CHƯƠNG 9
Mùa xuân đã đến rồi.
Tụ tập đoàn viên vào ngày Tết trong suốt hai mươi chín năm đã trở thành một thói quen thâm căn cố đế.
Cứ đến mùa xuân là bắt đầu nhớ nhà, nhớ người thân như một thứ phản xạ có điều kiện.
Mọi người ở công ty đã nghỉ Tết gần hết. Chỉ còn lại những người nghèo, vì món tiền công ty trả làm thêm ngày Tết mà đành lòng ở lại với công việc, bỏ qua dịp đoàn tụ trong ngày lễ đoàn viên nhưng lại cứ cố ra vẻ ta đây vì trách nhiệm quang vinh.
Tào Lợi Hồng đã đi du lịch cùng con trai ông ta rồi, tôi thì vẫn tiếp tục công việc nhàm chán là phỏng vấn những ứng cử viên đến tham gia.
Về vụ này, Đạm Ngọc vẫn tỏ ra quá ngây thơ. Nàng hỏi:
- Thực ra phỏng vấn chỉ là hình thức thôi phải không?
- Ngốc thế, làm gì có chuyện ấy. Tào Lợi Hồng nói rồi, ông ta muốn anh tuyển ra hai mươi người xuất sắc nhất cho ông ta xem xét, mười người cuối cùng sẽ đến lượt con trai ông ta.
Cái thứ vớ vẩn này mà cũng bày đặt sơ khảo chung khảo, tôi chán chả buồn đến nữa.
Thế nhưng các cô gái đến dự thi thì không nghĩ thế, cô nào cũng rối rít cả lên.
Một tuần trước, Đạm Ngọc vì cố giảm béo mà thành ra viêm ruột thừa, phải đi cấp cứu, tí thì hết đời, nằm bẹp trên giường suốt một tuần, như hoàng hậu bắt tôi phải hầu hạ.
Thế nhưng một tuần sau cô nàng đã lại có thể xồng xộc vào nhà tôi, lăn lóc trên ghế sô pha mà đôi co với tôi. Hóa ra, sinh mệnh của đàn bà cũng kiên cường ra phết. Còn chiếc hôn vô tình với nàng ở bệnh viện, tôi đã cẩn thận đầy yêu thương mà nén chặt vào lòng.
Xem ra, Đạm Ngọc cũng là một cô gái tầm thường đến không chịu nổi. Nàng hành động như thể nàng đã rõ ràng là một trong các Top ten người đẹp toàn quốc vậy, phấn khởi, đắc ý mà cũng hồi hộp. Nhưng dù sao nàng cũng khá thông minh, đã biết đem tất cả tài trí chuyển sang cậu con trai ngài tỉ phú.
- Tiểu Nhiễm đã gặp mặt bao nhiêu người tất cả rồi? Nàng hỏi.
- Không nhiều. Ba người thì phải.
- Vậy... anh ta có nói là đặc biệt quan tâm đến ai không?
Đạm Ngọc khoái chí nhào đến sát bên tôi.
Tôi quay sang nhìn, bàn tay nàng vẫn nắm chặt chiếc di động, thế nên tôi nói đốp luôn:
- Chẳng phải cậu ta và em vẫn nhắn tin cho nhao hàng ngày sao?
Đạm Ngọc ngồi trên sô pha cười e thẹn ngốc nghếch, giống y như một nữ sinh mới lần đầu biết đến tính yêu.
Vì khách sạn Đạm Ngọc ở đâu đâu cũng đầy những con mắt tò mò nên hai người chúng tôi sẽ quyết định gặp nhau ở nhà tôi.
Bây giờ, Đạm Ngọc và tôi đã trở nên thân thiết, nàng không còn cố gắng giữ dáng vẻ cao quý thanh lịch như những ngày đầu nữa, nói chuyện với tôi cũng đã bớt giữ ý tứ và tự nhiên thoải mái hơn nhiều, biểu hiện rõ nhất ở việc nàng hỏi tôi:
- Vì sao lúc đầu Tào Lợi Hồng lại chọn anh làm luật sư đại diện?
