Chương 1: Nó
Tác giả: Delta
Edit: Hồng Hà Mãn Nguyệt
Nhu cầu cà phê và điểm tâm sáng có thể được xem là một dạng văn hóa thường thức hằng ngày, thiết yếu của con người Italy bản địa. Cà phê và báo, điểm tâm cùng vài lát bánh mì nướng phết bơ ngầy ngậy, đó cũng là cái Italy của người Venice, là cái giản đơn giữa vạn vật xô bồ, cũng là điểm thu hút của WOODS. WOODS, một cái tên rất mộc, đối với khách thập phương tuy không phải là tiệm điểm tâm lớn nhất, càng không nổi tiếng nhất tại Venice, nhưng với dân địa phương, đây chính là nơi thỏa mãn được cái giản đơn trong họ. Thật sự, so với một nhà hàng xoa hoa cùng đội ngũ nhân viên tác phong chỉn chu như từ một khuôn đúc, người ta thường sẽ thoải mái hơn khi ngồi trong một cửa tiệm nhỏ nhắn mà nọ có thể vô tư nói cười, buôn đủ chuyện trên trời dưới đất với một bà chủ quán vui vẻ và thạo tin, mà thậm chí cả cần gọi bất cứ món nào trong thực đơn cả. Đấy, đó không phải là một dạng lối sống xoàng xĩnh hay thô cục, chỉ là con người ngày càng tưởng niệm sự liên kết giữa họ và những người xung quanh, khi mà xã hội bên ngoài ô cửa gỗ vẫn đang trong giai đoạn lạnh lùng.
Đến ngày bây giờ, tính ra WOODS đã mở cửa được 15 năm, uy tín của vợ chồng bà chủ Briely cũng đã duy trì vững chắc được 15 năm. Sự tử tế của hai người có thể làm xiêu lòng cả những vị khách khó tính nhất. Đồ ăn tươi còn thừa sau một ngày, bà Briely vẫn sẽ hâm lại cẩn thận, rồi chia cho những người vô gia cư, hoặc những tay lái gondola nghèo, đôi lúc bà cũng mời miễn phí thực khách các món mới của tiệm. Ông Briely thì lại làm đội trưởng đội bảo an tại các điểm đông người ở Venice, hơn 10 năm qua kể từ khi ông bắt đầu công việc, tỷ lệ trộm cướp, mất cắp của khách du lịch giảm đi đáng kể. "Họ là những người tốt" - mọi người đều nói vậy.
Ông và bà Briely nổi tiếng là một cặp vợ chồng son tuổi ngũ tuần, chẳng ai biết họ kết hôn từ bao giờ, nhưng cuộc sống hôn nhân của họ rất viên mãn và lãng mạn. Ông Briely tận tụy với công việc, bà Briely cũng chẳng bao giờ đề cập đến già đình trước đây của hai người, chuyện con cái lại càng không, nên mọi người cứ nghĩ... Không rõ lắm họ nghĩ gì, chỉ biết là cách đây 6 tháng, hai ông bà đột nhiên đem về từ đâu một cô cháu gái lớn lù lù, ai cũng ngỡ ngàng ra mặt.
Nghe ngóng được rằng, gia đình cháu họ bên nội của ông Briely bị tai nạn qua đời, chỉ còn đứa con gái còn sống sót, chính là cái đứa mấy tháng nay cứ hay ra ra vào vào tiệm. Ngoài trừ ông và bà của nó, không ai biết rõ mặt mũi nó vuông tròn ra sao, vì lúc nào nó cũng đeo một cái khẩu trang to thù lù. Người ta đồn rằng, sau tại nạn, nửa mặt dưới của nó hỏng hết, không cứu được. Tướng tá của con nhỏ này cao gầy rõ rệt, không phải là dáng gầy thon thả của thiếu nữ, mà là gầy nhom, gầy đét, hai cẳng tay, cẳng chân như những que củi đốt lò. Da dẻ nó thì tái nhợt, bao nhiêu gân xanh gân tím chỉ cần vừa nhìn là thấy rõ mồn một. Nó thì sáng nào cũng lượn vào lượn ra, nếu không phụ bà Briely một tay pha cà phê cho khách, thì chính là bưng bê một số thứ không nặng, tuy vậy, ai cũng nghĩ là rồi nó sẽ lăn ra, hấp hối vào một lúc nào đó chả biết... Trừ việc, nó có một đôi mắt rất sáng và rất trong.
