THỂ LOẠI VĂN HỌC

THỂ LOẠI VĂN HỌC

1. Khái niệm, tính chất của thể loại

1.1. Thể loại là hình thức chỉnh thể của tác phẩm văn học

Tác phẩm văn học là một chỉnh thể thống nhất toàn vẹn giữa các yếu tố hợp thành trong đó thể loại là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm. Ứng với mỗi nội dung vốn có trong hiện thực sẽ có những phương thức phản ánh tương ứng. Sự thống nhất này là do các phương thức chiếm lĩnh đời sống của văn học vốn ứng với các dạng thức tồn tại nhất định của thế giới thực tại. Các hình thức phản ánh thực tại của văn học cũng tương thích với các hình thức hoạt động nhận thức của con người: hoặc trầm tư suy nghĩ, chiêm nghiệm; hoặc lần theo diễn biến của các sự kiện, biến cố liên tục, sinh động; hoặc cảm nhận đối tượng trong các trạng thái xung đột, mâu thuẫn... Trong sáng tạo nghệ thuật, các thể loại trữ tình phù hợp với kiểu nhận thức đối tượng bằng trạng thái xúc cảm, suy nghĩ, chiêm nghiệm. Các loại thể tự sự tìm được ưu thế phản ánh từ nhu cầu nhận thức các đối tượng diễn biến sinh động trong những hoàn cảnh không gian và thời gian nhất định. Các thể loại kịch đặc biệt phù hợp với hình thức nhận thức thế giới đối tượng theo lối "mục sở thị" trực tiếp các xung đột và mâu thuẫn. Như vậy ứng với mỗi nhu cầu khám phá, phản ánh hiện thực sẽ có những hình thức thể loại tương thích. Người nghệ sỹ khi sáng tạo văn học cần tìm đến những hình thức thể loại phù hợp nhất với tính chất của hiện thực và có khả năng phản ánh đắc địa các phạm vi hiện thực đó. Chẳng hạn thơ hợp tạng với loại hiện thực cần sự ngẫm ngợi, suy tư; truyện hợp với loại hiện thực cần sự tái tạo sinh động các biến cố, sự kiện khách quan, ký có ưu thế nổi bật ở khả năng tiếp cận hiện thực trong "thế nhìn gần" các sự kiện bản thể nguyên vẹn... Thể loại là sản phẩm của quá trình kiếm tìm hình thức phản ánh hiện thực, nó do thực tại cuộc sống trực tiếp "đặt hàng" với nhà văn.

Tuỳ thuộc đặc trưng của mình, mỗi thể loại có những quy luật, cách thức tổ chức tác phẩm riêng. Cách thức phản ánh hiện thực trực tiếp chi phối cách tổ chức tác phẩm của mỗi thể loại. Tổ chức văn bản truyện khác với thơ; thơ khác với ký, ký khác với kịch. Không có kiểu tổ chức tác phẩm chung nhất cho các thể loại vốn có những đặc trưng khác nhau. Tổ chức truyện là tổ chức cốt truyện thông qua hệ thống các biến cố, sự kiện, nhân vật, các thành phần trần thuật... Tổ chức thơ là tổ chức cấu tứ thơ thông qua cảm xúc, hình ảnh, hình tượng, bố cục dòng thơ, câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ... Tổ chức tác phẩm ký tự sự là nghệ thuật liên kết sự kiện, tạo dựng điểm nhìn của chủ thể trần thuật, bố trí nhân chứng, số liệu khách quan xác thực... Quy luật tổ chức tác phẩm theo đặc trưng từng thể loại cũng là một khía cạnh xác định quy luật loại hình của tác phẩm, tạo cho tác phẩm văn học một hình thức tồn tại chỉnh thể tương đối ổn định khu biệt với tác phẩm thuộc các thể loại khác.

