THIỀN SƯ TRUNG HOA I-5

THIỀN SƯ TRUNG HOA

TẬP MỘT

H.T THÍCH THANH TỪ

ÐỜI THỨ BA SAU LỤC TỔ

B. PHÁI HOÀI NHƯỢNG (tt)

19. THIỀN SƯ TRÍ THƯỜNG (Qui Tông)

Lúc còn tại gia không rõ danh tánh và quê quán ở đâu. Người ta chỉ biết Sư đến tham vấn Mã Tổ, được đại ngộ. Sau từ giã Mã Tổ, Sư đi tìm nơi an trụ. Lúc Sư ra đi đồng thời với Sư Phổ Nguyện, Trí Kiên...

Sau, Sư an trụ tại chùa Qui Tông, ở Lô Sơn.

Sư thượng đường dạy chúng:

- Các bậc cổ đức từ trước không phải chẳng hiểu biết, các ngài là bậc cao thượng chẳng đồng hạng thường. Người thời nay không thể tự thành tự lập, để tháng ngày qua suông. Các ngươi chớ lầm dụng tâm, không ai thế được ngươi, cũng không có chỗ ngươi dụng tâm. Chớ đến người khác tìm, từ trước chỉ nương người khác mà hiểu, nói ra đều kẹt, ánh sáng không thấy suốt, chỉ vì trước mắt có vật.

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là huyền chỉ?

Sư đáp:- Không người hay hội.

- Người hướng về thì sao?

- Có hướng tức trái.

- Người chẳng hướng về thì sao?

- Ai cầu huyền chỉ?

- Ði! Không có chỗ ngươi dụng tâm.

- Ðâu không có cửa phương tiện khiến học nhân được vào?

- Quan Âm sức diệu trí hay cứu khổ thế gian.

- Thế nào là sức diệu trí Quan Âm?

Sư gõ cái đỉnh ba tiếng, hỏi:- Ngươi nghe chăng?

- Nghe.

- Sao ta chẳng nghe?

Tăng không đáp được.

Sư cầm gậy đuổi ra.

Ðại Ngu đến từ biệt Sư.

Sư hỏi:- Ði đâu?

- Ði các nơi học ngũ vị thiền.

- Các nơi có ngũ vị thiền, ta trong ấy chỉ có nhất vị thiền.

- Thế nào là nhất vị thiền?

Sư liền đánh.

Ðại Ngu bỗng nhiên đại ngộ, thưa:- Ngưng, con hội rồi.

- Nói! nói!

Ðại Ngu vừa nghĩ trả lời.

Sư lại đánh đuổi ra.

Sau, Ðại Ngu đến Hoàng Bá đem việc này thuật lại, Hoàng Bá thượng đường dạy chúng:

- Mã đại sư sanh ra tám mươi bốn vị thiện tri thức, hỏi đến cái tiêu chảy, tiêu chảy đầy đất chỉ có Qui Tông.

Sư vào vườn hái rau, bèn vẽ một vòng tròn quanh bụi rau, bảo chúng: "Không được động đến cái này." Toàn chúng đều không dám động. Giây lâu, Sư lại đến xem bụi rau, thấy còn nguyên, Sư bèn cầm gậy đuổi chúng Tăng bảo: "Cả bọn mà không có một người trí tuệ."

Vân Nham đến tham vấn, Sư làm thế kéo cung. Vân Nham giây lâu mới làm thế rút kiếm. Sư bảo:

- Sao đến rất chậm?

Có vị Tăng đến từ giã, Sư bảo:

- Lại gần đây, ta vì ngươi nói Phật pháp.

Tăng đến gần.

Sư bảo:

- Các ngươi trọn còn việc, ngươi khi khác lại đến, trong ấy không người biết ngươi. Trời lạnh trên đường khéo mà đi.

Sư thượng đường bảo:

- Nay tôi muốn nói thiền, các ngươi tất cả lại gần đây.

Ðại chúng tiến đến gần.

Sư bảo:- Các ngươi nghe, hạnh Quan Âm khéo hiện các nơi chốn.

Tăng hỏi:- Thế nào là hạnh Quan Âm?

Sư khảy móng tay, hỏi:- Các ngươi có nghe chăng?

- Nghe.

- Một bọn hướng trong ấy tìm cái gì?

Sư cầm gậy đuổi ra, rồi cười lớn, vào phương trượng.

Thích sử Giang Châu là Lý Bột đến hỏi Sư:

- Trong kinh nói: "hạt cải để trong núi Tu-di", Bột không nghi. Lại nói: "núi Tu-di để trong hạt cải", phải là nói dối chăng?

Sư gạn lại:

- Người ta đồn Sử quân đọc hết muôn quyển sách phải chăng?

- Ðúng vậy.

- Rờ từ đầu đến chân bằng cây dừa lớn, muôn quyển sách để chỗ nào?

Lý Bột cúi đầu lặng thinh.

Sư có làm bài tụng:

Qui Tông sự lý tuyệt

Nhật luân chánh đương ngọ

Tự tại như sư tử

Bất dữ vật y cổ

Ðộc bộ tứ sơn đảnh

Ưu du tam đại lộ

Khiếm khư phi cầm trụy

Tần thân chúng tà bố

Cơ thụ tiễn dị cập

Ảnh một thủ nan phú

Thi trương nhược công kỹ

Tài tiễn như xích độ

Xảo lũ vạn ban danh

Qui Tông hườn tợ thổ

Ngữ mặc âm thanh tuyệt

Chỉ diệu tình nan thố

Khí cá nhãn hườn huy

Thủ cá nhĩ hườn cổ

Nhất thốc phá tam quan

Phân minh tiền hậu lộ

Khả lân đại trượng phu

Tiên thiên vi tâm tổ.

Dịch:

Qui Tông sự lý bặt

Mặt trời đứng giữa trưa

Tự tại như sư tử

Chẳng tựa nương nơi vật.

Riêng lên chót bốn núi

Dạo chơi ba đường lớn

Tiếng gầm chim thú rớt

Hầm hừ bọn tà kinh.

