Chương 3: Phái Vô Kiếm
Văn Tôn ngất đi không biết bao nhiêu lâu thì tỉnh lại. Chàng thấy mình đang ở trong một căn nhà nhỏ, trên mái lợp tranh, bốn vách đều dựng lên bằng những thân trúc còn xanh. Chàng tối đó bị trúng một chưởng, đau đến bất tỉnh, cứ tưởng đã chết đi, bây giờ thấy mình đang ở một nơi lạ lẫm, thật chẳng biết là trần gian hay âm tào địa phủ. Trong người vẫn còn ngâm ngẩm đau, những đã đỡ hơn rất nhiều, chàng lò dò đi ra. Căn nhà có khung cửa, có bậu cửa, nhưng không có cánh cửa, tưởng như ở đây không một ai biết tới, nên chẳng cần đóng cửa cài then làm gì hoặc đã bị ai đó tháo mất. Nghe bên hông nhà có tiếng xột xoạt, Văn Tôn liền đi về hướng đó, thấy một bà lão mặc một bộ y phục cũ kỹ màu vàng nhạt, đầu tóc bạc trắng như sương. Bà ta ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, xoay lưng về phía chàng, chỉ thấy tay bà ta đang thoăn thoắt đan những tấm mành trúc. Chàng định đánh tiếng chào hỏi, nào ngờ bà ta không cần quay lại cũng biết được chàng đang đứng phía sau, đã lên tiếng trước:
- Tiểu tử! Đã chịu tỉnh rồi sao?
Văn Tôn không biết mình đã hôn mê bao lâu, nhưng đoán cũng vài ngày, chàng hỏi:
- Có phải bà bà đã cứu con?
Lúc này bà ta mới quay lại nhìn Văn Tôn. Đó là một lão bà tuổi đã hơn bát tuần, da dẻ nhăn nhúm, hai gò má hóp vào, đôi mắt già nua hấp háy. Bà ta nở một nụ cười hiền từ, nói:
- Cách đây ba hôm, buổi tối ta đang ngồi đan mành trước cửa, bỗng nghe dưới chân núi có tiếng người rống lên như trâu bị thọc tiết, mới vội vã đi xuống xem thế nào. Thấy con nằm rũ ra đó, xem ra đã thụ thương không nhẹ nên đưa về đây coi sóc, cũng may là còn cứu được.
Bà ta ngừng lại một lát, rồi nói:
- Huyết Tích Liên Chưởng chẳng mấy khi gia hại hiền nhân, chiêu Vạn Tiễn Xuyên Tâm này cũng may là gặp được ta, nếu không e rằng bây giờ con đã là cái xác không hồn. Có phải con đã làm chuyện gì độc địa gian trá, cho nên mới bị người đó hạ sát thủ?
Văn Tôn còn nhớ cái tên "Huyết Tích Liên Chưởng", còn cái gì gọi là "Vạn Tiễn Xuyên Tâm" chàng không sao biết được. Nghe bà ta nói vậy, chàng đoán bà ta phải là một danh y có tiếng, tinh thông dược lý, chắc cũng là một người bụng dạ từ bi, có tấm lòng bồ tát, liền đem việc mình cùng nghĩa huynh vào trọ ở khách điếm ra sao, rồi nghe tiếng tiêu mà đi theo, bị ác nhân đả thương như thế nào kể lại tường tận. Bà ta nghe xong, hỏi:
- Cô nương đó tú lệ tuyệt mỹ, hẳn là ngươi có chết dưới tay cô ta cũng không có gì hối tiếc phải không?
Văn Tôn gãi đầu gãi tai, ngượng đỏ cả mặt. Cô nương ấy quả thật là một giai nhân tuyệt thế, tuy ra tay có độc ác, nhưng nhan sắc vô song hiếm thấy trên đời, khiến người vừa trông thấy đã chợt động tâm can, trong cái kinh sợ lại có chút yêu thích. Chàng không biết trả lời thế nào cho đặng, tìm cách lảng đi, hỏi:
- Sao bà bà lại biết cô ta xinh đẹp, có phải bà bà cũng từng bị cô ta gia hại?
Lão bà đột nhiên cười một tràng vang động, làm cho mấy con chim sẻ đậu trên mái nhà tán loạn bay lên.
Văn Tôn thấy bà ta không trả lời mình mà đột nhiên cười lớn, trong tràng cười ấy lại có mấy phần hoan hỷ đắc ý, chàng lấy làm lạ, song cũng không dám hỏi thêm. Chàng bước tới bên cạnh, quỳ xuống, vái một cái thật dài, nói:
- Tạ ơn bà bà đã cứu mạng. Tiểu sinh họ Văn, tên Tôn, mong bà bà cho tiểu sinh được biết tôn tính quý danh, tiểu sinh nguyện làm trâu làm ngựa để báo đáp!
Lão bà liền xua tay nói:
- Giúp người lúc hoạn nạn là lẽ nên làm, dù là con mèo, con chó, lão cũng không nỡ thấy chết không cứu, con không cần phải để trong lòng, còn tên tuổi của lão cũng không cần nhắc đến!
