối đường:
- Đi hết phố này là đến Via Degli Orfani. Rẽ trái. Đi thẳng là đến Pantheon. Hai phút đi bộ là đến nơi. Tôi sẽ ở đây để bao quát chung và đợi tin của hai người.
- Các vị cũng cần có vũ khí để tự vệ. - Ông ta rút ra một khẩu súng lục - Có ai biết bắn không?
Tim Langdon đập thình thịch. Chúng tôi không cần đến súng đâu.
Vittoria chìa tay ra:
- Từ cách xa 40 mét, trên boong tàu đang lắc lư tôi có thể bắn trúng một con cá heo đang nhảy nước.
- Tốt lắm. - Olivetti đưa khẩu súng cho cô gái. - Giấu đi.
Vittoria liếc nhìn chiếc quần soóc cô đang mặc. Rồi quay sang nhìn chiếc áo khoác của Langdon.
- Ồ xin đừng! Langdon thầm nghĩ, nhưng nhanh như cắt, Vittoria mở nắp túi áo ngực của Langdon rồi cất khẩu súng vào đó. Ý như có người vừa thả tảng đá vào trong áo. Niềm an ủi duy nhất của Langdon là Diagramma được cất ở túi áo kia.
- Thế này trông hoàn toàn vô hại. Chúng tôi đi luôn đây.
Vittoria nói rồi khoác tay Langdon đi xuống cuối phố.
Người lái xe gọi với theo:
- Cầm tay nhau được thì càng tốt. Nhớ rằng các vị là khách du lịch. Thậm chí còn đang hưởng tuần trăng mật cơ đấy. Hãy thử cầm tay nhau xem nào?
Đi đến cuối phố, Langdon thấy rõ ràng Vittoria đang cố giấu nụ cười trên mặt.
Phòng tác chiến của đội lính gác Thuỵ Sĩ cạnh doanh trại Corpo Di Vigilanza thường là nơi sắp xếp lực lượng an ninh để bảo vệ Đức Thánh Cha khi người xuất hiện trước công chúng trong các sự kiện quan trọng của Vatican. Nhưng hôm nay, căn phòng này được dùng vào một mục đích khác.
Người đang đứng trước mặt đội lính tác chiến lúc này là đại tá Elias Rocher, sĩ quan chỉ huy số hai của đội lính gác Thuỵ Sĩ.
Rocher có khuôn ngực rộng, dáng khoan thai. Ông ta mặc bộ quân phục màu xanh lam truyền thống của sĩ quan cấp tá, trên đầu là chiếc mũ bê-rê đỏ chói đội lệch. Giọng nói của ông ta nghe thanh thoát và du dương lạ lùng so với vẻ ngoài to lớn. Dù ăn nói lưu loát và mạch lạc, ánh mắt của Rocher lúc nào cũng mờ đục y như mắt những loài thú ăn đêm. Lính của Rocher vẫn gọi đùa ông ta là "Orso" - chàng gấu mít ướt. Đôi khi họ còn nói đùa rằng Rocher là "chú gấu lặc lè mượn oai rắn độc". Chỉ huy trưởng Olivetti chính là rắn độc. Rocher cũng có nọc độc chết người y như con rắn kia, nhưng ít ra còn nghe tiếng bước chân mỗi khi ông ta đến gần.
Tất cả binh lính của Rocher đều đang đứng nghiêm, mọi cơ bắp trên cơ thể họ đều im phắc, mặc dù những tin tức họ đang được cập nhật khiến cho huyết áp của toàn đội đang tăng dần lên.
Đứng tận cuối hàng thiếu uý tân binh Chartrand thầm ước giá như anh được là một trong 99% những người đã nộp đơn nhưng không đủ điều kiện để được nhận vào đội ngũ này. Mới 20 tuổi đầu, Chartrand là người ít tuổi nhất trong đội lính gác Thuỵ Sĩ. Anh mới phục vụ ở Vatican được ba tháng. Giống như tất cả các thành viên khác của đội, Chartrand được quân đội Thuỵ Sĩ huấn luyện, rồi phục vụ hai năm tại Bern, sau đó mới được tham gia vào các cuộc sàng lọc cửa Vatican tại các căn cứ bí mật đặt ở ngoại vi thành Rome. Tuy nhiên, không một bài huấn luyện nào trong suốt quá trình dài đó đế cập đến một tình huống nguy kịch đến mức này.
