Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ


PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lí do lựa chọn đề tài:

Truyện có yếu tố phá án xuất hiện khá sớm trên thế giới. Trải qua thời gian dài phát triển, truyện có yếu tố phá án dần trở thành một thể loại văn học độc lập với các tác phẩm đặt những viên gạch nền móng đầu tiên của Edgar Allan Poe viết vào những năm giữa thế kỉ XIX. Theo dòng chảy của văn minh phương Tây, văn học trinh thám được du nhập vào Trung Quốc vào những năm đầu thế kỉ XX. Qua thăng trầm lịch sử, ngày nay thể loại này ngày càng có chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại. Độc giả Việt Nam sớm đã không còn xa lạ với tên tuổi những nhà văn viết truyện trinh thám hiện đại Trung Quốc qua những đầu sách được xuất bản như Sái Tuấn với Lời nguyền lâu lan (xuất bản ở Việt Nam năm 2012), Chu Hạo Huy với Bản thông báo tử vong (xuất bản ở Việt Nam năm 2014), Tử Kim Trần với Mưu sát (xuất bản ở Việt Nam 2015); đặc biệt là Lôi Mễ với series tiểu thuyết trinh thám tâm lí học. Truyện của Lôi Mễ cuốn hút người đọc có lẽ không chỉ bởi yếu tố trinh thám mà còn bởi thế giới nhân vật được xây dựng hết sức đặc sắc.

Dù xuất hiện từ sớm và phát triển mạnh, được độc giả đón nhận, có sức sống lâu bền nhưng rất ít những công trình nghiên cứu chuyên sâu về tiểu thuyết trinh thám nói chung, tiểu thuyết trinh thám Trung Quốc, nhất là tiểu thuyết trinh thám của Lôi Mễ nói riêng.

Lí thuyết phân tâm học do Sigmund Freud sáng lập với việc đi sâu vào thế giới vô thức của con người từ lâu đã được ứng dụng vào nghiên cứu văn chương, mở ra hướng tiếp cận mới cho các sáng tác văn học nghệ thuật. Song việc vận dụng lí thuyết này vào nghiên cứu những tác phẩm trinh thám lại rất hạn chế cho dù thế giới nhân vật, nhất là nhân vật tội phạm trong tiểu thuyết trinh thám luôn là một thế giới của những con người gặp trở ngại về mặt tâm lí.

Tìm hiểu về Lôi Mễ và thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của ông dưới góc nhìn phân tâm học giúp chúng tôi nắm bắt được những đóng góp của Lôi Mễ trong việc nhìn nhận, xây dựng nhân vật, nhất là những nhân vật tội phạm. Chúng tôi nhận thấy rằng, với một thế giới nhân vật đều là những con người mang các trở ngại khác nhau về tâm lí, thì việc tiếp cận tác phẩm từ góc nhìn của phân tâm học sẽ giúp chúng ta lí giải sâu sắc hơn về nội dung tư tưởng của tác phẩm cũng như giá trị nghệ thuật của nó.

Xuất phát từng những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài: Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ dưới góc nhìn phân tâm học để nghiên cứu

2. Mục tiêu nghiên cứu.

Từ góc nhìn của lí thuyết phân tâm học, khóa luận sẽ đi sâu làm rõ thế giới nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám Cuồng vọng phi nhân tínhcủa Lôi Mễ trong sự nhìn nhận về thế giới của những con người mắc trở ngại về mặt tâm lí dù đó là kẻ tội phạm hay người điều tra. Bên cạnh việc chỉ ra đặc điểm riêng về tâm lí của từng loại hình nhân vật khác nhau, khóa luận cũng sẽ tìm hiểu về nghệ thuật khắc họa nhân vật thông qua ngôn ngữ, ngoại hình, hành động, tâm lí...

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

- Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu về thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ thông qua hai phương diện phân chia loại hình và nghệ thuật xây dựng nhân vật.

- Phạm vi nghiên cứu: Văn bản được sử dụng để khảo sát trực tiếp là tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ, ngoài ra tác giả khóa luận còn tham khảo thêm tác phẩm khác của Lôi Mễ để làm rõ hơn các nhận định của mình.

4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.

Nghiên cứu về văn học hiện đại, đương đại Trung Quốc nói chung, tiểu thuyết trinh thám đương đại của Trung Quốc nói riêng vẫn đang là một mảnh đất chờ người đến khai hoang trong môi trường nghiên cứu ở Việt Nam. Bởi vậy, các nguồn tư liệu nghiên cứu liên quan đến đối tượng này còn tương đối hạn chế. Hiện nay, những bài viết có liên quan đến tiểu thuyết Cuồng vọng phi phân tính của tác giả Lôi Mễ chỉ dừng lại là những bài báo giới thiệu, đánh giá hay nhận xét, nêu cảm nhận về sách. Chưa từng có một nghiên cứu chuyên sâu về bất kì một vấn đề cụ thể trong cuốn sách nói chung, vấn đề thế giới nhân vật trong cuốn tiểu thuyết nói riêng.

Đến series tiểu thuyết trinh thám tâm lí học tội phạm của Lôi Mễ, dẫu các tác phẩm đều thuộc hàng best seller, được độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt song các nghiên cứu nghiêm túc, cụ thể về tác phẩm của ông còn hết sức hạn chế khi nguồn tư liệu để nghiên cứu tác phẩm của ông ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam còn nhiều thiếu thốn. Nguyên nhân trước hết, vì những sáng tác của Lôi Mễ hầu hết là những sáng tác mới: tác phẩm đầu tiên của ông xuất hiện trước công chúng dưới dạng đăng tải dài kì trên tạp chí vào năm 2006 và phải đến năm 2007 tiểu thuyết trinh thám của ông mới thực sự thu hút bạn đọc với tác phẩm Đề thi đẫm máu. Thứ nữa là bởi trong quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc, văn học trinh thám nói chung và tiểu thuyết trinh thám nói riêng là một thể loại "văn chơi", một thứ văn chương giải trí nên cũng hạn chế việc nghiên cứu chuyên sâu về nó. Bởi vậy, những bài viết có liên quan tới tiểu thuyết trinh thám của Lôi Mễ chỉ gói gọn trong những bài báo giới thiệu hay đánh giá sách hoặc những bài phân tích chung chung, nhỏ lẻ, cách nhìn chủ quan, thiếu sự chuyên sâu về học thuật của một số độc giả trinh thám khi đề cập đến nội dung, nhân vật hay thủ đoạn giết người trong truyện. Các khía cạnh cụ thể của từng cuốn tiểu thuyết hay cả seri về cốt truyện, nghệ thuật, thế giới nhân vật... đều chưa được nhìn nhận, đánh giá, nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản.

Trong dòng chảy của văn học trinh thám từ khi hình thành, phát triển đến ngày nay, có không ít những bài viết, nghiên cứu về văn học trinh thám. Trên thế giới, tác giả người Pháp Laurence Devillairs đã có bài viết Tiểu thuyết trinh thám, một niềm may mắn của văn học (2009) hay SS Van Dine đã đề ra: Hai mươi nguyên tắc viết tiểu thuyết trinh thám (đăng trên Tạp chí Mĩ năm 1928). Tại Việt Nam, văn học trinh thám cũng sớm được giới nghiên cứu quan tâm với nhiều công trình nghiên cứu như bài viết của Phan Cự Đệ Tiểu thuyết phiêu lưu và tiểu thuyết trinh thám đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 11 (2003) Trần Thanh Hà với luận văn Thạc sĩ Nhận diện tiểu thuyết trinh thám Việt Nam (2005) hay như luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Hùng Chiến bảo vệ năm 2014 tại Đại học Đà Nẵng về Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám của Phú Đức.

Có thể thấy, các nhà nghiên cứu khi nghiên cứu về tiểu thuyết trinh thám đa phần đã hướng đến vấn đề nội dung, nghệ thuật. Thế giới nhân vật cũng được những nhà nghiên cứu quan tâm song chưa có nghiên cứu nào nhìn nhận vấn đề thế giới nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám dưới một góc nhìn cụ thể, như góc nhìn phân tâm học.

5. Giả thuyết nghiên cứu:

- Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính là một thế giới đầy màu sắc với những bi kịch, những tổn thương tâm lí, những mặc cảm tội lỗi...

- Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết là kiểu nhân vật tâm lí được đặt trong kết cấu truyện xây dựng theo lối mê cung, truyện lồng truyện.

6. Phương pháp nghiên cứu:

Để thực hiện đề tài, khóa luận sử dụng phối hợp những phương pháp cơ bản sau:

Phương pháp phân tích, hệ thống: Từ việc nghiên cứu, phân tích tài liệu, chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích, hệ thống để phân loại từng nhóm nhân vật trong hệ thống nhân vật của tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính.

Phương pháp tiếp cận lí thuyết phân tâm: Từ việc tiếp cận, tìm hiểu lí thuyết phân tâm học, chúng tôi ứng dụng lí thuyết đó để phân tích, nhìn nhận, đánh giá trạng thái tâm thần của các nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính.

Phương pháp so sánh: Trong đề tài này, bên cạnh việc khảo sát trực tiếp văn bản Cuồng vọng phi nhân tính; chúng tôi có so sánh tác phẩm với những tác phẩm trong cùng series tiểu thuyết trinh thám tâm lí học của Lôi Mễ và so sánh với những tác phẩm trinh thám khác.

7. Cấu trúc khóa luận.

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, khóa luận chúng tôi chia làm ba chương.

Chương một là chương tổng quan tình hình nghiên cứu gồm mục giới thuyết chung về văn học trinh thám và tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết trinh thám Trung Quốc và các sáng tác của Lôi Mễ, những vấn đề cơ bản của lí thuyết phân tâm học và việc ứng dụng lí thuyết phân tâm vào nghiên cứu văn học ở thế giới và Việt Nam.

Chương hai của khóa luận trình bày về thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ từ góc nhìn phân tâm học với ba tuyến nhân vật chính: nhân vật tội phạm, nhân vật người điều tra và nhóm nhân vật liên đới đến vụ án.

Chương ba của khóa luận đề cập đến nghệ thuật xây dựng nhân vật qua ngoại hình, ngôn ngữ, hành động và tâm lí và nghệ thuật xây dựng những cặp nhân vật đối lập trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính.

Với cấu trúc ba chương như vậy, chúng tôi hi vọng có thể khai thác và mang đến cái nhìn toàn diện nhất về thế giới nhân vật cùng cách xây dựng thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ từ góc nhìn phân tâm học.

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1: Tổng quan nghiên cứu

1.1. Giới thuyết chung về văn học trinh thám và tiểu thuyết trinh thám.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: "Văn học trinh thám thường là văn xuôi, có cốt truyện phức tạp, thường được xây dựng dựa trên việc trình bày tỉ mỉ những biều bí ẩn và lạ lùng gắn với số phận các nhân vật. Xung đột thường dựa vào sự đấu tranh giữa lí trí chính nghĩa và sức mạnh của cái ác, bạo lực. Văn học trinh thám khi được phát triển ở nhiều nước, thường mang thêm các đặc điểm dân tộc và truyền thống văn học dân tộc." [2; 341, 342] Như văn học trinh thám của Nhật Bản với các tác phẩm như Bạch dạ hành, Phía sau nghi can X, Tokyo hoàng đạo án, Hokkaido mê trận án, Ác nhân... đã thể hiện rất rõ "đặc điểm dân tộc", "truyền thống văn học" của dân tộc Nhật Bản với những hình ảnh đặc trưng của văn hóa, mặc cảm cô đơn của con người và nhất là sự khủng hoảng căn cước của con người xứ sở mặt trời mọc.

Là một nhánh của văn học trinh thám, "tiểu thuyết trinh thám là một tiểu loại của tiểu thuyết phiêu lưu. Bản thân tên gọi thể loại đã làm nổi bật một vài đặc điểm riêng của nó. Thứ nhất: nó nói lên nghề nghiệp của nhân vật chính. Nhân vật chính có thể là thám tử, mật thám hay điều tra viên nhưng đều có nghề nghiệp chung là dò la, điều ra, khám phá cái bí mật, còn nằm trong bóng tối. Thứ hai nó chứng tỏ đây là truyện vụ án, truyện viết về tội phạm, một loại truyện rất phổ biến ở các nước phương Tây. Thứ ba nó mách bảo người sáng tác cách thức xây dựng cốt truyện: phải giữ đến cùng những bí mật của tội phạm để tạo nên sự hấp dẫn, khiến người đọc luôn luôn ở trạng thái căng thẳng."

Khái niệm nói trên đã chỉ rõ trong tiểu thuyết trinh thám không thể thiếu ba yếu tố: luôn xuất hiện sự đối đầu giữa hai loại nhân vật là kẻ gây án và người điều tra; yếu tố phát sinh truyện là sự gây án của tội phạm, từ đó người điều tra vào cuộc bắt đầu giải mã vụ án; tính bí mật là yếu tố tiên quyết quyết định thành công của tác phẩm. Tuy nhiên nếu như trong tiểu thuyết trinh thám cổ điển tính bí mật chỉ gói gọn trong câu hỏi: "Ai là thủ phạm, thủ pháp gây án ra sao" thì với tiểu thuyết trinh thám hiện đại, bí mật không chỉ đơn thuần là như vậy. Tác giả có thể làm sáng tỏ ngay danh tính kẻ phạm tội với độc giả nhưng lại giữ bí ẩn về động cơ gây án, trạng thái tâm lí của kẻ phạm tội đến những chương cuối cùng của trang sách.

1.2. Tiểu thuyết trinh thám Trung Quốc và sáng tác của Lôi Mễ.

Truyện có yếu tố phá án xuất hiện ở Trung Quốc từ khá sớm với hình thức quan lại xử án như trong những câu chuyện dân gian truyền miệng về vị Bao Thanh thiên thời nhà Tống thiết diện vô tư, xử án như thần nhưng phải đến thế kỉ XIX, tiểu thuyết trinh thám với phong cách viết theo lối phương Tây mới chính thức du nhập vào Trung Quốc. Tiểu thuyết trinh thám Trung Quốc đã có quá trình phát triển vào những năm đầu thế kỉ XX, nhưng sau đó bị ngăn cấm một thời gian dài cho đến những năm trước khi chính sách cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình diễn ra (1978). Ngày nay, dưới nền kinh tế thị trường nở rộ, tiểu thuyết trinh thám phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc với nhiều tên tuổi được độc giả yêu mến như Sái Tuấn, Chu Hạo Huy, Tử Kim Trần, Lôi Mễ... Trong đó, tiểu thuyết trinh thám của Lôi Mễ đặc biệt được bạn đọc yêu thích không chỉ bởi chất phá án mà còn bởi những thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà tác phẩm mang đến.

Khác với đa phần các tác giả viết truyện trinh thám khác đều không trực tiếp tiếp xúc với tội phạm, vụ án; cũng không xuất thân trong ngành điều tra phá án... thì Lôi Mễ là một người trong nghề. Theo bài viết Lôi Mễ - nhà văn trinh thám nổi tiếng Trung Quốc đăng trên trang web của nhà xuất bản Công an nhân dân [9] thì Lôi Mễ ở độ tuổi ngoài 30, là sĩ quan cảnh sát cấp phòng (sở) giảng dạy bộ môn Hình pháp học tại một trường cảnh sát trực thuộc Bộ Công an Trung Quốc, từ năm 2006 đến nay.