Thể loại không chỉ là cách thức phản ánh hiện thực, một cách nhìn có phần cố định hoá trong sự cách tân không ngừng đối với hiện thực để kiến tạo tác phẩm mà còn là sự "mách bảo" đối với người đọc về tính chất đặc thù của từng loại tác phẩm. Do vậy mỗi thể loại sẽ tạo ra "kênh giao tiếp" riêng đối với người đọc khi tiếp nhận tác phẩm. Giao tiếp thơ không giống với giao tiếp kịch, giao tiếp bằng tiểu thuyết rất khác với giao tiếp qua tác phẩm ký hay chính luận... Bởi lẽ mỗi thể loại ấy cần có những hình thức ngôn ngữ, các phương tiện nghệ thuật và kinh nghiệm phản ánh hiện thực, cách thức tổ chức tác phẩm riêng và tất yếu sẽ có các phương thức giao tiếp đặc thù cho mỗi người đọc. Không có cách đọc chung nhất áp đặt cho các tác phẩm thuộc các hình thức thể loại khác nhau. Xưa nay không phải ngẫu nhiên mà các tác giả thường ghi tên thể loại ngay sau nhan đề tác phẩm, chẳng hạn: Những linh hồn chết - Trường ca (Gôgôn); Con trâu - Tiểu thuyết (Nguyễn Văn Bẩy); Người đàn bà ngồi đan - Thơ (Ý Nhi); Kẻ sát nhân lương thiện - Truyện ngắn (Lại Văn Long); Nhạn - Truyện cực ngắn (Thạch Chung Sơn) v.v... Bằng việc thông tin tên thể loại, nhà văn muốn dự báo cho người đọc các phạm vi cuộc sống được quan tâm, cách tiếp cận và quan sát đối với nó, hướng họ vận dụng các kinh nghiệm nhất định vào việc tiếp nhận tác phẩm. Thậm chí tên thể loại đã gắn kết thành bộ phận không thể tách rời với tên tác phẩm: Bình ngô đại cáo; Thượng kinh ký sự; Hoàng Lê nhất thống chí; Truyền kỳ mạn lục; Chinh phụ ngâm...

Tóm lại, nói đến thể loại văn học là nói đến các kiểu phản ánh hiện thực, các kiểu tổ chức tác phẩm, các kiểu giao tiếp nghệ thuật.

1.2. Tính chất của thể loại

* Thể loại có tính chất truyền thống, tương đối ổn định, ít phát triển: Nhiều nhà lý luận văn học đã từng khẳng định bản chất siêu cá tính của thể loại. Quả vậy thể loại tựa như mang tính chất bảo thủ, không chấp nhận sự cách tân, đổi mới độc đáo của người sáng tác. Điều này có căn nguyên của nó. Thể loại là sản phẩm được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, nó được khái quát và cô đúc lại để tồn tại trong những hình thức ổn định bền vững, ít thay đổi. Không có một thể loại nào có cuộc hành trình số phận trong vài ba năm. Mỗi thể loại khi đã định hình trong hệ thống thể loại phổ quát ít ra cũng đã có tuổi đời vài thế kỷ, thậm chí không ai tính được tuổi đời của nó là mấy vạn năm hay mấy triệu năm? (Chẳng hạn lục bát của ta). Các thế hệ nhà văn khi cầm bút sáng tác đều phải tuân theo những chuẩn mực đã định sẵn từ bao đời của cổ nhân mà viết trên tinh thần kế thừa và sáng tạo. Với các thể loại cách luật có giá trị như những "khuôn vàng thước ngọc" thì ở đó người sáng tác phải nương theo những quy cách truyền thống của thể loại như một giá trị mẫu mức, bất biến. Viện sĩ hàn lâm Xô Viết Bakhtin khẳng định: "Xét về thực chất, thể loại văn học phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững trong sự phát triển văn học. Ở thể loại bao giờ cũng bảo lưu những yếu tố cổ xưa, bất tử"(1). Trong thực tế chẳng có thể loại văn học nào được vận dụng sáng tạo theo ngẫu hứng tuỳ tiện của các cá nhân. Trong văn học trung đại, sự phá cách thể loại thái quá thường dễ bị phủ nhận và lên án. Tính ổn định của thể loại phản ánh phương diện hữu hạn, trung lập với mọi sự cách tân độc đáo, không lặp lại. Chẳng hạn các thể thơ Đường luật từ bao đời nay vẫn cơ bản giữ nguyên các hình thái niêm luật, cấu trúc hình thức vốn có của nó; tiểu thuyết phương Đông hay phương Tây thường có dung lượng lớn, gắn bó với tính chất tự sự...; Phóng sự ghi chép các biến cố sự kiện giầu tính thời sự cập nhật và chân xác... Hệ thống thể loại cần có sự ổn định nhất định, nếu không sẽ sinh ra "loạn chuẩn" cho quá trình sáng tác và tiếp nhận văn học, đời sống văn học sẽ mất đi trạng thái tồn tại cân bằng cần thiết.

