THIỀN SƯ TRUNG HOA I-6

THIỀN SƯ TRUNG HOA

TẬP MỘT

H.T THÍCH THANH TỪ

ÐỜI THỨ TƯ SAU LỤC TỔ

A. PHÁI HÀNH TƯ

NỐI PHÁP THIỀN SƯ DUY NGHIỄM (Dược Sơn)

1- Thiền sư Ðàm Thạnh (Vân Nham)

2- Thiền sư Ðức Thành

3- Thiền sư Huệ Tỉnh

4- Sa-di Cao

5- Thiền sư Minh Triết

6- Thiền sư Viên Trí

7- Thiền sư Quang Mật

8- Thiền sư Lạc Hà

9- Thiền sư Quì

10- Thích sử Lý Tường

NỐI PHÁP THIỀN SƯ THIÊN NHIÊN (Ðơn Hà)

1- Thiền sư Vô Học

2- Thiền sư Nghĩa An

3- Thiền sư Tánh Không

4- Thiền sư Bổn Ðồng

5- Thiền sư Mễ Thương

6- Thiền sư Ðại Ẩn

7- Thiền sư Huệ Cần

NỐI PHÁP THIỀN SƯ ÐẠI ÐIÊN

1- Thiền sư Nghĩa Trung

2- Hòa thượng Thự Sơn

*

29. THIỀN SƯ ÐÀM THẠNH

Vân Nham - (782 - 841)

Sư họ Vương, quê ở Kiến Xương, Chung Lăng. Lúc nhỏ, Sư xuất gia tại Thạch Môn. Ban đầu, Sư đến tham học với Bá Trượng Hoài Hải ngót hai mươi năm mà chưa ngộ huyền chỉ. Bá Trượng qui tịch, Sư đến tham học với Dược Sơn Duy Nghiễm.

Dược Sơn hỏi:- Ở đâu đến?

Sư thưa:- Ở Bá Trượng đến.

- Bá Trượng có ngôn cú gì để chỉ dạy đồ chúng?

- Thường ngày hay nói "ta có một câu đầy đủ trăm vị".

- Mặn là vị mặn, lạt là vị lạt, không mặn không lạt là vị thường, thế nào một câu đầy đủ trăm vị?

Sư không đáp được.

*

Hôm khác, Dược Sơn hỏi:- Bá Trượng nói pháp gì?

Sư thưa:

- Có khi Thầy thượng đường đại chúng ngồi yên, cầm gậy đồng thời đuổi tan hết, lại gọi: "Ðại chúng!" Chúng xoay đầu lại, Thầy bảo: "Ấy là gì?"

Dược Sơn bảo:

- Sao không sớm nói thế đó? Hôm nay nhân ngươi thuật lại, ta được thấy Hải huynh.

Ngay câu nói ấy Sư tỉnh ngộ, lễ bái.

*

Dược Sơn hỏi:- Ngoài chỗ Bá Trượng ngươi còn đến đâu chăng?

Sư thưa:- Con từng đến Quảng Nam.

- Ta nghe nói ngoài cửa thành Ðông ở Quảng Châu có một hòn đá bị Châu chủ dời đi chăng?

- Chẳng những Châu chủ, dù họp tất cả người toàn quốc dời cũng chẳng động.

- Ta nghe ngươi biết làm sư tử múa phải chăng?

- Phải.

- Múa được mấy xuất?

- Múa được sáu xuất.

- Ta cũng múa được.

- Hòa thượng múa được mấy xuất?

- Ta múa được một xuất.

- Một tức sáu, sáu tức một.

*

Sư đến Qui Sơn Linh Hựu, Qui Sơn hỏi:

- Nghe Trưởng lão ở Dược Sơn làm sư tử múa phải chăng?

Sư đáp:- Phải.

- Thường múa hay có khi nghỉ?

- Cần múa thì múa, cần nghỉ thì nghỉ.

- Khi nghỉ sư tử ở chỗ nào?

- Nghỉ, nghỉ.

*

Sư nấu trà, Ðạo Ngô hỏi:- Nấu trà cho ai?

Sư đáp:- Có một người cần.

- Sao không dạy y tự nấu?

- Nay có tôi ở đây.

*

Thạch Sương Khánh Chư đến.

Sư hỏi:- Ở đâu đến?

Thạch Sương thưa:- Qui Sơn đến.

- Ở trong ấy bao lâu?