Lúc đầu, Chartrand tưởng những gì đang được thông báo chỉ là một bài tập huấn luyện mà thôi. Vũ khí của tương lai? Giáo phái cổ xưa? Các vị Hồng y Giáo chủ bị bắt cóc? Sau đó Rocher cho cả đội xem thứ vũ khí đó do camera truyền về. Rõ ràng đây không phải là tập dượt.
- Chúng ta sẽ buộc phải cắt điện ở một số khu vực để loại trừ những sóng từ nhiễu không cần thiết. Cả đội chia thành các nhóm bốn người, đeo kính hồng ngoại để nhìn trong đêm tối. Tiến hành rà soát bằng máy dò thiết bị nghe lén truyền thống, hiệu chỉnh đối với những từ trường dưới 3Ω (Omega). Có ai thắc mắc gì không?
Không.
Thần kinh Chartrand căng như sợi dây đàn.
- Lỡ chúng ta không tìm thấy kịp thời thì sao? - Anh lên tiếng, và ngay lập tức thấy hối tiếc vì đã hỏi câu đó.
Gấu mít ướt đội mũ bê-rê đỏ nhìn anh chằm chằm, sau đó ông ta buồn bã ra lệnh giải tán:
- Nhanh chân lên, các bạn.
Cách điện Pantheon hai khu phố, Vittoria và Langdon đi lướt qua hàng dãy xe tải đang đỗ, cánh lái xe đa số đang gà gật ngủ.
Trong thành phố Vĩnh Cửu này, thời gian ngủ trưa dường như dài vô tận. Đâu đâu cũng thấy cảnh người ta gà gật ngủ giữa nơi công cộng, một tập quán có từ xa xưa ở Tây Ban Nha.
Langdon cố tập trung tư tưởng, nhưng tình huống này kỳ quặc ngoài sức tưởng tượng. Cách đây có sáu giờ đồng hồ, anh còn đang ngon giấc ở Cambridge. Nhưng lúc này đây, anh đang ở châu Âu và bất đắc dĩ phải tham gia vào một cuộc tỉ thí giữa những gã khổng lồ, mang một khẩu súng lục bán tự động trong túi áo ngực, nắm tay một cô gái mà anh chỉ vừa mới gặp.
Langdon quay sang nhìn Vittoria. Cô gái đang tập trung quan sát phía trước. Vittoria siết tay anh rất chặt, biểu hiện của một phụ nữ độc lập và kiên quyết. Những ngón tay của cô gái đan trong tay anh một cách tự nhiên và thân mật. Không một chút do dự. Langdon mỗi lúc một cảm thấy bị cuốn hút. Phải thật tỉnh táo, anh tự nhắc nhở bản thân.
Dường như Vittoria đọc được suy nghĩ của anh:
- Hãy thư giãn đi nào. - Cô gái nói với anh, nhưng mặt vẫn hướng thẳng ra phía trước Chúng ta phải đóng giả làm một đôi uyên ương đấy.
- Tôi vẫn thư giãn đấy chứ.
- Anh bóp nát tay tôi đến nơi rồi đây này.
Langdon đỏ mặt, anh nới lỏng các ngón tay.
- Anh hãy thở qua mắt đi. - Cô gái khuyên.
- Gì cơ?
- Để giúp cơ bắp được thư giãn. Tên gọi của bài tập này là Pranayama.
- Piranha hả?
- Không phải loài cá ăn thịt đó. Pranayama cơ. Nhưng cái đó không quan trọng.
Họ băng qua góc phố và rẽ vào Piazza Della Rotunda, điện Pantheon đã hiện ra trước mắt. Như bao lần trước, Langdon chiêm ngưỡng cung điện với nỗi kinh sợ. Pantheon. Đền thờ tất cả các vị chúa. Các vị chúa của người vô thần. Chúa của tự nhiên và trái đất. Nhìn từ bên ngoài, cấu trúc của toà nhà có vẻ vuông và thấp.
Phần lớn mái vòm hình tròn bị những cây cột cao và những mảng trang trí lớn hình tam giác che khuất. Tuy nhiên, hàng chữ phô trương và kiêu ngạo khắc trên lối vào khẳng định rằng họ đã đến đúng chỗ. M. AGRIPPA L F COS TERTIUM FECIT. Langdon thầm dịch hàng chữ sang tiếng Anh, như bao nhiêu lần trước, lòng đầy hứng khởi. Marcus Agrippa, quan tổng trấn nhiệm kỳ 3, đã cho xây ngôi đền này.
