Chương III: Chuyển kiếp

"Đùng đoàng."

"Đùng đoàng."

Tiếng sấm rền vang khắp nơi, những tia chớp sáng chói chợt lóe chợt tắt. Bầu trời kia đen kịt như một miếng vải đen thô kệch bao phủ lên vạn vật, những tia sét sáng trắng như những đường chỉ may nghệch ngoặc cong cong vẹo vẹo xé rách cả bầu trời.

"Ào ào."

"Ào ào."

Sóng vỗ ào ào, mặt biển phản chiếu lấy bầu trời đen mịt kia cũng có tương tự một màu đen, nhưng mặt biển này lại giống như một tấm lụa đen huyền quyền quý cao sang, những cơn sóng dữ cuồn cuộn dâng cao ập vào bờ. Có con sóng e phải cao đến vài trượng đánh mạnh vào bãi cát ven biển.

"Xào xạc."

"Xào xạc."

Tiếng những hàng cây ven bờ bị gió thổi va vào nhau, những hàng dừa ven biển ngã nghiêng ngã ngửa, hết đổ bên này thì lại sang bên kia. Không ít những cây đại thụ to lớn bị gió thổi đến bứt gốc bay lên trời, những căn chòi lá tạm bợ gần đấy cũng không thoát được, chúng bị gió thổi tốc cả nền nhà rồi cuộn lại ném lên cao.

"Ầm ầm."

"Ầm ầm."

Mặt đất rung chuyển, cát biển bị chấn động một hồi rồi lại bị gió thổi bay lên cao, cuộn thành những xoáy cát cao ngất trời trên bờ biển. Những bãi cát bằng phẳng bắt đầu xuất hiện những hố cát lớn lõm sâu xuống đất, ước chừng sâu hai trượng.

"Rào rào."

"Rào rào."

Mưa rào rào, mưa như xối nước, mưa như thác đổ. Mưa đang khóc, mưa khóc rất lớn, tiếng khóc đến thê lương, nhưng những giọt lệ ấy lại là nước mắt của sự giận dữ. Mưa tức giận, những hạt mưa mảnh như kim khâu bay loạn xạ, đâm ngang dọc khắp trời. Nếu vô tình bị một hạt mưa rơi phải thì sẽ có cảm giác như bị kim châm vào da thịt, cắt khứa vào nhục thể.

Lôi, thủy, phong, địa, vũ – ngũ tượng thời tiết – ngũ sự bảo vệ cho đời sống nhân gian – ngũ sư cai quản trên Thượng Thiên Đình đang gào thét, đang cuồng nộ, đang giận dữ. Năm điềm báo của trời báo hiệu một vị thần quan chuyển kiếp!

Tại thôn Hoài Nam, huyện Vương Hải ở phía Bắc, lâu nay đã xảy ra hàng loạt hiện tượng thiên nhiên. Sấm sét, thủy triều, gió lốc, địa chấn, mưa giông liên tục hoành hành trong một tháng qua, mãi cho đến khi nhà Tri Huyện Vương Hải đón chào đứa con trai đầu lòng – Sư thiếu gia.

Vị Tri Huyện này là quan trong triều đã hơn hai mươi năm, song gia đình của ông lại không khá giả gì mấy. Vợ chồng ông đã phải chuyển nơi ở từ chỗ này đến nơi khác trong bao nhiêu năm, làm quan trong triều cũng chỉ ở mức Bát Phẩm là cùng.

Nhưng chuyện gì cũng là có lý do, nguyên do là vì ông là một vị quan thanh liêm nức tiếng trong triều, phải, đúng thật là rất thanh liêm, không làm việc gì trái với lương tâm bao giờ. Vì thế nên nhân dân luôn tôn quý ông, song việc gì cũng có hai mặt, tuy ông được lòng dân nhưng lại mất lòng vua chúa quan lại, luôn bị đổ oan đủ điều, gia cảnh ông lại so với chư thần trong triều thấp hơn vài bậc, vậy nên càng trở thành lý do hoàn hảo để chư vị quan lại lấy làm cớ để khinh miệt.

Mà nhắc đến gia cảnh của vị Tri Huyện này ấy à, từ nhỏ gia đình ông mở tiệm buôn bán nhỏ, tuy không giàu sang nhưng cũng không đến nỗi cùng kiệt. Song về sau lại không được thuận lợi lắm, bán buôn ế ẩm mà lại còn chẳng kiếm được lời, hơn nữa còn bị các thương buôn lớn chèn ép đủ thứ, khiến gia đình ông phải rời thành về quê trồng rau ở ẩn. Nhưng mọi việc cũng không như ý, nhà ông luôn bị địa chủ khi dễ bắt bẻ, ép phải nộp sưu thuế cao, cha mẹ ông sau cũng không thể chống được tuổi già, lại thêm công việc hàng ngày khắc khổ, thân thể không trụ nổi mà mắc phải bạo bệnh qua đời.

May thay, trời cũng chưa đến nỗi đày đọa ông, chú của ông là quan Phủ Doãn ngũ phẩm, thấy ông mặt mày sáng sủa, nói một hiểu mười, lại cam tâm chịu khó nên đã đốc thúc dạy dỗ rồi tiến cử ông làm quan. Song từ nhỏ ông đã không được học hành tử tế, đến khi bái sư học đạo thì tuổi đã lớn, tâm tính cũng đã bị thói đời rèn giũa cho sắt đá góc cạnh, lại vì thuở nhỏ gia đình bị cường hào chèn ép nên lại càng ghét ác như thù, chẳng biết kiêng nể gì ai.

Lại càng khổ thay ông tuy nói là cần cù siêng năng, nhưng chung quy lại chẳng bù được khuyết thiếu về thiên tư, cũng không có tài xã giao, lại cũng chẳng phải là người túc trí đa mưu tính toán cẩn thận gì cho cam, vậy nên là từ khi bước chân vào triều đã động phải không ít người, hơn nữa lại toàn là những người không thể chọc.

Trước đây từng có vị quan tứ phẩm vì mến mộ chí tiến thủ không kiêng dè cảnh ngộ khó khăn của ông nên từng đến giao lưu bắt chuyện, vị này đối với tâm tính ngay thẳng của ông vô cùng kính phục, nhưng cũng lo cho ông vì cứng quá sẽ dễ gãy, sợ ông gặp phải điều chẳng lành nên đã nhiều lần bóng gió khuyên nhủ ông sửa tính. Người ta vốn là có ý tốt muốn giúp ông hòa nhập với mọi người, chí ít dù không bằng lòng những cũng là bằng mặt với nhau để giảm bớt nguy cơ, song lại chẳng được, ngược lại còn bị vặn ngược lại một trận, đôi bên mất lòng với nhau, nên là sau này vị quan ấy cũng chẳng còn qua lại gì với ông nữa.

Năm ông nhị thập, có vị địa chủ trong huyện tỏ ý muốn gả nữ tử nhà mình cho ông, mong sao sau này được cậy thế Tri Huyện để bành trướng thế lực thì lại bị từ chối thẳng thừng, lại còn bị chính vị Tri Huyện này phơi bày việc xấu chiêu cáo thiên hạ, từ đó gây nên thâm thù sâu nặng, quyết tâm muốn khiến vị Tri Huyện trẻ này phải trả lại cả vốn lẫn lãi. Còn riêng về phần vị Tri Huyện kia thì lại thành thân với một cô gái nông dân trong vùng, hai người tuy không có được vinh hoa phú quý nhưng lại sống với nhau thật tâm thật lòng, được mọi người trên dưới quanh huyện ngưỡng mộ vô cùng.

Việc này kể ra thì đúng là vừa tốt vừa xấu, tốt với mọi người nhưng sau lại trực tiếp mang họa đến cho bản thân ông. Sau này, nữ tử của vị địa chủ kia không biết bằng cách nào mà cưới được tên quan lục phẩm trong triều, tuy rằng đây cũng chẳng phải chức quan gì to lớn nhưng đem so với chức Tri Huyện nhỏ nhoi của ông thì lại cao hơn hai bậc. Thế là ả ta thừa dịp gà mái hóa phượng hoàng, thù cũ đào lại mà cậy thế chồng để đổ oan cho gia đình Tri Huyện, khiến cho vợ chồng ông lại phải tha hương đến nơi biên hải hẻo lánh nghèo nàn này.

Hai vợ chồng ông đã chịu đủ tứ khổ thì lại càng buồn thay vì lấy nhau đã lâu mà lại hiếm muộn, không có nổi một đứa con nối dõi tông đường. Mọi chuyện cứ tưởng như vậy là xong thì bất ngờ thay bà huyện có mang, hạ sinh được cậu con trai. Trong những tháng bà mang nặng thì kỳ lạ rằng thiên tai liên tục xảy ra ra ở vùng này, đến khi thiếu gia được hạ sinh thì hàng loạt hiện tượng ấy bỗng biến mất.

Người dân trong vùng đồn đại rằng vị thiếu gia này chính là thần tài chuyển thế, vì kể từ khi cậu được sinh ra thì không những thiên tai biến mất mà việc làm ăn buôn bán trong vùng ngày càng đi lên. Khiến cho cho huyện Vương Hải từ một nơi gần như là nghèo nhất quốc gia lại được thăng lên thành một phủ lớn, trở thành một trong bốn phủ đứng đầu toàn quốc, các thương nhân, thương lái đổ về đây ngày càng nhiều, gia đình của Tri Huyện cũng nhờ thế mà đi lên, ông được thăng từ quan bát phẩm lên hàng ngũ phẩm, trở thành Phủ Doãn quản lý mọi việc trong ngoài nơi này.

Sư công tử từ khi sinh ra đã là một điều phước lành của trời đất, mang đến không biết bao nhiêu điều may mắn cho người dân nơi đây, nhưng bất quá vị công tử này từ khi sinh ra đã phải chịu đủ bách bệnh. Theo như lang y nói thì bởi vợ chồng Phủ Doãn hiếm muộn đã lâu, khi sinh con cũng đã lớn tuổi. Vì vậy nên con trai khi sinh ra có sức khỏe yếu hơn những đứa trẻ cùng lứa thì cũng không trách được, tư chất có phần yếu ớt hay thi thoảng mắc phải bệnh vặt âu cũng là chuyện thường tình.

Tuy nhiên nếu chỉ là những bệnh vặt vãnh nghỉ ngơi vài ngày là khỏi thì không cần nói làm gì, điểm quan trọng là bất kỳ bệnh nào mà vì công tử này chịu đều kéo dài ít nhất nửa tháng trời mới khỏi, mà trong nửa tháng ấy vị công tử này hết sốt cao rồi lại ngủ li bì, có khi ngủ liên tục mấy ngày liền, bỏ ăn bỏ uống làm cho vợ chồng Phủ Doãn lo lắng muôn phần...

Vị lang y kia cũng là người lão luyện trong ngành, cũng đã thử hết cách, chốt lại cũng chỉ là kê vài đơn thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, tẩm bổ, dặn dò ngày nào cũng phải cho uống để phòng ngừa bệnh, còn dặn dò gia nô không cho tiểu công tử ra ngoài chạy loạn, không cho tiếp xúc với nắng mưa, còn phải luôn có tùy tùng đi theo mang theo thuốc để phòng khi cậu nhóc lại phát bệnh. Song, tất cả cái kia cũng chỉ là biện pháp tạm thời.

Cả hai vợ chồng cũng không phải là chưa từng nghĩ đến việc cúng bái thần linh, cũng đã đổ hết tiền tài trong gia đình để cầu phúc cho con trẻ được khỏe mạnh, cũng mời không ít đạo trưởng đến để xem bệnh, nhưng lần nào cũng vậy... Kết quả luôn là thất vọng tràn trề... Ai cũng không thể đưa ra giải pháp thỏa đáng.

Gần đây, người ta nghe ở trong huyện truyền tai nhau rằng có yêu quái chuyên đi bắt cóc trẻ em. Nghe nói rằng yêu quái này ngày xưa từng là một đứa trẻ dị dạng bị cha mẹ bỏ rơi, cho nên đã sinh lòng căm ghét những hài tử may mắn được cha mẹ yêu thương nuông chiều. Vì thế nó mới bắt những đứa trẻ này đem đi huyết tế để tăng thêm tu vi, sau đó lại biến những tiểu nhi xấu số thành vỏ rỗng giả người rồi giả dạng thành những đứa bé ấy để lừa gạt người thân những gia đình nọ, tiếp tục việc ác.

Hôm nọ Sư công tử với người hầu trong nhà ra ngoài đi dạo để đổi chút không khí, điểm đến của họ là nhà bá hộ họ Huỳnh có giao tình với Phủ Doãn ở huyện bên. Tuy rằng nói vị tiểu công tử phủ Hoài Nam này thường thân thể yếu ớt, nhưng cứ suốt ngày trốn ở trong nhà cũng chỉ khiến cho tinh thần của cậu thêm tệ hơn. Dù sao cũng chỉ là đứa trẻ non nớt mấy tuổi đầu, tuy rằng Sư thiếu gia so với những chúng bạn đồng lứa thì ít năng động hơn thật, song cũng không phải là tự kỷ thích ru rú trong phòng, nếu cứ để cậu nhóc làm tổ trong phòng mãi thì có khi lại thêm bệnh rụt rè sợ giao tiếp không chừng.

