THIỀN SƯ NI TRUNG HOA 2
THIỀN SƯ NI
TỔ SƯ THIỀN TRUNG HOA
Sư Ni TỔNG TRÌ
Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidhama) ở Trung Quốc gần 9 năm, thấy cơ duyên đã đến, gọi đồ chúng đến hỏi:
- Sắp đến giờ Ta trở về, các ngươi mỗi người nên nói rõ chỗ sở đắc của mình.
Thiền Sư Đạo Phó ra thưa:
- Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự. Đây là dụng của đạo.
Tổ bảo:
- Ngươi được phần da của Ta.
Sư Ni Tổng Trì ra thưa:
- Nay chỗ hiểu của con, như Tổ A Nan thấy nước Phật A Súc, chỉ thấy một lần không còn thấy lại.
Tổ bảo:
- Ngươi được phần thịt của Ta.
Thiền Sư Đạo Dục ra thưa:
- Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng có, chỗ thấy của con, không một pháp có thể được.
Tổ bảo:
- Ngươi được phần xương của Ta.
Đến Thiền Sư Huệ Khả bước ra, đảnh lễ Tổ, rồi lui ra, đứng yên lặng, Tổ bảo:
- Ngươi được phần tủy của Ta.
(TSVN do H.T Thanh Từ soạn dịch)
Sư Ni LIỄU NHIÊN
Ở Mạt Sơn
Sư là đệ tử của Thiền Sư Đại Ngu, sau khi ngộ đạo đến trụ tại Mạt Sơn. Thiền Sư Quán Khê Nhàn (đã ngộ đạo nơi Tổ Lâm Tế) đi du phương đến núi này, tự nói:
- Nếu tương đương thì ở, chẳng vậy thì xô ngả giường Thiền.
Nhàn vừa vào Tăng đường, Sư sai thị giả đến hỏi:
- Thượng Tọa du phương đến hay vì Phật Pháp đến?
Nhàn đáp:
- Vì Phật Pháp đến.
Sư liền lên tòa. Nhàn đến tham vấn. Sư hỏi:
- Hôm nay, Thượng Tọa rời nơi nào đến?
Nhàn đáp:
- Cửa đường (lộ khẩu).
Sư bảo:
- Sao không đậy lại.
Nhàn không đáp được, liền lễ bái hỏi:
- Thế nào là Mạt Sơn?
Sư đáp:
- Chẳng bày đảnh. Nhàn hỏi:
- Thế nào là chủ Mạt Sơn?
Sư đáp:
- Chẳng phải tướng nam, nữ.
Nhàn nạt rằng:
- Sao chẳng biến đi.
Sư đáp;
- Chẳng phải thần, chẳng phải quỷ, biến cái gì?
Nhàn mới kính phục, ở lại làm Tri viên 3 năm.
Có vị Tăng đến tham vấn,
Sư bảo:
- Rất lam lũ vậy.
Tăng đáp:
- Tuy nhiên, như thế vẫn là sư tử con.
Sư bảo:
- Đã là sư tử con, vì sao bị Văn Thù cưỡi?
Tăng không đáp được, Tăng hỏi:
- Thế nào là tâm cổ Phật?
Sư đáp:
- Thế giới nghiêng đổ.
Tăng hỏi:
- Thế giới vì sao nghiêng đổ?
Sư đáp:
- Trọn không thân ta.
Sư có làm bài kệ Pháp thân:
Ngũ uẩn Sơn đầu cổ Phật đường,
Tỳ lô trú dạ phóng hào quang,
Nhược năng ư thử phi đồng diï,
Tức thị Hoa nghiêm biến thập phương.
Dịch:
Trên chót năm uẩn nhà Phật xưa,
Pháp thân hằng lúc phóng hào quang,
Nếu hay trong đó không đồng dị,
Quả thật Hoa Nghiêm khắp thập phương
Thiền Sư Quán Khê Nhàn sau khi ở làm Tri Viên 3 năm, về trụ Quán Khê, thượng đường:
- Tôi ở Lâm Tế được nửa muỗng, ở Mạt Sơn được nửa muỗng. Cộng thành một muỗng. Aên xong đến nay vẫn no chẳng hề đói.
(Theo Tài liệu Hạnh Huệ)
Sư Ni THIẾT MA
Sư là đệ tử Quy Sơn Linh Hựu, có cất một am tranh cạnh sườn núi Quy. Một hôm, Sư đến yết kiến Quy Sơn, Quy Sơn hỏi:
- Con trâu cái già, ngươi mới đến?