Thật là khiêm tốn, Langdon thầm nhận xét và đưa mắt ngắm khu vực xung quanh. Lác đác có mấy người khách du lịch vai đeo máy ảnh đang đi tha thẩn trong điện. Mấy người khác đang ngồi thưởng thức cà phê đá tại quầy cà phê ngoài trời La Tazza di D oro s. Ngay ngoài lối vào điện Pantheon có bốn người lính đang đứng gác, đúng như Olivetti dự đoán.
- Trông có vẻ yên tĩnh. - Vittoria nhận xét.
Langdon gật đầu, nhưng lòng cảm thấy vô cùng bất ổn. Giờ đây anh đã đến tận nơi, anh mới thấy tình huống này quả là không thực tế. Bất chấp thái độ tin tưởng tuyệt đối của Vittoria, anh cảm thấy tất thảy mọi người đã bị anh đặt vào một tình huống thật bấp bênh. Bài thơ của hội Illuminati vang lên trong tâm trí. Từ nấm mồ trần tục của Santi, lăng mộ hang quỷ. ĐÚNG RỒI, Langdon tự nhủ. Đây chính là chỗ đó. Nấm mồ của Santi. Đã rất nhiều lần anh đến nơi này, đứng dưới mái vòm hình tròn có lỗ trổ ở chính giữa, và ngắm nhìn nấm mồ của Raphael vĩ đại.
- Mấy giờ rồi? - Vittoria hỏi.
Langdon xem đồng hố:
- 7 giờ 55. Còn 10 phút nữa.
- Hi vọng mấy anh chàng kia bắn chuẩn xác. - Vittoria vừa nói vừa đưa mắt nhìn những du khách đứng rải rác trong điện. - Nếu xảy ra chuyện trong điện này thì chúng ta dễ bị bắn chéo cánh sẻ lắm.
Đến gần lối vào, Langdon thở một cách nặng nhọc. Khẩu súng trong túi áo khoác nặng trĩu xuống. Anh thầm e ngại nhỡ những người lính gác này chặn hai người lại và lục soát rồi phát hiện ra khẩu súng thì không biết sẽ thế nào. Nhưng những người lính nây chẳng buồn nhìn họ đến lần thứ hai. Rõ ràng là cả hai đang đóng giả rất đạt.
Langdon thì thào bảo Vittoria:
- Chắc cô cũng chưa bao giờ dùng súng trừ trường hợp bắn chỉ thiên, đúng thế không?
- Anh không tin tôi à?
- Tin á? Tôi đã biết cô là ai đâu!
Vittoria nhíu mày:
- Thế mà tôi lại nghĩ rằng chúng ta là một cặp uyên ương cơ đấy!
Đặc quánh chất lịch sử, bầu không khí trong điện Pantheon có vẻ lạnh lẽo và ẩm ướt. Trên đầu họ, khoảng trần đồ sộ thoải rộng như thể không trọng lượng - với vòm thoải dài tới 42 mét không có cột đỡ trần cung điện này còn rộng hơn cả mái vòm của nhà thờ St. Peter. Như bao lần khác, Langdon thấy rờn rợn khi bước vào căn phòng thênh thang này. Tại đây, kỹ thuật và nghệ thuật hoà quyện vào nhau thật tuyệt vời. Từ trên cao, những tia nắng hoàng hôn đang chiếu xuyên qua giếng trời hình tròn trứ danh. Oculus, Langdon thầm nghĩ, hang quỷ.
Họ đã vào đến nơi.
Langdon dõi mắt theo nhịp cuốn của trần nhà thoải dần xuống những mảng tường rất nhiều cột, thoải xuống đến tận nền đá hoa cương dưới chân họ. Thấy có tiếng nói chuyện rì rầm hoà lẫn với tiếng chân bước của các du khách, Langdon đưa mắt nhìn một lượt khoảng hơn chục người khách du lịch đang tha thẩn trong toà nhà chạng vạng tối. Hắn đã đến chưa nhỉ?
- Có vẻ khá yên ắng. - Vẫn cầm tay Langdon, Vittoria nhận xét.
Langdon gật đầu.
- Mộ của Raphael ở đâu?