Với cả cứ ở hoài trong phủ cũng chỉ khiến cho cơ thể cậu ngày càng yếu ớt, giống như cây trồng trong nhà lâu ngày không hứng được ánh nắng thì sẽ thiếu đi chất diệp lục, khó sống lâu. Việc ít tiếp xúc với nắng gió sẽ làm cho cậu dễ bị dị ứng với môi trường bên ngoài hơn, sau này bệnh tình sẽ lại càng nghiêm trọng. Vì thế việc ra ngoài đi dạo cũng coi như là một biện pháp trị liệu dành cho cậu.

Khi đoàn tùy tùng đi ngang qua rừng trúc thì nghe thấy tiếng trẻ con khóc, một nô tỳ dừng lại tiến đến gần âm thanh kia thì thấy một đứa trẻ. Nàng định đến hỏi thăm nó xem sao thì bỗng nó quay người lại nhào vào lòng nàng, liên tục ê a gọi mẹ. Nô tỳ cảm thấy đứa bé quái lạ, trong lòng hoài nghi, đưa tay muốn đẩy nó ra, nhưng làm cách nào cũng không được vì hài tử này ấy vậy mà bám chắc vô cùng. Hoang mang với hành động quái dị của đứa trẻ, nô tỳ kia liền lấy sức mà hất mạnh nó ra khỏi người, khiến đứa bé ấy lăn lộn mấy vòng trên đất rồi đập đầu vào tảng đá gần đó, nằm yên bất động.

Nô tỳ thấy đứa bé nằm im thì trong phút chốc liền sợ tái mặt, nàng ta rón rén bước từng bước lại gần, định bụng muốn chạm vào người nó để xem thế nào thì bỗng hài tử lại rùng mình một cái, cứng ngắc quay mặt lại mà bám vào nàng lần nữa, nhưng lần này nó không chỉ bám nữa. Nó há miệng nhe răng mà ra sức cắn xé cơ thể người nô tỳ khiến nàng ta hét lên thất thanh. Những gia nô khác ở gần đấy nghe được nàng kêu la thảm thiết thì liền cử ra vài người chạy đến xem, nhưng kết quả thì vẫn là... Bị nó thẳng tay mà giết chết.

Mắt thấy người phái đi đã lâu mà ngay cả một cái bóng cũng không quay về, đám tùy tùng còn lại bắt đầu cảm thấy hoang mang, phu xe cũng cảm thấy chuyện bắt đầu không ổn nên liền hối mọi người đi nhanh, thúc ngựa chạy về phía trước.

Sư công tử được đoàn gia nô hộ tống đi được một lúc lâu, bầu không khí xung quanh càng trở nên quái lạ, mọi thứ yên tĩnh đến lạ thường, không có một tiếng nói hay tiếng động nào cả. Chỉ có thể nghe được tiếng gió thổi cành trúc lao xao cùng tiếng hít thở của mỗi người.

Sự yên tĩnh đến lạ thường này làm mỗi người trong đoàn dựng hết cả tóc gáy, ai nấy cũng thấp thỏm lo sợ. Bỗng từ trong rừng trúc, một đứa trẻ chừng bốn, năm tuổi lò mò bước ra.

Đứa trẻ này, cuối gầm mặt xuống đất, không nhìn ra mặt nó đang là biểu cảm gì, tay chân rũ rượi buông thõng xuống như con rối đứt dây, mái tóc bù xù bay tán loạn, quần áo được làm bằng vải bố rẻ tiền rách bươm như một tên ăn mày đầu đường xó chợ. Song khi nhìn thấy đứa trẻ này sắc mặt mọi người đều tức khắc tái nhợt, hốc mắt trợn to, mọi gai ốc trên người đều thi nhau dựng thẳng, cư nhiên là vì toàn thân nó bê bết máu!

Đứa trẻ đó cứ từ từ tha cái thân đầy máu mà tiến đến gần họ, một số gia nô không cầm được mà hoảng sợ hét to, tay chân luống cuống ném đá về phía nó. Nhưng đứa trẻ này bị ném cũng không lùi bước, nó cứ tiếp tục nhấc từng bước đến gần phía đoàn người, các tùy tùng không tự chủ được mà lùi ra sau ba bước.

Phu xe càng thúc ngựa chạy nhanh hơn, bỏ lại đứa trẻ quái dị đó ở phía sau, nó bị bỏ lại rất xa nhưng vẫn tiếp tục tiến về phía đoàn xe, kỳ lạ nhất là nó chỉ bước những bước nhỏ chầm chậm nhưng chẳng mấy chốc đã đuổi kịp cả đoàn người, thậm chí có lúc còn như là đang đứng ngay sau lưng họ.

Xem ra đám người cũng thấy được rằng cứ tiếp tục chạy trốn cũng không phải là cách, họ quyết định cử một thanh niên cao lớn ra chặn đứa trẻ kia lại, điều này nói ra thì nghe buồn cười thật, song họ chẳng hề có thời gian để cười. Bởi lẽ tròng mắt cả đám người lại trợn to một lần nữa, một thanh niên đang tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu ấy thế mà lại bị một đứa trẻ nhìn qua chưa tròn năm tuổi giết chết!

Đứa trẻ này giơ bàn tay đầy máu kia lên, phía dưới lớp huyết nhục có thể nhìn thấy một làn da trắng bệch như sứ, móng tay của nó dài dính đầy máu. Nó dùng bàn tay ấy đâm xuyên vào ngực trái của chàng trai, nắm chặt bàn tay lại, rồi rút ra. Tay nó đang nắm lấy một vật gì đó đỏ lòm đang còn đập mạnh sau khi bị giựt ra khỏi người thanh niên kia, rồi nó há to miệng, bỏ thẳng vật kia vào, nhai nhồm nhoàm tỏ vẻ rất ngon miệng. Máu tươi từ trong miệng nó chảy ra qua những khẽ răng, hàm răng trắng chốc lát nhuộm một màu đỏ.

Sau khi nhai xong, nó nở một nụ cười tươi đến quái dị nham nhở, nụ cười rộng đến tận mang tai, làm rộ ra hàm răng sắc nhọn còn vương đầy máu của nó. Bây giờ mọi người đã có thể nhìn rõ khuôn mặt đứa trẻ này, đôi mắt nó mở to, con ngươi co rút lại, tròng mắt đáng lẽ là màu trắng nay lại đổi sang đen, còn có thể nhìn rõ từng sợi gân máu đang nổi lên trên đó. Sắc mặt hài tử này trắng bệch, dường như có thể nhìn xuyên qua lớp da mà thấy rõ được từng mạch máu, kinh mạch của nó. Mà trên gương mặt đáng sợ ấy chằng kịp những vết khâu vá, những vết thương được may lại thô kệch bằng những sợi chỉ đỏ.

Mọi người không còn gì để nói, cứ trợn mắt há to miệng mà chôn chân tại chỗ như bị đóng băng, tựa hồ như đã bị chết cứng, toàn thân cứng đờ y chang những bức tượng hình người sừng sững giữa đường, ngay cả ý định bỏ trốn cũng bị đình trệ, chẳng ai còn đủ minh mẫn để suy nghĩ biện pháp chạy trốn nữa, họ không biết thứ trước mặt là gì, chỉ biết rằng nó không phải là người!

Sư công tử từ đầu lúc khởi hành đã ngủ gật trong xe ngựa, khi tỉnh dậy vẫn thấy mình ở trong xe, nhưng cậu lại cảm thấy có gì đó không đúng.

Không gian bên ngoài sao lại yên tĩnh đến lạ, thậm chí còn không thể nghe được tiếng bánh xe lăn trên đất, chỉ có thể nghe được tiếng trúc xào xạc va chạm vào nhau. Cậu có thể khẳng định rằng cả đoàn xe đang dừng lại, nhưng bên ngoài cũng chẳng có tiếng nói, chắc chắn là đoàn người cũng không dừng chân nghỉ mệt. Xung quanh cậu thấp thoáng một mùi tanh tưởi, tuy cậu không biết nó là gì nhưng trong tâm luôn tự nhắc mình rằng có điều gì không ổn.

Trong đống hỗn độn ấy, duy chỉ có một thứ mà cậu có thể nghe thấy được, đó là tiếng bước chân. Tiếng bước chân này bài không nhanh không chậm, giẫm lên những cành cây giữa đường mà tiến gần về phía cậu.

"Rộp rộp" tiếng bước chân kia giẫm lên những cành cây vương trên đất tạo ra tiếng "rộp rộp", một tiếng động này rất nhỏ nhưng cũng đủ khiến cậu lạnh sống lưng, kèm theo đó là một mùi hương tanh tưởi của máu tươi đang từ từ lan đến phía cậu theo âm thanh bước chân kia. Sư công tử rùng mình một cái, da gà đồng loạt nổi hết lên, y nghiêng đầu qua bên cửa sổ, nhỏ giọng:

"Tiểu Hoàng, Tiểu Hoàng, ngươi đâu rồi? Còn ở đó không?"

Đáp lại cậu là một mảnh trầm mặc cùng với tiếng gió rít lên. Âm thanh bước chân cùng mùi máu tanh tưởi vẫn đang từ từ tiến về phía cậu, một lần nữa cậu lại lên tiếng:

"Tiểu Hoàng, ngươi có nghe không đấy? Này! Có ai ở bên ngoài không? Này!"

Tuy tâm trạng của cậu ngày càng sốt ruột, nhưng Sư công tử là người thông minh, cậu không dại gì mà hét to tiếng để làm kinh động đến "kẻ" đang tiến lại gần mình kia.

Sau nhiều lần liên tục gọi nhưng chẳng nhận được hồi âm, dự cảm không lành của cậu càng ngày càng rõ rệt. Cậu biết chắc rằng bên ngoài đã xảy ra chuyện gì đó.

Cậu quyết định dùng chiết phiến của mình nhẹ nhàng hé rèm cửa sổ lên. Khe hở này rất nhỏ, nhỏ đến mức chỉ vừa đủ để cậu có thể nhìn thấy một góc nhỏ khung cảnh bên ngoài xe. Rèm cửa vừa được hé ra, một làn gió lạnh lẽo đập thẳng vào mặt khiến cậu rùng mình. Nhưng thứ khiến cậu giật mình chính là thứ mùi tanh quyện vào trong gió, mùi tanh của máu mạnh hơn gấp mười lần cậu ngửi thấy khi ở trong xe. Mùi này nồng đến mức khiến cậu phải "oẹ" lên một tiếng, khó khăn lắm mới có thể giữ cho mình không nôn ra.

Cậu đưa mắt nhìn qua khe hở, sau giây phút đó Sư thiếu gia cũng không còn gì để nói nữa, đầu óc cậu trở nên trống rỗng, ngay cả việc hít thở cũng vô thức bị ngưng lại. Toàn thân Sư công tử cứng đờ, hốc mắt cứ thế mà mở to, có thể nói là cậu hoàn toàn trơ ra, không còn ý thức tự chủ nữa.

Bây giờ cậu đã biết lý do vì sao mà mình không nhận được hồi âm sau bao nhiêu lần gọi người đến, cư nhiên là vì xung quanh cậu đã không còn một người sống nào cả.

Cậu cuối cùng cũng tìm thấy được Tiểu Hoàng, cái gia nô ấy từ nãy giờ vẫn luôn ở đây, luôn ở ngay bên xe ngựa để chờ mệnh lệnh cậu.

Nó vẫn luôn ở bên cậu, cho đến khi chết.

Xác của Tiểu Hoàng nằm ngửa trên đất, hai mắt trợn to, thất khiếu chảy ra toàn máu tươi, thân thể nó tàn tạ, tựa hồ nếu có người nhìn thấy cũng chẳng nghĩ nó là người.

Cả người nó đầy lỗ hổng xuyên thấu qua bên kia, bụng bị xé toạc, ruột non bị móc ra nằm vươn vãi trên mặt đất như những sợi dây dài trắng sữa dính đầy máu và bốc lên một thứ mùi tanh tưởi. Gần phần ruột bị móc ra còn có một vật màu đen nằm gần thân thể tiểu Hoàng, vật này lớn hơn bàn tay người một chút và còn bị khoác đi một miếng rõ lớn, tựa hồ như là bị cắn ra. Ngoài ra xung quanh thân thể tiểu gia nô kia còn có nhiều vật tương tự vậy, điểm chung của chúng là cái nào cái nấy cũng đều dính đầy máu.

Sư công tử nhìn thấy cảnh này, quả thật không biết những vật kia là gì và cũng không có ý định muốn biết.