* Mặt khác, do quy luật không ngừng đổi mới và sáng tạo của văn học, thể loại văn học cũng luôn luôn phát sinh, đổi mới để thích ứng với nội dung hiện thực cuộc sống. Trước sự đổi thay mạnh mẽ của hiện thực cuộc sống, những thể loại không có khả năng thích ứng được với môi sinh văn hoá mới sẽ bị triệt tiêu để nhường chỗ cho sự ra đời của các thể loại văn học mới có ưu thế hơn. Sự cáo chung của các thể thơ văn một thời thịnh vượng trong nền văn học trung đại như: cáo, chiếu, biểu, phú... và sự ra đời của các thể loại tân thời hồi đầu thế kỷ trước như: tiểu thuyết tâm lý, kịch nói, phóng sự, thơ tự do, phê bình văn học... là những minh chứng tiêu biểu cho tính chất cách tân, đổi mới của văn học.

Cần lưu ý rằng: sự cách tân đổi mới của thể loại không diễn ra trong sự đoạn tuyệt hoàn toàn với truyền thống vốn có của nó nghĩa là không có sự đổi mới toàn diện cấu trúc hình thức thể loại theo lối phủ nhận sạch trơn cấu trúc truyền thống của thể loại. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã có những cách tân mới mẻ về nhịp phách thể loại lục bát, song lục bát trong Truyện Kiều hay lục bát biến thể sau này vẫn kế thừa, bảo lưu những nét đẹp óng ả, dịu dàng, uyển chuyển của lục bát cổ xưa. Tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, tuỳ bút... trong văn học đổi mới sau 1986 có những đột phá lớn về sự cách tân hình thức thể hiện song không làm mất đi những thuộc tính cố hữu của các thể loại này trong truyền thống. Ngay cả một số thể loại cổ xưa như thần thoại, sử thi, truyền thuyết... đã "một đi không trở lại" về hình thức thể hiện dưới dạng nguyên thuỷ của nó, song những dấu ấn đặc trưng về hình thức của chúng đây đó vẫn còn được "tạo dáng" lại trong hình thức tác phẩm của nhiều thể loại văn học hiện đại như: tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, truyện vừa... Như vậy thể loại không mất đi trước sự biến thiên của lịch sử mà chúng chuyển hoá phẩm chất của mình để ký sinh vào các thể loại khác. Trong lịch sử văn học nhân loại, những nghệ sĩ lớn thường tiếp thu tinh hoa của các thể loại khác nhau (cả trong đồng đại và lịch đại) để hợp sinh phẩm chất của nhiều thể loại trong cùng một tác phẩm văn học. Tính chất đa thanh phức điệu trong tiểu thuyết của L.Tônxtôi; tính chất hiện thực huyền ảo của tiểu thuyết Ban Giắc, Huêmingway, Máckét... là những biểu hiện tích cực của sự cách tân đổi mới văn học bằng con đường kế thừa sức mạnh của các thể loại văn học liên đới trong cùng một tác phẩm. Môi trường sinh thái văn hoá mới ở Việt Nam kể từ 1986 đến nay đã mở ra cho hệ thống các thể loại văn học của ta những cơ hội cách tân, đổi mới toàn diện. Thơ ca giầu chất triết lý, đào sâu vào thế giới tâm linh hỗn mang của con người, tổ chức câu thơ, dòng thơ, tứ thơ ít nhiều mang màu sắc hậu hiện đại. Văn xuôi tự sự (tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, ký...) hướng tới sự đa thanh phức điệu, xuất hiện nhiều biểu trưng nghệ thuật đa nghĩa... Hầu hết các thể loại đều có xu hướng giảm thiểu tối đa dung lượng tác phẩm (tiểu thuyết ngắn, truyện ngắn cực ngắn, thơ một câu...).

* Thể loại văn học nào cũng có tính lịch sử bởi lẽ chúng phát sinh và tồn tại trong những điều kiện lịch sử nhất định, nó mất đi cũng do hoàn cảnh lịch sử đã đổi thay, không còn là mảnh đất mầu mỡ cần thiết cho sự sinh tồn của nó nữa. Thể thần thoại trong văn học dân gian tìm được cơ hội thăng hoa trong bối cảnh sinh tồn của con người hoang dã, phi lý tính, tinh thần "vạn vật hữu hình" cùng khát vọng chinh phục tự nhiên trở thành quan niệm sống thường trực... Tiểu thuyết hiện thực phê phán 1930 - 1945 ở Việt Nam nở rộ trong bối cảnh xã hội thực dân phong kiến đầy ắp những mâu thuẫn, ý thức cá nhân và tinh thần dân chủ hoá xã hội đã được khơi dậy... Phóng sự Việt Nam trong cuộc bùng nổ lần thứ nhất (1932 - 1945) giầu chất văn học là bắt nguồn từ bối cảnh một nền "văn báo bất phân"; báo chí chưa có khả năng tách ra tồn tại độc lập ngoài trường lực chi phối mạnh mẽ của văn chương thời ấy....

