THIỀN SƯ TRUNG HOA II-10
THIỀN SƯ TRUNG HOA
TẬP HAI
H.T THÍCH THANH TỪ
ĐỜI THỨ CHÍN SAU LỤC TỔ
I.- TÔNG TÀO ĐỘNG ĐỜI THỨ NĂM
A. Nối pháp Thiền sư Trí Tịnh: có 2 vị
1- Thiền sư Trí Nghiêm ở Cốc Ẩn
2- Thiền sư Pháp Hiển ở Phổ Ninh
II.- TÔNG LÂM TẾ ĐỜI THỨ NĂM
A. Nối pháp Thiền sư Diên Chiểu Phong Huyệt: có 4 vị
1- Thiền sư Tỉnh Niệm ở Thủ Sơn
2- Thiền sư Quảng Huệ Chơn
III.- TÔNG QUI NGƯỠNG ĐỜI THỨ SÁU
IV.- NỐI PHÁP ĐỨC SƠN ĐỜI THỨ TƯ
A. Nối pháp Thiền sư Quế Sâm: có 7 vị
1- Thiền sư Văn Ích hiệu Tịnh Huệ ở Thanh Lương khai Tổ tông Pháp Nhãn
2- Thiền sư Hưu Phục Ngộ Không ở Thanh Lương
3- Thiền sư Thiệu Tu ở Long Tế
V.- TÔNG VÂN MÔN ĐỜI THỨ BA
1- Thiền sư Quang Tộ ở chùa Trí Môn
2- Thiền sư Giới ở Ngũ Tổ
3- Am chủ Tường ở Liên Hoa Phong
42. THIỀN SƯ TRÍ NGHIÊM
Ở Cốc Ẩn
Sư quê ở Đăng Châu, xuất gia tu học tại Thước Sơn bản châu. Sau, Sư đắc pháp nơi Thiền sư Trí Tịnh trụ trì Cốc Ẩn, kế tiếp Sư trụ trì Cốc Ẩn đời thứ hai, học chúng ngưỡng mộ tìm đến khá đông.
*
Có vị Tăng hỏi:- Thầy xướng gia khúc tông phong nào? nối pháp ai?
Sư đáp:- Mây trắng nam, tán cái bắc.
- Thế nào việc Ca-diếp thân nghe?
- Phải chóng làm xong.
- Thế nào chỗ chư Phật chiếu chẳng đến?
- Hỏi hang quỉ núi này làm gì?
- Sau khi chiếu đến thế nào?
- Bậy! tinh quái!
- Ngàn non muôn nước làm sao bước đi?
- Dở chân liền ngàn dặm muôn dặm.
- Khi chẳng dở chân thì thế nào?
- Cũng ngàn dặm muôn dặm.
43. THIỀN SƯ PHÁP HIỂN
Ở Viện Phổ Ninh
Có vị Tăng hỏi:- Nhiều kiếp chung ở vì sao chẳng biết thân sơ?
Sư đáp:- Ai?
- Lại đợi con nói?
- Sẽ bảo chẳng lãnh thoại.
- Ngàn nước muôn non làm sao bước đi?
- Trời trong đường không cách, kẻ đến nhịp chẳng lầm.
44. THIỀN SƯ TỈNH NIỆM
Ở Thủ Sơn Nhữ Châu - (925 - 993)
Sư họ Địch quê ở Lai Châu, xuất gia tại chùa Nam Thiền quận nhà. Vừa thọ xong giới cụ túc, Sư dạo khắp các thiền hội, thường thầm tụng kinh Pháp Hoa, nên được hiệu là Niệm Pháp Hoa.
Sau, Sư đến trong hội Phong Huyệt sung chức Tri khách. Một hôm, Sư đứng hầu, Phong Huyệt rơi nước mắt nói với Sư: Bất hạnh! đạo Lâm Tế đến ta sắp chìm lặng vậy. Sư thưa: Xem trong một chúng này đâu không có người kế thừa Hòa thượng? Phong Huyệt bảo: Người thông minh thì nhiều, kẻ thấy tánh rất ít. Sư thưa: Như con, Hòa thượng xem thế nào? Phong Huyệt bảo: Ta tuy trông mong ở ngươi đã lâu, vẫn e ngại đắm mến kinh này không thể buông rời. Sư thưa: Việc này có thể làm được, mong nghe yếu chỉ ấy.
Phong Huyệt thượng đường. Nhắc lại việc Thế Tôn dùng con mắt như hoa sen xanh nhìn xem đại chúng, bèn hỏi:
- Chính khi ấy hãy bảo nói cái gì? Nếu bảo chẳng nói mà nói, lại là chôn vùi thánh trước. Hãy bảo nói cái gì?
Sư bèn phủi áo đi ra. Phong Huyệt ném cây gậy trở về phương trượng. Thị giả chạy theo sau thưa: Niệm Pháp Hoa nhân sao chẳng đáp lời Hòa thượng? Phong Huyệt nói: Niệm Pháp Hoa đã hội.
Một hôm, Sư cùng Huệ Chơn (Tri viên) đồng đến thưa hỏi. Phong Huyệt hỏi Huệ Chơn: Thế nào là Thế Tôn chẳng nói mà nói? Huệ Chơn thưa: Tu hú trên ngọn cây kêu. Phong Huyệt bảo: Ngươi tạo nhiều phước si làm gì? Sao không tham cứu ngôn cú? Phong Huyệt hỏi Sư: Ngươi thì sao? Sư thưa: Đổi sắc (mặt) bày đường xưa. Chẳng rơi cơ lặng yên (động dung dương cổ lộ, bất đọa tiếu nhiên cơ). Phong Huyệt bảo Huệ Chơn: Ngươi sao chẳng xem Niệm Pháp Hoa hạ ngữ?