Máy dựng tên dễ đến

Bóng lặn tay khó che

Bày ra dường thợ khéo

Cắt xén tợ thước đo.

Chạm khéo muôn thứ tên

Qui Tông lại giống đất

Nói nín tiếng tâm dứt

Diệu chỉ tình khó dò.

Bỏ mắt kia thành điếc

Lấy tai nọ thành mù

Một dùi phủng ba cổng

Rõ ràng đường tên sau.

Ðáng thương đại trượng phu!

Tiên thiên là tâm tổ.

Sau khi Sư tịch, vua ban sắc hiệu là Chí Chơn Thiền sư.

20. THIỀN SƯ PHÁP THƯỜNG Ðại Mai - (752 - 839)

Sư họ Trịnh, quê ở Tương Dương, lúc nhỏ xuất gia theo thầy ở chùa Ngọc Tuyền, Kinh Châu.

Ban sơ đến tham vấn Mã Tổ, Sư hỏi:- Thế nào là Phật?

Mã Tổ đáp:- Tức tâm là Phật.

Sư liền đại ngộ.

Ðời Ðường khoảng niên hiệu Trinh Nguyên (785-805 T.L.), Sư đến núi Ðại Mai cách xa huyện Ngân bảy mươi dặm, kết cỏ làm am, ở ẩn trong rừng mai.

Trong hội Diêm Quan (chỗ giáo hóa của Thiền sư Tề An) có vị Tăng vào núi tìm cây gậy, lạc đường đến am Sư. Vị Tăng hỏi:

- Hòa thượng ở núi này được bao lâu?

Sư đáp:- Chỉ thấy bốn núi xanh lại vàng.

- Ra núi đi đường nào?

- Ði theo dòng suối.

Vị Tăng về thuật lại cho Thiền sư Tề An nghe, Tề An nói:

- Ta hồi ở chỗ Mã Tổ từng thấy một vị Tăng, sau này không biết tin tức gì, có phải là vị Tăng này chăng?

Tề An bèn sai vị Tăng ấy đi thỉnh Sư xuống núi.

Sư có bài kệ đáp:

Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâm

Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm

Tiều khách ngộ chi du bất cố

Dĩnh nhân na đắc khổ truy tầm.

Dịch:

Cây khô gãy mục tựa rừng xanh

Mấy độ xuân về chẳng đổi lòng

Tiều phu trông thấy nào đoái nghĩ

Dĩnh khách thôi thì chớ kiếm tìm.

Mã Tổ nghe Sư ở núi bèn sai một vị Tăng đến thăm dò.

Tăng đến hỏi Sư:

- Hòa thượng gặp Mã Tổ đã được cái gì? về ở núi này?

Sư đáp:

- Mã Tổ nói với tôi: "tức tâm là Phật", tôi bèn đến ở núi này.

- Gần đây Mã Tổ lại nói "phi tâm phi Phật".

- Ông già mê hoặc người chưa có ngày xong, mặc ông phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết "tức tâm là Phật".

Vị Tăng trở về thưa lại Mã Tổ những lời Sư nói.

Mã Tổ nói với đại chúng:- Ðại chúng! trái Mai đã chín.

Từ đây nhiều vị Thiền khách đến tham vấn Sư.

Cư sĩ Long Uẩn muốn thí nghiệm Sư, tìm đến phỏng vấn, vừa gặp Sư ông liền hỏi:

- Nghe danh Ðại Mai đã lâu, chẳng biết trái Mai chín chưa?

Sư đáp:- Chín! Ông nhằm chỗ nào mà hỏi?

- Trăm thứ vụn vặt lẫn lộn.

Sư duỗi tay bảo:- Trả hạt trái cho ta.

Cư sĩ im lặng.

Sư thượng đường dạy chúng:

Tất cả các ngươi mỗi người tự xoay tâm lại tận nơi gốc, chớ theo ngọn của nó. Chỉ được gốc thì ngọn tự đến. Nếu muốn biết gốc cần rõ tâm mình. Tâm này nguyên là cội gốc tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt. Tâm chẳng tựa tất cả thiện ác, mà sanh muôn pháp, vốn tự như như.

Hiệp Sơn cùng Ðịnh Sơn đồng đi đường cùng nói chuyện với nhau.

Ðịnh Sơn nói:- Trong sanh tử, không Phật tức phi sanh tử.

Hiệp Sơn nói:- Trong sanh tử, có Phật tức chẳng mê sanh tử.

Hai người lên núi lễ vấn Sư. Hiệp Sơn đem câu nói của hai người thuật lại Sư nghe và hỏi Sư:

- Chưa biết chỗ thấy của hai người ai được thân (gần gũi)?

Sư bảo:- Một thân một sơ.

- Ai được thân?

- Hãy đi sáng mai lại.

Sáng hôm sau Hiệp Sơn lại đến hỏi Sư.

Sư bảo:- Người thân thì chẳng hỏi, người hỏi thì chẳng thân.

Bên núi Ðại Mai có một pho đá, tương truyền là chỗ để thuốc của thần tiên. Một đêm, Sư nằm mộng thấy có thần nhân đến bảo:

- Thầy không phải phàm phu, trong pho đá có quyển sách thánh, người nhận được là chủ cõi này, chẳng thế cũng là bực đế vương.

Ngay trong mộng Sư đáp:

- Xưa Tăng Trù không màng đến kinh tiên thì quyển kinh ấy tự mất. Tôi lấy Niết-bàn tự vui, tuổi thọ kia đâu thể cùng trời đồng ư?

Thần nói:- Ðất này là linh phủ, người thế tục ở đây liền sanh tai biến.

Sư bảo:- Tôi tạm ẩn nơi làng Mai Úy, chẳng phải chiếm lâu.

Chợt một hôm, Sư gọi đồ chúng đến bảo:

- Ðến không thể kềm, đi không thể tìm.

Sư thản nhiên lặng lẽ, nghe tiếng chuột kêu, Sư lại hỏi:

- Tức vật này không phải vật khác, các ngươi phải khéo gìn giữ. Nay ta đi đây.