Chân trái của Tiểu Hoàng cũng chỉ còn dài đến phần đùi, cẳng chân của nó không biết tự khi nào đã bị mất đi, trông như là bị kẻ khác thẳng tay giật đứt khỏi cơ thể. Cuối đầu gối chỉ còn có thịt đỏ tươi, lộ ra một phần xương trắng của khớp gối, phần da đùi cũng bị lột ra, nhìn thấy rõ cả thịt tươi, dây kinh mạch và bó cơ của nó. Tay phải của tiểu gia nô cũng đứt lìa, rồi bị vứt ngay cạnh xác nó. Bên ngoài kiệu còn có mấy cỗ thi thể khác bị hành hung dã man như vậy, cái nào cái nấy trông đều rất kinh khủng, đủ để cho thấy kẻ ra tay giết họ dã man đến cỡ nào!

Sư công tử chết trân tại chỗ, cậu không biết nên làm gì mới phải, cổ họng cậu khô khốc, miệng cứ như vậy mà mở ra. Cậu không biết bây giờ trong mình đang là cảm giác gì, mỗi khi nhìn thấy biểu cảm trên mặt của Tiểu Hoàng là cậu lại như người mất hồn, miệng nó há to ra như đang muốn nói gì đó, mặc dù âm thanh của nó không thể truyền đến tai cậu nhưng chỉ cần nhìn thấy khẩu hình miệng thôi Sư thiếu gia cũng đủ biết nó muốn nói gì... Đó là từ mà nó luôn treo ở trên miệng, luôn dùng vẻ mặt kính cẩn nhất để gọi cậu... Cho đến khi chết, nó vẫn luôn gọi cậu...

"Công tử."

Sư thiếu gia giật bắn mình, lùi lại về phía sau, con ngươi co rút chỉ còn lại một chấm đen nhỏ, hốc mắt mở to lộ rõ các sợi gân máu. Không biết từ lúc nào, một gương mặt đã hiện ra ngay trước mặt, gương mặt ấy thông qua cửa sổ nhỏ trên xe mà truyền vào mắt cậu.

Kẻ kia đang cười điên cuồng, khóe miệng kéo rộng đến tận mang tai. Miệng của hắn bây giờ dính đầy máu, từng hàng, từng dòng máu tanh chảy ra qua các kẽ răng của hắn, đôi mắt mở to nhưng không phải vì kinh ngạc mà lại là phấn khích, biểu cảm của nó trông như một con thú dữ vui sướng khi tìm được con mồi. Nước da kẻ kia trắng bệch, không phải trắng hồng hào hay trắng sứ như da người mà cái trắng bệch của cỗ tử thi, cái trắng bệch của xác chết không còn chút máu, màu trắng xanh xao như quỷ thanh đăng.

Trên cơ thể hắn bốc lên một cỗ hôi thối của xác chết, cùng với nồng nặc mùi máu tươi tanh tưởi. Kẻ quái dị kia cứ đứng trước khung cửa sổ, không nhanh không chậm mà liên tục gọi:

"Công tử... Công tử..."

Những tiếng gọi đó cứ như thôi miên mà liên tục vang lên trong đầu Sư thiếu gia, làm cậu nhớ đến tình trạng thảm thương của Tiểu Hoàng. Bỗng một làn gió lạnh hàn vụt vào mặt cậu, tên quái dị kia đang thò tay qua cửa sổ và vươn dài tay như muốn chạm đến Sư công tử.

Đang khi Sư thiếu gia nhủ thầm tuyệt vọng thì bỗng "xoẹt" một cái, một dải lụa trắng không biết từ đâu chui ra, cắt xuyên qua lớp màn che của cỗ xe ngựa và đồng thời đem luôn cánh tay đang vươn tới Sư thiếu gia một nhát cắt đứt. Con quỷ nọ sắc mặt đại biến, cánh tay của nó bị chặt đứt, máu tươi từ trong miệng hộc ra, nó lập tức gục xuống đất lăn lộn mấy vòng, miệng liên tục gào thét đau đớn.

Cánh tay bị đứt lìa kia không còn cơ thể chống đỡ nên liền rơi xuống, tự động lăn lăn mấy vòng trên đất rồi trở nên đen sì, bốc lên mùi khét đến hay mũi, vị trí bị cắt đứt bắt đầu xuất hiện những đốm đo đỏ hệt như tàn lửa, tàn lửa này lan rộng ra rồi liền đem cả cánh tay kia thiêu đốt. Chỉ trong tích tắc, cả cánh tay đã hoá thành tro bụi rồi tan vào hư không, như thể chưa từng tồn tại.

Qua khe hở mà dải lụa trắng vô tình tạo ra khi cắt đứt cánh tay của tên quỷ, Sư công tử đưa mắt nhìn sang, theo hướng mà dải lụa kia bay tới thì thấy một bạch y nhân đang đứng đó, dải lụa khi nãy giờ đây đang được buộc vào cánh tay của đạo nhân kia. Bạch y nhân này vóc dáng gọn gàng, bạch y trắng toát không vướng chút bụi, cả dải lụa cùng đạo bào theo gió mà đung đưa, mái tóc đen dài được thả xuống cũng nhẹ nhàng bay bay.

Sư thiếu gia không thể nhìn thấy được khuôn mặt của bạch y nhân này, cư nhiên là vì y đội một cái nón lá rộng vành, che hết cả nửa khuôn mặt, chỉ có thể miễn cưỡng thấy được khoé miệng người kia. Người này không lên tiếng, chỉ có thể dựa vào nửa khuôn mặt phía dưới mà đoán biểu tình, đôi môi kia hơi cong lên, tựa như đang mỉm cười, lại tựa như không.

Đang lúc muốn tiến đến gần hơn để nhìn rõ người kia thì bỗng một cơn đau đầu dữ dội ập đến, Sư công tử dập đầu xuống đất, hai tay đưa lên ôm lấy đầu mình, hít thở gấp gáp rồi lăn qua lại trên băng ghế mấy lần. Tầm mắt Sư thiếu gia dần mờ lại, khoé mắt hơi rũ xuống, mi mắt cậu không còn chống đỡ nổi nữa, đôi mắt trở nên lờ mờ rồi cuối cùng là rơi vào hôn mê.

Trong vô thức dường như Sư công tử nghe được tiếng ngựa chạy trên đất cùng vài tiếng nói vang lên thất thanh, nhưng cũng chẳng rõ là thật hay là mơ.

"Này, ngươi có sao không?"

"Hiền nhi, hiền nhi của ta..."

"Mọi người thỉnh bình tĩnh, tiểu công tử chỉ là tái bệnh, nhất thời hôn mê, nghỉ ngơi một chút sẽ khỏi. Mong mọi người đừng làm ồn!"
"Sư công tử... Sư công tử... Huynh mau tỉnh dậy đi mà."

"Tiểu thư đừng lo, Sư công tử sẽ sớm tỉnh dậy thôi. Nào, bây giờ chúng ta ra ngoài đứng đợi nha?"

"Sư công tử... Công tử..."

"Làm ơn..."

Đang... Đang có chuyện gì vậy...? Bên ngoài ồn quá... Im lặng một chút đi... Làm ơn đừng nói nữa... Dừng lại đi, CÂM MIỆNG HẾT ĐI!

Sư thiếu gia giật mình ngồi bật dậy, cả người thở hổn hển, mồ hôi lạnh túa ra như tắm, hít thở rì trệ, phải một lúc sau cậu mới có thể bình ổn lại, cậu nghiêng đầu, quan sát xung quanh.

"Đây là...?"

Nhìn một vòng kiến trúc cùng với cách sắp xếp bố trí của căn phòng này, cậu xác định đây chính là tư phòng của mình. Ra là phòng ngủ của mình à, vì thế mới thực không ổn! Vừa nãy cậu còn ở trên xe ngựa cơ mà? Hơn nữa cậu còn nhìn thấy...

"Tiểu Hoàng! Tiểu Hoàng! Nhà ngươi đang ở đâu, Tiểu Hoàng!"

Sư công tử gắng hết sức gào giọng gọi.

Bỗng, cửa phòng nhẹ nhàng mở ra, một bóng người nhỏ nhẹ nhàng bước vào, tựa như không muốn đánh thức người đang nghỉ bên trong, người bước vào này vậy mà lại là một tiểu hài tử.

Tiểu hài tử này nhìn qua cũng chỉ có mười hai, mười ba tuổi gì đấy là cùng, tay nó đang bưng một cái chậu rửa mặt chứa đầy nước trong vắt, trên thành chậu vắt một chiếc khăn bông mềm mại để lau mặt. Tiểu hài tử này thân hình gầy nhỏ, nó khoác tạm một bộ y phục xám tro cũ kĩ đã có nhiều chỗ bị sờn, tóc búi lên cao, hoàn toàn giống như hình tượng của các tiểu gia nô làm việc trong các nhà địa chủ.

Sư công tử thở ra nhẹ nhõm, tiểu hài tử này đến gần giường nghỉ, đặt chậu rửa mặt lên bàn, kéo ghế ra, nó nhỏ giọng nói:

"Công tử đã tỉnh, thỉnh công tử ngồi dậy rửa mặt."

Sư thiếu gia cảm thấy yên tâm mười phần, cho tới khi cái gia nô kia đưa tới cho cậu một bộ y phục, thỉnh cậu thay vào thì bỗng sắc mặt của cậu đại biến, mạnh tay quăng phắt bộ y phục vừa nhận xuống đất, quát lên:

"Ta không cho gọi ngươi! Tiểu Phúc, nói mau, ca ca ngươi đâu? Tiểu Hoàng đâu? Kêu hắn đến đây ngay cho ta!"

Lần này cậu thật sự là tức điên, nghiến răng gằn từng chữ hét lớn vào mặt Tiểu Phúc, tiện tay hất luôn chậu nước ở trên bàn, nước trong chậu đổ ào ra ngoài, một phần nước tạt thẳng vào người tiểu Phúc đang ở bên cạnh. Làm cho cả người nó ướt nhẹp, tóc tai dính đầy nước. Mí mắt nó khẽ chớp, song nó vẫn không nói gì. Đợi đến khi tiểu thiếu gia bớt giận dữ, ngồi phịch xuống ghế, nó mới chịu mở miệng:

"Hồi công tử, ca ca của ta là hôm đó cùng đi theo ngài đến rừng trúc thì gặp nạn, sau đó thì..."

Tiểu Phúc im lặng, không nói gì thêm nữa, nó cúi người nhặt lên chậu rửa mặt cùng khăn bông rồi lại quay sang nhặt lên bộ y phục vừa nãy bị tiểu chủ hất xuống đất.

Bộ y phục này được dệt từ lụa quý, có khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể, vào mùa đông nó sẽ vô cùng ấm áp, tựa như chăn bông, vào mùa hạ thì lại rất thoáng mát, dễ thoát mồ hôi, không để cho cơ thể bị hầm bí. Bộ bạch y này trắng như tuyết, ở cuối mép áo được thêu hoa văn sóng nước bằng chỉ xanh nhạt rất tinh tế, nhưng bây giờ thì không còn như thế nữa, nó đã bị bụi trên đất làm bẩn.

Ai cũng biết rằng Sư công tử từ khi sinh ra sức khỏe rất yếu, hễ cứ mưa gió trở trời là lại bị cảm, nếu như căng thẳng hay hốt hoảng quá độ thì sẽ lập tức lên cơn đau đầu, chóng mặt quằn quại rồi bất tỉnh. Vì thế nên mọi cử chỉ của vị công tử này đều được theo dõi kĩ càng, đến cả từng bữa cơm, từng chén thuốc phải luôn luôn đúng giờ. Ngay cả quần áo, y phục mà y mặc cũng được chăm chút một cách kĩ càng.

Còn cái Tiểu Phúc kia từ nhỏ đã là tôi tớ nhà Phủ Doãn, Tiểu Phúc cùng anh trai mình là Tiểu Hoàng là nhị huynh đệ song sinh. Từ nhỏ đã theo hầu thiếu gia, vì tuổi cũng trạc nhau nên ba người chơi rất thân.

Theo như phân công, thì Tiểu Hoàng sẽ là tôi tớ cận kề bên cạnh thiếu gia, lo việc nghỉ ngơi, cùng quan sát nhất cử nhất động của công tử, công tử đi đâu thì sẽ theo nấy. Còn Tiểu Phúc thì lo việc ăn uống, sắc thuốc, chuẩn bị phần cơm cho thiếu gia, vì đặc thù công việc nên thường xuyên ở trong bếp, ít tiếp xúc cùng công tử. Vì thế, cư nhiên Sư công tử sẽ thân thuộc với Tiểu Hoàng hơn.

Cũng chính vì thân cận như thế mà đã khiến Tiểu Hoàng phải chết trẻ....

Tiểu Phúc khom người, gom lại hết đồ trên đất, xong việc nó mới đứng dậy, nhẹ nhàng hành lễ rồi ra khỏi phòng, để lại một Sư công tử vừa mới tỉnh chưa được bao lâu, tinh thần bất ổn ngồi thẩn thờ.

