Chương 4: Thời biến

Ngón tay thon dài kẹp quân cờ tướng khựng lại giữa không trung, nụ cười nhạt thong dong trên môi vị chủ nhân chợt tắt. Đó là một vị nữ tử trẻ tuổi, lịch duyệt và thoát tục. Nàng vận chiếc áo trắng giản dị nhất, màu tự nhiên của bông vải chưa từng được nhuộm màu. Khuôn mặt không hề trang điểm vẫn toát ra vẻ tinh mỹ hơn xa bao tiểu thư khuê các trang điểm mặn mà. Dáng vẻ tịnh khiết của nàng như tỏa ra hào quang dịu dàng, khiến căn đình nghỉ chân vốn xập xệ giữa chốn rừng núi hoang vu cũng trở nên thoát phàm thanh nhã.

Đối thủ của nàng không khó để nhận thấy điều kỳ lạ.

"Thiên sư," Khương Dĩnh Diệm khẽ nhắc, "các hạ có việc gì sao?"

Vị thiên sư áo trắng gật đầu. Nàng lấy từ trong túi vải ra ba đồng tiền cũ kỹ có lỗ hình lục giác rồi cẩn trọng gieo quẻ. Tiết trời ôn hòa, không mưa không nắng. Vị thiên sư áo trắng sau khi gieo quẻ cát lặng lẽ thở phào.

"Vừa rồi có chút không yên, nên bần đạo mạo muội gieo một quẻ hỏi cát hung," nàng giải thích với Khương Dĩnh Diệm. Song, nàng cũng không hề có ý giải thích với hắn nhân quả liên quan đến quẻ vừa gieo ấy.

"Thất lễ rồi," vị thiên sư áo trắng hoàn thành nước cờ còn dang dở, "mời huynh đài tiếp tục."

Khương Dĩnh Diệm cũng hạ cờ. Hắn bề ngoài chơi cờ, bên trong lại đang âm thầm đánh giả vị thiên sư áo trắng đối diện.

"Nghe nói mấy ngày trước trên trời xuất hiện dị tượng, khâm thiên giám không thể giải ra," Khương Dĩnh Diệm vừa nói vừa nhử, "hoàng thượng đã triệu hồi Thượng thiên sư vào cung trợ giúp, chẳng biết hiện tại thế nào rồi."

"Thiên cơ bất khả lộ, liên quan đến trong cung lại càng thêm cơ mật," vị thiên sư áo trắng đáp, "Thượng thiên sư xưa nay vẫn luôn cẩn tắc theo thiên ý, bần đạo không thể biết được cơ sự bên trong."

Vị thiên sư áo trắng dùng "Thượng thiên sư" thay cho "tổ sư phụ" để vạch rõ giới hạn trước mắt Khương Dĩnh Diệm, đồng thời nhắc khéo hắn đừng dò hỏi chuyện hắn không nên. Qua những lời nói như có như không giữa họ xuyên suốt vài ván cờ, có lẽ vị thiên sư áo trắng đã nhận ra đoàn người của họ không thực sự tình cờ gặp gỡ.

Ở Viễn Đông, Thức giáo là quốc giáo. Đứng đầu Thức giáo là một thượng thiên sư. Hơn sáu mươi năm trước, khi chiến tranh Bắc Triệu-Nam Yên nổ ra, vị thượng thiên sư không chấp nhận được hoàng đế nhà Triệu tàn bạo hoang đường đã theo lời mời của Yên Thái tổ Thang Huyền và Yên Anh tổ Nghiêm Tư Tuyết xuôi nam. Chủ miếu của Thức giáo từ đấy thi thoảng vẫn được hoàng thất nhà Yên mời xem quẻ cát hung và thay họ cầu phúc.