*
Hòa thượng Sở ở Bạch Triệu đến Nhữ Châu nghỉ tại Tuyên Hóa. Phong Huyệt sai Sư đến truyền ngữ. Vừa gặp nhau, Sư đưa cao tọa cụ hỏi: Trải là phải, chẳng trải là phải? Bạch Triệu đáp: Nhà mình xem lấy. Sư liền hét! Bạch Triệu bảo: Ta từng gần gũi thiện tri thức chưa từng dám làm như thế. Sư nói: Giặc cỏ đại bại. Bạch Triệu bảo: Ngày mai gặp Hòa thượng Phong Huyệt sẽ thuật lại đầy đủ. Sư thưa: Vâng! Vâng! Không nên quên mất.
*
Sư trở về thưa lại với Phong Huyệt. Phong Huyệt bảo: Ngày nay lại bị ngươi bắt một viên giặc cỏ. Sư thưa: Tay khéo chẳng khoe danh.
Hôm sau, Bạch Triệu vừa đến gặp Phong Huyệt liền thuật lại lời hôm qua. Phong Huyệt bảo: Chẳng những hôm qua, ngày nay quả tang đã thua bị bắt.
*
Ban đầu, Sư đến trụ Thủ Sơn đời thứ nhất. Ngày khai đường có Tăng hỏi:
- Thầy xướng gia khúc tông phong ai? nối pháp người nào?
Sư đáp:- Thiếu Thất trước núi xem bàn tay.
- Lại thỉnh hồng âm hòa một tiếng?
- Như nay cũng cần toàn thể biết.
*
Sư bảo chúng:
- Phật pháp trao cho quốc vương đại thần đàn việt có thế lực khiến đèn đèn mồi nhau tiếp tục không dứt cho đến ngày nay. Đại chúng hãy nói tiếp tục cái gì?
Sư im lặng giây lâu, lại nói:
- Ngày nay cần phải Sư huynh Ca-diếp mới được.
Tăng hỏi:- Thế nào là gia phong của Hòa thượng?
Sư đáp:
- Một lời cắt đứt ngàn cửa sông, trước ngọn muôn trượng mới được huyền.
- Thế nào là cảnh Thủ Sơn?
- Mặc tình mọi người xem.
- Thế nào người trong cảnh?
- Ăn gậy được hay chưa?
Tăng lễ bái. Sư bảo: hãy đợi khi khác.
*
Tăng hỏi:- Người xưa dở chùy, dựng phất ý chỉ thế nào?
Sư đáp:- Đảnh riêng không khách ngủ.
- Chưa biết ý chỉ thế nào?
- Chẳng phải người ôm gốc cây.
- Thế nào là con đường bồ-đề?
- Đây cách huyện nhượng năm dặm.
- Việc hướng thượng thế nào?
- Qua lại chẳng đổi.
*
Tăng hỏi:- Chỗ chư Thánh nói chẳng tột, thỉnh Thầy nêu bày?
Sư đáp:- Thần quang muôn dặm trọn một chiếu, người nào dám bằng cùng mặt trời.
- Một cây lại nở hoa không?
- Nở đã lâu rồi.
- Chưa biết kết nụ chăng?
- Đêm qua đã gặp sương.
- Lâm Tế hét, Đức Sơn đánh, chưa biết để rõ việc gì?
- Ngươi thử nói xem.
Tăng liền hét! Sư bảo: Mù! Tăng lại hét! Sư bảo: Gã mù này hét loạn thế ấy để làm gì? Tăng lễ bái. Sư liền đánh.
*
Tăng hỏi:- Chúng Tăng vây quanh, Thầy nói pháp gì?
Sư đáp:- Đập cỏ rắn sợ.
- Chưa biết thế nào là hạ thủ?
- Vừa rồi có bao nhiêu người nên tán thân mất mạng.
- Hai con rồng giành hạt châu, con nào được?
- Con được là mất.
- Con chẳng được thì thế nào?
- Châu ở chỗ nào?
*
Tăng hỏi:- Thế nào là tướng phạm âm?
Sư đáp:- Lừa kêu chó sủa.
Sư lại bảo:
- Cần được thân thiết, nhất là đừng đem hỏi lại hỏi, hội chăng? Hỏi ở chỗ đáp, đáp ở chỗ hỏi.
Ngươi nếu đem hỏi lại hỏi thì Lão tăng ở dưới gót chân ngươi, ngươi nếu suy nghĩ thì chẳng giao thiệp.
Khi ấy có vị Tăng bước ra lễ bái. Sư liền đánh. Tăng liền hỏi: Khi cặm gậy nơi núi sâu thì thế nào? Sư đáp: Lầm! Tăng nói: Lầm! Sư lại đánh.
*
Ban đêm có vị Tăng vào thất, Sư hỏi: Ai? Tăng chẳng đáp. Sư nói: Biết được ngươi rồi. Tăng cười. Sư bảo: Lại đâu phải người khác? Nhân đó, Sư làm một bài kệ:
Khinh khinh đạp địa khủng nhân tri
Ngữ tiếu phân minh cánh mạc nghi
Trí giả chỉ kim mãnh đề thủ
Mạc đãi thiên minh thất khước kê.
Dịch:
Bước chân nhè nhẹ ngại người hay
Cười nói rõ ràng có gì nghi
Kẻ trí hiện nay gắng gìn giữ
Chớ đợi sáng mai gà mất đi.
*
Sư dạy chúng:
- Phật pháp không có nhiều, chỉ vì bọn các ông tự tin chẳng đến. Nếu các ông tự tin thì ngàn vị Thánh ra đời cũng không làm gì được các ông. Vì sao như thế? Vì ở chỗ trước mặt các ông không có chỗ mở miệng. Chỉ vì các ông tự tin không đến, chạy ra ngoài tìm cầu. Sở dĩ đến được trong ấy bèn là Phật Thích-ca, sẽ cho các ông ba mươi gậy. Tuy nhiên như thế, kẻ sơ cơ hậu học bằng vào đạo lý nào? Hãy hỏi các ông được cùng ấy hay chưa?