Thấy người đã rời đi, Sư công tử mệt nhọc ngả xuống, đầu tựa vào thành giường, thở một hơi dài, hai mắt khẽ chớp, yên lặng suy nghĩ.

Đó là sự thật, tất cả mọi thứ y nhìn thấy đều là sự thật.

Cậu thực sự không có bị ảo giác, mọi chuyện đều là sự thật, Tiểu Hoàng cùng các gia nô đi cùng cậu đều đã chết hết, đều thật sự chết hết cả... Đang nghĩ nghĩ thì bỗng hình ảnh thi thể thảm thương của Tiểu Hoàng lại vụt qua trước mắt Sư công tử.

"Oẹ, khụ... khụ...."

Cậu liên tục dùng tay vỗ vào ngực mình, mồ hôi lạnh không ngừng chảy xuống, thấm đẫm hết vào bộ trung y trên người. Sư thiếu gia nhanh chân chạy đến cạnh bàn, gấp rút mà tự rót cho mình một chén trà, rồi nhanh chóng nuốt vào, nước trà ấm mang theo vị chát mà trôi xuống cổ họng cậu.

Xong, cậu lại ngồi xuống ghế, thơ thơ thẩn thẩn, một lần nữa mà suy nghĩ cặn kẽ.

Cuối cùng Sư tiểu công tử cũng có thể miễn cưỡng tiếp thu được mọi chuyện, chính là mọi người đều đã bị giết, còn cậu thì quay về đây.

Có gì đó không ổn! Mọi người đã chết hết vậy thì làm sao cậu còn có thể quay trở lại? Còn nữa, bạch y nhân kia rốt cuộc là ai?

Nếu như lúc nãy đừng đuổi tiểu Phúc đi thì tốt rồi, bây giờ trong đầu Sư tiểu thiếu gia ngổn ngang không biết là bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp.

Đang lúc cậu tập trung suy ngẫm thì cánh cửa tư phòng lại lần nữa mở ra...

Cánh cửa bị mạnh bạo mà mở ra, một bóng dáng nữ nhi nhanh như cắt mà chạy ào tới ôm chầm lấy Sư công tử, liên tục lắc lắc người cậu mà sụt sùi nói:

"Huynh... Huynh đã tỉnh dậy rồi! Huynh đã ngủ lâu cả tuần nay rồi đấy! Huynh có biết muội lo cho huynh lắm không... Diệu Nhi cứ tưởng... Cứ tưởng... A a a..."

Về Diệu Nhi, cô bé này là quý nữ của nhà bá hộ họ Huỳnh, trên có hai anh trai, vì là con út trong nhà nên được nuông chiều từ nhỏ. Nàng cùng Sư công tử từ trước khi chào đời đã có hôn ước do hai nhà định. Có thể coi là con tâu tương lai của Phủ Doãn, thuở nhỏ cùng Sư công tử giao tình khá tốt, thường đến chỗ cậu chơi.

Bất quá Sư công tử không hề xem Diệu Nhi như là nương tử tương lai mà lại giống như là muội muội ruột hơn, và có lẽ Diệu Nhi cũng vậy, cô nhóc đơn thuần chỉ là muốn có người chơi chung thôi.

Cái nữ tử này ôm chặt người cậu, oa oa mà khóc lên, theo sau nàng là một cô nương dong dỏng cao, ăn mặc gọn gàng, đơn giản, liên tục gọi:

"Tiểu thư, mong người đừng xúc động, thiếu gia cũng chỉ mới tỉnh lại, người làm như vậy, thực sự là không phải phép."

Cô nương kia, trầm giọng nói với Diệu Nhi.

Cô nương này tên Hương Tràm, so Diệu Nhi lớn hơn năm tuổi, cũng tức so Sư công tử hơn ba. Nghe nói rằng Hương Tràm cô nương từ trước khi Diệu Nhi sinh ra đã ở nhà bá hộ, làm công cùng với gia phụ, gia mẫu. Sau này, phụ mẫu qua đời, bà bá hộ thấy Hương Tràm tính tình hiền lành lại chịu thương chịu khó nên đã giữ nàng lại, cho nàng trách nhiệm trông coi miếng ăn giấc ngủ của mình, cho nàng ăn no mặc đủ.

Đến khi tiểu thư đủ lớn để tách ra ở riêng, bà bá hộ lệnh cho Hương Tràm đến chăm sóc cô nhóc, tuy nói rằng Hương Tràm chỉ là tôi tớ nhà bá hộ nhưng đối với Diệu Nhi mà nói, Hương Tràm giống như là thân tỷ tỷ hơn.

Hương Tràm từ nhỏ đã là con một, sau này cha mẹ mất, được gia đình bá hộ cưu mang, tuy chỉ là giữ lại làm công, nhưng trong lòng Hương Tràm lại cảm kích vô cùng, khi được giao cho nhiệm vụ chăm sóc tiểu thư, nàng đã làm hết sức, coi tiểu thư như muội muội ruột thịt của mình mà bảo vệ.

Tuy rằng việc coi chủ như em mình là điều bất kính nhưng quả thực đó là quan hệ của họ. Trong nhà bá hộ Hương Tràm cũng được coi là có quyền hạn hơn các bầy tôi khác, nàng làm việc như tổng quản trong gia đình, quản lý hết từng bữa ăn giấc ngủ của gia đình bá hộ cho đến những người làm công ở đó.

Diệu Nhi nghe Hương Tràm nói vậy, dường như cũng nhận ra, thế là nín khóc, buông cậu ra, sửa lại tư thế rồi nghiêm trang đứng dậy. Lát sau, có hai bóng người bước vào phòng, đó chính là phụ mẫu của cậu, Diệu Nhi thấy thế liền cúi đầu hành lễ:

"Lão gia, phu nhân."

Cái nô tỳ kia cũng lên tiếng:

"Phủ Doãn đại nhân, Phủ Doãn phu nhân."

Rồi Diệu Nhi nhường chỗ cho hai người, lùi ra sau không nói gì. Hương Tràm kia cũng chỉ là thân tôi tớ, càng không thể thất lễ, nàng quay ra đóng cửa lại rồi bước lên rót ba chén trà. Sau đó nàng lui ra ngoài, nhường lại không gian cho các chủ tử.

Phu nhân đến bên hài tử của mình, lo lắng hỏi han:

"Hiền nhi, con có sao không? Có đói không? Hay là để nương kêu người mang đồ ăn đến cho con nha." Rồi bà quay đầu nói vọng ra: "Tiểu Phúc, ngươi mau mang cháo đến cho thiếu gia dùng!"

Tiểu Phúc đang đứng ngoài cửa, nghe được mệnh lệnh, cúi đầu "dạ" một tiếng rồi chạy đi. Phu nhân quay sang nhìn Diệu Nhi đang im lặng từ nãy đến giờ rồi nở một nụ cười hiền hậu, bà nói với Sư công tử:

"Con có biết không, trong lúc con hôn mê Diệu Nhi đã lo lắng lắm đó, nó đã thức mấy đêm liền vì con, đến tận bây giờ cũng chưa nghỉ ngơi, lần này con giữ mạng được cũng là nhờ con bé đấy."

Sư công tử gật gật đầu vài cái, tỏ vẻ đã hiểu. Diệu Nhi nghe thế thì tươi cười, cung kính đáp lại phu nhân:

"Thưa phu nhân, đó là bổn phận của con ạ."

Phu nhân lại nói:

"Lúc đó nếu không con không đến kịp thì chẳng biến con trai ta còn có thể giữ lại đươc mạng hay không. Quả thật, bọn ta mang ơn con nhiều lắm!"

Nghe đến đây Sư công tử vội hỏi :

"Diệu Nhi, là muội mang ta về phủ ư? Thế muội có nhìn thấy một bạch y đạo nhân ở gần đó không?"

Diệu Nhi bị hỏi bất ngờ như vậy một hồi sau mới phản ứng kịp, nàng lắc đầu, đáp:

"Đúng là muội mang huynh về phủ. Muội nghe cha bảo là huynh sẽ đến chỗ muội chơi, nhưng mà đợi mãi vẫn không thấy huynh đâu, thế là muội với Hương Tràm tỷ tỷ đành lên kiệu đi xem sao, chỉ sợ huynh lạc đường. Kết quả là thấy huynh và mọi người gặp nạn. Lúc đó muội cũng hoảng quá, chỉ nhớ là phải kêu người đến cứu, cũng không để ý xem xung quanh thế nào..."

Phu nhân hoàn toàn không hiểu chuyện gì, bà hỏi:

"Cái gì mà bạch y đạo nhân? Hiền nhi, rốt cuộc chuyện là thế nào? Con mau nói cho nương nghe, đã có chuyện gì xảy ra?"

Sư công tử thành thật thuật lại hết thảy những chuyện đã xảy ra, bao gồm cả việc mình được bạch y đạo nhân kia cứu như thế nào, cố gắng hết sức mô tả các đặc điểm nhận dạng của người kia, nhưng cuối cùng vẫn là không thấy được mặt nên cũng lực bất tòng tâm.

Lão gia khẽ nhíu mày, phu nhân thì đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Diệu Nhi cũng im lặng, không nói gì, nàng lúc đó cũng là lấy cứu người làm trọng, không rảnh để ý đến xung quanh, âu cũng không có lỗi, lại nói tất cả những nạn nhân bị hại trong sự kiện lần này bị nàng tìm thấy đều đã được an táng đàng hoàng, làm lễ cầu siêu tử tế.

Nói chung mọi việc cũng tạm coi là ổn.

Lúc này cháo nóng đã được mang tới, Sư công tử múc một muỗng cháo rồi thổi thổi mấy cái mới cho vào miệng, cháo gà mới được nấu xong còn nóng, chỉ mới ăn một ít thôi mà cậu cũng cảm thấy khỏe hơn.

Nhìn thấy mọi thứ đều đã ổn, lão gia cũng không nhiều lời, hỏi con trai:

"Con có thấy chỗ nào trong người khó chịu không?"

Ông nói câu này rất chậm, nghe có vẻ rất điềm tĩnh nhưng ngữ điệu lại tỏ vẻ vô cùng quan tâm, Sư thiếu gia cũng không nói nhiều, chỉ đáp lễ phép đáp lại:

"Thưa phụ thân, con không sao."

Rồi cậu như nhớ ra gì đấy, liền nhìn ra phía ngoài cửa sổ một lúc rồi hỏi:

"Phụ thân, mẫu thân, hôm nay là ngày mấy ạ?"

Hai ông bà nhìn nhìn nhau, rồi Phủ Doãn phu nhân mới mở miệng:

"Con chỉ mới tỉnh dậy, hỏi mấy chuyện đó làm gì. A đúng rồi, bây giờ ta đi mời lang y đến xem bệnh cho con nhé."

Sư thiếu gia im lặng nhưng mắt lại chăm chăm nhìn bà, còn hơi kéo kéo tay áo bà, ánh mắt như muốn nói rằng mẹ nói cho con đi.

Phu nhân bối rối, đang lúc bà tính lãng tránh sang việc khác thì lão gia lại lên tiếng, ông bảo:

"Hôm nay là rằm tháng mười."

Sư công tử nhẹ nhàng " ân " một tiếng, y trầm tư :

"Từ đó đến nay đã là một tuần trăng rồi a. Ta đã hôn mê lâu như vậy sao? Không thể tin được..."

Phu nhân hỏi han hài tử mình vài câu rồi ra ngoài mời lang y vào. Lão gia thân là Phủ Doãn cũng có nhiều việc cần làm, thế là ông cùng vợ ra khỏi phòng. Sư công tử cũng chỉ im lặng suy tư, y vớ lấy một quyển sách ở gần đấy, cố gắng chăm chú đọc, nhưng mà cũng chẳng thể ngấm vào chút gì.

Diệu Nhi cúi đầu cung kính cúi chào lão gia cùng phu nhân, bước ra ngoài cửa nhưng không đi. Cô nhóc cùng nữ hầu cứ đứng đó, một lúc sau không nghe thấy động tĩnh gì, liền quay vào nhìn người trong phòng, thấy người nọ cầm sách, nom có vẻ rất chăm chú không để ý đến phía bên này, Diệu Nhi mới bực dọc lên tiếng:

" Này! "

Sư công tử đang trầm tư thì bị một tiếng "này" rõ to của nhóc làm cho thất hồn lạc vía, phải một lúc sau cậu mới có thể định hồn, cậu nghiêng qua nhìn Diệu Nhi:

"Muội có việc gì à? Sao còn chưa quay về?"

Diệu nhi như bị câu nói này chọc cho tức, mặt mày đỏ ửng, thẹn quá hóa giận nói:

"Sao huynh từ nãy giờ cứ như người mất hồn thế? Thơ thơ thẩn thẩn cả ngày, ta mang huynh về không phải để huynh như thế!"

Sư thiếu gia không đáp.

Diệu Nhi lại tiếp tục:
"Huynh bình thường, nếu là gặp chuyện gì cũng sẽ bình tĩnh giải quyết, trước sau không bao giờ thất thố trước người khác, chẳng giống như bây giờ hồn phách lên mây đâu!"