Ván cờ Khương Dĩnh Diệm và vị thiên sư áo trắng đang chơi, quả thực cả nhân và quả đều đã được sắp sẵn. Đoàn người của Khương Dĩnh Diệm bắc tiến trùng hợp dừng chân nghỉ ngơi cùng thời điểm và cùng địa điểm với đoàn người của vị thiên sư áo trắng đang hồi kinh. Vị thiên sư áo trắng, tức Thiên sư Tịnh Nhã, là đệ tôn của thượng thiên sư đương nhiệm, cũng là người ngài tín nhiệm nhất trong số các môn đồ. Thiên tượng khó giải lần này, Khương Dĩnh Diệm biết Thượng thiên sư đã đích thân cho người gọi Thiên sư Tịnh Nhã trở về. Hắn cố ý dàn xếp sự tình cờ để hỏi thăm tin tức từ phía nàng. Đáng tiếc, Thiên sư Tịnh Nhã rõ ràng có phòng bị trong lòng, qua mấy ván cờ và đủ các lời úp mở khác nhau, Khương Dĩnh Diệm vẫn chẳng hề nhận được chút tin tức nào hữu ích.

Đoàn người theo Thánh nữ cầu phúc bên ngoài trở lại kết thúc màn chơi cờ và đố chữ đầy nhạt nhẽo. Khương Dĩnh Diệm quỳ xuống hành lễ với Thánh nữ, Thiên sư Tịnh Nhã cũng đứng lên chắp tay chào. Thang Viện đợi Thiên sư Tịnh Nhã chào xong cũng chuẩn mực đáp lễ chào. Mười sáu tuổi, nàng vẫn mang một dáng vẻ bầu bĩnh hồn nhiên và ung dung, nhẹ nhàng và thanh thoát.

Thánh nữ là một chức vị tư tế đặc biệt trong Thức giáo; nó không chính thức như chức vị thiên sư hay tu sĩ, và nó chỉ được lập nên vì duy nhất một người. Thiên sư Tịnh Nhã không quá thân cận với Thang Viện, là cận vệ của Thang Viện, nàng không ở lại, Khương Dĩnh Diệm cũng biết đã đến lúc cáo từ. Thiên sư Tịnh Nhã không cản hai người, nhưng trước khi Khương Dĩnh Diệm rời đi, nàng đột nhiên gọi hắn lại.

"Gặp nhau đã là hữu duyên," nàng nói, "nếu huynh đài không ngại, bần đạo xin bói giúp huynh đài một quẻ cát hung."

Khương Dĩnh Diệm đồng ý trong khó hiểu, nhìn vị thiên sư gieo xuống ba đồng tiền. Khi nàng giải quẻ, sắc mặt Thiên sư Tịnh Nhã thoáng trầm xuống.

"Ngày hôm nay, xin huynh đài hãy cẩn thận," nàng nhắc nhở.

Khương Dĩnh Diệm gật đầu tỏ ra đã biết, không rõ tin hay không. Hắn chắp tay chào Thiên sư Tịnh Nhã rồi hộ tống Thang Viện rời khỏi.

Đoàn người xe tiếp tục đi về hướng bắc. Tuy là một đoàn người, phong cách được chia rõ rệt làm hai. Một nhóm tu sĩ quần áo giản dị không vướng bụi phàm. Còn lại là một nhóm kỵ binh mười người như Khương Dĩnh Diệm, mũ áo hộ vệ, bên hông đeo đao. Ai nấy đều từng trải phong sương, hai tay nhuốm máu.

Do những chiếc xe chở theo đồ tiếp tế, đoàn người di chuyển chầm chậm. Đường mòn hoang vu vắng người, xa xa có thể nhìn thấy núi non một màu xanh lục cao ngất và trùng điệp. Khương Dĩnh Diệm cưỡi ngựa song song với xe ngựa của Thang Viện. Thi thoảng, hắn sẽ báo cáo với nàng tình huống bên ngoài.

Bỗng dưng, bụi cỏ ven đường, một nữ tử thất thểu lao ra quỳ rạp trước đoàn người ngựa. Tóc tai nàng xõa bay loạn xa, quần áo trên người loang lổ bùn dơ.