Nói xong, Sư thị tịch, thọ tám mươi tám tuổi.

PHỤ.

Sau này Thiền sư Trí Giác có làm bài tán Diên Thọ rằng:

Sư sơ đắc đạo

Tức tâm thị Phật

Tối hậu thị đồ

Vật phi tha vật

Cùng vạn pháp nguyên

Triệt thiên thánh cốt

Chân hóa bất di

Hà phòng xuất một

Dịch:

Sư mới được đạo

Tức tâm là Phật

Rốt sau dạy chúng

Vật chẳng vật khác.

Tột nguồn muôn pháp

Thấu xương muôn thánh

Hóa thật chẳng dời

Ngại gì còn mất.

21. THIỀN SƯ VÔ NGHIỆP (760 - 821)

Sư họ Ðỗ, quê ở Thượng Lạc, Thương Châu. Mẹ Sư họ Lý, một hôm bà nghe trong hư không có tiếng nói "cho ở nhờ được chăng", bà liền biết có thai. Sư lọt lòng mẹ nhằm lúc ban đêm, có hào quang sáng đầy nhà. Ðược bốn năm tuổi mà Sư đi thì nhìn thẳng, ngồi thì tréo kiết già.

Ðến chín tuổi, Sư theo Thiền sư Chí Bổn ở chùa Khai Nguyên học kinh Ðại thừa. Năm mười hai tuổi, Sư cạo tóc xuất gia. Hai mươi tuổi, Sư thọ giới cụ túc với Luật sư U ở Nhưỡng Châu. Sư học luật Tứ phần vừa xong, liền vì chúng diễn giảng. Sư giảng kinh Ðại Niết-bàn suốt mùa hạ mùa đông chẳng dừng.

Nghe tiếng Mã Tổ, Sư tìm đến yết kiến.

Mã Tổ thấy tướng mạo Sư kỳ đặc, tiếng nói thanh như chuông, bèn bảo:

- Cao lớn nghiêm chỉnh mà trong ấy không Phật.

Sư lễ bái, quì thưa:

- Về kinh điển con hiểu biết đơn sơ, thường nghe thiền môn "tức tâm là Phật" thật chưa hiểu thấu.

- Chỉ cái tâm chưa hiểu đó là phải, lại không có vật khác.

- Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?

- Ðại đức chính đang ồn. Hãy đi! Khi khác lại.

Sư vừa đi, Mã Tổ gọi:- Ðại đức!

Sư xoay đầu lại.

Mã Tổ hỏi:- Là cái gì?

Sư liền lãnh hội, lễ bái.

Mã Tổ bảo:- Kẻ độn, lễ bái làm gì?

Sau khi nhận được ý chỉ, Sư tìm đến Tào Khê lễ tháp Lục Tổ và đi viếng Lô Sơn, Thiên Thai... các thánh tích. Sư lại đến Thanh Lương, dừng ở chùa Kim Các tám năm để xem Ðại Tạng Kinh. Sau đó, Sư sang phương Nam đến Tây Hà gặp Thích sử Ðổng Thúc Triền thỉnh Sư ở lại tịnh xá Khai Nguyên.

Sư nói:- Duyên của ta ở đây vậy.

Ở đây hơn hai mươi năm, Sư xiển dương thiền học, các nơi đều nghe tiếng, người học đạo tìm đến càng ngày càng đông. Ðáp những câu hỏi của người, Sư thường nói câu:

- Chớ vọng tưởng.

Sư dạy chúng:

- Chư Phật chưa từng ra đời, cũng không có một pháp dạy người, chỉ tùy bệnh cho thuốc nên có mười hai phần giáo, như lấy chuối ngọt nhét thuốc đắng vào, cốt gột sạch gốc nghiệp cho các ngươi.

Những vị cổ đức xưa, sau khi hội được ý chỉ, bèn cất am tranh hoặc ở thất đá, nấu cơm bằng lò bễ, như vậy trải hơn hai, ba mươi năm, danh lợi không bận lòng, tiền của chẳng phiền nghĩ, quên cả người đời, ở ẩn chốn núi rừng, vua chúa mời chẳng đến, chư hầu thỉnh cũng chẳng đi. Ðâu như chúng ta ngày nay, tham danh mến lợi, chìm đắm trong bụi đời, như bọn con buôn.

Bồ-tát học Bát-nhã không được khinh mạn, như đi trên băng, như chạy trên kiếm bén. Khi lâm chung một mảy tình phàm lượng thánh chưa sạch, chút bụi tư niệm chưa quên liền tùy niệm thọ sanh, thọ thân năm ấm nặng hay nhẹ, đến trong thai lừa bụng ngựa, hoặc gá sanh trong địa ngục chịu vạc dầu sôi, đồng cháy quấn mình. Từ trước những ghi nhớ nghĩ tưởng, hiểu biết trí tuệ thảy đều một thời mất hết. Sau đó lại sanh làm trùng, kiến, làm muỗi mòng. Tuy là nhân lành mà mắc quả dữ, lại mong điều gì?

Huynh đệ! chỉ vì tham dục thành tánh nên hai mươi lăm cõi ràng buộc chân mình, không biết chừng nào xong xuôi. Tổ sư xem chúng sanh cõi này (Trung Hoa) có căn tánh Ðại thừa nên chỉ truyền tâm ấn để dạy mê tình. Người được đó chẳng chọn phàm thánh, ngu hay trí, vả lại nhiều rỗng, không bằng ít thật. Kẻ đại trượng phu hiện nay thẳng đó liền hết sạch, chóng dứt muôn duyên, vượt khỏi dòng sanh tử, ra ngoài tánh cách tầm thường. Linh quang riêng chiếu, vật không thể buộc, vòi vọi rỡ rỡ riêng đi trong tam giới. Ðâu chỉ thân cao trượng sáu vàng ròng chói sáng, cổ đeo vòng bóng, tướng lưỡi rộng dài. "Nếu lấy sắc thấy ta là hành đạo tà." Dù có quyến thuộc, chẳng cầu mà tự được, quả đất núi sông chẳng ngại mắt sáng, được đại tổng trì, một nghe ngàn ngộ, trọn chẳng cần giá trị bằng bữa ăn.