Đoạn đưa tay đỡ chàng đứng lên, trong khoảnh khắc ngón giữa bàn tay phải đã đặt lên cổ tay trái của chàng, trầm ngâm một lúc rồi gật gật đầu, nói:
- Khí huyết lưu thông, kinh mạch điều hòa, xem ra nội thương đã giảm hơn phân nửa, tốt lắm, tốt lắm!
Văn Tôn nhớ đến đại hán họ Nhạc lúc ở Hỷ Lạc lâu bị người đó đánh một chưởng, chưa tới ba canh giờ thì đã táng mạng, mình cũng bị cô ta đánh cho một chưởng nhưng theo lời vị bà bà kia, đã ngất đi hết ba ngày ba đêm nhưng bây giờ nội thương lại lành hơn một nửa, chẳng lẽ bà ta đúng là một danh y cái thế, lợi hại hơn cả Hoa Đà? Chàng hiếu kì không sao kìm được, buột miệng hỏi:
- Tiểu sinh có nghe người ta đồn đại, chưởng pháp của nàng ta thật là lợi hại, ai trúng phải thì không sống được quá ba canh giờ, không biết bà bà đã dùng loại linh đơn diệu dược gì mà lại thần hiệu đến vậy?
Năm xưa Nguyệt Lão Cô tung hoành giang hồ, ai ai cũng đã từng nghe tới Huyết Tích Liên Chưởng lợi hại của bà ta. Loại chưởng pháp này căn nguyên cũng từ nội công của bản thân mà biến hóa thành nhiều chiêu nhiều thức, mỗi khi nội lực đi vào người đối phương lại chia thành nhiều luồng hàn khí liên miên bất tận, theo các huyết mạch lớn nhỏ thâm nhập vào lục phủ ngủ tạng. Hàn khí một khi đã thâm nhập, hầu như không cách gì trục xuất ra được, trừ phi nội lực của người đó phải cực kỳ cao thâm mới có thể tự phong bế kinh mạch toàn thân, rồi lại dùng chân khí của bản thân dần dần đẩy lùi hàn khí ra ngoài. Song việc trị thương không phải chỉ năm bữa nữa tháng là xong, phải tốn rất nhiều công lực, khó khăn trăm điều, hơn nữa những người có nội công đạt đến mức đó quả thực trên đời không có nhiều, cho nên hầu hết những người từng trúng phải Huyết Tích Liên Chưởng đều đã táng mạng. Người trong võ lâm dần dần mỗi khi nghe đến Huyết Tích Liên Chưởng đều kinh hồn táng đởm, nào có ai dám đứng ra giao đấu với bà ta, lâu ngày môn công phu này cũng không mấy khi được thi triển. Nguyệt Lão Cô khi sáng tạo ra môn chưởng pháp này cũng không ngờ nó âm độc khôn lường đến thế, sau này cũng không muốn đem ra sử dụng nhưng bảo phế đi thì cũng không nỡ, cuối cùng đã nghĩ ra một cách vẹn toàn đó là điều chế một loại giải dược cho Huyết Tích Liên Chưởng, để nhỡ may có lỡ tay đả thương người tốt thì cũng còn có đường cứu chữa. Thế nhưng từ khi bà ta chế ra thuốc giải, bỗng dưng lại biệt tăm biệt tích trên giang hồ, tưởng như chưởng pháp lợi hại kia cùng với giải dược của nó cũng đã thất truyền, nào ngờ hôm nay cả Huyết Tích Liên Chưởng và thuốc giải cùng lúc xuất hiện ở cái thôn nhỏ bé này, âu cũng là cơ duyên hiếm thấy. Nên biết một khi hàn khí xâm nhập vào lục phủ ngủ tạng thì kinh mạch toàn thân bị tắc nghẽn, phải biết khí huyết tích tụ ở những điểm nào mới có thể đả thông, việc đó ngoài người sáng tạo ra chưởng pháp thì còn có ai tinh tường hơn? Văn Tôn gặp được vị bà bà có thể hóa giải tổn thương do Huyết Tích liên Chưởng gây ra cũng có thể nói là một kỳ ngộ trong nhân gian, nếu không e rằng bây giờ chàng đã thành cái xác không hồn, nằm vất vưởng dưới chân núi.
Lão bà chỉ mĩm cười, nói:
- Lão chỉ biết có một chút y lý, để dành phòng thân, không lẽ con cũng muốn học lấy hay sao?
Văn Tôn lắc đầu lia lịa. Chàng vốn tò mò nên buột miệng hỏi, nghe bà ta nói vậy lại tưởng bà ta trách mình vô phép vô tắc, chưa chi đã muốn học lóm dược lý bí truyền của mình, vội xua tay nói:
- Tiểu sinh không có ý đó, chỉ là...chỉ là...
Lão bà cười hà hà, quay lại đan tiếp tấm mành còn dang dở khi nãy, nói:
- Con hãy vào trong nghỉ ngơi tịnh dưỡng, vài hôm sau thương thế khỏi hẳn thì lập tức xuống núi, nơi này không tiện ở lâu đâu!
