Chương 2: Khúc Tiêu Sầu
Bóng cây đổ dần về hướng đông, trời dần về chiều, Triệu, Văn hai người cùng lên ngựa rời khỏi khu rừng. Từ bé đến lớn chỉ quanh quẩn đèn sách, miệt mài kinh sử, đã lần nào luyện quyền cưỡi ngựa? Văn Tôn nhọc nhằn mãi mới leo được lên lưng con bạch mã. Triệu Hùng vừa thúc chân, con tuấn mã liền tung vó phi như bay. Văn Tôn ngồi sau lưng Triệu Hùng, không khỏi sợ hãi, víu chặt vào người nghĩa huynh, mồ hôi trên trán lấm tấm tuông ra. Cũng may y ngồi đằng sau nên Triệu Hùng không thể nhìn thấy bộ dạng của mình lúc này, cũng bớt phần xấu hổ.
Con tuấn mã dù phải chở trên lưng hai người nhưng cước lực chẳng hề suy giảm, băng băng trên sơn đạo chẳng khác gì bình lộ phẳng phiu, chỉ thấy cảnh vật hai bên đường vù vù trôi qua, chưa đầy hai canh giờ đã bỏ lại một vùng đồi núi thênh thang sau lưng. Trước mắt họ là một thôn nhỏ thuộc Khoái Châu, trời nhá nhem tối, nhà nhà cửa đóng then cài, lộ lớn ngõ nhỏ vắng người qua lại, chỉ thấy dăm ba hàng quán còn sáng đèn, chắc là dược quán hoặc khách điếm, tửu lâu.
Hai người dừng lại trước cửa một tửu lâu nho nhỏ, thấy có đề ba chữ: "Hỷ Lạc Lâu". Văn Tôn nghĩ thầm: "Chỗ này ngoài ăn thịt, uống rượu thì có gì mà gọi là hỷ lạc? Không lẽ còn có mấy cô nương xinh đẹp ca múa mua vui?" Nghĩ đoạn bất giác mặt đỏ lên, thầm lắc đầu xua đi, vội tuột khỏi lưng ngựa. Nào ngờ chân vừa chạm đất, đầu óc bỗng dưng quay cuồng, đầu váng mắt hoa, lảo đảo ngã xuống đất. Y ngồi ngựa chưa thạo, lại đi hết một quãng đường dài, trồi lên thụp xuống, thành ra tâm thần bất ổn, không làm chủ được tứ chi. Lâu tiểu nhị thấy hai người ăn vận tinh tươm, cưỡi con hảo mã, đón tiếp niềm nở ra mặt, rồi dắt ngựa ra sau cho ăn cỏ. Trong lâu khách khứa đông nghịt, nào là thương nhân có, nông phu có, quan binh có, thợ thầy có, già trẻ lớn bé đều đủ cả, ai ai cũng ăn uống say sưa, râm ran trò chuyện, ồn ào náo nhiệt vô cùng. Chỉ còn lại vài chỗ trống, họ ngồi vào cái bàn ở góc trong cùng gần nhà bếp. Triệu Hùng gọi hai vò rượu Ô Long, thêm đồ nhắm, mãi một lúc sau lâu tiểu nhị mới đem đồ ăn thức uống ra. Lâu tiểu nhị đặt đồ ăn lên bàn, cười hì hì, nói:
- Hai vị đại gia lượng thứ, hôm nay trong lâu có khách quý, nhà bếp phải luôn tay luôn chân mãi mới xong. Chúc hai vị ngon miệng!
Nói rồi định lui vào trong. Văn Tôn lần đầu đi xa, thấy cái gì cũng lạ lạ lẫm lẫm, thấy sự chi cũng tò mò tọc mạch, kéo lâu tiểu nhị lại hỏi:
- Có phải là một vị đại quan trong triều hạ cố bản lâu? Hay một đại tướng quân thân chinh trở về ghé ngang qua? Tiểu đệ nhìn thấy thượng lầu treo đèn kết hoa, bình phong che kín, ắt phải là nhân vật tầm cỡ nào đó giá lâm.
Lâu tiểu nhị nhìn trước ngó sau, lấy tay che mồm, ghé sát tai Văn Tôn nói nhỏ:
- Đại gia đoán sai rồi, trên đó chỉ có một tiểu mỹ nhân. Có điều đại gia không nên hiếu kỳ làm chi, toi mạng chứ chả chơi, hì hì...