Các ngươi nếu chẳng như thế, Tổ sư đến cõi này chẳng phải thường, có tổn mà có ích. Có ích là trong ngàn người chọn lọc được một người, nửa người là pháp khí. Có tổn, như đoạn trước đã nói. Theo kinh điển ba thừa tu hành chẳng ngại được tứ quả tam hiền, có phần tiến tu. Sở dĩ tiên đức nói: "Liễu tức nghiệp chướng xưa nay không, chưa liễu trở lại đền nợ trước."

Vua Hiến Tông nhà Ðường nhiều phen thỉnh Sư, Sư đều lấy lý do bệnh từ chối không đến. Ðến Mục Tông lên ngôi lại sai Lưỡng nhai Tăng lục là Linh Phụ v.v... đến thỉnh Sư. Những vị này đến làm lễ thưa:

- Hoàng thượng ân chỉ phen này chẳng giống lúc thường, xin Hòa thượng hãy thuận thiên tâm, không nên nói bệnh.

Sư cười chúm chím nói:

- Bần đạo có đức gì làm phiền Thế chủ. Mời các Ngài đi trước, tôi sẽ đi đường riêng.

Sư bèn tắm gội, đến nửa đêm bảo đệ tử Huệ Âm v.v...

- Các ngươi! tánh thấy nghe hiểu biết cùng hư không đồng tuổi, chẳng sanh chẳng diệt, tất cả cảnh giới vốn tự không lặng, không một pháp có thật, người mê không hiểu bị cảnh làm lầm, trôi lăn không cùng. Các ngươi phải biết, tâm tánh vốn tự có, chẳng phải do tạo tác, ví như Kim cang không thể phá hoại. Tất cả pháp như bóng như vang không có thật. Cho nên kinh nói: "Chỉ đây một việc thật, ngoài hai thì chẳng chân." Thường hiểu tất cả không, không một vật hợp tình, là chỗ chư Phật dụng tâm. Các ngươi cố gắng thật hành!

Nói xong, Sư ngồi kiết già thị tịch. Ngày thiêu Sư, có mây lành năm sắc, mùi hương lạ khắp bốn phương, được xá-lợi như ngọc sáng. Sư thọ sáu mươi hai tuổi, bốn mươi hai tuổi hạ. Vua sắc ban hiệu là Ðại Ðạt Quốc sư, tháp hiệu Trừng Nguyên.

22. THIỀN SƯ ÐẠO NGỘ Thiên Vương Ðạo Ngộ - (716 - 808)

Sư xuất gia lúc mười lăm tuổi, đến hai mươi ba tuổi thọ giới cụ túc. Năm ba mươi tuổi, Sư yết kiến Thạch Ðầu, được nhiều lần chỉ dạy mà Sư không khế hội. Kế đó, Sư đến yết kiến Quốc sư Huệ Trung. Năm ba mươi bốn tuổi, Sư cùng thị giả Ứng Chơn đến yết kiến Mã Tổ.

Mã Tổ bảo:

- Nhận biết tâm mình xưa nay là Phật, chẳng thuộc thứ lớp, chẳng nhờ tu hành, thể tự nó như, muôn đức tròn đầy. Ngay câu nói này Sư đại ngộ.

Mã Tổ dặn:- Nếu trụ trì, ngươi chớ rời chỗ cũ.

Sư nhờ chỉ dạy rồi, trở về Kinh Châu cất một am tranh ở ngoài thành không xa.

Tiết sử họ Lư đến phỏng vấn Sư, Sư không đáp lễ. Tiết sử nổi nóng bắt Sư đem ném xuống sông. Tiết sử về đến nha môn thấy khắp nhà đều phát hỏa, lại nghe trong hư không có tiếng quở trách của thần Thiên Vương. Tiết sử lễ tạ xin sám hối, phút chốc lửa tắt, nha môn vẫn còn nguyên, Tiết sử đích thân đi đến bờ sông rước Sư, thấy Sư ở trong nước mà không ướt y, ông càng thêm quí kính. Ông tạo ngôi chùa Thiên Vương ở phía tây phủ, cúng dường cho Sư.

Sùng Tín hỏi:- Từ trước việc truyền trao thế nào?

Sư đáp:- Chẳng phải sáng, chỗ ngươi đến chẳng được.

- Con mắt ấy, mấy người được đủ?

- Cỏ úa đổi thành lâu đài.

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là nói huyền diệu?

Sư bảo:- Chớ bảo ta hiểu Phật pháp là tốt.

- Nỡ để học nhân ôm nghi mãi sao?

- Sao chẳng hỏi Lão tăng?

- Hiện nay đã hỏi.

- Ði! không phải chỗ ngươi nương tựa.

Thường ngày, Sư hay nói: "Sống vui! sống vui!" Ðến khi sắp qui tịch, Sư kêu: "khổ! khổ!" lại nói "Diêm vương đến bắt ta".

Viện chủ hỏi:

- Ðương thời Hòa thượng bị Tiết sử ném xuống sông mà thần sắc chẳng động, hôm nay sao lại thế ấy?

Sư đưa chiếc gối lên, bảo:- Ngươi nói đương thời phải, hôm nay phải?

Viện chủ không đáp được.

Sư nhập diệt ngày mười ba tháng mười niên hiệu Nguyên Hòa thứ ba (808 T.L.), thọ tám mươi hai tuổi, sáu mươi ba tuổi hạ.

23. THIỀN SƯ LINH MẶC (747 - 818)

Sư họ Tuyên, quê ở Tỳ Lăng. Ban sơ Sư đến yết kiến Mã Tổ, nhân đây hiểu đạo mới cạo tóc xuất gia thọ giới cụ túc.

