Chương I: Đám cưới đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi

Tất cả đôi khi chỉ bắt đầu bằng một giấc mơ.


Phần 1: Có phải một giấc mơ? - Tôi và cô gái đó.

Chương I: Đám cưới đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi

< Giấc mơ thứ nhất? >

10h15 - giờ trưa.

Tôi chậm rãi thắt chiếc nơ màu đỏ tím lên cổ. Đứng trước tấm gương lớn gắn vào cánh tủ quần áo kiểu cũ, tôi chỉnh trang lại đầu tóc. Mái tóc dài và lù xù thường ngày đã được tôi vuốt ra phía sau thật cẩn thận. Đưa tay sang ngăn bàn học phía bên cạnh, tôi vớ lấy lọ nước hoa và xức lên mình. Một mùi hương nhẹ nhàng tỏa ra khắp căn phòng quen thuộc.

Cách đây chừng nửa tiếng.

Tôi đứng trước tủ quần áo và phân vân giữa những bộ lễ phục. Một chiếc sơ mi trắng hay một chiếc sơ mi xanh sẽ phù hợp hơn. Tôi mất cả tiếng đồng hồ chỉ để phân vân đúng một điều nhỏ nhặt đó.

Bởi lẽ, chỉ hơn một tiếng nữa, anh trai tôi sẽ bước vào một chặng đường hoàn toàn mới của cuộc đời mình - kết hôn với người con gái anh thương.

Tôi nhìn quanh căn phòng vào cái ngày cuối cùng nó là căn phòng chung của hai đứa. Những suy nghĩ hoài niệm kì lạ bắt đầu xuất hiện trong đầu tôi. Ở đây, hai anh em tôi đã lớn lên cùng nhau, và nó khiến việc suy nghĩ rồi đây chỉ có còn lại một mình tôi trở nên lạ lẫm.

Cùng nhau, chúng tôi ngày một trưởng thành. Anh hơn tôi đúng mười tuổi. Vậy nên, từ khi sinh ra đến khi lớn lên, tôi luôn được anh che chở và bảo vệ. Từ lúc tôi khóc, lúc tôi cười, lúc tôi vui hay lúc tôi buồn cũng vậy, anh lúc nào cũng ở bên cạnh tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy may mắn hơn khi có một người anh tuyệt vời đến vậy.

Anh là người hay suy nghĩ và thích chu toàn, dù vẻ bề ngoài của anh dường như lúc nào cũng trẻ con và bốc đồng vậy. Anh dễ dàng hành động ngay trước khi suy nghĩ, thế nhưng lại có thể dành một ngày để hối hận vì sự vội vàng ấy của bản thân. Anh luôn vui cười và lạc quan với cuộc sống. Chỉ đến khi tôi đủ chín chắn và trưởng thành, tôi mới biết rằng tất cả là bởi vì anh đã trải qua quá nhiều chuyện trong cuộc đời nên anh mới lạc quan đến vậy.

Anh được sinh ra từ thời gia đình tôi còn khó khăn về tài chính. Cuộc sống của anh luôn luôn thiếu thốn đủ thứ về vật chất. Thế nhưng, chưa bao giờ anh đòi hỏi bố mẹ chúng tôi bất cứ một điều gì, và cũng chưa bao giờ ghen tị với người khác vì những gì họ có. Anh luôn biết tìm kiếm những điều tích cực để bản thân được vui, và nó trở thành ánh sáng thuần khiết nhất trong tâm hồn anh đến tận bây giờ.

Chỉ cách đây chừng vài tháng, tôi còn có suy nghĩ người con trai ấy sẽ còn cứ cô đơn và lông bông cả cuộc đời. Vậy mà giờ đây, anh đã sẵn sàng và trưởng thành hơn ai hết, gần như đến mức tôi chẳng hề nhận ra. Nhìn anh như vậy, có những lúc tôi bất chợt giật mình nghĩ rằng rồi cũng sẽ đến lúc tôi phải tạm biệt những giây phút hồn nhiên trong hiện tại.

Những tia nắng mập mờ chiếu qua khung cửa sổ vẫn buông rèm, lan tỏa ánh sáng ấm áp. Một ngọn gió khẽ thổi tung tấm rèm, lùa vào căn phòng nhỏ bé.

Tôi đứng lặng người ở đó hồi lâu trước khi quyết định được trang phục. Đến cuối cùng, tôi chọn sơ mi màu trắng và một chiếc nơ đỏ tím mà tôi chẳng bao giờ có ý định dùng đến. Một dịp thật đặc biệt nên mới sử dụng - mang trong mình suy nghĩ đó, tôi là tà áo cẩn thận, mặc lên người và đeo chiếc nơ nhỏ nhắn lên cổ.

Hoài Phương bước ra khỏi cửa xe. Trước mắt cô lúc này là một trung tâm tiệc cưới xa hoa. Cả tòa nhà sơn một màu trắng tinh khôi và quý phái. Đường cầu thang thiết kế hai bên tạo thành những đường cong mềm mại. Đặt ở chân mỗi bên cầu thang là một tấm biển ghi tên chủ nhân của lễ cưới.

Cô gái thích thú ngắm nhìn tòa nhà như đứa trẻ lần đầu thấy một món đồ chơi đẹp. Chỉ ít phút nữa thôi, chị gái của cô sẽ bước vào lễ đường này trong bộ váy cô dâu lộng lẫy. Lòng cô man mác một chút buồn, thế nhưng có lẽ niềm hạnh phúc còn lớn hơn nhiều lần trong suy nghĩ. Hoài Phương hạnh phúc bởi vì cô gái hiểu rõ rằng người mà cô yêu thương cuối cùng cũng có được hạnh phúc của riêng mình.

Tiếng điện thoại reo làm Phương giật mình. Cô gái vội vàng tìm điện thoại trong chiếc ví màu nâu cam trên tay. Đó là số điện thoại của một người bạn thân.