- Vừa trải một Ðông một Hạ.

- Như thế tức thành núi dài?

- Tuy ở trong đó mà chẳng biết.

- Người khác cũng chẳng hiểu chẳng biết.

Thạch Sương không đáp được.

*

Sau, Sư trụ trì núi Vân Nham huyện Du, Ðàm Châu.

Một hôm, Sư bảo chúng:- Có đứa trẻ nhà kia, hỏi đến không có gì nói chẳng được.

Ðộng Sơn Lương Giới hỏi: - Trong ấy có kinh sách nhiều ít?

- Một chữ cũng không.

- Sao được biết nhiều thế ấy?

- Ngày đêm chưa từng ngủ.

- Làm một việc được chăng?

- Nói được lại chẳng nói.

*

Sư hỏi vị Tăng:- Ở đâu đến?

Tăng thưa:- Thêm hương rồi đến.

- Thấy Phật chăng?

- Thấy.

- Thấy ở đâu?

- Thấy ở hạ giới.

- Phật xưa! Phật xưa!

*

Ðạo Ngô hỏi:- Ðại Bi ngàn tay mắt, mắt nào là mắt chánh?

Sư bảo:- Như người ban đêm vói tay lại sau mò chiếc gối.

- Tôi hội rồi.

- Hội thế nào?

- Khắp thân là tay mắt.

- Nói tột cùng lời nói, chỉ nói được tám phần.

- Sư huynh thế nào?

- Khắp thân là tay mắt.

*

Sư ngồi bện giày cỏ, Ðộng Sơn Lương Giới đến trước thưa:

- Xin Thầy tròng mắt được chăng?

Sư bảo:- Ngươi đi với ai?

- Lương Giới không.

- Giả sử có, ngươi nhằm để chỗ nào?

Lương Giới không đáp được.

Sư bảo:- Xin tròng mắt là mắt chăng?

- Chẳng phải mắt.

Sư nạt đuổi ra.

*

Tăng hỏi:- Khi một niệm chợt khởi liền rơi vào ma giới, là thế nào?

Sư bảo:- Ngươi nhân đâu từ Phật giới đến?

Tăng không đáp được.

Sư hỏi:- Hội chăng?

- Chẳng hội.

- Chớ bảo hội chẳng được, giả sử hội được cũng chỉ là bên trái bên phải.

*

Ðời Ðường niên hiệu Hội Xương năm đầu (841 T.L.), tháng mười ngày hai mươi sáu, Sư có chút ít bệnh, tắm gội xong, kêu chủ sự bảo: "Sắm sửa trai, ngày mai có Thượng tọa đi." Ðến tối đêm hai mươi bảy, Sư qui tịch, thọ sáu mươi tuổi. Trà-tỳ được xá-lợi rất nhiều.

*

30. THIỀN SƯ VIÊN TRÍ

Ðạo Ngô - (768 - 835)

[Trong Truyền Ðăng Lục thì để Viên Trí, trong Chỉ Nguyệt Lục để Tông Trí.]

Sư họ Trương, quê ở Hải Hôn, Dự Chương. Lúc nhỏ, Sư theo Hòa thượng Bàn xuất gia và thọ giới. Sau, Sư đến pháp hội Dược Sơn thầm được tâm ấn.

Một hôm, Dược Sơn hỏi Sư:- Ngươi đi đâu về?

Sư thưa:- Ði dạo núi về.

Dược Sơn bảo:- Chẳng rời thất này, đem gì về, nói mau!

Sư thưa:

- Trên núi chim con đầu tợ tuyết,

Ðáy khe cá lội lo chẳng cùng.

(Sơn thượng điểu nhi đầu tợ tuyết,

Gián để du ngư mang bất triệt.)

*

Sư cùng Ðàm Thạnh đứng hầu Dược Sơn. Dược Sơn bảo:

- Chỗ trí chẳng nghĩ đến, tối kỵ nói tới, nói tới tức đầu mọc sừng, Trí đầu-đà (chỉ Sư) hiểu thế nào?

Sư liền đi ra.

Ðàm Thạnh hỏi Dược Sơn:

- Sư huynh Trí vì sao không đáp lời Hòa thượng?

Dược Sơn bảo:

- Hôm nay ta đau lưng, y đã hội, ngươi hỏi lấy y.

Ðàm Thạnh đến hỏi Sư:

- Vừa rồi, sao sư huynh không đáp lời Hòa thượng?