Sư đến yết kiến Thạch Ðầu, tự hứa nếu một câu khế hợp thì ở, chẳng hợp liền đi. Nhưng khi thưa hỏi, Sư vẫn không khế hợp. Sư bèn ra đi. Thạch Ðầu theo sau đến cửa ngoài, liền gọi:

- Xà-lê!

Sư xoay đầu lại.

Thạch Ðầu bảo:

- Từ sanh đến tử chỉ là cái ấy, xoay đầu chuyển não làm gì?

Sư nhân câu nói này liền đại ngộ, dừng lại đây hai năm.

Ðời Ðường niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu (785 T.L.), Sư vào núi Thiên Thai ở đạo tràng Bạch Sa, lại đến Ngũ Duệ.

Có vị Tăng hỏi:- Có vật gì lớn trùm trời đất?

Sư đáp:- Không người biết được y.

- Lại có thể đục giũa chăng?

- Ngươi thử hạ thủ xem.

- Cái nấy trong thiền môn, việc trước sau, thế nào?

- Ngươi nói trước mắt, từ thành đến nay bao lâu?

- Học nhân chẳng hội.

- Ta khoảng này không có người hỏi.

- Hòa thượng đâu không có chỗ tiếp người?

- Ðợi người cần tiếp ta sẽ tiếp.

- Thỉnh Hòa thượng tiếp.

- Ngươi thiếu thốn chỗ nào?

- Làm sao được không tâm?

- Dời non lấp biển vẫn an nhiên lặng lẽ, động đất vẫn ngủ yên, đâu lay động được y.

Niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ mười ba (818 T.L.), ngày hai mươi ba tháng ba, Sư tắm gội xong, thắp hương ngồi ngay thẳng, bảo chúng:

- Pháp thân hoàn toàn lặng lẽ, thị hiện có đến đi, ngàn thánh đồng nguồn, vạn linh về một. Nay ta bọt tan đâu bởi hưng suy, không tự nhọc thân phải giữ chánh niệm. Nếu tuân lời dạy này là đền ơn ta, bằng cố trái lời chẳng phải con ta.

Có vị Tăng hỏi:- Hòa thượng đi về đâu?

Sư bảo:- Không có chỗ đi.

- Sao con chẳng thấy?

- Chẳng phải chỗ mắt thấy.

Nói xong, Sư an nhiên thị tịch, thọ bảy mươi hai tuổi, bốn mươi mốt tuổi hạ.

24. THIỀN SƯ DUY KHOAN (755 - 817)

Sư họ Chúc, quê ở Tín An, Cù Châu. Lúc mười ba tuổi Sư thấy người sát sanh, bất nhẫn không nỡ ăn thịt, cầu xin xuất gia. Xuất gia rồi, lúc đầu Sư học Luật, kế tập tu chỉ quán. Sau, Sư tìm đến yết kiến Mã Tổ, nơi đây Sư ngộ được tâm yếu.

Ðời Ðường niên hiệu Trinh Nguyên thứ sáu (790 T.L.), Sư đi du phương. Sau này, Sư dừng ở chùa Thiếu Lâm tại Tung Sơn.

Có vị Tăng đến hỏi:- Thế nào là đạo?

Sư đáp:- Núi rất tốt.

- Con hỏi đạo, sao Thầy nói núi tốt?

- Ngươi chỉ biết núi tốt đâu từng đạt đạo?

Vị Tăng khác hỏi:- Con chó có Phật tánh không?

Sư đáp:- Có.

- Hòa thượng có chăng?

- Ta không.

- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao riêng Hòa thượng lại không?

- Ta chẳng phải tất cả chúng sanh.

- Ðã chẳng phải chúng sanh, là Phật chăng?

- Chẳng phải Phật.

- Cứu kính là vật gì?

- Cũng chẳng phải vật.

- Có thể thấy, có thể nghĩ chăng?

- Nghĩ đó chẳng đến, bàn đó chẳng được. Cho nên nói: "Không thể nghĩ bàn."

Niên hiệu Nguyên Hòa thứ tư (809 T.L.), vua Hiến Tông thỉnh Sư về kinh đô. Bạch Cư Dị thường đến thăm hỏi Sư.

Bạch Cư Dị hỏi:- Ðã nói Thiền sư sao lại thuyết pháp?

Sư đáp:

- Vô thượng Bồ-đề, trùm nơi thân là Luật, nói ra miệng là Pháp, hành nơi tâm là Thiền. Ứng dụng thì có ba, chỗ tột cùng chỉ có một. Ví như sông Hồ, sông Hán, sông Hoài tùy chỗ đặt tên, tên tuy chẳng phải một, mà tánh nước không hai. Luật tức là Pháp, Pháp chẳng lìa Thiền, sao trong đó vọng khởi phân biệt?

- Ðã không phân biệt lấy gì tu tâm?

- Tâm vốn không tổn thương, tại sao cầu tu sửa? Không luận nhơ cùng sạch, tất cả chớ khởi niệm.

- Nhơ tức không nên niệm, sạch không niệm được sao?

- Như trong tròng con mắt người, không thể dính một vật gì, mạt vàng tuy quí báu, dính cũng thành bệnh.

- Không tu không niệm thì đâu khác phàm phu?

- Phàm phu thì vô minh, Nhị thừa thì chấp trước, lìa hai bệnh này gọi là chân tu. Người chân tu không được chăm chú, không được quên lãng, chăm chú thì gần chấp trước, quên lãng liền rơi vào vô minh. Ðây là tâm yếu vậy.

Tăng hỏi:- Ðạo ở chỗ nào?

Sư đáp:- Ở trước mắt.

- Sao con không thấy?

- Vì ngươi có ngã nên không thấy.

- Con có ngã nên không thấy, Hòa thượng thấy chăng?

- Có ngươi có ta nên rồi cũng chẳng thấy.

- Không con không Ngài lại thấy chăng?

- Không ngươi không ta còn ai cần thấy?

Niên hiệu Nguyên Hòa thứ mười một (817 T.L.), ngày ba mươi tháng hai, Sư thăng đường thuyết pháp xong liền thị tịch, thọ sáu mươi ba tuổi, hai mươi chín tuổi hạ. Vua sắc ban hiệu là Ðại Triệt Thiền sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Chánh Chơn.