"Này, thế hôm nay đi làm không?"

"Hôm nay cưới chị Linh mà."

"Thế đã xin nghỉ chưa?"

"Chưa, xin hộ cái."

"Hâm à? Tháng này nghỉ bao nhiêu rồi còn gì. Anh Tùng dọa nghỉ nữa là nghỉ việc luôn đấy. Tự xin đi trời ạ..."

"Rồi rồi... Biết rồi nhé!"

Điện thoại phía bên kia tắt máy trước.

Hoài Phương khẽ thở dài. Thực ra, cô gái đã chán với việc phải đi làm này từ lâu rồi. Nếu không phải vì không muốn quá phụ thuộc vào gia đình thì cô chắc chắn cũng đã nghỉ làm từ sớm.

Một tháng trước, sau khi hoàn thành kì thi đại học, cô xin vào làm phục vụ ở một quán café gần nhà. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, việc tiếp xúc quá nhiều loại người và áp lực từ những nhân viên khác khiến Phương đâm ra mệt mỏi và chán nản hơn cô tưởng. Càng làm, cô gái càng cảm thấy mất đi mục đích trong công việc, và cô nhận ra mình cẩn những giây phút vui chơi và nghỉ ngơi nhiều hơn thay vì phải chịu những cảm xúc tiêu cực đó.

Điều đó khiến cho việc đi làm trở nên ngày một mất ý nghĩa.

Cô gái tìm trong danh bạ số điện thoại người chủ quán và ấn gọi. Bên tai cô gái vang lên tiếng thông báo khó chịu rằng tài khoản đã hết tiền. Cô bật cười "Sao lại đúng lúc thế nhỉ" và cất điện thoại vào túi. Đôi mắt cô gái bắt đầu đảo xung quanh tìm kiếm sự giúp đỡ.

Tôi dừng xe lại trước tòa nhà trung tâm tiệc cưới. Đưa xe vào hầm gửi xong xuôi, tôi đi lên và bắt đầu tìm kiếm người quen.

Ngay khi ấy, một cô gái bước lại gần tôi. Cô gái nhìn trạc tuổi tôi, mặc một chiếc váy dạ hội màu hồng phấn, trên tay xách một cái túi nâu cam. Gương mặt của cô gái có vẻ gì rất vội.

"Em rất xin lỗi nhưng anh có thể cho em mượn điện thoại một chút không ạ? Em muốn gọi nhờ một cuộc điện thoại quan trọng ạ."

Cô gái cất giọng nói trong trẻo.

"À à... Được thôi."

Tôi lúng túng rút điện thoại trong túi quần, mở khóa và đưa cho cô ấy như một phản xạ tự nhiên. Cô gái lạ mặt nhìn tôi với ánh mắt đầy biết ơn. Thoáng chốc, chính tôi cũng bất ngờ về hành động tốt bụng của mình.

Đôi bàn tay nhỏ nhắn lướt nhanh trên màn hình trước khi cô áp điện thoại lên tai. Chậm rãi, cô bước ra hướng khác theo phép lịch sự. Còn tôi, tôi kiên nhẫn đứng chờ đợi.

Cuộc trò chuyện diễn ra khá nhanh. Khi cô gái bước tới và trả tôi điện thoại, cô ấy nở một nụ cười duyên dáng. Ánh mắt của cô ánh lên một chút gì tinh nghịch kì lạ.

Tôi cầm lại chiếc điện thoại của mình và chờ cô gái lên cầu thang trước rồi mới bước đi. Đúng như tôi nghĩ, cô gái cũng là khách của lễ cưới.

Hành lang của lễ cưới chật kín người. Anh trai và chị dâu tương lai của tôi đang tươi cười vui vẻ phía trước khu chụp ảnh. Bên cạnh họ là bố mẹ tôi và hai người khác mà tôi đoán là bố mẹ của cô dâu. Bố tôi và ông thông gia đều mặc vest đen đơn giản, trong khi mẹ cô dâu và mẹ tôi thì diện những bộ áo dài hoa văn lộng lẫy. Gương mặt ai cũng tràn đầy hạnh phúc.

Hoài Phương lặng lẽ đứng sau người thợ chụp ảnh. Cô gái mỉm cười nhìn sự hạnh phúc hiển hiện trên gương mặt bố mẹ của mình. Khó ai mà tin được, người đàn ông ấy tối hôm qua vẫn còn đang khóc.

...

Ngày hôm qua, trên chiếc ghế bành của phòng khách sạn, người đàn ông ấy ngồi lặng im. Trên tay ông cầm những tấm ảnh từ thời chị gái của Hoài Phương còn nhỏ xíu.

Đôi mắt của ông đã ngân ngấn lệ. Rồi, hai giọt nước mắt khẽ lăn trên gò má, tạo một vệt dài trên những nếp nhăn của người đàn ông đứng tuổi.

Ông lặng lẽ nghĩ về thời gian, về kỉ niệm, từ cái thời thiếu nữ ấy còn là một cô gái bé bỏng. Nhìn theo từng bước chân ấy, khi chúng chạm đến ngưỡng cửa cấp một, rồi cấp hai, cấp ba. Bước chân ấy dừng lại trên giảng đường đại học để nhận bằng tốt nghiệp, rồi bước chân ấy lại tự mình mở ra những cơ hội mới. Mỗi lúc, nó xa hơn và xa hơn với ông, nhưng cũng mỗi lúc con đường mà những bước chân ấy đặt lên lại thêm phần đẹp đẽ.

Cô gái lớn lên khi ông phải chuyển vào miền Nam công tác. Quãng thời gian không có ông, cô đã tự tin bước đi trên con đường của mình. Ông đã không thể cho cô nhiều thứ như ông mong muốn, cũng không thể dành đủ tình cảm cho đứa con gái yêu quý ấy.