Văn Tôn càng nghĩ càng quái lạ, không lẽ bà ta sợ mình ở lại đây sẽ học lóm y lý thật hay sao? Bà ta tuy cũng là đàn bà, nhưng tuổi đã lớn, vai vế phải ở trên mình mấy bậc, có gì mà không tiện ở lâu? Nghĩ vậy nhưng cũng không dám hỏi thêm, đành quay trở vào trong nằm nghỉ. Tuy nội thương đã lành hơn phân nửa, nhưng cơ thể chàng vốn đã yếu ớt, nay trúng phải độc chưởng lại càng thêm suy nhược, vừa đặt lưng xuống giường liền thiếp đi.
Trong lúc mơ màng, khúc tiêu sầu thảm đêm hôm trước một lần nữa lại văng vẳng bên tai. Chàng mơ hồ mở mắt, thấy mình vẫn nằm trong căn nhà trúc, tiếng tiêu vẫn đều đặn ngân lên, áng chừng người đó đang ở thật gần. Chàng thầm kinh dị, lý nào cô ta biết mình vẫn còn sống, muốn truy cùng giết tận? Hay chỉ là một cơn mộng mị vô thường, nhưng sao cảm giác quá giống thật? Chàng tát liền vào mặt ba, bốn cái, thấy hai má đau điếng, mới biết đây đúng là sự thật thì hoảng hốt chạy ra ngoài nhìn thử. Lão bà vài phút trước ngồi đây đã biến đi đâu mất, mấy tấm mành cũng không còn, chỉ thấy cái ghế mà bà ta vừa ngồi ngả nghiêng trên đất. Chàng thầm kinh hãi: "Không lẽ cô ta biết được bà bà tốt bụng cứu mạng mình, đã ra tay sát hại lão nhân gia? Nếu thế thì mình đã liên lụy đến bà ấy mất rồi!" Bỗng tiếng tiêu đột nhiên ngưng đi, rồi một giọng hát nhẹ nhàng uyển chuyển vang vang trong không trung:
Than ôi thế thái nhân tình
Nhân tâm hiểm trá, thân mình nương ai?
Thế sự đen trắng đổi thay
Gian tham vô số, người ngay có còn?
Một lòng một dạ sắc son
Tìm người tri kỷ trên non dưới ngàn
Buồn thay một kiếp hồng nhan
Rày đây mai đó biết chàng nơi nao?
Bài hát là nỗi tương tư, sầu khổ của một người thiếu nữ dành cho ý trung nhân nhưng không được hồi đáp, các thôn nữ miền Nam vẫn thường dùng bài ca này để thổ lộ tình ý với chàng trai mà lòng mình luyến ái. Người kia lại dùng ca từ để nói lên nỗi cô đơn chiếc bóng giữa chốn hoang sơn tịch mịch, giọng điệu thật là thê lương, sầu khổ. Văn Tôn trong lòng cũng rúng động, nghĩ tới những hung hiểm đã trải qua trong mấy hôm nay thật khó mà tưởng tượng nổi. Dọc đường chàng đã gặp không biết bao nhiêu người, nhưng ngoại trừ Triệu Hùng và vị bà bà kia thì có mấy ai là hiền lương, nhân hậu? Quả đúng là "gian tham vô số, người ngay có còn?". Lại nghĩ mình một thân một mình giữa núi non hiểm địa, nào có ai bầu bạn, hoàn cảnh bây giờ so với người vừa cất tiếng ca kia có khác nhau là bao, bỗng thấy đồng cảm vô cùng.
Chàng vòng ra sau ngôi nhà, lần theo tiếng hát đi tìm. Đi qua một mảng rừng nhỏ, bốn bề cây cối um tùm, nhiều cây cổ si mọc thành từng khóm; có khóm trông như một ông lão hiền từ phúc hậu, râu dài phất phơ, có khóm trông như một con rồng lớn uốn lượn, rễ cây này vắt vẻo bắt sang cây kia, giống như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Bỗng trước mặt hiện ra một rừng trúc xanh rì. Nhiều cây lục trúc cao chưa tới một trượng, dường như chỉ được trồng cách đây không lâu. Ở giữa rừng si và rừng trúc có một con suối nhỏ, phía dưới nước chảy róc rách, bên trên có cây cầu bắc ngang qua. Văn Tôn đi qua cây cầu, được hơn mươi bước thấy giữa rừng trúc có một tòa vọng lâu, trên lợp lá tranh, bên trong đặt một chiếc bàn nhỏ, hai cái ghế. Chàng nhìn quanh không thấy ai, đánh liều bước vào trong. Thấy trên bàn có một bình trà, bên cạnh đặt hai cái chung sứ, một chung đầy nước, còn có hơi ấm bốc lên, chàng thiết nghĩ chắc là ai đó vừa ở đây, nhưng tự dưng sao lại muốn tránh mặt mình?
