Chương 2: Bất đồng đạo

Đường rời khỏi phủ Tấn Vương yên ổn đến lạ. Thang Tiệp không gặp phải bất cứ một cuộc tập kích nào cả. Cảnh vật xung quanh cũng rất nguyên vẹn và im ắng. Nếu thích khách từng đặt chân đến hoặc đang ẩn nấp đâu đó, hoàn cảnh sẽ không thể như thế này. Thay vì mùi sát khí, mùi dầu lửa tràn ngập khắp khuôn viên phủ trạch, nồng đến khiến Thang Tiệp đang trúng độc cảm thấy choáng váng đầu. Quanh các tòa viện đã bị người động tay qua-rơm rạ và chất dẫn cháy rải đầy chân tường. Thế nhưng, Thang Tiệp lại không tìm thấy bất kỳ một kẻ nào đang mai phục chực chờ châm lửa.

Đến cổng phủ Tấn Vương, Thang Tiệp mới hiểu rõ vì sao lại thế này. Trước phủ Tấn Vương, thi thể thích khách nằm la liệt khắp nơi. Máu vẫn còn chảy ra từ thi thể. Những thích khách ấy chỉ vừa chết cách đây không lâu. Vây quanh đống thi thể ấy là một vòng binh sĩ hơn hai trăm người mặc y phục và cầm cờ của đội thân vệ của Hoài Vương. Họ đang thủ thế nhìn chằm chằm vào phủ Tấn Vương, sẵn sàng kết liễu bất kỳ kẻ nào khả nghi xuất hiện.

Đốt được đốt lên đỏ rực một vùng. Giữa vòng thân vệ là một nữ tử ngồi trên lưng ngựa. Trông nàng còn rất trẻ, có vẻ như vẫn đang giữa độ tuổi đôi mươi. Nàng sở hữu ánh mắt thấm đượm vẻ sâu sắc và bất cần đời không hề hợp với tuổi tác của nàng. Đồng tử nàng rất sâu, sâu hơn cả vực thẳm sâu nhất thế gian này. Chúng lúc nào cũng như đang ngậm một câu chuyện nào đó không thể tiết lộ với bất kỳ kẻ nào, điểm cho nàng một sự thần bí khó thể nào lý giải.

Thoáng nhìn qua, ngoại trừ chiều cao hơi trội, nữ tử chẳng có gì khác hơn so với bất kỳ một nữ tử bình thường. Thế nhưng, khí chất của nàng vĩnh viễn tách biệt một cách bất bình thường. Nó tựa như một giọng nói vô hình quấn quýt quanh nàng, nhắc nhở những người xung quanh nàng rằng nàng và thế gian này không dung hợp.

Diện mạo của nữ tử cũng góp phần đẩy nàng ra xa khỏi những người khác. Tóc nàng quá đen và quá mượt. Mỗi một sợi tóc đều óng ả như lụa thượng hạng, tràn ra thứ sức sống uốn lên theo gió đêm. Răng nàng quá đỗi đều và trắng đẹp như màu sứ, điều ngay cả nữ tử hậu cung nhà Yên năm xưa cũng chỉ có thể ao ước mỗi lần giấu răng trong lúc cười. Lựa chọn y phục của nàng cũng kỳ lạ-nàng vận một thân tím sẫm, đội một lớp vải lưới cùng màu nửa che đi khuôn mặt kiều diễm và không mang bất kỳ một món trang sức nào.

Khoác áo choàng nhung, cưỡi ngựa yên nghiêng và đeo găng tay lụa. Một phong cách độc nhất vô nhị xưa nay chỉ thuộc về một mình Thang Ý Lan giờ lại tái hiện trên người một nữ tử khác, Thang Tiệp chẳng thể nói rõ cảm xúc lúc này của hắn là hoài niệm hay là căm thù.

"Hoài Vương phi," cuối cùng, Thang Tiệp nghiến răng cất lời, "đến thật đúng lúc."

Hoài Vương phi Hứa Khả Liên, chính thất của Hoài Vương Độc Cô Chiêu, đồng thời là đồng minh lớn nhất của y trên con đường giành lấy thiên hạ.