Thời gian trôi qua thật nhanh, và cuối cùng rồi thì cô gái bé bỏng ấy cũng đã tìm được một người đàn ông, ngoài ông, có thể đem lại hạnh phúc cho mình. Ông buồn, nhưng ông hạnh phúc, và ông để cho mình được phép yếu đuối.

Đôi mắt ông chăm chú vào những tấm ảnh. Ông không biết rằng, người con gái sắp rời xa ông chỉ biết lặng im quan sát ông từ phía sau. Những hàng nước mắt cũng chảy dài trên gương mặt xinh xắn của cô dâu tương lai.

Chầm chậm, cô bước đến phía sau bố của mình. Chầm chậm, cô vòng tay qua cổ bố.

Ông nắm lấy bàn tay đứa con gái. Không hề quay lại, ông chẳng thể ngăn nổi hai hàng lệ trên khóe mi. Ông hiểu rằng con gái của ông cũng đang khóc. Những âm thanh ức nghẹn trong cổ họng của ông. Ông nấc lên từng cơn khe khẽ.

Và thời gian, từng giây, từng phút chầm chậm trôi. Bóng đèn từ một chiếc đèn bàn cũ mập mờ sáng ở một góc căn phòng.

...

Tôi ngồi ở phía bên nhà trai và đưa mắt sang khu vực bàn của nhà gái. Người đầu tiên mà ánh mắt tôi bắt gặp chính là người con gái ban nãy mượn điện thoại của tôi.

Cô gái đang ngồi cùng bàn với một vài người con gái khác, ngay chiếc bàn đầu tiên, gần sát sân khấu. Ánh mắt của cô chăm chú hướng lên lễ đường.

Tôi đổi hướng nhìn theo ánh mắt của cô. Ở đó, một người đàn ông bảnh bao trong bộ vest đen lịch sự đang hào hứng phát biểu những lời văn hoa mỹ để mở đầu chương trình. Sao lời giới thiệu hoành tráng, nhạc nền sân khấu bắt đầu nổi lên. Những ánh đèn trong phòng vụt tắt, và ánh sáng tập trung lại về phía cửa hội trường, nơi cô dâu đang đứng.

Anh tôi đứng im trên lễ đường. Đôi mắt mong ngóng nãy giờ đã dịu xuống. Môi anh nở một nụ cười mãn nguyện.

Cô dâu từ từ đi vào. Đôi mắt của cô ngân ngấn lệ chực khóc.

Người bố dắt tay cô con gái của mình. Chốc chốc, ông lại đưa mắt sang nhìn cô, rồi lại nhìn về phía trước. Trong lòng ông dâng trào biết bao những cảm xúc khác nhau, lẫn lộn giữa vui và buồn.

Bước đến chính giữa lễ đường, ông trao tay cô con gái của mình cho chú rể. Sau một vài lời nhắn nhủ, ông chầm chậm bước xuống.

Giữa những bản nhạc đầy tươi vui, bầu không khí lại dường như trầm lặng. Tôi có thể cảm nhận được điều đó rõ ràng hơn bao giờ hết khi nhìn về phía gia đình cô dâu. Rồi, tôi đưa mắt về phía bố mẹ mình đang ngồi ở một bên lễ đường. Cả hai người cũng vậy, im lặng dõi theo đôi nam nữ trong ngày trọng đại nhất của họ.

Có lẽ, chỉ với những người trong gia đình mới chia sẻ chung dòng cảm xúc như vậy. Đón thêm một thành viên mới bước vào gia đình mình cũng là lúc những bậc làm cha làm mẹ cảm thấy như đánh mất đi một thứ gì đó. Họ dễ lặng lẽ suy nghĩ lại về đứa trẻ của mình từ khi còn nhỏ, và thấy tiếc nuối cho một khoảng thời gian quá đỗi đẹp đẽ mà họ đã từng trải qua. Nhìn đứa con của mình trưởng thành, xen lẫn với niềm vui là những giọt nước mắt giấu kín trong im lặng. Cảm xúc ấy hỗn độn và ngập tràn trong tâm trí.

Với tôi cũng vậy. Nhìn khuôn mặt anh trai, nó cũng rưng rưng như sắp khóc. Anh là một người giàu cảm xúc. Vậy nên, tôi có thể hiểu được sự nghẹn ngào của anh.

Bàn tay anh run run. Chầm chậm, anh đeo chiếc nhẫn đá quý sáng long lanh lên ngón tay thon thả của cô dâu. Người con gái ấy hạnh phúc nở một nụ cười.

Vào chính khoảnh khắc ấy, thân hình mảnh dẻ của cô gái đổ vào vòng tay của người chú rể. Cả khán phòng lặng thinh.

Thế nhưng, tôi nhận ra vẻ hoang mang trong đôi mắt anh. Anh khẽ gọi tên cô. Một lần, hai lần, không một tiếng trả lời. Anh vội vàng khuỵu xuống. Khuôn mặt anh biến sắc.

Ngay lúc đó, tôi dường như là người đầu tiên nhận ra có điều gì đó không ổn. Tôi chồm dậy và lao về phía lễ đường khi ánh mắt hoang mang của cả căn phòng đổ dồn về phía tôi.

"Cấp cứu! Cấp cứu!" Tôi thét lên, bất chấp tất cả những ánh mắt ấy.

"Phương Linh! Phương Linh!" Lần này là anh. Anh gào lên trong sự hốt hoảng.

Tôi vội vàng chạy đến ngay bên cạnh anh. Một tay tôi rút vội chiếc điện thoại trong túi. Cố giữ bản thân bình tĩnh, tôi bấm số khẩn cấp 115.

"Khẩn cấp! Tôi cần ngay một xe cứu thương đến địa chỉ..."

Phía bên kia căn phòng, Hoài Phương cũng phản xạ tức thì. Cô gái vội vàng chạy đến.

...

"Anh bình tĩnh lại đi. Chỉ là hạ đường huyết thôi. Chắc một phần cũng là do chị ấy quá căng thẳng."