Nói rồi nhanh chân chạy đi.
Thì ra từ lúc bước vào, Văn Tôn đã thấy phía trên còn có một lầu, nhưng ngoài lâu tiểu nhị chạy lên chạy xuống, tuyệt nhiên không có một ai khác đến gần, nên đoán là một nhân vật lợi hại nào đó đang ngự ẩm ở thượng lầu. Y còn đang đoán già đoán non, bỗng nghe Triệu Hùng nói:
- Văn hiền đệ, ở chốn rừng sâu, ta đây có lòng nhưng chẳng biết lấy gì để thết người huynh đệ. Lúc này thịt nóng rượu thơm, chúng ta hãy uống cho say, để không uổng phí cái nghĩa kim lang của hai ta!
Văn Tôn thể chất tuy yếu, nhưng tửu lượng không hẳn đã tệ, huống hồ trong lúc đang vui vì vừa kết giao được người nghĩa huynh khí khái, "tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu", còn gì sung sướng cho bằng, liền rót đầy hai chung rượu, mỗi người cầm một chung. Triệu Hùng đưa chung rượu lên mũi, hít một hơi trông thật sảng khoái, vỗ nhè nhẹ lên bàn, nói:
- Hảo tửu! Quả là hảo tửu! Nào, Văn hiền đệ, cạn!
Văn Tôn hai tay nâng chung rượu, kính cẩn mời Triệu Hùng, sang sảng nói:
- Đại ca! Chung này là vì đại ân cứu mạng!
- Đại ca! Chung này là vì trừ bạo an dân!
- Đại ca! Chung này là vì kim lang kết nghĩa!
Dứt một câu lại uống hết một chung. Ba tiếng "đại ca" thật rành mạch rõ ràng, ôn nhu chan chứa, từ trong thâm tâm mà phát ra, khiến Triệu Hùng không khỏi bồi hồi. Cứ mỗi lúc Văn Tôn kính y một chung, y lại cạn một chung. Chỉ ba câu nói, ba chung rượu, hai người cảm thấy thật gần gũi, tâm ý tương thông, ngỡ như đã quen từ kiếp trước.
Tửu nhập ngôn xuất, hai người càng nói càng hạp ý, càng hạp ý càng nói, thao thao bất tuyệt bao nhiêu buồn vui sướng khổ trong đời. Thì ra Triệu Hùng là con của một quan binh, năm y bảy tuổi thì phụ thân tử trận nơi sa trường, mẫu thân vì quá đau buồn mà sinh bệnh, chưa được một năm sau cũng lâm chung. Tứ cố vô thân, y lang thang đầu đường xó chợ, cô khổ lênh đênh, đi trộm gà trộm chó sống qua ngày, chịu biết bao tủi nhục, sỉ vả. Một lần y lẻn vào nhà người ta ăn cắp vặt, bị mắng chửi đã đành, những người đó không dung tình y côi cút, đánh đập chẳng tiếc tay. Y căm phẫn quá, cắm đầu cắm cổ chạy ra khỏi thôn gia, dọc đường gặp quả dại, rau dại thì hái ăn, khát thì tìm ao tù nước đọng mà uống, cứ thế đi mãi đi mãi, để mặc cho đôi chân muốn đưa tới đâu thì tới, cuối cùng đi tới tận phủ Bắc Giang ở phương bắc mà chẳng hề hay biết. Rồi y gặp được vị minh sư cứu giúp, lão nhân gia thu y làm đệ tử. Thấy y một thân cô khổ, nên coi như máu mủ tuột thịt, bao nhiêu tuyệt kỹ bình sinh đều đem ra truyền thụ. Nhẩm lại thì đến nay đã hơn mười lăm năm rồi.
Triệu Hùng còn đang bồi hồi kể chuyện xưa, bỗng nghe "bình" một tiếng lớn, chiếc bàn giữa sảnh đã gãy rụp, chén đũa cái thì lăn long lóc trên sàn, cái thì rơi tung tóe, nát như tương, giống như có một bao gạo từ trên trời rơi xuống đè bẹp tất cả. Hai huynh đệ sững sờ, trông thấy một đại hán nằm trên đống vụn nát, quằn quại đau đớn. Văn Tôn nghĩ thầm: "Ồ, chẳng lẽ đây là tướng nhà trời, vừa hạ phàm hay sao?" Rồi bất giác ngước lên trên, chỉ thấy mái ngói đen nghịt, nào có cái lổ thủng nào đâu? Y thấy trong lòng hụt hẫng, cứ tưởng lần đầu phiêu bạt, đã bắt gặp thần tiên giáng thế, ai ngờ chỉ là một hán tử bình thường, liền "xì" một tiếng cho bỏ tức.