Lúc hỏi câu này, đôi mắt nàng có ý khinh thị rõ rệt, như thể cái nghi vấn này của nàng là điều dĩ nhiên.
Lườm nàng một cái, tôi nói:
- Vì anh trẻ tuổi anh tài hơn người chứ sao!
Vẻ kiêu ngạo trên khuôn mặt tôi lúc nói câu này lập tức bị cái nguýt dài khinh thị của Đạm Ngọc dập tắt không thương tiếc. Tôi đành cúi đầu thú nhận sự thực.
Tôi tốt nghiệp trường Đại học Luật Tây Nam vừa đúng lúc mấy người – có thể miễn cưỡng tạm gọi là bạn bè của bố tôi – vừa mới chung nhau mở một văn phòng luật ở Thượng Hải. Vốn họ cũng không hề có ý định mời tôi tham gia cho đến lúc bố tôi đem quyển sổ tiết kiệm trị giá 300 nghìn – tài sản cả đời tích cóp của gia đình – ra dí vào mặt cho họ xem. Lập tức, họ thành kính mời tôi về cộng tác với văn phòng.
Hơn một năm sau, một kẻ vốn chưa có việc gì ra hồn như tôi, do được đóng vai trò một trong những cổ đông lớn nên cũng có được bề ngoài đạo mạo đủ để trộn lẫn trong đám luật sư.
Mang danh luật sư phó chủ nhiệm, nhưng mọi người cũng thường bỏ quên chữ "phó". Thật ra cái chức vụ luật sư, đặc biệt là luật sư trẻ cứ tưởng tượng khó có thể mạo nhận được. Thế nhưng quan niệm "Không mạo nhận được chức danh thì mạo nhận tuổi tác" vẫn không phải là hiếm. Hồi đầu, chuyện này còn khó khăn, nhưng về sau càng ngày càng phổ biến. Mấy năm gần đây ở Thượng Hải, người ta nói thậm chí có thể tùy tiện túm một người trên đường hỏi: "Chào anh, anh làm nghề gì?" Đáp: "Luật sư" Vừa đúng lúc đó, ở Thượng Hải dấy lên phong trào bảo vệ quyền lợi dân công, tôi và mấy người cùng phòng đã giúp họ đòi bồi thường thành công 200 nghìn. Đó là lần đầu tiên có một vụ đòi bồi thường cho dân công thành công nên đã gây nên tiếng vang lớn, tạo ảnh hưởng không nhỏ ở Thượng Hải. Từ đó, văn phòng luật chúng tôi thực sự bắt đầu lên đời. Dần dần các vụ kiện cao tranh chấp được đưa đến càng ngày càng nhiều, dân sự cũng có mà hình sự cũng có. Tôi – một trong những người được xem là linh hồn của văn phòng cũng bắt đầu nảy ra những mơ mộng, ảo tưởng mình đã là một luật sư nổi tiếng và trở nên tự cao tự đại.
Nghe đến đây, Đạm Ngọc đã bắt đầu ngáp ngủ, thần trí lơ mơ, hờ hững "ồ" một tiếng.
Còn tôi, hồi tưởng lại cái đận gian khổ đã trãi qua trong quá khứ, lòng bỗng trào lên một cảm xúc khó lý giải, tự nhiên thành trầm ngâm không muốn nói nữa, chỉ đắm mình vào những suy nghĩ riêng tư.