11 rưỡi trong một căn phòng của bệnh viện gần nhà, tôi đặt tay lên vai anh trai tôi và cố giữ anh ấy bình tĩnh.

Anh ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh giường bệnh của chị. Đôi tay anh nắm chặt lấy bàn tay mảnh dẻ của cô gái. Toàn thân anh run lên. Mắt anh rưng rưng, đôi môi mấp máy không nói thành lời.

Chứng kiến cảnh ấy, tôi cảm thấy thương xót thay cho anh. Lễ cưới, cái khoảnh khắc đáng lẽ phải ngập tràn hạnh phúc, đến với anh lại đầy sợ hãi và lo âu. Hình dung lại hình ảnh anh tỏ ra phấn khích và đầy tự tin vào buổi sáng ngày hôm nay, trái tim tôi nhói đau. Dường như cái khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời người ấy đến với anh cũng chẳng dễ dàng gì. Cuộc đời này đối xử với anh quá bạc bẽo.

"Đừng lo. Bác sĩ bảo chị sẽ sớm tỉnh lại ngay thôi. Anh đừng lo lắng nữa."

Đáp lại lời trấn an của tôi, anh chỉ gật đầu. Anh cúi xuống và áp bàn tay của cô gái lên mặt. Còn tôi, tôi chỉ biết đứng lặng ở đó.

Tôi xoay lưng và bước qua ngưỡng cửa của căn phòng. Tôi muốn cho họ một không gian riêng tư chỉ của hai người trong cái ngày mà đáng lẽ hai người họ phải hạnh phúc đứng trên lễ đường rót rượu và cắt bánh thay vì ở trong bệnh viện.

Tôi lấy điện thoại và gọi điện về cho bố mẹ. Họ thông báo cho tôi biết khách khứa đều đã về cả. Còn bố mẹ cô dâu thì vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cú sốc tinh thần. Hai người vẫn đang cố gắng trấn tĩnh họ trước khi bắt xe đến bệnh viện.

Nửa tiếng trước, xe cấp cứu dừng lại trước cửa trung tâm tiệc cưới. Anh tôi vội vàng bế chị lên chiếc cáng dài bọc vải trắng. Hai người họ và người con gái đang đứng bên cạnh tôi lúc này đã lên xe cấp cứu. Còn tôi, tôi cũng vội vàng vào hầm lấy xe và đuổi theo.

Dựa theo phản ứng, tôi hiểu rằng người con gái hiện đang đứng cạnh tôi, cũng là cô gái đã mượn điện thoại của tôi lúc trước, là em gái của chị dâu. Đôi mắt của cô gái đang hướng ra xa xăm, có lẽ là nhìn về một nơi vô định. Cô ấy hẳn còn không nhận ra sự hiện diện của tôi ở bên cạnh lúc này.

Tôi ngả người vào lan can và hướng mắt về phía phòng bệnh.

"Chị ấy không sao đâu. Cô cũng đừng lo lắng quá."

Tôi nói lời quan tâm với chất giọng bẩm sinh giống như là vô cảm.

"Đáng lẽ tôi nên suy nghĩ cho chị chu đáo hơn. Chị ấy vốn yếu. Vậy mà, tôi còn chẳng thể làm cho chị một bữa sáng vào ngày hôm nay."

Giọng cô gái run lên như tự trách cứ bản thân. Đôi mắt cô rưng rưng chực khóc. Hai bàn tay buông thõng nắm chặt lại. Ánh nhìn của cô vẫn hướng về phía xa xăm bên ngoài lan can.

Nó khiến tôi cũng phải mủn lòng phần nào. Không nhìn sang, tôi tiếp tục cất giọng.

"Đó không phải lỗi của cô. Đừng trách mình nữa. Bây giờ làm thế cũng chẳng có ích lợi gì. Cô phải giữ cho mình bình tĩnh đã."

Hoài Phương đưa tay lên dụi mắt và lau đi hai hàng lệ. Cô nhìn sang phía người con trai bên cạnh. Ở anh ta có một sự trưởng thành và bình tĩnh đến đáng kinh ngạc.

Dường như anh ta là em trai của anh rể cô. Cô dự đoán điều đó thông qua thái độ mà anh đối với anh rể của mình.

"Chẳng ai mong muốn điều này cả." Anh ta cất lời. "Nhưng nó đã xảy ra rồi, chúng ta phải biết đối mặt thôi. Tất cả mọi người đều hoảng loạn, vậy nên mới phải biết giữ bình tĩnh."

Nói rồi, anh ta bước đi. Cô còn nhìn theo mãi đến khi bóng anh ta khuất sau cầu thang xuống tầng một.

"Một con người kì lạ." Cô thầm nghĩ.

...

"Được rồi, chị tự ăn được mà."

"Thôi đi, em không tin chị nữa đâu."

Hoài Phương vừa nói vừa đưa thìa cơm lên miệng chị gái.

Đã là ngày thứ hai kể từ cái "sự cố không ngờ" nhưng anh rể của Hoài Phương vẫn cương quyết bắt cô dâu của mình phải nằm viện để tĩnh dưỡng.

Hoài Phương kiên nhẫn thuyết phục chị mình. Và cuối cùng, người chị cũng phải chịu thua đứa em gái cứng đầu. Cô chấp nhận để cho Phương cho ăn như một đứa trẻ.

"Phương làm đúng đấy. Nếu em không để em gái anh đút cho ăn thì chính anh sẽ phải tự ra tay làm điều đó"

Người con trai đùa cợt khiến chị bật cười. Hoài Phương cũng vậy mà bật cười khúc khích vì độ trẻ con của người anh rể mới này.

"Thậm chí đã là em gái anh rồi đấy." Chị đùa lại.

"Em gái của vợ hay em gái của mình chẳng phải cũng thế cả à?"

"Mà anh về nghỉ ngơi đi. Anh đã thức cả đêm rồi cơ mà."

"Được rồi. Tí nữa Tuấn Anh đến thì anh sẽ về nhà tắm rửa và thay quần áo."

