THIỀN SƯ TRUNG HOA II-12
THIỀN SƯ TRUNG HOA
TẬP HAI
H.T THÍCH THANH TỪ
ĐỜI THỨ MƯỜI SAU LỤC TỔ (tt)
57. THIỀN SƯ HIỂU THÔNG
Ở Động Sơn - (? - 1030)
Sư họ Đỗ quê ở Thiều Châu. Trong thời gian du phương, Sư ở Vân Cư làm hương đăng, thấy Tăng nói: đại thánh ở Thất Châu gần đây xuất hiện ở Dương Châu. Có vị Tăng lập câu hỏi đem hỏi Sư: Đã là đại thánh ở Thất Châu, vì sao lại đến Dương Châu xuất hiện? Sư đáp: Quân tử mến của lấy đó làm đạo.
Sau vị Tăng ấy thuật lại cho Am chủ Tường ở Liên Hoa Phong. Am chủ kinh hoảng nói: Con cháu Vân Môn vẫn còn. Đến nửa đêm, ông hướng về Vân Cư lễ bái.
Sư về trụ tại Động Sơn, thượng đường, có vị Tăng hỏi:
- Đạt-ma chưa truyền ấn tâm địa, Thích-ca chưa mở hạt châu trong búi tóc, khi ấy nếu hỏi ý Tổ tây sang, lại có ý Tổ tây sang chăng?
Sư đáp:
- Ngày hai tháng sáu mưa lâm râm, rộng trùm khắp cả tâm bá tánh.
- Thế ấy, mây tan nhà nhà trăng, xuân đến chốn chốn hoa.
- Gót chân dẫm đến kim cang, mé nước là bao nhiêu?
Tăng không đáp được, Sư bảo:
- Tổ sư tây sang đặc biệt đề xướng việc này tự vì Thượng tọa chẳng tiến. Sở dĩ, từ cửa mà vào chẳng là gia trân, nhận bóng quên đầu đâu chẳng lầm lớn. Đã là Tổ sư tây sang đặc biệt đề xướng việc này, đâu cần lại đối chúng lo đau đáu. Trân trọng.
*
Sư thượng đường nói:
- Bảo Sơn tăng nói cái gì mới được, xưa tức là nay, nay tức là xưa. Do đó, kinh Lăng Nghiêm nói: ?Tùng ngay cước cong, cò trắng quạ đen.? Lại biết được chăng? Tuy nhiên như thế, chưa hẳn tùng một bề ngay, cước một bề cong, cò bèn trắng, quạ bèn đen. Động Sơn (chỉ Sư) nói trong ấy cũng có cây tùng cong, cũng có cây cước ngay, cũng có con cò đen cũng có con quạ trắng.
Đứng lâu trân trọng.
*
Sư thượng đường:
- Mùa xuân lạnh nước đông lại, đêm đến có tuyết nhiều, lại thấy chăng? Khắp đất tuyết tràn trề, gió xuân vẫn lạnh xưa, nói thiền nói đạo dễ, thành Phật thành Tổ khó. Trân trọng.
*
Sư thượng đường:
- Giờ thìn gà gáy sáng, cháo xong trời rạng đông, lồng đèn vẫn còn ngủ, cột cái lại tỉnh tỉnh. Tỉnh tỉnh nói thẳng tỉnh tỉnh, rõ ràng nói thẳng rõ ràng, ngày sau tháng khác chớ nhận tớ làm thầy. Trân trọng.
*
Sư tự tay trồng cả muôn cây tùng ở trên ngọn núi phía đông. Trong khi trồng cây, Sư thường tụng kinh Kim Cang Bát-nhã. Người trong núi nhân đó đặt tên núi này là Kim Cang Phương Thực Tùng.
Thiền sư Tiêu Dao hỏi:- Ngọn núi ở đây, Kim Cang ở chỗ nào?
Sư chỉ, nói:- Gốc tùng này là đích thân Lão tăng trồng.
*
Ngày mùng tám tháng sáu niên Thiên Thánh thứ tám (1030), Sư có chút bệnh, triệu tập hết Tăng tục, nói: Pháp tịch này giao cho Tự Bảo trụ trì, Sư liền lên tòa nói bài kệ Thấu Pháp Thân.
Tham thiền học đạo mạc man man
Vấn thấu pháp thân bắc đẩu tàng.