Cho đến bây giờ, khi đã trở nên thân thiết, tôi và Đạm Ngọc đã có thể đùa vui trêu cợt nhau, tự nhiên thoải mái không cần giữ ý. Tôi gọi nàng Đạm Ngọc, nàng gọi tôi Hà Duy, lúc hét cái tên của nhau đều có thể thêm chút gia vị phẫn nộ hoặc thân thiết, tất cả đều không gây nên sự khó chịu từ phía người kia. Bây giờ, Đạm Ngọc đã có thể tự ý đi lại thoải mái trong căn hộ ba phòng của tôi, tất nhiên là đi dép lê và không cần chú ý lắm đến lời nói cũng như phong thái nữa.
Và bây giờ, nàng cũng có thể thoải mái tự nhiên xộc vào phòng ngủ của tôi, bới hòm mở tủ lục đồ.
- Tìm gì thế? – Tôi lao theo, hỏi.
- Giấy bút!... Anh đường đường là một người đàn ông trưởng thành mà lại nghèo đến nỗi không có nổi tờ giấy với cây bút hay sao? Rõ là mất thể diện.
Nàng không tìm thấy gì, đứng dậy nhìn tôi lắc đầu vẻ nghịch ngợm, ý như muốn nói tôi hết thuốc chữa.
- Thua em luôn. Nhà có máy tính, anh cần giấy bút làm gì chứ?
Rồi nàng kéo tuột tôi ra đường, đi mua giấy bút, tiện quơ thêm cả đống đồ lặt vặt hàng ngày, rồi quay sang tôi: "Tính tiền đi!"
Tôi đành móc ví, vô tình bắt gặp hình ảnh Đạm Ngọc đang đứng chờ bên ngoài cổng siêu thị. Nàng mặc quần Jeans và một chiếc áo len màu tím, chân vẫn còn đi đôi dép lê to tướng ở nhà tôi, nhìn vừa thân thiết vừa hiền hậu. Nàng ngồi trên ghế đá, dáng vẻ bình tĩnh... Bức tranh dàn trãi trước mắt làm tôi rung động từ tận đáy lòng. Có giống đôi tân hôn cùng đi mua sắm cho gia đình mới không nhỉ?
Ai ngờ Đạm Ngọc mua giấy bút là để viết hợp đồng – hợp đồng ký kết quan hệ giữa hai chúng tôi. Hợp đồng viết rõ ràng, nếu bên A giúp bên B lấy được nhà tỉ phú, bên B hứa sẽ trong vòng hai năm trả đủ bên A ba triệu.
Khi bên A ký tên, Đạm Ngọc cười lăn lóc, bảo tôi sao mà căng thẳng hệt như đặt bút ký hợp đồng bán thân vậy. Tôi trợn mắt nhìn nàng, hùng hùng hổ hổ ký ngay một chữ rõ to.
Hợp đồng được lập làm hai bản. Khi cất bản hợp đồng vào đáy tủ, dường như tôi cũng chôn theo cả tấm lòng yêu yếu đuối của mình.
Trong quãng thời gian đó, câu tôi nói với nàng nhiều nhất là: "Hai chúng ta là đôi thực tế nhất thành phố Thượng Hải đấy!"
Đạm Ngọc gật đầu tán thành.
Mùa xuân đến.
Khi mùa xuân tràn đến, tôi thân ở Thượng Hải nhưng tuyệt nhiên không hề cảm thấy chút gì hương vị đất trời đang sống lại.
Buổi tối đầu tiên đưa Đạm Ngọc về khách sạn, nàng bỗng nhiên chìa tay đòi chìa khóa nhà tôi. Chẳng nghĩ gì nhiều, tôi móc chìa khóa trao cho nàng.
- Chìa khóa nhà anh trông lạ nhỉ, lỗ móc lại có hình hột đào. – Đạm Ngọc nói.
- Chứ sao. Anh là người lãng mạn mà.
Đạm Ngọc liếc nhìn tôi, mỉm cười.
Thượng Hải mùa đông thường có mưa phùn, ngày thứ hai mặt trời mới bắt đầu ló rạng, trăng thanh gió mát, dường như hương xuân cũng thấm đẫm cả trong những làn gió.