Sư thưa:
- Ngày mai ở Đài Sơn có lễ Trai Tăng, Hòa Thượng đi được chăng?
Quy Sơn ra bộ nằm ngủ. Sư trở bước lui ra.
Một hôm, Hòa thượng Tử Hồ (đệ tử Nam Tuyền) đến phỏng vấn Sư, Tử Hồ hỏi:
- Có phải Lưu Thiết Ma chăng?
Sư thưa:
- Chả dám!
Tử Hồ hỏi:
- Xoay bên trái hay bên phải?
Sư thưa:
- Hòa Thượng chớ điên đảo.
Tử Hồ liền đánh:
Bởi chỗ đối đáp lanh lẹ của Sư khiến mọi người đều kính nể nên gọi là Lưu Thiết Ma (chữ Thiết Ma nghĩa là mài sắt).
Tăng hỏi Phong Huyệt:
- Quy Sơn nói: Con trâu cái già, ngươi mới đến là ý chỉ gì?
Phong Huyệt đáp:
- Chỗ mây trắng dầy, rồng vàng múa.
Tăng hỏi:
- Lưu Thiết Ma nói: ngày mai ở Đài Sơn có đại hội Trai, Hòa Thượng có đi dự chăng, là ý chỉ thế nào?
Phong Huyệt đáp:
- Trong lòng sóng biếc, mặt trăng động.
Tăng hỏi:
- Quy Sơn làm thế nằm, ý chỉ thế nào?
Phong Huyệt đáp:
- Già đến thân gầy ngày vô sự,
Nằm cao rảnh ngủ ngọn núi xanh.
(Tắc 24 - Bích Nham Lục)
( Do H.T Thanh Từ soạn dịch)
Phong huyệt cũng có bài tụng
Cao cao phong đảnh lập,
Ma ngoại mặc năng tri,
Thâm thâm hải đề dành,
Phật nhãn khuy bất kiến.
Dịch:
Trên đảnh cao phong đứng,
Ma ngoại nào hiểu chi,
Dưới đáy biển sâu đi,
Mắt Phật xem chẳng thấy.
(Thầy VC)
Phụ chú:
Tuyết Đậu tụng:
Âm:
Tằng kịp thiết mã nhập trùng thành,
Sắc hạ truyền văn lục quốc thanh,
Du bả kim tiên vấn quy khách,
Dụ thâm thùy cộng ngự nhai hành.
Dịch:
Từng cỡi ngựa sắt vào trùng thành,
Sắc lệnh truyền ra sáu nước Thanh,
Vẫn nắm roi vàng hỏi quy khách,
Đêm khuya ai với bạn đồng hành.
(Thầy VC)
Sư Ni HUYỀN CƠ
Sư trụ chùa Tịnh Cư, Ôn Châu, xuất gia khoảng niên hiệu Cảnh Vân (710-712 dl) nhà Đường. Sư thường tập Thiền định trong thạch thất ở núi Đại Nhật. Một hôm, Sư tự nghĩ: "Pháp tánh trạm nhiên vốn không đến đi, chán chỗ ồn, cầu chỗ vắng, đâu phải là người đạt đạo".
Sư liền tham vấn Thiền Sư Nghĩa Tồn ở Tuyết Phong. Khi đến, Tuyết Phong hỏi:
- Từ đâu đến?
Sư thưa:
- Từ núi Đại Nhật đến.
Tuyết Phong hỏi:
- Nhật xuất hay chưa?
Sư thua:
- Nếu xuất thì Tuyết Phong tan mất.
Tuyết Phong hỏi:
- Ngươi tên gì?
Sư thưa:
- Huyền Cơ.
Tuyết Phong hỏi:
- Một ngày dệt được bao nhiêu?
Sư thưa:
- Tấc tơ chẳng dính.
Rồi lễ bái thối lui. Sư vừa đi được năm, ba bước. Tuyết Phong gọi:
- Góc cà sa chấm đất.
Sư xoay đầu lại.
Tuyết Phong bảo:
- Rất tốt, tấc tơ chẳng dính.
(TSVN do H.T thanh Từ soạn dịch)
Sư Ni Huyền Cơ ở chùa Tịnh Từ, thường Thiền định trong hang đá ở núi Đại Nhật, Bình Dương. Cùng anh là Huyền Sách đồng tham Lục Tổ. Nhân đó, có làm Viên Minh Ca, gần như Chứng Đạo Ca.