---
Buổi sáng ở Venice thơ ngây tựa như giấc mộng đẹp.
Hôm nay nó vẫn thức giấc vào đúng lúc những tiếng hải âu chao nghiêng gọi bầy ngoài cửa sổ, giữa thanh âm mái chèo nhảy múa trên mặt sông xanh, giữa những tia nắng le lói đầu ngày lẻn vào căn phòng âm u qua bức rèm màu sẫm. Mọi thứ quện chặt vào nhau như một bản hòa âm vừa hỗn loạn vừa sống động, thổi bừng tất cả các giác quan đang mơ màng của nó, cảm giác rất vô thực, nhưng tâm hồn lại dường như vừa được lấp đầy. Khoan khoái.
Ông và bà Briely chưa từng yêu cầu nó dậy sớm, dù họ đã lục đục mở cửa tiệm từ khi mặt trời chưa thèm ló dạng trên những mái nhà. Họ thường sẽ gọi nó vào lúc trưa để ăn kịp bữa rồi đi giao hàng vào lúc xế nếu có khách đặt. Nhưng nó rất ít khi ngủ đến trễ như thế, vẫn có, song là thỉnh thoảng thôi, đa số thời gian nó vẫn xuống tiệm sớm, giúp được cái gì hay cái đó. Hôm nay cũng vậy, nó nhanh chóng vệ sinh cá nhân, chải rồi tém lại mớ tóc dài lòa xòa sau lưng và trước mặt, mặc một bộ áo váy dài rộng thùng thình, khẽ khàng bước xuống cái cầu thang bằng gỗ, chui ngay vào bếp.
Ông Briely hiếm có một hôm không đi làm sớm, ông đứng tựa vào chiếc bàn lớn chuyên đặt nguyên liệu nấu nướng, to rõ và rành mạch đọc bản tin sáng trên báo cho vợ mình, người đang loay hoay với món bánh mì kẹp phi lê gà sốt tương. Thấy nó bước vào, ông Briely đặt tờ báo xuống, rót cho nó một cốc sô cô la thêm vani âm ấm thơm thơm, mỉm cười:
- Chào buổi sáng cháu gái, hôm qua cháu ngủ ngon chứ?
- Có ạ. - Nó gật gật đầu hớp một ngụm lớn sữa, ánh mắt nó vô tình chợt dừng lại trên tiêu đề trang bìa của nhật báo, nhưng cũng chỉ thoáng chốc thôi, sau đó nó quay sang nhìn bà Briely. - Bà có cần cháu giúp gì không?
Bà Briely xúc những miếng ức gà thấm đấm tương sáng bóng, đặt lên mấy lát bánh mì nướng bơ trên đĩa, tươi cười rạng rỡ nói với nó:
- Bưng cái này ra bàn mà ông vừa dọn ngoài kia, bà dọn dẹp trong này một chút, sau đó chúng ta sẽ ăn nhanh thôi. À, đừng quên đem cốc sữa của cháu ra nhé.
Một bữa sáng ba người đơn giản mà ngon lành, ấm cúng, hai vợ chồng già thì nói nói cười cười, đứa cháu gái chuyên tâm đọc báo, khung cảnh ấy vậy mà bình yên đến lạ. Nếu không phải có nhật báo nhắc nhở, hẳn nó cũng quên mất hôm nay là ngảy chủ nhật cuối tháng, là ngày ông Briely được nhận thưởng và có một ngày nghỉ vì sự đóng góp tích cực trong công việc. Lúc nó đặt tờ báo xuống, liền thấy ở đối diện, ông bà Briely dùng ánh mắt trìu mến nhìn nó, ông Briely lên tiếng:
- Hôm nay buổi trưa có lẽ tiệm sẽ không quá đông, có muốn ông dẫn cháu đi xem phòng tập bắn không?
Phòng tập bắn ở đây, nghĩa là nơi luyện tập được công ty bảo an của ông Briely bao trọn gói, dùng cho việc luyện tập định kỳ của nhân viên học nghề. Dân thường xung quanh vẫn có thể ra vào được, nhưng bị giới hạn ở một số khu vực. Đối với đứa cháu gái này, hai vợ chồng già vẫn là muốn nó có thể đi ra ngoài nhiều một chút, nhìn ngắm Venice xinh đẹp nhiều một chút, chứ không phải cứ rung rúc ở xó bếp chật chội, hoặc chỉ chạy tới chạy lui trong tiệm ăn bé như lỗ mũi này.