Sư bảo:- Huynh đến hỏi Hòa thượng đi.

*

Qui Sơn Linh Hựu hỏi Vân Nham Ðàm Thạnh:

- Bồ-đề lấy gì làm tòa?

Ðàm Thạnh đáp:- Lấy vô vi làm tòa.

Ðàm Thạnh lại hỏi Linh Hựu câu ấy.

Linh Hựu đáp:- Lấy các pháp không làm tòa.

Linh Hựu lại đem câu ấy hỏi Sư.

Sư đáp:

- Ngồi thì cho y ngồi, nằm thì cho y nằm. Có một người chẳng ngồi chẳng nằm, hãy nói mau! nói mau!

*

Linh Hựu hỏi Sư:- Ở đâu đến?

Sư đáp:- Khán bệnh đến.

- Có bao nhiêu người bệnh?

- Có người bệnh có người chẳng bệnh.

- Có người không bệnh đâu không phải Trí đầu-đà?

- Bệnh cùng chẳng bệnh đều không can hệ việc nó, nói mau! nói mau!

*

Thấy Ðàm Thạnh bệnh, Sư hỏi:

- Lìa cái vỏ lủng này đến chỗ nào thấy nhau?

- Ðến chỗ chẳng sanh chẳng diệt thấy nhau.

- Sao không nói chỗ phi chẳng sanh chẳng diệt, cũng chẳng cầu thấy nhau.

*

Ðàm Thạnh vá lại đôi giày cỏ, Sư thấy hỏi:

- Làm gì?

- Ðem bại hoại vá bại hoại.

- Sao không nói tức bại hoại phi bại hoại.

*

Sau, Sư đến núi Ðạo Ngô an trụ ở đây, Tăng chúng đến tham vấn rất đông.

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là chỗ đắc lực hiện giờ?

Sư đáp:

- Ngàn muôn người gọi mà chẳng xoay đầu, mới có ít phần tương ưng.

- Chợt gặp lửa cháy thì sao?

- Ðốt cả quả đất.

Sư lại hỏi vị Tăng ấy:- Dẹp than và lửa, cái gì là lửa?

- Chẳng phải lửa.

*

Thạch Sương Khánh Chư hỏi:

- Trăm năm sau có người hỏi việc pháp tắc cùng tột, làm sao nói với họ?

Sư gọi:- Sa-di!

Sa-di đáp:- Dạ!

Sư bảo:- Thêm nước trong tịnh bình.

Giây lâu, Sư lại hỏi Khánh Chư:- Vừa rồi hỏi gì?

Khánh Chư lặp lại câu trước.

Sư đứng dậy đi.

*

Hôm khác, Khánh Chư hỏi:

- Một mảnh xương của Hòa thượng gõ in tiếng đồng, đi về chỗ nào?

Sư gọi:- Thị giả!

Thị giả đáp:- Dạ!

Sư bảo:- Năm lừa đi.

*

Sư mắc bệnh, Tăng chúng đến thăm hỏi.

Sư bảo:- Có nhận chẳng đến, các ngươi biết nó chăng?

Chúng đều buồn thảm.

Sư bảo:- Ta sẽ đi xa bên tây, lý không rời bên đông.

Ðến ngày mùng mười tháng chín niên hiệu Thái Hòa năm thứ chín (835 T.L.) đời Ðường, Sư qui tịch, thọ sáu mươi bảy tuổi.

Vua sắc ban là Tu Nhất Ðại sư, tháp hiệu Bảo Tướng.

*

31. THIỀN SƯ ÐỨC THÀNH

(Hoa Ðình Thuyền Tử)

Sư người tiết tháo tuyệt vời, độ lượng xuất chúng. Nơi Dược Sơn, Sư được tâm ấn, cùng Ðàm Thạnh, Viên Trí là bạn đồng học thâm giao.

Khi rời Dược Sơn, Sư bảo hai bạn:

- Hai huynh mỗi người sẽ ở một nơi để dựng lập tông chỉ Dược Sơn, riêng tôi tánh tình quê mùa, chỉ ưa sơn thủy làm vui thú, không có tài năng. Ngày sau, hai huynh biết tôi dừng ở đâu, có gặp vị tọa chủ nào lanh lợi mách cho một người đến, nếu kham chỉ bảo tôi sẽ đem chỗ bình sanh thọ nhận trao lại, gọi là đền đáp ơn của Tiên sư.