25. THIỀN SƯ NHƯ HỘI (742 - 821)

Sư quê ở Thủy Hưng, Khúc Giang. Ban sơ đến tham vấn Cảnh Sơn, sau mới đến yết kiến Mã Tổ. Nơi Mã Tổ, Sư ngộ yếu chỉ Thiền tông.

Về sau, Sư trụ trì Ðông Tự, học chúng rất đông đến nỗi nhà Tăng giường chõng gãy vẹo, thời nhân gọi "hội giường gãy".

Mã Tổ tịch rồi, Sư thường lo môn đồ lấy câu "tức tâm tức Phật" học thuộc lòng tụng mãi. Vì thế Sư bảo: Nói Phật trụ ở đâu, mà sao "tức tâm". Tâm như ông thợ vẽ, mà sao "tức Phật"? Sư bèn dạy chúng:

- Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo. Kiếm rơi đã lâu, ngươi mới khắc dấu thuyền.

Tướng quốc Thôi Công Quần bị đổi ra Hồ Nam làm Quán sát sử, đến yết kiến Sư, hỏi:

- Thầy lấy gì được?

Sư đáp:- Thấy tánh là được.

Ít lâu sau, Sư bị bệnh con mắt. Thôi Công Quần ngạo rằng:

- Ðã nói thấy tánh, tại sao con mắt như thế?

Sư bảo:- Thấy tánh không phải do mắt, con mắt bệnh có hại gì?

Thôi Công Quần lễ tạ sám hối.

Sư hỏi Nam Tuyền: - Vừa rồi chỗ nào đến?

- Giang Tây.

- Ðem được hình Mã đại sư đến chăng?

- Chỉ thế ấy.

- Sau lưng rồi.

Nam Tuyền không đáp.

Ngưỡng Sơn (Huệ Tịch) đến tham vấn.

Sư hỏi:- Ngươi người ở đâu?

Ngưỡng Sơn thưa:- Người Quảng Nam.

- Ta nghe ở Quảng Nam có hạt minh châu trấn hải phải chăng?

- Phải.

- Hạt châu ấy thế nào?

- Ba mươi thì ẩn, rằm thì hiện.

- Lại đem đến được chăng?

- Ðem đến được.

- Sao chẳng trình tương tợ cho Lão tăng?

Ngưỡng Sơn khoanh tay đến gần thưa:

- Vừa đến Qui Sơn cũng bị đòi hạt châu này, bèn được không lời có thể đáp, không lý có thể bày.

Sư khen:- Thật là sư tử con rống rất giỏi!

Ngưỡng Sơn lễ bái.

Có người hỏi Sư:

- Con tính thỉnh Hòa thượng khai đường (mở cửa giáo hóa) được chăng?

Sư đáp:- Ðợi đem vật vùi trong hòn đá mà nóng thì được.

Vị ấy không thể đáp.

Niên hiệu Trường Khánh (821 T.L.), ngày mười chín tháng tám năm Quí Mão, Sư qui tịch, thọ tám mươi tuổi. Vua sắc phong hiệu là Truyền Minh Ðại sư, tháp hiệu Vĩnh Tế.

26. THIỀN SƯ BẢO TRIỆT (Ma Cốc)

Một hôm, theo Mã Tổ đi dạo, Sư hỏi Mã Tổ:

- Thế nào là Ðại Niết-bàn?

Mã Tổ đáp:- Gấp!

- Gấp cái gì?

- Xem nước.

Sư cùng Nam Tuyền, Qui Tông đến yết kiến Cảnh Sơn, đi đường gặp một bà già. Sư hỏi:

- Cảnh Sơn đi đường nào bà?

Bà già đáp:- Ði thẳng.

- Ðầu trước nước sâu qua được chăng?

- Chẳng ướt gót chân.

- Bờ trên lúa trúng gai tốt, bờ dưới lúa trúng gai gầy?

- Thảy bị cua ăn hết.

- Nếp thơm ngon.

- Hết mùi hơi.

- Bà ở chỗ nào?

- Chỉ ở trong ấy.

Ba người đồng vào quán ngồi. Bà già nấu một bình trà, bưng ba chén chung đến hỏi:

- Hòa thượng có thần thông thì uống trà?

Ba người nhìn nhau chưa nói câu nào.

Bà già liền bảo:- Xem kẻ già này trình thần thông đây.

Nói xong bà cầm chung nghiêng bình rót trà, rồi đi.

Sư cùng Ðơn Hà đi dạo núi, thấy cá lội trong nước, Sư lấy tay chỉ. Ðơn Hà nói:

- Thiên nhiên! Thiên nhiên!

Ðến hôm sau, Sư hỏi Ðơn Hà:- Hôm qua ý thế nào?

Ðơn Hà nhảy tới làm thế nằm.

Sư nói:- Trời xanh.

Sư cùng Sơn Hà đi đến núi Ma Cốc. Sư hỏi:

- Tôi đến trong đó trụ.

Ðơn Hà nói:- Trụ tức lại trở về, có cái này không?

Sư nói:- Trân trọng!

Có vị Tăng đến hỏi:

- Mười hai phần giáo con chẳng nghi. Thế nào ý Tổ sư từ Ấn Ðộ qua?

Sư bèn đứng dậy lấy trượng xoay quanh thân một vòng, đứng một chân, bảo:

- Hội chăng?

Tăng thưa:- Không hội.

Sư liền đánh.

Tăng hỏi:- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Sư lặng thinh.

Ðam Nguyên hỏi:- Quan Âm mười hai mặt là phàm là thánh?

Sư đáp:- Là thánh.

Ðam Nguyên liền đánh Sư một cái.

Sư bảo:- Biết ông chẳng đến cảnh giới ấy.

27. THIỀN SƯ TỀ AN

Sư họ Lý, quê ở quận Hải Môn. Khi Sư ra đời có hào quang chiếu đầy nhà, lại có vị Tăng lạ đến nói: "Sứ giả dựng cờ vô thắng, xoay mặt trời Phật soi trở lại, đâu không phải người này?" Lớn lên, Sư xuất gia với Thiền sư Vâng Tông tại bản quận.

