Vội vàng 16 câu tiếp
Mở đầu đoạn thơ là hai câu thơ với cách ngắt nhịp lẻ 3/5 như một sự vỡ lẽ. Bước chân của thời gian cứ thế mà trôi đi qua từng câu chữ
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
Các trạng thái của thời gian lần lượt được nêu ra. Nhưng đó không phải là khung cảnh nhộn nhịp mà là những trạng thái đối lập “đương tới” – “đương qua” và “còn non” – “sẽ già”. Các trạng thái ấy cũng chính là sự tiếp nối của chúng trong vòng xoay của thời gian. Thời gian vận động không ngừng, mọi thứ cũng không ngừng đổi thay. Nếu trong văn học trung đại, thời gian là một vòng tròn tuần hoàn không ngừng lặp lại của sinh lão bệnh tử thì trong thời đại Thơ mới, con người đã ý thức rõ sự hạn hữu của đời người. Thời gian không còn là vòng tròn bất tận mà là một đường thẳng tuyến tính. Trong dòng chảy của thời gian, con người chỉ như một hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc. Thời gian vô tận mà đời người hạn hữu. Mới khi nào mùa xuân còn tươi đẹp thì mai đây nó sẽ trở nên già cỗi như một quy luật tất yếu
“Hoa nở để mà tàn
Trăng tròn để mà khuyết”
(Hoa nở để mà tàn – Xuân Diệu)
Phép điệp “nghĩa là” càng nhấn mạnh thêm sự bất ngờ có phần hốt hoảng về dòng chảy của thời gian của cuộc đời. Người ta thường chỉ tiếc mọi thứ khi nó đã qua đi, khi nó chỉ còn là kỷ niệm nhưng Xuân Diệu là tiếc mùa xuân ngay khi nó đang đến, ngay khi ông đang đắm mình trong bức tranh xuân ấy. Đó không chỉ là mùa xuân của đất trời mà còn là mùa xuân của đời người.
“Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Những câu thơ được nối kết nhau bởi từ “xuân”. Điệp từ “xuân” được lặp lại để nhấn mạnh mùa xuân của đất trời cũng như nhấn mạnh mùa xuân của tuổi trẻ. Đó đều là những gì đẹp nhất của đất trời, của đời người
Thời gian thiên nhiên kết thúc “xuân hết” nhưng kéo theo đó “tôi cũng hết”. Câu thơ vang lên như như một tiếng thở dài cùng đất trời. Tuổi trẻ qua đi thì sự tồn tại của “tôi” cũng trở nên vô nghĩa. Bởi tuổi trẻ qua đi, tình yêu không còn thì mọi thứ cũng cứ thế mà trôi đi cùng dòng chảy của thời gian. “Lòng tôi” và “lượng trời” vốn đã là hai thế cực tương phản của sự hạn hữu và vô hạn. Tuy nhiên trong góc nhìn của Xuân Diệu thì cái vốn hữu hạn như đời người lại được mở rộng đến vô cùng “lòng tôi rộng” còn thứ vốn tưởng chừng vô hạn trong thời gian của đất trời lại trở nên nhỏ bé “lượng trời cứ chật”. Mùa xuân của đất trời dù sẽ lặp lại nhưng màu xuân của đời người – tuổi trẻ9 thì vĩnh viễn không thể quay trở lại. Vì thế dù thời gian có lặp lại thì mọi thứ cũng vô nghĩa bởi lúc đó “tôi” không còn là “tôi” của hôm nay. Như chính Xuân Diệu đã từng nói
“Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút ấy sang tôi phút này”
(Đi thuyền – Xuân Diệu)
Sự hạn hữu của đời người với thời gian được thể hiện rõ nét nhất ở dòng thơ “Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”. Trời đất cứ thế mà xoay vần nhưng tôi sẽ không vĩnh hằng cùng đất trời. Lúc này, hẹn ước ba sinh hay một cuộc sống chốn thiên đường cũng không thể xoa dịu tâm hồn thi nhân. Bởi lẽ điều ông cần không phải là hạnh phúc ở một kiếp nào khác mà phải là được tận hưởng hương sắc cuộc đời được hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại khi tuổi trẻ đang đến, tình yêu đang xuân sắc.
Thế nhưng, người đọc sẽ thấy dù biết trước “tôi” sẽ không tồn tại vĩnh viễn để đón nhận thiên nhiên đất trời tươi đẹp nhưng Xuân Diệu không tiếc cho mình, tiếc cho tuổi trẻ mà điều ông tiếc nhất chính “cả đất trời”. Xuân Diệu dường như đang tiếc nuối vì không thể tận hưởng hết mọi hương sắc của cuộc đời. Từ hệ thống từ ngữ đến hình ảnh đều được đặt trong thế tương phản đối lập cao độ “rộng” – “chật”, “xuân tuần hoàn” – “tuổi trẻ chẳng hai lần”, “còn” – “chẳng còn” đã góp phần làm nổi bật tâm trạng tiếc nuối trước thời gian, cuộc đời.