Nghe Diệu Nhi nói như vậy, Sư công tử không biết là cảm thấy được điều gì, cậu bỏ sách xuống, lặng thinh một lát rồi mới mở miệng:

"Về chuyện hôm trước, thật lòng cảm ơn muội."

Diệu Nhi nhất thời ngẩn ngơ:

"Huynh cảm ơn ta vì cái gì?"

Sư thiếu gia đáp:

"Lần đó gặp nạn, muội cứu ta."

Cô nhóc trơ ra một chút, rồi như sực hiểu ra, không những không vui lên mà còn càng tức giận, nàng nói:

"Ta không cần huynh nói cảm ơn như thế, huynh, mau bỏ sách xuống, nhìn ta!"

Sư công tử thở hắt ra, nhưng cũng nhịn xuống khó chịu, ngẩng mặt lên nhìn nàng, chất vấn:

"Muội còn muốn thế nào? Chẳng nhẽ lớn đến chừng này rồi còn muốn ta dắt ra tới cửa phủ?"

Diệu Nhi cạn lời, cô bé thật sự không thể tin được người đang đứng trước mặt mình lớn hơn mình hai tuổi, càng không thể tin được đó là thái độ của một người vừa được cứu mạng nói chuyện với ân nhân của mình, cho dù Diệu Nhi không tính toán chuyện cứu giúp kia, nhưng trước giờ cô tiểu thư của nhà bá hộ cũng chưa từng bị người ta thờ ơ như vậy.

Diệu Nhi vốn chỉ là muốn nán lại một chút thôi, cứ nghĩ là sẽ được cùng vị trúc mã này trò chuyện một chút, xem thử tình trạng của cậu thế nào mà cân nhắc. Nhưng vị công tử này lại cứ như người mất hồn, cư xử kỳ quặc như vậy, quả thật là muốn khiến cô bé tức chết, đành vậy, hôm nay dù thế nào Diệu Nhi cũng phải khiến tên tiểu thiếu gia này bình thường trở lại mới được!

"A! Huynh thế mà dám bắt nạt ta, huynh hay lắm, mới tỉnh dậy chưa được bao lâu liền khi dễ ta, ta... Ta sẽ nói cho mọi người, nói cho mọi người biết huynh thế mà dám mắng ta, a a a..."

Cô nhóc khụy gối, quỳ rạp xuống đất, hai tay đưa lên khoé mắt dụi dụi trông như đang gạt nước mắt, miệng vừa gào khóc vừa la lớn, tựa hồ như muốn hét lên cho thiên hạ biết là vị tiểu thư này đang bị bắt nạt vậy.

Sư công tử quả thật hết cách, cứ như thế này thì thật sự sẽ lớn chuyện mất. Sư thiếu gia nhà Phủ Doãn mà lại đi bắt nạt cái tiểu thư so mình nhỏ hơn hai tuổi á? Truyền ra sẽ khiến cho người khác nghĩ thế nào đây?

Sư công tử ít giao thiệp với bên ngoài, cái này ai cũng biết, nhưng chẳng được mấy ai hiểu được tính cách cậu, cũng chỉ coi cậu là hài tử mười tuổi có hơn như bao hài đồng khác, chuyện cậu chọc ghẹo một cô nhóc e là nói ra mười người thì cũng hết chín người tin.

Ai chẳng biết, Phủ Doãn phu nhân thương yêu Diệu Nhi tiểu thư như chính mình con ruột chứ, mẫu thân nếu biết chuyện nhất định sẽ trách mắng cậu cho xem.

Được rồi, Diệu Nhi cô nương, Diệu Nhi tiểu thư, Diệu Nhi muội muội. Coi như là lần này Sư công tử thật sự chịu thua cái bài làm nũng của cô đi ha, rồi rồi rồi, làm ơn đi mà, đừng khóc nữa.

Thấy Diệu Nhi càng khóc càng lợi hại, Sư công tử coi như là đầu hàng, cậu dừng việc đọc sách lại, tiến đến chỗ Diệu Nhi đang quỳ, đỡ nàng lên, dỗ dành mà nói:

"Rồi, rồi Diệu Nhi ngoan, ngoan nha. Ở đây thật sự không có ai bắt nạt muội hết a, muội nhanh nín đi, nếu như phụ mẫu lại hiểu nhầm thì không hay đâu."

Diệu Nhi hơi nín lại, mếu máo nói:

"Là huynh, rõ ràng là huynh bắt nạt ta! Huynh lúc nào cũng vậy, không thương ta, ta không nín đâu, tất cả là lỗi của huynh cả!"

Được lắm tiểu thư, lần này coi như cô lợi hại, thực sự bức Sư thiếu gia phải xuống nước rồi đấy.

"Được rồi, đều là lỗi của ta, đều là lỗi của ta... Là ta sai, là ta sai, được chưa? Bây giờ muội muốn ta làm sao mới chịu nín khóc đây? Ta hứa với muội là chuyện gì cũng sẽ làm mà, nha?"

Sư công tử coi như là thực sự đầu hàng trước màn kịch "tiểu cô nương ủy khuất rơi lệ" này rồi.

Tiểu cô nương kia vẫn còn khóc, nghe cậu nói thế thì làm bộ ngây thơ chớp chớp mắt, hỏi:

"Thật không?"

Sư công tử gật gật đầu:

"Là thật, là thật, tất cả đều là thật. Ta sẽ làm hết vì muội mà."

Diệu Nhi vẫn còn một chút hoài nghi, hỏi lại:

"Vậy huynh phải hứa với ta là dù có chuyện gì xảy ra cũng không được nuốt lời nhé?"

Thấy mọi chuyện có vẻ ổn hơn, Sư thiếu gia gật đầu nói:

"Hứa. Ta hứa."

Mục đích coi như đã đạt được, Diệu Nhi lập tức nín hẳn, tươi tỉnh trở lại, hai mắt long lanh mà nói:

"Vậy huynh nhất định phải cùng ta đến một nơi nha, tuyệt không được nuốt lời!"

Không hiểu sao chứ, Sư công tử cứ có cảm giác là mình vừa bị hố một cú đau điếng vậy.

"Xoẹt" một âm thanh tựa như tia chớp vang lên trong đầu cậu, theo sau đó là hàng loạt tiếng nói cùng những hình ảnh rời rạc.

"Thanh Huyền à, đệ đừng khóc nữa, ngoan, ngoan đi nha. Ở đây làm gì có ai bắt nạt đệ đâu, nào, mau nín đi chứ. Đệ mà cứ khóc như vậy thì còn ra thể thống gì? Lỡ người ngoài nhìn thấy thì sẽ nghĩ ra làm sao? Rồi rồi, nín nín. "

"Hức hức, ca ca toàn bắt đệ phải thế này phải thế kia, ca ca toàn thích làm khó đệ không à! Chắc chắn là trong lòng ca ca luôn coi đệ là đứa kì quặc, chỉ biết hóa nữ nhi, không giống nam tử chứ gì... Ca ca hết thương đệ rồi a! Hức!"

"Thanh Huyền, sao đệ cứ phải nói như vậy? Ca ca không lúc nào là không thương đệ hết. Rồi rồi, bây giờ đệ muốn ca là gì đệ mới nín đây?"

"Vậy ca ca có hứa là việc gì cũng sẽ làm không?"

"Hứa, hứa. Ta hứa mà."

"Ca sẽ không hối hận chứ?"

"Sẽ không."

"Tuyệt đối không hối hận?"

"Tuyệt đối không."

"Vậy ca ca đã hứa rồi nha. Không được nuốt lời đâu, hi hi."

Tình cảnh này sao lại có thể quen thuộc đến vậy chứ... Bất quá, Sư công tử không thể nhớ ra người tên Thanh Huyền kia là ai, càng không thể nhớ nổi tình cảnh ấy là mình gặp phải khi nào. Cậu cũng không thể nhớ được kết cục của đoạn ký ức đó là gì.

Chỉ có cảm giác là lần nào cũng vậy, việc mà đối phương bắt cậu phải thực hiện luôn khiến cậu đau đầu, tuy rằng đã hứa là sẽ tuyệt không hối hận nhưng trong tận thâm tâm cậu vẫn luôn kêu gào ân hận.

Song, lần nào cũng thế, cậu luôn bị nước mắt của người kia làm cho mềm lòng, vị trí của người kia trong lòng cậu thực sự rất là quan trọng.

Chỉ là, cho dù có vắt hết óc ra mà tìm thì vẫn không thể nhớ ra.

Bỗng một tiếng nói vang lên bên tai cậu:

"Này, công tử, Sư công tử!"

Diệu Nhi đứng ngay trước mặt cậu, hai tay chống hông, đôi mày nhíu lại mà nhìn sang cậu, Sư thiếu gia bị cô nhóc nhìn đến chằm chằm như vậy thì hơi giật mình, khó hiểu hỏi lại:

"Ơ, hả, có việc gì?"

Diệu Nhi một lần nữa tức muốn hộc máu, nàng cố giữ lại bình tĩnh, nhẹ nhàng nhất có thể mà nói:

"Ta mới phải hỏi huynh sao còn chưa đi? Chẳng phải huynh đã hứa theo ta đến một nơi sao? Cớ sao giờ còn ở đây?"
Sư công tử ngẫm nghĩ, nhớ ra chuyện mình hứa với Diệu Nhi, cậu "à" một cái, tỏ vẻ đã hiểu.

Cậu đứng dậy, cùng Diệu Nhi bước ra khỏi phòng. Bên ngoài, mặt trời lúc này đã là chạng vạng, ánh nắng vàng cam pha chút hồng chiếu lên gương mặt thanh tú của cậu, tạo cảm giác mặt cậu hơi hơi đỏ lên. Bộ bạch y tao nhã cũng nhuốm sắc vàng, cùng với những hoa văn sóng nước tạo nên một cảm giác cao sang quý phái lạ lùng.

Còn Diệu Nhi kia thì toàn thân là một bộ hồng cánh sen y phục, những họa tiết cánh hoa tinh tế, cùng những viên ngọc châu đính trên áo phản chiếu lại ánh nắng, nổi bật vô cùng. Mái tóc của cô nhóc lên thành hai cái bánh bao, rồi buộc bên ngoài bằng miếng vải hồng sen điệp với màu áo. Diệu Nhi ngây thơ tươi cười, cô bé nhanh nhảu chạy ra trước một cỗ xe ngựa khang trang đang chờ sẵn, mà bên cạnh đó có hai cái tôi tớ đang đứng hầu.

Một trong số đó là Tiểu Phúc, người còn lại chính là Hương Tràm - cái cô nương theo hầu Diệu Nhi.

Sư công tử nhìn thấy Tiểu Phúc, trong thâm tâm thành thật cảm thấy thật muốn xin lỗi gia nô này, bởi vì cậu Tiểu Hoàng bị hại, chưa kể lúc nãy còn hất nước vào người nó. Nghĩ lại, trong chuyện này tiểu Phúc là người chịu đả kích lớn nhất, chính mình ca ca vừa mất, còn chưa được lễ tang tử tế mà còn phải làm việc cực khổ, sau đó còn bị đem ra trút giận. Tự xem xét lại, Sư thiếu gia lại càng cảm thấy chính mình sai nhiều nhất, cậu áy náy mím môi, tự nhủ khi có cơ hội nhất định phải đến xin lỗi người kia.

Đang bâng quơ trong dòng suy nghĩ, một lần nữa giọng nói của Diệu Nhi lại kéo cậu về hiện thực, cô bé nắm cổ tay cậu rồi kéo người lên xe, xong lại còn quay ra đẩy thêm người vào cỗ xe nữa. Hai người bị nhét vào này chính là tiểu Phúc cùng Hương Tràm, tiểu Phúc liên tục huơ tay, sợ hãi nói:
"Tiểu.... Tiểu thư... Tiểu nhân.... Tiểu nhân chỉ là... là phận tôi tớ. Nào dám, nào dám... Lên xe ngồi cùng chủ nhân..."

"Không sao đâu, cỗ kiệu này lớn như vậy, e rằng có thêm vài người nữa cũng vẫn đủ chỗ. Ngươi cứ lên đây ngồi cùng bọn ta đi, lúc nào Hương Tràm tỷ tỷ cũng ngồi cùng với ta mà."

Cô bé nói xong còn hì hì cười một cái. Diệu Nhi tính tình ngây thơ khờ dại, đôi khi làm những điều trái quy tắc nhưng lại khiến cho người ta thấy rõ ý tốt của nàng. Lần này cũng nhờ Diệu Nhi mà Sư công tử đã ngộ ra một điều mới, cậu thiết nghĩ, Tiểu Phúc đã bên cạnh mình lâu như vậy, tuy rằng so với Tiểu Hoàng thì không thân thiết bằng nhưng cũng có thể nói là khá tốt, thế mà lần nào ra ngoài cũng để nó phải mang theo tay nải, lại còn phải đi nhanh để theo kịp đoàn xe, quả thật là tội nghiệp vô cùng.