Nhắc đến cái tên này, Hoài Phương bắt đầu hình dung về người con trai mang tên Tuấn Anh. Hẳn đó chính là chàng trai hôm qua. Cô thầm nghĩ như vậy.

"Em cũng chưa chính thức gặp mặt Tuấn Anh lần nào. Mới cuộc gặp gỡ đầu tiên mà cậu ấy đã phải giúp đưa em vào bệnh viện rồi. Em thấy cũng hơi có lỗi."

"Nó chẳng để bụng đâu. Dạo này nó bận lắm, suốt ngày hoạt động câu lạc bộ gì gì của nó đấy. Có hôm nào nó về trước nửa đêm đâu. Nhiều khi anh cũng lo cho nó."

Ánh mắt của anh có hơi chùng xuống. Hai mắt anh thâm quầng vì lo nghĩ và do thức trắng.

Ngay lúc đó, cánh cửa phòng bệnh mở ra. Một người con trai bước vào.

"Chị đã đỡ hơn chưa."

Tôi bước vào phòng bệnh. Không chào hỏi gì, tôi thoải mái cất lời hỏi thăm, như thể chúng tôi đã quen thân từ trước. Cũng phải, dù gì giờ chúng tôi cũng đã là người một nhà.

Vả lại, tính tôi dường như nhiều khi vô tư quá mức.

"Thật ngại quá. Chị khỏe rồi. Cảm ơn em đã quan tâm."

"Em cũng có nghe anh kể là sức khỏe chị khá yếu, nhưng mà đến mức như vậy thì đáng lo thật đấy."

"Không sao đâu. Cảm ơn em."

"Thế thôi, mọi người nói chuyện đi nhé. Anh về nhà chút rồi sẽ quay lại ngay."

"Anh nên ngủ một giấc đi. Nhìn anh còn tiều tụy hơn cả chị Linh rồi đấy." Tôi tiếp tục cất lời. "Ở đây có em rồi. Chút nữa bố mẹ cũng vào. Thế nên cứ yên tâm ngủ một giấc đi đã."

"Được rồi. Vậy anh đi nhé."

Anh tôi trao cho chị Linh một cái nhìn trìu mến. Rồi anh tiến về phía tôi, khẽ vỗ vai, cất lời cảm ơn xã giao một cách kì lạ và bước ra khỏi căn phòng.

"Mẹ em có nấu cháo cho chị. Em để đây, chị ăn xong phần đó nhớ ăn nhé."

"Chị cảm ơn."

Tôi đặt cặp lồng lên bàn và ngồi xuống bên cạnh chị. Đảo mắt một lượt quanh căn phòng, cuối cùng, tôi dừng lại ở cô gái phía đối diện.

"À đúng rồi, chị chưa trực tiếp giới thiệu với em. Chị là Chu Phương Linh, còn đây là Hoài Phương, em gái của chị. Từ hôm nay..."

"Câu nệ làm gì mấy cái ấy. Chúng ta là người một nhà rồi, chị đừng khách sáo với em quá. Chỉ mong chị đủ khỏe để chăm ông anh trẻ con của em là được rồi."

"Hai anh em em thân nhau quá nhỉ."

"Cũng bình thường thôi ạ."

Dù còn yếu, song tôi nhận ra sự hiền lành nhưng vô cùng sắc sảo trong đôi mắt chị.

"Cũng buồn cười thật. Tận sau đám cưới em mới thực sự nói chuyện với chị dâu."

"Ừ đấy. Khó tin thật nhỉ."

Cả tôi và cả chị cùng bật cười.

Cô gái tên Hoài Phương vẫn cẩn thận đưa từng thìa cháo lên miệng chị gái của mình. Ánh mắt của cô gái ấy vẫn đầy trìu mến và lo âu, gần giống như ánh mắt mà tôi được thấy ngày hôm qua.

Tôi nhìn quanh phòng bệnh. Đó là một căn phòng thiết kế đơn giản. Ba chiếc giường bệnh màu trắng xếp cách nhau đã đủ choán gần hết không gian bé nhỏ. Cạnh mỗi chiếc giường là một cái bàn inox để đặt đồ. Xung quanh là mấy chiếc ghế nhựa màu xanh. Sau chiếc giường ngoài cùng của chị Linh là một khung cửa sổ buông rèm vàng nhạt. Đó là nơi cung cấp nguồn sáng và không khí chủ yếu cho căn phòng lúc này.

Tôi năm nay đã chuẩn bị là sinh viên năm thứ hai của một học viện về kinh tế. Chuyên ngành tôi theo học là về Kinh tế quốc tế, thế nhưng tôi lại có một niềm đam mê rất lớn đối với nghệ thuật như phim ảnh và văn học. Cũng vì vậy, tôi đã quyết định tham gia câu lạc bộ về truyền thông và điện ảnh của trường. Tính đến giờ, tôi đã hoạt động ở đó gần một năm. Dường như đam mê ấy khiến tôi luôn chú ý đến vẻ đẹp tiềm ẩn của mỗi con người. Khi tiếp xúc với một ai đó, tôi thường đánh giá họ qua đôi mắt.

"Đôi mắt không bao giờ nói dối bạn." Trong cuốn tiểu thuyết của một nhà văn mà tôi yêu thích, ông đã nói vậy.

Dần dần, tôi có thói quen nhìn vào mắt người khác để đánh giá tâm tư suy nghĩ của họ. Tôi muốn mình có thể hiểu rõ vui buồn, tâm tư hay tình cảm của con người thông qua một ánh mắt. Nhưng tất nhiên, tôi chẳng bao giờ có thể hiểu hết được.

Lúc này, trước mắt tôi là hai cô gái gần như hoàn toàn xa lạ. Họ giờ đều đã là người thân của tôi, dù rằng mới chỉ cách đây vài hôm tôi thậm chí còn chẳng biết đến sự tồn tại của họ. Vậy nên, điều đầu tiên mà tôi chú ý theo phản xạ chính là đôi mắt.