Chàng đang suy đoán, chợt nghe một mùi hương dịu nhẹ thoang thoảng trước mũi, hóa ra phía sau tòa vọng lâu có trồng mấy luống hoa tím biếc, liền bước ra nhìn thử. Những dây hoàng liên chi chít bò lên trên mấy tấm mành trúc, nhiều bông đã nở rộ, mấy tấm mành trúc thì giống hệt với loại mà vị bà bà kia đã đan. Kế bên còn có một ao nước nhỏ, nước trong văng vắt. Mấy bông sen trong ao đã dần tàn, cánh lả tả rụng xuống, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Một đàn cá kim sơn vừa ngoi lên thở, thấy bóng người tới gần thì hoảng sợ lặn mất tăm mất dạng. Hoạt cảnh hết sức sống động, xung quanh chim hót líu lo, giữa nơi rừng núi âm u tự dưng lại xuất hiện một hoa viên thanh bình như thế thật khiến cho con người ta cảm thấy tiêu diêu, khoái lạc. Văn Tôn nhắm mắt xuất thần, ngẫn ngơ một hồi lâu, trong lòng ngỡ như vừa sống hết một kiếp trầm luân bể khổ.
Bỗng nghe từ trên cao vang lên một giọng nói thánh thót:
- Xem ra mạng nhà ngươi cũng lớn lắm!
Văn Tôn rùng mình kinh hãi, giọng nói này chàng không sao quên được, chính là cô ta, người đã một chưởng khiến cho chàng dở sống dở chết mấy hôm trước, liền ngẩng đầu lên nhìn. Bạch y thiếu nữ đang ngồi ôm gối trên mái tòa vọng lâu. Nàng tựa cằm trên đầu đối, đưa mắt nhìn Văn Tôn, thần sắc nhợt nhạt, tựa hồ ẩn chứa biết bao nhiêu nỗi niềm u uất. Dưới ánh chiều tà, nàng chẳng khác nào tiên nữ hạ phàm, dung nhan mỹ lệ, thế nhưng lại lạnh lẽo như băng, khiến người vừa nhìn thấy chưa kịp yêu đã hoang mang khiếp sợ. Văn Tôn bị nàng đánh cho một chưởng, từ quỷ môn quan trở về lý nào không kinh hãi? Thế nhưng nghĩ tới vị bà bà kia an nguy chưa rõ, làm sao chưa hỏi đầu hỏi đuôi đã bỏ chạy, nên lấy hết can đảm nói:
- Nhờ hồng phúc của cô nương, tại hạ vẫn còn khỏe mạnh, ăn được ngủ được. Nhưng vị bà bà kia tuổi cao sức yếu, xin cô nương tha cho bà ấy được chăng?
Thật ra suốt ba ngày ba đêm chàng hôn mê bất tỉnh, nào có biết mình đã ăn uống gì đâu, nói vậy cốt chỉ để cô ta nổi giận, trút hết lên người mình mà tha cho vị bà bà kia. Nhưng bạch y thiếu nữa tâm lạnh như băng, không hề tỏ ra bực dọc, làm như chẳng quan tâm đến những lời đó. Đôi môi hồng mấp máy, thanh âm phát ra thật nhỏ, nhưng nghe rõ từng chữ một:
- Ta trước giờ giết chết rất nhiều người, già trẻ lớn bé không cách gì nhớ hết. Không biết bà bà mà ngươi nói tên là gì, cứ nói ra thử, biết đâu ta có thể nhớ được là đã chém bà ta thành mấy khúc?
Văn Tôn sững sờ, không ngờ cô ta âm độc vô tỷ như thế, đến một bà lão già hom ốm yếu cũng không tha. Máu nóng dâng lên trong lồng ngực, mắt như tóe lửa, căm phẫn nhìn nàng, nói:
- Gian tham vô số, người ngay có còn? Những lời vừa rồi có phải chính cô nương đã hát?
Bạch y thiếu mặt lạnh như băng, nói không hở môi:
- Phải!
Chàng nhổ một bãi nước bọt xuống đất, nói:
- Ta khinh! Loại yêu nữ tà ma ngoại đạo, giết người như ngóe như mi mà cũng có tư cách mở miệng hát ra những lời như vậy sao?
Bạch y thiếu nữ trợn tròn đôi mắt, nói:
- Tiểu tặc, xem ra mi chán sống rồi. Được, hôm nay để bổn cô nương cho mi toại nguyện. Lần này để coi còn có ai cứu mi nữa hay không?
Hai tay chống mạnh xuống mái tranh, chớp mắt thân hình đã lơ lửng trên không trung. Nàng đạp nhẹ vào một cây trúc mượn lực, lướt về phía chàng, thân pháp nhanh nhẹn vô tả. Văn Tôn nghĩ bà bà vì cứu mình mà bị nàng ra tay sát hại, vừa thương xót, vừa phẫn uất, nhưng nàng ta một thân võ nghệ, chàng dẫu muốn nói chuyện phải quấy cũng chẳng đặng, chi bằng cứ để nàng ta một chưởng đánh chết, trên đường xuống dưới cửu tuyền cũng có bà bà bầu bạn. Nghĩ vậy chàng không còn sợ hãi, nhắm mắt lại, hai tay buông thõng, cảm thấy cái chết cũng chỉ như mây bay gió thoảng.