Lôi Mễ từ nhỏ yêu thích văn học, lên cấp hai đã bắt đầu sáng tác. Nhưng phải đến năm 2006, khi đã làm việc trong ngành được ba năm, ông mới cho ra đời tác phẩm đầu tay, cũng là một tác phẩm trinh thám – Độc giả thứ bảy được đăng thành nhiều kì trên tạp chí. Lôi Mễ cho biết đó là kết quả của những tháng ngày miệt mài tiếp xúc với những vụ án hình sự có thật. Lúc ấy, tại trường công an, hàng ngày Lôi Mễ và đồng nghiệp liên tục tiếp cận với vụ án, đối tượng hình sự. Phạm vi công việc, bàn luận đều là án và án, điều đó đã ảnh hưởng tới tư tưởng và hành động, thôi thúc ông viết những tác phẩm tiểu thuyết trinh thám đầu tiên. Như Freud đã từng coi "tác phẩm văn học trước hết là một giấc mơ" [1; 12], nó phản ánh những mặc cảm, những ham muốn vô thức. Tác giả "phóng chiếu và cấu trúc hóa các huyễn tưởng thành những hình tượng văn học" [1; 13].

Nhưng tác phẩm làm cho Lôi Mễ thành danh là Đề thi đẫm máu (xuất bản lần đầu ở Trung Quốc năm 2007, xuất bản lần đầu ở Việt Nam năm 2011) với những chi tiết, tình tiết hấp dẫn đến nghẹt thở. Tác phẩm đã đưa Lôi Mễ trở thành tác giả có tác phẩm thuộc loại best seller, được độc giả yêu mến ông gọi bằng hai tiếng: "Thầy Lôi".

Về sau, tiếp nối thành công từ hai cuốn Độc giả thứ bảyĐề thi đẫm máu, ông tiếp tục series trinh thám tâm lí học tội phạm với ba cuốn sách tiếp theo: Cuồng vọng phi phân tính (xuất bản lần đầu ở Trung Quốc năm 2008, xuất bản ở Việt Nam năm 2013), Sông ngầm (xuất bản lần đầu ở Trung Quốc năm 2011, xuất bản ở Việt Nam năm 2013), Ánh sáng thành phố (xuất bản ở Trung Quốc năm 2012, xuất bản ở Việt Nam năm 2013) và một cuốn sách xuất bản độc lập là Tâm nguyện cuối cùng (xuất bản ở Trung Quốc và Việt Nam năm 2016).

Tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính có tên gốc là Giáo hóa trường, là cuốn thứ ba trong series trinh thám tâm lí học tội phạm của Lôi Mễ. Tiêu đề ấy lấy trực tiếp từ tên của một dự án nghiên cứu thực nghiệm tâm lí trong cuốn tiểu thuyết, nguồn cơn của biết bao bi kịch. Khi về Việt Nam, Công ti sách Cổ Nguyệt đã đặt lại tiêu đề là Cuồng vọng phi nhân tính (Giáo hóa trường) với việc nhấn mạnh Giáo hóa trường được xây dựng xuất phát từ cuồng vọng ích kỉ của một vài cá nhân để rồi đẩy những đối tượng thực nghiệm đến chấn thương tâm lí.

Nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ series tiểu thuyết trinh thám của Lôi Mễ là Phương Mộc, một chàng trai có sự nhạy cảm đặc biệt với những vụ án và khả năng phân tích tâm lí, định hình chân dung tội phạm sắc sảo. Khi còn là sinh viên của Đại học Sư phạm thành phố C, Phương Mộc đã thể hiện rõ khả năng thiên phú của mình trong vụ án giết người liên hoàn tại khuôn viên trường đại học. Nhưng vì sự thiếu kinh nghiệm, chủ quan trong việc phân tích vụ án cùng nhận định thủ phạm, động cơ gây án mà anh đã mắc sai lầm nghiêm trọng, người bạn anh vẫn luôn tin tưởng kể hết mọi chuyện – Ngô Hàm lại chính là thủ phạm giết người hàng loạt. Sai lầm của Phương Mộc đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: những người bạn cùng phòng với anh, Ngô Hàm, Tôn Mai – người tình của Ngô Hàm đều bị giết chết trong trận hỏa hoạn do Ngô Hàm gây ra. Trận hỏa hoạn ấy cùng những câu nói cuối cùng của Ngô Hàm đã ám ảnh Phương Mộc suốt nhiều năm sau đấy. Sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm, Phương Mộc đến thành phố J học đại học chuyên ngành tâm lí. Tại thành phố J khi đó liên tiếp xuất hiện những vụ cưỡng hiếp giết người. Thái Vĩ – một cảnh sát thuộc tổ điều tra theo gợi ý của Hình Chí Sâm đã tìm đến Phương Mộc để xin gợi ý. Kẻ phạm tội nhanh chóng bị bắt nhưng ngay sau đó xuất hiện thêm những vụ án mạng liên hoàn khác với thủ đoạn tinh vi, cách thức gây án phức tạp hơn. Đến khi Phương Mộc nhận ra mục đích mà tên giết người hướng đến là thử tài anh thì đã xảy ra năm vụ án mạng. Một lần nữa, người mà Phương Mộc không ngờ đến và cũng hết sức tin tưởng – Tôn Phổ chính là kẻ giết người máu lạnh. Đồng thời, anh cũng nhận ra rằng Tôn Phổ rất giống với Ngô Hàm. Lần đối đầu cuối cùng giữa Phương Mộc với Tôn Phổ trong căn hầm ở đại học J, trước bước đường cùng Phương Mộc đã bắn phát đạn giết chết Tôn Phổ; đồng thời phát đạn đó cũng giúp kết thúc những cơn ác mộng về Ngô Hàm đã đeo bám anh dai dẳng. Tốt nghiệp đại học thành phố J, Phương Mộc về làm việc cho phòng nghiên cứu tâm lí tội phạm của sở cảnh sát thành phố. Một lần anh đang ngồi nói chuyện với thầy Châu – chủ của cô nhi viện nơi Liêu Á Phàm, con gái của Tôn Mai sinh sống, anh được điều động đi làm người đàm phán cho một vụ giết người bắt giữ con tin. Nhờ tài năng của anh, kẻ giết người có tên La Gia Hải nhanh chóng bị bắt giữ. Nhưng tên tội phạm không chỉ gây án một lần mà còn từng gây ra một vụ án khác. Sau khi nói cho Phương Mộc nghe động cơ gây án của La Gia Hải, sau đó không lâu, hắn đã vượt ngục cùng với con tin chính là luật sư bào chữa của hắn – Khương Đức Tiên. Cùng thời gian ấy, thành phố C liên tục xảy ra những vụ án mạng với những cách thức gây án tinh vi khác nhau; qua điều tra, tình cờ Phương Mộc cùng đồng đội phát hiện sự liên can giữa La Gia Hải, những vụ án mạng liên tiếp, người đàn ông có tên Dương Cẩm Trình - người đứng đầu sở nghiên cứu tâm lí và cả thầy Châu, người đàn ông đang cưu mang hơn hai chục đứa trẻ mồ côi xoay quanh một kế hoạch thực nghiệm tâm lí có tên: "Giáo hóa trường".

Tác giả Lôi Mễ quan điểm phạm tội là một hình thức biểu đạt cực đoan của tình cảm con người. Bất cứ một vụ án hình sự nào xảy ra cũng không phải là một cá thể tồn tại độc lập mà phía sau nó là cả những chuyện muôn màu muôn vẻ. Lôi Mễ muốn dùng phương thức "chữ nghĩa" để chỉnh lý những vụ án ấy, nhằm cho nhiều người nhìn nhận lại một cách mới hơn cái hiện tượng xã hội xưa cũ là phạm tội. Bởi vậy mà những sáng tác của ông, bên cạnh tính trinh thám là tính nhân đạo, là "chất người" rất hiếm có.

1.3. Lí thuyết phân tâm học và ứng dụng trong nghiên cứu phê bình văn học.

1.3.1. Lí thuyết phân tâm học.

Phân tâm học bắt nguồn từ thực tiễn nghiên cứu tâm lí học, có thể được định nghĩa như một phương pháp nghiên cứu và chữa trị chứng bệnh tâm thần (Hysteria, Depression). Cha đẻ của lí thuyết phân tâm học là bác sĩ, nhà tâm lí học người Áo Sigmund Freud (1856 – 1939). Năm 1895, cùng với Josef Breuer, Freud viết bài Nghiên cứu chứng Hysteria. Bài viết này cùng bức thư ông gửi Fliess năm 1897 được coi là hai bài viết nền tảng của phân tâm học. Freud đã dành trọn cả cuộc đời để nghiên cứu và phát triển lí thuyết phân tâm học từ những thực nghiệm lâm sàng và hàng trăm bài viết.

Về sau lí thuyết phân tâm học phát triển thành nhiều khuynh hướng nghiên cứu khác nhau nhưng có thể chia phân tâm học ra thành ba vấn đề chính: lí thuyết về cấu trúc nhân cách, lí thuyết về libido, quan niệm về sự dồn nén và con đường giải tỏa dồn nén.

Với lí thuyết về cấu trúc nhân cách, Freud phác họa cấu trúc nhân cách gồm ba phần cơ bản: phân tầng cái Nó hay còn được gọi là Vô thức, phân tầng cái Tôi hay còn gọi là Ý thức, phân tầng cái Siêu Tôi hay còn gọi là Tiềm thức. Nhấn mạnh vai trò của vô thức, Freud cho rằng hoạt động tâm lí thường nhật của con người giống như một tàng băng đang trôi. Phần trên đại diện cho ý thức và chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, phần chìm dưới nước đại diện cho vô thức, chiếm một tỉ trọng lớn và quyết định vận tốc, hướng trôi của tảng băng. Theo ông, phần chính tâm lí con người cũng được ẩn giấu vào vô thức.

Kế đó là lí thuyết về Libido hay còn được biết đến là dục năng của con người. Libido bao chứa nhiều yếu tố được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau như: tình yêu nam nữ; tình cảm đặc biệt biểu hiện giữa mẹ và con trai, cha và con gái; tình yêu chính mình... Libido là khát vọng sống, sự ham muốn đa dạng của con người, trong đó ham muốn tình dục là nền tảng quy định mọi ham muốn khác. Libido là năng lượng của sự sống, nó thúc đẩy con người hoạt động, sáng tạo, hưởng thụ và giải tỏa nó làm cân bằng đời sống tâm sinh lí. Libido tiềm ẩn trong mỗi con người từ thủa lọt lòng cho đến khi hấp hối.

Cuối cùng là quan niệm về sự dồn nén và con đường giải tỏa dồn nén. Freud nhận định những mong muốn, khát vọng của con người trong cuộc sống, đặc biệt là năng lượng Libido đòi hỏi phải được thực hiện hay giải tỏa. Nhưng trong thực tế, sự giải tỏa không phải lúc nào cũng thực hiện được do vướng phải những điều kiện khách quan hay chủ quan khác nhau. Do bị ngăn lại nên sinh ra sự dồn nén, cần thiết được giải tỏa bằng các con đường khác nhau: sự tưởng tượng, nói nhịu hay những lỡ lời trong giao tiếp, giấc mơ, thăng hoa, con đường tìm đến với Thượng đế hay tôn giáo.

Trải qua hơn một trăm năm kể từ ngày Freud viết những bài viết đầu tiên về lí thuyết phân tâm học, ngày nay phân tâm học đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau chứ không đơn thuần chỉ để chữa những chứng bệnh về tâm lí như nghiên cứu xã hội học, nhân học, tội phạm học... và nghiên cứu văn học nghệ thuật.

1.3.2. Ứng dụng của lí thuyết phân tâm học vào văn học nghệ thuật.

Freud không có một công trình nghiên cứu cụ thể, riêng lẻ nào nói về văn học nhưng các quan điểm, sự vận dụng lí thuyết phân tâm học vào văn học nằm rải rác trong các công trình nghiên cứu của ông về tác phẩm, tác giả văn học nghệ thuật mà tác phẩm đầu tiên là cuốn Lời nói tế nhị và quan hệ của nó với vô thức (1905). Vận dụng lí thuyết phân tâm học của Freud, phê bình phân tâm học trong văn học chia thành ba hướng: Phê bình phân tâm học tiểu sử, Phê bình phân tâm học văn bản, Phê bình phân tâm học người đọc.

Trong đó, Freud là người đặt nền móng cho phê bình phân tâm học tiểu sử. Theo ông có thể từ tiểu sử của nhà văn, những yếu tố tâm lí của người nghệ sĩ như vô thức, dục năng (libido), phức cảm Oedipe... để nghiên cứu tác phẩm văn học. Quan điểm này của ông được thể hiện trong nhiều tác phẩm khác nhau như: Lời nói tế nhị và quan hệ của nó với vô thức (1905), Sáng tạo văn học và giấc mơ khi tỉnh (1908), Kỉ niệm tuổi thơ của Leonard de Vinci (1910). Từ lí thuyết ban đầu Freud nêu ra, những tên tuổi như Charles Mauron, Jean Delay, Rene Laforgue... đã tiếp tục phát triển, hướng người đọc tìm hiểu tâm lí, đời sống tinh thần, dữ liệu đời tư của nhà văn để hiểu quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.

Nếu phê bình phân tâm học tiểu sử đề cao tác giả, người sáng tác thì phê bình phân tâm học văn bản đề cao yếu tố nằm trong văn bản, phân tích các biểu tượng, tìm sự trùng hợp lặp đi lặp lại để lí giải bằng lí thuyết phân tâm học. Các tác phẩm tiêu biểu Tâm lí học vô thức (1912) của Carl Gustav Jung, Phân tâm học về lửa (1938), Nước và những giấc mơ (1938), Không khí và những giấc mơ (1943) của Bachelard,... đã tạo điều kiện mở rộng sự liên tưởng, giúp nhà phê bình có khả năng diễn giải văn bản.

Bên cạnh phê bình phân tâm học tiểu sử, phê bình phân tâm học văn bản là phê bình phân tâm học người đọc với sự đề cao mối quan hê giữa tác phẩm – người đọc, vấn đề vô thức của người đọc trong quá trình tiếp nhận văn bản với đại diện tiêu biểu là Norman Heleand qua tác phẩm Năm loại người đọc (1975). Khuynh hướng này tạo nên lính liên chủ thể của sự hiểu văn bản: những người đọc khác nhau khám phá những nghĩa mới, khuynh hướng tiếp cận mới.

Phê bình phân tâm học được du nhập vào Việt Nam từ khá sớm. Từ năm 1936 đã xuất hiện những bài nghiên cứu của Trương Tửu, Nguyễn Văn Hạnh ứng dụng lí thuyết phân tâm học trong nghiên cứu, phê bình văn học như: Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương (Trương Tửu), Hồ Xuân Hương: tác phẩm, thân thế và văn tài (Nguyễn Văn Hạnh). Nhưng đến sau 1945, do lí do khách quan của lịch sử, nghiên ứng văn học ứng dụng lí thuyết phân tâm không còn được chú ý như một khuynh hướng nghiên cứu độc lập. Phải đến sau giải phóng, nhất là sau thời kì đổi mới 1986, phê bình phân tâm học mới thực sự đi vào đời sống nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam như một hướng đi nhiều triển vọng với các tác phẩm chuyên sâu của những con người tâm huyết như Học thuyết Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam (Trần Thanh Hà), Phân tâm học và văn học nghệ thuật (Đỗ Lai Thúy – 2000), Phân tâm học và văn hóa tâm linh (Đỗ Lai Thúy – 2002), Phần tâm học và tình yêu (Đỗ Lai Thúy – 2003), Phân tâm học và tính cách dân tộc (Đỗ Lai Thúy – 2007), Phân tâm học và phê bình văn học (Liễu Trương – 2010).