Mấy vị khách ngồi ở bàn đó thì thất kinh hoảng sợ, mặt mũi ai nấy trắng bệt như xác chết trôi, há mồm trố mắt đứng tránh qua một bên, chưa ai hiểu chuyện gì xảy ra. Đột nhiên đại hán đó lồm cồm bò dậy, miệng không ngừng rên rỉ, rồi lại quỳ thụp xuống, dập đầu liên tục trên những mảnh gỗ, mảnh chén vỡ, khiến máu chảy ra không ngớt, có những mảnh găm luôn vào trán, cảnh tượng kinh hãi làm cho thực khách trong lâu ai ai cũng rợn gai óc. Đại hán rập đầu một hồi, bỗng lẩm bẩm nói ra vài tiếng, nghe thật khó khăn, cứ như người vừa gặp phải ma quỷ:
- Tiên cô...tha mạng...tiên cô...tha mạng. Nhạc mỗ có mắt...có...mắt mà không thấy...Thái Sơn!
Thì ra đại hán đó họ Nhạc, còn "tiên cô" chắc hẳn là gọi tiểu mỹ nhân ở thượng lầu. Thực khách chung quanh bắt đầu chụm năm chụm bảy bàn tán xôn xao, kẻ đoán già, người đoán non, rốt cục "tiên cô" kia là ai mà làm cho một đại hán cao to cường tráng phải sợ đến vỡ mật? Bỗng từ trên lầu có giọng nói:
- Ngươi chỉ còn sống chưa đến ba canh giờ, nếu còn chút nhân tính, thì mau mau quay về gặp thê tử lần cuối!
Những lời đó vừa phát ra, như có một luồng hàn khí thổi đi khắp tửu lâu, người nào người nấy đều cảm thấy hơi lạnh chạy dọc cả sống lưng, những kẻ nhát gan thì sợ chân tay run lẩy bẩy, Văn Tôn cũng rùng mình kinh dị. Giọng nói ấy ban đầu là của một cô nương ở độ tuổi hoa niên, thế nhưng về sau nghe thanh âm chẳng khác gì tiếng rên rĩ của một lão bà già nua, vừa trong trẻo thánh thót, vừa ma mị thê lương. Thế nhưng lâu tiểu nhị nói rằng trên đấy chỉ có một tiểu mỹ nhân, lý nào lại xuất hiện thêm một lão phụ mà không ai trông thấy. Giữa những tiếng xì xầm to nhỏ, giọng nói ấy lấn át tất cả, nghe rõ ràng từng chữ một. Chưởng quầy thấy mọi người nhốn nháo lo sợ, sực nhớ trong lâu có mấy vị quan binh, liền chạy tới nhờ giúp đỡ, nào ngờ mấy tên đó kinh hồn táng đởm, đã bỏ chạy mất dạng từ đời nào.
Văn Tôn thấy đại hán họ Nhạc kia cứ dập đầu mãi không thôi, máu chảy ra thành vũng, trán chi chít vụn gỗ, vụn sành, liền bước tới đỡ ông ta dậy, nhưng ông ta làm như tai điếc mắt mù, đâu thèm bận tâm đến y. Y thấy lão cố chấp, chỉ còn nước mở miệng khuyên can, nói:
- Nhạc lão bá, lão bá ở đây van nài thì có ích gì, chi bằng mau chóng đi tìm đại phu, thăm khám vết thương thế có phải hơn không?
Nào ngờ đại hán họ Nhạc đột nhiên giận dữ, quát lên:
- Thằng oắt con hỉ mũi chưa sạch như mi thì biết cái chó gì? Đã trúng Huyết Tích Liên Chưởng thì có là Hoa Đà tái thế cũng đành bó tay, tìm đại phu? Mấy thằng lang băm chó má phỏng làm được gì?