"Quý nhân độ lượng, hồng phúc tề thiên," nàng thều thào van lơn, "xin người có lòng từ bi cứu giúp tiểu nữ."

Sự xuất hiện đột ngột của một nữ tử giữa chốn hoang vu khiến Khương Dĩnh Diệm đề cao cảnh giác. Thiên sư Tịnh Nhã còn từng cảnh báo tai kiếp, hắn không thể không đa nghi. Trên chiếc xe ngựa cạnh Khương Dĩnh Diệm, Thang Viện lại chẳng suy nghĩ sâu xa. Nàng vén màn lên nhờ người qua xem xét nữ tử.

Nữ tử kia như đã lả sức, nàng quỳ rạp xuống rồi chẳng dậy nổi. Hai nữ tu sĩ bức đến đỡ nàng ngồi dài ra rồi kiểm tra mạch đập, một trong số đó quay lại kể cho Thang Viện nghe tình hình.

"Vị cô nương kia có vẻ đã trải qua kinh hãi và hiện đang kiệt sức," Tử Uyển nói, "Thánh nữ các hạ, giờ chúng ta phải làm sao?"

"Đỡ cô ấy theo," Thang Viện chỉ huy, "chúng ta tìm một chỗ đất trống dựng trại nghỉ ngơi, đồng thời xem xét giúp cô ấy."

Khương Dĩnh Diệm nghe vậy thì lập tức xuống ngựa chắp tay quỳ trước Thang Viện.

"Thần xin các hạ thu hồi mệnh lệnh," hắn kiên định nói, "nữ tử này xuất hiện bất thường nguyên thân chẳng rõ. Các hạ cưu mang nàng rất có thể sẽ lưu lại tai họa về sau."

Thang Tiệp phớt lờ lời cảnh cáo của Khương Dĩnh Diệm, ra hiệu cho các tu sĩ theo nàng tiếp tục dìu nữ tử lên xe.

"Đừng nói nàng ấy chỉ là một nữ tử chạy nạn đơn côi. Cho dù nàng ấy là kẻ đại ác đại gian, làm người tu đạo như chúng ta không thể nào thấy chết không cứu."

Bên kia, nữ tử được dìu lên dường như nghe rõ lời Thang Viện nói. Nàng đưa mắt nhìn lên Thang Viện, bất chấp thân thể chưa phục hồi quỳ lên cảm tạ.

Khương Dĩnh Diệm không cách nào trái lệnh Thang Viện, chỉ có thể sắp xếp cho nữ tử lạ mặt một chỗ trong đoàn người. Khi mọi việc đã ổn thỏa và đoàn người tiếp tục lên đường, hắn lặng lẽ cho vị hộ vệ theo bên cạnh một ánh mắt.

Vị hộ vệ lập tức hiểu ý Khương Dĩnh Diệm muốn tra xét nữ tử kia làm sao lại ở đây. Nếu nàng thực sự đơn độc lết đến nơi này, nàng không thể không để lại dấu vết.

Đoàn người hạ trại ở một khoảng đất trống gần suối. Ngoại trừ Thang Viện và bốn nữ tu, các tu sĩ và hộ vệ còn lại đều phụ trách dựng lều trại. Rất nhanh năm căn lều to vừa phải được dựng thành một vòng tròn lớn.

Ngựa được đều được buộc vào các cột gỗ lớn được đóng tạm xuống đất. Xe ngựa đậu ở cận kề. Ba nữ tu phụ trách thu vén hành lý và cho ngựa ăn. Trong lúc các tu sĩ và hộ vệ chia nhau vào rừng đốn củi và hái quả dại.