Langdon cố xác định phương hướng. Anh đưa mắt nhìn khắp gian điện hình tròn. Những ngôi mộ. Những bàn thờ. Những cây cột. Các hốc tường. Anh đưa tay chỉ mộ phần được trang trí lộng lẫy bên tay trái.
- Tôi nghĩ mộ của Raphael nằm ở góc kia kìa.
Vittoria nhìn một lượt khắp gian phòng lớn.
- Tôi chả thấy có kẻ nào giống một tên sát thủ sắp hành quyết vị Hồng y Giáo chủ ở đây cả! Hay chúng ta đi một vòng xem thế nào?
Langdon gật đầu.
- Trong điện này thì hắn chỉ có thể trốn ở một nơi duy nhất. Chúng ta nên kiểm tra các hốc tường.
- Các hốc tường à?
- Đúng thế. - Langdon chỉ tay. - Các hốc xây lõm vào trong tường kia kìa.
Rải rác khắp căn phòng tròn, xen giữa những ngôi mộ là những hốc được xây lõm vào trong tường. Dù không lớn lắm, nhưng những hốc này đủ để một người có thể nấp kín bên trong.
Những hốc này một thời từng là nơi đặt tượng các vị thánh Olympia, nhưng buồn thay, chúng đã bị phá huỷ khi Vatican quyết định biến Pantheon thành nhà thờ Thiên Chúa. Langdon cảm thấy công phẫn, anh đang đứng ngay tại bàn thờ khoa học đầu tiên, nhưng tất cả các đầu mối đều đã biến mất. Không hiểu xưa kia bức tượng đó được đặt ở đâu, và không hiểu nó chỉ tay về hướng nào. Đối với Langdon, không gì tuyệt vời bằng tìm được pho tượng với cánh tay kín đáo chỉ về hướng con đường ánh sáng - manh mối của hội Illuminati. Và không hiểu người nghệ sĩ vô danh của hội Illuminati là ai nhỉ?
- Tôi sẽ đi về mạn trái, - Vittoria chỉ tay sang bên trái. - Anh đi về bên phải nhé. Hẹn gặp nhau sau 180 độ.
Langdon gật đầu đồng ý.
Vittoria đi về bên trái, và lập tức tính chất cấp thiết và mức độ nguy hiểm của thực tại choán lấy tâm trí của anh. Anh quay người, đi về bên phải. Giọng nói của kẻ sát nhân như văng vẳng khắp đại diện lạnh lẽo. Đúng 8 giờ. Những vật tế trinh tiết sẽ được dâng trước bàn thờ khoa học. Vào những thời điểm hết sức chính xác. Tám, chín, mười, mười một giờ, rồi nửa đêm. Langdon xem đồng hồ: 7 giở 52 phút. Còn 8 phút.
Hướng đến hốc tường đầu tiên, Langdon phải băng qua mộ một vị vua theo đạo Thiên Chúa của ý. Nhưng giống như nhiều ngôi mộ khác ở Rome, chiếc quan tài bằng đá này không nằm thẳng bức tường, mà tạo thành những góc xiên lệch kì dị. Một nhóm du khách có vẻ như đang thắc mắc về điều này. Nhưng Langdon không thể dừng lại để giải thích cho họ. Quan quách của nhiều người theo đạo Thiên Chúa chính thống không được đặt ngay ngắn so với kiến trúc chung, và mục đích là để đảm bảo rằng người quá cố được đặt quay đầu về hướng Đông. Vừa mới tháng trước, Langdon đã thảo luận về tập tục mang đậm màu sắc mê tín này với các sinh viên ở lớp biểu tượng học khoá 212.
- Thật là phi lý hết sức! - Một nữ sinh ngồi bàn đầu đã thốt lên sau khi nghe Langdon thuyết giảng về những ngôi mộ quay về hướng Đông. - Tại sao những người theo đạo Thiên Chúa lại phải bố trí ngôi mộ quay đầu về phía mặt trời mọc cơ chứ? Chúng ta đang bàn về đạo Thiên Chúa cơ mà... có phải những giáo phái thờ mặt trời đâu?
Langdon mỉm cười, vừa đi đi lại lại trên bục giảng vừa ăn một trái táo.
- Mời anh Hitzrot! - Anh nói lớn.
Một chàng thanh niên đang gà gật ở bàn cuối giật nảy mình:
- Sao? Em ạ?
Langdon chỉ tay vào một bức tranh Phục Hưng dán trên tường:
- Ai đang quỳ trước chúa kia?
