Chương 3: Bé Hon
Thực ra, tôi không phải đứa con út. Tôi buộc lòng thay thế bé Hon
Nó không có tuổi, khó lòng hình dung nó già hơn hay trẻ hơn. Nó đến, rồi đi, như một thiên sứ pha lê ghé trần gian nhân cuộc dạo chơi miên viễn.
Bé Hon ra đời, khi mẹ tôi tưởng không còn sinh nở được nữa. Một bữa, không hiểu sao cả dây quần áo nhà phơi bị bỏ quên qua đêm ngoài trời. Kì lạ, chỉ riêng bộ đồ lót của mẹ đẫm sương và loang lổ vết từa tựa như chàm. Mẹ ca cẩm, rồi tặc lưỡi: “Không mất là may! Thôi thì đồ lót, ai thấy mà sợ!” (Quan điểm phổ biến của con người với những gì khuất mắt. Khủng hoảng thế hệ, chị Hằng mắc bệnh sùng bái đồ lót, chị kén chọn chúng như thể kén chọn tri âm. Hỏi, không có năm 1975 trọng đại và cuộc xâm lấn ồn ĩ của thế giới tiêu dùng slip corset tinh xảo, TV cassette tinh xảo, cigarette whisky tinh xảo túa ra từ nửa nam đất nước, liệu những vùng cơ thể thầm kín của chị tôi có chịu cảnh cô đơn?}
Không lâu sau, mẹ mang thai. Bố mẹ phân vân, 4 anh chị em tôi đã quá đủ để chất gánh nặng lo toan lần hồi từng bữa, rồi tặc lưỡi: “Thôi thì trời sinh voi, trời sinh cỏ. Của trời cho, mất gì chẳng nhận!”
Con bé lọt lòng, không chịu cất tiếng khóc, mà mỉm cười làm thân với đủ 13 nữ hộ sinh đứng quanh bàn đẻ. Thế là cả 13, lúc đầu ngơ ngác, sau bật khóc như một đồng ca. Mẹ tôi, hoảng hốt cực độ, bắt giọng lĩnh xướng. Họ im bặt khi bố xuất hiện, và con bé lại mỉm cười với bố, khiến ông ngã phịch xuống 1 chiếc ghế. Đó không phải là nụ cười hài nhi. Bé Hon chưa bao giờ là 1 hài nhi. Nụ cười ấy tàng ẩn trong thời gian, chu du hành trình bất tận của nó, và đôi khi cũng hiện ra nguyên vẹn dưới mắt người trần.
Nó ăn ít, ngủ ít, chỉ cười. Nó không chịu hé mở bí mật về tuổi tác mình cho bất kì ai, ngay từ đầu. Nó không mang nét nào của người trong gia đình: tóc óng mượt, mắt lóng lanh như mắt thiếu nữ, cặp má lúc nào cũng 3 tuổi, cái miệng lúc nào cũng mỉm cười thân thiện và bí ẩn với muôn vật, nước da trong suốt, trắng xanh, sứ giả pha lê dịu dàng mỏng mảnh. Mẹ bảo, trần đời, chưa có đứa trẻ nào dễ nuôi vậy.
Nó nằm trong chiếc nôi bé xíu, lặng lẽ ngủ, cứ tỉnh dậy là ban phát hào phóng nụ cười mê hồn cho muôn vật. Nụ cười bảo chúng tôi đi lại nhón gót, nói năng khẽ khàng và nhìn nhau nương nhẹ. Đó là những ngày thần tiên. Mọi sinh hoạt gia đình, bữa cơm thanh đạm thường lệ, buổi tối xum vầy, giấc ngủ êm... bỗng thành những nghi lễ giản dị và trang trọng. Kẻ khóc thuê trên mái thôi nỉ non bài ca mặn đắng. Những chiếc chân ghế long không còn kêu ken két ai oán nữa. Như có chiếc đũa thần bắt nhịp điệu sống êm ả lạ thường. Những con người tưởng đã gán thanh quản bẩm sinh là gầm ghè cáu bẳn, tưởng đã thả nổi gương mặt nhân chi sơ của mình cho những nếp hằn lo âu khắc nghiệt, bỗng hóa thân trở lại thuở ban đầu. Thế giới vụt sáng trong và hiền lành, mang bộ mặt hài đồng ngủ trong nôi. Hạnh phúc giản dị và bất ngờ quá, khiến tôi ngộp thở.