Bỗng trên vai như có một khối băng lớn đè lên, vừa lạnh vừa buốt, rồi cả cơ thể nhẹ nhàng như bay khỏi mặt đất. Chàng mở mắt ra, thấy bạch y thiếu nữ đã đặt tay lên đầu vai mình, hàn khí khiến một bên vai trở nên tê dại, rồi nhẹ nhàng hất chàng văng ra xa. Nghe "bình" một tiếng, đã bay đi hơn trượng, va mạnh vào một cây lục trúc sau lưng. Văn Tôn "ối" lên một tiếng, cảm thấy mấy đốt xương sống nhói lên đau đớn, nhưng nghĩ nàng ta vẫn chưa hạ sát thủ, có lẽ sẽ hành hạ chàng đến khi muốn sống cũng không được, muốn chết cũng không xong mới thôi. Văn Tôn càng ngẫm thì nộ khí trong lòng càng tăng lên, toàn thân run rẩy, chàng chính vì căm phẫn mà không có cách gì phát tiết, cắn chặt môi đến nỗi ứa cả máu, nói:
- Yêu nữ, có giỏi thì giết ta đi. Mi tâm địa độc ác, giết người vô số, ta có chết làm quỷ cũng sẽ bám theo ngươi suốt đời!
"Phụp" một tiếng, Văn Tôn thấy miệng lưỡi cứng đơ, không sao nói thêm được nữa, hóa ra đã bị một trái táo chặn lại. Bạch y thiếu nữ chẳng nói chẳng rằng, phất tay một cái, từ trong tay áo chui ra một mảnh lụa đỏ, loằn ngoằng uốn lượn như một con hồng xà lướt về phía chàng. Tay phải nàng cầm đầu dải lụa, sử chiêu Phong Vờn Vũ Cợt, chỉ thấy một khoảng màu đỏ bao trùm lấy Văn Tôn, rồi mảnh lụa quấn chặt lấy chàng vào thân cây lục trúc, chỉ chừa ra cái đầu, trông chẳng khác gì con sâu nằm trong kén, thật là hoạt kê.
Bạch y thiếu nữ phủi phủi hai bàn tay thon dài, nàng lãnh cảm lạnh nhạt nhưng nhìn thấy cảnh này cũng không khỏi tức cười, hơi nhếch môi nói:
- Ngươi cứ ở đây mà chờ đến ngày lột xác, lúc đó hóa thành bướm rồi thì tha hồ mà bám theo ta!
Rồi quay lưng bỏ đi, trên môi chợt hiện lên một nụ cười đắc ý.
Văn Tôn bị trói chặt vào cây lục trúc không cách gì cựa quậy được, trên miệng lại ngậm mộ quả táo lớn, muốn nuốt vào nhưng không nổi, nhả ra cũng chẳng xong, hậm hực không thể chửi mấy câu cho hả dạ, chỉ ú ú ớ ớ được vài mấy tiếng, tình cảnh thật là oái ăm. Rồi cây cối xung quanh dần sẫm lại, trên trời xuất hiện mấy ánh sao, chàng đói đến cào ruột, nhưng tuyệt nhiên không thể thoát ra khỏi dải lụa. Không lâu sau thì trăng non nhô lên, chiếu sáng khắp nơi, gió lùa mấy ngọn cây xa xa trông như ai đó đang nhảy múa, rồi côn trùng rít lên từng chặp, nghe rùng rợn vô cùng. Văn Tôn có lá gan thật nhỏ, chàng nói có chết thành quỷ cũng bám theo nàng ta, thế nhưng lúc này chính mình lại lo sợ ma quỷ tìm đến. Trong cơn hoảng loạn, chàng bất chợt gào lên: "Triệu đại ca, cứu đệ!" nhưng âm thanh phát ra chỉ vo ve như muỗi kêu, lại chẳng thành tiếng, chàng quên mất cổ họng đã bị trái táo chặn lại.