Ánh lửa bập bùng ngoài phủ Tấn Vương mạ lên một màu quỷ dị.

"Hoài Vương đoán không sai," Hứa Khả Liên nhẹ nhàng nói, "một đám tạp nham đó nào phải đối thủ của Tấn Vương điện hạ đâu. Chắc ngài đã dậy cảnh giác từ khi thấy nha hoàn sợ sệt mang cơm tối cho ngài rồi đúng không? Bổn cung cố tình sắp xếp một kẻ yếu bóng vía hầu hạ cho ngài, như vậy một khi xảy ra chuyện, và cô ta bị uy hiếp khống chế, ngài cũng dễ dàng phát hiện."

Giọng nói của Hứa Khả Liên nhỏ nhẹ nhưng lại ẩn ẩn uy lực thay vì sự yếu đuối. Nó vô hình trung buộc người đang nói chuyện với nàng phải tập trung vào nàng để nghe được lời của nàng. Khi Hứa Khả Liên nói chuyện, nàng luôn nhìn thẳng vào mắt người đang nói với, và Thang Tiệp không phải là ngoại lệ của nàng. Cảm giác áp bức như có như không này khiến Thang Tiệp nhận rõ nàng khác Thang Ý Lan hoàn toàn. Lời nhắc nhở âm thầm của Hứa Khả Liên lại ám chỉ với Thang Tiệp rằng chút trí óc của hắn chẳng là gì so với Độc Cô Chiêu và nàng. Tất cả dồn lại càng làm Thang Tiệp thêm khó chịu.

Tay cầm thương của Thang Tiệp bất giác siết chặt lại. Đôi môi hắn cong khẽ lên đầy lạnh lẽo. Không đợi hắn dò hỏi, suy đoán của hắn đã được chứng thực bởi lời nói này. Quả thực hai người Độc Cô Hứa này đã nhìn thấu việc có kẻ muốn hành thích hắn từ sớm rồi. Biết nhưng lại không có bất kỳ hành động nào rõ ràng nào, Thang Tiệp chắc chắn mười phần hai người này đã dùng ngược hắn làm mồi dụ rắn rời hang để một lưới xử gọn.

"Vậy bổn vương phải đa tạ lòng tốt của hai người," Thang Tiệp nói, "đa tạ hai người đã ban cho bổn vương một nha hoàn kém thông minh thay vì một mồi lửa như cô đã ban cho Trường Xuân không lâu trước."

"Trường Xuân? Ai?" Hứa Khả Liên bâng quơ hỏi. Rồi như cuối cùng cũng đoán được người Thang Tiệp nhắc đến, Hứa Khả Liên nở một nụ cười không thiện lành, "ngài đang nói đến mồi lửa đã ban cho Ý Lan à? Nếu vậy, bổn cung cũng phải cảm tạ ngài. Không nhờ có ngài, Ý Lan sao có thể rơi vào tuyệt cảnh như vậy?"

Lời chế giễu của Hứa Khả Liên chạm đến nỗi đau ê chề nhất trong lòng Thang Tiệp. Đồng tử hắn co rụt, đôi tay hắn bất giác siết chặt đến rướm máu lòng bàn tay. Thang Ý Lan làm người khéo léo, mỗi một bước đi của nàng đều được tính toán từ trước. Nếu không phải vì Thang Tiệp bốc đồng hành động, Thang Ý Lan đã chẳng rơi vào đường cùng. Độc Cô Chiêu xảo quyệt thâm trầm, y hiểu Thang Tiệp hơn ai, càng hiểu cách để khơi dậy thù hận, nghi kỵ và sự hiếu chiến sâu thẳm trong lòng Thang Tiệp.

Một liên hoàn kế, bắt nguồn từ một bi kịch không tránh khỏi và một vài ám chỉ ẩn ý không rõ ràng. Thang Tiệp và Thang Ý Lan dần dần cách lòng. Để rồi sau này, mất đi người chỉ điểm, Thang Tiệp bị hoàng hậu của Yên Duệ tông, tức phụ hoàng hắn, và Khương gia của bà ta gài bẫy ghép tội mưu phản.