Sư im lặng giây lâu, nói tiếp:- Nếu được cùng ấy mới là vô sự.
*
Sư dạy chúng:
- Chư Thượng tọa! Chẳng được hét cuồng hét loạn. Trong ấy bình thường nói với các ông. Khách thì trước sau vẫn là khách, chủ thì trước sau vẫn là chủ, khách không có hai khách, chủ không có hai chủ. Nếu có hai khách hai chủ tức là hai gã mù. Do đó, nếu khi ta đứng thì các ông phải ngồi, đứng thì cùng ông đứng. Tuy nhiên như thế, đến trong ấy phải để mắt cho lanh mới được. Trong khoảng con mắt dừng chớp là xa ngàn dặm muôn dặm. Vì sao như thế? Ví như cách cửa sổ nhìn con ngựa chạy qua, vừa suy nghĩ liền không dính dáng.
Chư Thượng tọa! đã vậy, nơi đây phải chín chắn lưu tâm, chẳng cần ôm rỗng, ngày kia giờ khác sẽ lừa phắt ông vậy. Các ngươi! nếu có việc thì lại gần đây, vô sự thì trân trọng!
*
Sư có làm bài kệ Cương Tông rằng:
Đốt tai chuyết lang quân
Xảo diệu vô nhân thức
Đả phá Phụng Lâm quan
Trước hài thủy thượng lập.
Đốt tai xảo nữ nhi
Thoán toa bất giải chức
Khán tha đấu kê nhân
Thủy ngưu dã bất thức.
Bối âm sơn tử hướng dương đa
Nam lai bắc vãng ý như hà
Nhược nhân vấn ngã tây lai ý
Đông hải đông diện hữu Tân La.
Dịch:
Dốt thay chàng trai quê (vụng)
Khéo léo không người biết
Đập phá cổng Phụng Lâm
Mang giày đứng trên nước.
Dốt thay cô gái sang (khéo)
Ném thoi chẳng biết dệt.
Xem người coi đá gà
Con trâu cũng chẳng biết.
Kẻ bỏ núi âm hướng dương nhiều
Sang nam đến bắc ý thế nào?
Nếu người hỏi ta Tổ sư ý
Mặt đông biển đông có Tân La (Triều Tiên)
*
Đời Tống niên hiệu Thuần Hóa năm thứ ba (992) vào giờ ngọ ngày mùng bốn tháng chạp, Sư thượng đường nói kệ:
Kim niên lục thập thất
Lão bệnh tùy duyên thả khiển nhật
Kim niên ký khước lai niên sự
Lai niên ký trước kim triêu nhật.
Dịch:
Năm nay sáu mươi bảy
Già bệnh tùy duyên hãy đuổi theo
Năm nay ghi lại việc năm đến
Năm đến ghi chắc việc ngày nay.
*
Đến năm sau đúng ngày giờ nói trước, Sư thượng đường từ biệt chúng nói kệ:
Chư tử mạn ba ba
Quá khước cơ Hằng hà
Quan Âm chỉ Di-lặc
Văn-thù bất nại hà.
Các con dối lăng xăng
Lỗi nhiều cát sông Hằng
Quan Âm chỉ Di-lặc
Văn-thù biết làm sao?
*
Sư im lặng giây lâu, nói kệ:
Bạch ngân thế giới kim sắc thân
Tình dữ phi tình cộng nhất chân
Minh ám tận thời câu bất chiếu
Nhật luân ngọ hậu kiến toàn thân.
Dịch:
Thế giới bạch ngân thân sắc vàng
Tình với phi tình một tánh chân
Tối sáng hết rồi đều chẳng chiếu
Vầng ô vừa xế thấy toàn thân.
Mặt trời vừa xế, Sư ngồi yên thị tịch, thọ sáu mươi tám tuổi.
45. THIỀN SƯ CHƠN
Ở Quảng Huệ
Phong Huyệt hỏi Sư:
- Khi Hội Xương sa thải, Hộ pháp thiện thần đi chỗ nào?
Sư thưa:- Thường ở trong thành thị, cốt là không người thấy.
Phong Huyệt bảo:- Ngươi thấu triệt rồi.
*
Sau khi trụ trì, có vị Tăng hỏi Sư: - Thế nào là cảnh Quảng Huệ?
Sư đáp:- Trước đầu chùa nhỏ sau Tư khánh.
- Thế nào là gia phong Hòa thượng?
- Cái khâu cây kích.
46. THIỀN SƯ VĂN ÍCH - Hiệu Tịnh Huệ
Khai Tổ tông Pháp Nhãn - (885 - 958)
Sư họ Lỗ quê ở Dư Hàn, lúc bảy tuổi đã theo Thiền sư Toàn Vĩ ở viện Trí Thông xuất gia. Năm hai mươi tuổi, Sư thọ giới cụ túc ở chùa Khai Nguyên tại Việt Châu. Sư chú mục vào giới luật, nghe Luật sư Hy Giác giảng dạy ở chùa Dục Vương tại Mậu Sơn Minh Châu, bèn đến đây học tập nghiên cứu chỗ ý chỉ u vi. Sư lại xem sách Nho, đến trường Văn Nhã. Hy Giác bảo: kẻ này là du hạ trong môn của ta.
*
Do huyền cơ một phen dấy lên, những việc tạp nhạp đều buông hết, Sư chống gậy sang phương nam hành khước. Đến Phước Châu ở trong hội của Trường Khánh, Sư tuy chưa phát minh đại sự, mà chúng vẫn kính nể. Sư bèn kết bạn với Thiệu Tu, Hồng Tiến ba người cùng dẫn nhau đi tham cứu.