Dư kim lão đáo bằng luy thậm
Kiến nhân vô lực đắc thương lượng,
Duy hữu sừ đầu tri ngã đạo
Chủng tùng thời phục thướng kim cang.
Dịch:
Tham thiền học đạo chớ mờ mờ
Hỏi tột pháp thân bắc đẩu tàng.
Nay tôi già yếu càng quá lắm
Thấy người không sức để luận bàn,
Đạo ta người hiểu chỉ cây cuốc
Những lúc trồng tùng lên kim cang.
Nói xong Sư liền thị tịch.
58. THIỀN SƯ TỰ BẢO
Ở Động Sơn
Sư sanh trong nhà con hát nên không có họ, tánh tình liêm khiết cẩn thận kính trọng Phật thừa, xuất gia tại chùa Giáp Thạch. Làm Tăng, Sư tu theo hạnh đầu-đà ăn cơm hẩm mặc y vá. Đến tham vấn Thiền sư Giới ở Ngũ Tổ, Sư phát minh tâm địa tiếng tăm vang lừng. Ở hội Ngũ Tổ Sư làm chủ tự.
Một hôm, Hòa thượng Giới bệnh, sai một cư sĩ đến kho lấy gừng sắc thuốc, bị Sư rầy không cho. Cư sĩ lên bạch lại Hòa thượng, Hòa thượng bảo đem tiền hoàn lại, Sư mới chịu lấy gừng trao cho. Nhân đây, Hòa thượng Giới tâm càng mến trọng. Thời nhân gọi Sư là ông thầy bán gừng.
*
Sau, Sư dạo các tòng lâm đến Động Sơn. Thiền sư Hiểu Thông trụ trì nơi đây cũng quí trọng Sư. Sau khi Hiểu Thông tịch, di chúc thỉnh Sư trụ trì.
Sư khai pháp ở Động Sơn, có vị Tăng hỏi:- Thế nào là Phật?
Sư đáp:- Tương tợ đầu não. Hoặc: lưng dài chân ngắn.
- Sư xướng gia khúc tông phong ai? nối pháp người nào?
- Nói vẫn ở tai.
- Thế ấy là con Ngũ Tổ giới, là cháu Vân Môn.
- Ngày chạy năm trăm.
*
Sư dạy chúng:
- Thảy đều ở trong gió dừng sóng lặng đến, bỗng gặp sóng to nổi dậy, lượng cả ngập trời, chính khi ấy tìm kẻ thủy thủ khó được, trong chúng có người cầm lái hay không?
Chúng không đáp.
Sư tiếp:- Lừa hết mọi người trong thuyền.
*
Sau, Sư dời đến trụ tại núi Qui Tông.
Một hôm, Sư chống gậy xuống núi, đi giữa đường gặp lính nạt đường: tránh bên cho xe Huyện úy đi. Sư đứng qua bên trái. Con ngựa kéo xe quan Huyện úy thấy Sư liền quì mọp. Sư nói: ?Súc sanh này cũng biết người.? Huyện úy biết là Sư liền xuống xe đảnh lễ. Sau đó, ngựa mới chịu chạy.
*
Sư lại dời về trụ ở Vân Cư.
Một đêm, Sơn thần kiệu Sư đi quanh chùa. Sư quở rằng: lên đài ở phương trượng đi. Sơn thần riu ríu đi lên đài ở phương trượng. Sư vì người gìn giữ giới pháp rất tinh nghiêm.
*
Sư có làm bài Chân Tán Tổ Sư Đạt-ma:
Tựa: Sư chân đồ mạc tam giới vô trước
Nghĩ dục an bài tri quân đại thác
Hư lao chỉ điểm hà xứ môn mô
Yếu thức Sư chân càn khôn khoách lạc.
Tán: Sư tướng hề thế sở hy
Sư my hề trận vân thùy
Sư nhãn hề điện quang huy
Sư tỷ hề tủng tu-di
Sư khẩu môn vô xỉ hề quá tại thùy
Nghĩ thiệp lưu sa hề hà bất tự tri phi
Bỉ thử trượng phu hề truyền pháp dữ a thùy
Cánh trụ Thiếu Lâm hề ma la cước tây qui
Ngộ nạp tăng hề dữ nhất đốn chùy
Tuy nhiên như thị hề bất hội mạc châm chùy.