Tính lịch sử chi phối hình hài, phẩm chất của các thể loại trong từng thời đoạn của cuộc hành trình để rồi từ đó tạo ra địa vị lịch sử đầy những thăng trầm cho mỗi thể loại.

Điệu trữ tình của Thơ mới và lối triển khai tiểu thuyết lãng mạn của nhóm Tự lực văn đoàn được hâm mộ một thời đã không còn địa vị gì đáng kể trong điều kiện kháng chiến 1945 - 1975. Kiểu thơ trữ tình hướng ngoại và tiểu thuyết sử thi chịu sự áp chế của ý thức hệ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã không còn vị trí độc tôn trong ý thức tiếp nhận phổ biến của bạn đọc thời kỳ đổi mới hiện nay. Phóng sự giầu tính tổng hợp và khả năng tích hợp sức mạnh các thể loại ký trong nền văn học và báo chí hiện nay đang tỏ rõ những ưu thế vượt trội của thể loại này so với các thể loại ký khác. Bi ca từng không có đất sống trong chiến tranh đã hồi sinh mạnh mẽ trong văn học đổi mới... Những khái quát về sự biến thiên vị thế và tiềm năng của các thể loại như vậy đã chứng tỏ rằng lịch sử chính là nguồn lực thao túng và chi phối những thăng trầm số phận của các thể loại.

Tính lịch sử của thể loại còn được biểu hiện ở chức năng của các thể loại và tương quan của chúng với nhau. Thời trung đại, cả phương Đông và phương Tây đều có hiện tượng phân loại các thể loại văn học cao - thấp, sang - hèn, chủ yếu - thứ yếu... Ở phương Tây bi kịch, tiểu thuyết cao hơn hài kịch và thơ ca; Ở Trung Quốc và Việt Nam, thơ, phú cao hơn tiểu thuyết, tụng ca hơn trào phúng... Trong một thời gian dài ở Việt Nam và Trung Quốc, nội hàm khái niệm văn chương không có sự dung nạp của tiểu thuyết, kịch và các loại văn xuôi tự sự dân gian. Các thể loại này không có được những vị trí, chức năng xã hội cần thiết so với các thể loại văn học chính thống, quan phương khác.

* Văn học là sản phẩm sáng tạo tinh thần của mỗi dân tộc, thể loại văn học tất yếu cũng mang tính dân tộc. Thể loại văn học nào cũng gắn liền với một kiểu ngôn ngữ, tâm lý và truyền thống văn hoá của một dân tộc nhất định. Dấu ấn dân tộc lưu đọng lại sâu sắc trong cấu trúc của các thể loại văn học. Văn xuôi tự sự Trung Quốc thường xuyên gắn với yếu tố "kỳ", "quái"... Truyền thống "chí quái" trở thành thuộc tính dân tộc phổ biến trong văn học Trung Quốc xưa nay. Giả Bình Ao nhà văn nổi tiếng Trung Quốc đương đại vẫn rất trung thành với các thủ pháp kỳ ảo trong sáng tác hiện nay. Thơ lục bát Việt Nam thể hiện sâu sắc nhịp điệu tâm hồn người Việt qua các giai đoạn lịch sử...

Văn học là phương tiện giãi bày và ký thác tâm hồn của dân tộc vì vậy sẽ không có gì trở ngại nếu cần phải thống kê ra những dấu hiệu tâm thức văn hoá của mỗi dân tộc qua hệ thống các mô típ nghệ thuật, các quan niệm thẩm mỹ, phong tục tập quán... đặc trưng của mỗi dân tộc từ văn học dân gian đến văn học hiện đại. Không thể tìm thấy những hình ảnh con trâu, cái kiến, cánh cò, luỹ tre xanh... trong văn học dân gian Nga hay Trung Quốc. Hiếm thấy hình tượng con rồng linh thiêng xuất hiện với ý nghĩa tích cực trong văn học châu Âu... Mỗi dân tộc có truyền thống "mã hoá" tâm hồn mình bằng những hệ thống hình tượng nghệ thuật đặc trưng như vậy.