Nữ tử vừa được cứu đang nằm lả trong một căn lều và được nữ tu Tử Uyển săn sóc. Thang Viện bên cạnh phụ trông nom nàng, Khương Dĩnh Diệm mang trọng trách hộ vệ chẳng kỵ nam nữ vẫn quyết kề bên. Sau khi được đút chút nước ấm và lương khô đã được ngâm mềm, sức lực nữ tử dần hồi phục. Sự khác lạ Khương Dĩnh Diệm cảm giác được từ trên người nàng cũng theo đó càng rõ ràng. Nữ tử không giống dân chạy nạn chút nào, ít nhất, về phong thái, nàng chẳng hề giống.

Vẻ ngoài của nữ tử có thể nhếch nhác và dơ bẩn, thậm chí bốc mùi không dễ ngửi. Nhưng khi nàng mở miệng uống nước hay ăn thức ăn được đút, động tác của nàng chẳng giấu nỗi nét sang. Dáng nằm và cách đặt chân của nàng cũng lộ ra vẻ quý phái, tỏ rõ nàng không thể là nữ tử thường dân. Bởi vì những thói quen này luôn ăn vào xương, thường được hun đúc trong suốt quá trình lớn lên, không thể nào luyện trong một sớm một chiều được.

Khương Dĩnh Diệm trong lúc nữ tử uống nước đã xem xét tay nàng. Ít nhất, nàng không có vết chai do cầm thương, kiếm hay ám khí. Nữ tử có vết chai do cầm bút, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, tay phải nàng lại có những vết chai mờ không rõ do điều gì để lại. Bên cạnh đó, kẽ ngón tay của nữ tử sạch và bàn tay cực kỳ lành lặn. Đây không giống những đôi tay nứt nẻ của những nữ tử kham khổ việc nhà. Khương Dĩnh Diệm thầm đoán nữ tử này có thể là tiểu thư của một đại gia tộc nào đó lưu lạc bên ngoài. Vì với phong thái của nàng, đừng nói tiểu thư thương hộ, điền chủ hay nhà quan nhỏ ở vùng ven, ngay cả một số thiên kim quyền quý trong kinh thành cũng không thể nào với tới được.

Nữ tử đó xa lạ tự xưng tên là Khả Liên, họ Hứa. Khương Dĩnh Diệm thầm nhớ trong lòng những đại gia tộc họ Hứa ở cả Nam Yên lẫn Bắc Triệu. Đồng thời, ánh mắt hắn lướt qua Tử Uyển bên cạnh Thang Viện.

"Các hạ," Tử Uyển nhẹ nhàng nói, "Hứa cô nương có vẻ đã khỏe hơn rồi. Nếu Hứa cô nương không chê, xin để bần đạo giúp cô nương thay y phục."

Hứa Khả Liên không phản đối và nói lời cảm tạ. Thang Viện không tiện tiếp tục ở lại. Nàng dẫn Khương Dĩnh Diệm ra ngoài. Thang Viện vừa đi, bầu không khí trong lều đã thay đổi hoàn toàn, mặc dù thái độ của cả hai người Hứa Khả Liên và Tử Uyển không hề thay đổi.

Mệt mỏi là trạng thái giả do thuốc, Hứa Khả Liên từ đầu vẫn luôn tỉnh táo. Nàng từ nhỏ đã nhạy với ánh mắt của người khác, đã sớm nhận ra những đánh giá và dò của Khương Dĩnh Diệm và Tử Uyển với nàng. Hai người họ rõ ràng ở đây chỉ để bảo vệ Thang Viện thôi. Đặc biệt là Tử Uyển, nàng tuy là tu sĩ nhưng tâm không tu. Sử sách nói không sai, Thánh nữ Thang Viện muốn thực sự tu cũng khó.

"Tuy rằng Thánh nữ thu nhận ngươi," Tử Uyển nói, "điều đó không có nghĩa là ngươi có thể cứ thế ở đây. Đừng giả vờ yếu ớt ở đây, lập tức khai ra kẻ nào phái ngươi tới."

Hứa Khả Liên nhếch mép.

"Chỉ là một kẻ theo hầu cũng dám lớn lối," nàng kiêu ngạo nói, "Thánh nữ đã lệnh cho ngươi tẩy rửa cho ta thì ngươi hãy ngoan ngoãn làm theo đi. Lắm lời làm gì?"