Nguyên Triệu Hùng sau khi chia tay ở khách điếm, cưỡi ngựa suốt một đêm một ngày mới ra khỏi lộ Khoái Châu. Đến một quán nước nhỏ, chàng tấp vào nghỉ mệt. Từ khi nhận được hung tin của sư đệ đồng môn, chàng trong lòng cứ như lửa đốt, phập phồng lo lắng, chỉ sợ đường xá xa xôi không kịp gặp ân sư lần cuối. Thông thường những người luyện võ thể chất hơn hẳn nông phu, nho sĩ, cường tráng sung mãn, hiếm khi ốm đau bệnh tật gì. Nhưng sư phụ của chàng đã ngoài tám mươi tuổi, từ lâu chán ngán cảnh chém giết trên giang hồ, lui về chốn thư phòng đọc sách, ngâm thơ, võ học không màng đến nữa, nên từ đó mà sinh bệnh. Triệu Hùng tính tình phóng khoáng, không chịu sự gò bó, ba năm trước đã thưa với ân sư muốn ra ngoài ngao du đây đó, hành hiệp trượng nghĩa. Lão nhân gia yêu thương chàng chẳng khác nào con ruột, vốn muốn truyền cho y bát, để chàng kế tục chức vụ chưởng môn nhân; nhưng biết chàng coi nhẹ danh lợi, chí tại tứ phương, nào chịu ngồi bó gối một chỗ, huống hồ hành thiện trừ ác, cứu khốn trợ nguy cũng là tôn chỉ của bản phái, nên đành miễn cưỡng để y ra đi. Ông ngoài Triệu Hùng còn có hai người đệ tử là Trương Cơ và Lâm Thiên Sự. Từ khi Triệu Hùng hạ sơn, mọi sự lớn nhỏ trong bản phái đều giao cho hai người này xử trí, nếu không có việc gì hệ trọng họ cũng không dám phiền đến chàng. Trong vòng ba năm qua, phái Tiêu Kiếm bình ổn trong ngoài, trên thuận dưới hòa, tuyệt nhiên không cần Triệu Hùng phải lưu tâm, đến hôm nay sư phụ lâm trọng bệnh, họ mới gấp rút mời chàng quay về.
Chàng đang ngồi uống trà, bỗng nghe mấy nông phu ở bàn bên cạnh thì thầm tỏ nhỏ:
- Đêm qua ở huyện Tiên Lữ lại xảy ra án mạng, nghe nói là thảm sát cả một thôn.
- Phải, phải, ta cũng có nghe, gần ba mươi mạng người chứ chả ít, già trẻ lớn bé gì cũng giết hết, đúng là phường ác nhân!
- Bọn chó má này từ Tây Kết đến Hàm Tử, Chương Dương, hễ đi đến đâu là cướp bóc đến đó, giết người như ngóe, thế mà bao lâu nay quan phủ chẳng làm gì được bọn chúng!
Ai nấy nộ khí cũng dâng lên. Triệu Hùng vỗ bàn, hóa ra bọn cường đạo đánh cướp Văn Tôn không phải mà đám mà chàng muốn tìm. Mấy hôm trước chàng đi ngang qua kinh đô, thấy dân chúng xôn xao bu quanh bảng cáo thị trước cổng thành nên dừng lại coi thử. Thấy trên thông cáo có viết tên mười mấy tên khâm phạm, bên dưới kể ra biết bao nhiêu là tội ác tày trời, giết người cướp của, hạm hại nữ nhân, đốt nhà lấy đất, không việc xấu nào là không làm. Chàng lân la dò hỏi khắp nơi, nghe được bọn chúng chạy về Quốc Oai liền tức tốc đuổi theo, cuối cùng ở chỗ rừng sâu đã giết cả năm tên. Bây giờ nghĩ lại mới vỡ lẽ, thì ra chúng đã kéo đến Khoái Châu đánh cướp, còn năm tên kia lại là một bọn lục lâm thảo khấu khác. Chàng nộ khí đùng đùng, chỉ muốn lập tức quay trở lại Khoái Châu giết hết lũ ô hợp đó, hiềm nỗi bây giờ ân sư mạng chỉ trong giây lát, mà chàng thì không thể phân thân, đành nuốt giận gác bọn chúng qua một bên.
Ăn hết mấy củ khoai lấy lại sức, Triệu Hùng bỗng kêu lên: "Hỏng! Nguy rồi!" Chàng chợt nhớ ra Văn Tôn còn đang ở Khoái Châu. Y thư sinh ốm yếu, nhỡ may gặp phải bọn cường đạo thể nào cũng nguy to. Nhưng bây giờ nước xa lửa gần, chàng chỉ biết khấn trời cho y bình an vô sự đến được Bắc Giang để hội ngộ. Chàng ngồi nghỉ thêm vài khắc rồi lại tiếp tục lên đường.
Đi thêm năm ngày năm đêm thì về đến địa phận phủ Bắc Giang. Đến sáng ngày thứ sáu, Triệu Hùng đã tới chân núi Yên Tử. Lúc này con ngựa đã mệt, chàng để nó gặm cỏ ở đó rồi thi triển khinh công chạy lên núi. Chưa đầy nửa giờ sau đã tới trước cổng sư môn, thấy trong sân có hai tiểu đệ tử đang quét rác, chàng nhớ thương sư phụ liền chạy vù vào trong, hai đệ tử kia chỉ thấy một bóng người vụt qua, chẳng biết là người hay ma, hốt hoảng quăng luôn hai cây chổi xuống đất rồi bỏ chạy mất xác.