Chương 2:

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính.

Trong tiểu thuyết trinh thám, nhà văn luôn xây dựng hai tuyến nhân vật song song cùng tồn tại: kẻ gây án và người phá án. Chính những màn đối đầu, những mâu thuẫn, đối lập của hai tuyến nhân vật này mà tình tiết, sự kiện nảy sinh và thúc đẩy câu chuyện phát triển, cuốn hút người đọc. Nhưng trong tiểu thuyết trinh thám, bên cạnh tuyến nhân vật chính, đối đầu trực diện ấy vẫn tồn tại một trục nhân vật thứ ba: những người liên đới đến vụ án. Họ có thể là người thân của nạn nhân, những nhân chứng của vụ án hay từng tiếp xúc qua hung thủ. Họ không gây án, cũng không phá án song họ là những mắt xích quan trọng không thể thiếu trong thế giới nhân vật đa dạng của tiểu thuyết trinh thám.

Là một cuốn tiểu thuyết trinh thám thám trong một series trinh thám tâm lí học dài kì, thế giới nhân vât trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính đảm bảo đủ ba tuyến nhân vật như một cuốn truyện trinh thám mẫu mực. Nhưng đi sâu vào thế giới nhân vật trong Cuồng vọng phi nhân tính từ góc nhìn phân tâm học, ta thấy dẫu phân chia thế giới ấy ra thành ba tuyến nhân vật độc lập song thực sự ranh giới giữa những con người đấy rất mong manh. Những con người ấy, dẫu là tội phạm hay người điều tra, người chỉ có liên đới đến vụ án cũng đều có những trở ngại tâm lí, những mặc cảm hằn sâu trong tiềm thức.

Để giúp người đọc dễ theo dõi về các tuyến nhân vật chính trong tác phẩm, chúng tôi đã thống kê hệ thống nhân vật của tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính trong bảng dưới đây:

Nhân vật tội phạm

Nhân vật người điều tra

Những người liên đới đến vụ án

- La Gia Hải: Bạn trai Thẩm Tương – một đối tượng thí nghiệm của Giáo hóa trường, giết Tang Nam Nam và cô giáo Tần, giáo viên chủ nhiệm của Thẩm Tương ngày trước

- Khương Đức Tiên: Luật sư bào chữa cho La Gia Hải, giúp La Gia Hải vượt ngục, có ám ảnh tính dục với các bé gái, anh K trong tổ chức hỗ trợ giết người

- Đàm Kỉ: anh Đ trong tổ chức hỗ trợ giết người, từng bị mất phương hướng.

- Quách Nhụy: cô Q trong tổ chức hỗ trợ giết người, từng chịu ám ảnh nhục nhã khi nhìn thấy những vật có lông.

- Hoàng Nhuận Hoa: anh H trong tổ chức hỗ trợ giết người, người lái xe tải gây ra vụ tai nạn giúp La Gia Hải trốn thoát

- Trần Triết: anh T, kẻ đứng đầu tổ chức hỗ trợ giết người, trợ lí của Dương Cẩm Trình.

- Dương Cẩm Trình: kẻ từng cưỡng hiếp Thẩm Tương, người tiếp tục kế hoạch Giáo hóa trường, chủ nhiệm sở nghiên cứu tâm lí.

- Châu Chấn Bang: người khởi xướng kế hoạch Giáo hóa trường, sau lập nên Thiên sứ đường; đã ngộ sát Trần Triết (vì nghĩ đó là Dương Cẩm Trình) sau đó tự sát.

- Dương Triển: con trai của Dương Cẩm Trình, mất mẹ từ sớm, có tình cảm tốt với Liêu Á Phàm; đã giết cha ruột của mình

- Phương Mộc: Chuyên viên phòng nghiên cứu tâm lí tội phạm, nhiệm vụ xây dựng, khắc họa chân dung tội phạm từ những chứng cứ mà cảnh sát thu thập được

- Lỗ Húc: Cảnh sát điều tra. Trong lần truy bắt La Gia Hải đã bị thương nặng, làm mất súng, sau được Dương Cẩm Trình chữa trị. Lỗ Húc đã hi sinh trong lần truy bắt tội phạm thứ hai khi phát hiện thấy nhóm người La Gia Hải.

- Liêu Á Phàm: con gái Tôn Mai, được Phương Mộc gửi gắm vào Thiên sứ đường khi mẹ mất; có quan hệ tình cảm tốt với Dương Triển.

- Cô Triệu: mẹ của Đường Duy – một cậu bé từng là đối tượng thực nghiệm của Giáo hóa trường. Sau khi chồng và con trai mất do hậu quả của thực nghiệm, cô được Châu Chấn Bang đưa về chăm sóc lũ trẻ ở Thiên sứ đường.

2.1. Thế giới nhân vật tội phạm.

2.1.1. Nhân vật với những mặc cảm về thân phận.

"Họ là một nhóm người đáng thương bị coi là vật thí nghiệm, hay là những tên sát thủ biến thái hung tàn", đó là lời giới thiệu ở trang bìa thứ tư của công ty sách Cổ Nguyệt khi nói đến nhóm nhân vật với những mặc cảm về thân phận này. Xét trên phương diện luật pháp, họ là những kẻ giết người, là những tội phạm phạm tội sát nhân; nhưng đứng từ góc độ phân tâm học, họ chỉ là một nhóm người với những mặc cảm về thân phận hết sức đáng thương hai lần bị lợi dụng. Đó là cô gái Thẩm Tương với phức cảm về mùi vị, Đảm Kỉ với mặc cảm về sự mất định hình về phương hướng, Khương Đức Tiên với ám ảnh tính dục về các bé gái, Quách Nhụy với phức cảm nhục nhã khi nhìn thấy những vật có lông và Hoàng Nhuận Hoa với mặc cảm tội lỗi khi gián tiếp gây ra cái chết cho người bạn cùng lớp ngày trước.

Trong tác phẩm, Học thuyết Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam, Trần Thanh Hà có viết: "Mặc cảm vốn là một cơ chế tâm lí, diễn ra trong tất cả các mối quan hệ xã hội của con người, là trạng thái có thật trong đời sống con người, bị dồn nén trở thành những ẩn ức sinh lí, có thể bùng phát thành hành vi cụ thể." [8; 60] Phức cảm thân phận ban đầu chủ yếu đề cập đến nỗi lo lắng, buồn phiền liên quan đến bộ phận sinh dục nam. "Theo Freud, một đặc điểm của dục tính trẻ con là sự tò mò về bộ phận sinh dục. Trong một thời gian lâu dài, đứa trẻ không phân biệt được sự khác biệt giữa các bộ phận sinh dục của nam và nữ. Đứa bé, nhất là đứa bé trai, gán cho cả phái nam và phái nữ bộ phận sinh dục của phái nam. Khi nó thấy đứa bé gái không có bộ phận như nó, nó cho rằng có một hành động hung bạo đã làm cho đứa bé gái mất cái bộ phận đó. Nó nhớ lại những lời đe dọa của người lớn khi họ thấy nó quá chăm chú về bộ phận này" [4; 54, 55]. Nhưng về sau, người tiếp thu học thuyết phân tâm học đã mở rộng khái niệm này như một nỗi ám ảnh về sự thiếu hụt bộ phận nào đó trên cơ thể, cũng như những tổn thương, mất mát trong đời sống tinh thần của con người.

Soi chiếu vào thế giới nhân vật tội phạm trong Cuồng vọng phi nhân tính, ta thấy không ít những kẻ phạm tội mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những chấn thương tâm lí, những mặc cảm về thân phận mà họ gặp phải trong quá khứ. Những chấn thương, mặc cảm ấy tạo nên xung đột giữa ý thức – vô thức, qua thời gian không những không mất đi mà ngày càng thêm trầm trọng. Bản thân họ có nhận ra những bất ổn tâm lí họ phải gánh chịu? Họ có nhận thấy song không có giải pháp để chấm dứt bất ổn, họ cũng không đủ dũng khí để đi khám và chữa trị những bất ổn đó để rồi cuối cùng họ bị kẻ xấu lợi dụng trở thành những công cụ giết người. Và những tội phạm đấy, họ thực ra là những nạn nhân hết sức đáng thương: vừa là nạn nhân tâm lí trong kế hoạch nghiên cứu "Giáo hóa trường", vừa là nạn nhân cho giấc mộng tiến thân của kẻ tự yêu chính mình.

Trước hết, nhóm nhân vật này là những nạn nhân trong kế hoạch nghiên cứu tâm lí bí mật có tên gọi "Giáo hóa trường" từng do Tiến sĩ Châu Chấn Bang đứng đầu, về sau Dương Cẩm Trình tiếp tục. Đó là một kế hoạch được xây dựng dựa trên lí thuyết về tâm lí học nhân cách của nhà tâm lí học người Đức: Burrhus Frederic Skinner, cụ thể là thực nghiệm nổi tiếng của Skinner với tên: "Skinner Box". Thực nghiệm này đầu tiên được tiến hành trên chuột vào năm 1948. Skinner cho một con chuột vào chiếc lồng, trong lồng có một đòn bẫy mà khi nhấn vào đó sẽ có những viên thức ăn từ hộp đựng theo ống dẫn rớt vào khay ăn. Ngoài ra, còn có loa để phát ra các tín hiệu âm thanh, hai đèn tín hiệu (một đỏ, một xanh) để kiểm chứng các quy luật ảnh hưởng đến hành vi của chuột. Trên sàn lồng có lưới điện được nối với máy phát điện tạo sốc nhằm tạo tác nhân trừng phạt để kiểm tra khả năng làm suy giảm tần suất của hành vi. Dưới lí thuyết hành vi của Skinner nói chung, thực nghiệm "Skinner box" nói riêng, cả trường giáo hóa mà Châu Chấn Bang gầy dựng, Dương Cẩm Trình tiếp tục phát triển như một chiếc hộp Skinner cỡ lớn mà những con người trở thành đối tượng thực nghiệm như con chuột bị giáo hóa trong chiếc hộp ấy.

Đã có hàng trăm đối tượng thực nghiệm khác nhau với đủ mọi giới tính, lứa tuổi, xuất thân, nghề nghiệp bị coi như "chuột bạch thí nghiệm". Những đối tượng chịu tác động, mức độ bị ảnh hưởng khác nhau nhưng khi những tác động đó đã tạo vết hằn về tâm lí, họ luôn có một mặc cảm thân phận rất rõ. Với Thẩm Tương là phức cảm về mùi vị, với Đàm Kỉ là sự mất đi khái niệm về phương hướng, với Quách Nhụy là mặc cảm về sự nhục nhã, với Khương Đức Tiên là những ám ảnh tình dục với những bé gái, với Hoàng Nhuận Hoa lại là mặc cảm tội lỗi về việc anh gián tiếp gây nên cái chết của người bạn học cũ.

Phức cảm về mùi vị của Thẩm Tương xuất hiện sau khi cô bị kẻ xấu xâm hại và liên tục phải nghe câu nói: "Trong cơ thể mày từ nay sẽ lưu lại tinh dịch của tao, cả đời mày sẽ mang theo mùi vị của nó" [5; 105] lúc cô còn là một cô bé học trung học "hoạt bát và đáng yêu". Và càng ngày, ám ảnh về nó với cô càng lớn dần, biến thành mặc cảm thân phận, mặc cảm về thiếu sót của bản thân: "Từ đó trở đi, Thẩm Tương bắt đầu thường xuyên ngửi thấy có mùi lạ trên người. Cảm giác như mùi tanh hôi trên dương vật của gã đàn ông kia. Cô ấy bắt đầu tắm rửa và xa lánh mọi người, sợ mọi người ngửi thấy mùi lạ đó trên thân thể cô" [5; 105; 106]. Hơn ai hết, chính Thẩm Tương ý thức được những bất ổn trong tâm lí dẫn đến những hành động bất thường ấy. Như một vòng luẩn quẩn, cô tắm rửa, tự xa lánh mọi người; những người xung quanh vì cô khó gần mà cũng dần lánh xa cô. Nhưng càng thu mình lại, những nỗi đau, sự mặc cảm càng thêm hằn sâu vào tâm lí cô. Tình yêu với La Gia Hải cũng chỉ giúp xoa dịu mặc cảm thân phận trong Thẩm Tương song chỉ cần một tác động bên ngoài gợi lên quá khứ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của cô cũng đủ để khiến chấn thương tâm lí trở lại và nghiêm trọng hơn. Đến mức Thẩm Tương đã đi đến hành động tiêu cực: đồng phạm với La Gia Hải giết người rồi tự sát.

Khác với Thẩm Tương, mặc cảm thân phận của Đàm Kỉ không liên quan đến tính dục mà liên quan đến phương hướng – anh dần trở nên mất cảm giác về phương hướng khi bị bỏ lại một mình trong rạp tối hồi anh "còn là một cậu bé, ngây thơ, hồn nhiên, giống như bao nhiêu đứa trẻ khác" [5; 398]. Tưởng rằng nếu chỉ mất đi phương hướng thì không có gì quá mức nghiêm trọng nhưng cuộc sống của Đàm Kỉ đã dần trở nên bế tắc khi anh không còn phân biệt được đâu là bên trái bên phải, đâu là hướng đông tây nam bắc nữa: Không tìm được điểm cần đến, chỉ có thể đi theo chân người khác. "Trời ơi, thế thì sống thế nào được?" [5; 399] La Gia Hải đã từng phải thốt lên như vậy khi lắng nghe câu chuyện của Đàm Kỉ. Thiếu hụt về phương hướng ảnh hưởng đên đời sống Đàm Kỉ đã bùng phát thành hành vi giết người tiêu cực, vừa để đáp ứng tâm lí muốn trả thù kẻ đã gây nên bất hạnh cho anh, vừa nhằm thỏa mãn mặc cảm về sự mất phương hướng của bản thân Đàm Kỉ: biến kẻ làm hại anh cũng trở nên mất phương hướng như anh.

Một trường hợp khá tương đồng với Thẩm Tương, đó là Quách Nhụy. Khi trở thành đối tượng thí nghiệm của Giáo hóa trường, Quách Nhụy đã mười chin tuổi, một độ tuổi đủ chin chắn để nhìn nhận thế giới nhưng cũng là một độ tuổi tràn đầy mơ ước và mộng mơ. Quách Nhụy khi mười chin tuổi "không tin rằng trên thế giới này lại có kẻ xấu" [5; 202]. Vậy mà thực nghiệm của Giáo hóa trường đã phá tan những mộng tưởng của cô gái mười chín tuổi ấy. Từng bị một người trong lốt gấu bông ôm chặt giữa nơi công cộng, lúc giằng thoát ra được, cúc áo bị đứt hết, tất cả mọi người đều nhìn, Quách Nhụy dần xuất hiện một cảm giác rất mãnh liệt với những đồ vật có lông, đặc biệt là gấu bông đồ chơi: cảm giác nhục nhã, "giống như... tất cả mọi người đang nhìn tôi, còn tôi thì thân thể lõa lồ" [5; 207]. Quách Nhụy cũng như những đối tượng khác, vốn tưởng thời gian có thể xóa dần cảm giác ấy nhưng sự thực cảm giác đó đã ăn sâu vào tiềm thức của cô, theo cô "như bóng với hình, hơn nữa càng ngày càng mạnh hơn" [5; 206]. Mặc cảm đó lớn đến mức cô không thể mặc được áo len, càng không thể đối diện được với một con gấu bông đồ chơi nào hết, cuối cùng kết thúc bằng hành vi giết người nhằm thoát khỏi trở ngại tâm lí "một cách triệt để". Thực sự, Quách Nhụy không trực tiếp giết người nhưng việc nằm trong tổ chức hỗ trợ giết người và là nguồn gốc, nguyên nhân của hành động giết Thân Bảo Cường cũng đủ để cấu thành lên hành vi phạm tội của cô.

