Lên Đường
Ông Sơn bảo Minh tấp vào lề đường đợi ở bên ngoài trong khi ông đi vào bên trong dò hỏi chút thông tin từ mấy anh bảo vệ. Nhìn khuôn mặt của hai người cười nói như đã quen biết, chắc hăn ông Sơn đã có được sự cho phép, ông vẫy tay bảo Minh tấp xe vào bãi đỗ trong cơ quan. Ngoái nhìn sang chỉ thấy xe hơi, hạng thấp nhất cũng là những xe tay ga sang trọng.
Ông Sơn đi tới ngồi lên chiếc ghế đá kéo tay áo nhìn đồng vẫn còn sớm. Ông Sơn châm điếu thuốc nhẹ nhàng kéo một hơi. Thấy Minh vẫn còn đứng ngó nghiêng lảng vảng gần đó ông Sơn cất tiếng gọi:
"Minh...Qua đây ngồi đợi, tầm 10 phút nữa mới hết giờ hành chính!"
Minh uể oải bước lại phía ghế đá ngồi xuống cạnh ông Sơn.
- Cháu tưởng bác làm ở trong sở, sao không sắm ô tô mà đi xe máy làm chi cho cực.
Ông Sơn đan tay trước ngực, vắt chéo chân ngả người lên thành ghế đá.
- Cháu không nhìn thấy biển số xe màu xanh sao? Toàn xe cơ quan cả đấy. Chứ với lương nhà nước ba cọc ba đồng, sao mua nổi xe hơi.
Nhìn kỹ lại một lượt quả đúng là biển số xe màu xanh, Minh có hơi chột dạ.
"Bác nói phải,toàn là xe cơ quan, nhưng mà đâu phải nhân viên nhà nước không mua được xe hơi đâu. Cháu thấy nhiều người làm trong nhà nước vẫn thi nhau sắm xe hơi, nhà lầu đấy thôi."
Ông Sơn cười khổ, ông đương nhiên biết có chuyện đó, nhưng làm chính trị đâu phải dễ. Thương trường thì như chiến trường, mà quan trường cũng không phải chốn thanh bình. Cứ tưởng vào nhà nước là nhàn nhưng muốn ngồi được lên cao không hề dễ. Toàn là những nhân vật có bản lĩnh cả, phải có cái tâm và cái tầm cao hơn người khác mới lên được, thiếu một trong hai thì cũng tà tà ở dưới mà thôi. Còn với ông Sơn nếu không phải có thâm niên và chịu khó trong công việc mấy chục năm cũng đã bị chuyển công tác từ lâu.
"Vậy thì cháu cũng nên học hỏi nhiều. Ở cái tuổi này nên chịu khó đi nhiều, học nhiều, làm nhiều, đừng có ru rú ở trong phòng cả ngày như vậy. Đi nhiều biết nhiều, biết nhiều hiểu nhiều, hiểu nhiều thì sau này cháu sẽ biết cách kiếm tiền giống người ta thôi.
Minh gãi đầu gãi tai, ấp úng nói.
- Thì cháu được đi ké với Bác đây còn gì? Bác cứ chỉ dạy nhiệt tình, cháu nhiệt tình tiếp thu.
Hai người nói chuyện với nhau vài câu thì từ trên các phòng ban, lần lượt người người lũ lượt kéo ra,họ đi thành từng nhóm nói chuyện rôm rả. Đa số đều là người đứng tuổi,chỉ có đôi ba thanh niên trông còn trẻ hơn một chút chắc phụ trách về mảng đoàn thanh niên, hay bên thể thao du lịch gì đấy. Ông Sơn đưa mắt tìm kiếm trong dòng người đi ra, ánh mắt hướng tới một người.
- Đến rồi.
Ông Sơn vỗ vai Minh, đứng dậy đi tới chào hỏi
- Chào bà giám đốc Sở, lâu rồi không gặp.