Chia tay nhau, Sư đi đến Tú Châu nơi sông Ngô, bến Hoa Ðình, sắm một chiếc thuyền nhỏ tiếp chúng bốn phương qua lại, tùy duyên độ nhật. Người thời ấy không biết tung tích Sư, bèn gọi Sư là Thuyền Tử Hòa thượng.

*

Một hôm, thuyền đậu bên bờ, Sư ngồi rảnh rang, có vị quan hỏi:

- Thế nào là việc hằng ngày của Hòa thượng?

Sư dựng đứng cây chèo, bảo:- Hội chăng?

Vị quan thưa:- Không hội.

Sư bảo:

- Chèo tạt sóng xanh, cá vàng ít gặp. (Trạo bát thanh ba, kim lân hãn ngộ.)

*

Sau này, Thiền sư Viên Trí có dịp đi đến Kinh Khẩu, gặp lúc Thiền sư Thiện Hội thượng đường. Có vị Tăng hỏi: "Thế nào là pháp thân?" Thiện Hội đáp: "Pháp thân không tướng." Tăng hỏi: "Thế nào là pháp nhãn?" Thiện Hội đáp: "Pháp nhãn không vết." Viên Trí bất chợt phát cười.

Thiện Hội xuống tòa, hỏi Viên Trí:

- Tôi vừa đáp câu hỏi của Tăng, chắc có chỗ không đúng khiến Thượng tọa phát cười, xin Thượng tọa từ bi chỉ dạy.

Viên Trí bảo:

- Hòa thượng nhất đẳng (bậc nhất) là đúng, về xuất thế thì chưa có thầy.

Thiện Hội thưa:

- Chỗ nào tôi không đúng, mong Thượng tọa vì nói để phá.

- Tôi hoàn toàn không nói, mời Hòa thượng đi đến chỗ Hoa Ðình Thuyền Tử.

- Người ấy như thế nào?

- Người ấy trên không có miếng ngói, dưới không có mũi dùi. Hòa thượng muốn đi xin đổi y phục mà đến.

Thiện Hội bèn giải tán chúng, sửa sang hành lý, đi thẳng đến Hoa Ðình Thuyền Tử.

*

Vừa thấy Thiện Hội đến, Sư liền hỏi:

- Ðại đức trụ trì chùa nào?

Thiện Hội thưa:- Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống.

- Chẳng giống, giống cái gì?

- Chẳng pháp trước mắt.

- Ở đâu học được nó?

- Chẳng phải chỗ mắt tai đến.

Sư cười bảo:

- Một câu hợp đầu ngữ, muôn kiếp cọc cột lừa. Thả ngàn thước tơ ý ở đầm sâu, lìa lưỡi câu ba tấc, nói mau! nói mau!

Thiện Hội vừa mở miệng, bị Sư đánh một chèo té xuống nước. Thiện Hội mới leo lên thuyền, Sư lại thúc:

- Nói! Nói!

Thiện Hội vừa mở miệng, lại bị Sư đánh. Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ, bèn gật đầu ba cái.

Sư bảo:

- Sợi nhợ đầu sào mặc ngươi đùa, chẳng chạm sóng xanh ý tự khác. (Can đầu ty tuyến tùng quân lộng, bất phạm thanh ba ý tự thù.)

Thiện Hội bèn hỏi:

- Thả nhợ buông câu ý Thầy thế nào?

- Nhợ tơ nổi trên mặt nước biếc.

- Lời kèm huyền mà không đường, đầu lưỡi nói mà không nói.

- Câu khắp dòng sông mới gặp cá vàng.

Thiện Hội bịt tai.

Sư bảo:- Như thế! như thế!

Sư phó chúc rằng:

- Ngươi ra đi phải tìm chỗ ẩn thân mất dấu vết, chỗ mất dấu vết chớ ẩn thân. Ta ba mươi năm ở Dược Sơn chỉ sáng tỏ việc này. Nay ngươi đã được nó, sau chớ ở chỗ xóm làng thành thị, nên vào trong núi sâu bên cạnh đồng để tìm lấy một cái, nửa cái tiếp tục không để đoạn dứt.

- Thiện Hội liền từ giã Sư ra đi, thỉnh thoảng ngó lại.

Sư bèn gọi:- Xà-lê!

Thiện Hội quay đầu ngó lại.

