1
***
Tháng 8 năm 1944.
Tiếng bom đạn đã tạm lắng xuống.
Khói trắng mịt trời, xác người vô số kể nằm trên mỗi phân khúc của con đường trải nhựa. Bọn lính Đức đã rời đi sau khi kéo theo chiếc xe tăng đến phá huỷ toàn bộ mọi dãy nhà quanh khu phố này.
Chiến sự thế nào rồi? Bao giờ thì Hồng quân Nga mới đến? Phải sống như vậy tới bao giờ nữa?
Lực lượng kháng chiến Ba Lan đã nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Đức, họ cũng đều đã hy sinh dưới súng ống đạn dược tàn phá khắp nơi từ lũ mất nhân tính. Không một ngày nào được yên ổn, sống giữa chiến tranh là sống giữa đói khát, khốn khổ, cùng cực, bi phẫn, bất lực và cay đắng. Đức, Đức, Đức, bao giờ mới thoát khỏi chúng?
Kể từ lúc đưa cho người bạn của mình chiếc đồng hồ có giá trị cuối cùng để đem bán lấy tiền mua khoai tây bánh mì cầm cự, Szpilman đã hoàn toàn không biết- cũng không còn quan tâm tới thời gian nữa. Bây giờ có lẽ đã là xế chiều? Trốn chạy hàng tá bom đạn rải rác trên đầu để chui lủi được vào trong bệnh viện của lũ người Đức quả thật vẫn còn vô cùng may mắn. Ít nhất anh cũng không phải bỏ mạng khi còn chưa kịp có một bữa ăn cho tử tế và nằm phơi xác ngoài đường như đang ở giữa một hố chôn tập thể.
Nhưng cũng chính bởi vì không nắm được thời gian nên mỗi ngày đều trở nên dài đằng đẵng trong sự mong mỏi được giải thoát, được tự do của anh. Szpilman đã quá đủ mệt mỏi rồi, nhưng anh từ chối đầu hàng trước sự khắc nghiệt của chiến tranh. Dù chỉ còn một tia hy vọng ít ỏi, anh cũng sẽ bằng mọi cách cố gắng sống sót, sống sót, mà thực hiện ước mong giản dị của một nghệ sĩ dương cầm: biểu diễn âm nhạc cho đài phát thanh Ba Lan.
Bệnh viện này cũng bị ảnh hưởng của bom dội vào thành một đống đổ nát. Nhưng chịu khó mày mò một chút, Szpilman lại có thể tìm ra chút đồ ăn còn sót lại mà ngấu nghiến lấy nó. Anh nở một nụ cười rạng rỡ, vừa là cay đắng vừa là hạnh phúc. Cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà khi đủ đầy thì chẳng mấy ai thèm bận tâm tới để rồi khi đói khát khốn khổ cùng cực thì lại trân trọng nâng niu.
Giấc ngủ hôm ấy cũng như mọi giấc ngủ kể từ khi những người Do Thái như anh chính thức bị cô lập và phải nhận sự đối xử tệ hại công khai từ bọn phát xít, kể cả giữa lúc chập chờn vẫn có thể tưởng tượng ra tiếng súng đạn ở xa xăm vọng lại. Những lúc như thế, mọi con người khốn khổ đều chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ bị một quả bom bay tới và giết chết trong giấc ngủ bất cứ lúc nào không biết. Cảm giác sống trong nỗi lo sợ kinh hãi mỗi ngày chẳng phải điều dễ chịu, nhưng dù sao, vẫn phải sống.
Trời không biết đã sáng từ lúc nào, cuộc chạy trốn ngày hôm qua đã vắt kiệt sức lực của Szpilman khiến anh tưởng như chẳng thể dậy nổi nếu như không có tiếng xì xào của bọn quân Đức và tiếng súng bắn lửa liên tục được phun ra. Anh bật dậy, như một phản xạ, rồi chạy vào trong nhà vệ sinh nơi có một cánh cửa sổ kính được mở hé ra đầy kín đáo giúp anh có thể quan sát được chuyện gì đang diễn ra ở ngoài kia.