Khi tịch chống ngược thân, Pháp Thuộc quở là điên đảo, bèn ngả xuống. Chiều đem chôn, bị sấm dời đi. Qua hai ngày, có người từ núi Đại Nhật đến nói:
- Chiều nay, trên không trung có tiếng tiêu, tiếng khánh là quan tài của Huyền Cơ đã đặt trên đỉnh núi.
Đệ tử rước xá lợi về chùa dựng tháp hiệu Viên Minh.
(S.C Hạnh Huệ soạn dịch)
Sư Ni TRÍ THÔNG
Hiệu Không Thất Đạo Nhơn
Sư là con gái của Long Đồ Phạm Công Tuân. Thuở nhỏ, Sư rất thông minh, đến tuổi trưởng thành, Thân phụ gả cho Hiền tôn của Thừa Tướng Tô Tụng. Chẳng bao lâu, Sư chán cảnh phồn hoa, trở về nhà xin phép cha mẹ được xuất gia. Cha mẹ không chấp thuận, Sư đành ở nhà tu tại gia.
Nhơn xem quyển "Pháp Giới Quan", Sư có tỉnh ngộ, làm hai bài kệ, nói lên kiến giải của mình:
1. Mạo hạo trần trung thể nhất như,
Tung hòanh giao hổ ấn Tỳ Lư,
Toàn ba thị thủy, ba phi thủy, Toàn thủy thành ba, thủy tự thù.
2. Vật ngã nguyên vô di,
Sum la cảnh tượng đồng
Minh minh siêu chủ bạn,
Liễu liễu triệt Chơn không,
Nhất thể hàm đa pháp,
Giao tham đế võng trung,
Trùng trùng vô tận xứ,
Động tĩnh tấc viên thông.
Dịch:
1. Bát ngát bụi hồng thể nhất như,
Dọc ngang xen lẫn ấn Tỳ Lư,
Sóng cùng là nước, sóng chẳng nước,
Nước tột sóng thành, nước khác xa.
2. Vật ngã vốn không khác,
Sum la cảnh tượng đồng,
Làu làu siêu chủ bạn,
Vằng vặc suốt Chơn Không,
Một thể gồm nhiều pháp,
Xen lẩn lưới đế châu,
Lớp lớp không ngằn mé,
Động tĩnh thảy viên thông. Về sau, song thân đều tạ thế, Sư theo anh làm Thái uý ở Phần Ninh. Nghe danh Thiền Sư Tử Tâm, Sư đến yết kiến. Tử Tâm biết Sư có sở đắc, nên hỏi:
- Bồ Tát Thường Đề bán tim gan, dạy ai học Bát Nhã?
Sư đáp:
- Nếu ngài vô tâm thì con cũng thôi.
- Một đám mưa mà cây cỏ thấm nhuần có khác. Trên đất không có âm dương sanh vật gì?
- Một hoa năm cánh.
- Trong 12 giờ, nhằm chỗ nào an thân lập mệnh?
- Hòa Thượng tiếc lấy lông mày.
- Tử Tâm đánh và quát:
- Cô đàn bà này làm rối trật tự.
Sư lễ bái. Tử Tâm ấn khả.
Sư làm bài kệ tán thán Tử Tâm:
- Thiều Dương Tử Tâm,
Linh Nguyên thậm thâm
Nhĩ trung kiến sắc,
Nhãn lý văn thinh,
Phàm minh thánh muội
Hậu phú tiền bần,
Lợi sanh tế vật,
Điểm thiếc thành kim,
Đan thanh đồ trạng,
Phi cổ, phi kim.
Dịch:
Tử Tâm Thiều Dương,
Linh Nguyên rất sâu,
Trong tai thấy sắc,
Nơi mắt nghe thanh,
Phàm sáng thánh tối,
Trước nghèo sau giàu
Lợi sanh cứu vật,
Chỉ sắt thành vàng,
Đỏ xanh vẽ tướng,
Chẳng xưa, chẳng nay.
Tử Tâm hỏi:
- Tử Tâm không thật, nhằm chỗ nào tán thán. Nếu tán thán Tử Tâm, Tử Tâm không tướng mạo. Nếu tán thán hư không, hư không chẳng dấu vết. Thử hỏi thế nào? Nếu nói được, chính thấy Tử Tâm ?
