THIỀN SƯ TRUNG HOA II-9
THIỀN SƯ TRUNG HOA
TẬP HAI
H.T THÍCH THANH TỪ
ĐỜI THỨ TÁM SAU LỤC TỔ (tt)
39. Bạch Vân Tường
Hòa thượng Thật Tánh Đại sư
Ban đầu Sư trụ Viện Từ Quang, Quảng chủ họ Lưu thỉnh vào phủ thuyết pháp.
Có vị Tăng hỏi:
- Giác Hoa vừa định khắp nơi bừng sáng, chẳng lầm tông phong xin Thầy phương tiện?
Sư đáp:- Vua ta có lệnh.
- Giáo ý Tổ ý là đồng hay khác?
- Chẳng khác.
- Thế ấy tức đồng?
- Chẳng ngại lãnh thoại.
- Chư Phật chưa ra đời, khắp giáp đại thiên một hội bạch vân là thế nào?
- Gạt bao nhiêu người đến?
- Thế ấy thì bốn chúng nương vào đâu?
- Chớ giao thiệp.
- Tức tâm tức Phật là lời chỉ dạy, chẳng dính những lời trước chỉ dạy thế nào?
- Đông tây gác lại, nam bắc thế nào?
- Thế nào là gia phong Hòa thượng?
- Cầu đá bờ này có, bên kia không hội sao?
- Chẳng hội.
- Hãy làm Đinh Công ngâm.
- Y đến Lục Tổ tại sao chẳng truyền?
- Bể yên sóng lặng.
- Thế nào là một con đường Hòa thượng tiếp người?
- Đến triều liền hiến Sở vương xem.
- Tông thừa từ trước làm sao nêu cao?
- Ngày nay chưa uống trà.
*
Sư thượng đường:
- Các ông hội chăng? Chỉ ở đầu đường cuối chợ, nơi người hàng thịt thái thịt, chỗ vạc dầu sôi trong địa ngục hội lấy. Nếu hội thế ấy mới kham vì người làm thầy làm mẫu mực. Nếu nhằm trong môn đồ nạp tăng (Thiền sư) thì cách xa trời đất. Lại có một nhóm người, chỉ một bề ngồi trên giường làm người tốt. Các ông nói hai hạng người này người nào có sở trường? Vô sự trân trọng!
*
Sư hỏi Tăng mới đến:- Ở đâu đến?
Tăng thưa:- Ở Vân Môn đến.
- Trong ấy có bao nhiêu con trâu?
- Một con hai con.
- Con trâu tốt.
*
Sư hỏi Tăng:- Chẳng hoại giả danh mà bàn thật tướng là sao?
Tăng thưa:- Cái ấy là ghế dựa.
Sư lấy tay vạch, nói:- Đem giày đãy đến?
Tăng không đáp được.
*
Sư sắp thị tịch bạch chúng rằng:
- Tôi tuy đề cao Tổ ấn mà chưa tột trong ấy. Các nhân giả! việc trong ấy là thế nào? Đâu phải chặng giữa, trong, ngoài của vô biên chăng? Hội giải như thế, tức đại địa như dãy cát phẳng, đây tức là phương khác thấy nhau.
Nói xong, Sư thị tịch.
*
40. THIỀN SƯ TRỪNG VIỄN
Ở Viện Hương Lâm
Ở Vân Môn, Sư làm thị giả mười tám năm. Vân Môn mỗi khi tiếp Sư đều gọi: Thị giả Viễn! Sư ứng: dạ! Vân Môn bảo: Ấy là gì? Như thế đến mười tám năm Sư mới ngộ. Vân Môn nói: Nay ta mới không gọi ngươi.
Một hôm, Sư từ giã Vân Môn đi nơi khác. Vân Môn bảo: Quang trùm vạn tượng, một câu nói làm sao? Sư suy nghĩ. Vân Môn buộc phải ở lại ba năm nữa.
*
Ban đầu Sư đến trụ tại Viện Thiên Vương trong chùa Nghinh Tường huyện Đạo Giang Tây Xuyên.
Có vị Tăng hỏi:- Vị ngon đề-hồ vì sao biến thành độc dược?
Sư đáp:- Giấy Đạo Giang.
- Khi thấy sắc là thấy tâm thì sao?
- Vừa rồi ở đâu đi đến?