Cũng như vậy, qua ánh mắt của hai cô gái trước mặt, tôi có thể nhìn thấy được phần nào con người. Ở họ, những người thân mới của tôi, tôi cảm thấy một sự thoải mái đáng kinh ngạc. Điều đó khiến tôi cũng cảm thấy dễ chịu phần nào. Hai đôi mắt ấy giống nhau đến kì lạ, và chúng đều tỏa ra những tia sáng ấm áp và dịu dàng.

"Ở đây có bất tiện nhiều không chị?" Tôi cất tiếng hỏi.

"Không bất tiện gì cả, nhưng mà chị vẫn muốn về nhà hơn. Chị thấy có lỗi với bố mẹ quá. Cả bố mẹ của em nữa, không biết họ sẽ đánh giá chị như thế nào..."

"Chị đừng lo. Bố mẹ em tuy đôi khi tư tưởng có hơi cổ hủ nhưng mà không phải là những người không hiểu chuyện. Chắc chắn họ sẽ hiểu cho chị thôi."

Tôi nhìn chị và nói kiểu nửa đùa nửa thật. Đáp lại tôi, chị cũng khẽ áy náy mỉm cười.

Tôi ngồi xuống bên cạnh chị và bắt đầu một vài câu chuyện. Tôi muốn hiểu rõ hơn người phụ nữ của anh trai mình. Qua những cuộc hội thoại đơn giản, tôi biết được chị đang là nhân viên bộ phận Marketing của công ty nơi anh tôi làm việc. Anh và chị biết nhau từ đại học, nhưng đến khi đi làm mới tiếp xúc nhau nhiều hơn. Giữa họ nảy sinh những mối tương đồng và tình cảm tốt đẹp. Anh rung động vì sự dịu dàng và sắc sảo của chị. Còn chị, chị thích anh bởi tính cách trẻ con nhưng lại tinh tế và sâu sắc.

"Trước khi bước vào mối quan hệ, chị đã nghĩ về anh Minh như một người anh trai và một người đồng nghiệp tốt đấy." Đó là điều chị chia sẻ với tôi.

Chừng nửa tiếng sau, bố mẹ tôi đến thăm chị. Tôi bước ra ngoài hành lang và xuống sân của bệnh viện. Chọn một cái ghế đá, tôi mở máy tính của mình ra và khởi động phần mềm.

Mảnh sân nằm ở trung tâm của bệnh viện nhỏ này. Nó tương đối rộng và có đường đi thông ra tất cả các dãy nhà. Ở ngay chính giữa là một thân cây si to lớn. Xung quanh gốc của nó là nhiều những chậu hoa màu tím nhạt. Khắp sân phủ kín bởi một màu xanh của lá cây. Tiếng gió vi vu chạm nhẹ từng kẽ lá, tạo ra những âm thanh thật khẽ.

"Hình như anh rất bận rộn phải không?"

Một cô gái dừng lại trước mặt tôi và khiến tôi chú ý. Hai tay cô ấy chắp trước bụng có phần hơi thiếu thoải mái. Đôi mắt cô ấy nhìn tôi chằm chằm đợi tôi trả lời.

"Không, cũng có bận gì đâu. Chỉ là đang không có gì làm nên mình lấy ra ngồi làm vài thứ linh tinh thôi."

Cô gái bắt đầu tỏ ra bối rối. Dường như cô ấy không biết tiếp tục cuộc trò chuyện như thế nào. Để phá vỡ bầu không khí ngại ngùng đó, lần này tôi cất giọng trước.

"Cậu là Hoài Phương, em gái của chị Linh đúng không? Mình là Tuấn Anh, em trai của anh Tuấn Minh. Hân hạnh được làm quen."

Tôi chìa tay ra trước. Cô gái hiểu ý tôi. Đưa tay phải ra trước, cô bắt tay tôi theo phép xã giao. Đôi môi cô gái khẽ nở một nụ cười nhưng vẫn có phần ngần ngại.

Cô xin phép rồi ngồi xuống bên cạnh tôi và lấy điện thoại ra khỏi túi. Đôi mắt cô chăm chú vào đó. Còn tôi, tôi đeo tai nghe và cũng bắt đầu công việc của mình.

Nắng buông những tia dịu dàng trên đỉnh đầu. Lá cây khẽ lay đưa trong một làn gió thoảng. Không gian trở nên tĩnh lặng hơn, những âm thanh xào xạc cũng thế mà dần trở nên rõ rệt.

Lách cách, tiếng bàn phím của tôi đều đều vang lên. Trước mắt tôi là một bộ phim ngắn mà tôi đang biên tập. Đó là một bộ phim về cuộc gặp gỡ tình cờ của một chàng trai và một cô gái tại một góc phố, ven một vườn hoa trung tâm thành phố. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đưa họ lại gần nhau, và những rung động bắt đầu nảy nở giữa hai con người xa lạ. "Chỉ một cuộc gặp gỡ tình cờ hay đó chính là sự sắp đặt của quân bài định mệnh, chẳng ai biết cả. Nhưng cuối cùng, những cảm xúc mà họ trao nhau là chân thành, và đó là sức mạnh khiến cả hai có thể vượt qua những khó khăn trong chính cuộc sống của mình và tiến lại gần nhau." Tôi từng viết về nó như vậy.

Đó cũng là một bộ phim mà tôi ấp ủ từ rất lâu nhưng tận bây giờ mới có thể thực hiện. Kết quả của nó, dù có được đón nhận hay không, đối với tôi cũng không quan trọng. Bởi với tôi, đó là món quà tinh thần vô giá, là kết tinh của nghệ thuật và đam mê, là thế giới của riêng mà tôi chọn lựa. Vậy nên, tôi cảm thấy thoải mái khi chính tay mình hoàn thiện nó hơn là việc suy nghĩ đến cách người ta đánh giá nó.