Còn với Khương Đức Tiên, mặc cảm của ông liên quan đến tính dục rất rõ rệt: ám ảnh tính dục với những bé gái khi một cậu bé mười lăm tuổi thuần khiết phải chứng kiến cảnh cha – con làm chuyện đồi bại (do Mã Xuân Bồi và Hạ Lê Lê thủ vai). Để rồi khi nhắc lại chuyện cũ, ông chỉ có thể nói: "Đó là một cảm giác tà ác đầy quyến rũ khiến người ta vừa căm ghét lại vừa thèm muốn. Nếu có thể dùng một mùi vị nào đó để hình dung thì đó chính là vị ngọt mang mùi tanh" [5; 326], "Mỗi khi tôi nhìn thấy con gái của đồng nghiệp hoặc của hàng xóm, tôi đều không ngăn được kích thích nội tâm. Không, đó hoàn toàn không phải tình yêu thương và sự xót thương của một người đàn ông trưởng thành với một bé gái mà hoàn toàn là ham muốn tình dục" [5; 327]. Hai mươi năm mang một bí mật, đau khổ, dằn vặt, giày vò, Khương Đức Tiên đã phải chịu đựng không ít nỗi đau tâm lí. Mâu thuẫn giữa vô thức với ý thức; giữa ham muốn và rào cản về đạo đức, xã hội trở thành ẩn ức, xung đột trong tâm trí Khương Đức Tiên. Hành vi đồi bại của ông với những món quần áo của con gái ông như một sự bùng phát của bản năng tính dục, của những dồn nén dục tính bấy lâu trong Khương Đức Tiên. Nhưng hành vi đấy càng bùng phát lại càng khiến cho Khương Đức Tiên thêm day dứt và đau khổ. Giết đối tượng gây ra chấn thương tâm lí với ông cũng chỉ là hành động nhằm giải tỏa triệt để những mặc cảm, xung đột tâm lí ẩn trong tầng sâu vô thức của Khương Đức Tiên, cũng giống như trường hợp của Đàm Kỉ, Quách Nhụy trước đó hay Hoàng Nhuận Hoa sau này.

So với Thẩm Tương, Đàm Kỉ, Quách Nhụy, Khương Đức Tiên, Hoàng Nhuận Hoa chỉ là một tài xế lái xe tải, văn hóa, học thức anh không cao. "Trước kia tôi cảm thấy chỉ có những phần tử trí thức mới mắc bệnh tâm lí, nhưng ngày nay đầu óc của bất cứ ai cũng có thể xảy ra vấn đề." [5; 404] – Đó là suy nghĩ của Hoàng Nhuận Hoa khi những bất ổn tâm lí của anh đã trở nên trầm trọng sau chấn động tâm lí vì bị "chồng" của Trần Băng – bạn thời phổ thông trung học của Hoàng Nhuận Hoa - kết tội khiến Trần Băng tự sát. Mặc cảm tội lỗi, cảm giác hổ thẹn, day dứt sâu sắc vì đẩy một gia đình đến sự tan vỡ, gián tiếp gây lên cái chết cho người bạn học cũ cũng là cô gái vẫn tương tư mình đã đẩy Hoàng Nhuận Hoa đến mức không thể sống và làm việc bình thường: "Anh ta căm ghét mình tận đáy lòng, cảm thấy chỉ có tiêu diệt chính mình mới có thể làm dịu đi nỗi hổ thẹn, day dứt đối với Trần Băng" [5; 409]. Mặc cảm tội lỗi cùng mong muốn "tiêu diệt chính mình" đã dẫn đến hành động "đến bệnh viện yêu cầu được hiến tặng lục phủ ngũ tạng" của Hoàng Nhuận Hoa. Nhưng bác sĩ lại không chấp nhận càng đẩy mặc cảm thân phận, sự căm ghét chính mình của anh lên đến đỉnh điểm, dẫn đến hành vi dùng dao cạo râu để tự hại mình như hành động cuối cùng để giải quyết nỗi đau tinh thần. Giết người với Hoàng Nhuận Hoa, giết kẻ gây ra chấn thương tâm lí cho anh – Nhiếp Bảo Khánh cũng như cách kết thúc toàn bộ nỗi đau mà Đàm Kỉ, Quách Nhụy, Khương Đức Tiên đã từng làm.

Freud từng viết sự vận động của quá trình tâm trí: "luôn được phát động bằng một sự căng thằng gây khó chịu hoặc nặng nề và rằng nó (sự vận động) được thực hiện sao cho để đạt đến sự giảm sự căng thẳng ấy, tức là đạt đến sự thay thế trạng thái nặng nề bằng một trạng thái dễ chịu" [7; 43]. Nhưng những đối tượng chịu sự tác động của kế hoạch Giáo hóa trường, sau khi giết người có thực sự đi đến một trạng thái dễ chịu? Hay sự giết người cuối cùng chỉ là thay thế trạng thái nặng nề bằng một trạng thái nặng nề hơn? "Điều này (việc giết người) sẽ không làm cho Khương Đức Tiên và đồng bọn thoát khỏi chứng bệnh tâm lí mà sẽ tạo ra một vết thương mới" [5; 527]. Bản thân Quách Nhụy, cô vốn không muốn giết người và sự thực, sau khi giết người, những đối tượng của kế hoạch Giáo hóa trường năm nào đều không hề cảm thấy thoải mái hay thanh thản. Cảm giác hưng phấn ban đầu khi thoát khỏi mặc cảm tâm lí ám ảnh họ lâu ngày qua đi chính là cảm giác day dứt cùng sự sợ hãi một khi sự việc vỡ lở ùa về và tạo vết thương tâm lí khác trong họ. Cuối truyện, Khương Đức Tiên đã phải thừa nhận: "Thực ra, sau khi giết người xong, tôi cũng không cảm thấy thanh thản. Tôi tin rằng, những người khác cũng cảm thấy như tôi" [5; 569]. Và hình ảnh Quách Nhụy, gầy trơ xương, "kì dị và thê thảm" trong điệu cười cuối cùng khi nhìn Phương Mộc cùng Khương Đức Tiên như đã gói lại hết những bi kịch mà các đối tượng thực nghiệm của kế hoạch Giáo hóa trường.

Những nhân vật này, nếu xét theo luật cấu thành tội phạm và hành vi phạm tội, họ đều là những tội phạm giết người. Và nếu phải đem ra pháp luật chịu sự phán quyết của tòa án, dẫu họ không phải chịu khung hình phạt cao nhất là tử hình, họ cũng phải hứng chịu những khung hình phạt hết sức nặng nề. Nhưng nếu đứng từ góc độ tâm lí học nói chung, góc độ phân tâm học nói riêng, những nhân vật tội phạm này chỉ là nạn nhân của những kế hoạch tâm lí mà họ đều không hề hay biết. Ban đầu là kế hoạch Giáo hóa trường, coi họ như chuột bạch thí nghiệm, tạo nên những chấn thương tâm lí hằn sâu trong vô thức của họ, đeo đẳng tâm trí họ hàng năm, thậm chí hàng chục năm như trường hợp của Khương Đức Tiên hay Đàm Kỉ. Sau đó, những nhân vật này lại trở thành công cụ giết người diệt khẩu cho kế hoạch nhằm cướp lấy danh vọng, địa vị, lật đổ Dương Cẩm Trình của Trần Triết. Bằng việc xây dựng lên chân dung tâm lí những nhân vật tội phạm, tác giả Lôi Mễ đã cho ta cách nhìn khác về những con người này. Họ là tội phạm, nhưng trước hết họ là những nạn nhân tâm lí, những bệnh nhân có sự khiếm khuyết về mặt tâm thần. Họ là tội phạm song trước hết họ là những con người hết sức đáng thương mang nặng mặc cảm về thân phận, không ai giống ai nhưng đều chung một điểm những con người ấy không thể sống cuộc sống của một người bình thường.

Dưới ánh sáng của phân tâm học, lí thuyết phức cảm thân phận để đánh giá, nhìn nhận những tội phạm như Thẩm Tương, Đàm Kỉ, Quách Nhụy, Khương Đức Tiên, Hoàng Nhuận Hoa, ta sẽ coi họ như nạn nhân hơn là những kẻ giết người máu lạnh. Và nạn nhân chịu chấn thương về mặt tâm lí còn đau đớn hơn gấp nhiều lần những chấn thương về mặt thân thể. Thực sự, những đối tượng nghiên cứu của Giáo hóa trường đều là những người bị hại hết sức đáng thương.

2.1.2. Nhân vật với phức cảm Oedipe.

Phức cảm Oedipe là một trong những yếu tố cơ bản của thuyết phân tâm học. Freud dựa vào một nhân vật thần thoại Hi Lạp: Oedipe, đặc biệt là vở kịch Oedipe làm vua của Sophocle với bi kịch giết cha lấy mẹ của anh để xây dựng lên thuyết này. Trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ, phức cảm đó hiển hiện rất rõ ở cậu bé Dương Triển với sự xung đột của cậu với cha là Dương Cẩm Trình cùng những hành động luôn chống đối của cậu bé đến cha và đỉnh điểm là hành động giết chết cha ruột của cậu bé.

Trong cuốn Phân tâm học và phê bình văn học (2010), Liêu Trương có viết rằng theo truyền thuyết Hi Lạp và vở kịch của Sophocle Laios, vua thành Thebes được sấm truyền cho biết đứa con trai mà ông sẽ có với người vợ Jocaste sẽ giết ông. Cho nên sau khi đứa con ra đời, Jocaste hoảng sợ, bà đâm vào hai mắt cá chân của con bằng một cây kim, cột hai chân nó lại rồi ra lệnh cho một người tôi tớ đem bỏ đứa con trên núi Citheron. Nhưng người tôi tớ quyết cứu đứa bé bèn gửi nó cho những người mục đồng nuôi. Những người này gọi đứa trẻ là Oedipe, nghĩa là chân bị sưng và họ đem nó đến dâng cho vua ở thành Corinthe. Vua và hoàng hậu của Corinthe không có con nên nhận Oedipe làm con nuôi. Khi trưởng thành Oedipe được nghe lại lời sấm truyền, để thoát khỏi định mệnh và cũng vốn tưởng mình là con của vua thành Corinthe, Oedipe đã trốn khỏi thành. Dọc đường, Oedipe gặp và xích mích với một đoàn người, chàng đã nổi giận và gây chiến với cả đoàn người đó rồi giết người đứng đầu mà không biết người đó chính là Laios – cha ruột chàng. Khi đến Thebes, Oedipe gặp Sphinx, con quái vật đầu người mình sư tử. Con quái vật này đã đặt một câu đó cho những người bộ hành và nếu họ không trả lời đúng thì sẽ bị nó ăn thịt. Oedipe đã trả lời đúng vì thế mà Sphix phẫn uất lao mình từ trên cao xuống tự sát. Như thế Oedipus đã giải phóng thành Thebes khỏi nanh vuốt con quái vật, chàng được dân chúng biết ơn, tung hô làm hoàng đế Thebes và cưới hoàng hậu Jocaste mà không biết đó là mẹ mình.

Từ cuộc hôn nhân đó, bốn người con ra đời: Eteocle, Polynice, Antigone, Ismene và cả bốn người đều có định mệnh bi thảm. Vài năm sau, bệnh dịch hạch lan tràn ở Thebes, sấm truyền: "Phải đuổi khỏi thành kẻ đã giết Laios". Chẳng bao lâu ông thầy bói Tiresias tiết lộ sự thật. Vì xấu hổ, Jocaste thắt cổ tự tử. Oedipus để cứu thần dân của mình đã tự móc mắt, rời khỏi thành bang đi lang thang đây đó cùng với đứa con gái Antigone là đứa con duy nhất trung thành với cha.

Đối với Freud, vở bi kịch của Sophocle đã tiết lộ cho ông phức cảm Oedipe. Trong phức cảm Oedipe, không phải bản năng dục tính mà là tình yêu chiếm hàng đầu. Đứa bé trai yêu mẹ và ghét cha vì ganh tị. Nó ao ước chiếm đoạt người mẹ cho riêng nó, nó sung sướng khi người cha vắng mặt, hờn dỗi khi thấy cha âu yếm mẹ. Lắm khi nó nói ra tình cảm của nó, nó hứa sẽ kết hôn với mẹ, đòi ngủ bên cạnh mẹ. Sự khăng khít của đứa bé trai đối với mẹ hết sức đặc biệt và tình cảm đó hoàn toàn không xuất hiện đối với người cha, thậm chí nó xem người cha như một người cạnh tranh cản trở nó. Đồng thời, một đứa bé gái cũng không có những tình cảm như thế đối với mẹ.

Phức cảm Oedipe có thể trở thành một "phức cảm gia đình", khi có những đứa em trai, em gái sinh ra và chúng có vẻ thu hút sự chăm chú của mẹ hay cha. Lúc đó, đứa trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi, vì ganh tị nó có thể ao ước cho em mình chết đi. Nếu do một sự ngẫu nhiên điều ao ước của nó thành sự thật và ngay cả khi nó không thành sự thật, đứa bé khi đã trở thành người lớn đôi lúc sẽ cảm thấy mình từng phạm tội. Cũng có những hình thức khác của phức cảm gia đình, chẳng hạn như đứa bé gái thay thế người cha bằng người anh, hay thay thế con gái nó bằng đứa con mà nó ao ước có với người cha. Phức cảm Oedipe và cách nó bị kìm nén quyết định sự tiến hóa tình cảm cùng đạo đức của con người bình thường, cũng như nó quyết định những cảm tưởng phạm tội, hối hận của một số người bị bệnh tâm thần.

Đọc tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính cùng với phần ngoại truyện "Chiếc hộp của Skinner" được đăng trong cuốn Độc giả thứ bảy, ta dễ dàng nhận ra phức cảm này ở cậu bé Dương Triển với bi kịch giết cha của cậu bé.

Ngay khi còn là một đửa trẻ hai tuổi, Dương Triển đã thể hiện cảm xúc không thích, thậm chí là căm ghét cha mình bởi Dương Cẩm Trình ngăn cản cậu gần gũi, vui chơi với người mẹ. Mẹ Dương Triển mắc bệnh hiểm nghèo, phải vào viện chữa trị và gần nửa tháng trời, Dương Triển không được gặp mẹ mình. Với một cậu bé mới có hai tuổi, việc thiếu đi hơi ấm cùng sự hiện diện vốn dĩ đã trở nên rất quen thuộc với nó là một điều hết sức khó khăn và khó có thể chấp nhận. Như bà ngoại của Dương Triển từng nói: "Nửa tháng nay nó không nhìn thấy mẹ, ngày nào nó cũng hỏi mẹ cháu đâu rồi, thì mẹ biết trả lời nó ra sao?" [6; 447], biết trả lời thằng bé ra sao trong trường hợp này? Để rồi sau nửa tháng không được gặp mẹ, Dương Triển được bà đưa vào chơi với mẹ chưa được bao lâu thì bị người cha mà cậu bé hầu như chẳng bao giờ gặp gỡ, gần gũi, thân thiết – Dương Cẩm Trình ngăn cản, cấm đoán bằng một thái độ hết sức hằn học và thù địch: "Dương Cẩm Trình hơi cau mày, đặt cái túi nilon xuống bên giường rồi đưa tay ra bế chú bé", "Dương Cẩm Trình vừa lúng túng vừa bực mình, anh nói với bà: "Mẹ ơi, sao mẹ lại đưa thằng bé vào bệnh viện làm gì? Ở đây náo loạn đủ thứ... nó còn bé tí...", "Dương Cẩm Trình nhìn trách bà mẹ, rồi lại nhìn đứa bé đang quấy khóc, anh càng thêm bức xúc" [6; 447]. Với một cậu bé hai tuổi bấy giờ, Dương Triển không thể hiểu được lí do tại sao bố lại ngăm cấm cậu vui chơi với mẹ. Tiếng khóc của Dương Triển bật lên vừa là sự ấm ức, phản đối, phản kháng của cậu với Dương Cẩm Trình; vừa là cách cậu bé thu hút sự chú ý, tình thương, sự đồng tình của những người xung quanh. Mối bất hòa giữa Dương Triển và Dương Cẩm Trình đã bắt đầu nhen nhóm, tích tụ từ lúc này.