- Khi tâm cảnh đều quên thì thế nào?
- Mở mắt rồi ngủ.
- Trong Bắc Đẩu ẩn thân, ý thế nào?
- Trăng giống cung loan, mưa ít gió nhiều.
- Thế nào là tâm chư Phật?
- Trong tức trước sau trong.
- Thế nào là diệu dược của Hòa thượng?
- Chẳng lìa các vị.
- Người ăn thì sao?
- Cắn ăn xem.
*
Sau, Sư dời về ở Viện Hương Lâm Thành Thanh Ích Châu.
Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là một mạch suối Hương Lâm?
Sư đáp:- Niệm không gián đoán.
- Người uống thế nào?
- Cân lường tùy phương.
- Thế nào là chánh nhãn của nạp tăng?
- Chẳng phân biệt.
- Việc chiếu dụng thế nào?
- Người đi đường trật chân.
*
Sư sắp thị tịch đến từ biệt tri phủ Tống Công Đang, nói: Lão tăng đi hành khước, thông phán nói ?Tăng này bị cuồng phong tám mươi năm đi hành khước trong ấy?. Đang thưa: Đại thiện tri thức đi ở tự do.
Trở về, Sư bảo chúng: Lão tăng bốn mươi năm mới đập thành một mảnh. Nói xong, Sư thị tịch.
*
41. THIỀN SƯ TÔNG HUỆ THỦ SƠ
Ở Động Sơn - (?-990)
Ban đầu Sư đến tham vấn Vân Môn. Vân Môn hỏi: Vừa rời ở đâu? Sư thưa: Tra Độ. Vân Môn hỏi: Mùa hạ rồi ở đâu? Sư thưa: Ở chùa Báo Từ tại Hồ Nam. Vân Môn hỏi: Rời nơi ấy lúc nào? Sư thưa: Ngày hai mươi lăm tháng tám. Vân Môn bảo: Tha ngươi ba gậy.
Hôm sau, Sư đến thưa: Hôm qua nhờ ơn Hòa thượng tha ba gậy, con không biết lỗi tại chỗ nào? Vân Môn bảo: Cái túi cơm! Giang Tây Hồ Nam liền thế ấy. Ngay câu nói này, Sư đại ngộ, bèn nói: Về sau nhằm chỗ không có khói người, chẳng chứa một hột gạo, chẳng trồng một cọng rau, tiếp đãi mười phương chúng Tăng qua lại, trọn vì họ nhổ đinh tháo chốt, gỡ bỏ cái khăn thịt mỡ, cổi cái áo xương thúi, dạy họ thênh thang phóng khoáng làm nạp tăng (Thiền sư) vô sự, đâu chẳng thích ư? Vân Môn bảo: Cái túi cơm! thân người bằng cây liễu mà mở miệng to như thế. Sư liền lễ bái.
*
Sau khi Sư làm trụ trì dạy chúng:
- Trong lời nói có lời nói là câu chết (tử cú), trong lời nói không lời nói gọi là câu sống (hoạt cú). Chư thiền đức! Thế nào là câu sống? Đến trong ấy thật khó có người được, nếu được thì chẳng động một hạt bụi, chẳng vạch một cảnh, thấy việc liền nói đáp thoại. Trưởng lão để chân xuống, chẳng được nói đông tây nam bắc, chớ biết nhiều ít, chỉ cần được bước đi rời khỏi nước bùn, làm con mắt người sống, khen ngợi tông phong, kích dương đại sự, chẳng nói toàn không, kia đâu lại ít. Chỉ người duyên chưa đạt nguồn kia, rơi trong cảnh giới ma thứ tám, biết được cái chẳng tên chẳng vật, không thị không phi. Mỗi mỗi vật vật vẫn còn đầy đủ, mà nói ta được chỗ đất an lạc lại chẳng mong gì khác. Phàm có người đến thưa hỏi liền gõ giường thiền, dựng phất tử, lại chẳng tiếc liền lập bày, liền hành dụng, nhằm trong hầm nước nhỏ trồi lên hụp xuống, đùa giỡn với con chồn không đuôi, đến tiếng trống đêm ba mươi tháng chạp điểm, đập đánh con chồn chạy mất, tay chân thác loạn, không thành tựu được một cái gì, hối hận làm sao kịp? Nếu thật là nạp tăng (Thiền sư) dù gặp phải cái lạnh chết người, cái đói chết người trọn chẳng mặc chiếc áo xương thúi của kẻ khác.