Nó đương nhiên biết ý của ông bà, nhưng nó vẫn từ chối:
- Cháu muốn đi đến nhà sách, mấy quyển lần trước mua cháu đều đã đọc xong cả rồi.
Bà Briely hiền hòa nói với nó:
- Vậy để ông dẫn cháu đi...
- Không cần đâu. - Không để bà nói hết lời, nó lại lắc đầu. - Sau khi giao hàng xong cháu sẽ tấp vào đó một lúc, sẽ không mất nhiều thời gian. Ông vẫn nên tận hưởng ngày nghỉ của mình... Không cần phải theo cháu tới những nơi ông không thích..
Chỉ có ở trước mặt ông bà, nó mới nói nhiều hơn bình thường như vậy, nhưng giọng của nó lại rất điềm tĩnh, không gần không xa, đôi khi lại như một phương thức khách sáo, khiến cho hai ông bà chỉ có thể nhìn nhau thở dài. Ông Briely cho nốt miếng bánh mì cuối cùng vào miệng, nhai nuốt, rồi lấy khăn cẩn thận lau miệng, xong rồi, ông mới từ tốn nói:
- Vậy cũng được, nhưng cháu nhớ là đi sớm về sớm, cẩn thân một chút. Báo cũng vừa đưa tin, khu ngoại ô lại có ẩu đả và hỏa hoạn chết người.
Nó không nói gì, chỉ im lặng gật đầu. Chẳng rõ là hồi còn sống chung bới ba má nó vốn đã vậy, hay sau khi xa ba má nó mới vậy, nhưng nhìn chung thì nó lại trầm tính hơn hẳn so với những đứa con gái Italy khác. Đây là điều mà ông bà Briely nhận ra được sau 6 tháng chăm sóc cho đứa cháu này, ban đầu, ông bà nghĩ rằng do dư chấn tâm lý, nhưng sau đó thì lại không giống lắm... Nó dường như vẫn chưa thích nghi được với cuộc sống mới.
Thu dọn vụn bánh mì và bát đĩa xong, ông Briely lập tức khoác áo đi nhận tiền thưởng tháng này, bà Briely lại quay vào bếp, gian ngoài lúc này chỉ còn nó đứng đó, lặng yên. Hôm nay khách sẽ ghé tiệm khá trễ, vì sau cả tuần dài phải làm việc, ngày cuối tuần nên là ngày họ được nghỉ ngơi nhiều một chút, hoặc có một bữa sáng ở nhà cùng gia đình. Nó rút ra chiếc khẩu trang từ trong túi, vén tóc hai bên, đeo lên mặt. Họ không vội, nó không vội, chẳng ai vội cả...
Chuông cửa cứ đúng vào 7 giờ sáng lại rung lên từng hồi lanh lảnh dồn dập, quầy rau sạch vẫn đến giao hàng thật sớm. Người vận chuyển là một bác lớn tuổi, là bạn của ông Briely, bác mắc chứng mất trí nhớ tạm thời, thứ mà bác vẫn có thể nhớ rõ được chỉ còn là tên của những người đã quen từ lâu và những con lạch trong thành phố. Ngày nào nó cũng gặp bác, bác biết nó, nhưng vẫn như mọi hôm, bác "phịch" một tiếng, đặt một khay lớn đủ loại rau tươi xanh xuống sàn, bối rối cười:
- Tôi lại quên mất tên của cháu ông bạn mình rồi...
- Không sao ạ... - Những lúc như vậy, bác chẳng biết là nó có biểu cảm gì hay không, hay là do nó đã quen với việc bị quên tên hoài, chỉ thấy mái tóc dài không thèm buộc gọn của nó lắc lư nhẹ nhàng. Rồi cũng như mọi hôm, nó cúi người xuống, dùng hai tay nâng cái khay lên, gật đầu, cái khẩu trang treo ở nửa mặt chậm rì rì giần giật:
- Cháu là Scarlett, Scarlett Di Revanovonne.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top