Đi đến viện Địa Tạng gặp trời trở tuyết, ba người cùng xin ngụ tại đây. Trời lạnh, cùng vây quanh lò sưởi, Thiền sư Quế Sâm (trụ trì viện Địa Tạng) thấy hỏi: Đây là đi làm gì? Sư thưa: Đi hành khước. Quế Sâm hỏi: Việc hành khước là thế nào? Sư thưa: Chẳng biết. Quế Sâm bảo: Chẳng biết rất là thân thiết. Quế Sâm lại hỏi cả ba người: Trong Triệu Luận nói: ?trời đất cùng ta đồng gốc?, vậy sơn hà đại địa cùng chính mình Thượng tọa là đồng hay khác? Sư thưa: Khác. Quế Sâm đưa hai ngón tay. Sư nói: Đồng.
Quế Sâm cũng đưa hai ngón tay, rồi đứng dậy đi.
Đến tuyết tan, ba người cùng đến từ biệt đi nơi khác, Quế Sâm đưa ra đến cửa, hỏi: Bình thường Thượng tọa nói ?tam giới duy tâm vạn pháp duy thức?, vậy phiến đá dưới sân này, là ở trong tâm hay ở ngoài tâm? Sư thưa: Ở trong tâm. Quế Sâm bảo: Người hành khước mắc cớ gì lại để phiến đá trên đầu tâm? Sư bí không có lời để đáp, bèn dẹp hành lý vào chùa, xin ở lại tham cứu.
Hơn một tháng, Sư trình kiến giải nói đạo lý, vẫn bị Quế Sâm bảo: Phật pháp không phải thế ấy. Sư thưa: Con đã hết lời cùng lý rồi. Quế Sâm bảo: Nếu luận Phật pháp thì tất cả hiện thành. Qua câu nói ấy, Sư đại ngộ.
Sau khi khai ngộ, ba huynh đệ mỗi người trụ một nơi. Riêng Sư lập am ở châu Cam Giá. Hồng Tiến và Thiệu Tu muốn dạo khắp các tòng lâm ở miền Giang Biểu nên rủ Sư đồng đi. Đi đến Lâm Xuyên, Châu Mục thỉnh Sư trụ viện Sùng Thọ. Khai đường trong ngày đầu, tiệc trà chưa xong, bốn chúng đã vây quanh pháp tòa. Vị Tăng đại diện đến bạch Sư: Bốn chúng đã vây quanh dưới pháp tòa của Hòa thượng. Sư nói: Chúng nhân đến tham chân thiện tri thức. Chốc lát, Sư lên tòa. Chúng đảnh lễ thỉnh xong, Sư bảo:
- Chúng nhân trọn đã đến đây, Sơn tăng chẳng lẽ không nói, cùng đại chúng nhắc một phương tiện của người xưa. Trân trọng! Liền xuống tòa.
Có vị Tăng bước ra lễ bái. Sư bảo: Khéo hỏi đi. Vị Tăng trình lên ý hỏi. Sư bảo: Trưởng lão chưa khai đường chẳng đáp thoại.
*
Thượng tọa Tử Phương từ Trường Khánh đến. Sư nhắc lại bài kệ của Hòa thượng Huệ Lăng ở Trường Khánh mà hỏi: Thế nào là ở trong vạn tượng riêng bày thân? Tử Phương dở phất tử. Sư nói: Hội thế ấy sao được? Tử Phương hỏi: Tôn ý Hòa thượng thế nào? Sư bảo: Gọi cái gì là vạn tượng? Tử Phương nói: Người xưa chẳng vạch vạn tượng. Sư bảo: Ở trong vạn tượng riêng bày thân, nói cái gì là vạch chẳng vạch? Tử Phương bỗng nhiên ngộ giải, thuật kệ đầu thành.
*
Sư hỏi Thiệu Tu: ?Có sai hào ly cách xa trời đất?, huynh hội thế nào? Thiệu Tu đáp: Có sai hào ly cách xa trời đất. Sư bảo: Hội thế ấy sao được? Thiệu Tu hỏi: Hòa thượng thế nào? Sư đáp: Có sai hào ly cách xa trời đất. Thiệu Tu liền lễ bái.
*
Sư thượng đường, đại chúng đứng lâu, Sư bèn bảo chúng:
- Chỉ thế ấy thì giải tán đi, lại có Phật pháp hay không, thử nói xem? Nếu không lại đến trong ấy làm gì? Nếu có, thì trong chợ chỗ nhiều người tụ hội cũng có, cần gì phải đến trong ấy?
Chư vị! mỗi người đã từng xem Hoàn Nguyên quán, Bách Môn nghĩa hải, Hoa Nghiêm luận, Niết-bàn kinh, các kinh sách rất nhiều, cái gì trong kinh có thời tiết ấy? Nếu có, thử nêu ra xem! chẳng là trong kinh thế ấy, có những lời thế ấy, đó là thời tiết chăng? Có cái gì là giao thiệp. Sở dĩ lời hay kẹt ở đầu tâm, thường làm môi trường cho duyên lự, thật tế ở ngay trước mắt, đổi làm cảnh danh tướng, lại làm sao được đổi? Nếu đã đổi rồi thì làm sao được chánh? Hội chăng? Nếu chỉ niệm kinh sách thế ấy, có dùng vào chỗ gì?
*
Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là vạch bày thì được cùng đạo tương ưng?
- Khi nào ông vạch bày tức cùng đạo chẳng tương ưng.
- Khi sáu chỗ không tri âm thì thế nào?
- Nhà ông quyến thuộc một đàn.