*
Sư dạy chúng:
- Lời không dính việc, nói chẳng hợp cơ, nương lời thì mất, kẹt câu là mê. Nơi đây, trong bốn câu nói thấy được rõ ràng. Làm một nạp tăng (Thiền sư) khoáng đạt, nhân một cây đòn tay, một miếng ngói, một bữa cháo, bữa cơm cũng có thể vì người làm thiện tri thức. Nơi đây, nếu chẳng rõ sẽ trở thành kẻ bướng bỉnh.
*
Sư lại dạy:
- Người nêu cao tông thừa xiển dương đại giáo, phải được con mắt pháp sáng suốt, mới hay soi xét duyên thiết yếu của Tăng và tục, chân vọng một nguồn, nước sữa chung ly, đến đây thật khó phân. Đông Sơn (chỉ Sư) tầm thường dùng con mắt trong tâm xét tướng ngoài thân, xem đó lại xem, mới biện được chân ngụy. Nếu chẳng như thế làm sao gọi là thiện tri thức? Hiện nay thiên hạ cái gì là thiện tri thức? Chư Thiền đức! đã tham vấn bao nhiêu vị thiện tri thức rồi đến đây? Không nên thong thả, cần phải tham cho triệt, xem cho thấu đến chỗ ngàn thánh còn không thể chứng minh, mới bày hiện được kẻ đại trượng phu. Đâu không thấy ông già Thích-ca khi sao mai mọc lên liền hoát nhiên đại ngộ, cùng toàn thể chúng sanh trên thế giới đồng thời thành Phật không có mé trước sau, đâu không sướng thích sao? Tuy nhiên như thế, nếu gặp người mắt sáng nạp tăng cũng khéo bày xương sống liền đánh.
*
Có vị Tăng hỏi:- Khi một con đường xa xôi thì thế nào?
Sư đáp:- Trời trong chẳng chịu đi, đợi đến mưa ướt đầu.
- Khi tâm chưa sanh, pháp ở chỗ nào?
- Gió thổi lá cây khua quyết định có cá lội.
Sư hỏi vị Tăng mới đến: Đâu chẳng phải mới đến ư? Tăng thưa: Phải. Sư bảo: Đêm đến tìm chỗ nghỉ, sáng nay việc thế nào? Tăng thưa: Sáng nay gió thổi mạnh, đi trên lưng núi xanh. Sư bảo: Chưa phải, lại nói đi. Tăng thưa: Trân trọng. Sư liền đánh.
*
Tăng hỏi:
- Trong mười hai giờ đi đứng ngồi nằm, khi tự tỉnh giác thì thế nào?
Sư đáp:- Xem người ăn cơm.
- Đâu khỏi bóng cây chẳng chênh sao?
- Lời thân ra từ miệng thân.
*
Tăng hỏi:
- Đại chúng đã nhóm họp, thỉnh Thầy tóm yếu điểm và nêu đại cương?
Sư đáp:
- Trên nước hòn bọt bày năm sắc, đáy biển cá tôm nói trăng trong.
*
Sư có làm bài tụng ?Con Chó Theo Trâu?:
Gia hữu nhất cẩu nhi
Ngãi tiểu nhân nan kiến
Chung nhật tùy ngưu khứ
Vị tỉnh sử nhân hoán.
Kiến khách bất tác thanh
Kiến nhân thiên năng thiện
Nghĩ nghị thượng môn lai
Tảo thị thâu tha tiện.
Hảo hảo báo Thiền sư
Tu trước tinh thần khán
Nhậm nhữ linh lợi nhân
Bất giác vi tử hán.
Nhà có một con chó
Nhỏ tíu người khó thấy
Trọn ngày đi theo trâu
Chưa tỉnh khiến người gọi.
Thấy khách chẳng biết sủa
Thấy người riêng hay giỏi
Toan tính trên cửa vào
Sớm là lấy đồ người.
Khéo léo bảo Thiền sư
Cần để tinh thần xét
Dù ông người khôn lanh
Chẳng biết thành kẻ chết.
*
Nhà Tống niên hiệu Thuần Hóa năm đầu (990) tháng bảy, Sư không bệnh ngồi kiết già thị tịch.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top