Bốn từ "Huyết Tích Liên Chưởng" vừa nói ra, những người có mặt trong lâu quá nửa đã tái xanh mặt mày. Triệu Hùng đi lại trên giang hồ đã nhiều năm, dĩ nhiên đã từng nghe qua môn công phu lợi hại này. Nguyên uyên Huyết Tích Liên Chưởng do một vị tiền bối tên là Nguyệt Lão Cô sáng tạo ra, chưởng thức này âm độc vô tỉ, những ai xui xẻo trúng phải hầu như đều đã táng mạng. Tuy nhiên Nguyệt Lão Cô hơn mười năm nay đã quy ẩn giang hồ, bà ta lại không thu nạp đệ tử, hôm nay bỗng nhiên Huyết Tích Liên Chưởng một lần nữa xuất hiện đả thương người, sự việc này quả có nhiều chỗ khác lạ.
Những ai có chút kinh lịch giang hồ lại bắt đầu bàn tán xôn xao, nhưng không dám mở miệng nói lớn, thần sắc đều lộ ra vẻ hoang mang. Người nói đông, người nói tây, người bảo là Nguyệt Lão Cô đã tái xuất giang hồ, người cho rằng bà ta ngấm ngầm thu nhận đệ tử mà không ai hay biết, nhưng hiển nhiên chẳng người nào có thể dẫn chứng cụ thể.
Có một người nhiệt huyết dâng lên, cảm thấy bất bình cho đại hán họ Nhạc, ngước lên thượng lầu nói:
- Vị cao nhân tiền bối ở trên kia sao lại hạ độc thủ tàn nhẫn đến vậy? Xin tiền bối mở lòng từ bi, ban cho Nhạc lão gia giải dược!
Trên thượng lầu cũng có tiếng đáp lại:
- Chuyện trong thiên hạ, ngươi quản hết được chăng?
Chữ "chăng" vừa dứt, đã nghe "vù" một tiếng, mẫu ám khí từ thượng lầu liền bay thẳng về hướng người đó. Hắn chỉ kịp kêu "Ối" lên kinh hãi, đã nghe "phập" một tiếng nữa, một vật vừa thon vừa dài xuyên qua búi tóc trên đầu, cắm thẳng vào cây cột giữa sảnh. Thì ra chỉ là một chiếc đũa tre, thế nhưng búi tóc của người khia đã xổ ra rối bời, mặt xám ngoét như tro. Chiếc đũa đâm sâu vào cột gỗ, chỉ còn lú ra phần đầu, cả tửu lâu ai nấy đều thầm kinh dị. Nội lực của người kia cương mãnh như thế, nếu có ý lấy mạng y thật dễ như lấy cái kẹo trong túi, xem ra người đó cũng không phải là phường sát nhân vô cớ.
Bỗng bên trên có tiếng như người ta mở cửa sổ, một hồi lâu lại ầm ầm như cửa va vào tường, điếm tiểu nhị đoán người đó đã rời đi bằng lối cửa sổ, nhưng mãi một lúc lâu mới dám lò dò đi lên, quả nhiên thượng lầu không thấy bóng dáng tiểu mỹ nhân lúc trước đâu cả.
Ở nơi thôn quê hẻo lánh, không ngờ lại gặp nhiều sự quái lạ đến thế, Triệu Hùng vốn định ăn uống thật no say, nhưng bây giờ cảm thấy nơi này không mấy an toàn, nhỡ may xảy ra cớ sự gì một mình y không sao chiếu liệu cho nghĩa đệ chu toàn, hai người ăn thêm vài đũa rồi gấp rút đi tìm nơi ngủ nghỉ.
Bên ngoài trăng sáng vằng vặc, trên mặt Văn Tôn hiện lên một nỗi lo sợ thấy rõ. Chàng lâu nay sống ở quê nhà, bình yên tĩnh lặng, cùng lắm chỉ thấy người ta cãi nhau inh ỏi, hoặc đánh nhau u đầu mẻ trán, đâu có ai biết sử dụng võ công hay binh khí gì. Thế mà hôm nay lại trải qua không ít gian nguy, nào là cường đạo đánh cướp, nào là chưởng pháp âm độc, ám khí kinh người, khác nào một đứa trẻ lên ba theo người ta ra chiến trường xem cảnh chém giết, trong lòng chàng hoang mang lo sợ, cảm thấy tính mạng con người sao mà mong manh quá, lắm lúc giống như chỉ mành treo chuông, sống chết tưởng chừng chỉ trong gang tấc. Triệu Hùng đoán được tâm sự của y, nói:
- Hiền đệ đừng quá lo lắng, đợi khi về tới Bắc Giang, đa sẽ xin sư phụ nhận đệ làm đệ tử, truyền cho võ nghệ, mai này đi lại hành hiệp cũng dễ dàng. Huống chi giang hồ cũng còn người tốt kẻ xấu, đâu phải lúc nào cũng gặp phải những kẻ tâm địa độc ác như hôm nay.