Có một số người trời sinh đã vậy, ngay cả khi khinh thường người khác, khí chất của nàng vẫn chẳng hèn đi. Sự trở mặt đột ngột của Hứa Khả Liên khiến Tử Uyển sững sờ.

"Còn đơ ra ở đó làm gì?" Hứa Khả Liên nói, "không mau đến đây giúp ta?"

Tử Uyển không còn cách nào chỉ có thể đến giúp Hứa Khả Liên cởi y phục ra. Động tác nàng cẩn trọng từ từ khiến Hứa Khả Liên mất kiên nhẫn.

"Nhanh lên," Hứa Khả Liên giục, "ngươi định chậm chết ta sao?"

Đến khi Tư Uyên nhanh tay hơn, Hứa Khả Liên lại tiếp tục làm khó.

"Ngươi làm gì mạnh thế?" nàng chất vấn, "chất vải y phục ta là loại mềm nhẹ. Ngươi giật như thế chúng rách hết thì sao đây?"

Chậm không được, nhanh cũng chẳng xong, Tử Uyển khó chịu vô cùng. Nàng liếc về phía Hứa Khả Liên muốn dạy dỗ đối phương. Song, khi đối mặt với ánh mắt mãnh liệt ẩn uy quyền và kiêu sa của Hứa Khả Liên, lời đến bên môi Tử Uyển vụt tắt.

Có những sự chênh lệch giai cấp trong âm thầm đã khắc sâu vào xương tủy. Như có một mê chú vô hình tồn tại, Tử Uyển không dám lên giọng với Hứa Khả Liên. Hứa Khả Nhiên đương nhiên biết rõ điều này.

"Ta biết ngươi đang cố tình lục soát đồ của ta," nàng nói thẳng ra, "chẳng có gì đáng để ngươi lấy đâu, đừng tìm nữa."

Tử Uyển nãy giờ quả thực đang kiểm tra tư trang của Hứa Khả Liên phòng nàng giấu ám khí. Trên người Hứa Khả Liên chẳng mang thứ gì sắc nhọn cả, hay đúng hơn, nàng vốn chẳng mang bao nhiêu thứ trên người. Nàng chỉ mang mỗi bột bộ y phục nhàu nhĩ loang lổ nước bùn, vài tờ giấy mỏng ướt nhẹp dính chụm lại, ngay cả chữ bên trên đã nhòe đến chẳng thể nào nhìn và một túi gấm đựng vài mảnh bạc vụn.

Nếu nói trên người Hứa Khả Liên có mang theo vật nào kỳ lạ, thì đó là thứ nàng đã sớm đặt lên chiếc bàn cạnh giường tre nàng đang nằm nghỉ. Đó là một thứ Tử Uyển chưa từng thấy qua bao giờ. Hai thanh trụ được làm từ thứ vật liệu nhẹ chẳng rõ gắn lại nhau thành hình góc vuông, màu bạc. Giữa hai ống trụ còn có một cái que bóp vào sẽ lại bung ra. Một món đồ chơi có thể gọi là độc đáo.

Tử Uyển bại lộ cũng buông xuống do dự. Nàng cầm món đồ màu bạc cạnh bàn lên kiểm tra rồi trả trở về.

"Đây là vật gia truyền của ta," Hứa Khả Liên hiếm hoi có tâm trạng tốt, trả lời câu hỏi Tử Uyển chưa kịp hỏi thành lời. Nàng cầm cây súng màu bạc lên, thuần thục kéo chốt an toàn và đặt ngón tay lên cò, chĩa thẳng nòng vào tim Tử Uyển, "là bùa hộ mệnh của ta."

Dĩ nhiên, Hứa Khả Liên cũng không thực sự bắn người. Nàng mở lại chốt an toàn, giắt khẩu súng lên eo như đang đeo ngọc bội.