Sư liền dựng đứng cây chèo, bảo:

- Ngươi sẽ bảo riêng có.

Nói xong, Sư lật úp thuyền xuống nước mà tịch.

*

32. SA-DI CAO

Không biết tung tích và quê quán của Sư thế nào. Chỉ biết khi Sư mới đến tham vấn Dược Sơn, Dược Sơn hỏi:

- Ở đâu đến?

Sư thưa:- Ở Nam Nhạc đến.

- Ði lại đâu?

- Ði Giang Lăng thọ giới.

- Thọ giới mong làm gì?

- Mong khỏi sanh tử.

- Có một người không thọ giới cũng khỏi sanh tử, ngươi biết chăng?

- Thế thì giới Phật dùng làm gì?

- Vẫn còn quải môi lưỡi.

Sư lễ bái lui ra.

Ðạo Ngô đến đứng hầu, Dược Sơn bảo:

- Vừa rồi có một Sa-di mới đến, có chút khí tức này.

Ðạo Ngô thưa:

- Chưa nên toàn tin, cần phải khám phá mới được.

Ðến chiều, Dược Sơn thượng đường gọi:

- Sa-di mới đến ở đâu?

Sư ra khỏi chúng đứng im.

Dược Sơn hỏi:

- Ta nghe ở Trường An rất náo loạn, ngươi có biết chăng?

Sư thưa:

- Nước con an ổn.

- Ngươi do xem kinh được hay thưa hỏi được?

- Chẳng do xem kinh được, cũng chẳng do thưa hỏi được.

- Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi, sao chẳng được?

- Chẳng nói họ không được, chỉ vì không chịu thừa nhận.

Dược Sơn ngó Ðạo Ngô, Vân Nham, nói:

- Chẳng tin ta nói.

*

Một hôm, Sư từ giã Dược Sơn.

Dược Sơn hỏi:- Ði ở đâu?

Sư thưa:

- Con ở trong chúng có ngại, nên đến bên đường cất một am tranh để tiếp đãi nước trà cho khách qua lại.

- Sanh tử là việc lớn, sao ngươi không thọ giới đi?

- Biết thì những việc ấy liền thôi, lại bảo thọ giới làm gì?

- Như thế chẳng được lìa xa ta, có khi ta cần gặp ngươi.

*

Sư dầm mưa đến thăm Dược Sơn.

Dược Sơn bảo:- Ngươi mới đến?

- Con mới đến.

- Ướt cả rồi.

- Không đánh cái trống sáo ấy.

Vân Nham nói:- Da cũng không đánh, cái gì là trống?

Ðạo Ngô nói:- Trống cũng không đánh, cái gì là da?

Dược Sơn bảo:- Hôm nay rất hay, một trường hòa nhạc.

*

Ðến giờ thọ trai, Dược Sơn tự đánh trống, Sư ôm bát múa đi vào trai đường.

Dược Sơn bỏ dùi trống xuống hỏi:- Hòa thứ mấy?

- Hòa thứ hai.

- Thế nào là hòa thứ nhất?

Sư đến thùng cơm lãnh một phần cơm rồi đi ra.

*

33. THIỀN SƯ VÔ HỌC

(Thúy Vi)

Sư đến hỏi Ðơn Hà: - Thế nào là thầy chư Phật?

Ðơn Hà quở:- Thật tự đáng thương, cần thiết cầm khăn lau làm gì?

Sư lùi ba bước.

Ðơn Hà bảo:- Lầm!

Sư tiến tới ba bước.

Ðơn Hà bảo:- Lầm! lầm!

Sư dở một chân, xoay thân một vòng, đi ra.

Ðơn Hà bảo:- Ðược tức được, cô phụ chư Phật khác.

Sư do đây lãnh ngộ ý chỉ, về trụ Thúy Vi tại Chung Nam sơn.

*

Thiền sư Ðại Ðồng đến hỏi Sư:

- Không biết Nhị Tổ mới thấy Tổ Ðạt-ma có sở đắc gì?

Sư bảo:- Nay ngươi thấy ta lại có sở đắc gì?

Ðại Ðồng đốn ngộ huyền chỉ.

*

Một hôm, Sư đi trong pháp đường, Ðại Ðồng tiến đến trước lễ, thưa:

- Mật chỉ từ Ấn Ðộ qua, Hòa thượng dạy người thế nào?

Sư dừng bước một chút.