Sư đáp:
- Tử Tâm không thật, thật không phải Tử Tâm. Hư không có tướng mạo, diệu hữu không hình dáng. Sau khi chết, tỉnh dậy thấy Tử Tâm. Tử Tâm cười rồi thôi. Thiền Sư Linh Nguyên lấy hiệu: Không Thất Đạo Nhơn tặng Sư. Từ đấy, trong Tòng Lâm, mọi người đều biết danh.
Sư cất ngôi nhà tắm thí ở Bảo Ninh, trước cửa có treo tấm bảng đề:
- Một vật cũng không, còn tắm cái gì? Mãy trần nếu có, khởi lên từ đâu? Nói lấy một câu siêu thoát, mới có thể vào tắm trong nhà này. Chỉ hiểu được Cố Linh, khi kỳ lưng. Bậc khai sỹ đâu từng minh tâm. Muốn chứng ly cẩu địa toàn thân phải toát mồ hôi. Như nói: "Nước hay rửa nhơ, đâu biết nước cũng là bụi". Liền đó, nước và nhơ đều dẹp. Đến đây cũng là rửa nốt.
Sau này, Sư làm Ni tên là Duy Cửu, trụ tại chùa Tây Trúc ở Cô Tô.
Đến niên hiệu Tuyên Hòa thứ 6 (1124 dl) Sư thị tịch. Sắp thị tịch, Sư viết kệ xong, ngồi kiết già mà hóa. Sư có tác phẩm "Minh Tâm Lục" hiện còn lưu hành.
(TSVN do H.T Thanh Từ soạn dịch)
Sư Ni TỐ THỊ
Hiệu Giác Am
Sư là cháu gái của Du Tố Viện ở Kiến Minh. Thuở nhỏ không thích thế gian, lưu tâm Tổ, đạo. Nơi hội Thiền Sư Viên Ngộ nghe dạy chúng, Sư liễu ngộ, Viên Ngộ bảo:
- Cần phải dẹp hết các sở kiến mới được tự do.
Sư đáp kệ:
- Lộ trụ trừu hoành cốt,
Hư không lộ trảo nha,
Trực nhiêu huyền hội đắc,
Du thị nhãn trung sa.
(Đệ tử Viên Ngộ)
Dịch:
- Cột cái xương ngang rút,
Hư không vuốt nhanh bày,
Thẳng dây huyền hội được,
Trong mắt dính cát đầy.
Sư Ni DIỆU TỐNG
Hiệu Vô Trước
Diệu Tống là cháu gái Thừa Tướng Tô Tụng. Năm 15 tuổi, cô chợt nghĩ:
- "Thân ta sanh từ đâu ra? Chết sẽvề đâu?". Lặng đi một lúc, bỗng nhiên có chỗ được. Lớn lên, cô được gả cho nhà họ Hứa ở Tỳ Lăng. Vì chán cuộc đời phù vinh, cô để tâm vào Thiền định, tham vấn khắp các bậc danh túc, được đầy đủ chánh, tín.
Có lần, Diệu Tống đến yết kiến Thiền Sư Tiến Nham Viên, bị Ngài hỏi:
- Đàn bà, con gái lại muốn dự vào việc đại trượng phu sao?
Diệu Tống đáp:
- Phật, pháp lại có tướng nam, nữ sao?
Ngài gặng hỏi tiếp:
- Thế nào là Phật? Có người đáp rằng: "Tức tâm là Phật" .Còn ngươi thì sao?
- Lâu nay nghe tiếng Lão Sư, sao vẫn còn nói năng như thế?
- Đức Sơn gặp ai vào cửa liền đánh là sao?
- Nếu thầy hành lệnh này mà chẳng rỗng thì đáng được Thiên, Nhân cúng dường.
Ngài bảo:
- Chưa đúng:
Diệu Tống lấy tay vỗ vào đài hương một cái, Thiền Sư Viên nói:
- Có đài hương thì vỗ được, không đài hương thì sao?
Diệu Tống liền đi ra, Thiền Sư Viên gọi lại, hỏi tiếp:
- Ngươi thấy đạo lý gì mà làm thế?
Diệu Tống quay đầu lại đáp:
- Liễu liễu kiến vô nhất vật.
(rõ ràng thấy không một vật). Câu này là của Vĩnh Gia, mượn ông ta để xuất khí không được sao? Thiền Sư Viên kết luận:
- Thật là sư tử con.