Buổi sáng gặp hai ứng cử viên, ngôn ngữ có cái vẻ không hợp chút nào với sở thích của Tào Lợi Hồng, tôi cho đi luôn.
Buổi chiều lại là một cô gái trông đạo mạo, nói nhất định không chọi bỏ việc sau khi két hôn – cũng không đạt yêu cầu.
Chiều tối, tôi mệt rã rời nhưng vẫn bị A Lam kéo đi bar uống rượu.
A Lam nhắc đi nhắc lại một câu: năm 2005 là năm đổi đời của cậu ta. Tôi hỏi tại sao.
A Lam, uống nhiều tới mức cả mặt và cổ đều đỏ bừng bừng, lắc lư cái đầu giải thích: "Bởi vì em đổi đời rồi".
Thế là thế nào? Tôi cố kiên nhẫn hỏi thêm tại sao mà đổi đời.
"Bởi vì... à... ha ha... hê hê... bởi vì...". Và A Lam đổ ụp xuống. Đúng là xui xẻo. Mệt mỏi cả ngày rồi lại còn phải phí sức vác anh nhà thơ tửu lượng kém từ quán bar về tận nhà.
A Lam là cậu bạn duy nhất của tôi ở Thượng Hải, ngày trước học cùng trường đại học với tôi nhưng khác khoa. Tôi học đại học rồi học tiếp cao học, mất bảy năm, A Lam học cao đẳng rồi chuyển lên đại học thành ra cũng mất đến bảy năm.
Ở trường, A Lam và tôi thuộc dạng quen biết nhưng gặp nhau cũng chẳng buồn chào. Tôi quen cậu ta là vì cậu ta thường làm thơ, tôi vẫn nhớ có một bài tên là... Mười năm quay lại:
Tôi bước trên con đường trãi dài nắng óng
Vui mừng mà lòng vẫn tràn ngập hoang mang,
Hồi tưởng những ký ức xứng đáng nhớ nhung
Như những điều thuộc về cuộc tình ngày ấy...
Trong ý nghĩ ngây thơ ngày còn đi học ấy, tình yêu là một điều rất thiêng liêng và tốt đẹp. Thơ A Lam diễn tả được chính xác những mơ ước tình yêu của mọi người nên cũng gây dựng được chút tiếng tăm.
Tôi cũng chẳng rõ vì sao cái con người văn tài thanh cao hơn người ấy lại chịu quen với tôi nữa, lúc đó tôi là một kẻ mờ nhạt chẳng có gì đặc biệt. Thời đó, chúng tôi đều rất sùng bái các nhà thơ, cứ nghĩ thi nhân cũng giống như đỉnh núi tuyết Himalaya vậy, có khí thế, có lý tưởng theo đuổi và vĩnh viễn không vấy bẩn bụi trần.
Thế nhưng sau này, khi tận mắt nhìn thấy tuyết trắng sạch trong trên cao nguyên khi tan chảy cũng hòa vào sông suối dơ bẩn mà trôi ra biển hết, nhà thơ cũng nhiễm dần những thói hư tật xấu và trở nên chẳng sạch sẽ gì hơn người thường.
Bốn năm trước, gặp nhau ở Thượng Hải, A Lam nói ở trong cái xã hội này mà làm văn sĩ thì sẽ sa đọa trước tiền bạc và quyền lực. Thế nên tôi hiểu ngay cái lẽ sống của anh chàng – bụi trần tục, A Lam có lẽ còn ngập sâu quá cả tôi.
Đã cùng là thân phận nghèo hèn giữa chốn thành thị xa hoa, tránh sao khỏi đôi lúc có cảm giác bực tức xót xa.
Ngôi nhà A Lam đang ở bây giờ là do người bác qua đời để lại – một căn nhà nhỏ xây kiểu nông thôn. Mấy năm nay giá nhà đất ở Thượng Hải tăng chóng mặt, không nhờ thế thì một văn sĩ nghèo như A Lam lăn lộn cả đời cũng đừng mong mua nổi vài mét vuông.