Cần thừa nhận văn học có tính quốc tế ở cả phương diện thể loại. Có nhiều thể loại là sản phẩm sáng tạo chung của cả nhân loại song khi được vận dụng sáng tạo trong phạm vi của một dân tộc cụ thể, các thể loại ấy sẽ được "dân tộc hoá" cho phù hợp với bản sắc của từng dân tộc riêng rẽ. Thơ Đường luật ở Việt Nam có những đặc điểm riêng khác với Đường luật của Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên... Tiểu thuyết tâm lý của phương Tây rất khác với tiểu thuyết tâm lý do các nhà văn Trung Quốc hay Việt Nam sáng tạo... Hình thức phóng sự trong văn học và báo chí Việt Nam rất khác với đặc điểm phóng sự các nước Âu Mỹ vv... Có thể khám phá nỗi niềm, sở nguyện và tâm thức văn hoá riêng của mỗi dân tộc qua chính hệ thống thể loại mà dân tộc đó sử dụng và khai thác qua quá trình lịch sử văn học.

2. Phân loại văn học và phân chia thể loại tác phẩm văn học

2.1. Phân loại văn học:

Lịch sử văn học đã từng tồn tại nhiều cách phân loại văn học khác nhau, ở đây chỉ khái quát những cách cơ bản nhất.

Từ cổ xưa nhất, ở phương Tây người ta đã có ý thức phân loại văn học. Aristote là người đề xuất văn học gồm 3 loại hay còn gọi là 3 phương thức "mô phỏng" thực tại. Trong tác phẩm Nghệ thuật thi ca, ông viết: "Hoặc có thể như Hôme kể về sự kiện như về một cái gì ở ngoài mình, hoặc người mô phỏng vẫn là bản thân anh ta,hoặc là trình bày mọi nhân vật được miêu tả như là những người hành động và hoạt động"(1). Các phương thức mô phỏng thực tại mà Aristote đề xuất thực chất là ứng với 3 loại hình văn học cơ bản là tự sự, trữ tình, kịch. Các học giả sau này như Hôratxơ, Boalô, Bêlinxki... đều dựa theo cách chia ba của Aristote mà phân tích các loại văn học. Riêng Boalô có sự phân biệt bi kịch, hài kịch, anh hùng ca là các loại chủ yếu, còn thơ trữ tình là loại thứ yếu. Cách phân biệt của Boalô thể hiện rõ sự ảnh hưởng của tư tưởng triết học duy lý đối với quan niệm phân định văn học.

Trên cơ sở ghi nhận ba loại văn học của các nhà nghiên cứu đi trước, Bêlinxki đã phân tích chi tiết các loại dựa trên các tiêu chí sâu sắc, thuyết phục hơn. Theo ông, loại tự sự gồm: thơ tự sự, tiểu thuyết, ngụ ngôn...; loại trữ tình gồm thơ trữ tình và văn xuôi trữ tình... Loại kịch gồm bi kịch, hài kịch, chính kịch...

Lịch sử phân loại văn học ở Trung Quốc diễn ra khá phức tạp, đa dạng. Cách phân loại văn học sớm nhất ở Trung Quốc chỉ có hai loại là thơ và văn xuôi. Suốt chiều dài lịch sử văn học cổ, trung đại ở Trung Quốc còn xuất hiện nhiều quan niệm phân loại khác của Tào Phi, Chấp Ngu, Lục Cơ, Tiêu Thống, Lưu Hiệp... Nhìn chung các cách phân loại ở đây có phần phiến diện vì chỉ thiên về công dụng và đề tài một cách vụn vặn mà chia loại. Chẳng hạn Tào Phi chia văn học thành: Văn tấu, nghị, văn thư, luận, văn minh lỗi; văn thơ phú; Tiên Thống chia văn học làm 38 loại với 15 loại phú và 23 loại thơ, có người có lúc còn chia văn học thành một hai trăm loại. Đến cuối đời Thanh nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kịch và tiểu thuyết... Người Trung Quốc mới chia văn học làm 4 loại phổ biến là thơ ca, văn xuôi, tiểu thuyết, kịch.