Sư lại nói:
- Làm sao hội? Chớ nói, đến hỏi thế ấy, bèn chẳng được đạo của ông. Sáu chỗ chẳng tri âm, chỗ mắt chẳng tri âm? chỗ tai chẳng tri âm? Nếu vậy chỗ căn bản có tìm hiểu là không được. Người xưa nói: ?lìa thanh sắc mắc thanh sắc, lìa danh tự mắc danh tự?. Do đó, cõi trời Vô tưởng tu được trải qua tám muôn đại kiếp, một hôm cũng phải thối đọa, các việc rõ ràng. Bởi vì chẳng biết căn bản chân thật, tu hành theo thứ lớp, ba đời sáu mươi kiếp, bốn đời một trăm kiếp, như thế thẳng đến ba a-tăng-kỳ quả mới tròn đầy. Người xưa vẫn nói ?chẳng bằng một niệm duyên khởi vô sanh, vượt khỏi cái thấy của tam thừa quyền học kia v.v...? Lại nói ?khảy móng tay tròn thành tám vạn môn, sát-na diệt hết nghiệp ba kỳ?. Phải cần thể cứu. Nếu như thế dùng khí lực bao nhiêu?
*
Quốc chủ Giang Nam quí trọng đạo đức của Sư, thỉnh Sư vào trụ thự Tịnh Huệ Thiền sư trong Báo Ân thiền viện. Sư thượng đường bảo chúng:
- Người xưa nói ?ta đứng đợi ông nhìn?, hôm nay Sơn tăng ngồi đợi các ông nhìn. Lại có đạo lý cùng chăng? cái nào thân, cái nào sơ? thử xét đoán xem!
*
Có vị Tăng hỏi:
- Mười phương hiền thánh đều vào tông này, thế nào là tông này?
Sư đáp:- Mười phương hiền thánh đều vào.
- Thế nào là Phật, người hướng thượng?
- Phương tiện gọi là Phật.
- Hai chữ thanh sắc, người nào thấu được?
Sư lại bảo chúng:
- Chư Thượng tọa! vị Tăng này lại thấu được hay chưa? Nếu hội được chỗ hỏi này thì thấu thanh sắc chẳng khó.
*
Sau, Sư dời về ở viện Thanh Lương, thượng đường dạy chúng:
- Người xuất gia chỉ tùy thời và tiết, liền được lạnh thì lạnh, nóng thì nóng, muốn biết nghĩa Phật tánh phải quán thời tiết nhân duyên, xưa nay phương tiện chẳng ít. Đâu chẳng thấy Hòa thượng Thạch Đầu nhân xem Triệu Luận, trong ấy nói: ?hội muôn vật về nơi mình, kia chỉ là người Thánh vậy?, Ngài liền nói: ?thánh nhân không mình, cái gì chẳng mình?, liền làm mấy lời gọi là Đồng tham khế, trong ấy câu mở đầu nói: ?tâm đại tiên trúc độ? không qua lời này vậy khoảng giữa chỉ tùy thời nói thoại.
Thượng tọa! nay muốn hội vạn vật là mình chăng? Bởi vì đại địa không có một vật có thể thấy. Ngài lại dặn dò rằng: ?ngày tháng chớ qua suông?. Vừa rồi, nói với các Thượng tọa chỉ tùy thời và tiết liền được. Nếu là đổi thời mất hậu tức là qua suông ngày tháng, ở trong cái phi sắc khởi hiểu sắc. Thượng tọa! ở trong cái phi sắc khởi hiểu sắc tức là đổi thời mất hậu? Hãy nói sắc khởi hiểu phi sắc lại đúng chẳng đúng? Thượng tọa! nếu hội thế ấy tức là không giao thiệp, chính là si cuồng chạy theo hai đầu có dùng được chỗ gì? Thượng tọa! chỉ giữ phần tùy thời qua là tốt. Trân trọng.
*
Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là gia phong của Thanh Lương?
Sư đáp:- Ngươi đến chỗ khác, chỉ nói đến Thanh Lương rồi.
- Thế nào được các pháp không chống lại?
- Có pháp gì chống lại Thượng tọa?
*
Sư dạy chúng:
- Thấy đạo là gốc, sáng đạo là công, liền hay được sức đại trí tuệ. Nếu chưa được như thế thì, việc đáng yêu thích trong tam giới phải dạy dẹp hết, vừa có một mảy may lại là chưa được. Như các ông khi ngủ chẳng sân bèn hỉ, đây là cảnh giới hôn loạn huân tập đã thuần thục ở trong tam giới. Không tỉnh táo thì hôn loạn, bởi duyên các ông tạp loạn gây nên. Cổ nhân gọi đó là đến vàng hóa ra mà lầm cho là vàng ròng, nó còn chẳng bằng vàng trong mỏ. Nếu nhìn thấy tột xương thấu tủy, ấy là sức siêu thoát của các ông. Nếu chưa được như thế, nên xem xét cái gì là lầu đài điện các? Chư Thánh chưa hẳn thường nắm tay ông, ông chưa hẳn nương theo mà đi, xưa nay như thế vậy.
*
Sư thượng đường bảo:
- Chư Thượng tọa! thời tiết lạnh cần gì đến đây? Hãy nói đến đây là tốt hay chẳng đến đây là tốt? Hoặc có Thượng tọa nói ?chẳng đến đây là tốt, vì chỗ nào chẳng phải, lại cần đến đây làm gì?. Hoặc có Thượng tọa nói ?y cũng chẳng đặng một chiều, cần đến chỗ Hòa thượng mới được?. Chư Thượng tọa! hãy nói hai người ấy đối trong Phật pháp lại có tiến thú hay không? Thượng tọa! thật là chẳng được đồng, không có một tí có thể tiến thú. Người xưa gọi là ?chùy sắt không lỗ?, mù từ bé, điếc từ bé, không khác. Nếu lại có một Thượng tọa bước ra nói ?hai người kia đều không được?. Vì sao như thế? Vì y còn chấp trước, cho nên chẳng được.
Chư Thượng tọa! như thế thật giống hành khước như thế thật giống thương lượng, còn mong làm gì? hay là chỉ cần khua môi múa mỏ? hay là riêng có chỗ mong? Sợ e y chấp trước là chấp trước cái gì? Hay là chấp trước lý, chấp trước sự, chấp trước sắc, chấp trước không? Nếu chấp lý, lý là cái gì mà chấp? Nếu chấp sự, sự là cái gì mà chấp? Chấp sắc chấp không cũng như thế.