Ông Sơn bắt chuyện với người phụ nữ trung niên, tóc ngang vai được uốn xoăn màu hạt dẻ, khuôn mặt được trang điểm đậm khiến người phụ nữ càng thêm sắc sảo. Cả người mặc bộ trang phục công sở, vest đen, juyp đen, sơ mi trắng với phần cổ áo được khoét sâu, lộ ra chiếc dây chuyền vàng gắn đá quý màu xanh lục. Trông người phụ nữ toát lên một vẻ vừa quyến rũ lại vừa quyền lực.
Khi nhìn thấy ông Sơn, người phụ nữ thoáng giật mình nhìn ông với vẻ đăm chiêu trong giây lát. Khuôn mặt sắc lạnh chuyển sang nụ cười thân thiện.
" Anh Sơn đấy phải không?... Sao anh lại ở đây?"
Ông Sơn cười đáp
"Thì lâu quá nên qua thăm thôi đó, đã hơn 10 năm kể từ ngày em chuyển công tác, giờ đây đã làm đến chức giám đốc rồi... hồi nãy tưởng em nhận không ra người quen."
Nét mặt người phụ nữ thoáng giãn ra đôi chút
" Dạo này em hơi nhiều việc, đầu óc hơi căng thẳng một chút, thú thật phận nữ làm cái chức này mệt muốn chết anh ạ. Thôi thì mọi người tin tưởng thì mình cứ cố làm hết mình thôi."
Ngừng một lúc người phụ nữ nói tiếp.
" Mà anh đến vào giờ này, chắc có chuyện gì quan trọng phải không?"
Bạn bè mấy năm không gặp, nay xuất hiện vào giờ nghỉ trưa chắc chắn là có việc quan trọng. Ông Sơn cũng không vòng vo, lập tức nói vào chủ đề.
" Ừ! Quả thật là có chút việc, Chẳng là, anh đang làm lại đề tài Chiếc Nỏ thần, mà kẹt quá không biết bắt đầu như thế nào, chẳng hay em còn giữ lại tài liệu hồi đó không? nếu có thì cho anh mượn tạm vài hôm để nghiên cứu."
Người phụ nữ thoáng liếc nhìn ông Sơn một cách lén lút, đôi mắt chớp chớp tựa hồ làm ra vẻ suy nghĩ. Cô chép miệng ngần ngừ đáp:
"Chậc...thú thật em cũng không nhớ đã để nó ở đâu, sau vụ di tích bị sập thì đề tài đóng lại rồi. Sau đấy em cũng chuyển nhà về đây luôn, đồ đạc do chồng em chuyển hết nên em cũng chẳng rõ anh ấy có mang theo không."
.
Ông Sơn nhẹ giọng nói:
- Ây, không sao đâu, chuyện cũng lâu lắm rồi mà giờ anh hỏi lại thì đúng là làm khó cho em quá.
Tiếng xe hơi màu đen rì rì chạy tới khẽ bấm còi cắt ngang cuộc trò chuyện. Người phụ nữ nhìn về phía chiếc xe nở nụ cười thật tươi. Cô đưa tay ra dấu bảo người lái xe đợi cô 3 phút. Sau đó quay về phía ông sơn, sắc mặt lại trở nên ngưng bặt.
- Xin lỗi anh, hôm nay em có hẹn với một vị khác đặc biệt, một đại gia muốn tài trợ cho buổi triển lãm văn hóa dân tộc sắp tới. Nên muốn mời em và vài người nữa đi ăn tiện thể bàn thêm công việc. Còn chuyện của anh thì... chắc hôm khác chúng ta thảo luận, ôn lại kỷ niệm sau ha.
Ông Sơn gượng cười đáp
- Không sao? Anh hiểu, mà em đi nhanh lên, để người ta đợi thì không tốt cho hình ảnh của cơ quan mình đâu?
Người phụ nữ gật đầu nở nụ cười bất đắc dĩ.