Văn Tôn chỉ mĩm cười gượng gạo. Chàng biết mình ngộ tính không bằng người, đọc ngũ kinh tứ thư suốt mười mấy năm ròng, thế mà chẳng nhớ được bao nhiêu ý tứ. Bảo chàng chuyên tâm luyện võ, có luyện năm năm, mười năm đi chăng nữa chắc gì đã có thành tựu? Nhưng cái hảo ý của nghĩa huynh, chàng chấp nhận thì không kham, còn chối từ lại không nỡ, chỉ đành gượng cười cho qua.
Hai người đi thêm một đoạn nhưng không thấy có khách điếm nào quanh đây, nhà nhà trong thôn thì đóng cửa tắt đèn, dường như đã ngủ cả rồi, muốn xin tá túc một đêm e là không được. Trong đêm tối tĩnh mịch, bỗng có tiếng ai đó rên rỉ nghe thật thảm não, chẳng rõ là người hay ma.
Hơi thở yếu ớt phát ra ở hướng đông bắc, nghe thật gần, thật rõ. Triệu Hùng lần theo âm thanh đó, thận trọng bước từng bước một, Văn Tôn vốn nhút nhát, nhưng cũng bám theo ngay sau lưng, thấy trong ụ rơm nhỏ đằng trước có người đang nằm thoi thop. Triệu, Văn hai người ngạc nhiên, đưa mắt nhìn nhau, thì ra là đại hán họ Nhạc trong tửu lâu ban nãy. Dưới ánh trăng, khuôn mặt người họ Nhạc lúc trắng lúc xanh, giống như có một luồng chân khí vừa nóng vừa lạnh luân chuyển trong cơ thể. Toàn thân gã run lên như cầy sấy, chân tay bắt đầu co quắp, miệng ú ớ như muốn nói nhưng không tiết ra được gì ngoài những tiếng ư ử. Triệu Hùng nắm lấy cổ tay y, thấy kinh mạch toàn thân đã loạn, e không còn thuốc gì cứu được. Bất ngờ y chồm lên, hai tay chộp lấy ngực áo Triệu Hùng, rú lên: "Quả...quả..." hay tay đã không còn sức lực, buông thỏng xuống, nằm bất động. Triệu Hùng đưa tay lên mũi y, thấy đã tắt thở, đồ rằng chưởng thức của quái nhân kia đã đi vào lục phủ ngủ tạng, cầm cự đến bây giờ thì không còn chịu nỗi nữa, chỉ tiếc điều y trăn trối còn chưa nói rõ ra.
Hai người đào một cái hố, chôn cất Nhạc đại hán rồi rảo bước về phía bắc. Đi hơn hai dặm thì may thay tìm được một khách điếm, mới đầu giờ Tuất nhưng điếm môn đã đóng chặt, Triệu Hùng phải gọi một hồi lâu mới thấy điếm tiểu nhị mở cửa, lại năn nỉ mãi y mới chịu bố trí cho một phòng để ở. Ở vùng thôn quê, dân chúng ban ngày lo việc đồng áng, tối đến thì tắt đèn đi ngủ sớm, thành thử chẳng ai đi lại ngoài đường vào giờ này. Điếm tiểu nhị thấy hai người lạ mặt, cách ăn vận, nói năng đều là dân xứ khác, đêm hôm khuya khoắt lại gõ cửa thuê phòng thì trong bụng không mấy an tâm, nhưng sau cùng vì mấy lạng bạc của Triệu Hùng nên cũng niềm nở tiếp đón.
Họ đi theo điếm tiểu nhị, tới một gian ở cuối dãy. Triệu Hùng vừa vào phòng, ngã lưng ra giường ngủ luôn. Văn Tôn còn chưa hết hoang mang, bao nhiêu biến cố xảy ra hôm nay cứ luẩn quẩn trong đầu, chẳng dễ dầu gì mà nhắm mắt. Chàng thắp cây nến trên giá lên, lấy kinh thư trong ra đọc. Trong sách có đoạn viết: "Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn". Nghĩa là phải cảnh giác khi ở trong hoàn cảnh an lạc, phải nghĩ tới những hiểm nguy có thể xảy ra, nghĩ tới mới có sự phòng bị, phòng bị sẽ có thể tránh được tai họa. Đêm đó chàng không dám đi ngủ, ngồi bên cửa sổ đọc sách, phòng khi có chuyện bất trắc còn kịp báo với Triệu Hùng.