Lôi Mễ không viết nhiều về quãng thời gian từ khi Dương Triển hai tuổi đến khi cậu bé mười tuổi nhưng quãng thời gian đó với cậu bé hẳn không dễ dàng gì. Mất đi sự quan tâm, yêu thương của người mẹ, quá trình phát triển của Dương Triển vốn đã không bình thường như những cậu bé lớn lên trong vòng tay, sự đùm bọc, chở che của người mẹ; người ở gần cậu nhất hiện tại, cha cậu lại không quan tâm, không chú ý, luôn suy nghĩ cực đoan với cậu. Trong quan hệ với Dương Cẩm Trình ở lứa tuổi mười tuổi thiếu đi hơi ấm người mẹ, Dương Triển như đã không còn sự thù địch với người cha mà thứ cậu bé muốn tìm kiếm ở người cha luôn bận rộn ấy chỉ là sự chú ý, sự quan tâm hay đơn thuần chỉ là cảm giác của gia đình, một chút hơi ấm từ mối quan hệ cha – con để bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm của người mẹ. Mọi việc làm nổi loạn của Dương Triển hầu như chỉ nhằm mục đích khẳng định sự tồn tại của bản thân trong đời sống của Dương Cẩm Trình: cố tình đánh mất chìa khóa, quậy phá trên lớp, đánh nhau với bạn thậm chí là phá hoại tài sản của cha... Nhưng đổi lại hi vọng của Dương Triển, đổi lại mong muốn được chú ý, quan tâm của cậu bé chỉ là những trận đòn roi, mắng chửi của người cha. Hình ảnh cậu bé Dương Triển ngồi một mình trên chiếc giường trong đêm tối, lặng lẽ lôi những đồ ăn thừa ra ăn với vẻ mặt thỏa mãn mới thật xót xa, cay đắng. Mỗi tháng Dương Cẩm Trình đều cho Dương Triển rất nhiều tiền nhưng đâu biết rằng cậu bé cần không phải là tiền tiêu vặt hay đồ dùng vật dụng đắt tiền mà là cuộc sống hạnh phúc, một gia đình đầm ấm, được người thân quan tâm, được vui chơi, cười đùa vô tư như bao đứa trẻ khác. Dương Triển dùng bạo lực bắt Hạ Kinh nhận chiếc cặp sách đắt tiền của cậu bé để đổi lấy chiếc cặp sách cũ rẻ tiền ngoài vì để cha chú ý còn bởi niềm yêu thích hết sức trẻ thơ với hình ảnh siêu nhân đầy sặc sỡ.

Không tìm được hơi ấm trong ngôi nhà lạnh lẽo, niềm vui trong ngồi nhà chỉ có người cha thường xuyên đánh mắng nhưng Dương Triển đã tìm thấy hình ảnh đó ở một nơi hoàn toàn khác: Thiên sứ đường của thầy Châu – một cô nhi viện tập hợp những đứa trẻ bị xã hội bỏ rơi nhưng lại sống với nhau như một gia đình hạnh phúc, luôn ngập tràn niềm vui, tiếng cười. Trước cánh cổng của Thiên sứ đường thường xuyên xuất hiện hình ảnh cậu bé Dương Triển nhìn vào khoảng sân có những đứa trẻ nói cười bằng ánh nhìn đầy khao khát. Cánh cổng ngăn cách kia như là sự ngăn cách giữa hai thế giới với cậu bé: một thế giới mơ ước của Dương Triển với một bên là thực tại gia đình đang chờ cậu bé trở về.

Và ở nơi mang tên Thiên sứ đường ấy, cậu bé tìm thấy sự ấm áp trong cách đối xử của một người con gái – Liêu Á Phàm. Cô gái đấy không chỉ quan tâm đến những vết đỏ do khóc, do bị đánh của cậu bé: "Bỗng nhiên một bàn tay đặt lên má nó, nhẹ nhàng xoa lên những vệt đỏ. Theo bản năng thằng bé định né tránh nhưng cảm thấy bàn tay ấm áp và mềm mại quá nên nó chỉ hơi nghiêng đầu rồi ngoan ngoãn đứng im" [5; 221] mà còn cho cậu bé ăn, dầu chỉ là bánh bao nhân rau thôi nhưng có lẽ, trong suốt quãng thời gian mất mẹ, đây là món ăn Dương Triển cảm thấy ngon nhất: "Thằng bé cẩn thận cắn một miếng bánh, tiếp đó nó cắn từng miếng to" [5; 253]. Nhất là cô gái đó đã từng cười và nói cảm ơn với Dương Triển. Tất cả, như gợi lại, khơi dậy lên một thứ tình cảm gì đó rất đỗi xa xôi trong Dương Triển ngày trước. Tiếng khóc gọi mẹ đầy thương tâm của cậu bé khi bị bố đánh, dường như giờ đây tiếng gọi ấy đã trở thành hiện thực: bóng hình người mẹ ngày trước như đã hiện hữu ở cô gái này. Tình cảm Dương Triển dành cho Liêu Á Phàm chính là tình cảm muốn được nhận yêu thương, đồng thời cũng muốn bảo vệ chở che người mẹ. Với Dương Triển, Liêu Á Phàm chính là người mẹ thứ hai quan tâm, chăm sóc, thương yêu cậu bé.

Ngay trong hoàn cảnh đó một lần nữa Dương Cẩm Trình lại hiện lên cướp đi người mẹ thứ hai của Dương Triển. Trong tiềm thức của cậu bé, người cha ấy đã ngăn cản cậu và mẹ vui chơi, gần gũi với nhau, người cha ấy cũng không quan tâm đến mẹ cậu khi mẹ cậu ốm ở bệnh viện, càng không chú ý hay chăm lo cho cậu khi mẹ cậu qua đời. Và bây giờ, người mà cậu vẫn gọi là cha lại muốn chia rẽ cậu với người mẹ thứ hai một lần nữa. Cảm xúc ghét cha xuất hiện ngày còn thơ bé, tích tụ qua những năm sống chung của hai cha con đã bùng phát thành bi kịch như bi kịch Oedipe ngày trước. Nhưng bi kịch của cậu bé Dương Triển có lẽ còn đau thương hơn cả Oedipe ngày xưa khi Oedipe là vô tình giết cha lấy mẹ, hành động đó mang tính sấm truyền và định mệnh. Còn trong trường hợp của Dương Triển, cậu bé hiểu, ý thức, nhận định hết sức rõ ràng mối quan hệ giữa cậu và Dương Cẩm Trình nhưng cậu vẫn đi đến hành động giết cha. Bởi thế, tính bi ở hành động sát nhân của Dương Triển lại càng thêm sâu sắc, đau đớn và xót xa.

Nỗi đau tâm lí, mặc cảm Oedipe đẩy cậu bé Dương Triển đến con đường sát nhân có xuất phát điểm sâu xa từ cuộc sống thiếu mẹ, nhưng chính sự thờ ơ, thiếu quan tâm của người cha lại càng làm sâu thêm nỗi đau ấy. Những sự quậy phá, ương bướng của Dương Triển cũng chỉ vì muốn được quan tâm, được cha mình chú ý. Nếu Dương Cẩm Trình có thể sẻ chia chút ấm áp, yêu thương cho người con trai của mình, chịu lắng nghe Dương Triển nói lên tiếng nói của bản thân, khỏa lấp đi nỗi trống vắng thiếu mẹ của thì có lẽ, bi kịch sẽ không xảy đến với cậu bé.

2.1.3. Kẻ tự yêu chính mình.

Trong tiểu thuyết trinh thám, những tên tội phạm nguy hiểm nhất lại thường là những kẻ có tài năng và tự tin vào bản thân mình nhất. Chính vì lòng tự tin thái quá đó mà họ tự cho mình quyền thay trời hành đạo hay quyền quyết định sinh mệnh người khác. Như Dexter trong series cùng tên của Jeff Lindsey hay Eumenides trong series Bản thông báo tử vong của Chu Hạo Huy và Trần Triết, Dương Cẩm Trình trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính. Nếu như Trần Triết coi sinh mạng con người như một nấc thang để tiến thân trên con đường công danh sự nghiệp thì Dương Cẩm Trình thực sự đã coi bản thân hắn như thần linh có thể nhào nặn nhân cách, hành vi, tâm lí con người. Và kết cục cho những tham vọng xuất phát từ lòng tự luyến ấy đến với những kẻ như vậy luôn là sự tự hủy diệt.

"Dục năng (libido) không chỉ hướng về người khác như cha hay mẹ mà còn lấy cái tôi của nó làm đối tượng tình yêu: đó là xu hướng mà Freud gọi là lòng quá tự yêu. Lòng quá tự yêu chỉ định sự đổi hướng của dục năng về thân thể và con người của cá thể. Khi lòng quá tự yêu xuất hiện trở lại nơi người lớn do một sự thoái lui và khi người này thay thế đối tượng tình dục bên ngoài bằng thân thể của chính mình, thì đó là một sự lệch hướng. Theo Freud, lòng quá tự yêu không bao giờ biến mất, nó được đặt ở mức độ phụ huy bị kìm nén nơi một người bình thường. Chính cái dục năng bình thường cũng có thể trở lại với cái tôi. Giấc ngủ thể hiện tình trạng đó: dục năng rút khỏi các đối tượng và đi vào cái tôi. Theo Freud, người ngủ tạo lại cái tâm trạng hoàn toàn sung sướng của lòng quá tự yêu tuyệt đối, tức là lòng quá tự yêu của chúng ta trong đời sống một bào thai" [4; 59, 60].

Trong series tiểu thuyết trinh thám tâm lí học tội phạm của Lôi Mễ, kẻ phạm tội cuối cùng, tên tội phạm nguy hiểm nhất luôn là kẻ có lòng yêu chính mình đến cuồng si nhất. Chúng có tài năng, học thức bởi vậy chúng luôn muốn sự công nhận của xã hội, muốn tiền tài, địa vị, danh vọng xứng đáng với tài năng của chúng. Những con người tài năng nhưng cuồng vọng về bản thân như vậy là những kẻ thật đáng sợ.

Khác với Độc giả thứ bảy, Đề thi đẫm máu trước đó hay Sông ngầm, Ánh sáng thành phố sau này chỉ có một kẻ tội phạm đứng đầu, đấu trí với phía người điều tra; Cuồng vọng phi nhân tính có hai kẻ tự yêu chính mình, cuồng vọng vào bản thân rồi dẫn đến những bi kịch chồng chất lên bi kịch: Trần Triết và Dương Cẩm Trình.

Trần Triết là phụ tá của Dương Cẩm Trình ở Viện nghiên cứu tâm lí, kẻ đứng sau thao túng những vụ án giết người liên hoàn trong cuốn truyện. Thực sự, Trần Triết rất giỏi. Tài năng của hắn đã từng được Châu Chấn Bang phát hiện trong quá khứ, được Phương Mộc nhìn nhận lại lần nữa trong hiện tại khi anh đã phải thừa nhận kẻ cầm đầu tổ chức hỗ trợ giết người, tổ chức những màn giết người trả thù đầy tinh vi và kin kẽ là một kẻ: "Biết rất rõ cách điều trị kịch tâm lí" [5; 527]. Và chính bản thân Trần Triết là kẻ hơn ai hết ý thức rõ nhất tài năng của mình. Cũng bởi vậy mà hắn luôn cảm thấy không thỏa mãn với địa vị hắn đang có, hắn luôn đố kị với Dương Cẩm Trình dù hàng ngày luôn cúi mình trước gã. Ánh nhìn Trần Triết khi nhìn Dương Cẩm Trình vừa là sự ngưỡng mộ, cũng là sự ghen ghét, thèm muốn những gì Dương Cẩm Trình đang có. Vì thế, hắn tập hợp những người từng là nạn nhân của Giáo hóa trường thành một tổ chức hỗ trợ giết người với mục đích giết người diệt khẩu nhằm làm thất bại kế hoạch "Giáo hóa trường", tiến đến uy hiếp và lật đổ Dương Cẩm Trình.

Tác giả Lôi Mễ không nêu rõ quá trình Trần Triết đã liên hệ với những đối tượng từng là đối tượng thực nghiệm của kế hoạch Giáo hóa trường như thế nào nhưng chỉ qua những miêu tả thoáng qua từ điểm nhìn của Dương Cẩm Trình khi phát hiện Trần Triết có biểu hiện lạ, ta cũng có thể hiểu hắn đã chuẩn bị cho kế hoạch này kĩ đến như thế nào. Và trong quá trình Trần Triết hành động, ta dễ dàng nhận ra óc phán đoán sắc sảo, nhận định tình hình nhạy bén, khả năng ứng phó tình huống mới phát sinh linh hoạt, sự nắm bắt tâm lí con người một cách chính xác của hắn. Với tập hồ sơ trong tay cùng diễn xuất vào vai người đồng cảnh ngộ với những đối tượng thực nghiệm của Giáo hóa trường, Trần Triết dễ dàng lấy được niềm tin của họ. Đồng thời, bằng sự hiểu biết tâm lí, hắn dễ dàng giật dây, điều khiển những đối tượng kia như những con rối giết người cho hắn qua hình thức cám dỗ đầy mê hoặc: quá trình trị liệu tâm lí. Vốn không có bất cứ bằng chứng nào có thể buộc tội được Trần Triết, thậm chí đến cuối truyện nếu không có Dương Cẩm Trình gài bẫy hắn, Phương Mộc và các cảnh sát cũng không biết được kẻ đứng sau tổ chức hỗ trợ giết người kia là ai.