Về đến nhà, A Lam phần nào đã tỉnh rượu, nhất định kéo tôi lại để tâm sự. Mãi sau tôi mới biết, hóa ra chuyện đổi đời của A Lam là cậu ta xin được việc làm dạy Ngữ văn tại một học viện dân lập. Dù sao cũng là một sự nghiệp "được làm những gì mình yêu thích".
Tôi hờ hững nói mấy lời chúc mừng.
Rồi A Lam bắt đầu liên tục lải nhải mỗi một câu:
- Mùa xuân đến rồi.
- Mùa xuân đến rồi! Mùa xuân thật sự đến rồi! Thật sự là mùa xuân của tôi! Mùa xuân đẹp đẽ! A! Mùa xuân đẹp đẽ nở tung những cánh hoa đào diễm lệ!
A Lam ê a kiểu giọng ngâm thơ, bắt chước con vẹt.
Tôi ngồi bên cạnh trợn mắt lên:
- Cậu này điên tình rồi chắc?
- Hê hê, tất nhiên là không phải! Em nói mùa xuân của em thật sự đã đến rồi mà! Vận hoa đào đến rồi.
Hóa ra A Lam nghêu ngao từ nãy đến giờ là bởi vì: cậu ta đang yêu. Ngày trước còn ở trường, tôi chẳng mấy khi tiếp xúc với A Lam, thấy cậu chàng trông dáng vẻ đặc biệt nam tính, lông trên người còn dài hơn cả tóc, đồ chừng là một nhân vật hung hãn. Thế nhưng nói chuyện mới thấy A Lam toát lên vẻ tài hoa, tôi lại nghĩ cậu ta chắc thể nào cũng là một tay sát gái, đào hoa có hạng, con gái đuổi đi không hết. Sau này tôi mới biết những cô gái A Lam yêu thì dùng xe xúc đi cũng không hết, còn những cô gái yêu cậu ta thì vẫn cứ mãi lưu lạc phương nào chưa xuất hiện.
Quả là bi thảm cho cuộc đời một người đàn ông.
Bây giờ khó khăn lắm mới có được một cô bạn gái, theo lời cậu ta thì vừa trẻ vừa xinh, chả trách cậu chàng vui mừng đến thế.
Dỗ A Lam ngủ xong, khi tôi ra đường thì thành phố đã lên đèn.
Về đến nhà, tôi đứng bên dưới cổng chung cư, ngước mắt nhìn lên những ánh đèn đủ màu tỏa ra từ những ô cửa sổ, lòng chợt thấy vị gì cay cay.
A Lam cũng đã tìm thấy mùa xuân của cậu ấy rồi... Còn tôi vẫn một mình một bóng. Tôi trong đêm giao thừa tha hương, lù lù bóng chiếc đón nhận tuổi ba mươi, vẫn một mình kéo dây tắt đèn đi ngủ.
Bước vào trong sảnh nhà, tôi phát hiện ra cầu thang máy đã hoạt động trở lại rồi. Chắc là mấy người đó thấy chúng tôi đáng thương quá, tặng chúng tôi một niềm an ủi nhỏ nhoi trong đêm giao thừa đón năm mới.
Bước vào phòng, bật đèn, hình ảnh người thiếu nữ nằm cuộn tròn trên sô pha nổi bật lên trên nền căn phòng khách gần như trống trơn của tôi.
Sự xuất hiện của Đạm Ngọc vào lúc muộn như thế này làm tôi có phần ngạc nhiên nhưng lại cảm thấy ấm áp trong lòng. Vào dịp Tết lớn nhất và đẹp nhất của Trung Quốc, bạn không phải một mình đối mặt với mùa đông lạnh lẽo, vẫn có thêm sự xuất hiện của một người sưởi ấm cho bạn.