Đến canh tư, Văn Tôn bắt đầu gật gù, không sao mở mắt ra nữa, toan gục đầu xuống bàn thiếp đi. Bỗng bên ngoài có tiếng vỗ cánh của một con chim, rồi từ trên cao sà xuống một con bồ câu, đậu ngay trên khung cửa. Nó vừa thu cánh gọn gàng, đã thấy Triệu Hùng đứng ngay bên cạnh. Văn Tôn bối rối, nghĩ thầm:"Ta vốn dĩ muốn ngồi đây canh phòng, hiềm khi có sự bất thường sẽ báo với đại ca, nào ngờ huynh ấy lại thần thông quãng đại như thế, biết vậy đã không phí công làm gì". Nên biết, phàm những người luyện võ, đã số những người luyện võ đều lấy nội lực làm đầu, ngoại công chiêu thức chỉ là hình thức để hiển thị công lực ra bên ngoài. Triệu Hùng khổ học suốt mười lăm năm, nội công đã luyện đến mức lô hỏa thuần thanh, lưu chuyển tùy ý, từ đó các giác quan cũng trở nên nhạy bén hơn người thường hàng chục lần. Khi con bồ câu bay đến cách chừng vài trượng, chàng tuy đang ngủ say nhưng vẫn nhận ra, liền bật dậy vọt về hướng cửa sổ. Con chim này không hề sợ người, vẫn thản nhiên đứng rỉa lông. Triệu Hùng nâng nó lên, từ trong ống nhỏ dưới chân nó, lấy ra một mẫu giấy, chỉ thấy mấy dòng chữ bé li ti như con muỗi. Chàng đọc xong mấy hàng chữ, mặt mũi đột nhiên sa sầm, quay sang Văn Tôn nói:
- Hiền đệ, sư phụ ta hiện mang trọng bệnh, đã không thuốc gì chửa khỏi, hai ta phải tức tốc trở về Bắc Giang.
Đường về Bắc Giang ngàn dặm xa xôi, Văn Tôn thể chất đã yếu, lại không quen đi ngựa đường dài, nghĩ rằng đi cùng tất sẽ làm chậm trễ hành trình. Chàng suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Đại ca, con bạch mã của huynh đã chạy cả một quãng đường dài, bây giờ nếu phải chở cả hai ta e là không chịu nổi. Đang trong lúc dầu sôi lửa bỏng, chi bằng huynh cứ đi trước, sáng sớm mai đệ sẽ thuê xe theo sau!
Triệu Hùng nghĩ như vậy cũng tốt, nhưng vẫn lo cho nghĩa đệ, nói:
- Nhưng đường đến Bắc Giang muôn sông khắp núi, đệ một thân một mình biết xoay sở làm sao?
Văn Tôn cười hì hì, đáp:
- Đại ca an tâm, đệ lúc từ Đông Hải đến đây cũng đi qua Bắc Giang, hơn nữa đường đi nằm trong miệng, dọc đường cứ hỏi thăm sẽ tỏ.
Bấy giờ Triệu Hùng mới an lòng. Chàng đưa cho Văn Tôn ba nén bạc, dặn dò đường đi lối xá mọi thứ kỹ càng rồi mới lên đường.