Sở dĩ bình thường, Sơn tăng nói với chư Thượng tọa mười phương chư Phật, mười phương thiện tri thức luôn luôn duỗi tay; chư Thượng tọa luôn luôn nắm tay. Mười phương chư Phật luôn luôn duỗi tay, là duỗi ở chỗ nào? Chư Thượng tọa luôn luôn nắm tay, lại có chỗ hội, hội lấy là tốt. Nếu chưa hội được, chớ nói: đều phải, đồng đến, toàn lấy.
Chư Thượng tọa! người hành khước nhà bên cần phải xét kỹ, phải để hết tinh thần, không nên trông cậy vào trí tuệ chút ít, qua mất thời đẹp đẽ.
*
Sư có làm bài tụng:
Lý cực vong tình vị
Như hà hữu dụ tề
Đáo sầu sương dạ nguyệt
Nhậm vận lạc tiền khê.
Quả thục kiêm viên trọng
Sơn trường tợ lộ mê
Cử đầu tàn chiếu tại
Nguyên thị trụ cư tê.
Lý tột quên tình nói
Làm sao có dụ bằng
Đến cùng sương đêm sáng
Dần dà rơi trước khe.
Trái chín cùng vượn nặng
Núi dài giống đường quên
Xoay đầu toàn chiếu hiện
Nguyên là ở phương tây.
*
Sư làm bài tụng tam giới duy tâm:
Tam giới duy tâm
Vạn pháp duy thức
Duy thức duy tâm
Nhãn thanh nhĩ sắc.
Sắc bất đáo nhĩ
Thanh hà xúc nhãn
Nhãn sắc nhĩ thanh
Vạn pháp thành biện.
Vạn pháp phỉ duyên
Khởi quán như huyễn
Đại địa sơn hà
Thùy kiên thùy biến
Tam giới duy tâm
Vạn pháp duy thức
Duy thức duy tâm
Mắt thanh tai sắc.
Sắc chẳng đến tai
Thanh nào chạm mắt
Mắt sắc tai thanh
Muôn pháp thành xong.
Muôn pháp chẳng duyên
Đâu quán như huyễn
Đại địa sơn hà
Gì bền gì đổi?
*
Sư làm bài tụng Hoa Nghiêm lục tướng nghĩa:
Hoa Nghiêm lục tướng nghĩa
Đồng trung hoàn hữu dị
Dị nhược dị ư đồng
Toàn phi chư Phật ý.
Chư Phật ý tổng biệt.
Hà tằng hữu đồng dị.
Nam tử thân trung nhập định thời.
Nữ tử thân trung bất lưu ý.
Bất lưu ý, tuyệt danh tự.
Vạn tượng minh minh vô lý sự.
Dịch:
Nghĩa sáu tướng Hoa Nghiêm
Trong đồng lại có dị
Dị nếu dị nơi đồng
Toàn chẳng phải ý Phật.
Ý chư Phật thảy biệt
Đâu từng có đồng dị?
Trong thân kẻ nam khi vào định
Trong thân người nữ chẳng lưu ý,
Chẳng lưu ý, bặt danh tự
Vạn tượng rõ ràng không lý sự.
*
Sư ở mấy nơi, nơi nào đồ chúng theo tham vấn thường xuyên không dưới một ngàn (1000) người. Sư làm cho chánh tông của Huyền Sa hưng thạnh miền Giang Biểu. Sư theo cơ thuận vật gỡ kẹt dẹp tối, phàm nói tam-muội các nơi, hoặc nhập thất trình kiến giải, hoặc đứng ra thưa hỏi, đều theo bệnh cho thuốc, tùy căn cơ ngộ nhập không thể ghi hết.
*
Đến niên hiệu Hiển Đức năm thứ năm (993) nhà Châu, ngày mười bảy tháng bảy năm Mậu Ngọ, Sư có chút bệnh. Quốc chủ đích thân đến thăm hỏi. Ngày mùng năm tháng nhuần, Sư tắm gội xong, từ giã chúng ngồi kiết già thị tịch, nhan mạo như lúc bình thường. Sư thọ bảy mươi bốn tuổi, năm mươi bốn tuổi hạ. Vua ban sắc thụy là Đại Pháp Nhãn Thiền sư, tháp hiệu Vô Tướng.
47. THIỀN SƯ HƯU PHỤC - Ngộ Không
Ở viện Thanh Lương - (? - 943)
Sư họ Vương, quê ở Bắc Hải, xuất gia lúc còn bé, đến mười chín tuổi thọ giới cụ túc. Sư thường tự nói: nếu bám vào kinh điển tức là mắc kẹt chiếc bè, toan tiến đến chỗ lóng lặng lại ngại rơi vào không, tới lui khó quyết định, bỏ hai thì không được. Sư bèn đi các nơi tham vấn các bậc Thiền đức.
*
Sư đồng kết bạn với Pháp Nhãn v.v... đến hội Thiền sư Quế Sâm. Ở đây nhiều năm mà Sư không khế ngộ. Sư mắc bệnh nằm nơi nhà niết-bàn. Một đêm, Quế Sâm đến thăm, hỏi: Thượng tọa Phục an vui chăng? Sư thưa: Con vì nhân duyên trái với Hòa thượng. Quế Sâm chỉ lồng đèn hỏi: Thấy chăng? Sư thưa: Thấy. Quế Sâm bảo: Chỉ cái ấy chẳng trái, Sư nhân câu nói ấy có tỉnh.
Sau, nhân Thiệu Tu thăm hỏi Quế Sâm, nói: Con trăm kiếp ngàn đời cùng Hòa thượng trái nhau đến đây, lại gặp Hòa thượng chẳng an. Quế Sâm dựng đứng cây gậy lên nói: Chỉ cái này chẳng trái. Sư bỗng nhiên khế ngộ.