Sau, Sư nghe Mã Tổ giáo hóa ở núi Cung Công, bèn tìm đến yết kiến. Mã Tổ thấy Sư có tướng lạ liền thâu nhận và cho vào thất thầm dạy chánh pháp.

Về sau, Sư trụ viện Hải Xướng tại Diêm Quan Trấn Quốc ở Hàng Châu để hoằng hóa. Thời nhân gọi là hội Diêm Quan.

Có vị Tăng đến hỏi:- Thế nào là bản thân Phật Lô-xá-na?

Sư bảo:- Ðem cái bình đồng kia đến cho ta.

Vị Tăng liền lấy tịnh bình đem lại.

Sư bảo:- Ðem để lại chỗ cũ.

Vị Tăng đem bình để lại chỗ cũ rồi, bèn hỏi lại câu trước.

Sư bảo:- Phật xưa đã quá khứ lâu rồi.

Có vị Giảng sư đến tham vấn.

Sư hỏi:- Tọa chủ chứa chất sự nghiệp gì?

Giảng sư đáp:- Giảng kinh Hoa Nghiêm.

- Có mấy thứ pháp giới?

- Nói rộng thì có lớp lớp không cùng, nói lược có bốn thứ pháp giới.

Sư dựng đứng cây phất tử, hỏi:

- Cái này là pháp giới thứ mấy?

Giảng sư trầm ngâm lựa lời để đáp.

Sư bảo:

- Suy mà biết, nghĩ mà hiểu là kế sống nhà quỉ, ngọn đèn côi dưới trời quả nhiên mất chiếu.

Có vị Tăng hỏi Ðại Mai (Pháp Thường):

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ qua?

Ðại Mai đáp: - Tổ sư từ Ấn Ðộ qua không ý.

Sư nghe câu chuyện này bèn nói: "Một cái quan tài, hai cái tử thi."

Sư gọi thị giả:- Ðem cái quạt tê ngưu lại đây.

Thị giả thưa:- Rách rồi.

- Quạt đã rách, trả con tê ngưu lại cho ta!

Thị giả không đáp được.

Một hôm, Sư bảo chúng:

- Hư không là trống, Tu-di là dùi, người nào đánh được?

Chúng đều không đáp được.

Có Thiền sư Pháp Không đến thưa hỏi những nghĩa lý trong kinh, mỗi mỗi Sư đáp xong, Sư bèn bảo:

- Từ Thiền sư lại đến giờ, bần đạo thảy đều không được làm chủ nhân.

Pháp Không thưa:- Thỉnh Hòa thượng làm chủ nhân lại.

Sư bảo:

- Ngày nay tối rồi hãy về chỗ cũ nghỉ ngơi, đợi sáng mai sẽ đến.

Sáng sớm hôm sau, Sư sai Sa-di đi mời Thiền sư Pháp Không. Pháp Không đến, Sư nhìn Sa-di bảo:

- Bậy! Ông Sa-di này không hiểu việc, dạy mời Thiền sư Pháp Không, lại mời cái người giữ nhà đến!

Pháp Không chẳng đáp được.

Viện chủ Pháp Hân đến tham vấn.

Sư hỏi:- Ông là ai?

- Pháp Hân.

- Tôi không biết ông.

Pháp Hân không đáp được.

Sau, Sư không bệnh ngồi an nhiên thị tịch. Vua sắc phong hiệu Ngộ Không Thiền sư.

28. CƯ SĨ LONG UẨN

Ông người huyện Hành Dương, Xung Châu, tự là Ðạo Huyền, gia thế chuyên nghiệp Nho, đời sống rất thanh đạm, hiểu ngộ ít phần trần lao, quyết chí cầu giải thoát.

Ðời Ðường niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu (785 T.L.), ông đến yết kiến Hòa thượng Thạch Ðầu, hỏi:

- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?

Thạch Ðầu lấy tay bụm miệng ông. Ông bỗng nhiên tỉnh ngộ.

Một hôm Thạch Ðầu hỏi:

- Từ ngày ông thấy Lão tăng đến nay hằng ngày ông làm việc gì?

Ông thưa:

- Nếu hỏi việc làm hằng ngày tức không có chỗ mở miệng.

Ông liền trình một bài kệ:

Nhật dụng sự vô biệt

Duy ngô tự ngẫu hài

Ðầu đầu phi thủ xả

Xứ xứ vật tương oai

Châu tử thùy vi hiệu

Khưu sơn tuyệt điểm ai

Thần thông tịnh diệu dụng

Vận thủy cập ban sài.

Dịch:

Hằng ngày không việc khác

Chỉ tôi tự biết hay

Vật vật chẳng bỏ lấy

Chỗ chỗ nào trái bày

Ðỏ tía gì làm hiệu

Núi gò bặt trần ai

Thần thông cùng diệu dụng

Gánh nước bửa củi tài.

Thạch Ðầu hứa khả, bảo:- Ông làm cư sĩ hay làm xuất gia?

Ông thưa:- Xin cho con theo sở nguyện không cạo tóc xuất gia.

Ông đến tham vấn Mã Tổ, hỏi:

- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?

Mã Tổ bảo:

- Ðợi miệng ông hút hết nước Giang Tây, ta sẽ nói với ông.

Ngay câu nói này, ông ngộ được huyền chỉ. Ông dừng ở chỗ Mã Tổ hai năm.

Sau khi đốn ngộ, ông về nhà lấy thuyền chở của cải đem đổ xuống sông Tương. Ông chỉ cất một cái thất nhỏ ở tu hành. Có người con gái tên Linh Chiếu thường theo hầu hạ, chuyên việc chẻ tre bện sáo bán nuôi cha.

Ông có làm bài kệ:

Hữu nam bất thú

Hữu nữ bất giá

Ðại gia đoàn biến đầu

Cọng thuyết vô sanh thoại.