Thiền Sư Chân Hiết vừa dựng am ở Nghị Hưng xong, đang ngồi trên võng, thì Diệu Tống bước vào cửa:
Chân Hiết hỏi:
- Làm phàm hay là thánh?
Diệu Tống hỏi ngược lại:
- Mắt ở trên đảnh đâu rồi?
Thiền Sư Hiết hỏi tiếp:
- Việc ngay mặt trình nhau thế nào?
Diệu Tống đưa tọa cụ lên.
Châu Hiết la:
- Không hỏi cái này.
Diệu Tống nói:
- Lầm rồi.
Châu Hiết liền hét.
Chồng cô là Hứa Thọ Nguyên làm quan ở Gia Hưng, khi Ngài Đại Huệ Tông Cảo (tức Diệu Hỷ) đến thăm quận nhà. Thọ Nguyên thiết Trai đón tiếp. Diệu Tống bước ra lễ bái, không nói một lời.
Tông Cảo sau khi dự tiệc về, bảo với Phùng Tiếp (tức quan Thiếu Khanh Bằng Tế Xuyên) người cùng đi trong đoàn rằng:
- Vợ họ Hứa chưa từng thấy thần, thấy quỷ, nhưng chưa gặp được bổn sắc kiền chùy, cũng giống như chiếc thuyền muôn hộc, thả vào chỗ sông ngòi lấp bít, không chuyển động được.
Phùng Tiếp thưa:
- Làm sao nói dễ dàng thế?
- Nếu bà ta chịu hồi đầu thì nhất định phải khác.
Ngày hôm sau, mọi người thỉnh Tông Cảo thuyết pháp, Diệu Tống cũng đến dự nghe. Tông Cảo mạt sát dị kiến, tà giải của các nơi. Người nghe giật mình nhìn nhau, chỉ một mình Diệu Tống hoan hỷ nhìn không chớp mắt.
Tông Cảo lại nhìn chúng và nói:
- Nay ở đây có ai có chỗ thấy chăng? Sơn Tăng khám nghiệm người như viên chức gác cửa khẩu, vừa thấy đến là biết có vật nộp thuế hay không?
Nói xong, Tông Cảo xuống tòa. Diệu Tống đến xin đạo hiệu. Tông Cảo đặt tên là Vô Trước, và dạy kệ rằng:
- Tận đạo Sơn Tăng ái mạ nhơn,
Vị tằng mạ trước nhất cá hán,
Chỉ hữu Vô Trước mạ bất động,
Khắp tợ Tần thời độ lịch toãn.
Dịch:
- Trọn bảo Sơn Tăng thích mắng người,
Chưa từng mắng nhầm lấy một kẻû,
Chỉ có Vô Trước mắng chẳng động,
Giống hột dùi xe lăn đời Tần.
(H.Nguyên) Đã bị mắng mà chẳng động, vì sao lại giống dùi xe lăn, người đủ mắt hãy biện.
Năm sau, Diệu Tống theo chúng nhập hạ ở Kính Sơn (Cảnh sơn). Một hôm, Tông Cảo thượng đường, cử nhân duyên: "Dược sơn tham vấn Thạch Đầu, Mã Tổ" Diệu Tống hốt nhiên đốn triệt. Lúc Tông Cảo xuống tòa, Phùng Tiếp theo đến phương trượng trình sở ngộ. Về sau, được nghe Tông Cảo kể lại chuyện này, Diệu Tống nói:
- Diệu Tống từng thấy Quách Tượng chú giải sách của Trang Tử.
Nhưng bậc thức giả cho Trang Tử chú giải Quách Tượng.
Tông Cảo nghe xong lấy làm lạ, bèn cử thoại đầu: "Người đàn bà và nhâm đầu" để hỏi.
Diệu Tống dùng kệ đáp:
- Nhất diệp thiên chư biến diễu mang,
Trình nhiêu vũ trạo biệt cung thương,
Vân sơn thủy nguyệt, câu phao khước,
Doanh đắc Trang Chu điệp mộng trường.
Dịch: - Một chiếc thuyền con thả bể khơi,
Đưa chèo múa nhịp khúc nhạc trời. Núi mây, trăng nước đều quăng hết,
Hồ điệp Trang Chu giấc mộng dài.