Tiểu Hoàng cũng vì vậy mà mất mạng, Sư công tử quyết định sẽ không để chuyện này xảy ra thêm lần nào nữa, cậu quay qua nói với tiểu Hoàng:

"Đúng vậy, cỗ kiệu này lớn như vậy, chỉ có hai người ngồi thì hơi chán, chi bằng cả hai người cũng cùng lên đi."

Cuối cùng thì cả hai người kia cũng chịu lên kiệu, bốn người mặt đối mặt với nhau, Diệu Nhi cùng Hương Tràm luôn phiên trò chuyện, lâu lâu Sư công tử cũng chêm vào vài ba câu. Chỉ có tiểu Phúc là im lặng, tuy đã lên kiệu, nhưng vẫn còn chưa quen, trong lòng cứ lo sợ chính mình sẽ làm ra việc gì khiến cô cậu chủ không hài lòng nên đành im luôn, tự biến bản thân thành không khí.

Sư công tử thấy không được, cậu muốn lôi tiểu Phúc vào cuộc nói chuyện thì Diệu Nhi lại một lần nữa nhanh miệng hơn, nàng hỏi:

"Nè Tiểu Phúc, ngươi thấy đúng không?"

Tiểu Phúc bị hỏi bất ngờ, lắp ba lắp bắp:

"Vâng... Vâng? Tiểu thư cần gì...?"

Diệu Nhi dùng vẻ mặt đăm chiêu nhìn cậu, nhíu mày hỏi:

"Ta có cần gì đâu? Ta chỉ hỏi ngươi là ta mặc bộ đồ này rất đẹp đúng không?"

"Dạ... Tiểu thư đẹp lắm ạ... "

Tiểu Phúc thở phào nhẹ nhõm, lúc nãy bị gọi lên làm hắn hết hồn hết vía.

Mặc dù câu hỏi có hơi ngớ ngẩn, nhưng việc Diệu Nhi làm quả thật là rất tốt. Sư công tử cũng chêm vào đôi câu, liên tục kéo tiểu Phúc vào cuộc, mọi người trò chuyện rất vui vẻ, dù cho lúc đầu đúng là có hơi lúng túng nhưng sau lại mọi người đều tự nhiên hơn. Nói càng nhiều, Sư công tử mới nhận ra Tiểu Phúc thật là rất thích nói chuyện.

Nói hồi lâu, không biết tự bao giờ, bọn họ đã đến trung tâm huyện, phu xe cất tiếng nói:

"Các vị tiểu thư công tử, ta chỉ có thể đưa các người đến đây thôi. Từ giờ các người phải tự đi rồi."

Hương Tràm hỏi lại:

"Sao có thể? Chủ nhân của bọn họ đều là tiểu thư, công tử cành vàng lá ngọc, còn có Sư công tử ở trên, làm sao mà đi được?"

Sư công tử thật không hiểu tại sao lúc nào mình cũng bị coi là người bệnh, là phế nhân không sức lực, không thể tự làm bất cứ việc gì, thậm chí còn phải được phục vụ tận giường. Cậu đồng ý rằng bản thân người có tư chất yếu ớt, hay dễ bị bệnh, nhưng cũng không phải là phế nhân, cớ sao ai cũng xem Sư thiếu gia như người vô năng vô dụng thế? Cậu tệ lắm cũng chưa đến mức như vậy đi.

Phu xe lại lắc đầu:

"Ài! Thật sự là không thể tiến thêm bước nào nữa, hôm nay là Tết Hạ Nguyên, nhà nhà đều đổ xô ăn mừng, làm lễ tạ ơn được mùa. Bây giờ ngoài đường chật kín người, nếu như cứ tiến vào e rằng chỉ có thể đứng yên một chỗ, không đi ra được!"

Diệu Nhi nghe tình hình như vậy, càng phấn khởi, nàng nói:

"Nếu đã như vậy, sao chúng ta không xuống xe đi? Cùng nhau đi dạo phố một lần a! Ta cũng muốn đi xem múa rồng!"

Thấy Diệu Nhi như vậy, Hương Tràm chỉ có thể cười khổ. Biết là vị tiểu thư này vô cùng hoạt bát, thích lễ hội. Có lẽ việc cô nhóc kéo Sư công tử đến đây đều là có tính toán từ trước, bất quá...

Hương Tràm lên tiếng:

"Tiểu thư, nô tỳ biết người rất phấn khích, nhưng tình trạng của Sư công tử..."

Hương Tràm nói chưa hết câu, Sư công tử đã chen ngang vào:

"Diệu Nhi nói đúng. Nếu đã là như vậy chi bằng chúng ta cùng đi dạo hội, ta cũng lâu rồi chưa đi."

Cái gì mà lâu rồi chưa đi xem lễ hội? Sư thiếu gia cả đời một lần tự mình bước ra ngoài mà không đi kiệu còn chưa có chứ đừng nói là đi bộ xuống phố xem lễ hội. Vợ chồng Phủ Doãn vô cùng lo lắng cho nhi tử, còn lâu mới cho con mình một mình chạy loạn.

Vậy nên có thể nói đây chính là lần đầu tiên cậu được đến lễ hội, lúc nãy nói như vậy chỉ là để cho Hương Tràm không có cơ hội tiếp tục xem cậu như người vô dụng mà dùng cách đối đãi như vậy nữa.

Nhưng mà dù sao thì Sư công tử đây cũng đã hứa với Diệu Nhi rồi, đúng chứ? Đã hứa được thì nhất định phải thực hiện được.

Tiểu Phúc nghe cậu nói lời này, trong lòng không khỏi lo lắng mà nói:

"Công... Công tử... Ngài..."

Sư công tử quay qua trấn an nó, Diệu Nhi thấy cậu cuối cùng cũng đồng ý thì vui vẻ cười tươi. Hương Tràm cũng hết lời phản bác, người cần được bảo vệ nhất cũng đã lên tiếng, nàng còn lời gì để nói? Đành phải tuân theo thôi chứ sao.

Hương Tràm xuống xe đầu tiên, nàng đỡ lấy tiểu thư nhà mình, Diệu Nhi nhanh chóng bước xuống. Tiếp đến là Tiểu Phúc, nó cũng bước xuống, đang tính quay lại đỡ công tử của mình xuống thì Sư thiếu gia không biết từ khi nào đã đứng bên cạnh nó.

Sư công tử đã một mực trên xe nói là mình khỏe, bây giờ cũng không thể nhờ Tiểu Phúc đỡ xuống được, đành tự thân vận động thôi.

Bốn người xuống khỏi xe ngựa, tiến đến cổng phố, chiếc cổng bằng đá hoa trắng xám, hai trụ cột ở hai bên được khắc hình rồng, con rồng to lớn quấn quanh thân cột, quanh thân nó khảm không biết bao nhiêu là vảy rồng, là mao rồng, chi tiết đến cực điểm.

Ở phía trên bắc ngang qua hai cây cột chính là một thanh đá trắng xám, khắc hoa văn mây khói, chính giữa thanh ngang là một bức hoành, hai bên bức hoành khắc hai con phượng hoàng đang tung bay, cả hai con đều đang cúi đầu xuống bức hoành.

"Long phụng hoan hỉ sum vầy chốn, hương hoả thiên địa phủ Hoài Nam."

Quả thực là một câu đối quá đỗi kiêu ngạo, không biết vị thi hào nào rảnh rỗi không có việc làm mà lại đi viết một bức hoành như thế này.

Tuy rằng bây giờ Hoài Nam phủ đã trở thành một trong tứ phủ lớn nhất Đông Lam quốc, nhưng nên nhớ rằng mười hai năm về trước, phủ Hoài Nam lúc đó chỉ là một huyện nhỏ nghèo nàn, quanh năm suốt tháng gặp thiên tai, người dân vô học, dân trí thấp. Mãi cho đến sau này mới có thể vực dậy lên được.

Tuy biết rằng người viết bức hoành này nhất định là muốn tôn vinh sự trù phú của nơi này, nhưng bất quá như vậy thật không nên.

Thứ nhất, là quá kiêu ngạo.

Sau là sẽ động chạm đến Kinh thành, tuy rằng phủ Hoài Nam là một phủ lớn rất phát triển, nhưng nói gì thì nói, nơi ngự trị của vua chúa luôn là ở Kinh thành, có khi còn đụng chạm tới những thượng quan khác a.

Cuối cùng là sẽ gây ra nội chiến giữa các thành, dù sao thì phủ Hoài Nam cũng chỉ là một phủ mới nổi, còn non trẻ, so với các phủ khác còn chưa có đủ kinh nghiệm cùng uy quyền. Đặc biệt là đụng chạm đến phủ Thiên Trường, cái phủ kia là một phủ lớn có uy thế hàng trăm năm nay, tên của nó là do Mạc Tiên Hoàng đời thứ năm ban đặt, luôn đi đầu trong tất cả các hoạt động trên cả nước. Các trạng nguyên, thi hào, thi sĩ nổi tiếng đa phần đều có xuất thân từ đây, đây cũng là nơi tập trung rất nhiều thương nhân buôn bán sầm uất, các thượng quan cũng xem đây là một nơi lý tưởng để lập tư phủ. Ngay cả vua chúa cũng lập điện nghỉ dưỡng ở đây, mãi cho đến mười hai năm trước, phủ Hoài Nam mới nổi lên tạo ra một triều đại mới.

Nhưng mà dù sao phủ Thiên Trường cũng là một phủ nổi tiếng uy quyền trước giờ, làm sao có thể nói đổi là đổi? Phủ Hoài Nam cùng lắm chỉ là lấy mất vị trí đứng đầu của nó có trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa thôi, chưa hề động chạm đến uy quyền của nó có từ trước đến giờ và cũng không có ý định muốn động vào.

Bởi vì dù nói Phủ Hoài Nam là một phủ luôn đi đầu về kinh tế, thế nhưng trong bàn cờ chính trị nó vẫn chẳng có quyền hạn gì.

Phố phường tấp nập người qua lại, vài vị cô nương tay cầm đèn lồng giấy đi dạo, vừa đi vừa hi hi ha ha cười cười nói nói đến là vui vẻ. Các gian hàng mở cửa buôn bán nhộn nhịp, ánh đèn lồng tỏa ra ở khắp mọi ngóc ngách trong thành. Ở một số vị trí trong thành, người ta dựng lên những đài gỗ cao ít nhất vài trượng. Trên những đài gỗ ấy, các linh đồng, đạo sĩ, nữ tu đang làm lễ cảm tạ trời đất.

Diệu Nhi kéo tay Sư thiếu gia, kéo cậu chạy đến một lễ đài, lễ đài này cao ít nhất phải hơn bảy trượng, bốn góc đài những ngọn đuốc hừng hực lửa.

Trên đó, có một nữ tu sĩ, thân mặc đạo bào trắng muốt, chân mang guốc gỗ cao, nữa gương mặt dưới được che lại bằng một tấm mạn lụa mỏng, tay nàng cầm trường kiếm. Đôi chân nhẹ nhàng uyển chuyển bước đi, bàn tay cầm kiếm mềm mại vung lên, trường kiếm sáng loáng, ánh lên ánh bạc, nàng đang múa điệu Kính Thiên để cảm tạ trời đất.

Diệu Nhi nhìn thấy nàng múa, trong lòng thán phục, chợt thốt lên:

"Múa hay quá, sau này ta nhất định cũng sẽ múa hay được như vậy!"

Sư công tử bên cạnh nghe được phì cười, Diệu Nhi xụ mặt, gắt gỏng:

"Huynh cười cái gì? Ta sau này cũng sẽ múa đẹp như vậy, lúc đó để xem huynh hối hận ra sao."

"Ha ha, ta là chỉ cười muội ngây ngô không biết gì. Các nữ đạo sĩ múa Kính Thiên đều là người sống trong miếu từ nhỏ, không vướng bụi trần, sống trọn đời trong sạch, hiến dâng cuộc đời cho thần linh. Muội suốt ngày chỉ biết chơi đùa nghịch ngợm, không chừng vừa đến cửa miếu đã bị người ta đuổi về rồi, còn nói gì đến việc học nhảy chứ?"

Sư công tử hiếm thấy mà nói cười, còn không quên châm chọc nàng.

"Hứ! Ta cũng đâu có nói là sẽ vào miếu học, ta sẽ tự học thành tài. Lúc đấy huynh nếu mà có muốn rút lại lời này, bổn tiểu thư cũng không tha cho đâu!"

Hai người mải miết nói chuyện, không biết từ bao giờ lễ cảm tạ đã kết thúc, vị nữ tu kia đã bước xuống đài, cất bước quay đi. Mọi người cũng tản ra hết, bây giờ là thời gian dành cho lễ hội.