Học vấn, tài năng, hiểu biết của Trần Triết sẽ thật quý giá nếu hắn dùng nó để thực sự cứu người. Nhưng đáng tiếc thay, Trần Triết càng ý thức được tài năng mà hắn có, sự vọng tưởng về bản thân trong hắn lại càng lớn. Sự nhiệt tình đến không vụ lợi trong câu trả lời của cậu sinh viên ngày nào khi được Châu Chấn Bang hỏi có muốn chui vào hộp Skinner làm đối tượng thực nghiệm không: "Vì em muốn cải tạo thế giới này [...] Giống như Skinner đã nói, nếu muốn để cho ngành tâm lí học có được ảnh hưởng to lớn thì nhất định phải hành động" [6; 455] qua thời gian đã thay đổi theo địa vị mà Trần Triết đạt được. Từ cậu sinh viên đến Sở Nghiên cứu tâm lí xin làm thực tập sinh đến chức Trợ lí chủ nhiệm, một quá trình phấn đấu khẳng định bản thân của Trần Triết; và sự tự tin ngày nào đã hóa thành sự ngạo mạn, tự kiêu. Những khi Dương Cẩm Trình đi vắng, hắn luôn lẻn vào phòng làm việc của Dương Cẩm Trình để tận hưởng cảm giác khoái lạc tưởng tượng khi ở trong vị trí đó. Đỉnh điểm khi tổ chức hỗ trợ giết người mà Trần Triết đứng đầu tan rã, hắn đã phi tang mọi chứng cứ trong đó có La Gia Hải cùng tập tài liệu anh lấy từ hắn, đến thẳng chỗ Dương Cẩm Trình đề xuất: "Tôi yêu cầu anh hãy để cái ghế chủ nhiệm sở Nghiên cứu tâm lí lại cho tôi và chuyển hết cho tôi những thành quả nghiên cứu đang hoàn thành" [5; 542]. Với hắn, những nạn nhân của Giáo hóa trường chỉ là công cụ để hắn tiến thân: "Tập tài liệu này có thể làm cho anh thân bại danh liệt, nhưng cũng có thể làm cho tôi bay lên tận trời xanh. Tôi sẽ thay anh trở thành kẻ đầu não ở sở Nghiên cứu này, cũng sẽ giành được địa bị học thuật và vinh dự xưa nay chưa từng có. Nhưng trước mắt, tôi cần phải làm cho những kẻ biết được sự việc này phải ngậm miệng lại" [5; 544]. Trần Triết đã quá tự tin vào tài năng của bản thân, cũng quá mức cuồng vọng vào tài năng ấy. Bởi thế hắn đi sai đường đồng thời lợi dụng người khác vì mục đích trục lợi, trở thành một tên tội phạm thao túng kẻ khác giết người diệt khẩu máu lạnh.

Nhưng tất cả tấn bi kịch này đều xuất phát từ dự án Giáo hóa trường, với những vọng tưởng tốt đẹp ban đầu của Châu Chấn Bang. Giáo hóa trường là tâm huyết nửa đời người của ông. Ông lão ấy đã từng say sưa nói với người học trò yêu của mình là Dương Cẩm Trình về viễn cảnh nếu dự án đó thành công. Là người đi qua đau thương của cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản, mục đích lập nên Giáo hóa trường ban đầu của Châu Chấn Bang dẫu là sự say mê thành tựu học thuật của người đứng đầu Sở nghiên cứu tâm lí nhưng xuất phát điểm ông xây dựng lên nó vẫn dựa trên mục đích tốt đẹp: vì sự phát triển của loài người. Bởi vậy, ông lão ấy sẵn sàng đốt bỏ tâm huyết nửa đời khi thấy nó tạo nên nỗi đau cho con người. Nỗi đau Giáo hóa trường mang lại trở thành gánh nặng ám ảnh tâm trí, lương tâm của Châu Chấn Bang; là động lực để ông bỏ toàn bộ địa vị, tiền bạc để về lập nên Thiên sứ đường, nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi. Và dằn vặt cũng là nguyên nhân chính đẩy ông lão đến con đường sát nhân rồi tự kết liễu đời mình khi không thể ngừng lại những đau thương tiếp diễn. Bản thân Châu Chấn Bang từng là một người tự tin vào nhận định của bản thân về tính ứng dụng cùng vinh quang học thuật nếu dự án Giáo hóa trường dựa trên lí thuyết Chiếc hộp Skinner hoàn tất thành công. Và cũng chính và sự tự tin đó mà khi con đường của Giáo hóa trường đi ngược lại mục đích tốt đẹp ông xây dựng, nỗi đau tâm lí Châu Chấn Bang phải gánh chịu càng thêm nặng nề.

Tuy nhiên so với một Châu Chấn Bang sẵn sàng hủy bỏ tâm huyết nửa đời vì sự day dứt lương tâm nghề nghiệp thì Dương Cẩm Trình hoàn toàn khác. Hắn không dễ dàng đốt bỏ công sức, càng không dễ dàng từ bỏ vinh quang học thuật. Mỗi khi ngồi một mình trên chiếc ghế xoay trong phòng, trước mặt là cốc uống nước độc quyền của hắn, hắn lại mơ về một ngày hắn có thể làm cho ngành tâm lí học "trở nên vĩ đại". Ảo tưởng về năng lực của hắn lớn đến mức hắn tự coi mình như chúa trời với khả năng thao túng, nhào nặn thế giới, nhào nặn con người. Dương Cẩm Trình không trực tiếp giết một ai, hắn gài bẫy để Trần Triết tự sa vào và lợi dụng tay chính người thầy của hắn ngày xưa để giết chết chết gã, không có bất cứ bằng chứng nào để buộc tội hắn nhưng từ tất cả những bi kịch đã xảy ra, cũng đứng từ góc độ của kẻ tự yêu mình đến điên cuồng, hắn là tên tội phạm đáng sợ nhất. Tham vọng "thành thần" của hắn ẩn sau lớp vỏ hiền lành, nụ cười giả tạo, những mối quan hệ tốt đẹp hắn xây dựng lên trong công việc cũng như trong cuộc sống. Phương Mộc đã nói một câu rất đúng về con người Dương Cẩm Trình: "Ông không phải là muốn làm cho ngành Tâm lí học trở nên vĩ đại, ông chỉ muốn làm cho mình trở thành vĩ đại thôi" [5; 526].

Lòng tự yêu chính mình là cần thiết vì nó xây dựng nên sự tự tin, tin tưởng vào năng lực của bản thân. Nhưng nếu lòng tự yêu đó trở thành sự cuồng vọng, hoang tưởng, nó sẽ tạo nên những phản ứng tâm lí dẫn đến hành động tiêu cực. Kẻ tự cuồng vọng vào bản thân nếu đi cùng với sự thông minh, tài năng sẽ càng trở nên những kẻ khát máu đáng sợ. Trần Triết, Dương Cẩm Trình cũng như Ngô Hàm, Tôn Phổ, Tiêu Vọng, Giang Á đều bị chính tham vọng, cuồng tin của chính mình nhấn chìm xuống vực sâu của sự phạm tội.

2.2. Thế giới nhân vật người điều tra.

Trong tiểu thuyết trinh thám, song hành cùng hệ thống nhân vật tội phạm luôn là những người điều tra, giải mã những vụ án hóc búa mà tội phạm gây ra. Đó có thể là thám tử, cảnh sát, điều tra viên hay trinh sát viên...

Thế giới nhân vật người điều tra, giải mã bí ẩn ở tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính nói riêng, trong toàn bộ series trinh thám tâm lí học tội phạm của Lôi Mễ nói chung đều là những người cảnh sát với tâm điểm là người cảnh sát trẻ tài năng Phương Mộc. Đó là một thế giới cũng hết sức đa dạng với những con người luôn phải đối mặt với các vụ án giết người nghiêm trọng mà kẻ thù nấp trong bóng tối luôn vô cùng xảo quyệt. Xét đến khía cạnh phải chịu áp lực công việc, bị ức chế tâm lí trong trạng thái làm việc căng thẳng, cường độ liên tục kéo dài với những vụ án hóc búa gần như không có manh mối rõ rệt, những cảnh sát ấy luôn là những đối tượng dễ dàng chịu tổn thương tâm lí nhất.

Và Lôi Mễ đã tái hiện một thế giới nhân vật người điều tra, những cảnh sát trực tiếp tham gia vào vụ án trong Cuồng vọng phi nhân tính đầy chân thực, đời thường với những vết thương, những ám ảnh tâm lí xuất hiện trong quá trình điều tra vụ án. Những con người ấy thực sự rất khác với những vị thám tử hay cảnh sát mang đầy màu sắc anh hùng, hoàn mĩ không tì vết, phá án như thần trong truyện trinh thám cổ điển của Conan Doyle hay Agatha Christie.

Nhân vật chính trong Cuồng vọng phi nhân tính và cả series trinh thám tâm lí học tội phạm của Lôi Mễ là Phương Mộc, một chàng cảnh sát trẻ từng gặp trở ngại tâm lí nghiêm trọng khi còn là sinh viên năm ba Đại học Sư phạm thành phố C. Trong quãng thời gian này, trường đại học của Phương Mộc liên tiếp xảy ra những vụ án giết người liên hoàn với hình thức ngày càng tinh vi, hoàn mĩ hơn. Phương Mộc với cảm giác đặc biệt về vụ án đã phác họa lên tâm lí của hung thủ, phối hợp cùng cảnh sát truy bắt tội phạm. Tuy nhiên, phán đoán của Phương Mộc không hoàn toàn khớp với thực tế, anh càng không phán đoán đến trường hợp người bạn thân cùng phòng anh vẫn luôn tin tưởng – Ngô Hàm lại chính là hung thủ giết người hàng loạt. Sai lầm đó đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: đám cháy phòng kí túc xá anh ở, cái chết của những người bạn khác và chút nữa thôi anh cũng đã mất mạng. Nhất là gương mặt, tiếng cười "hô hố" của Ngô Hàm khi phóng hỏa cùng câu nói cuối cùng hắn nói với Phương Mộc: "Thực ra mày cũng như tao [...] Mày có thể chửi bới tao có tư duy như của ác ma, nhưng ở chỗ này của mày... - Hắn gõ vào thái dương của Phương Mộc - ... lẽ nảo không có hay sao?" [6; 338] đã ám ảnh anh mãi về sau. Cảnh tượng đau thương ngày đấy liên tục trở đi trở lại trong những giấc mơ của anh, đầu giường anh luôn có một con dao như một hành động để trấn an cõi vô thức vẫn còn bất an về quá khứ kể cả khi anh đã ra trường, rời khỏi thành phố C, đến thành phố J để học ngành tâm lí. Mãi đến khi đối đầu trong Đề thi đẫm máu với Tôn Phổ, một kẻ cũng như Ngô Hàm và bắn phát đạn kết liễu cuộc đời Tôn Phổ, những ám ảnh, những ác mộng dằng dai đeo bám Phương Mộc mới chấm dứt. Phát đạn ấy không chỉ có ý nghĩa chấm dứt cuộc đời kẻ thủ ác mà còn có ý nghĩa chấm dứt những dằn vặt Phương Mộc đã mang. Và nếu xét đến bối cảnh xuất hiện của phát đạn đó, hành động giết Tôn Phổ của Phương Mộc chỉ là hình thức tự vệ trong hoàn cảnh bị Tôn Phổ dồn ép.

Chính những biến cố xảy ra trong quá khứ đã ảnh hưởng rất lớn đến phong cách làm việc của Phương Mộc khi bước chân vào sự nghiệp của một cảnh sát. Điểm mạnh của Phương Mộc là sự nhạy cảm với vụ án, phân tích tâm lí tội phạm được tôi rèn qua hai lần đối đầu với Ngô Hàm và Tôn Phổ, bởi thế trong những trường hợp quan trọng, Phương Mộc gần như đều đặt nặng vấn đề tình cảm lên trước vấn đề chuyên môn. Việc gì Phương Mộc thấy đúng, anh sẽ làm kể cả việc đó có hợp với quy cách làm việc của một cảnh sát hay không. Như trường hợp của La Gia Hải, Phương Mộc bằng trực giác và quan sát đã xác định đằng sau câu chuyện La Gia Hải giết cô giáo cũ còn có những uẩn khúc khác mà anh đã quyết định thuyết phục chàng trai kia đầu hàng thay vì đưa La Gia Hải vào tầm ngắm của cảnh sát. Thái Vĩ, người cảnh sát đồng hành cùng Phương Mộc trong vụ án Đề thi đẫm máu đã rât hiểu Phương Mộc vì vậy đã nói với anh rằng nghề cảnh sát không hợp với anh bởi anh hành động quá mức cảm tính.

Và cũng bởi những ám ảnh quá khứ: chấn thương tâm lí trong vụ án Ngô Hàm ở Độc giả thứ bảy, kết liễu Tôn Phổ trong vụ án Đề thi đẫm máu mà khi tiếp xúc với vụ án trong Cuồng vọng phi nhân tính, dần khám phá ra những đau thương những tội phạm sát nhân trực tiếp trong vụ án phải gánh chịu mà Phương Mộc coi họ như những nạn nhân chứ không phải là những kẻ giết người máu lạnh. Anh dường như đã coi họ như những người hai lần bị hại: vừa là người bị hại trong kế hoạch Giáo hóa trường, vừa là người bị hại trong kế hoạch giết người diệt khẩu của tên T: "Tên T rất hiểu điều này sẽ không làm cho Khương Đức Tiên và đồng bọn thoát khỏi chứng bệnh tâm lí mà sẽ tạo ra một vết thương mới" [5; 527]. Tiếp xúc với vụ án trong Cuồng vọng phi nhân tính, hẳn vụ án ấy đã khơi gợi lại rất nhiều quá khứ trong Phương Mộc. Anh cũng không khỏi thấy hình bóng mình ngày trước trong những tên tội phạm kia để từ đó cảm thấy đồng cảm với những tội phạm giết người. Thứ xúc cảm ấy chỉ có thể xuất hiện khi Phương Mộc đứng trên lập trường của một người cũng từng bị chấn thương tâm lí, bị ác mộng trong quá khứ ám ảnh chứ không chỉ đơn thuần là lập trường của một cảnh sát đang trong quá trình điều tra để phá một vụ án giết người liên hoàn có tổ chức. Bởi vậy, cách nhìn cũng như cách anh tiếp xúc với những đối tượng ấy đầy tính nhân văn, tình người chứ không cứng nhắc như nhiều cảnh sát khác.

Cũng vì những ám ảnh quá khứ cùng ấn tượng về vết thương tâm lí hằn sâu trong tiềm thức một thời gian dài, Phương Mộc đặc biệt có cảm xúc mãnh liệt với những tên tội phạm cuối cùng, những kẻ có bộ óc thiên tài nhưng không dùng để cứu người mà dùng để giết người. Trong vụ án Cuồng vọng phi nhân tính, một lần nữa Phương Mộc đã hình thấy hình bóng của những kẻ đó trong kẻ thù trước mắt: "Không nên nghi ngờ sự vĩ đại của Tâm lí học, nhưng trong tay những kẻ có dã tâm độc ác thì sự vĩ đại của khoa học chỉ là hung khí tàn bạo mà thôi. Trên đường trở về, Phương Mộc đột nhiên nghĩ đến Tôn Phổ. [...] Tôn Phổ ngày ấy và tên T bây giờ sao mà giống nhau thế" [5; 526, 527]. Và rồi những lời Phương Mộc nói với Dương Cẩm Trình như rút ra từ tâm can của anh: "Ông không phải muốn làm cho ngành Tâm lí học trở nên vĩ đại, ông chỉ muốn làm cho mình trở thành vĩ đại thôi" [5; 526]. Cảm quan nghề nghiệp, tài năng trời phú cùng việc liên tiếp phải đối mặt với những tên tội phạm điên cuồng, ngạo mạn vừa sắc sảo trong suy nghĩ vừa tinh vi trong hành động đã tạo nên sự thấu hiểu sâu sắc về con người, tâm lí của những đối tượng này trong Phương Mộc.