Tông Cảo muốn kích phát Sư đến hỗ cao xa, nên làm thinh không để ý đến. Một hôm, khi đang tọa Thiền, Sư chợt đại ngộ. Thấy được chỗ tùy duyên chỉ dạy của Tông Cảo, bất giác, vỗ tay nói lớn: "Lão giặc, Lão giặc" và trình tụng:
- Mạch nhiên xúc trước tỷ không,
Kỹ lưỡng băng tiêu ngõa giải
Đạt Ma hà tất Tây lai ?
Nhị tổ uổng thi tam bái,
Cách vấn như hà? nhược hà ?
Nhất đội thảo tặc đại bại.
Dịch:
Bỗng nhiên chạm đến lỗ mũi,
Xem rõ băng tiêu ngói bể,
Đạt Ma, Tây đến làm gì?
Nhị tổ uổng công ba lạy
Còn hỏi tại sao? Thế nào?
Một bọn giặc cỏ đại bại.
(Thầy VC)
Tông Cảo dùng kệ ấn chứng:
- Nhữ kỳ ngộ hoạt Tổ sư ý,
Nhứt đạo lưỡng đoạn trực hạ liễu
Lâm cơ nhất nhất nhậm thiên chơn
Thế xuất thế gian vô thặng thiểu,
Ngã tác thử kệ, vị chứng minh,
Tứ thánh lục phàm tận kinh nhiễu,
Hựu kinh nhiễu,
Bích nhãn Hồ nhi du vị hiểu.
Dịch:
- Ngươi đã ngộ ý Tổ sư sống,
Một đao chặt đứt làm hai đoạn
Gặp việc mỗi mỗi tự nhiên chơn,
Thế xuất, thế gian, không dư thiếu
Ta làm bài kệ vì chứng minh,
Tứ thánh, lục phàm đều kinh hãi,
Thôi kinh hãi,
Con cháu Đạt Ma vẫn chưa hiểu.
(Thầy VC)
Một hôm, nhân Diệu Tống vào thất,
Tông Cảo hỏi:
- Người xưa chẳng ra khỏi phương trượng, vì sao lại lên Trang sở ăn bánh chiên?
- Hòa Thượng tha lỗi cho Diệu Tống, Diệu Tống mới dám nói.
- Ta tha lỗi cho ngươi đó, ngươi thử nói xem.
- Diệu Tống cũng tha lỗi cho Hòa Thượng.
- Đâu làm gì được cái bánh chiên. Diệu Tống hét mà ra.
Từ đó danh vang khắp nơi.
Một hôm Diệu Tống vào thất Tông Cảo, bị hỏi:
- Vừa rồi, có vị Tăng đến đối đáp, ngươi hãy nói vì sao lão Tăng không chịu ông ta.
Diệu Tống đáp:
- Đâu gạt được Diệu Tống.
Tông Cảo đưa trúc bề lên hỏi:
- Ngươi gọi cái này là cái gì?
- Trời xanh, trời xanh!
Tông Cảo liền đánh.
Diệu Tống nói:
- Hòa Thượng đánh lầm người rồi.
- Đánh cho được rồi thôi, xá gì lầm với chẳng lầm.
- Chuyện làm lưu thông.
Khi Diệu Tống đến chào từ giã về quê. Tông Cảo bảo:
- Ngươi xuống núi, có ai hỏi đạo pháp ở đây, ngươi đáp thế nào?
Diệu Tống thưa:
- Chưa đến Kính Sơn chẳng ngại nghi nhầm.
Tông Cảo hỏi vặn lại:
- Đến rồi thì sao?
- Y như cũ, trời mạnh Xuân vẫn còn lạnh.
- Đáp như thế, há chẳng phải coi thường Kính Sơn.
Diệu Tống bịt tai đi ra.
Lúc đó, Đạo Nhan thủ chúng (tức ngài Vạn An) cùng với 1700 nạp tử dùng kệ tiễn đưa Diệu Tống trở về Vô Tích.
Ngài thêm tên Sư vào những người đắc đạo trong pháp môn. Phùng Tiếp lúc đó vẫn chưa tin, nên chèo thuyền qua Vô Tích hỏi:
- Chuyện bà già sanh 7 đứa con, cả 6 đứa đều không gặp tri âm, chỉ riêng 1 đứa này cũng chẳng tiêu được, rồi ném đứa bé ấy xuống nước. Lão nhơn Kính Sơn nói, đạo nhân đã lý hội được, là lý hội thế nào?
Sư đáp:
- Những lời cung xưng ở trên đều là có thực.
Phùng Tiếp kinh hãi.