Trước dòng chảy ấy không chỉ Xuân Diệu cảm thấy hối tiếc mà mọi vật cũng mang màu sắc u buồn, đầy mất mát chia ly.
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”
Thời gian không được cảm nhận qua sự thay đổi biến thiên của vạn vật trôi qua kẽ lá mà được cảm nhận bằng khứu giác “mùi tháng năm”. Đọc câu thơ, ta thấy có chút gì xao xuyến rưng rưng vừa uất ức nghẹn ngào vừa tiếc nuối hụt hẫng trong từ “rớm” ấy. Hóa ra thời gian không vô tình như ta vẫn thường nghĩ mà tháng năm dường như cũng đang tiếc nuối cho chính bản thân mình,"than thầm tiễn biệt" sự chảy trôi của tuổi trẻ cng
Cuộc chia ly báo trước không thể nào thoát khỏi. Không chỉ thời gian mà cả không gian cũng tràn ngập dự cảm chia lìa. Đó là không gian rộng lớn của cả sông núi. Cảnh vật tươi đẹp hiện tại rồi sẽ trở thành quá khứ. Mỗi phút mỗi giây đều trôi đi không níu lại được. Cuộc chia ly mỗi phút mỗi giây vẫn cứ diễn ra như thế. Xuân Diệu bắt đầu vẽ ra cuộc chia ly của vạn vật một cách cụ thể hơn:
“Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”
Vẫn là hình ảnh chim, gió nhưng không còn rộn ràng vui tươi của khúc ca yến anh hay của cành tơ phơ phất mà cũng hòa vào bản nhạc buồn chia ly của sông núi. Cơn gió không reo vui cùng cành lá, đem lời ca niềm vui lan tỏa đến mọi người mà cơn gió ấy chỉ “thì thào trong lá biếc” dường như đang hờn giận điều gì.
Đến tiếng chim không còn gảy khúc tình si mà bỗng dưng lặng im. Hót để mà chi khi cuối cùng vẫn phải nói lời ly biệt. Mỗi sự vật dường như đang tiễn biệt chính mình, không gian cất lên khúc hát tiễn biệt thời gian. Mọi thứ cứ thế chảy trôi theo quy luật vận hành tự nhiên của nó không sao cưỡng lại được.
Trước bài ca ly biệt của núi sông, thi nhân cũng cất lên một tiếng thở dài cùng đất trời đầy nuối tiếc.
“Chẳng bao giờ ôi! chẳng bao giờ nữa”
Câu thơ như một lời kêu đầy hốt hoảng và bất lực. Hốt hoảng bởi lẽ cuộc sống trần gian ngắn ngủi nhưng hương sắc cuộc đời lại mênh mông khi thi nhân vừa phát hiện một chốn bồng lai nơi hạ giới. Bất lực là bởi trước dòng chảy của thời gian con người lại không thể xoay vần con tạo cứ thế mà bị cuốn trôi đi không sao níu giữ.
Phép điệp “chẳng bao giờ” được lặp lại hai lần càng nhấn mạng thêm tâm trạng bàng hoàng tiếc nuối ấy. Thán từ “ôi” xuất hiện như một sự uất nghẹn giữa dòng thơ khiến cho câu thơ vì thế mà càng trở nên da diết hơn. Tuy bàng hoàng hốt hoảng tiếc nuối nhưng Xuân Diệu không buông xuôi. Ông bất lực trước dòng chảy của thời gian nhưng không buông bỏ, ngồi im chờ đợi thời gian trôi. Xuân Diệu đã tìm ra một cách giải quyết.
“Mau đi thôi, mùa chưa ngả chiều hôm”
Lời thơ như một lời giục giã, thúc giục con người hãy đứng lên đừng buồn vì sự chia ly sẽ đến mà lãng quên đi thực tại. Thời gian chảy trôi nhưng hiện tại “mùa chưa ngả chiều hôm” cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, cảnh sắc trần gian vẫn còn đó đầy tươi đẹp quyến rũ lòng người.
Vì vậy, buồn mà chi, thất vọng trước điều không thể thay đổi để làm gì. “Mau đi thôi”, mau cố gắng trân trọng lấy từng phút giây hiện tại để tận hưởng bữa tiệc tươi vui mà thiên nhiên mùa xuân đã bày sẵn trước mắt ta. Qua đoạn thơ, người đọc cảm nhận được đây chính là một lẽ sống tích cực. Một thanh âm trong trẻo xóa tan đi khúc nhạc u buồn chia ly.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top