Năm ấy, Yên Duệ tông không niệm tình phụ tử, phán Thang Tiệp tội chết. Thang Ý Lan nhớ tình thân cũ mà buông bỏ thù hận, bất chấp sự can ngăn của tâm phúc, cầm lấy Thượng phương bảo kiếm cắt tóc Thang Tiệp trên đoạn đầu đài thay cho chém đầu. Nhờ đó, Thang Tiệp tránh được hành quyết và chỉ bị lưu đày. Nhưng hành động của Thang Ý Lan cùng với việc nàng sở hữu Thượng phương bảo kiếm của Yên Thái tổ truyền đến tai Yên Duệ tông, khiến ông càng kiêng kỵ nàng. Với thân phận vốn đã tế nhị dưới thời Yên Duệ tông trị vì, Thang Ý Lan để tự bảo toàn không thể không cáo bệnh từ bỏ tất cả quyền lực trong triều, tự nhốt mình trong phủ.

Thang Ý Lan mất quyền, Độc Cô Chiêu thăng tiến là điều tất lẽ dĩ ngẫu. Nếu Thang Ý Lan vẫn còn là Thang Ý Lan của trước đây, nhà Yên đã không suy sụp để rồi rơi vào tay Độc Cô Chiêu một cách dễ dàng như thế.

"Hoằng Tích không có ở đây," không tìm thấy bóng dáng Độc Cô Chiêu, Thang Tiệp chuyển chủ đề hỏi, "có phải y đang đi xử kẻ chủ mưu ám sát bổn vương không?"

Mắt Hứa Khả Liên lóe lên nhìn Thang Tiệp với vẻ tán thưởng.

"Không sai," nàng nói, "không ngờ ngài lại có thể đoán ra. Kẻ đó giờ đã sớm phơi thây. Hoài Vương không thích kẻ nào dám đâm sau lưng ngài ấy như thế."

"Tốt," Thang Tiệp cười mỉm. Đây là nụ cười thật lòng duy nhất của hắn sau một khoảng thời gian rất rất dài.

Như nhận ra điều gì đó, Hứa Khả Liên co rụt mắt. Nàng vương tay như muốn cản lại, nhưng cuối cùng nàng chẳng làm gì.

Hai quân cờ giấu trong tay áo của Thang Tiệp ma sát vào nhau. Tia lửa rơi xuống đống rơm chất trước cổng phủ Tấn Vương. Lửa cháy theo chất dẫn cháy lan rộng ra xung quanh. Ngọn gió vô danh đột nhiên nổi lên khiến thế lửa càng lan càng mãnh liệt hơn. Thang Tiệp chẳng buồn nhìn Hứa Khả Liên và thân binh của Hoài Vương xoay người bước vào phủ và đóng cửa lại.

Làm trái với di nguyện của Thang Ý Lan, Thang Tiệp tự biết hắn có lỗi. Nhưng hắn đã quá mệt mỏi để sống tiếp rồi.

"Còn chưa đến nửa tháng là hết năm," Thang Tiệp nói, "năm mới, Hoằng Tích sẽ đăng cơ và đổi niên hiệu. Nếu đã vậy, bổn vương sẽ dùng mạng sống của bổn vương chúc y một thời thịnh trị thái bình."

Sở dĩ hắn còn sống là vì hắn không muốn ai lấy cái chết của hắn làm lý do kích động bạo loạn, đồng thời làm mồi cho Hoài Vương Độc Cô Chiêu và Hoài Vương phi Hứa Khả Liên tìm ra những kẻ cuối cùng còn muốn mưu cầu tranh quyền.

Đêm Thang Ý Lan vừa chết, Thang Tiệp bị giam lỏng trong phủ Tấn Vương, nhưng hắn đã lẻn ra ngoài. Thang Tiệp là một võ tướng và là một cao thủ, không một ai có thể giam hắn lại, nhất là trong tòa phủ hắn sớm thuộc nằm lòng. Đêm ấy, Thang Tiệp vốn muốn đồng vu quy tận với Hoài Vương và Hoài Vương phi. Nhưng cuối cùng, hắn đã đổi ý.