Dịch:
Tựa: Muốn vẽ chân thầy hình tít mù tam giới
Toan tính an bài, biết anh lầm lớn
Luống nhọc chỉ điểm chỗ nào mó sờ.
Cần biết tướng thầy, càn khôn thênh thang.
Tán: Tướng thầy ư đời ít có
Mày thầy ư hàng mây rủ
Mắt thầy ư làn chớp sáng
Mũi thầy ư vượt tu-di
Cửa miệng thầy không răng ư lỗi tại ai?
Toan dẫm cát sông ư sao chẳng tự biết quấy
Kia đây trượng phu ư nên truyền pháp cho ai?
Lại trụ Thiếu Lâm ư mà lê gót về tây
Gặp Thiền sinh ư liền cho một gậy
Tuy nhiên như thế ư chẳng hội chớ dùi châm.
Bài tán này trong thiền môn rất được lưu hành.
59. QUỐC SƯ ĐỨC THIỀU
Ở núi Thiên Thai - (881 - 972)
Sư quê ở Long Tuyền, Xử Châu, cha họ Trần, mẹ họ Diệp. Mẹ Sư nằm mộng thấy một luồng sáng chạm vào thân, nhân đó biết có thai. Đến khi Sư ra đời có nhiều điềm lạ.
Năm Sư mười lăm tuổi có vị Tăng lạ thấy Sư liền vỗ sau lưng nói: ?ông nên xuất gia, trong trần tục không phải là chỗ của ông?. Năm mười bảy tuổi, Sư đến chùa Long Qui ở quê nhà xuất gia. Năm mười tám tuổi, Sư đến chùa Khai Nguyên ở Tín Châu thọ giới.
*
Khoảng niên hiệu Khai Bình (907-910) nhà Lương, Sư cất bước du phương. Trước đến núi Đầu Tử, Sư ra mắt Thiền sư Đại Đồng, đó là buổi phát tâm ban đầu.
*
Kế, Sư tham vấn Hòa thượng Tuần ở Long Nha. Sư hỏi: Bậc tôn hùng hùng vì sao gần chẳng được? Long Nha đáp: Như lửa với lửa. Sư hỏi: Chợt gặp nước đến thì sao? Long Nha bảo: Ngươi chẳng hội. Sư lại hỏi: Trời chẳng che đất chẳng chở, lý này thế nào? Long Nha đáp: Nên như thế. Sư không lãnh hội được, lại cầu xin chỉ dạy. Long Nha bảo: Đạo giả! ngươi về sau tự hội.
*
Sư đến tham vấn Sơ Sơn. Sư hỏi: Trăm vòng ngàn lớp là cảnh giới gì?
Sơ Sơn đáp: Tay trái bám dây mang trói con quỉ. Sư hỏi: Chẳng rơi xưa nay thỉnh Thầy nói. Sơ Sơn bảo: Chẳng nói. Sư hỏi: Vì sao chẳng nói? Sơ Sơn đáp: Trong ấy chẳng biện có không. Sư thưa: Nay Thầy khéo nói. Sơ Sơn kinh hãi.
Như thế, Sư đi tham vấn qua năm mươi bốn vị thiện tri thức, mà pháp duyên chưa hợp. Sau cùng, Sư đến Lâm Xuyên yết kiến Pháp Nhãn (Thiền sư Văn Ích).
*
Sư do đi khắp các tùng lâm nên mỏi mệt lười thưa hỏi. Ở trong hội Pháp Nhãn, Sư chỉ theo chúng mà thôi.
Một hôm, Pháp Nhãn thượng đường, có vị Tăng hỏi: Thế nào là một giọt nước ở nguồn Tào? Pháp Nhãn đáp: Là giọt nước ở nguồn Tào. Vị Tăng ấy mờ mịt thối lui. Sư ngồi bên cạnh hoát nhiên khai ngộ, bình sanh những mối nghi ngờ dường như băng tiêu, cảm động đến rơi nước mắt ướt áo. Sư trình chỗ sở ngộ cho Pháp Nhãn. Pháp Nhãn bảo: Ngươi ngày sau sẽ làm thầy quốc vương, khiến ánh sáng đạo của Tổ sư càng rộng lớn, ta không sánh bằng.
*
Sư dạo núi Thiên Thai xem những di tích của Thiền sư Trí Khải dường như chỗ mình ở cũ. Sư lại đồng họ với Trí Khải. Thời nhân gọi Hậu thân Trí Khải.