- Vậy ngại quá, để anh đến tận đây mà em lại kẹt công chuyện... À... Hay là em cho anh địa chỉ nhà em, giờ này anh Thuận còn ở nhà, anh nói chuyện với anh ấy cũng được, có lẽ anh ấy nhớ cất đống tài liệu đó ở đâu.
Ông Sơn lặng lẽ gật đầu.
- Vậy thì làm phiền nhà anh Thuận rồi.
- Không phiền, không phiền đâu mà. ông nhà em dễ tính lắm. Nếu anh có qua đó thì nói đỡ cho em vài câu nha.
"Em đi đây, kẻo người ta đợi."
Người phụ nữ nhanh chóng viết nguệch ngoạc vài chữ lên quyển sổ tay của ông Sơn, địa chỉ và số điện thoại. Xong xuôi, cô bước vội lại chỗ chiếc xe hơi màu đen đợi trước cổng cơ quan. Gã tài xế còn trẻ măng chạy ra mở cửa xe cho người phụ nữ. Bên trong xe loáng thoáng thấy bóng một người nữa đang ngồi ghế sau, làm mấy cử chỉ thân mật đón tiếp cô Dung. Sau đó chiếc xe lăn bánh rời đi.
Ông Sơn nhìn theo hồi lâu chiếc xe hồi lâu, cả người thoáng ngừng lại một chút, lúc sau ông thở dài buồn bã. Nhìn lại mẩu giấy rồi đưa cho Minh.
- Chữ gì mà khó đọc vậy bác... đọc không ra mặt chữ luôn, may ra còn có số điện thoại.
- Nhà ở gần đây thôi, đi lùi lại một chút rồi rẽ qua trường Văn Hóa Nghệ thuật.
- Ôi trời, thế mà bác vẫn đọc được."
Ông Sơn giục cậu đi lấy xe, hai người đi tới địa điểm ghi trên mảnh giấy. Đường phố tầm trưa khá vắng, chẳng mấy chốc, hai người đi đến một căn nhà ba tầng với tường vách cao chắc chắn, phía trên còn phủ kín bởi những dây leo, phía cổng nhà chi chít màu hồng của những bông hoa giấy.
Ông Sơn tiến tới bấm chuông cửa, một lát sau có người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ, mặc áo rộng thùng thình bước ra, ông khẽ ho khan vài tiếng nới cặp kính, nheo mắt nhìn hai người:
"Hai người tìm ai?"
Giọng nói khàn khàn của người mắc bệnh hen suyễn. Ông sơn thoáng ngập ngừng một lúc rồi nói.
- Chào anh Thuận, tôi là Sơn bạn của Dung đến tìm anh có chút việc?
Người đàn ông gật gù, đeo lại cặp kín nói giọng run run
- Tìm Tôi?
Ông Sơn nhấn mạnh
- Tôi đến tìm anh có chuyện cần anh giúp.
Người đàn ông nhìn lại ông Sơn và Minh từ đầu đến cuối, hiển nhiên có cảm giác chưa gặp hai người này bao giờ. Ông Thuận chưa gặp Minh lần nào, nhưng đã gặp ông Sơn một vài lần, có điều những lần gặp mặt đó đã rất lâu, hiện giờ tuổi cao, mắt mờ khiến ông Thuận không nhìn rõ. Tuy vậy ông vẫn mời hai người lạ vào trong.
Căn nhà tương đối lớn nhưng chỉ có cô người làm và ông Thuận đang chuẩn bị bữa trưa, trên bàn còn nguyên bàn thức ăn chưa ai động đũa.
- À hồi nãy cô Dung có nhắn lại là trưa nay có cuộc họp quan trọng, nghe đâu đó là chuẩn bị triển lãm gì đấy. Cô ấy sẽ không về ăn cơm nên bảo anh cứ dùng trước không phải đợi.
- Lại họp, suốt ngày họp" Ông Thuận thở dài: " Mà đến giờ cơm rồi, nếu không chê thì lại đây ngồi, chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện.