Trên đường đến phủ Hoài Vương, Thang Tiệp đã đụng phải một đứa bé hắn đã không còn nhớ mặt. Cậu bé gầy guộc đang cầm một que kẹo mạch nha vừa được khéo léo kéo. Với bộ dạng của cậu bé, một que kẹo mạch nha đã là thứ rất xa xỉ rồi. Nhưng, cậu bé lại vô cùng vô tư nhét que kẹo xa xỉ đó vào tay Thang Tiệp đang đi trong âm trầm. Cậu nói rằng: bất kể hắn đang buồn rầu vì điều gì, ăn kẹo vào thì sẽ lại vui vẻ lại.

Que kẹo ấy là món quà đầu tiên trong đời cha cậu tặng cho cậu. Cậu bé đến hơn năm sáu tuổi mới nhận được quà của cha lần đầu-bởi từ lúc cậu chưa ra đời, cha cậu đã tòng quân biệt xứ.

Cậu bé kể rằng cậu đã may mắn hơn bạn của cậu nhiều lắm. Có một vài người bạn của cậu có đợi mãi cũng không thể đợi được cha họ trở về. Cậu may mắn hơn người khác, được gặp lại cha, nên cậu muốn chia sẻ với Thang Tiệp may mắn này. Đôi mắt hồn nhiên chăm chú nhìn Thang Tiệp, nụ cười ấm áp của cậu bé làm tan rã thù hận chồng chất trong trái tim Thang Tiệp, khiến hắn một lần nữa nhìn mọi thứ xung quanh rõ ràng. Cậu bé hy vọng Thang Tiệp có thể vui vẻ bắt đầu lại cuộc sống như gia đình cậu. Và Thang Tiệp cũng hy vọng cậu bé và cha sau nhiều năm chia ly vì chiến loạn sẽ không lại bị chia ly vì chiến loạn nữa.

Cũng vì thế, Thang Tiệp chẳng thể nào xuống tay với Hoài Vương hay Hoài Vương phi được nữa. Hắn không rõ con người của Hứa Khả Liên, nhưng hắn rõ Độc Cô Chiêu hơn ai hết. Y tàn nhẫn với kẻ thù, nhưng y khác với Diêu gia hay Khương gia hai tộc ngoại thất cũ. Ít nhất, đâu đó trong lòng Độc Cô Chiêu vẫn còn chút nhân từ. Vì chút nhân từ nhỏ nhoi này, Thang Tiệp nguyện tin Độc Cô Chiêu lần cuối.

Sau cánh cửa phủ Tấn Vương, Thang Tiệp quỳ xuống giữa biển lửa. Hắn không cần cán thương chống vẫn nhất quyết quỳ thẳng người trên nền đất. Dưới ánh trăng bạc và ánh lửa đỏ, hắn tựa như kim long bất khuất đến thời khắc cuối cùng. Độc tố trong người không triệt ánh mắt sắc bén như diều hâu của hắn. Ngọn lửa nóng rực không thuần được vẻ bất kham và táo bạo như lang sói của hắn. Cái chết càng kề cận, Thang Tiệp càng tỏ tường, hắn hiểu rõ rất rõ rằng trong bất kỳ tình cảnh nào, hắn gánh lấy hậu quả hắn tự gây ra thay vì oán trời trách đất.

Độc, khói và lửa. Thang Tiệp không thể đoán được cái nào sẽ lấy mạng hắn trước, và hắn cũng chẳng quan tâm nữa. Giữa khói lửa mịt mù, Thang Tiệp như thể nhìn thấy hình bóng Thang Ý Lan. Nàng không trách hắn cũng không ủng hộ hắn. Nàng chỉ đơn thuần nhìn hắn thật lâu như thể nàng luôn hiểu rõ lựa chọn của Thang Tiệp vào những ngày tháng cuối đời. Sóng gió quyền lực dưới sự kiểm soát của Độc Cô Chiêu và Hứa Khả Liên đã dừng, Thang Tiệp cũng yên lòng rời đi để trả giá cho sự thiếu sáng suốt năm xưa của hắn.