Hương Tràm cùng tiểu Phúc hớt hải chạy tới chỗ bọn họ. Lúc nãy Diệu Nhi kéo Sư công tử đi quá nhanh bỏ lại hai người hầu hoang mang giữa phố xá đông nghịt người, phải mất một lúc lâu hai người họ mới tìm được chủ nhân mình. Tiểu Phúc nhanh chân chạy tới trước, hớt ha hớt hải, thở gấp:

"Công... Công tử... Huỳnh tiểu... Tiểu thư..."

Hương Tràm hai tay chống lấy đầu gối, khom người, cố hết sức để nói ra câu chữ rõ ràng:

"Sư công tử, tiểu thư, lúc nãy hai người không nói không rằng mà.. Mà bỏ chạy đi mất, bọn ta phải mất rất lâu mới tìm được hai người, rốt cuộc cả hai đã đi đâu vậy?"

"Bọn ta ấy à, bọn ta chỉ là qua đây xem điệu Kính Thiên thôi, đã làm hai người lo lắng rồi, ta xin lỗi..."

Diệu Nhi thấy hai con người này mồ hôi nhễ nhại, thở hổn hển mà chạy tới tìm bọn họ, trông cả hai gấp gáp cứ như là chạy trốn quân Nguyên, nên trong lòng cô nhóc không khỏi cảm thấy cực kỳ tội lỗi.

"Tùng!"

"Tùng!"

"Tùng!"

Cả bốn người cùng quay sang nhìn về một phía, trước tầm mắt của bọn họ là những ánh đuốc hừng hực sáng. Một con rồng vàng, trên thân có những đường vân đỏ thẫm, con rồng đó đang cong cong lượn lờ trên mặt đất, thi thoảng những ngọn đuốc xung quanh nó lại được dâng cao.

Tiếng chiêng trống rền rền vang lên.

Không sai! Đó chính là múa rồng!

Diệu Nhi mừng rỡ kéo cả bốn chạy đến xem. Buổi biểu diễn kéo dài rất lâu, con rồng cứ cong lượn múa may, tiếng khua chiêng gõ tiếng liên hồi nối tiếp nhau, người người tập trung xung quanh đoàn biểu diễn ngày càng nhiều.

Sư công tử cũng không biết được mình rời khỏi buổi diễn là lúc nào, chỉ biết là khi ấy trời đã tối mịt mịt, trăng tròn đã lên cao.

Đứng trên cầu Xuân Khắc, Sư công tử đưa mắt ngắm nhìn dưới sông. Mặt sông đen tuyền cùng những gợn sóng nhỏ lăn tăn, chính giữa lòng sông, hình ảnh phản chiếu của mặt trăng in hằn xuống nước.

Vầng minh nguyệt dưới nước này tròn xoe, đem so với cái ở trên cao kia cũng chẳng thua kém gì. Những cành trúc hai bên cầu khẽ rung theo gió, vài chiếc lá trúc lìa cành bay lượn rồi đáp xuống trên "mặt trăng" này.

Diệu Nhi cùng Hương Tràm hai người đã tách riêng ra đi dạo, Tiểu Phúc cũng đi mua vài cái màn thầu để ăn bữa khuya, chỉ còn lại có mình Sư công tử đứng ở trên cầu, lơ đãng mà nhìn trăng, nhìn sông.

Lúc đầu, Diệu Nhi muốn cả bốn người họ cùng đi chơi chung, nhưng cậu đã nhất quyết từ chối, vì sao ư? Bởi vì qua vài lần đi chung với cô tiểu thư này, Sư công tử đã nhận ra một chân lý mới, tất cả các cô nương khi đi dạo nhất định sẽ mua rất nhiều đồ lỉnh kỉnh, hơn nữa còn tốn rất nhiều thời gian.

Và qua hai lần cùng Diệu Nhi xem lễ tạ ơn và múa rồng, Sư công tử cũng biết được rằng nếu muốn yên bình mà sống qua ngày thì tốt nhất đừng nên đi cùng Diệu Nhi. Vì khi đi chơi cô nhóc ấy không chỉ mua sắm linh tinh mà còn đem cậu ra làm ma nơ canh để thử đồ cho mình nữa, vừa mới nãy Sư thiếu gia kim chi ngọc diệp còn bị bắt thử mấy bộ đồ nữ nhi.

Cậu thở dài, tự cảm thấy tội nghiệp cho số phận của chính mình. Quả là quá đáng thương đi mà, tuy rằng lúc đầu đã hứa với Diệu Nhi rằng sẽ làm tất cả những gì mà nàng muốn, nhưng đâu ai nghĩ rằng nàng sẽ muốn những việc này đâu...

Cái này cầu Xuân Khắc là một trong những những cây cầu đẹp nhất ở Hoài Nam phủ, bình thường không thiếu những thi hào, thi sĩ đứng ở đây ngâm thơ, hội hoạ. Nhưng trong ngày lễ hội này, cây cầu lại yên tĩnh hơn rất nhiều, hầu hết mọi người đều tập trung ở dưới phố cả.

Đứng đây đợi cũng đã lâu mà chưa thấy ai quay về, Sư tiểu công tử thiết nghĩ rằng hiếm khi mới có dịp được đi lễ hội, nếu như cứ đứng hoài một chỗ thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Thế là cậu quyết định xuống phố dạo chơi một chút để tận hưởng không khí.

Phố rộng người đông, hai bên đường san sát nhau những cửa hàng buôn bán, người đi dạo trên phố rất nhiều, đa số là các vị cô nương, ai ai cũng cầm theo trên tay một cái đèn lồng giấy đỏ.

Trong các quán ăn người ta chỉ nấu các món gà, nào là canh gà, gà luộc, cháo gà, xôi gà,... Mùi hương ngào ngạt tỏa ra thơm phức.

Đang tính bước vào một quán ăn bên đường để lót dạ thì một đám người liền ập đến phía Sư công tử, không, đám người này không hề hướng vào cậu, đúng hơn là chỉ đi ngang qua, và cậu lại là bị bọn họ cuốn đi theo.

Mà đoàn người này kỳ lạ ở chỗ là ai cũng đeo trên mặt một chiếc mặt nạ, tay còn xách lồng đèn, mà những chiếc lồng đèn này cũng không phải là lồng đèn giấy đỏ bình thường mà lại là lồng đèn trắng. Những người này tựa hồ như không nhìn thấy cậu, họ cứ liên tục chạy, kéo cậu theo.

Cậu bị đoàn người này kéo đi một đoạn khá xa, mãi một lúc sau thì mới có thể thoát ra được. Cậu ngồi phịch xuống một gốc cây đại thụ lớn thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại thấm hết ra trung y.

Sư thiếu gia ngồi nghỉ một lúc để định thần, nhưng khi cậu định đứng dậy để trở về chỗ cũ thì chợt phát hiện ra mình đã ở một nơi kì lạ.

Nơi này so với con phố lúc nãy cậu ở thì cũng có nhiều phần giống nhau, ở đây cũng có rất nhiều hàng quán đông đúc, nào là tiệm ăn, thanh lâu, còn có cả sòng bạc.

Bất quá, mọi thứ ở đây đều vô cùng quỷ dị, tất cả các hàng quán ở đây đều không thắp đèn lồng đỏ, những cái này đèn lồng lại toả ra ánh sáng xanh biển nhạt, chốc chốc lại chuyển đỏ, liên hồi chuyển động. Thấy nơi đây nhất định không phải là phủ Hoài Nam, Sư công tử quyết định đi vòng quanh, dò la một chút thông tin.

Đi một đoạn, cậu dừng chân trước một quán ăn nhỏ.

Trước quán đề biển là "Món ăn nhân gian", quán ăn này bày trí rất bình thường, thậm chí có vài phần hơi bình dân, nguyên liệu trong nhà bếp nhìn sơ qua cũng chỉ có thịt lợn, thịt gà những thứ bình thường.

Nhừng mà, chủ quán ăn này lại cực kỳ không bình thường! Hắn ta đang lau chùi bàn ghế cùng vật dụng trong bếp, nhưng là hắn đang lau chúng bằng cái lưỡi của mình! Phải, tên này có cái lưỡi cực kỳ dài, hắn dùng cái lưỡi ấy để liếm sạch bàn ghế cùng các dụng cụ bếp.

Ông chủ thấy có người dừng chân trước quán thì liền muốn đứng dậy mời chào, song vừa quay sang thì vị khách kia đã đi mất không còn bóng dáng.

Sư công tử thấy cảnh này làm sao có thể yên tâm vào ngồi ăn được? Lần này mặc kệ mấy cái tác phong gì gì đó, cậu phất tay chạy đi ngay, cậu nhất định không thể nán lại trước cửa tiệm kỳ dị ấy lâu hơn nữa.

Cuối cùng cũng bình tĩnh lại, Sư công tử ổn định dáng đi, vờ như không có gì xảy ra. Cậu đánh mắt nhìn qua một vài cửa hàng ven đường, vốn nghĩ rằng ngoài tên chủ tiệm kì lạ kia thì sẽ không có gì có thể làm cậu giật mình nữa. Nhưng không, những cảnh cậu thấy sau đó còn kinh khủng hơn nhiều.

Trong một quán bán thịt, có một con heo và một con người, bất quá cái này không phải là người bán heo mà ngược lại, con heo kia có đủ tứ chi, đứng bằng hai chân, mặc quần áo như một đồ tể. Còn người kia thì lại bị đem ra chặt thành nhiều phần rồi treo lên dàn bếp tựa như miếng thịt lợn ở ngoài chợ.

Sư công tử sau khi thấy cảnh tượng đó thì sởn tóc gáy, bất động một lúc, mắt mở to nhìn chằm chằm vào tên đồ tể kia. Con heo nọ thấy có người cứ nhìn chằm chằm vào mình thì không nhịn được, lên tiếng mắng chửi:

"Chưa thấy thịt người bao giờ à? Mua hay không mua? Nếu không mua, biến!"

Sư công tử bị con heo này làm giật cả mình, không nói lời nào mà cắm đầu chạy thục mạng. Chạy một đoạn, cậu lại dừng chân trước một quán ăn khác nữa. Lần này, cậu rút kinh nghiệm không nhìn thẳng vào tiệm nữa mà chỉ đứng từ đằng xa, như có như không mà lia mắt qua nhìn vào một chút.

Cái quán thứ ba này là một quán canh gà, chính giữa quán sùng sục một nồi nước hầm to bằng thùng nước tắm. Mà bên trong nồi nước ấy, có một "con gà" đang tắm mình trong dòng nước sôi. Bỗng một vị khách đang uống canh gà trong quầy lên tiếng bảo:

"Ông chủ à, canh hôm nay hơi lạt đấy."

"Thế à, khách quan chờ chút."

Con gà trong nồi đáp, rồi nó lấy một ít bột gia vị, xoa xoa lên người, sau đó nó chìm cả người vào trong nước. Một lúc sau con gà ấy múc một tô nước hầm rồi đưa cho người khách kia, người nọ nhận chén canh, uống một hơi, liên tục khen ngon.

Sư công tử đứng ở ngoài chứng kiến hết mọi việc, chợt một cơn buồn nôn từ trong bụng trào ra, phải khó khăn lắm mới có thể nhịn xuống được. Sư thiếu gia thề là kể từ giờ phút này cậu không còn thấy đói bụng hay thèm ăn gì nữa, cũng hứa rằng từ nay về sau sẽ không bao giờ động vào món canh gà.

Rời khỏi khu ẩm thực, Sư công tử tiếp tục theo đường thẳng mà đi, dòng người tấp nập qua lại, ai nấy cũng đủ loại biểu cảm mặt, mà trong dòng người đó không chỉ có người mà còn có nhiều thứ khác.

Sư công tử đi ngoài đường một hồi lâu, cũng bắt đầu có nhiều người chú ý đến cậu, vì trong cái chợ quỷ dị này cư nhiên lại có một thiếu niên bạch y thanh nhã cứ đi dọc theo đường lớn, không ghé vào bất kỳ một hàng quán nào, trông vô cùng khả nghi. Cậu tự cũng ý thức được điều này, thế nên là đi được một đoạn, Sư thiếu gia liền dừng lại tại một tiệm tạp hóa bên đường.

Tiệm này bày trí đơn giản, tất cả các loại sản phẩm chỉ được để sơ sài trên chiếc kệ gỗ. Tuy nói vậy nhưng mặt hàng ở đây thì lại đa dạng vô cùng, nào là mặt nạ, lồng đèn, gương soi, son, phấn,... Gì cũng có cả.

Sư công tử lấy xuống một cái mặt nạ bình thường nhất trên kệ. Cái mặt nạ này màu trắng sứ, có những họa tiết hình bông hoa nhỏ hai bên, ngũ quan đầy đủ, tinh tế. Nếu là ở trong một tiệm đồ bình thường thì nó nhất định sẽ là cái đắt giá nhất, song nó lại được bày bán trong khu chợ này, nơi mà mọi thứ đều vô cùng quỷ dị; thì như một điều hiển nhiên, chiếc mặt nạ tinh xảo này lại bị để ở một góc khuất không ai để ý.