Kẻ ngỗ ngược nhất nhà, anh cả tôi, bỗng thành mềm yếu. Sáng sáng, anh dậy trước, rón rén tới cạnh bên chiếc giường nôi, có khi cả tiếng đồng hồ, chờ nhận nụ cười đầu tiên bé Hon tặng cho ngày sắp đến, rôøi nhẹ nhàng mở cửa, xách nước giặt quần áo cả nhà, sau đó mới đánh thức mọi người. Thời kỳ đó, anh vừa đào ngũ, đạp xích lô chui lủi ở Hà Nội và không nuôi nhiều hy vọng ở cuộc đời. Mẹ ngạc nhiên: “Thằng Hạc giở chứng đấy à?” Bố: “Ôi dào, được dăm bữa nửa tháng !” Anh tôi cười hiền lành, một homo-A đích thực.
Nhưng những dấu hiệu báo động đầu tiên đã xuất hiện. Đôi khi bố đi làm về, mệt mỏi bởi những nỗi phiền muộn bất tận lúc nhân sự, lúc tiền lương ở cơ quan, ngồi phịch xuống giường, vơ lấy chiếc điếu cày, và vừa đưa điếu lên ngang chừng, bỗng dập đóm, quăng điếu, rủa: “Cười cái gì mà cười! Có cái gì mà cười! Ai cười với mày!” Cỗ máy tâm lý của con người quả là bí ẩn, nó chỉ cần vừa đủ dầu mỡ dể tránh rệu rạo, quá tay 1 chút nó tuột xích, và mọi chuyện đều hỏng. Cỗ máy của bố đơn điệu, hình như càng đơn điệu càng khó lường. Bé Hon làm sao lường nổi. Nó không thể phanh nụ cười pha lê ấy, như loài ve sầu không thể phanh giọng hát – chức năng tồn tại của mình. Cuộc đụng độ giữa những cỗ máy và thiên sứ pha lê. Những cái nhón gót, khẽ khàng, gượng nhẹ quả là thứ xa xỉ phẩm gia đình tôi không kham nổi.
Huống hồ những cái hôn.
Tập nói, bé Hon chỉ biết 1 câu duy nhất: “Thơm nào!” Nó đã thôi nằm trong chiếc giường nôi. Nó lẫm chẫm khắp nhà, vòng cành tay mảnh mai như 2 bông lau ôm cổ bất kỳ người nào, chìa đôi môi bé xíu hồng hồng, thỏ thẻ: “Thơm nào!” và hào phóng ban phát những cái hôn trẻ thơ thơm ngậy mùi sữa. Gia đình tôi quay cuồng trong dòng thác hôn bất tận của nó. Mặt chúng tôi lúc nào cũng ướt đẫm mùi sữa. Nó không cần biết ai đang làm gì, đang ghĩ gì, đang bận bịu với bất kể chuyện gì, nhu cầu “thơm nào” của nó buộc thế giới phải dừng tay đáp, dẫu chiến tranh đang rơi xuống đầu cũng vậy.
Nhưng loài người còn nhiều việc cần kíp hơn những cái hôn. Thỉnh thoảng, mẹ gắt lên: “Ra chỗ khác, thơm với tho gì, không kịp mở mắt đây này!: Bố: “Thôi, thôi, đủ rồi, ướt nhoèn cả mặt người ta!” Con bé không vội nản, lại lẫm chẫm vòng quanh nhà, tìm kiếm những cặp môi sẵn sàng đón nhận nguồn yêu không bao giờ cạn của nó. Nhiều lúc, chẳng còn ai, nó ngọt ngào rủ “Thơm nào” với con mèo khoang, và con mèo không bao giờ từ chối.