- Dạ... một vị thánh ạ.
- Tốt lắm. Làm sao anh biết đó là thánh?
- Vì có một vầng hào quang ạ.
- Tốt. Và vầng hào quang có gợi cho anh nghĩ tới cái gì không?
- Hitzrot cười toét miệng:
- Có ạ. Những đồ tạo tác của người Ai Cập học từ kỳ trước. Những... những... đĩa mặt trời!
- Cảm ơn Hitzrot. Mời anh ngủ tiếp. - Langdon quay lại nói với cả lớp - Những vầng hào quang này giống như hầu hết các biểu tượng khác của Thiên Chúa giáo, được du nhập từ tín ngưỡng thờ mặt trời của người Ai Cập cổ đại. Chúng ta thấy rất nhiều ví dụ của tín ngưỡng thờ mặt trời trong Thiên Chúa giáo.
- Nhưng thưa thầy, - cô gái ngồi bàn đầu lên tiếng - Tuần nào em cũng đi nhà thờ, nhưng có thấy thờ thần mặt trời đâu?
- Thế à? Thế ngày 25 tháng 12 hàng năm là ngày gì thế?
- Lễ giáng sinh ạ. Ngày sinh của chúa Giê-su.
- Nhưng theo kinh thánh, chúa sinh vào tháng 3, vậy ta kỷ niệm cái gì vào cuối tháng 12 đây?
Im lặng.
Langdon mỉm cười:
- Thưa các bạn, ngày 25 tháng 12 là ngày những người ngoại đạo cổ xưa thờ Mặt trời Bất khuất, trùng với ngày đông chí. Đó là một thời khắc rất tuyệt diệu trong năm, khi mặt trời trở lại, và ngày bắt đầu dài ra.
Langdon gặm thêm một miếng táo nữa.
- Các tôn giáo trên con đường chinh phục các giáo phái khác, thường duy trì những ngày lễ cũ để đỡ gây sốc. Hiện tượng này được gọi là sự chuyển hoá. - Langdon giảng giải. - Điều này giúp người ta nhanh quen với đức tin mới. Họ vẫn kỷ niệm những ngày lễ thánh như trước, vẫn cầu nguyện ở những thánh địa cũ, vẫn giữ nguyên các biểu tượng... và người ta chỉ đơn giản thay các vị chúa khác vào.
Lúc này cô sinh viên ngồi bàn đầu có vẻ đã phát cáu:
- Thầy nói rằng đạo Thiên Chúa chỉ là một hình thức tân trang lại tín ngưỡng thờ mặt trời hay sao?
- Không phải thế. Thiên Chúa không chỉ vay mượn các biểu tượng từ độc nhất tín ngưỡng thờ mặt trời. Nghi lễ phong thánh của chúng ta cũng bắt nguồn từ nghi lễ "tôn thánh" của người Euhemerus cổ xưa. Nghi lễ "bữa ăn thánh" - tức Lễ ban Thánh thể cũng có nguồn gốc từ nền văn minh của người Aztecs. Thậm chí cả khái niệm chúa hi sinh thân mình để chịu tội thay cho loài người cũng không phải là thuần tuý cơ đốc giáo; sự hi sinh của một chàng trai trẻ vì tội lỗi của những người khác trong tộc của mình là tập tục cổ xưa của người Quetzacoatl.
Cô gái trợn tròn mắt:
- Thế thì có bất cứ cái gì thực sự xuất phát từ đạo Thiên Chúa không?
- Trong bất kỳ tôn giáo lớn có tổ chức nào, rất ít nghi lễ thực sự được sinh ra bởi chính tôn giáo ấy. Chẳng có tôn giáo nào bắt đầu từ vạch xuất phát cả. Mỗi tôn giáo đều kế thừa các tôn giáo khác. Những tôn giáo hiện nay đều là một tập hợp những nỗ lực của loài người trong nỗ lực chung nhằm tìm hiểu về đấng tối linh.
- Nhưng mà... thưa thầy, - Hitzrot đánh bạo lên tiếng, có vẻ đã tỉnh ngủ. - Em biết có một thứ chắc chắn là có nguồn gốc Thiên Chúa giáo. Đó là hình tượng Chúa, đúng không ạ? Các nghệ sĩ theo đạo Thiên Chúa không bao giờ vẽ đức Chúa giống như hình tượng con chim ưng cửa người Aztec, hay bất kỳ hình tượng kỳ quặc nào khác. Chúa luôn được vẽ trong hình hài một ông già có chòm râu trắng. Vậy hình tượng đức Chúa của chúng ta có phải là sản phẩm của chính Thiên Chúa giáo không ạ?