Đến trước cửa phòng của ân sư, chàng bồi hồi trong dạ, xa cách đã lâu, bây giờ quay về lại là lúc sinh ly tử biệt, thật không biết phải nên vui hay buồn. Bỗng cửa mở, từ bên trong có một người gầy gò, xanh xao như tàu lá chuối, thân hình dong dỏng cao bước ra, chính là tam sư đệ Lâm Thiên Sự. Lâm Thiên Sự thấy sư huynh trở về liền khấu đầu thi lễ, mừng rỡ nói:
- Đại sư huynh, huynh về thật đúng lúc...thật đúng lúc...sư phụ, người...
Đến đây bỗng nghẹn ngào, nước mắt ròng ròng, không nói thêm được nữa.
Rồi một người khác bước ra đứng bên cạnh Lâm Thiên Sự. Người này to cao vạm vỡ, râu ria xồm xoàm, mặt mày hơi dữ tợn, chính là Trương Cơ, nhị sư đệ của Triệu Hùng. Trương Cơ chắp tay khấu đầu, nói:
- Đại sư huynh, mau vào trong. Sư phụ đợi huynh đã lâu, lão nhân gia có điều muốn căn dặn!
Nói rồi cùng Lâm Thiên sự nép qua một bên, nhường lối cho Triệu Hùng. Triệu Hùng vừa bước vào, thấy trên chiếc giường bên trái có một ông cụ đang nằm trên đó, hai mắt nhắm hờ, hình dung tiều tụy, hơi thở thoi thóp. Chàng sà tới quỳ bên giường, gọi hai tiếng: "Sư phụ" rồi òa khóc nức nở. Lão nhân gia bình sinh là một đấng trượng phu thân dài vai rộng, oai phong lẫm lẫm biết chừng nào, thế mà bây giờ đã trở thành một người thân mang trọng bệnh, mệnh trong giây lát, thử hỏi làm sao không chua xót, làm sao không đau lòng?
Lão nhân nghe tiếng của Triệu Hùng, biết được đứa học trò yêu quý đã trở về, he hé đôi mắt ra nhìn. Triệu Hùng vừa vui mừng vừa lo lắng, mếu máo nói:
- Sư phụ, đồ nhi bất hiếu, không phụng dưỡng cho người, để người đau ốm thế này, xin sư phụ trách phạt!
Chàng biết sư phụ đã yếu lắm rồi, không dám nhắc đến hai chữ "trọng bệnh". Lão nhân nghiêng đầu nhìn chàng, mĩm cười, trong cơn thập tử nhất sinh vẫn toát lên cái vẻ hoan hỷ bội phần, chậm rãi nói:
- Đồ nhi ngoan lắm, ngoan lắm!
Đoạn ngừng lại thở dốc rồi nói tiếp
- Mau gọi cả hai sư đệ của con vào đây!
Triệu Hùng gọi Trương Cơ và Lâm Thiên sự vào trong, ba người cùng quỳ xuống bên giường. Lão nhân lấy ra từ trong túi áo một phong thư, nói:
- Sư phụ đã đến lúc gần đất xa trời, tồn vong của bản phái đành phải trông cậy cả vào ba con. Ở đây có một bức thư ta vừa mới viết, ba con cứ căn theo đó mà làm. Hùng nhi võ học tinh thông, có lòng trượng nghĩa, mai này ắt dương danh thiên hạ; Thiên Sự hành sự chu toàn, khiêm hòa nhã nhặn, tất có thể lãnh đạo quần hào làm nên nghiệp lớn; còn Cơ nhi...Cơ nhi...
Nói đến đây thì tắt thở. Ba người cùng òa lên thương tiếc.
Tang sự được tiến hành suốt ba ngày sau đó. Từ chính môn đến hậu viện đều nhộm trắng một màu tang tóc. Triệu Hùng quỳ gối trước linh cữu sư phụ suốt ba ngày liền, không ăn không ngủ, chẳng nói chẳng rằng, ai nấy trông thấy đều không khỏi đau lòng xót dạ, nhưng cũng không ai dám lên tiếng khuyên can. Đến ngày thứ tư, Lâm Thiên Sự tới quỳ bên cạnh y, khấu đầu ba cái trước bài vị của sư phụ rồi nói:
- Đại sư huynh, sư phụ lâm chung, trên dưới ai nấy đều đau lòng. Chỉ có điều di mệnh sư phụ giao phó còn chưa thực hiện, xin đại sư huynh tạm nén đau buồn, lo cho đại sự của bản phái trước!
Rồi lấy ra phong thư mà ân sư trước khi qua đời đã để lại đưa cho Triệu Hùng. Triệu Hùng nhận lấy bức thư, trong lòng xúc động, nói:
- Sư đệ nói phải lắm. Được, sư đệ hãy triệu tập tất cả đệ tử đến trong đại sảnh, chúng ta cùng tuyên bố ý nguyện của sư phụ!
Chúng đệ tử theo lệnh, tất cả cùng kéo đến đại sảnh đông như kiến cỏ, trên dưới năm trăm người, xếp thành mười hàng dọc, kéo dài ra tới ngoài sân.