Được ông Thuận mở lời, ông Sơn và Minh không còn giữ kẽ mà ngồi xuống cùng chủ nhà. Ông Thuận là giáo viên về hưu bốn năm nay. Con cháu thì từ sáng đã kéo nhau ra ngoài đến tối mịt mới về. Nhà thì vắng mà ông lại bị hen suyễn, sợ có chuyện nên thuê cô người làm, vừa lo việc nhà cửa vừa đề phòng ông Thuận xảy ra chuyện. Qua vài câu hỏi han qua lại, hoàn cảnh của ông Sơn cùng ông Thuận khá tương đồng, nên nói chuyện rất hợp nhau, khi tâm tình của ông Thuận đã khá hơn. Ông Sơn bắt đầu kể lại tường tận tình huống của mình.
Ông Thuận tỏ ra khá ngạc nhiên trước công việc làm của ông Sơn, đặc biệt trong đề tài tìm kiếm sự tồn tại của Chiếc Nỏ Thần lần này.
" Sao? Chuyện mười sáu năm trước thì làm sao mà nhớ hết được... Cái này anh làm khó tôi quá."
Ông thuận nhăn mặt, đi ra bàn uống nước.
" Tôi biết là làm khó anh và cô Dung, chuyện đã quá lâu khó mà nhớ được chính xác, nhưng nghĩ lại thì chuyện này cũng vẫn còn hệ trọng đối với tôi, ít nhất là như vậy, có những tài liệu hồi đó thì tôi sẽ có thêm thông tin cho đề tài lần này."
Ông thuận ngồi uống nước chè, làm vẻ mặt đăm chiêu.
" Xấp tài liệu đó nói thật với anh là tôi không còn giữ, hồi chuyển nhà sang đây thì đồ nào cần mới mang về thôi, còn lại thì đem bán hoặc là đốt đi."
Ngừng một lúc ông Thuận, sau khi uống nước chè cả người lại như thanh tỉnh ra nhớ đến một điều gì đó, Ánh mắt đờ đẫn đảo qua ông Sơn và Minh.
- Hình như cái đống tài liệu đó còn một thứ.
Không chậm trễ, ông Thuận ho khan hắng giọng kêu chị người làm đem chiếc hộp cát tông dưới gầm cầu thang mang ra. Nhìn thấy chiếc hộp đã chứa đầy bụi bẩn vẫn còn khép hờ chưa đóng kín, Ông Thuận gợi lên từng tia cảm xúc, ánh mắt thẫn thờ nhìn chiếc hộp cát tông, miễn cưỡng nở nụ cười, nghe giọng cười có thể đoán ông ấy không mấy vui vẻ.
" Hầy... về hưu nhưng vẫn còn lưu lại mấy cuốn sách văn học thời còn làm việc. Anh cứ tìm trong đấy có một quyển sách cũ, nếu tôi nhớ không lầm thì đó là quyển duy nhất mà tôi còn giữ lại từ 16 năm trước. Dạo này bệnh tật nhiều quá, mắt thì lại kém nên cũng lười mang ra đọc."
Ông Sơn gật gù, đánh tiếng cho Minh tìm kiếm, Minh xắn tay áo cẩn thận mở chiếc hộp cát tông . Ẩn sâu dưới lớp bụi là những quyển sách văn học theo đúng lời của ông thuận. Có cả sách nước ngoài, xuất bản từ những năm 90, bìa rách nát ẩm mốc. Có thêm tập thơ của trần đăng khoa, tuyển tập thơ hiện đại, truyện ngắn của Nam Cao... Sau khi lật qua vài hàng sách tôi nhìn thấy một quyển có phần bìa dày cộp được làm bằng da. Tựa đề được viết bằng chữ hán hay nôm gì đó đã phai màu .
Minh đưa cầm quyển sách mang ra bàn uống nước hỏi hai người
" Quyển này hả bác ơi?"