Bọn lính Đức đang đi xử lý tàn dư- tức những xác người dân Do Thái nằm trải đầy trên khắp con đường. Chúng lôi xác họ như lôi những bao tải cát, rồi bọn lính quăng chồng họ lên nhau mà thiêu sạch sẽ chẳng chút ngại ngần. Chúng làm ra chiều mệt mỏi khi phải bẩn tay vì những điều không đáng có. Chưa bao giờ mạng sống của một con người lại bị coi thường và rẻ mạt đến vậy, tàn nhẫn, vô lương tâm, Wladyslaw Szpilman sợ hãi cùng căm hận lũ phát xít.
Chúng sắp thả bom xuống! Chắc chắn là vì muốn xoá sạch dấu vết tội ác của chúng ở nơi này. Szpilman cuống cuồng gom vội vã vài thứ ít ỏi xung quanh đó rồi nhảy qua cửa sổ phía sau bệnh viện, cố sức trèo qua bức tường cũ kỹ hao mòn với sức lực cạn kiệt vì chẳng có gì bỏ vào bụng mà ăn. Tiếng bom dội lớn từ phía sau anh cũng chẳng lấy làm mới lạ nữa, nhưng sự sợ hãi sẽ phải là một trong biết bao nhiêu người tan xác cùng thứ ấy khiến đầu óc Szpilman choáng váng và trước mắt dường như lại mờ đi một chút.
Anh thoát khỏi nơi sắp bị tàn phá ấy thành công, để rồi nhận ra rằng phía sau bức tường ấy, chính là cả một dãy phố cũng bị dội bom và phá huỷ sạch sẽ. Những căn nhà đã từng sừng sững và xinh đẹp, bây giờ chỉ còn lại một màu xám xịt tang tóc nhuốm mùi chết chóc. Szpilman lao vô chủ đích vào một ngôi nhà, bỡ ngỡ nhìn quanh trong lúc tự vấn bản thân trong suốt cuộc trốn chạy chiến tranh vô nghĩa này đã từng lướt qua biết bao nhiêu căn phòng xa lạ. Szpilman mò lên một cái gác lửng, có lẽ đây sẽ là một vị trí ổn định và tương đối an toàn để anh nương náu trước con mắt khát máu của phát xít Đức- một lũ cẩn thận và yêu việc kiểm tra để giết sạch sẽ một cách thái quá, anh kéo chiếc cầu thang lên luôn, không để chúng có một cơ hội tiếp cận lấy lãnh địa của anh trong nỗi tuyệt vọng và mệt mỏi ngay lúc này. Toàn thân rã rời, nhưng một âm thanh đã thu hút và cuốn lấy anh, cái âm thanh thuộc về loại âm nhạc anh say mê đã không còn được nghe thấy từ rất lâu rồi.
Vang vọng trong căn nhà đổ nát, khúc "Moonlight" Sonata 1st của Beethoven trầm lắng len lỏi qua từng kẽ tường, những giai điệu day dứt và ám ảnh, những nốt nhạc chậm rãi đầy tinh tế gieo vần trên ngón tay người nghệ sĩ. Ai đang chơi bản này? Ai đang chơi bản này? Szpilman quay đầu tìm kiếm để rồi nhớ ra rằng bản thân là một kẻ đang trốn chạy và ẩn náu, anh rất nhớ cây đàn, rất nhớ những phím đàn, rất nhớ những giai điệu cổ điển anh từng được chơi mỗi ngày của thời trước. Nhưng Szpilman cũng phải chấp nhận rằng chỉ khi nào dân Do Thái được tự do khỏi ngòi súng nổ từ phát xít, anh mới có thể quay lại với ước mơ của mình.
Wladyslaw Szpilman, chẳng cười cũng chẳng nói, mở một cánh cửa gỗ trên cái gác lửng đổ nát rồi khép lại.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top