Sinh thời sư phụ của Triệu Hùng là người tinh thông kiếm thuật, đi khắp nơi hành thiện trừ bạo, cứu nguy trợ nan, khắp Bắc Giang ai ai cũng biết mặt. Thế nhưng ông ra tay cứu người không mấy khi để lại danh tính, thành thử trên giang hồ phần lớn chỉ biết mặt, không biết tên. Đến khi đã gần thất tuần, kiếm pháp ngày một cao siêu, chỉ cần cành cây ngọn cỏ cũng có thể dùng làm binh khí, võ công thuộc hàng cao thủ đương thời, song chưa có ai kế thừa, mới tự thành môn lập phái, đặt tên là Vô Kiếm. Sau khi nhận Triệu Hùng làm đệ tử, ông chỉ thu nạp thêm hai người Trương Cơ và Lâm Thiên Sự. Trong số đệ tử dưới kia, quá nửa là đồ đệ của Trương Cơ, còn lại là môn hạ của Lâm Thiên Sự; Triệu Hùng thích tự do tự tại, ngao du đây đó, dĩ nhiên không có đệ tử nào cả.
Đám đệ tử được gọi đến sảnh đường nhưng chưa rõ nguyên do, bắt đầu bàn tán xôn xao. Triệu Hùng giơ tay phải lên, lập tức không ai dám nói năng gì nữa. Chàng đứng trên bục cao, sang sảng nói:
- Tổ sư các ngươi trước lúc quy tiên đã để lại di thư, muốn ta cùng toàn thể môn đồ của phái Vô Kiếm một lòng làm theo ý nguyện của người, các ngươi có đồng lòng nhất trí hay không?
Chúng đệ tử đồng thanh hô vang:
- Nhất trí! Nhất trí! Nhất trí!
Triệu Hùng mở bao thư ra, đọc to nội dung bên trong cho tất cả cùng nghe:
- Lão phu bình sinh ghét ác như thù, coi gian như giặc, chúng đệ tử trên dưới nhất nhất đều phải tuân thủ môn quy, hành hiệp trượng nghĩa, lấy tài thị chúng, lấy đức phục người. Sau khi lão phu tạ thế, lệnh Lâm Thiên Sự kế nhiệm chức chưởng môn, ban cho Hư Vô kiếm. Triệu Hùng đại đệ tử hộ phái phò môn, vào ra tùy ý. Chúng đệ tử nếu có ai dám trái lệnh, coi như phản bội sư môn, khi sư diệt tổ, lập tức phế truất võ công, đuổi xuống núi.
Mấy trăm đệ tử bên dưới nháo nhác, đưa mắt nhìn nhau, người nào người nấy không khỏi hồ nghi. Triệu Hùng sai một đệ tử vào trong lấy thanh kiếm Hư Vô ra, hai tay đưa cho Lâm Thiên Sự, hô tô:
- Chưởng môn nhân vạn phúc!
Lâu nay mỗi khi nhắc đến Triệu Hùng, tổ sư gia luôn có ý truyền y bát cho y, nào ngờ hôm nay đột ngột để lại di thư muốn Lâm Thiên Sự làm chưởng môn, chúng đệ tử ai ai cũng làm kinh ngạc. Những người là đệ tử của Lâm Thiên Sự thì phấn khởi vô cùng, còn môn hạ của Trương Cơ thì không sao tin được. Bởi xét theo vai vế, nếu không phải Triệu Hùng thì cũng là Trương Cơ đứng ra đảm nhiệm trọng trách chưởng môn, đâu đến lượt Lâm Thiên Sự gầy gò ốm yếu kia. Dẫu nghĩ là thế nhưng di thư trước mắt làm sao giả được? Cả đám không ai dám đứng ra phản đối, đều nhất loạt hô vang ba lần:
- Bái kiến tân chưởng môn! Chưởng môn nhân vạn phúc!
Trương Cơ từ nãy giờ đứng bên cạnh, không nghe trong di thư của sư phụ nhắc đến mình nhưng cũng không lấy làm khó chịu, mặt mày thản nhiên, cúi đầu bái kiến tân chưởng môn.
Lâm Thiên Sự tính tình hòa nhã, bình dị thanh tao, vốn tưởng chức chưởng môn sẽ do Triệu Hùng đảm nhiệm, nào ngờ sư phụ lại đề bạt đến mình thì quá đỗi ngạc nhiên. Thế nhưng ơn sư như núi, lệnh thầy khó cãi, không dám chối từ, đành nhận thanh Hư Vô kiếm từ tay Triệu Hùng, trong lòng vừa mừng vừa sợ.
Hôm đó phái Vô Kiếm cử hành nghi lễ tiếp nhiệm tân chưởng môn, lý ra phải tiệc rượu linh đình. Tuy nhiên linh cửu tổ sư còn chưa an, Lâm Thiên Sự tối đến chỉ lệnh cho các đệ tử ăn uống qua loa rồi đi ngủ.
Triệu Hùng thấy mọi chuyện đã sắp xếp đâu vào đấy, nghĩ tới Văn Tôn một mình hồi Bắc, trên đường không biết lành dữ ra sao, sáng hôm sau liền lên đường vào Nam đón nghĩa đệ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top