Việc Diệu Tống nhận tâm ấn của Đại Huệ danh vang khắp nơi. Vào năm Nhâm Ngọ (114?) niên hiệu Thiện Hưng, vì có Tăng điệp của Lễ Bộ ban cho Sư hiệu là Vô Trước, nên Diệu Tống nói kệ nhận lời, rồi cắt tóc đi tu.
Niêu hiệu Long Hưng Cải Nguyên đời vua Tống Hiếu Tông (1163 dl) Xá Nhân Trương An Quốc Thủ Ngô Môn gặp lúc Chùa Tư Thọ vắng vẻ, mới thỉnh Diệu Tống đến trụ trì. Sư nhận lời, rồi xiển đương tông phong của Đại Huệ. Tuy đạo đức cao trọng, Sư vẫn trì luật rất nghiêm, khổ hạnh tiết chế.
Ngày 14 tháng 7, niên hiệu Càn Đạo năm thứ 6 (1170 dl) Sư nhóm chúng, nói kệ xong, lặng lẽ thị tịch. Chúng chôn toàn thân Sư ở phía Đông, núi Quân Tướng vô Tích. Sau dời về Hổ Khưu Bình Giang.
(Tài liệu S.C Hạnh Huệ soạn dịch)
Sư Ni HUỆ CHIẾU
Hiệu Vô Tế Đạo Nhơn
Sư là con gái Thị Lang Trương Uyên Đạo nhà Tống. Khi còn làm Cư sỹ, Sư đã cùng Siêu Tông đạo nhơn vào cửa Thiền Sư Đại Huệ và được thọ ký riêng.
Sư thường đến Cảnh sơn (Kính Sơn) quét tháp, có làm bài kệ:
- Y thấp Linh sơn lộ,
Lô phần Thiếu Thất hương,
Vân Sơn không mãn mục,
Bất kiến pháp trung ương.
Dịch:
- Aùo ướt lộ Linh sơn,
Lò thiêu hương Thiếu Thất Đầy mắt mây núi không,
Vua chánh pháp nào thấy.
Siêu Tông không chịu đi quét tháp, Sư đốc xúi. Siêu Tông nói kệ đáp:
- Tháp bổn vô trần,
Hà dựng khứ tảo,
Tảo tức thành trần,
Sở dĩ bất đáo.
Dịch:
- Tháp vốn không bụi,
Đi quét làm gì?
Quét tức dấy bụi,
Không đến do đây.
Sau Sư xuất gia, pháp danh Huệ Chiếu, Sư tiếp nối pháp tịch của Bổn sư là Vô Trước ở Chùa Tư Thọ (tức Ni Diệu Tống).
Sư phỏng theo khúc hát ông chài, làm kệ tán thán Thiền Sư Viên Ngộ:
- Thất tọa đạo tràng, tam phụng chiếu, không hoa thủy nguyệt hà thời liễu, Tiểu ngọc thinh trung hằng ngộ đạo, chơn kham tiếu,
Từng lai mạn đắc nhi tôn hảo,
Biện dũng hải triều thinh hạo hạo, Minh như hạo nguyệt đương không chiếu.
Phi tích tây quy vân yểu điểu,
Ba viên khiếu,
Đại gia xướng khúc hoàn gia điệu.
Dịch:
- Bảy phen giảng đạo, ba vầng chiếu,
Trăng nước hoa không nào đủ thiếu,
Trong câu Tiểu nhã từng ngộ đạo,
Buồn cười thiệt,
Từ đây lừa hết đàn con cháu,
Biện luận thao thao tiếng sóng biển,
Tỏ như trăng sáng trong không chiếu,
Chống gậy về Tây mây quấn quýt,
Con vượn réo,
Cả nhà đồng xướng hoàn gia khúc.
Niên hiệu Càn Đạo, Thứ 7 (1172 dl) triều Tống Hiển Tông, Sư dời trụ ở chùa Minh Nhơn tại Lâm Bình.
Đến niên Hiệu Thuần Huy thứ 4 (1178 dl) tháng 6, đang ở trong chúng, bất chợt Sư gọi Lương Thiện Phán đến từ biệt, rồi đi thẳng sang chùa Quang Hiếu, ngồi trên giường Thiền thị tịch.
Chúng để thi hài Sư mấy ngày, gương mặt vẫn tươi tắn như thường.
(TSVN do H.T Thanh Từ soạn dịch)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top