Phương Mộc có lẽ không phải là một cảnh sát tốt theo nghĩa đen, có lẽ đúng như lời Thái Vĩ nói anh không hợp với nghề cảnh sát bởi sự cảm tính khi anh để tình cảm chi phối quá nhiều vào công việc . Nhưng khi đứng từ góc độ con người và góc độ tâm lí, Phương Mộc thực sự là một cảnh sát tốt. Anh không đơn thuần chỉ nghĩ làm thế nào để bắt tội phạm mà sâu xa hơn, anh muốn hiểu rõ nguyên nhân đẩy một con người lương thiện đến bờ vực trở thành một tên sát nhân để cứu giúp, cảm hóa con người ấy. Và với vị trí từng là một người gặp phải chấn thương tâm lí, chịu mặc cảm về thân phận, hơn ai hết Phương Mộc hiểu rõ nỗi đau mà những đối tượng thí nghiệm của kế hoạch Giáo hóa trường đã trải qua cùng những nỗi đau mới mà họ phải gánh chịu khi bị biến thành công cụ giết người. Vì vậy, anh có cái nhìn hết sức khoan dung và đầy tính nhân văn trước những tội phạm bị lợi dụng nhưng lại có cái nhìn hết sức gay gắt, quyết liệt với những kẻ coi thường, lợi dụng con người với mưu đồ trục lợi. Cho nên, Phương Mộc phân biệt rất rõ đâu là nạn nhân, đâu mới đích thị là kẻ thù.

Bên cạnh Phương Mộc, một cảnh sát khác cũng chịu những ám ảnh về sai lầm của mình trong quá khứ, đó là Lỗ Húc, một cảnh sát tham gia vào cuộc truy bắt La Gia Hải vượt ngục. Trong quá trình truy nã tội phạm, anh đã dính phải một vụ tai nạn nghiêm trọng, bị thương nặng nhưng quan trọng hơn cả là Lỗ Húc đã để La Gia Hải chạy thoát và làm mất khẩu súng của mình. Những vết thương trên người Lỗ Húc có thể chữa lành song vết thương đã hằn sâu vào trong tiềm thức sau đợt truy bắt thất bại của người cảnh sát đầy trách nhiệm đấy thì chẳng thể dễ dàng chữa lành như thế. Chấn thương tâm lí, mặc cảm thân phận đã trở thành trở ngại thực sự ảnh hưởng đến đời sống của anh: "Một thời gian dài không ngủ, mặc dù đã uống thuốc an thần nhưng vẫn không đỡ; dễ cáu giận; có hành vi bạo lực như đập phá đồ đạc; nhận thức cá nhân thấp; không xây dựng được lòng tự tin; không giao tiếp bình thường được với đồng nghiệp và người thân; luôn cảm thấy người khác đang đàm tiếu và miệt thị mình; người bệnh kể lại là không thể có hành động bình thường với bạn gái, chướng ngại tăng lên và "luôn cảm thấy thân thể đã tàn phế" [5; 227, 228]. Mặc dù được chữa trị kịp thời, trở ngại tâm lí gần như đã không còn ở Lỗ Húc nhưng vết hằn của mặc cảm thất bại, nhất là sự việc anh làm mất súng vẫn tồn tại trong vô thức và vô thức ấy mỗi khi gặp kích thích bên ngoài là lại trỗi dậy, chi phối hành động của anh như khi Dương Cẩm Trình gián tiếp nhắc đến lỗi lầm đó trước toàn thể đồng đội của Lỗ Húc. "Tôi, nhất định sẽ, tìm ra khẩu súng ấy" [5; 308], câu nói mà Lỗ Húc đã nói với Phương Mộc khi anh say mèm cũng là câu nói bật thốt từ vô thức, quyết tâm cùng ý chí mãnh liệt của anh. Để rồi cuối cùng anh đã đánh đổi cả mạng sống vì tâm nguyện đó.

Lỗ Húc vì theo đuổi vụ án giết người hàng loạt liên quan đến những đối tượng của kế hoạch Giáo hóa trường mà bị mắc hội chứng PTSD – hội chứng chấn thương tâm lí, gặp mặc cảm về thân phận. Bởi thế, cũng có thể coi anh là một nạn nhân tâm lí của kế hoạch này dẫu rằng anh không phải đối tượng thực nghiệm trực tiếp của Giáo hóa trường.

Phương Mộc và Lỗ Húc, hai cảnh sát làm việc ở hai bộ phận khác nhau vì một vụ án mà quen biết, gần gũi nhau. Và cũng vì những điểm giống nhau trong mặc cảm tâm lí mà họ thấu hiểu lẫn nhau. Khi Lỗ Húc hi sinh, Phương Mộc là người mang nhiều cảm xúc nhất: "Người anh em, đến kiếp sau chúng ta vẫn là anh em." [5; 472]

Cảnh sát là một trong những nhóm nghề có khả năng mắc chứng bệnh tâm lí cao nhất. Bởi cường độ làm việc cao cùng tính chất khó khăn đặc thù của nghề nghiệp dễ dẫn đến trạng thái căng thẳng tâm lí kéo dài. "Trong thời bình, hệ số nguy hiểm nhất và áp lực nghề nghiệp nhất chính là nghề cảnh sát. Hàng ngày phải đối mặt với cái chết, sự cố và phần tử tội phạm xảo quyệt, tàn nhẫn, sau một thời gian dài, trạng thái tâm lí của người cảnh sát không tránh khỏi bị ảnh hưởng" [5; 296].

Và trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính, Lôi Mễ đã tái hiện phần nào tính khắc nghiệt trong công việc của người cảnh sát cùng trạng thái tâm lí căng thẳng mà họ phải gánh chịu. Những vụ án giết người liên tiếp xảy ra ở thành phố C với địa điểm đặt xác ở những không gian công cộng đã tạo nên trạng thái hoang mang với người dân thành phố, đặt nặng vấn đề phải phá án càng sớm càng tốt lên lực lượng cảnh sát điều tra và phòng tâm lí tội phạm. Nhưng các vụ án này đều có thủ pháp, cách thức gây án hết sức tinh vi, không để lại bất cứ manh mối có giá trị nào; vì thế mà quá trình điều tra liên tiếp bế tắc và thời gian ngày một kéo dài. Sự kéo dài ấy khiến ai cũng "hết sức mệt mỏi". "Chúng ta nhất định sẽ tìm ra", câu nói của trưởng khoa Sái cũng như chính lời động viên mà những người cảnh sát nói với nhau trong suốt thời gian dài điều tra vụ án. Đến khi họ đã đi đến rất gần với việc phá được vụ án này, họ lại để cho đối tượng tình nghi một chạy thoát, một bị trọng thương, một tử vong, hai đối tượng còn lại không đủ bằng chứng kết tội; áp lực đè nặng lên lực lượng điều tra càng thêm lớn, căng thẳng chồng chất căng thẳng: "Vụt một cái đã hơn 10 ngày trôi qua. Đàm Kỷ vẫn mê man bất tỉnh. Thời gian tạm giam 30 ngày, nay chỉ còn chưa đầy nửa tháng. Nếu không tìm được chứng cứ có tính thuyết phục chỉ còn cách biến hình thức tạm giam hình sự đối với Quách Nhụy và Khương Đức Tiên thành bảo lãnh tạm tha chờ xét xẻ hoặc theo dõi nơi cư trú, nhiều nhất cũng chỉ được theo dõi trong 12 tháng. Tổ chuyên án đứng trước một áp lực rất lớn." [5; 470]

Có thể nói, khi xây dựng thế giới nhân vật người điều tra, cụ thể là những người cảnh sát, tác giả Lôi Mễ đã xây dựng được một thế giới hết sức chân thực. Những nhân vật đó không phải không có trở ngại, càng không phải là siêu anh hùng có thể giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong mọi tình huống. Những cảnh sát ấy cũng chỉ là những con người bình thường, chịu áp lực công việc, chịu những tác động bên ngoài dẫn đến tổn thương và mắc các chứng bệnh về tâm lí. Xây dựng lên thế giới nhân vật người điều tra như vậy, Lôi Mễ đã cho người đọc một cách nhìn khác về nghề cảnh sát nói chung, nhân vật điều tra trong truyện trinh thám nói riêng: một cách nhìn rất đời thường, rất người chứ không phải nhìn nhận họ như những con người phi thường, xa rời thưc tế.

2.3. Nhân vật liên đới đến vụ án.

Trong một vụ án, có những người không trực tiếp tham gia vào quá trình phạm tội hay phá án nhưng họ lại có mối liên hệ, thậm chí liên quan mật thiết đến vụ án. Kế hoạch Giáo hóa trường kéo dài hàng chục năm đã cuốn biết bao con người vào guồng quay của nó. Và có những nhân vật, không trực tiếp trở thành đối tượng thực nghiệm nhưng họ vẫn phải chịu ảnh hưởng từ kế hoạch ấy.

Đó là cô Triệu, một người phụ nữ mất con, mất chồng vì kế hoạch Giáo hóa trường. Con trai cô – Đường Duy là một đối tượng thí nghiệm của Giáo hóa trường. Thằng bé vì chịu không nổi thương tổn tâm lí đã dẫn đến hành động nhảy lầu tự sát, chồng cô vì hoảng loạn mà cũng nhảy xuống theo con. Hai cái chết diễn ra liên tiếp, cô Triệu mất nhà, mất cả gia đình. Đến khi cô được thầy Châu (Châu Chấn Bang) đưa về làm giúp việc ở Thiên sứ đường, cô cũng không bao giờ đóng cửa phòng nơi để bàn thờ Đường Duy với niềm tin con trai cô sẽ trở về. Sự cố chấp ấy của cô Triệu cũng chính là một biểu hiện của sự tổn thương tâm lí – phức cảm về thân phận bởi sai lầm của quá khứ khi cô đã không tin tưởng, quan tâm đến con trai khi Đường Duy có biểu hiện lạ nên đã dẫn đến kết quả đau thương. Cô Triệu không biết đến kế hoạch Giáo hóa trường, cô chỉ biết rằng vì sự sơ sót của cô mà con trai cô ra đi. Và đó mãi mãi là vết thương tâm lí hằn sâu trong vô thức cô Triệu không thể xóa mờ. Bản thân cô Triệu cũng là một nạn nhân gián tiếp hết sức đáng thương của trường giáo hóa tâm lí kia.

Đó là Liêu Á Phảm, cô gái đã mất cả gia đình trong vụ án Ngô Hàm ở phần Độc giả thứ bảy. Từng trải qua những tháng ngày sống vui vẻ bên mẹ trong mười năm thơ ấu nên khi trở thành cô nhi và sống trong Thiên sứ đường, Liêu Á Phàm vẫn không thể phát triển bình thường như những đứa trẻ khác dù nơi đó cho cô một mái nhà, có những người quan tâm đến cô. Freud quan điểm quá trình phát triển thời thơ ấu của đứa trẻ rất quan trọng, nó quyết định đến sự phát triển tính cách của đứa trẻ sau này. Tuổi thơ Liêu Á Phàm dẫu không được hưởng hơi ấm của người cha nhưng lại luôn được nhận sự quan tâm bù đắp của người mẹ và cảm nhận được niềm hạnh phúc của một gia đình. Nên khi sống ở Thiên sứ đường, cô luôn cảm thấy đó không phải nơi cô thuộc về, càng không phải là gia đình của cô. Cũng vì tuổi thơ được gần gũi với mẹ, sống ở Thiên sứ đường cùng cô Triệu chăm sóc cho hai chục đứa trẻ mồ côi ở đây nên Liêu Á Phàm dễ dàng mang đến cảm giác của một người mẹ cho Dương Triển. Liêu Á Phàm thực sự là một nhân vật hết sức phức tạp, phức tạp như chính cái tuổi mười sáu của cô: cô yêu quý Thiên sứ đường nhưng không coi đây là nhà và luôn muốn rời khỏi đây, cô mang đến cảm giác của một người mẹ cho Dương Triển nhưng lại sẵn sàng tin tưởng trao gửi tương lai cho cậu bé xa lạ ấy. Tâm lý Liêu Á Phàm đầy những biến động và giằng xé, trạng thái tâm lí xuất phát từ mặc cảm của sự mất mát mái ấm, từ sự nghi ngờ của tuổi dậy thì của cô bé.

Và đó còn là những đứa trẻ sống trong Thiên sứ đường. Chúng được Châu Chấn Bang nhận nuôi khi không còn nơi để về, không có ai để yêu thương. Thiên sứ đường cùng những đứa trẻ sống trong đó chính là nơi gửi gắm những hi vọng, mong ước nửa cuối cuộc đời của Châu Chấn Bang. Đó vừa là một sự chuộc lỗi muộn màng của ông đến với hậu thế, đó cũng vừa là hình ảnh đối lập với kế hoạch Giáo hóa trường mà ông từng xây dựng. Nếu như những đối tượng của Giáo hóa trường như những con chim, con chuột trong chiếc hộp Skinner, mất đi tự do chịu sự giáo hóa hà khắc của người chủ thì những đứa trẻ ở Thiên sứ đường, dẫu rằng chúng không còn người thân nhưng được nuôi dưỡng lớn lên khỏe mạnh một cách tự nhiên và cũng tự do nhất: "Thiên sứ có đôi cánh tự do bay lượn, không bị giáo hóa, không bị làm cho ô uế" [5; 493].

Những nhân vật liên đới đến vụ án, ít nhiều có liên quan trực tiếp tới kế hoạch Giáo hóa trường những tội phạm trong Cuồng vọng phi nhân tính ít hay nhiều họ cũng đều mang một mặc cảm hay trở ngại về tâm lí. Đó có thể là mặc cảm về thân phận, ám ảnh về những sai lầm đã xảy ra trong quá khứ; thậm chí những đứa trẻ ở Thiên sứ đường, việc nuôi dưỡng mà Châu Chấn Bang muốn đạt được nhất chính là mong chúng có thể lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, không phải chịu mặc cảm về thân phận bị bỏ rơi, không phải chịu sự tự ti vì cảm thấy mình thấp kém hơn những đứa trẻ khác.

Tiểu kết:

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính là một thế giới đầy màu sắc với đủ mọi loại người khác nhau về giới tính, độ tuổi, học vấn, nghề nghiệp... nhưng những nhân vật ấy hầu như đều có điểm chung trong trở ngại về tâm lí. Và từ góc độ phân tâm học ta có cái nhìn hết sức khác với quan điểm thông thường khi nhìn nhận, đánh giá những nhân vật trong Cuồng vọng phi nhân tính: cảm thông, bao dung và nhân ái. Tội phạm không đơn thuần chỉ là nhân vật phản diện, những kẻ cuồng sát, máu lạnh, giết người để thỏa mãn niềm vui mà họ cũng có thể là những nạn nhân bị lợi dụng cho những kế hoạch phi nhân tính. Còn cảnh sát, họ không phải là mẫu nhân vật lí tưởng hoàn toàn không có điểm yếu, họ cũng là con người, cũng có thể chịu những thương tổn tâm lí khi đối mặt với những sai lầm hay chịu sự căng thẳng lâu dài. Cả tội phạm và cảnh sát, ta nhìn nhận họ không chỉ dưới góc độ của phe chính diện hay phe phản diện mà ta nhìn họ như những con người với những góc khuất tâm lí bị tổn thương.

Chương 3: Nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính.

Để xây dựng được một thế giới nhân vật đa dạng, phong phú với những cá tính, trạng thái tâm lí riêng biệt như trong Cuồng vọng phi nhân tính, Lôi Mễ đã sử dụng kết hợp các phương pháp nghệ thuật khác nhau như khắc họa nhân vật qua ngoại hình, ngôn ngữ, hành động và tâm lí cùng tạo dựng những cặp nhân vật đối lập. Với sự kết hợp một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn các thủ pháp nghệ thuật, tác giả đã tạo nên điểm nhấn trong việc xây dựng một thế giới nhân vật với những phức cảm tâm lí khác nhau, những cá tính riêng biệt không ai giống ai trong Cuồng vọng phi nhân tính. Đồng thời, nhờ đó tác giả đi sâu vào tâm lí nhân vật để dần bóc tách những bí ẩn, những góc khuất trong thế giới nhân vật của mình.