Dịch:

Có trai không cưới

Có gái không gả

Cả nhà chung hội họp

Ðồng bàn lời vô sanh.

Ông nói năng lanh lợi, các nơi đều nghe tiếng. Ông thường đến các chỗ giảng kinh phát tâm tùy hỉ.

Có vị Sư giảng kinh Kim Cang đến chỗ "vô ngã vô nhân". Ông bèn hỏi:

- Tọa chủ đã "vô ngã vô nhân" (không ta không người), vậy ai giảng ai nghe?

Tọa chủ không đáp được.

Ông nói:- Tuy tôi là người tục cũng tin biết thô thiển.

Tọa chủ hỏi:- Theo cư sĩ ý thế nào?

Ông bèn giải bằng bài kệ:

Vô ngã phục vô nhân

Tác ma hữu sơ thân

Khuyến quân hưu lịch tọa

Bất tợ trực cầu chân

Kim Cang Bát-nhã tánh

Ngoại tuyệt nhất tim trần

Ngã văn tịnh tín thọ

Tổng thị giả danh trần.

Dịch:

Không ngã lại không nhân

Làm gì có thân sơ

Khuyên ông đừng ngồi mãi

Ðâu bằng thẳng cầu chân

Tánh Kim Cang Bát-nhã

Chẳng dính một mảy trần

Tôi nghe với tin nhận

Thảy đều giả danh trần.

Tọa chủ nghe kệ rồi, vui vẻ khen ngợi:

- Chỗ cư sĩ đến phần nhiều các bậc lão túc đã qua.

Ông đến viếng Ðơn Hà. Ðơn Hà làm thế chạy.

Ông nói:- Vẫn là thế phóng thân, thế nào là thế tần thân?

Ðơn Hà liền ngồi.

Ông lấy gậy vẽ dưới đất chữ Thất.

Ðơn Hà vẽ đáp chữ Nhất.

Ông nói:- Nhân bảy thấy một, thấy một quên bảy.

Ðơn Hà đứng dậy đi.

Ông gọi:- Hãy ngồi nán một chút, vẫn còn câu thứ hai.

Ðơn Hà bảo: - Trong ấy nói được sao?

Ông bèn khóc ra đi.

Một hôm, ngồi trong am, ông chợt nói:

- Khó khó mười tạ dầu mè trên cây vuốt. (Nan nan thập thạch du ma thọ thượng than.)

Long bà đáp:

- Dễ dễ trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư. (Dị dị bách thảo đầu thượng Tổ sư ý.)

Linh Chiếu tiếp:

- Cũng chẳng khó cũng chẳng dễ, đói đến thì ăn, mệt ngủ khò. (Dã bất nan, dã bất dị, cơ lai khiết phạn khốn lai thùy.)

Ông ngồi hỏi Linh Chiếu:

- Cổ nhân nói: "sáng sáng đầu trăm cỏ, sáng sáng ý Tổ sư" (minh minh bách thảo đầu, minh minh Tổ sư ý) là sao?

Linh Chiếu thưa:

- Lớn lớn già già thốt ra lời nói ấy. (Lão lão đại đại tác giá cá ngữ thoại.)

Ông hỏi:- Con thế nào?

- Sáng sáng đầu trăm cỏ, sáng sáng ý Tổ sư.

Ông bèn cười.

Ông có làm bài kệ:

Tâm như cảnh diệc như

Vô thật diệc vô hư

Hữu diệc bất quản

Vô diệc bất cư

Bất thị Hiền Thánh

Liễu sự phàm phu

Dị phục dị

Tức thử ngũ uẩn hữu chân trí

Thập phương thế giới nhất thừa đồng

Vô tướng pháp thân khởi hữu nhị

Nhược xả phiền não nhập Bồ-đề

Bất tri hà phương hữu Phật địa.

Dịch:

Tâm như cảnh cũng như

Không thật cũng không hư

Có cũng chẳng quản

Không cũng chẳng cư

Chẳng phải hiền thánh

Xong việc phàm phu

Dễ lại dễ

Tức năm uẩn này có chân trí

Thế giới mười phương đồng một thừa

Pháp thân không tướng nào có nhị

Nếu bỏ phiền não vào Bồ-đề

Chẳng biết nơi nào có Phật địa?

Lại có bài kệ:

Hộ sanh tu thị sát

Sát tận thủy an cư

Hội đắc cá trung ý

Thiết truyền thủy thượng phù.

Dịch:

Hộ sanh cần phải giết

Giết hết mới ở yên

Hiểu được ý trong đó

Thuyền sắt nổi phao phao.

Sắp tịch, ông bảo Linh Chiếu ra xem mặt trời đúng ngọ vô cho ông hay. Linh Chiếu ra xem vào thưa:

- Mặt trời đã đúng ngọ, mà có nguyệt thực.

Ông ra cửa xem.

Linh Chiếu lên tòa của ông ngồi kiết già chấp tay thị tịch.

Ông vào xem thấy cười, nói:- Con gái ta lanh lợi quá!

Ông bèn chậm lại bảy ngày sau.

Châu mục Vu Công đến thăm bệnh ông.

Ông bảo:

- Chỉ mong các cái có đều không, dè dặt các cái không đều thật, khéo ở thế gian đều như bóng vang.

Nói xong, ông nằm gác đầu trên gối Vu Công mà thị tịch.

Tin ông tịch đưa về nhà cho bà hay.

Bà nói:

- Con gái ngu si với ông già vô tri, không báo tin mà đi, sao đành vậy?

Bà ra báo tin cho con trai đang làm ngoài đồng. Bà nói:

- Long công với Linh Chiếu đi rồi con!

Người con trai đang bừa đáp:- Dạ!

Rồi lặng thinh giây lâu bèn đứng mà tịch.

Bà nói:- Thằng này sao ngu si lắm vậy!

Lo thiêu con xong, bà đi từ biệt thân thuộc rồi biệt tích.

Ông Long Uẩn có làm thi kệ hơn ba trăm thiên còn lưu truyền ở đời.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top