Ðại Ðồng lại thưa:- Xin Thầy chỉ dạy.

Sư bảo:- Lại cần cái bầu nước nhỏ thứ hai sao?

Ðại Ðồng lễ tạ lui ra.

Sư bảo:- Chớ lấp gốc.

Ðại Ðồng thưa:- Thời tiết đến, gốc mầm tự sanh.

*

Nhân Sư cúng dường La-hán, có vị Tăng hỏi:

- Ðơn Hà thiêu tượng Phật gỗ, Hòa thượng vì sao cúng dường La-hán?

Sư bảo:

- Thiêu cũng chẳng thiêu đến, cúng dường cũng một bề cúng dường.

Tăng lại hỏi:- Cúng dường La-hán có đến chăng?

Sư bảo:- Ngươi mỗi ngày có ăn cơm chăng?

Tăng không đáp được.

Sư bảo:- Có chút lanh lợi.

*

34. THIỀN SƯ NGHĨA TRUNG

(Tam Bình)

Sư họ Dương, quê ở Phước Châu. Ban sơ, Sư đến tham vấn Thạch Củng (Huệ Tạng). Thạch Củng chuyên môn giương cung lắp tên để giáo hóa đồ chúng. Sư vào pháp hội, Thạch Củng bảo:

- Xem mũi tên đây!

Sư bèn vạch ngực thưa:

- Ðây là mũi tên giết người, mũi tên cứu người lại làm sao?

Thạch Củng gảy dây cung ba cái.

Sư liền làm lễ.

Thạch Củng bảo:

- Ba mươi năm một phen giương cung, một hai mũi tên chỉ bắn được nửa người thánh.

*

Sư đến tham vấn Ðại Ðiên thuật lại việc trên. Ðại Ðiên bảo:

- Ðã là mũi tên cứu người, vì sao nhằm trên dây cung mà biện?

Sư đáp không được.

Ðại Ðiên bảo:

- Ba mươi năm sau cần người nhắc câu này cũng khó được.

Sư hỏi:- Chẳng cần chỉ đông vẽ tây, thỉnh Thầy chỉ thẳng.

- Cửa sông U Châu người đá ngồi xổm.

- Vẫn là chỉ đông vẽ tây.

- Nếu phụng hoàng con không đến bên này bàn.

Sư làm lễ.

Ðại Ðiên bảo:

- Nếu chẳng đặng câu sau thì lời trước cũng khó tròn.

*

Về sau, Sư đến Chương Châu ở núi Tam Bình tiếp độ hậu lai.

Sư dạy chúng:

- Thời nay người học chỉ biết rong ruổi tìm kiếm, tương đương nhãn mục chính mình có chăng? Các ngươi muốn học cái tương đương ấy chăng? Chẳng cầu các thứ khác, các ngươi mỗi người có việc bổn phận sao chẳng nhận ngay? Tại sao tâm bực tức, miệng lẩm bẩm có lợi ích gì? Nói thẳng rằng: Nếu cần con đường tu hành và hóa môn do chư thánh dựng lập thì có ba tạng kinh điển. Nếu là việc trong tông môn (Thiền tông), ngươi cốt không lầm dụng tâm.

Có vị Tăng ra thưa:- Lại có con đường học hay không?

Sư bảo:- Có một con đường trơn như rêu.

- Học nhân bước nhẹ theo được chăng?

- Tâm chẳng nghĩ, ngươi tự xem.

*

Có vị Tăng hỏi:- Ðậu đen khi chưa nảy mầm là thế nào?

Sư đáp:- Phật cũng chẳng biết.

*

Có vị Giảng sư đến hỏi:

- Ba thừa và mười hai phần giáo tôi không nghi, thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ đến?

Sư bảo:

- Phất tử bằng lông rùa, cây gậy bằng sừng thỏ, Ðại đức núp ở chỗ nào?

- Lông rùa sừng thỏ lại là có sao?

- Thịt nặng ngàn cân, trí không cân lượng.

*

Sư dạy chúng:

- Các ngươi! Nếu chưa gặp tri thức thì chẳng nên, nếu từng gặp tri thức rồi, phải nhận ngay ý độ ấy, đến trên chót núi, hóc đá, ăn cây, mặc lá, thế ấy mới có ít phần tương ưng. Nếu chạy cầu hiểu biết nghĩa cú, tức là trông quê hương muôn dặm xa vậy.

Trân trọng!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top