Có đôi lúc, Thang Tiệp nghĩ, cuộc đời hắn tựa như một trò đùa. Nếu không vì hắn, Thang Ý Lan đã không đến nỗi tự thiêu rồi. Giờ nghĩ lại, Thang Tiệp cũng chẳng hiểu khi xưa hắn nghi kỵ Thang Ý Lan để làm gì. Dù cho nàng có lên làm nữ hoàng thì đã sao? Thang Ý Lan chắc chắn sẽ là một minh quân. Thang Tiệp hắn nào có thể sánh bằng với nàng được?

Nhìn phủ Tấn Vương rực cháy, Hứa Khả Liên lặng lẽ nhắm mắt lại xoay mặt rồi xoay ngựa lại, tránh phải nhìn kết cục của một vị chiến thần.

"Hóa ra," nàng thì thầm như đã tỏ tường, "sáng nay Hoằng Tích đến phủ Tấn Vương, nói là đưa thư của Ý Lan cho Tấn Vương, thực ra là để gặp ngài lần cuối."

Trên lưng ngựa, phía sau chiếc yên Hứa Khả Liên ngồi, một hộp tro nằm lặng lẽ đối mặt phủ Tấn Vương bị ngọn lửa vô tình nuốt trọn.

"Để ngài thất vọng rồi," Hứa Khả Liên nói với hộp tro cốt, "di thư của ngài cuối cùng cũng không cứu được Tấn Vương điện hạ rồi. Cái chết của ngài định sẵn sẽ ám ảnh Tấn Vương suốt đời. Kết cục này khó lòng tránh khỏi."

Tro cốt đã lạnh, Thang Ý Lan đã không thể nào đáp lời được nữa. Gió đông thổi qua, lá thư trong tay áo của Hứa Khả Liên khẽ lay. Nét chữ trong lá thư sắc sảo lạnh lùng, y hệt nét chữ trên lá thư Thang Tiệp vừa đọc.

Công chúa Ý Lan của nhà Yên

Gửi Khả Liên yêu quý của ta, vị vương phi mệnh định và duy nhất xứ Hoài:

Như Điện hạ đã thấu tỏ, ta vẫn luôn khẩn cầu ngài rời đi khi thời khắc đến. Nhưng ngài chưa từng đưa ra lời đáp chắc chắn thỏa mãn được ta, vì thế ta yêu cầu ngài xác định lựa chọn rõ ràng trước cuối tháng này. Ta không có quyền quyết định việc đi hay ở của ngài, nhưng ta phải nhắc nhở với ngài rằng: thời đại này không phải của ngài, và nó sẽ vĩnh viễn không chào đón ngài, vĩnh viễn không thân thiện với ngài, đừng tự dối lòng nữa.

Ngài ở đây, hại nhiều hơn lợi, ngài phải hiểu rõ điều đó hơn ta. Ngài nên biết, chỉ mỗi sự qua đời của ngài đối với chúng sinh đã là hiểm họa tiềm tàng. Một khi ngài chết ở đây, mầm bệnh ẩn trong thi thể và dịch thể của ngài sẽ lan ra ngoài. Thân thể của người xung quanh không chống chịu được, đại dịch có nguy cơ phát sinh, và trường hợp tệ hơn sẽ dẫn đến diệt chủng. Thảm họa này dễ dàng được tránh đi nếu ngài không ích kỷ.

Ta không ép buộc được ngài, trường hợp tệ nhất ngài bỏ ngoài tai lời khuyên can của ta, ta nhượng lại cho ngài thanh Thượng phương bảo kiếm của Thái tổ Hoàng đế. Với Thân vương xứ Hoài ta nhượng lại Ngọc tỷ truyền quốc, hy vọng hai ngài sẽ giám sát lẫn nhau, duy trì thế cân bằng cho giang sơn chúng ta.

Dĩ nhiên, so với việc ngài và Thân vương Chiêu kiềm chế lẫn nhau, ta càng mong ngài lựa chọn rời đi. Vì trách nhiệm, và vì ngài ở đây cũng đâu hạnh phúc gì đâu. Ngài vốn không có lý do tiếp tục dày vò bản thân như vậy.

Từ đây đến cuối tháng hãy còn thời gian, làm ơn dành thời gian và suy ngẫm lời của ta thật kỹ. Thời khắc đó chỉ đến một lần duy nhất, và vận mệnh không dung thứ bất kỳ sai sót nào. Từ Phủ Trường Xuân của Hàm Tước, ngày XIIIJ tháng Một năm MCDLXXXJ.