Ban đầu, Sư trụ tại Bạch Sa. Lúc đó, Thái tử Trung Hiến Vương trấn ở Thai Châu, nghe danh Sư thỉnh đến hỏi đạo. Sư có bảo: Ngày sau làm chủ thiên hạ nên nhớ ơn Phật pháp.
Đến niên hiệu Càn Hựu năm đầu (948) Thái tử lên ngôi, sai sứ thỉnh Sư, đối xử theo tình thầy trò.
*
Sư thượng đường nói:
- Thánh xưa phương tiện nhiều như hà sa. Tổ sư nói ?không phải gió phan động mà tâm nhân giả động?, đây là pháp môn tâm ấn vô thượng. Chúng ta là khách ở trong pháp môn của Tổ sư, nên làm sao hội được ý Tổ sư. Chớ nói gió phan chẳng động mà tâm ông vọng động. Chớ nói chẳng bác gió phan, đến gió phan nhận lấy. Chớ nói chỗ gió phan động là cái gì? Có người nói gá vật sáng tâm chẳng cầu nhận vật. Có người nói sắc tức là không. Có người nói chẳng phải gió phan động nên phải khéo hội. Giải hội như thế đối với ý chỉ Tổ sư có gì giao thiệp. Đã chẳng cho hội như thế, chư Thượng tọa liền nên biết rõ. Nếu ở trong ấy ngộ được triệt để, có pháp môn nào mà chẳng rõ. Trăm ngàn phương tiện của chư Phật một lúc rỗng suốt, lại có chỗ nghi nào? Do đó, Cổ nhân nói: một liễu thì ngàn minh, một mê thì muôn lầm.
Chư Thượng tọa! đâu phải ngày nay hội được một, ngày mai lại chẳng hội. Đâu phải có một phần việc hướng thượng khó hội, có một phần hạ liệt phàm phu chẳng hội. Kiến giải như thế dù trải qua số kiếp như bụi, chỉ tự mỏi mệt tinh thần đâu có lẽ phải.
Sư có bài kệ dạy chúng:
Thông huyền phong đảnh
Bất thị nhân gian
Tâm ngoại vô pháp
Mãn mục thanh sơn.
Thấu huyền chót đảnh
Chẳng phải nhân gian
Ngoài tâm không pháp
Đầy mắt núi xanh.
Pháp Nhãn nghe được bảo: một bài kệ này có thể làm sống dậy tông của ta.
*
Sư dời trụ tại chùa Bát-nhã mở hội thuyết pháp. Hội đầu, Sư dạy chúng:
Một sợi lông nuốt biển cả, tánh biển không thiếu, một hột cải ném trên mũi nhọn, mũi nhọn không động. Thấy cùng chẳng thấy, hội cùng chẳng hội, chỉ ta biết vậy. Có bài tụng:
Tạm hạ cao phong dĩ hiển dương
Bát-nhã viên thông biến thập phương
Nhân thiên hạo hạo vô sai biệt
Pháp giới tung hoành xứ xứ chương.
Dịch:
Tạm xuống cao phong đã hiển dương
Bát-nhã viên thông khắp mười phương
Người trời bát ngát không sai khác
Pháp giới dọc ngang chốn chốn chương.
Có vị Tăng hỏi:
- Người xưa nói: ?người thấy Bát-nhã liền bị Bát-nhã trói, người chẳng thấy Bát-nhã cũng bị Bát-nhã trói?, đã thấy Bát-nhã vì sao lại bị Bát-nhã trói?
Sư đáp:- Ngươi nói Bát-nhã thấy cái gì?
- Chẳng thấy Bát-nhã vì sao cũng bị Bát-nhã trói?
- Ngươi nói Bát-nhã chỗ nào chẳng thấy?
Sư lại bảo:
- Nếu thấy Bát-nhã chẳng gọi là Bát-nhã, nếu chẳng thấy Bát-nhã cũng chẳng gọi là Bát-nhã. Hãy bảo nói cái gì là thấy chẳng thấy? Sở dĩ, cổ nhân nói ?nếu thiếu một pháp chẳng thành pháp thân, nếu dư một pháp cũng chẳng thành pháp thân; nếu có một pháp chẳng thành pháp thân, nếu không một pháp cũng chẳng thành pháp thân?. Đây là chân tông Bát-nhã vậy.