Mâu thuẫn nổi giữa Hứa Khả Liên và Tử Uyển kết thúc như thế. Khi Hứa Khả Liên thay y phục sạch sẽ ra, nàng như trở thành một người hoàn toàn khác, song cũng không khác hẳn hoàn toàn. Bởi câu nói người đẹp vì lụa trong nhân gian qua Hứa Khả Liên phải trở thành lụa đẹp vì người. Phong thái quý tộc vô thức toát ra từ Hứa Khả Liên đủ để khiến loại vải bông sờn cũ tầm thường nhuốm màu lộng lẫy.

Sau khi dịu dàng tạ ơn cứu giúp của Thang Viện, Hứa Khả Liên tìm đến Khương Dĩnh Diệm. Hắn lúc này đã dùng xong bữa tối, đang đi tuần ở bên ngoài. Hứa Khả Liên quan sát một lúc rồi tiếp cận Khương Dĩnh Diệm ở nơi không người thấy.

"Cô nương cần gì?" Sự xuất hiện của Hứa Khả Liên khiến Khương Dĩnh Diệm cảnh giác, cả người và giọng nói đều trở nên căng thẳng.

"Chẳng có gì cả," Hứa Khả Liên thong dong đáp, thái độ của nàng cũng chuyển sang chẳng khác thái độ nàng dùng để đối phó với Tử Uyển nhiều.

"Ta đến đây là vì muốn giúp huynh đài," nàng nói với sự chân thành chẳng mấy thật lòng. "Biên giới phía bắc xa xôi, lại vừa mới qua trận chiến ải Tân Lăng, chẳng ổn định bao nhiêu. Ta không nghĩ huynh đài thực sự muốn để Thánh nữ đến đó."

Khương Dĩnh Diệm đúng thật không muốn để Thang Viện đi quá xa lên phía bắc. Trong thời loạn thế, dù Bắc Triệu có đang muốn cầu hòa với Nam Yên, đến quá gần biên giới vẫn không hề an toàn. Nhưng Thang Viện lại muốn đến nơi này, bởi vì cận vùng chiến tranh mới là nơi có nhiều người dân cần giúp đỡ.

Không cản được mong muốn của Thang Viện, Khương Dĩnh Diệm cùng một vài người trong đoàn cố ý vô tình trì hoãn hành trình, và Hứa Khả Liên rõ ràng nhận ra điều này. Nàng chẳng ngại phơi bày sự thật là nàng biết-Khương Dĩnh Diệm đa nghi, hắn sẽ luôn nhìn chằm chằm vào nàng trừ khi nàng tự giao ra nhược điểm.

Và nhược điểm đó Hứa Khả Liên đã nghĩ sẵn rồi-một tiểu thư quý tộc lưu lạc trong chiến loạn, kiêu căng, thông minh nhưng nông cạn, không giữ được suy nghĩ trong lòng, là một người dễ dàng bị thao túng.

"Ta biết huynh đài đã cho người điều tra ta," Hứa Khả Liên nói, "huynh hẳn biết ta vốn bị bỏ lại từ toán dân chạy nạn từ phía bắc về. Ta đang bị thương không tiện đi đường một mình, phía bắc hỗn loạn và nguy hiểm, ta cũng không muốn theo đoàn người các huynh trở về. Nếu huynh bằng lòng, ta sẽ giúp huynh khiến Thánh nữ đổi ý."

Khương Dĩnh Diệm không mất nhiều thời gian để đồng ý với lời đề nghị Hứa Khả Liên đưa đến. Không phải vì hắn tin Hứa Khả Liên, mà vì với hắn, đây là một hòn đá bắn trúng hai con chim. Hứa Khả Liên được Thang Viện thu lưu, Khương Dĩnh Diệm hiện tại không thể ra tay với nàng. Nếu không, Thang Viện sẽ vì vậy trở nên không hài lòng với Khương Dĩnh Diệm, ảnh hưởng đến việc hắn tiếp tục đi theo bảo vệ.