Ta công chúa của nhà Yên

Ý Lan.

Thang Ý Lan mưu tính cả đời, đến khi ra đi vẫn còn mưu tính vì giang sơn xã tắc. Đáng tiếc, nàng có tính hay hơn nữa, người còn sống không làm theo, nàng cũng chẳng thể làm gì.

"Bên Hoài Vương thế nào rồi?" Nhìn thân vệ bên cạnh nàng, Hứa Khả Liên hỏi. Thân vệ ấy thực chất là ám vệ tâm phúc của Độc Cô Chiêu, hắn chỉ vừa đến không lâu sau khi Thang Tiệp tự thiêu.

"Hồi bẩm Vương phi điện hạ," hắn chấp tay tâu, "mọi việc bên phía Thân vương điện hạ đều ổn thỏa rồi."

"Tốt lắm," Hứa Khả Liên nói, giọng nói vẫn quá đỗi nhẹ nhàng, "bước tiếp theo của các người thì sao? Chắc là xử lý ta nhỉ?"

Thân vệ sợ hãi cúi rạp người xuống.

"Thuộc hạ nào dám," hắn khẩn khoản nói, "điện hạ cành vàng lá ngọc, lại là chính thất của Thân vương điện hạ. Thuộc hạ sao lại dám có ý nghĩ hỗn xược kia."

"Không phải ngươi có ý nghĩ kia," Hứa Khả Liên cười lạnh, "là Thân vương điện hạ của ngươi có ý nghĩ kia."

Ánh mắt đảo qua các thân vệ xung quanh, thấy vài người trong số họ lặng lẽ đặt tay lên chuôi kiếm bên hông, Hứa Khả Liên đã hiểu rõ rồi.

"Không muốn giết ta? Vậy bắt giam nhỉ? Hoài Vương quả thực tự tin quá mức. Chỉ bấy nhiêu người các ngươi đã hòng nghĩ cản được ta sao?"

Nói rồi, Hứa Khả Liên đút tay phải vào ống tay áo trái. Sắc mặt của thân vệ bỗng chốc tái mét. Phản ứng ấy khiến Hứa Khả Liên cảm thấy thú vị. Nàng giật tay ra, trong tay nàng chỉ vỏn vẹn một chiếc khăn lụa tím.

"Hoài Vương đã cảnh báo với ngươi từ trước?" Hứa Khả Liên hỏi, "y đã nói về ta như thế nào?"

Có lẽ vì sự phòng bị đã quá rõ, hoặc có lẽ vốn chẳng có gì để giấu cả, thân vệ thành thật đáp lời.

"Thân vương điện hạ nói rằng ngài có một thứ ám khí nguy hiểm cực kỳ, có thể giết tất cả những người xung quanh ngoại trừ ngài trong một khoảnh khắc."

Nghe lời này, Hứa Khả Liên cười lạnh.

"Y còn nói gì nữa?" Nàng hỏi, "vì sao phải trừ khử ta?"

"Là giữ ngài lại," thân vệ khéo léo đáp, "Thân vương điện hạ đã lệnh chúng thuộc hạ phải hộ tống ngài về phủ bằng bất kỳ giá nào."

Hồi phủ bất kỳ giá nào, người sống hay chết không quan trọng.

"Nếu chẳng may ta chết, các ngươi tốt nhất nên hỏa thiêu ta ngay lập tức thay vì chuyển thi thể đi lung tung," Hứa Khả Liên dặn dò.

Độc Cô Chiêu thà trở mặt cũng quyết như thế rồi, sự do dự trong lòng Hứa Khả Liên chấm dứt.

"Không cần phí tâm," nàng nói, "đêm nay tự ta hồi phủ."

Là hy vọng hão huyền hay là cơ hội mong manh, không ai có thể nói được. Một thập niên qua nàng đã sống chấp nhất vì một mục tiêu đã sớm mơ hồ chẳng rõ. Đến thời khắc cuối, nàng quyết định buông bỏ tùy hứng một lần.