Đạm Ngọc cứ thế là ngủ, chăn nệm chẳng có nên nằm co ro trông y như một chú mèo nhỏ.
Nhìn thấy cửa sổ vẫn chưa đóng, tôi chạy ra ngoài ban công định đóng cửa sổ. Ra đến ngoài ban công, phản ứng đầu tiên của tôi là: hình như mình vào nhầm nhà.
Tôi đứng ở ban công căn hộ nhà mình, tưởng như đang sừng sững đứng ở giữa một biển cờ phướn tất cả các nước trên thế giới: những vải vóc đủ màu đủ sắc phơi rợp cả ban công; bao gồm cả cái ga giường mấy thế kỷ rồi không nỡ thay, tấm vải phủ tivi bụi đóng dày cả phân, mấy chiếc quần thay ra cả tuần chưa giặt... đủ các thể loại giăng đầy cả ban công. Gió đêm mang theo cả hơi hướng ngày Tết thổi tới lồng lộng, "cờ phướn" thơm mùi xà phòng giặt man mát trước mắt tôi bay phần phật.
Tôi quay lại nhìn người con gái vẫn say sưa ngủ trên đi văng, một cảm xúc ấm áp trào dâng làm trái tim tôi mềm lại.
Đóng cửa sổ lại, tôi ngơ ngẩn quỳ xuống trước đi văng, nơi nàng Đạm Ngọc của tôi đang say ngủ. giặt xong một đống đồ lớn đến vậy, chắc nàng mệt lắm.
Dáng người thanh mảnh của Đạm Ngọc nằm co ro trên đi văng trông thật đáng yêu, đôi mắt nhắm nghiền không ngừng giật giật vì ánh sáng đèn. Nàng Đạm Ngọc 21 tuổi, tất nhiên khi bạn ngủ say, bạn cũng sẽ trong trắng và thuần khiết như thế.
Nhớ lại lời A Lam nói cậu chàng đã tìm thấy mùa xuân của đời mình rồi.
Mùa xuân đến rồi, mắt tôi, tim tôi đều bị người con gái quyến rũ mê hồn này chiếm trọn. Chỉ là tôi không nói, chỉ là tôi sợ thừa nhận điều đó mà thôi.
Đột nhiên, tôi cảm thấy một sự thúc đẩy ghê gớm, thúc đẩy tôi ôm chặt cô gái kia vào lòng, thuyết phục nàng đừng cố gắng chen chân vào cái thế giới vốn đã chẳng hề thuộc về những người như chúng ta, nói với nàng rằng vẫn còn tồn tại một thứ hạnh phúc khác, cái hạnh phúc chỉ có thể có được khi chúng ta đi chợ, mặc cả mua thịt, mua rau mới cảm nhận được. Một thứ hạnh phúc tuy bình dị, nhưng vẫn là hạnh phúc.
Đột nhiên, tôi nhớ đến bản hợp đồng đã ký với Đạm Ngọc ở dưới đáy tủ. Tôi vẫn nhớ trong bản hợp đồng ấy có cả ba triệu thuộc về tôi. Tôi liền bỏ qua cái tư tưởng đó.
- Đạm Ngọc! Đạm Ngọc! Sao lại nằm ở đây thế này? Sao muộn thế vẫn chưa về nhà?
Lắc đầu định thần lại, tôi đánh thức chú mèo trên đi văng dậy.
- Ơ... ư... Đạm Ngọc còn ngáy ngủ, đôi môi hồng mấp máy ra chiều phản đối. Âm điệu du dương của giấc mơ đẹp đẽ lúc này còn lưu lại đánh thức những tình cảm và dục vọng dồn nén chật cứng trong tôi bấy lâu nay, tôi chỉ cảm thấy máu huyết toàn thân đều dồn cả xuống một chỗ.
Tôi cúi đầu, ép môi tôi vào môi nàng...