Langdon mỉm cười. Những người mới chuyển sang đạo Thiên Chúa từ bỏ những vị thần mà trước đây họ tôn thờ như các vị chúa vô thần, Chúa của người La Mã, người Hi Lạp, Thần mặt trời, Mithraic... Họ hỏi nhà thờ rằng đức Chúa trời mới trông như thế nào. Một cách rất khôn ngoan, nhà thờ đã chọn khuôn mặt quen thuộc nhất, uy lực nhất và đáng sợ nhất trong lịch sử.
Hitzrot có vẻ hoài nghi:
- Là một ông già có chòm râu dài bạc trắng ạ?
Langdon đưa tay chỉ một loạt ảnh những vị thần cổ đại dán trên tường. Trên cùng là bức vẽ một ông già có chòm râu dài bạc trắng trong tư thế ngồi.
- Thần Zeus trông có quen không nào?
Đúng lúc đó giờ học kết thúc.
***
- Xin chào. - Một người đàn ông nói.
Langdon giật bắn người. Tâm trí anh trở lại với điện Pantheon.
Quay lại, Langdon thấy một ông già mặc áo khoác màu xanh lam có chữ thập đỏ trước ngực. Ông già mỉm cười, phô ra hàm răng xám xịt.
- Anh chắc là người Anh? - Ông ta nói đặc giọng vùng Tuscan.
Langdon chớp mắt, một lúc mới hiểu được câu hỏi của ông già:
- À... không. Tôi là người Mỹ.
Ông ta có vẻ hơi ngượng:
- Lạy chúa, anh ăn mặc lịch sự quá, tôi cứ tưởng... xin được lượng thứ.
- Tôi giúp gì được cho ông? - Langdon hỏi, trống ngực đập thình thịch.
- Thực ra thì tôi đang nghĩ rằng có thể giúp anh được chút gì đó. Tôi là hướng dẫn viên ở đây. - Ông ta kiêu hãnh chỉ tay vào tấm phù hiệu gắn trên ngực. - Công việc của tôi là làm cho chuyến thăm quan thành Rome của anh trở nên hấp dẫn hơn.
Hấp dẫn hơn! Chắc chắn là bản thân chuyến thăm này đã đủ hấp dẫn lắm rồi.
- Trông anh có vẻ rất đặc biệt, - người hướng dẫn viên đưa đẩy. - Chắc là anh rất quan tâm đến lĩnh vực văn hoá. Cho phép tôi giới thiệu với anh lịch sử của cung điện này.
Langdon lịch sự mỉm cười:
- Ông tử tế quá. Nhưng tôi là một giáo sư về lịch sử nghệ thuật, và...
- Thế thì tuyệt! - Mắt ông già sáng lên như thể vừa vớ được món hời. - Chắc chắn anh sẽ rất thích nơi này!
- Có lẽ tôi thích được...
Ông già bắt đầu thao thao bài diễn văn đã học thuộc sẵn:
- Điện Pantheon được Marcus Agrippa cho xây dựng từ năm 27 trước công nguyên.
- Đúng thế! - Langdon ngắt lời. - Và được Hadrian cho xây dựng lại năm 119 sau công nguyên.
- Cho đến tận năm 1960, nó là toà nhà mái vòm không cột đỡ lớn nhất thế giới. Nhưng toà nhà vòm Superdome ở New Orleans giờ đã chiếm mất kỷ lục đó.
Langdon rên lên. Không thể làm thế nào cho ông ta im đi được.
- Và vào thế kỷ thứ 5, một nhà thần học đã gọi điện Pantheon là Ngôi nhà của Quỷ dữ, ông ta cảnh báo rằng lỗ trổ hình tròn trên nóc vòm sẽ là lối để quỷ dữ nhập vào cung điện!