Đến cùng, sứ mệnh bảo vệ chúng sinh trên đời là của Thang Ý Lan. Nó chẳng là gì đối với Hứa Khả Liên cả.

Để lại một nhóm người dập lửa phủ Tấn Vương, Hứa Khả Liên theo đoàn hộ tống thờ ơ rời khỏi.

Giữa màn đêm thăm thẳm, đâu đó trong không trung, một đôi cánh bướm trắng vỗ nhẹ nhàng bay lên trời. Chiếc kim cài áo bạch kim Hứa Khả Liên đã lâu không dám đeo một lần nữa xuất hiện trên ngực áo.

~~oOo~~

Lịch sử Viễn Đông chép lại. Cuối thế kỷ XV ở nước này là một thời kỳ đầy hỗn loạn và biến động. Chiến tranh Bắc Triệu-Nam Yên đã đến giai đoạn cuối. Nội bộ nhà Yên, Yên Duệ tông vô năng, ngoại thích Diêu gia và Khương gia lộng quyền, cả triều đại lung lay đến tận gốc rễ.

Thời thế tạo anh hùng, anh hùng không màng xuất xứ. Giữa tình hình rối loạn ấy vẽ lên thời đại kiêu hùng của Thượng Nguyên Hoàng tế Độc Cô Chiêu và Hoài Nữ vương Thang Ý Lan.

Thượng Nguyên Hoàng tế vốn là quyền thần trong triều đình Nam Yên. Sau khi Yên Thế tổ đăng cơ, ngài đã cầu thân với Độc Cô Chiêu, đồng thời lập ra ngôi vị hoàng tế thay cho danh hiệu nam hoàng hậu vốn không được đánh giá cao ở những triều đại trước.

Cùng nhau, Yên Thế tổ và Thượng Nguyên Hoàng tế dựng nên một thời đại thái bình thịnh trị và thông qua đời hoàng đế tiếp theo lập lại cho hoàng thất nhà Yên huyết mạch chính thống. Dòng dõi ấy tiếp tục truyền theo dòng lịch sử, dù dưới nền quân chủ chuyên chế hay quân chủ lập hiến, hoàng triều nhà Yên vĩnh tồn.

Mối quan hệ giữa Yên Thế tổ và Thượng Nguyên Hoàng tế kéo dài đến cuối đời, chưa từng thay lòng. Khi mâu thuẫn giữa Thượng Nguyên Hoàng tế và Hoài Nữ vương đến bước đường người chết ta sống, Yên Thế tổ thậm chí rũ bỏ tình nghĩa phò tá năm xưa, khiến Hoài Nữ vương tán thân trong biển lửa ngập trời. Yên Thế tổ thà chịu tiếng xấu vong ơn bội nghĩa ngàn đời cũng không muốn Thượng Nguyên Hoàng tế vì giết công thần mà bị thiên hạ phỉ nhổ.

Sau khi Hoài Nữ vương mất, tước hiệu Hoài vương gia bị treo lại vĩnh viễn, đời sau không người nào được nhận. Tất cả những ghi chép sinh thời của bà đều bị Yên Thế tổ ra lệnh tiêu hủy. Những dòng sử viết về bà dần trở thành bóng mờ.

Năm 1495, mười mấy năm sau khi Hoài Nữ vương qua đời, Thượng thiên sư Thượng Minh Tâm vì bà dựng nên trường đại học thứ hai của Viễn Đông, lấy tên Trường Xuân trong Trường Xuân Quận chúa, tước hiệu của bà trước khi được phong vương. Đồng thời, một đời dài hơn trăm năm của Thượng Minh Tâm đều dành để hoàn thành tâm nguyện và di sản mà Hoài Nữ vương để lại.

Hai ngàn năm sau, khi nhân loại đã sớm rời khỏi hành tinh tổ và an cư đâu đó trên những vì sao khác trong vũ trụ mênh mông, Hoài Nữ vương lần nữa xuất hiện với thân phận nhân vật chính trong vở opera Nhà Tử Đạo lừng danh. Dù bao kỷ nguyên trôi qua, tên của Hoài Nữ vương trong lịch sử Viễn Đông chưa từng tan biến.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top