"Đúng rồi đó!" ông Thuận nheo mắt nhìn qua rồi gật gù đáp: "Trong đống tài liệu mà vợ tôi tìm kiếm 16 năm trước thì có quyển này được dùng da để đóng thành quyển, tôi thấy khá thú vị nên hồi dọn về đây cũng có mang theo.
Ông Sơn cầm lấy quyển sách từ tay của Minh, ông lật nhìn tiểu đề rồi nhẹ nhàng vài trang
" Tây vu bí điển?"
Ông Thuận ngạc nhiên
" Ồ! ông cũng biết cả chữ nôm sao?"
"Tôi rành chữ Hán hơn chút, còn chữ Nôm cũng không nắm rõ lắm." Ông Sơn trả lời bằng giọng khiêm tốn: "Trong này viết gì vậy anh Thuận?"
" Hán với Nôm cũng nhiều nét tương đồng, chẳng qua là theo thời gian sử dụng các cụ nhà ta biến hóa thêm cho phù hợp với âm của người Việt. Nội dung trong sách tôi cũng đã tìm hiểu qua. Nó là mội tuyển tập các chuyện lạ hay chuyện tâm linh huyền ảo được truyền miệng trong dân gian về sự kỳ bí của vùng đất Tây Vu, tức là vùng núi Tây Bắc ngày nay. Nó cũng giống như truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ nhưng cách ghi chép lại sơ sài nhiều chỗ chưa thoát ý."
" Nếu như vậy thì hẳn là rất có giá trị về văn hóa, sao anh không đem nó ra công bố cho mọi người."
Ông Thuận nhớ lại chuyện cũ, lắc đầu ngán ngẩm.
"Tôi có làm đấy chứ, tôi đã từng dịch và biên tập ra nội dung dưới dạng chữ quốc ngữ. Nhưng nội dung của nó thực sự đơn giản và không giống câu chuyện lắm. Sau đó tôi có thêm mắm muối cho hay thì phần mắm muối lại chiếm nhiều hơn nội dung ban đầu, xét về giá trị văn hóa thì chẳng có bao nhiêu. Những câu chuyện đó giống mấy câu chuyện giả tưởng, thể loại giả tưởng vào thời kỳ những năm 90, không thực sự đánh trúng thị hiếu người đọc như bây giờ. Khi ấy tôi bị ông biên tập nhà xuất bản cười nhạo nên tự ái hủy luôn. Về sau chẳng động đến lần nào nữa."
.
Thấy ông Sơn Mân mê đọc chăm chú, Thuận ngáp dài thành tiếng
" Nếu anh có hứng thú như vậy, thì mang về nhà tìm hiểu đi. Có gì không hiểu có thể gọi điện hoặc qua đây trao đổi, thú thật có người bạn già qua lại nói chuyện, đánh cờ cũng vui vẻ. Nhà cửa khang trang mà lòng người lạnh lẽo âu cũng là cái bất hạnh của đời người."
Ông Sơn mỉm cười nói.
" Vậy tôi và cháu xin phép mượn quyển sách một thời gian, hôm nào có vướng mắc cần giải đáp tôi sẽ thu xếp về đây nghỉ vài ngày chơi với anh. Hôm nay đi vội quá nên không có mang theo đồ đạc, với lại có chút chuyện không ở lại lâu được."
Ông thuận gật đầu
" Ừ... tôi hiểu mà. Nếu có gì mới, hay thú vị thì nhớ kể cho tôi với đấy nhé!"
" Nhất định rồi."
Ông Thuận tiễn hai người ra tận cửa, nở nụ cười thoải mái, vui vẻ. Nhưng khuôn mặt khắc khổ của ông, hai người chẳng thể nào vui lên được. Khoảng khắc rời đi trong lòng đột nhiên gợi lên từng cơn sóng dạt dào, khiến người ta hụt hẫng.