*
Sau, Sư nối tiếp Pháp Nhãn (Thiền sư Văn Ích) trụ trì chùa Sùng Thọ ở Vũ Châu. Đến khi Quốc chủ Giang Nam xây dựng Đại đạo tràng Thanh Lương thỉnh Sư đến trụ trì.
Sư thượng đường dạy chúng:
- Thánh xưa vừa sanh ra liền đi khắp bảy bước, mắt nhìn bốn phương nói: ?Trên trời dưới đất, chỉ ta độc tôn.? Ngài có cái phương tiện kỳ đặc, còn chư Thượng tọa khi mới sanh ra có cái gì kỳ đặc, thử nêu lên xem? Nếu nói rằng ?Không?, tức là đối diện mà kiêng tránh. Nếu nói ?Có?, lại làm sao thông được tin tức ấy? Lại hội chăng? Thượng tọa hân hạnh có việc kỳ đặc, nhân sao chẳng biết? Trân trọng.
*
Có vị Tăng hỏi: Thế nào là Phật? Sư đáp: Ngươi là chúng sanh. Tăng thưa: Lại nhận hay không? Sư bảo: Luống bày câu hỏi này. Tăng hỏi: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang? Sư bảo: Ông nói cõi này lại có chăng? Tăng hỏi: Chỗ tỉnh yếu xin Thầy một lời? Sư đáp: Trân trọng.
*
Thế nào là đạo? Sư đáp: Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi bặm. Tăng lễ bái. Sư bảo: Chớ lầm hội. Tăng hỏi: Thế nào là một hạt bụi vào chánh định? Sư đáp: Sắc tức không. Tăng hỏi: Thế nào cát bụi từ tam-muội dậy? Sư đáp: Không tức sắc.
*
Tăng hỏi: Thế nào là chỗ học nhân xuất thân? Sư đáp: Ngàn thứ so chẳng kịp, muôn điều sánh chẳng bằng. Tăng thưa: Thỉnh Hòa thượng nói? Sư đáp: Xưa cũng có nay cũng có.
*
Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ tám (943) nhà Tấn, ngày mùng một tháng mười, Sư sai Tăng đến viện Bảo Ân mời Pháp Nhãn đến phương trượng để dặn dò, lại biên thư từ biệt Quốc chủ. Đến ngày mùng ba nửa đêm giờ tý, Sư ngồi ngay thẳng nhắc chúng rằng: ?không bỏ quang ảnh?; nói xong từ biệt nhập diệt.
48. THIỀN SƯ THIỆU TU
Ở Long Tế cũng gọi Tu Sơn Chủ
Ban đầu Sư cùng Đại Pháp Nhãn (Văn Ích) tham vấn nơi Thiền sư Quế Sâm, cho là đã ngộ tột. Ba vị đồng từ Quế Sâm đi Kiến Dương. Trên đường cùng bàn chuyện nhau, Pháp Nhãn chợt hỏi: Người xưa nói: ?ở trong vạn tượng riêng bày thân?, là vạch vạn tượng, hay chẳng vạch vạn tượng? Sư đáp: Chẳng vạch vạn tượng. Pháp Nhãn bảo: Nói cái gì là vạch chẳng vạch? Sư mờ mịt, trở lại viện Địa Tạng. Quế Sâm thấy Sư trở lại hỏi: Ngươi đi chưa bao lâu tại sao trở lại? Sư thưa: Có việc chưa giải quyết đâu yên leo non vượt suối. Quế Sâm bảo: Ngươi leo vượt bao nhiêu non suối, lại chẳng ưa? Sư chưa hiểu lời dạy bảo, liền hỏi: Cổ nhân nói, ?ở trong vạn tượng riêng bày thân?, ý chỉ thế nào? Quế Sâm đáp: Ngươi nói người xưa vạch vạn tượng hay chẳng vạch vạn tượng? Sư thưa: Chẳng vạch. Quế Sâm bảo: Hai cái. Sư kinh hãi lặng thinh, lại hỏi: Chưa biết cổ nhân vạch vạn tượng hay chẳng vạch vạn tượng? Quế Sâm bảo: Ngươi nói cái gì là vạn tượng? Sư liền tỉnh ngộ, lại từ biệt Quế Sâm đi đến chỗ Pháp Nhãn.
*
Sau, Sư về ở núi Long Tế chẳng cần nhóm họp đồ chúng, mà chúng vẫn đua nhau tìm đến.
Sư thượng đường dạy chúng:
- Pháp đầy đủ nơi phàm phu mà phàm phu chẳng biết, pháp đầy đủ nơi thánh nhân mà thánh nhân chẳng hội. Thánh nhân nếu hội tức là phàm phu, phàm phu nếu biết tức là thánh nhân. Hai câu nói này một lý mà hai nghĩa. Nếu người biện biệt được chẳng ngại ở trong Phật pháp có chỗ vào. Nếu người biện biệt chẳng được, chớ nói không nghi.
*
Có vị Tăng hỏi:
- Trong kinh nói: núi Tu-di nhét trong hạt cải, hạt cải nhét trong núi Tu-di, thế nào là núi Tu-di?
Sư đáp:- Đâm phủng tâm ông.
- Thế nào là hạt cải?
- Lấp mất mắt ông.
- Thế nào là nhét?
- Nắm núi Tu-di và hạt cải đem lại.
*
Sư dạy chúng:
- Thanh sắc chẳng đến bệnh tại thấy nghe, nói năng chẳng đến lỗi tại môi lưỡi.
Có vị Tăng đứng ra hỏi:- Lìa thanh sắc thỉnh Hòa thượng nói?
Sư đáp:- Trong thanh sắc đem cái hỏi lại.
Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là phổ nhãn?
Sư đáp:- Mảy may xem chẳng thấy.
- Tại sao xem chẳng thấy?
- Vì y con mắt rất lớn.
- Thế nào là người đại bại hoại?
- Kiếp hoại chẳng từng dời.