Tôi cũng không bao giờ từ chối. Tôi sẵn lòng ôm cả phần yêu chưa kịp phân phát của bé Hon. Nhưng con bé, như tất cả những kẻ hào phóng, ý thức sâu sắc về lẽ công bằng, và kiên tâm vòng quanh thế giới 400 ô vuông nâu, đến với những ai chưa nhận đủ môi hôn ở đời.
Giá tất cả những ai chưa nhận đủ môi hôn ở đời đều kêu to tín hiệu SOS.
Hôm anh cả tôi nhận giấy triệu nhập ngũ trở lại, bé Hon cũng sà đến, đòi “thơm nào.” Lúc đầu, anh không để ý, mắt cứ nhìn như chọc thủng trần nhà, móng tay đánh lách cách, sau, anh gạt phắt nó sang bên, lầu bầu: “Cút!” Thì chính anh đã từng thức canh bên chiếc giường nôi, chờ nhận nụ cười mê hồn đầu tiên trong ngày của bé. Lại 1 cỗ máy rò rỉ. Không phải do tuột xích?
Hôm sau, bé Hon không dậy nữa. Cả nhà bận bịu với buổi liên hoan tiễn đưa anh tôi lên đường, chẳng ai để mắt đến nó. Tôi ôm con mèo khoang ngé xuống chiếc giường nôi bé xíu, thấy bé Hon khép mắt, miệng vẫn mỉm cười làm thân với muôn vật. Sau này, mẹ bảo: “Tôi ngó vào, tưởng nó ngủ. Ngủ mà vẫn cười cơ chứ!”
Nhưng bé Hon không bao giờ dậy nữa, sứ giả pha lê yếu ớt, lạc vào thế giới này ban phát nụ cười và môi hôn. Nó không cần ai vuốt mắt, tự nó, đủ cho nó, cho cả muôn vật xung quanh. Nó đi, mang theo bí mật về sự có mặt lạ lùng của nó ở gia đình tôi. Bố kết luận: “Thôi thì của thiên trả địa.”
Đó là 1 ngày mùa đông giá buốt. Tới phút chót, cập môi đòi vô tận những cái hôn của bé vẫn chói rực như 2 mảnh than hồng rơi lạc giữ trần gian u xám lạnh lùng. Tôi trốn dưới gầm giường, con mèo khoang cũng thế, khi người ta đưa bé Hon đi. Tôi không khóc, nhân danh nụ cười và những cái hôn thơm ngậy mùi sữa. Không phải mất mát, mà là lời cảnh tỉnh. Sứ giả của tình yêu đã đến, đã kiên nhẫn và đã bỏ đi, con chim trốn tuyết. Chỉ còn biết hy vọng 1 ngày mùa ấm đón chim về.
Mẹ cấm khẩu mất 1 tuần. Khi giọng trở lại, mẹ chỉ còn nhớ những lời nguyền rủa. Mấy ngày sau, con mèo khoang từng ở nhà tôi 8 năm trời cũng bỏ đi, nó vốn là mèo hoang lạc tới. Anh Hạc đóng gần biên giới phía bắc 3 năm, xuất ngũ kịp ngày bốc mộ bé Hon. Lúc mở ra, quan tài trống không, thơm tho sạch sẽ, đọng duy nhất nụ cười làm thân với muôn vật của thiên sứ pha lê bị trục xuất. Người ta hỏa thiêu chiếc áo gỗ tinh khiết ấy, hỏa thiêu luôn nụ cười của bé, người ta hoàn thành bổn phận của kẻ ở lại.
Tôi buộc lòng thành đứa con út. Trời không sinh ra tôi, đất cũng chẳng nhận tôi về. Chỉ có bé Hon hưởng hành trình ấy. Hành trình khép kín.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top