Langdon cố không nghe. Anh hướng mắt lên lỗ tròn lớn trên nóc vòm, và nhớ lại giả thuyết lạnh sống lưng mà Vittoria đưa ra lúc nãy. Một vị Hồng y bị đóng dấu sắt nung, rồi bị thả cho rơi qua lỗ vòm, rơi xuống sàn đá cẩm thạch. Nếu thế thì quỷ là một sự kiện để giới truyền thông đổ xô đến. Langdon nhìn quanh tìm cánh nhà báo. Không thấy ai. Anh hít một hơi thật sâu. Thật là một ý tưởng kỳ quặc. Khâu hậu kỳ cho sự kiện động trời này quả là không chu đáo chút nào.
Langdon bước đi, tiếp tục cuộc tìm kiếm, và hướng dẫn viên kia vẫn tiếp tục thao thao bất tuyệt bên tai anh. y như một kẻ gàn dở. Khiếp thật, Langdon thầm nghĩ trong bụng, không gì đáng sợ hơn một sử gia sốt sắng đến mức thái quá.
Phía bên kia cung điện, Vittoria cũng đang ra sức tìm kiếm. Lần đầu tiên kể từ khi nghe tin cha mất, cô gái ở một mình. Những sự kiện ảm đạm dồn dập trong 8 tiếng đồng hồ vừa qua giờ đây đang tái hiện lại trong tâm trí cô gái trẻ. Cha cô mới bị sát hại bất thình lình, vô cùng dã man. Một điều không kém phần đau đớn là phát minh của cha cô đã bị phá hỏng - giờ thì nó đã trở thành một loại phương tiện của bọn khủng bố. Nỗi ân hận dâng đầy trong tâm trí Vittoria - chính phát minh của cô đã tạo ra khả năng đưa phản vật chất ra khỏi phòng thí nghiệm... lúc này cái hộp của cô đang chờ nổ ở một góc nào đó trong toà thánh. Vì sốt sắng muốn giúp cha chứng minh bằng được một chân lý giản đơn, cô gái đã vô tình gây ra tai hoạ.
Nhưng cũng thật kỳ lạ, sự có mặt của một người hoàn toàn xa lạ lại đang khiến cho cô gái cảm thấy vô cùng yên tâm. Robert Langdon. Trong đôi mắt của anh, cô gái cảm nhận được sự bình yên... y như mặt biển hiền hoà mà cô vừa phải rời bỏ sáng sớm hôm nay. Thật hạnh phúc vì Langdon đang ở đây. Anh không chỉ là nguồn sức mạnh, là tia hi vọng của cô, mà còn dùng bộ óc sắc bén của mình để vạch ra phương án truy bắt kẻ sát nhân.
Hít thở thật sâu, Vittoria tiếp tục tìm kiếm dọc theo bức tường uốn tròn. Chính bản thân cô gái cũng phải kinh ngạc khi nhận thấy niềm khát khao muốn báo thù đang dâng lên ngùn ngụt trong lòng mình suốt từ sáng đến giờ. Dù đã nguyện một lòng yêu thương tất cả mọi chúng sinh... cô vẫn muốn kẻ sát nhân phải chết. Không một lời giáo huấn nào về nghiệp báo có thể khiến Vittoria chìa nốt bên má kia ra để nhận thêm một cái tát nữa. Bị kích động, đầy cảnh giác, lần đầu tiên trong đời Vittoria cảm nhận một luồng ý chí ngùn ngụt trong dòng máu Italy của mình... lời thề sẽ dùng sức mạnh công lý để bảo vệ danh dự gia đình của tổ tiên Sicili. Báo thù. Vittoria thầm nhắc nhở bản thân, và lần đầu tiên trong đời, cô thật sự hiểu ý nghĩa của hai âm tiết ấy. Ý nghĩ về sự báo thù khiến cô gái trở nên mạnh mẽ hơn.
Vittoria đến bên ngôi mộ của Raphael Santi. Từ đằng xa đã thấy ngay đây là mộ phần của một nhân vật đặc biệt. Khác với những mộ phần khác, quan tài của ông được đặt thụt vào trong tường và có một tấm chắn Plexiglas bảo vệ đằng trước. Đứng bên ngoài lan can, Vittoria có thể trông thấy đòng chữ ở mặt trước của chiếc quan tài đá. Cô xem xét mộ phần, rồi đọc những dòng chữ khắc trên một tấm biển cạnh quan tài của Raphael.
RAPHAEL SANTI, 1483-1520.
Vittoria đọc lại lần nữa.
Rồi lại đọc lại.
Một tích tắc sau, Vittoria lao vụt đi như tên bắn.
- Robert! Robert!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top