Nhưng nếu Hứa Khả Liên tự ý thao túng Thang Viện dừng lại, mọi chuyện lại khác. Tá ma giết lừa, sau khi Thang Viện quay về kinh thành thay vì ra bắc, Khương Dĩnh Diệm có thể tiên hạ thủ vi cường giết chết Hứa Khả Liên. Đến lúc đó, hắn có thể dễ dàng đổ tội cho Hứa Khả Liên mưu đồ bất chính với Thang Viện, cản trở nàng cứu tế những nạn dân khổ sở bên ngoài. Như vậy, Khương Dĩnh Diệm không những không phải lo sợ cho an nguy của Thang Viện mà còn chiếm được lòng tin của nàng nữa.

Cách nơi hạ trại của đoàn cứu tế của Thánh nữ một ngày đi đường là nơi đoàn người của Thiên sư Tịnh Nhã hạ trại. Trong căn lều phong phanh đơn bạc, Thiên sư Tịnh Nhã ngồi cạnh bàn cờ tướng đang đánh dở, tay phải nàng vân vê ba đồng tiền đồng. Sáng hôm nay, nể tình Khương Dĩnh Diệm toan tính gặp nàng, Thiên sư Tịnh Nhã đã bói cho hắn một quẻ hỏi mệnh trời. Tiếc rằng, đến cuối cùng, nàng lại không nói ra lời giải đầy đủ.

Quẻ bói cho Thiên sư Tịnh Nhã biết ngày hôm nay Khương Dĩnh Diệm sẽ gặp một người, và người này sẽ là cản trở lớn nhất trên quan lộ của hắn sau này. Sở dĩ Thiên sư Tịnh Nhã không nói hết bởi vì qua gieo quẻ, nàng nhận ra Khương Dĩnh Diệm cũng không phải một người thuần thiện lành. Nếu nàng nói sự thật này, hắn sẽ thà giết lầm còn hơn bỏ sót, sát hại tất cả những người hắn mới gặp hôm nay. Thiên sư Tịnh Nhã dù sao vẫn là người đi tu, nàng không thể nào vì giúp đỡ một người mà hy sinh những người còn lại.

Vạn vật trên đời, mệnh đều đã được định sẵn. Trước khi dị tượng trên trời xuất hiện vào mấy ngày trước, đó là điều Thiên sư Tịnh Nhã vẫn tin. Trong thư từ tổ sư phụ, ngài không hề nói rõ lý giải của ngài về thiên tượng kỳ lạ kia, nhưng từ mỗi một câu chữ trong thư, Thiên sư Tịnh Nhã có thể cảm nhận mơ hồ sự sống của thứ gọi là vận mệnh.

Ván cờ tướng còn dang dở, Thiên sư Tịnh Nhã lại tiếp tục đánh. Nàng rất thích chơi cờ bởi lẽ không một ván cờ nào giống ván cờ nào. Người có thể chơi với cùng một đối thủ, lúc thua lúc thắng, và không cách nào biết được kết cục của ván cờ khi nó vừa mới bắt đầu. Thế cờ vĩnh viễn không giống nhau, ván trước đối thủ đi chuỗi nước cờ này không đồng nghĩa với ván tiếp theo đối thủ sẽ lại đi chuỗi nước cờ này. Chơi lại một ván cờ, có nghĩa là bắt đầu lại, nhưng không có nghĩa là làm lại.

Nếu có một môn cờ Thiên sư Tịnh Nhã yêu thích hơn cờ tướng, đó sẽ là cờ úp. Những quân cờ tướng được úp lại rồi xáo trộn, khi ván cờ mới bắt đầu, không ai biết quân cờ nào đang ở vị trí nào. Thắng thua ở cờ úp lúc này không chỉ nằm ở sự thông tuệ ở kỳ thủ mà còn phụ thuộc vào sự may mắn của mỗi người. May mắn sẽ thay đổi theo mỗi một ván cờ, càng sát với kiếp người thực sự.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top