Ở Việt Nam, ý thức phân loại văn học xuất hiện muộn. Các giáo trình lý luận văn học xuất hiện sớm nhất hồi giữa thế kỷ trước chủ yếu dựa theo lối chia ba của châu Âu và chọn phân tích 4 thể loại tiêu biểu là: thơ trữ tình, kịch, tiểu thuyết, ký. Cách chia này có ưu điểm là đã dựa vào các quy luật của hình tượng và phương thức phản ánh hiện thực mà phân chia, tiêu chuẩn khá nhất quán nhưng không bao quát hết mọi hiện tượng sinh động của đời sống văn học. Giáo trình Lý luận văn học Nxb Giáo dục, H, 1997 lần đầu tiên đề xuất cách chia 5 loại là tự sự, trữ tình, kịch, ký, chính luận. Ba loại đầu là những hình thức văn chương thẩm mỹ đích thực thì hai loại sau xuất hiện ở chỗ giao nhau giữa nhu cầu nghệ thuật và nhu cầu thực tiễn, giữa nhu cầu nhận thức sự thật khách quan và nhu cầu mỹ cảm. Cách chia năm vừa kế thừa được truyền thống phân loại của phương Tây vừa khái quát được thực tiễn văn học dân tộc từ cổ xưa đến hiện đại vốn rất đa dạng và phức tạp.

2.2. Phân chia thể loại văn học

Phân loại văn học là khái quát các dạng thức tồn tại khái quát, cơ bản nhất của văn học. Bên trong các loại còn chứa đựng hệ thống các thể loại khác nhau. Thể loại là những hình thức tồn tại cụ thể của văn học, chẳng hạn trong loại tự sự có: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn... Loại trữ tình có các loại văn xuôi trữ tình và thơ trữ tình rất đa dạng. Loại kịch có bi kịch, hài kịch, chính kịch... Thông thường có các tiêu chí cơ bản để phân chia các thể loại văn học như sau:

. Tiêu chí hình thức lời văn được sử dụng để phân biệt thơ văn vần hay thơ văn xuôi; truyện văn xuôi hay truyện thơ, kịch thơ hay kịch nói...

. Tiêu chí dung lượng tác phẩm là căn cứ quan trọng để phân biệt thơ với trường ca, khúc ngâm, phân biệt truyện vừa, truyện dài, truyện ngắn, kịch một hồi với kịch nhiều hồi...

. Tiêu chí cảm hứng, tình điệu (tức dựa vào tính chất của cảm xúc để làm cơ sở cho sự phân biệt giữa bi kịch với hài kịch, chính kịch, thơ (tụng ca) với thơ (châm biếm), ngụ ngôn với truyện cười...

. Tiêu chí nội dung thể loại được các nhà nghiên cứu Xô Viết như Pospelov, Sernhetx... đề xuất nhằm phân loại văn học dựa trên đặc trưng loại hình lặp lại có hệ thống của các đề tài. Theo các học giả Xô Viết, có 3 nhóm nội dung thể tài chủ yếu là: thể tài lịch sử, thể tài đời tư, thể tài thế sự. Loại thể tài lịch sử bao gồm các tác phẩm khái quát và miêu tả các sự kiện lịch sử lớn lao có liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc như: Iliát, Chiến tranh và hoà bình, Đất nước đứng lên... Thể tài thế sự bao gồm các tác phẩm hướng tới lý giải các phương thức và tính chất sinh hoạt dân sự, công cộng xã hội với những quan niệm về công lý, đạo đức nhân sinh v.v... Thơ Nguyễn Bính, Hài kịch Môlie, thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương... đều chan chứa cảm hứng thế sự. Thể tài đời tư là những tác phẩm có ý thức tạo dựng đời sống và số phận của những cá nhân riêng biệt trong các mối quan hệ với môi trường xung quanh. Văn học trung đại thường nghèo nàn yếu tố thể tài đời tư do cõi riêng của con người ít được khám phá. Thể tài đời tư có điều kiện được chú ý trong văn học hiện đại. Cần lưu ý các thể tài trên không tồn tại tách biệt nhau mà đan cài, chuyển hoá vào nhau chặt chẽ trong cùng một tác phẩm. Những tác phẩm văn học lớn thường dung nạp trong nó nhiều thể tài khác nhau. Chẳng hạn, Chiến tranh và hoà bình có cả sử thi, đời tư và thế sự; Truyện Kiều có đời tư và thế sự... Trong đời sống văn học hiện đại, các thể tài trên có thể được thể hiện qua các loại hình văn học khác nhau: tự sự, trữ tình, kịch, ký...

Nghiên cứu thể loại văn học có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đặc điểm loại hình của văn học và các đặc điểm ấy sẽ trực tiếp chi phối ý thức sáng tạo, phân tích và tiếp nhận văn học trên các phương diện nội dung và hình thức chỉnh thể của tác phẩm văn học.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top