*
Hội thứ tư, Sư thượng đường dạy chúng:
- Cổ nhân nói: ?Thế nào là thiền? Tam giới miên miên. Thế nào là đạo? Thập phương hạo hạo.? Vì sao nói tam giới miên miên? Chỗ nào là đạo lý của thập phương hạo hạo? Cần hội chăng? Bít mắt lại, bít tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại không chỗ rỗng thiếu, không chỗ chuyển động. Thượng tọa hội chăng? Ngang cũng chẳng được, dọc cũng chẳng được, buông ra cũng chẳng được, đoạt đi cũng chẳng được, không có chỗ dụng tâm, cũng không có chỗ lập bày. Nếu hội được như thế mới là pháp môn bặt chọn lựa, tất cả ngôn ngữ dứt rỉ chảy.
*
Hội thứ sáu, Sư thượng đường dạy chúng:
- Phật pháp hiện hành, tất cả đầy đủ. Người xưa nói: ?tròn đồng thái hư không thiếu không dư?. Nếu như thế thì cái gì thiếu cái gì dư, cái gì phải cái gì quấy? Ai là người hội? Ai là người chẳng hội? Do đó nói, đi đông cũng là Thượng tọa, đi tây cũng là Thượng tọa, đi nam cũng là Thượng tọa, đi bắc cũng là Thượng tọa. Thượng tọa tại sao được thành đông tây nam bắc? Nếu hội được, tự nhiên con đường thấy nghe hiểu biết bặt dứt, tất cả các pháp hiện tiền. Vì sao như thế? Vì pháp thân không tướng, chạm mắt đều bày, Bát-nhã vô tri đối duyên liền chiếu, một lúc hội triệt để là tốt.
Chư Thượng tọa! kẻ xuất gia làm gì? Cái lý bản hữu này chưa phải là phần bên ngoài. ?Thức tâm đạt bản nguyên nên gọi là Sa-môn.? Nếu biết rõ ràng, không còn một mảy tơ làm chướng ngại. Thượng tọa đứng lâu, trân trọng.
*
Đến niên hiệu Khai Bảo thứ tư (972), ngày hai mươi tám tháng sáu, Sư có chút bệnh, họp chúng từ biệt xong, ngồi kiết già thị tịch. Sư tịch tại Liên Hoa Phong thọ tám mươi hai tuổi, được sáu mươi lăm tuổi hạ.
60. THIỀN SƯ HUỆ MINH
Ở chùa Báo Ân
Sư họ Trương, xuất gia lúc còn bé, tinh chuyên tam học, có chí tìm hiểu huyền chỉ. Sư du phương qua các nước Mân, Việt trải các thiền hội, mà chưa khế hợp bản tâm. Sau cùng, Sư đến Lâm Xuyên yết kiến Pháp Nhãn được thầy trò đạo hiệp.
*
Về sau, Sư trở về Ngân Thủy cất am trên núi Đại Mai. Một hôm có hai Thiền khách đến.
Sư hỏi:- Thượng tọa ở đâu đến?
Thiền khách đáp:- Ở đô thành.
- Thượng tọa rời đô thành đến núi này, thì ở đô thành thiếu Thượng tọa ở núi này dư Thượng tọa. Dư thì ngoài tâm có pháp, thiếu thì tâm pháp chẳng khắp. Nói được đạo lý thì ở, chẳng hội nên đi.
Cả hai đều không đáp được.
*
Sư dời về Thiên Thai cất am trên núi Bạch Sa. Có Thượng tọa Minh Nhan là người học rộng nhớ giỏi đến lý luận với Sư về Tông thừa.
Sư hỏi:
- Nói nhiều cách đạo càng xa, nay có việc xin hỏi, từ trước các bậc tiên đức có ngộ hay không?
Minh Nhan đáp:- Nếu là chư thánh tiên đức đâu không có ngộ!
- ?Một người trở về nguồn chân, mười phương hư không thảy đều tiêu mất.? Nay núi Thiên Thai y nguyên, làm sao nói tiêu mất?
Minh Nhan không chỗ bám.
*
Khoảng niên hiệu Càn Hựu nhà Hán (948), Trung Hiến Vương thỉnh Sư vào cung hỏi pháp, mời ở viện Tư Sùng. Vua cho mời các bậc Thiền đức và các danh sĩ trong thành đến cùng Sư bàn đạo lý.