Đồng hồ cứ thế điểm lách cách từng phút. Khi tôi dừng tay và liếc nhìn con số hiển thị ở một góc màn hình, lúc đó đã là hơn một giờ. Tôi giật mình khi nhận ra thời gian trôi quá nhanh, còn cô gái ngồi cạnh tôi đã đứng dậy và rời đi từ lúc nào.

Tôi cất máy tính vào cặp sách và đi lên phòng bệnh của chị dâu. Chị lúc này đã ngủ. Còn Hoài Phương, cô gái lặng lẽ ngồi bên cạnh. Trên tay của cô là một cuốn sách có bìa màu cam đầy bắt mắt.

Tôi dừng lại ở cửa và ngồi xuống bên dãy ghế chờ ngoài căn phòng. Đưa mắt ra xung quanh, tôi có dịp hiếm hoi chú ý đến quang cảnh của bệnh viện. Những hành lang dài thưa bóng người và thiếu sức sống, nhưng nắng vẫn êm đềm chiếu rọi. Thỉnh thoảng, những tiếng bước chân lộp cộp trên nền gạch lặng lẽ cất lên chậm rãi và đều đều. Nó cho tôi biết rằng không gian nơi đây chưa hoàn toàn mất đi sự sống.

Hoài Phương rời mắt khỏi cuốn sách. Cẩn thận đánh dấu trang, cô đặt quyển sách lên chiếc bàn bên cạnh giường bệnh. Cô đứng dậy và vươn vai rồi nhìn sang người chị vẫn đang say giấc.

"Tội nghiệp chị. Giờ này đáng ra hai người đã được đi tuần trăng mật." Cô lặng lẽ suy nghĩ như thế.

Tiếng giày gõ trên nền gạch lát mỗi lúc một gần. Cánh cửa phòng cọt kẹt mở, và người bước vào lúc này là anh rể của cô. Anh mặc bộ đồ thể thao đơn giản, trên vai đeo một chiếc túi chéo và đang nở một nụ cười.

"Chị ấy ngủ lâu chưa em." Anh là người cất tiếng hỏi.

"Cũng một lúc rồi anh. Anh đã nghỉ ngơi được chút nào chưa."

"Anh cũng đã chợp mắt được chút chút. Em đã ăn uống gì chưa?"

"Dạ..."

Hoài Phương lúng túng và tránh ánh mắt của anh. Nhanh chóng hiểu ra vấn đề, anh làm hiệu gọi cô ra ngoài.

Một cánh tay đặt lên vai tôi trong khi tôi đang mơ màng. Giật mình mở mắt, tôi nhận ra Tuấn Minh đã đứng bên cạnh. Phía sau anh chính là Hoài Phương.

Thì ra tôi đã ngủ quên mất từ lúc nào.

"Em cũng chưa ăn đúng không? Ngủ ngon lành ghê nhỉ, làm anh đã không nỡ gọi dậy? Đưa Hoài Phương ra ngoài ăn giúp anh với. Anh trông chị cho."

Tôi nhìn anh và tỏ ra lúng túng. Mang tiếng là đi chăm người bệnh mà tôi lại ngủ quên bên ngoài phòng. Và quả nhiên, anh cũng vốn chẳng thể nào yên tâm được. Vậy nên anh đã sớm quay lại đây.

Cuối cùng, tôi đồng ý và đứng dậy.

Chiều hôm đó, tôi và Hoài Phương lần đầu tiên đi ăn cùng với nhau. Chúng tôi cũng bắt đầu chia sẻ nhiều hơn về những chuyện xung quanh bản thân. Cô gái tỏ ra cởi mở và thoải mái hơn trước, và như một lẽ tất yếu, nó cũng là sự kiện đánh dấu giữa chúng tôi một mối quan hệ bạn bè.

Vài ngày sau, chị dâu tôi ra viện. Anh và chị quyết định sẽ tổ chức một "tuần trăng mật muộn". Tất nhiên, cả hai bên gia đình hoàn toàn thoải mái với điều đó. Khi trở về, họ còn không quên mua rất nhiều quà tặng cho chúng tôi. Với tôi, anh chị đặc biệt mua một chiếc túi đựng máy ảnh mới. Món quà tuy không giá trị gì quá lớn nhưng đó gần như là lần đầu tiên anh làm gì đó ủng hộ cho đam mê của tôi.

Bất cứ lúc nào, tôi cũng thấy anh cười. Anh chăm về nhà sớm hơn, bắt đầu hứng thú hơn với những như đồ đôi hay những thứ đồ dùng có hình thù đáng yêu. Thậm chí từng có hôm anh chạy sang phòng để bắt tôi chọn cùng. Dù đơn giản, nhưng đúng như tôi suy nghĩ, hình như chị Linh là người hiếm hoi có thể khiến cuộc sống của anh hạnh phúc đến vậy.

Thời gian cứ thế trôi qua. Chẳng mấy chốc, một tháng đã trôi qua kể từ đám cưới đáng nhớ nhất cuộc đời tôi. Giờ đây, trong nhà tôi đã chính thức có thêm những thành viên mới.

Căn phòng mà bố tôi vốn để làm phòng ngủ cho khách giờ đã được tân trang lại hoàn toàn. Nó đã trở thành phòng tân hôn cho cặp uyên ương. Tất nhiên, căn phòng vốn là của hai chúng tôi giờ tôi được toàn quyền sử dụng. Thế nhưng, hiểu rõ việc thay đổi nó rất mất thời gian và công sức, tôi quyết định giữ nó y nguyên như hiện trạng ban đầu. Chỉ khác là, bàn làm việc của anh giờ đây trống trơn, tủ quần áo chung của cả hai đã vơi đi hơn một nửa. Còn lại thì cũng chẳng khác là bao.