Văn Tôn tiễn nghĩa huynh ra đến tận cổng, chờ đến khi bóng y đã khuất hẳn rồi mới quay vào trong nằm ngủ. Đang lúc mơ màng, bỗng nghe bên tai văng vẳng tiếng tiêu xa, chàng choàng tỉnh. Chàng tuy không am tường nhạc lý, nhưng vẫn thường được nghe phụ thân thổi tiêu vào những lúc nhàn rỗi, quả thật âm điệu hoàn toàn khác xa. Tiếng tiêu ngoài kia từ đầu vẫn du dương, thánh thót, bỗng chớp mắt đã trở nên ủy mị, thê lương đến lạ lùng. Đang đêm yên tĩnh, thuận chiều gió, tiếng tiêu truyền đến rõ mồn một, chẳng khác nào ai đó đang nhã tấu trước hiên. Lòng hiếu kỳ trỗi dậy, chàng đẩy cửa ra ngoài, nhưng nào có thấy ai, trong khi thanh âm thì vẫn như gần kề bên cạnh. Tiếng tiêu lúc này đã hoàn toàn trở thành thảm khúc, trầm mặc, bi thảm, nghe ai oán, ma mị không sao kể xiết. Như người bị thôi miên, hai chân chàng cứ theo tiếng tiêu mà đi, đầu óc trống rỗng, không còn lý gì đến hiểm nguy. Băng qua dãy hành lang, chàng mở cổng chính, lửng thửng trên con lộ trong thôn, bước dần về hướng tây. Đi một hồi, thấy trước mắt là một ngọn núi, dưới chân núi có một phiến đá lớn, trên phiến đá là một người mặc đồ trắng, không rõ là nam hay nữ, chỉ thấy người đó đang say sưa tấu lên một khúc nhạc bi ai vô cùng. Chàng nấp sau một gốc tùng cách đó hơn mươi trượng, nheo mắt nhìn về hướng người kia, lạ thay, bạch y quái nhân đã biến mất từ lúc nào, chỉ còn trơ lại tảng đá lớn màu trắng. Văn Tôn không sao tin vào mắt mình, trên đời làm gì có ai thân pháp nhanh đến thế, trong chớp mắt đã mất hình mất dạng, chắc chỉ có ma quỷ mới làm được điều đó. Nghĩ đến đây thì kinh hồn táng đởm, liền quay đầu bỏ chạy.
Nào ngờ vừa xoay lưng lại, yết hầu của chàng đã bị một thứ gì đó dí thẳng vào, vật đó vừa thuôn vừa dài, nằm trong tay của một người mặc y phục màu trắng, chính là bạch y quái nhân vừa rồi. Dưới ánh trăng sáng, thấy người đó là một thiếu nữ khoảng chừng mười lăm, mười sáu tuổi, mi mục thanh tú, da trắng như ngọc, đôi mắt trong vắt như sương nhưng cũng tràn đầy sát khí, đang chằm chằm nhìn chàng. Bạch y thiếu nữ thân hình mảnh mai, mái tóc dài đến giữa lưng, tay cầm cây ngọc tiêu chĩa thẳng vào cổ chàng, hỏi:
- Nhà ngươi là ai? Đêm hôm khuya khoắt lén lén lút lút ở đây làm trò gì?
Giọng cô ta thật trong trẻo, nhưng mỗi lời nói ra lại kèm theo mấy cái nghiến răng ken két, thật khiến cho người ta vừa yêu vừa hãi. Văn Tôn cũng không biết tại sao mình lại đến đây, chỉ trong vô thức mà bước đi, làm sao trả lời cho thỏa, còn đang nghĩ ngợi đã nghe bạch y thiếu nữ quát:
- Ta đang hỏi nhà ngươi đấy, bộ nhà ngươi vừa câm vừa điếc hay sao?
Đầu tiêu lại dí vào mạnh hơn. Văn Tôn giật mình kinh hãi, nghĩ thầm:"Nàng ta quả thật dung mạo tuyệt trần, thế gian hiếm có, thế nhưng lời nói lại lạnh lùng hung ác thế kia, vừa mở miệng đã chửi mắng người khác, chẳng biết là người hay yêu ma quỷ quái gì đây?" Nhưng đầu tiêu đâm vào yết hầu đau không chịu thấu, vội nói:
- Tại hạ giữa đêm trăn trở, vô tình nghe được khúc nhạc tuyệt luân của nữ hiệp mới rảo bước đến đây, mong được thỉnh giáo, nào có ý gì xấu xa, mong nữ hiệp tha cho tội mạo muội!
Bạch y thiếu nữ mặt không đổi sắc, mục quang sắc như đao kiếm, xoáy sâu vào mắt Văn Tôn, cười hắc một tiếng, lạnh lùng nói:
- Nhìn bộ dạng nhà ngươi chắc cũng không đến nỗi là phường tham ác, chỉ đáng tiếc số ngươi đoản mệnh, hôm nay đành phải bỏ mạng ở đây, không thể trách ai.
Văn Tôn bàng hoàng tột độ, lý nào lại có kẻ hạ thủ sát nhân ngang tàn như thế? Hỏi:
- Tại hạ chỉ là vô ý thưởng nhạc, nào có lòng mạo phạm, nữ hiệp vì cớ gì lại muốn lấy mạng ta? Lẽ nào trong mắt không còn vương pháp?