Thiền sư Thiên Long hỏi:
- ?Tất cả chư Phật và Phật pháp đều từ kinh này ra?, không biết kinh này từ đâu ra?
Sư hỏi:- Nói gì?
Thiên Long hỏi trở lại.
Sư bảo:- Qua rồi.
Trưởng lão Tư Nghiêm hỏi:- Thế nào là hiện tiền tam-muội?
Sư hỏi:- Lại nghe chăng?
Tư Nghiêm đáp:- Tôi không bệnh tai.
Sư bảo:- Quả nhiên là bệnh tai.
*
Sư nhắc lời Minh trên tháp của Tuyết Phong:
- ?Phàm từ duyên mà có thì trước sau thành hoại, chẳng từ duyên mà có thì nhiều kiếp bền lâu.? Bền cùng hoại gác lại, hiện giờ Tuyết Phong ở đâu?
Cả chúng đều không đáp được. Nếu có đáp cũng không đúng với ý hỏi. Khi ấy mọi người đều kính phục, Vua rất hài lòng, thỉnh Sư ở thự Viên Thông Phổ Chiếu Thiền sư.
*
Sư thượng đường bảo chúng:
- Các ông lại nhận được chăng? Chớ bảo, nói nín động tịnh đều là Phật sự, chớ lầm hội.
Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là mặt trăng thứ hai?
Sư đáp:
- Ấn mắt xem hoa, hoa lắm đóa, mắt tỏ xem cây, cây mấy cành.
61. THIỀN SƯ PHÁP ĐĂNG - Hiệu Thái Khâm
Ở viện Thanh Lương - (? - 974)
Sư người Ngụy phủ, có trí thông minh lạ thường, biện tài vô ngại. Trong hội Pháp Nhãn, toàn chúng đều ngưỡng mộ, đồng nói: ?người sáng suốt mẫu mực?.
Một hôm, Pháp Nhãn hỏi chúng:
- Cổ cọp mang lục lạc người nào mở được?
Toàn chúng không đáp được. Sư vừa đi đến, Pháp Nhãn hỏi Sư.
Sư thưa:- Người cột mở được.
Pháp Nhãn bảo chúng:- Các ngươi chẳng được khinh y.
*
Ban đầu, Sư nhận thỉnh trụ viện Song Lâm tại núi U Cốc Hồng Châu. Sư thượng đường chưa bước lên tòa liền nói:
- Núi này trước đã có hai đời Tôn túc thuyết pháp, tòa này cao rộng bất tài làm sao lên? Người xưa nói: đảnh lễ Tu-di Đăng Vương Như Lai mới có thể ngồi. Hãy nói Tu-di Đăng Vương Như Lai hiện ở chỗ nào? Đại chúng cần thấy đồng thời đảnh lễ.
Sư bước lên tòa giây lâu nói:
- Vì đại chúng chỉ như thế, lại có chỗ hội chăng?
Tăng hỏi:- Thế nào là cảnh Song Lâm?
Sư đáp:- Vẽ cũng chẳng thành.
- Thế nào là người trong cảnh?
- Hãy đi. Cảnh vẫn chưa biết mà luận đến người.
Kế, Sư trụ viện Hộ Quốc. Có vị Tăng hỏi:
- Khéo hành đạo Bồ-tát không nhiễm các pháp tướng, thế nào là đạo Bồ-tát?
Sư đáp:- Tướng các pháp.
- Thế nào được chẳng nhiễm?
- Nhiễm dính chỗ nào?
Sư lại đến trụ viện Long Quang ở Kim Lăng.
Sư thượng đường lên tòa. Duy-na bạch chùy rằng: Chúng long tượng trong pháp hội, nên quán nghĩa đệ nhất. Sư bảo: Duy-na là nghĩa đệ nhị. Các trưởng lão hiện nay là nghĩa thứ mấy? Sư liền dở tay áo bảo chúng: Đại chúng hội chăng? Đây là núi gọi đạp múa, chớ nói năm trăm đời trước đã làm nhạc chủ, hoặc có lòng nghi xin xủ ra xem.
*
Sau cùng, Sư trụ đại đạo tràng Thanh Lương ở Kim Lăng.