*Đó là lần cuối chúng tôi gặp lại ông ấy. Sau này nghe Bác Sơn kể lại, ba ngày sau buổi gặp mặt, Cô người làm đang đi chợ về nhà thì phát hiện ông Thuận đã nằm trên sàn, làn da xanh tái đôi mắt đỏ ngầu, miệng mở to cứng ngắc. Ông Thuận mất do bệnh hen tái phát, nhìn sắc mặt ngày hôm đó, tôi biết ông Thuận sẽ ra đi vô cùng khó khăn. Ông ấy không còn cơ hội nghe lại câu chuyện ly kỳ của chúng tôi nữa, nhưng ít ra cuốn sách của ông đã đi cùng chúng tôi trong suốt chặng đường.*
Trở lại ngày hôm đó.
Khi ông Sơn và Minh về tới thành phố N thì trời đã tối, phố cũng bắt đầu lên đèn. Ông Sơn vừa về nhà uống cốc nước nóng liền mang quyển Tây Vu bí điển vào phòng nghiên cứu nội dung. Trông ông nghiêm túc lắm, Minh nấu xong bữa cơm mà bác ấy chỉ ăn qua loa vài miếng lại vùi đầu vào công việc. Có lẽ bác tìm được manh mối mới nên hứng thú vô cùng. Minh thì kết thúc một ngày, người đã mỏi nhừ, xin phép ông Sơn về phòng nghỉ sớm.
Trong cuốn Tây Vu Bí Điển mà ông Thuận cho mượn, có rất nhiều tích kể lại câu chuyện kỳ bí, những người miền xuôi đi lên Tây Vu săn bắt sản vật trong rừng núi, lúc trở về đều đột nhiên phát bệnh lạ thường.
Trong cuốn sách cũng ghi chép về sự tồn tại của Cổ Thuật Tây Vu, nguyên nhân khiến người ta phát điên, cổ thuật có thể giúp vị vương tử sống mấy trăm năm, nhưng cũng có thể giết người ta trong một nhịp thở. Trong cuốn sách còn ghi chú, vẽ hình của một số cổ trùng của Tây Vu, nếu phát hiện những loại này trong rừng thì nên tránh xa, tìm đường khác.
Cổ thuật mà gã thầy bùa từng nói thực sự tồn tại.
...
Nhoài người tỉnh dậy sau một ngày dài, như thường lệ, Minh ra ngoài mở cổng đi mua đồ ăn sáng cho bác Sơn, nhưng hôm nay có chút khác lạ. Chiếc cổng đã được mở khóa từ trước, điều này cho thấy ông Sơn chủ nhà còn dậy sớm hơn Minh nữa. vừa thò đầu ra ngoài ngõ, đã thấy ông Sơn trong chiếc áo ba lỗ với chiếc quần đùi màu xám, xách theo hộp chưa đồ ăn bằng inox từ ngoài đường đi vào.
- Sao hôm nay bác dậy sớm thế, để cháu đi mua đồ ăn sáng là được rồi.
Ông Sơn đưa tôi hộp Inox cho Minh rồi dặn dò.
- Hôm nay còn nhiều việc đấy, ăn sáng nhanh nhanh rồi chúng ta còn bắt xe đi xa.
Được đi xa là một niềm vui thú của Minh. Mặc dù chuyến đi hơi vội vàng một chút, nhưng đồ đạc được hai người đã chuẩn bị từ trước nên không có lo lắng. Vốn dĩ đống đồ đó dành cho chuyến đi Cao Bằng, nhưng đi vùng núi Tây Bắc cũng dùng được.
Sau bữa sáng vội vàng, ông Sơn còn muốn sang nhà của Đồng hỏi vị trí cụ thể của con suối, nơi Đồng và mọi người xuống tắm để rồi bị trúng cổ thuật. Có được phạm vi tìm kiếm, xác suất tìm thấy hòn đá sẽ cao hơn, điều này làm ông Sơn rất hào hứng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top