Ra khỏi tiệm, Sư công tử hoà vào dòng người tấp nập. Dưới lớp mặt nạ, không ai có thể nhìn thấy dung mạo thật của cậu. Trong dòng người này, số người đeo mặt nạ cũng không phải ít, cứ mười người thì lại có hết bảy, tám người đeo mặt nạ, giới tính, cử chỉ, hành động của mỗi người đều khác nhau, không ai giống ai, hoàn toàn khác biệt.

Từ đó cũng khiến cậu có thể hoàn toàn ẩn mình vào bọn người này, tạo cho cậu một cảm giác yên tâm khá chắc chắn. Nơi này quỷ dị như vậy, khó tránh có những tình huống có thể xảy ra bất ngờ, tốt nhất vẫn cứ là ẩn mình mà đi, dò la thông tin, rồi từ từ tìm đường ra.

Để tăng thêm sự tự nhiên, Sư công tử cũng không luôn đi theo chính lộ mà thi thoảng sẽ vào một vài tiệm tạp hóa, mua vài thứ linh tinh, thử trò chuyện đôi ba câu với chủ tiệm, ra vẻ giống như là người đang dạo phố, vô cùng thong thả.

Chợt cậu đi ngang qua một cửa hiệu nọ, trên biển đề là nơi bán các loại đồ mỹ nghệ, đồ gốm sứ tinh xảo. Cửa hiệu lớn và trang trọng hơn nhiều so với tất cả các cửa hàng mà cậu từng ghé qua nơi đây. Sư công tử trước giờ luôn có hứng thú với các món đồ tinh xảo, nay lại thấy có cửa hiệu bày bán những đồ này khiến cậu tò mò rất muốn xem.

Bên trong được bày trí rất nghệ thuật, không gian ở đây quả thật là rộng hơn các cửa hàng kia nhiều, sắp xếp đồ vật cũng vô cùng hợp lý, chủ tiệm ở đây nom cũng bình thường hơn rất nhiều. Các mặt hàng rất phong phú, tất cả đều là đồ mĩ nghệ đắt tiền, cái nào cái nấy đều rất hợp mắt cậu. Chỉ tiếc là bản thân Sư thiếu gia lúc này không mang theo nhiều tiền, cũng không tiện cầm theo nhiều đồ vật, nếu không có khi cậu đã ôm hết đồ trong cửa hiệu này về rồi. Lúc trước khi cậu ghé vào vài tiệm tạp hóa trên đường, thi thoảng cũng thấy có vài tiệm bán đồ giả, nhưng cửa hiệu này thì lại khác, cậu có thể khẳng định chắc chắn rằng tất cả đồ vật được bày bán ở đây đều hoàn toàn là đồ thật, một cái cũng không giả.

Đi tham quan một vòng trong tiệm, cậu cũng có mua một ít đồ, tuy nói là không mua nhưng những món đồ ấy cứ như có ma lực mà cám dỗ cậu, khiến cậu không mua không được.

Mà những món cậu mua cũng chỉ là vài đồ vật nhỏ, tỷ như ngọc bội và trâm cài, không hề vướng víu. Cũng không phải là Sư công tử có sở thích đặc biệt gì với nữ trang đâu, những thứ này đều là cho Diệu Nhi cả. Nếu con bé có ở đây lúc này thì nhất định cũng sẽ cùng Hương Tràm ôm hết tất cả đồ trong tiệm thôi.

Tham quan cũng đủ lâu, đồ đạc muốn mua cũng đã mua, coi như cũng không còn gì để cậu lưu lại nơi này. Sư công tử bước ra quầy tính tiền, chợt cậu thấy bên cạnh mình có một cô nương xinh đẹp, một thân thanh y thanh thoát nho nhã, cô nương này đang đối chủ hiệu hỏi:

"Ông chủ, chiết phiến lần trước ta đưa ông, ông đã sửa xong chưa?"

"À, là chiết phiến bị gãy kia đúng chứ? Lão phu đã làm xong rồi, chỉ đợi khách quan đến lấy hàng thôi."

Ông chủ đối nàng trả lời, rồi sau đ lấy ra một chiếc hộp gỗ hoa. Ông mở hộp ra, bên trong hộp đựng một chiết phiến, trên thân được chạm khắc hình sóng nước tinh xảo, nhưng nhìn thiết kế lại có phần hơi cổ, hình như là đồ đã được hơn trăm năm tuổi rồi.

Cái cô nương kia nhận được chiết phiến, vui vẻ tươi cười, từ tay áo, nàng lấy ra thêm một chiết phiến khác nữa. Có vẻ như chiết phiến này cùng với cái được đem sửa có chung một chất liệu, chỉ là hình chạm khắc trên thân nó có hơi khác một chút, cô nương kia nhẹ nhàng mở ra chiết phiến trên tay, phe phẩy vài cái, tuy rất nhanh nhưng Sư công tử có thể thấy được một tự "Phong" trên mặt quạt.

Bất giác, cậu hóa đá tại chỗ, nữ tử kia lại lấy ra chiết phiến trong hộp gỗ, mở ra, rồi đặt hai cái cạnh nhau, gương mặt đang còn tươi cười lúc nãy bỗng trở nên trầm tư, nàng thấp giọng:

"Vậy là cuối cùng cũng đủ bộ rồi... Ca ca..."

Sư công tử liếc mắt nhìn qua hai chiết phiến đặt trên bàn. Một trong hai cái có đề tự "Phong", chính là cái mà cô nương này vừa cầm, còn cái vừa nãy đươc đựng trong hộp gỗ thì lại khác, nó được viết lên một chữ "Thủy".

Cái cô nương kia trầm tư, chợt cũng nhận ra bên cạnh có người đang trơ ra nhìn mình, nàng quay qua Sư công tử, nở một nụ cười, hỏi:

"Có chuyện gì sao?"

Cậu không đáp. Sư thiếu gia không biết lý do gì mà từ nãy giờ cậu luôn không thể điều chỉnh được chính mình, một cái gì đó trong cậu muốn thức tỉnh. Cậu cảm thấy cô nương kia đối mình rất quen thuộc, cảm thấy nàng là ngươi rất quan trọng đối với mình, nhưng cậu lại không thể nhớ ra đó là ai.

Các mảnh ký ức vô cùng mờ nhạt, cả hai cái kia chiết phiến cũng khiến cậu cảm thấy thân quen, cứ như cậu đã từng sở hữu một trong hai.

"Này, ngươi có bị sao không?"

Cô nương kia thấy cậu đờ người ra như thế thì quan tâm mà tiến đến hỏi han. Sư công tử đang rất muốn đáp lại nàng, nhưng lời vừa đến bên miệng thì bỗng cô nương kia liền vội cầm lên hai chiết phiến chạy ra cửa mà đi mất.

Sư công tử hoàn hồn lại, cậu lấy đồ của mình rồi cất bước chạy theo nàng, cậu cố gắng đuổi theo nhưng lại cách nữ tử kia một quãng dài rất, cộng thêm dòng người cứ liên tục đưa đẩy khiến cậu càng khó tiếp cận nàng hơn.

Khi đi đến một đoạn đường vắng hơn, cậu thấy cái kia nữ nhân đang cặp tay cùng một nam tử. Không biết vì sao cậu lại thấy khó chịu, mà cái kia nam tử từ đầu đến chân một màu đen, tóc cột cao, hắn cùng nữ nhân kia liên tục trò chuyện. Bỗng, cả hai người kia dừng lại cùng quay mặt về một phía, hướng hai người nhìn sang có một đạo nhân bạch y vẫy tay với họ. Bạch y đạo nhân này một thân đạo bào trắng thanh lịch, ngũ quan tinh tế, bẩm sinh có một gương mặt hiền lành dịu dàng. Sư công tử tròn mắt, cậu chắc chắn cái kia bạch y nhân chính là người đã cứu cậu hôm đó.

Hai người kia được bạch y nhân nọ gọi thì cùng tiến về hướng y, Sư công tử cũng bất giác đi theo, nhưng dòng người cứ nườm nượp, làm cậu lỡ mất bọn họ. Nhưng trong lúc đó, cậu đã nhìn thấy một thứ khác, một thứ mà khiến tim cậu dường như ngừng đập, đó là gương mặt của thanh niên hắc y kia, đúng, chính là hắn, là hắn!

"Thanh Huyền! Quay trở lại, đừng đi với hắn!"

Lấy hết sức lực mà gào lên, nhưng muộn rồi, giọng nói không truyền đến được, thêm vào đó là hàng loạt âm thanh ồn ào ở khu chợ đã át mất tiếng nói. Ba bóng người nọ cứ xa dần, xa dần rồi biến mất.

Hụt hẫng.

Không hiểu sao một cảm giác hụt hẫng lại dâng lên, theo hướng người kia đi, Sư công tử đã cật lực đuổi theo, cật lực tìm kiếm, đã vô cùng cố gắng, nhưng mà.... Vẫn không được.

Trên con phố đông đúc, tấp nập, dưới lớp mặt nạ trắng sứ, không ai có thể nhìn thấy gương mặt cậu, cũng không ai có thể nhìn thấy được biểu tình trên mặt cậu lúc này.

Không ai có thể biết được tâm trạng cậu lúc này, cứ như thể cậu lại trở thành một linh hồn trống rỗng khi bước vào vòng luân hồi vậy, Sư công tử đã nhớ ra tất cả rồi.

Đó là đệ đệ của cậu, tiền nhiệm Phong sư, Sư Thanh Huyền. Còn cậu đây chính là Sư Vô Độ, là tiền nhiệm Thủy sư cũng là ca ca của Thanh Huyền. Bạch y đạo nhân kia là Tiên Lạc Thái tử, Thái tử điện hạ Tạ Liên. Còn hắc y kia không ai khác chính là Hắc Thủy Trầm Chu Hạ Huyền!

Các mảnh ký ức cũ đang dần ghép lại, những ký ức từ xa xưa của cậu cùng đệ đệ mình khi còn ở Sư gia và cả khi ở Thượng Thiên Đình. Linh Văn, Bùi Minh, Quân Ngô, Thủy sư, Phong sư, Địa sư, Tiên Lạc Thái tử...

Cậu đã nhớ lại, nhưng cậu lại không thể với tới đệ đệ mình, cậu không muốn y bị hại, cũng không muốn y ở cùng Hắc Thủy Trầm Chu, nhưng tiếng nói của cậu lại không thể nào truyền đến y. Một phần là vì y đã đi rất xa rồi, phần khác là do bản thân cậu cũng không muốn. Cậu chính là người đã kéo đệ đệ mình vào cuộc chiến ân oán này, cậu là người đã khiến cho đệ đệ mình phải sống vất vả, vật lộn trên nhân gian, cậu cũng đã không giữ lời hứa với y tại cầu Nại Hà là sẽ đứng đợi y.

Cậu đã buôn bỏ hết tất cả, bây giờ nếu gặp lại, cậu cũng không biết dùng vẻ mặt nào để đối mặt với y, để nói chuyện cùng y.

Sư công tử, à không, phải nói là Sư Vô Độ lơ đễnh, hắn vô định mà bước đi, cũng không biết bằng cách nào hắn lại quay về cây đại thụ lúc đầu.

Sư Vô Độ ngồi phịch xuống gốc cây đại thụ, ngơ ngác nhìn vào khoảng không. Bỗng trước mắt hắn xuất hiện hai bóng người, một đen, một trắng, cả hai người đều tỏa ra âm khí dày đặc đến kinh người, nhưng hán lúc này lại chẳng bận tâm. Hắc Bạch Vô Thường cùng nhìn về phía hắn, Hắc Vô Thường thở dài:

"Quả không hổ là Thủy sư, ngay cả canh Mạnh Bà cũng không đủ để khiến y hoàn toàn vứt bỏ chấp niệm... Cũng tại tình thương dành cho đệ đệ mình quá lớn khiến hắn không thể bỏ mặc Phong sư đây mà..."

Bạch Vô Thường tán đồng:

"Quả là ngưỡng mộ, nhưng bất quá luật là luật, nếu y đã nhớ ra thì phải xóa ký ức của y một lần nữa."

Dẫu cho là có bị ý chí mãnh liệt của y làm cho cảm phục.

"Nhưng cũng không hổ từng là thần, y thế mà lại có thể nhìn thấy được đoàn quỷ chạy loạn qua phủ Hoài Nam, cũng theo đó mà tìm được tới tận Quỷ thị."

Hắc Vô Thường cảm thán, Bạch Vô Thường quay sang nhắc nhở hắn:

"Dù sao thì ngươi cũng mau cho y uống canh Mạnh Bà đi, chớ để đêm dài lắm mộng, làm kinh động đến vị kia."

"Ừm. Nhất định là phải vậy"

Hắc Vô Thường gật gật đầu đồng ý, rồi hắn hướng về phía Sư Vô Độ đang ngồi thất thần dưới thân đại thụ mà đưa đến chén canh Mạnh Bà, cũng đối người kia tám phần kính trọng mà nói:

"Sư công tử, mời!"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top