Đến tháng sáu niên hiệu Khai Bảo năm thứ bảy (974), Sư có chút bệnh, bảo chúng:
- Lão tăng nằm bệnh gắng lôi đến đây cùng các ngươi thấy nhau. Hiện nay đạo tràng mỗi chỗ rõ ràng là Hóa thành? Hãy nói thế nào là Hóa thành? Đâu chẳng thấy Đạo sư xưa nói ?Bảo sở chẳng xa cần phải tiến tới?. Khi đến thành rồi, lại nói ?do ta hóa ra?. Nay các ngươi thử nói đạo lý xem, là Như Lai thiền, là Tổ sư thiền, quyết định được chăng? Các ngươi tuy là kẻ sanh muộn, cần biết quốc chủ của ta nơi nào thắng cảnh đều dựng lập đạo tràng, việc cần dùng chẳng thiếu, chỉ cần các ngươi mở miệng. Hiện nay không gì hơn, biết cái gì là miệng của các ngươi? Đâu cần xét đến công tứ ân tam hữu. Muốn được hội chăng? Chỉ biết cái miệng là không lỗi, nếu có lỗi tại các ngươi có ngã. Nay gió lửa ép nhau, đi, đứng là đạo thường.
Lão tăng trụ trì sắp qua một kỷ (mười hai năm) mỗi mỗi nhờ quốc chủ giúp đỡ đến mười phương thí chủ, Tăng lữ thì từ chủ sự đến chú tiểu đều hết lòng vì ta, lặng lẽ mà khó nói. Hoặc mang gai mặc vải, đây tức là thuận tục, ta nói trái với chân. Hãy nói thuận là tốt hay trái là tốt? Song thuận theo ta nói là không điên đảo.
Di hài của ta để tại núi Nam bên trái bên phải của Hòa thượng Đại Trí Tạng xin hai phần huyệt. Sự thăng trầm rất rõ ràng không nên đổi dời. Cố gắng! cố gắng! trân trọng.
Ngày hai mươi bốn tháng sáu, Sư ngồi yên thị tịch.
62. THIỀN SƯ THANH TỦNG
Ở Linh Ẩn Hàn Châu
Sư quê ở Thanh huyện Phước Châu. Ban đầu, Sư đến tham vấn Pháp Nhãn. Một hôm Pháp Nhãn chỉ những giọt mưa bảo: giọt giọt rơi trong con mắt của Thượng tọa. Lúc này nghe nói vẫn chưa ngộ. Sau, nhân đọc kinh Hoa Nghiêm, Sư liền cảm ngộ. Sư đến trình với Pháp Nhãn, Pháp Nhãn ấn chứng.
Sư về cất am trên núi Tứ Minh ở Minh Châu. Tiến đạt sứ Tiền Ức kính Sư làm thầy. Trung Hiến Vương thỉnh Sư khai pháp hai nơi Lâm An. Sau, Sư trụ ở chùa Linh Ẩn ở thự hiệu Liễu Ngộ Thiền sư.
Sư thượng đường dạy chúng:
- Mười phương chư Phật thường ở trước các ngươi, lại thấy chăng? Nếu nói thấy, là đem tâm thấy hay đem mắt thấy? Do đó nên nói ?tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt; nếu hay hiểu như thế, chư Phật thường hiện tiền?.
?Thấy sắc là thấy tâm?, hãy nói cái gì là tâm? Tướng núi sông đất ruộng, vạn tượng sum la, xanh vàng đỏ trắng, nam nữ... là tâm hay chẳng phải tâm? Nếu là tâm, vì sao lại trở thành vật tượng? Nếu chẳng phải là tâm, sao lại nói thấy sắc là thấy tâm? Hội chăng? Chỉ vì mê cái này mà thành điên đảo các thứ chẳng đồng. Trong cái không đồng dị ép thành đồng dị. Hiện nay thẳng đó thừa đương chóng ngộ bản tâm, rõ ràng không có một vật có thể làm thấy nghe. Nếu người lìa tâm riêng cầu giải thoát, người xưa gọi là ?lầm sóng bàn nguồn, rất khó hiểu ngộ?.
Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là Ma-ha Bát-nhã?
Sư đáp:- Tuyết rơi lai láng.
Tăng không đáp được.
Sư hỏi:- Hội chăng?
Tăng thưa:- Chẳng hội.
Sư nói:
Ma-ha Bát-nhã
Phi thủ phi xả
Nhược nhân bất hội
Phong hàn tuyết hạ.
Ma-ha Bát-nhã
Chẳng thủ chẳng xả
Nếu người chẳng hội
Gió lạnh tuyết rơi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top