- Người này lại biết có Phật pháp hay không?
- Nếu biết có Phật pháp lẫn thành điên đảo.
- Làm sao chẳng điên đảo?
- Cần phải biết Phật pháp.
- Thế nào là Phật pháp?
- Đại bại hoại.
*
Sư hỏi một vị Tăng mới đến:- Ở đâu đến?
Tăng thưa:- Ở Thúy Nham.
- Thúy Nham có lời gì dạy đồ chúng?
- Bình thường nói ?ra cửa gặp Di-lặc, vào cửa thấy Thích-ca?.
- Nói thế ấy làm sao được?
- Hòa thượng nói thế nào?
- Ra cửa thấy cái gì? vào cửa thấy cái gì?
Vị Tăng nghe xong liền tỉnh ngộ.
Sư có làm hơn sáu mươi bài kệ tụng và các bài minh, luận... còn lưu truyền ở đời.
49. THIỀN SƯ QUANG TỘ
Ở chùa Trí Môn Tùy Châu
Có vị Tăng đến hỏi:
- Nhất thiết trí trí thanh tịnh lại có địa ngục hay không?
Sư đáp:- Vua Diêm La là quỉ làm ra.
*
Sư thượng đường dạy chúng:
- Một pháp nếu có, pháp thân rơi tại phàm phu; muôn pháp nếu không, Phổ Hiền mất cảnh giới ấy. Chính khi ấy Văn-thù nhằm chỗ nào xuất đầu? Nếu đã xuất đầu chẳng được thì con sư tử lông vàng lưng bị gãy. Hân hạnh được một bàn cơm, chớ đợi gạo gừng tiêu.
*
Sư thượng đường dạy chúng:
- Sơn tăng ghi được ở trong thai mẹ một câu nói, hôm nay nêu ra, tất cả đại chúng không được khởi thương lượng hợp đạo lý. Vậy có người thương lượng được chăng? Nếu thương lượng chẳng được, ba mươi năm sau chẳng được lầm nêu lên.
*
Sư thượng đường dạy chúng:
- Trong ngày sáng rỡ có ta người, trong mây mù có từ bi, trong sương tuyết có áo vải, trong mưa đá ẩn thân, lại ẩn thân được chăng? Nếu ẩn thân được lại bị mưa đá đập nát xương sọ.
*
Sư dạy chúng:
- Mấy ngày mưa luôn, hãy nói mưa từ chỗ nào lại? Nếu nói từ trời rơi xuống thì cái nào là trời? Nếu nói từ đất phun lên, gọi cái gì là đất? Nếu lại chẳng hội, do đó cổ nhân nói:
Thiên địa chi tiền kính
Thời nhân mạc cưỡng di
Cá trung sanh giải hội
Nhãn thượng cánh an chùy.
Lối thẳng của trời đất
Người đời chớ đổi dời
Trong ấy sanh giải hội
Trên mắt lại để chùy.
50. THIỀN SƯ GIỚI Ở NGŨ TỔ
Lúc Sư trụ núi Ngũ Tổ, có Thiền sư Tề Nhạc kết bạn với Tuyết Đậu Trùng Hiển đi dạo Hoài Sơn, nghe danh Sư muốn đến khám nghiệm. Thiền sư Tề Nhạc đến trước, thẳng vào trượng thất. Sư thấy hỏi: Thượng nhân tên gì? Nhạc đáp: Tề Nhạc. Sư nói: Đâu giống Thái Sơn. Nhạc không đáp được. Sư đánh đuổi ra.
Hôm sau, Nhạc lại đến. Sư hỏi: Ông làm gì? Nhạc xoay đầu, lấy tay vẽ tướng vòng tròn để trình. Sư bảo: Ấy là gì? Nhạc nói: Già già lớn lớn bánh hồ chẳng biết. Sư đáp: Tới lò bếp nóng lại mặc áo cụt. Nhạc suy nghĩ, Sư cầm gậy đánh đuổi ra cửa.
Mấy ngày sau, Nhạc lại đến bèn đưa tọa cụ lên, nói: Trải ra thì đầy đại thiên sa giới, chẳng trải thì sợi lông sợi tóc chẳng còn. Thế ấy, trải là phải hay chẳng trải là phải? Sư bước xuống giường thiền nắm đứng bảo: Đã là người thuần thục cần gì như thế? Nhạc không đáp được. Sư lại đánh đuổi ra.
Xem đó thì biết, Sư thật là một đời Long Môn vậy. Tề Nhạc ba phen tiến là ba phen bị điểm trán. Trương Vô Tận nói: ?Tuyết Đậu tuy máy bén thoát nhanh mà trông ngọn núi này vẫn phải lùi, được chẳng toàn vậy sao??
Về già, Sư đến núi Đại Ngu chống gậy đứng nói cười, rồi tịch.
51. AM CHỦ TƯỜNG
Ở Liên Hoa Phong
Sư thượng đường dạy chúng rằng:
- Nếu là việc này rất cần gấp, phải nhận rõ mới được. Nếu nhận được trong mọi thời khỏi bị trói buộc, bèn được tùy chỗ an nhàn, cũng chẳng cần đem tâm đè bẹp, cần phải tự nhiên, hiệp với khuôn xưa mới được. Vừa đến chỗ học chừng ngằn, liền phải biện bày cái đạo lý, cho là thời có Phật pháp được tâm địa thôi hết. Thượng tọa! lại thỉnh cùng ấy an ủi nhau.
Ngày Sư thị tịch, Sư cầm gậy bảo chúng:
- Cổ nhân đến trong ấy vì sao chẳng chịu trụ?
Chúng không đáp được.
Sư nói tiếp:- Vì các ngài đường đi chẳng đắc lực. Cứu kính thế nào?
Sư cầm gậy để ngang vai, nói: Vai vác cây gậy tức lật chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn đảnh núi muôn đảnh núi.
Sư nói xong liền tịch.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top