Nhưng Đạm Ngọc nhẹ nhàng đẩy tôi ra, nàng không hề mắng tôi té tát như tôi đã tưởng tượng, cũng không hề thi triển quyền cước tay chân gì hết.
Nàng chỉ khẽ nhíu mày, ánh nhìn không hài lòng trong đôi mắt nàng cũng đủ làm tôi thức tỉnh. Tôi giống như một đứa trẻ mắc lỗi, vội vàng lùi lại phía sau.
Đạm Ngọc ung dung ngồi dậy, nhìn tôi rồi nói lạnh lùng:
- Anh làm sao mà phải thảm hại như thế?
Tôi hoang mang nhìn nàng ngồi dậy, xỏ giày, hoang mang nhớ lại từ "thảm hại" nàng dùng trong câu nói.
Nhậm Đạm Ngọc bảo tôi thảm hại, ý của nàng xét ra nghĩa là một thằng đàn ông tầm thường. Nàng tất nhiên là chưa thể hiểu hơn về giới đàn ông.
Thế nhưng ánh mắt khinh bỉ của nàng đã thành công trong việc làm tôi cảm thấy tự ti, giống như tình cảnh chàng thái giám bị người ta phát hiện đang thương thầm nhớ trộm nàng cách cách triều Mãn Thanh cao quý.
Không để tôi im lặng quá lâu, Đạm Ngọc đã xỏ xong giày, nàng đứng dậy nói: "Đưa em về thôi".
Tôi nhìn nàng một cái, không nói năng gì, gật gật đầu, thái độ lạnh lùng của Đạm Ngọc làm không khí căn phòng trở nên gượng gạo.
Lúc bước vào buồng thang máy, Đạm Ngọc bỗng nhiên trở lại vẻ sinh động thường ngày, lại cười cười nói nói với tôi:
- Cái thang máy này được sửa là công của em đấy! Vốn ra em đến từ chiều nay cơ, vừa bước vào thì phát hiện ra cái bảng "Đang sửa chữa" không còn thấy đâu nữa. Em khoái quá nhảy vào thang máy luôn, ai ngờ đang giữa đường thì nó bãi công, nhốt em trong đấy ba tiếng đồng hồ! Thế nên lúc em đến nhà anh giặt xong quần áo thì đã tối rồi. Vì vậy, em đợi anh đưa em về khách sạn.
- Em bị nhốt trong thang máy ba tiếng à? – Tôi kinh ngạc nhìn nàng – Rồi em làm thế nào ra được?
- Em gọi 119. – Đạm Ngọc đáp tỉnh bơ.
Chúng tôi nhìn nhau, Đạm Ngọc không nhịn được, cười phì ra.
Nụ cười thật là một biểu hiện tuyệt vời, cười nghĩa là mọi mâu thuẫn đã được hòa giải.
Chúng tôi cười suốt cả dọc đường, vui vẻ thoải mái suốt cả quãng đường về khách sạn.
Những người xung quanh nhìn thấy chắc ai cũng tưởng tôi và nàng là một đôi hạnh phúc như bao đôi khác trên đường. Một đôi tình nhân đang rất yêu nhau, ngọt ngào nắm tay nhau dạo phố.
Tuy thế, điều lãng mạn ấy chỉ là sự lầm tưởng của người ta, thật ra chúng tôi đều biết rõ, trừ cái phút vô tình trước, khi môi gặp môi, thì quan hệ "hợp tác" vẫn là sợi dây gắn bó duy nhất giữa tôi và nàng.
Tạm biệt Đạm Ngọc xong, tôi lại một lần nữa quay về nhà.
Nằm dài trên giường, toàn thân tôi đau như dần.
Ôm chiếc gối ra đi văng nằm, tôi giống như một thiếu niên tuổi hoa mơ mộng, tự cho phép mình hưởng niềm hạnh phúc nằm ở chỗ Đạm Ngọc đã nằm, mong có thể gặp nàng trong giấc mộng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top