Bạch y thiếu nữ cười hắc mấy tiếng, nói:
- Cái gì mà coi thường vương pháp? cái gì mà không có lương tri? Mấy lời như vậy ta nghe đã nhiều rồi. Nếu mà hoàng đế thật sự thần thông quảng đại, bảo quốc an dân, trong thiên hạ đã chẳng có những kẻ lòng lang dạ sói, vô tâm thất đức nhiều đến thế. Gã nhược phu họ Nhạc trong Hỷ Lạc lâu chết như thế nào, ngươi chẳng phải đã tận mắt chứng kiến hay sao?
Văn Tôn rùng mình ớn lạnh, bấy giờ mới rõ người ngồi trên thượng lầu của Hỷ Lạc lâu chính là cô ta, đại hán họ Nhạc bị cô ta đả thương dẫn đến cái chết, nhưng nguyên cớ thế nào thì chàng làm sao biết được. Bạch y thiếu nữ nói tiếp:
- Trên đời này, bất cứ ai nhìn thấy dung mạo của ta thì đều phải lấy cái chết để đền tội, gã họ Nhạc kia tất nhiên cũng không phải ngoại lệ. Chỉ tiếc...chỉ tiếc...
Nói đến đó thì ngập ngừng, dường như tiếc nuối điều gì. Văn Tôn không khỏi kinh sợ trước bản tính tàn ác của cô ta, chỉ vì người khác trông thấy mặt mình mà ra tay tàn sát, khác nào những loài dã thú cùng hung cực ác, trên đời làm gì có cái sự vô lý như vậy. Nhiệt huyết trong người bất chợt dâng lên, cái sợ tiêu tan đâu mất, nói:
- Cô nương nói trong thiên hạ những kẻ lòng lang dạ sói, vô tâm thất đức nhiều vô số kể, chẳng phải chính cô nương cũng ở trong số đó hay sao? Cô nương sát nhân vô cớ, có gì mà luyến tiếc?
Bạch y thiếu nữ hơi kinh ngạc, chỉ vừa rồi y còn khép nép xin tha mạng, bây giờ lại ăn nói cứng cỏi như thế, quả thật có chút hơn người. Nhưng chỉ trong thoáng chốc, sự lạnh lùng đã quay trở lại, nàng gặng giọng, nói:
- Gã họ Nhạc kia có chết trăm lần cũng chưa đủ, ông trời để hắn gặp ta quá muộn, khiến hắn sống thêm mấy mươi năm, đó là cái tiếc thứ nhất. Còn ngươi tuổi quá trẻ, có lẽ cũng chưa làm điều gì trái đạo, ông trời lại để ta gặp ngươi quá sớm, phải đoản mệnh, thế có phải là điều đáng tiếc thứ hai hay không?
Nàng cười lên mấy tiếng, vừa thánh thót, vừa hung ác, khiến Văn Tôn kinh hãi vô cùng. Chàng biết lúc này có muốn chạy cũng không được, muốn trốn cũng chẳng xong, tính mạng chỉ như ngọn đèn trước gió, chẳng buồn nói thêm với cô ta lời nào, nhắm mắt mặc cho cô ta muốn đâm thì đâm, muốn giết thì giết.
Bỗng trước cổ không còn đau nữa, chàng mở mắt ra, thấy tay phải nàng ta đã thu cây tiêu về, đưa ra sau lưng. Văn Tôn trong lòng cảm khái, định nói mấy lời tạ ơn tha mạng, nào ngờ thấy trước ngực nóng ran, nhói lên như có muôn vàn cây kim đâm vào, chàng hét lên thất thanh, đau đớn đến mức chết đi sống lại. Tả chưởng của nàng ta đã đặt lên ngực chàng từ bao giờ, thủ pháp nhanh tới nỗi mắt chưa kịp nhìn thấy, lục phủ ngũ tạng đã bị chưởng lực làm cho dập nát. Chàng ngã quỵ xuống đất, toàn thân bốc nhiệt, tứ chi tê dại, một luồng hàn khí chạy dọc khắp đại kinh tiểu mạch, hai mắt nhìn theo cái bóng trắng càng lúc càng xa, rồi mờ dần đến khi mọi thứ trở nên tối đen như mực.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top