Việc có thêm một người trong gia đình đối với tôi hoàn toàn thoải mái, thậm chí có phần dễ chịu. Chị dâu tôi là một người phụ nữ đảm đang. Từ cái ngày chị về nhà, tôi chẳng phải một lần động tay vào chuyện bếp núc. Kì lạ là mẹ tôi cũng quý con dâu vô cùng. Từ ngày chị về, hình như mẹ tôi cũng dễ tính hẳn ra. Theo tôi đoán là do bà hiểu rõ thể chất của con dâu không được tốt, vậy nên nhiều khi bà còn tranh giành cả chuyện bếp núc và dọp dẹp trong nhà, một việc chưa từng có tiền lệ.

Chị dâu đối xử với tôi rất tốt. Nhớ ngày trước, khi tôi về nhà muộn, mẹ tôi thậm chí không phần cơm hay để lại bất cứ thứ gì ăn được trong nhà. Còn bây giờ, chị tôi lúc nào cũng cẩn thận đặt đồ trên bàn sau bữa cơm để dành cho tôi về. Do không có nhiều cơ hội tiếp xúc trước đây, thỉnh thoảng chị lại tìm cơ hội ngồi cùng tôi nói chuyện. Trái với bố mẹ, khi mà nhiều lúc tôi còn cảm thấy có phần phiền toái, tôi lại hoàn toàn thoải mái khi ngồi nói chuyện với chị. Tôi sớm coi chị không chỉ là một người chị dâu mà là như chính chị ruột của mình. Đến anh tôi, nhiều khi còn trêu rằng chúng tôi "thân quá mức bình thường". Nghe vậy, cả tôi và chị đều bật cười.

Cả bố và mẹ chị đều là dân Bắc sinh sống trong miền Nam. Chị và Hoài Phương lại lựa chọn sinh sống và học tập ở ngoài này. Vốn hai chị em nương tựa vào nhau trong cuộc sống, nhưng kể từ ngày chị đi, thành ra cô em gái lại chỉ có một mình. Cô cũng thuê một căn nhà gần chỗ chúng tôi. Thỉnh thoảng, cô có sang nhà tôi ăn cơm. Cô gái kém tôi một tuổi và kì lạ là chúng tôi sớm trở nên thân thiết. Khi tôi cho cô gái xem bộ phim ngắn của mình, cô ấy tỏ ra vô cùng hứng thú. Vậy nên sau này, hễ có sản phẩm nào hay tôi đều đưa cô xem và nhận xét trước tiên. Hầu như lần nào cô cũng chọn những lời nhận xét vô cùng tích cực. Điều đó có lẽ chính là một lý do khiến tôi cảm thấy thoải mái và gần gũi với cô gái ấy.

Chúng tôi sớm kết bạn trên mạng xã hội và duy trì những tin nhắn với nhau. Một tuần chúng tôi cũng có gặp nhau một vài hôm ở nhà tôi, tuy nhiên để tránh gia đình hiểu nhầm, chúng tôi rất ít khi nói chuyện trực tiếp. Thế nhưng về đêm, khi tôi trở về từ trường hoặc hoàn thành xong công việc, chúng tôi vẫn thường liên lạc. Cô gái cũng có thói quen ngủ khá muộn, một thói quen xấu do sống một mình, và cũng nhận sự nhắc nhở từ chị gái rất nhiều lần. Vậy nên, nó cũng sớm trở thành một thói quen cho tôi là nhắn tin với cô trước khi đi ngủ. Tôi dần dà coi cô như một sự tồn tại tất yếu trong gia đình mình, một người bạn, một đứa em gái.

Cô là một người sống thiên về cảm xúc. Cô ít khi nổi nóng nhưng lại rất hay để cảm xúc ảnh hưởng đến mình. Là một người sống lạc quan, hòa đồng và dễ gần, thế nhưng cô cũng nhiều lúc thích suy nghĩ linh tinh. Dù sao, cô cũng là một cô gái ở độ tuổi chập chững giữa ranh giới của trẻ con và trưởng thành. Còn nói cách khác, cô giống như một phiên bản nhỏ tuổi khác giới của Tuấn Minh.

Tuy nhiên, tính cách ấy lại hợp với tôi, cũng như việc anh trai và tôi thân thiết với nhau. Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng cả trong tính cách và suy nghĩ. Dần dần, chúng tôi chia sẻ cho nhau nhiều điều trong cuộc sống của riêng mỗi người. Cô bắt đầu tin tưởng tôi và đưa ra nhiều vấn đề để "xin lời khuyên từ một bậc đàn anh". Trong đó, nhiều nhất là những vấn đề liên quan đến chuyện tình cảm. Đó hoàn toàn chẳng có gì lạ với một cô gái mười tám tuổi như cô. Tuy nhiên, riêng về vấn đề này, cô gái lại có những suy nghĩ hết sức phức tạp. Đã nhiều lần tôi bị khiến cho đau đầu chỉ vì những thứ rắc rối mà cô suy nghĩ.

Cuối cùng, thành ra sau một đám cưới, tôi có thêm một người chị gái và một người em gái. Nếu tôi từng nghĩ gia đình là một thứ gì đó gò bó và tù túng, thì giờ đây tôi đã bắt đầu phải suy nghĩ lại về điều đó. Tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều đối với "gia đình lớn" của mình và cũng bắt đầu suy nghĩ đến việc dành thời gian cho nó nhiều hơn.

Tất nhiên, suy nghĩ là một chuyện và làm được điều đó là một chuyện khác. Tôi vẫn chẳng mấy khi ở nhà, vẫn về rất muộn và hiếm khi cùng mọi người ăn cơm. Thế nhưng, tôi hiểu rằng chắc chắn mối liên kết giữa những người trong gia đình chúng tôi đã sớm trở nên gắn kết hơn. Hóa ra, việc anh quyết định lấy vợ không chỉ là quyết định đúng đắn ảnh hưởng đến cuộc đời anh mà hình như phần nào đó nó ảnh hưởng đến cả cuộc đời của tôi nữa.

< Chương I: Đám cưới đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi >

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top