3.1: Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ nhân vật:

Cuốn Giáo trình Lí luận văn học có viết: "Ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy, lối nói bao giờ cũng chứa đựng một tư tưởng, tình cảm của con người. Vì lẽ đó, các nhà văn thường rất chú ý khắc họa nhân vật qua lời nói của họ" [3; 131]. Tác giả Lôi Mễ trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính cũng rất chú trọng việc khắc họa thế giới nhân vật qua lời nói: từ những lời đối thoại, độc thoại đến độc thoại nội tâm của nhân vật. Và bởi Cuồng vọng phi nhân tính là một tiểu thuyết trinh thám tâm lí học tội phạm, thế giới nhân vật được xây dựng thông qua lăng kính tâm lí nên việc tạo dựng ngôn ngữ nhân vật trở thành phương tiện quan trọng để tạo nên chiều sâu tâm lí nhân vật.

Ngôn ngữ đối thoại là một phần tất yếu không thể thiếu trong tiểu thuyết trinh thám. Bởi từ những màn đối thoại giữa tội phạm – người điều tra có thể làm nổi bật lên tính cách của hai phe cùng sự căng thẳng trong màn đối đầu giữa hai bên: một bên gây án và một bên phá án, một bên tìm cách giấu giếm bí mật còn một bên tìm cách đưa bí mật ra ngoài ánh sáng. Và những màn đối thoại như vậy diễn ra với tần suất gần như dày đặc trong truyện nhưng tính chất những màn đối thoại lại không giống nhau. Ngôn ngữ đối thoại giữa hai bên đối lập: tội phạm – người điều tra không chỉ thể hiện tính cách nhân vật mà còn thể hiện trạng thái tâm lí của nhân vật đồng thời thể hiện sự thắng thế, áp đảo hay giằng co của một trong hai bên.

Như màn đối thoại giữa Phương Mộc và Đàm Kỉ ngay sau vụ án giết người bỏ xác ở mê cung. Lúc này, sự thắng thế đang nghiêng về phía Đàm Kỉ khi hắn chắc chắn Phương Mộc không có chứng cứ để buộc tội hắn và nhất là trạng thái tâm lí của hắn đang hết sức hưng phấn khi vừa thoát khỏi tình trạng ức chế tâm lí do mất phương hướng đã kéo dài cả chục năm. Hắn liên tiếp sử dụng những câu hỏi ngược lại với Phương Mộc hay cướp lời anh nhằm chiếm thế chủ động còn Phương Mộc chỉ có thể đưa ra những câu hỏi đi vào ngõ cụt vì tất cả đã nằm trong dự tính của Đàm Kỉ:

"[...] Là vụ giết người ở trong mê cung Gia Niên Hoa à?

[...] Đúng

[...]Tôi hỏi như vậy có phải là rất không có lợi với tôi phải không? [...]Tôi cho rằng anh sắp hỏi tôi: "Sao cậu biết? Hà hà" [...] Muốn biết cái gì thì hỏi đi!

[...]

Ai có thể chứng thực cho cậu?

[...] Không có ai [...] Ồ, ai mà biết được các anh đang điều tra về tôi. Tôi không thể nào làm bất cứ việc gì đều phải tìm được người làm chứng.

[...] Hôm nay hãy tạm đến đây đã. Nếu có việc gì tôi sẽ lại tìm cậu.

Tùy thôi!" [5; 142 – 145]

Nhưng với màn đối thoại giữa Phương Mộc với Khương Đức Tiên và Quách Nhụy ở cuối truyện lại thể hiện sự điềm tĩnh, thắng thế của Phương Mộc khi anh đã nắm chắc được phần thắng trong tay. Dù không có chứng cứ xác thực để buộc tội hai người kia song anh biết, hồi kết đau thương của tổ chức hỗ trợ giết người đã đến. Nhất là khi Quách Nhụy nở một nụ cười đầy đau thương và bản thân Khương Đức Tiên thừa nhận trạng thái tâm lí không hề thanh thản sau khi đã giết người:

"[...]

Toàn bộ tình hình xảy ra là như vậy [...] Hắn chính là anh T đúng không?

[...] Vì sao anh lại muốn nói với chúng tôi những điều này?

[...] Chẳng vì sao cả [...] Là một luật sư anh thừa biết chúng tôi không đủ chứng cứ để khởi tố anh. Nhưng việc này không can hệ gì, tôi chỉ cảm thấy nên nói cho anh chị biết rõ chân tướng vụ việc.

[...] Cảnh sát Phương!

Hả? [...] Anh nói đi!

[...] Thực ra sau khi giết người xong, tôi cũng không cảm thấy thanh thản. Tôi tin rằng những người khác cũng cảm thấy như tôi.

[...] Chúng tôi thừa nhận tất cả [...] Hãy cho tôi và Quách Nhụy một ít thời gian.

[...] Tùy anh thôi!" [5; 568, 569]

Còn trong màn đối thoại giữa Phương Mộc với Dương Cẩm Trình thì tính chất giằng co gay gắt thể hiện rất rõ khi cả hai không ai chịu nhường ai một bước. Một bên ra sức thuyết phục, còn một bên ngoan cố bảo vệ quan điểm và kết quả học thuật đến cùng:

"[...]

Tiến sĩ Dương, tôi cần những tư liệu liên quan đến Giáo hóa trường.

[...] Không được! [...] Tôi không muốn nhắc lại nữa – Không thể được!

[...] Tiến sĩ Dương, tư liệu và số liệu kế hoạch Giáo hóa trường có liên quan đến mấy vụ án giết người, tôi nói để anh biết, người đứng đằng sau màn kịch anyf có tên là T, tên này đã tiêu hủy hết chứng cứ. Những tài liệu trong tay anh là hy vọng duy nhất của chúng tôi, ngoài ra [...] Người này chắc chắn ở bên cạnh anh, tôi hy vọng anh sẽ cung cấp cho chúng tôi một số đầu mối để có thể sớm tìm ra hắn.

Xin lỗi! [...] Tôi không giúp được cậu.

[...] Tiến sĩ Dương, tôi có quyền yêu cầu anh phối hợp với cảnh sát...

Nhưng tôi không có nghĩa vụ bắt buộc phải phối hợp với anh! [...] Nếu như các anh cố tình đến thì xin hãy tin rằng tôi sẽ có hàng vạn cách để các anh ra về tay không!

[...] Ông không muốn ngành tâm lí học trở nên vĩ đại, ông chỉ muốn làm cho mình trở thành vĩ đại thôi". [5; 524 – 526]

Nhưng đặc sắc trong ngôn ngữ đối thoại trong Cuồng vọng phi nhân tính không chỉ dừng lại ở màn đối đầu giữa người phá án và đối tượng gây án mà còn giữa những đối tượng gây án với nhau. Như màn đối đầu giữa Dương Cẩm Trình với Trần Triết ở Chương 35 Kế trong kế khi Trần Triết đến uy hiếp yêu cầu Dương Cẩm Trình nhường lại toàn bộ địa vị cùng vinh quang học thuật cho hắn. Đến đây, Trần Triết đã không còn dùng những câu nói nhún nhường đầy kính nể với Dương Cẩm Trình nữa mà thường xuyên dùng những câu nói có tính chất ra lệnh: "Tôi yêu cầu anh hãy để cái ghế chủ nhiệm sở Nghiên cứu Tâm lí lại cho tôi và chuyển hết cho tôi những thành quả nghiên cứu đang hoàn thành" , "Nếu như anh đã cầm vé máy bay để tuần sau đi tham gia hội thảo nghiên cứu quốc tế thì tốt nhất cũng nên đưa cả cho tôi", "Bởi vì cái này [...] Giáo hóa trường" [5; 542]. Bản chất tham lam, khát cầu địa vị, danh vọng của một kẻ quá yêu chính mình, quá mức tự tin vào bản thân của Trần Triết đã lộ rõ. Nhưng Trần Triết càng nôn nóng, sốt ruột bao nhiêu: "Địa vị của anh! Luận văn của anh – Trần Triết gần như gào lên – Lại còn chiếc vé kia nữa" [5; 545] thì Dương Cẩm Trình càng bình tĩnh bấy nhiêu. Từng lời Dương Cẩm Trình nói ra không mang sắc thái tự cao tự đại như Trần Triết song lại có sức nặng của một kẻ không những tự tin mà còn là kẻ đã biết hết tất cả, ánh nhìn của người bề trên nhìn xuống kẻ bề dưới một cách đầy coi thường: "Tôi có thể gọi cậu là anh T được không?" [5; 543], "Cậu nghĩ tôi sẽ tố cáo cậu à?" [5; 544], "Tôi đề nghị cậu hãy đọc cẩn thận cuốn sách này, có lẽ cậu sẽ có thể lí giải được hàm ý chân thực của ba chữ Giáo hóa trường" [5; 546], "Cậu sẽ không có được cái gì của tôi ở đây, đương nhiên tôi không thể tố giác cậu [...] Tôi sẽ đề nghị với cấp trên người thay tôi, nhưng cậu hãy tin rằng, người đó sẽ không phải cậu", "Cậu đã thích ngồi ở đây, có lẽ tôi sẽ để cậu ngồi thêm một lúc, nhưng tôi cảnh cáo cậu, không được động vào cốc uống nước của tôi" [5; 547].

Ngôn ngữ đối thoại là ngôn ngữ không thể thiếu trong tiểu thuyết trinh thám bởi từ những màn đối thoại giữa các nhân vật mà độ căng thẳng của truyện được đẩy lên cao trào, bức màn bí ẩn dần được gợi ý trước mắt độc giả và độc giả có thể dần định hình tính cách thật sự của từng nhân vật. Quả thực, khi đọc Cuồng vọng phi nhân tính, ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật khác nhau đã thể hiện rất rõ bản chất, tính cách cũng như tâm lí của từng nhân vật.

Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại – bao gồm cả độc thoại và độc thoại nội tâm cũng là yếu tố quan trọng để tạo nên tính đa dạng trong việc dùng lời nói để khắc họa chân dung nhân vật: những góc khuất, những tâm sự sâu kín của các nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính. Tuy nhiên, tương quan giữa ngôn ngữ độc thoại và độc thoại nội tâm trong cuốn tiểu thuyết không ở mức cân bằng. Những màn độc thoại, nhất là của các nhân vật tội phạm từng là đối tượng thực nghiệm của Giáo hóa trường có tần xuất xuất hiện nhiều hơn so với những liên tưởng độc thoại nội tâm gần như chỉ của người cảnh sát trẻ Phương Mộc.

Quá trình Trần Triết điều trị bằng kịch tâm lí cho những con người từng bị mang đi làm thí nghiệm cho kế hoạch Giáo hóa trường luôn có một giai đoạn hắn gọi là "làm ấm cơ thể", giai đoạn đầu tiên nhưng cũng là giai đoạn đau đớn nhất khi người tiếp nhận quá trình trị liệu phải kể lại toàn bộ quá trinh chịu tổn thương tâm lí và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của họ. Với vấn đề mà chỉ cần nghĩ đến đã khiến con người cảm thấy đau khổ, chỉ cần một ám hiệu cũng có thể đánh thức vết thương hằn sâu trong tiềm thức thì việc phải kể lại trước mặt nhiều người hẳn không dễ dàng gì. Thậm chí việc nghe kể lại nỗi đau người khác đã trải qua cũng là một trải nghiệm đầy thương tâm với người nghe. Giây phút người tiếp nhận quá trình điều trị phải kể lại thương tổn mình từng trải qua chính là giây phút họ sống lại quá khứ; hình thức như họ đang đối thoại với những người xung quanh lắng nghe họ nói nhưng thực chất họ đang độc thoại với chính mình. Đau thương song cũng là điều cần thiết để lần nữa họ nhìn lại quãng thời gian thương đau họ trải qua để có thể mạnh mẽ đối mặt với nó. Những câu chuyện quá khứ của các đối tượng nghiên cứu của Giáo hóa trường, có quá khứ đã lùi xa hàng chục năm, có quá khứ mới vài năm đổ lại nhưng tất cả đều là những vết thương tâm lí nghiêm trọng hằn sâu trong vô thức mỗi người. Đọc những dòng độc thoại của Quách Nhụy, Khương Đức Tiên, Hoàng Nhuận Hoa... mà người đọc không khỏi thương cảm. Đó thực sự là góc khuất sâu nhất trong tâm hồn, là nỗi đau vô thức được khơi gợi của những con người mắc hội chứng chấn thương tâm lí, mắc mặc cảm về thân phận. Và qua những dòng độc thoại đầy đau đớn của những tội phạm ấy, người đọc càng nhận ra, họ thực chất là những nạn nhân hết sức đáng thương của một kế hoạch tâm lí biến họ thành đối tượng nghiên cứu chứ không phải là những tên sát nhân cuồng sát máu lạnh.

Cách tác giả xây dựng lên những màn độc thoại của các tội phạm từng là đối tượng thí nghiệm của Giáo hóa trường khá đặc biệt. Ở những buổi gặp mặt chữa trị tâm lí của tổ chức hỗ trợ giết người, những con người ấy không dùng tên thật mà chỉ dùng chữ cái đầu của họ làm ám hiệu như cách họ giũ bỏ những trở ngại về xã hội để chỉ sống lại những khoảng khắc đau thương họ từng trải qua: Đàm Kỉ được gọi là Đ, Khương Đức Tiên được gọi là K, La Gia Hải được gọi là L, Quách Nhụy được gọi là Q, Hoàng Nhuận Hoa được gọi là H, Trần Triết được gọi là T. Với Trần Triết, khi lập nên tổ chức này, đặt biệt danh cho mỗi đối tượng, bên cạnh việc trị liệu có lẽ hắn còn nhằm mục đích muốn giữ bí mật về danh tính khi hoạt động, nhất là nếu sau này phải đối diện trước cảnh sát. Nhưng với những con người từng là đối tượng thí nghiệm của Giáo hóa trường, việc phân thân thân phận như vậy thực sự rất có ý nghĩa trong việc bày tỏ những góc khuất tâm lí của họ trước mặt người khác. Trong cuộc sống thường nhật, họ có thể đơn thuần chỉ là người bình thường với một vài biểu hiện bất thường không ai để ý, họ cũng không thể kể câu chuyện quá khứ mà họ cảm thấy "đáng xấu hổ" hay như một tội ác của mình với bất kì ai. Phải đến khi được tập hợp với nhau trong một tổ chức, trút bỏ thân phận đời thực để thật sự được sống đúng với bản chất là một người mắc trở ngại tâm lí, họ mới có thể nói ra những đau thương mình đã phải trải qua trong suốt quãng thời gian rất dài.

Trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính không có nhiều những đoạn độc thoại nội tâm nhưng phần nhiều những phân đoạn ấy tập trung trong việc tác giả miêu tả tâm lí nhân vật Phương Mộc. Đó là khi anh tự trách mình khi La Gia Hải vượt ngục: "Sai rồi, sai hẳn rồi. La Gia Hải xem ra không phải người đơn giản, không phải là thanh niên đơn thuần, dễ khích động như mình vẫn tưởng" [5; 164]. Đó là những phán đoán của anh về vụ án, những nghi ngờ của anh với những đối tượng khả nghi như suy nghĩ về Khương Đức Tiên: "Một người hành nghề luật sư như anh ta sao có thể để nội dung phán quyết của tòa sán khi chưa được truyền đạt, mà lại còn là phán quyết tử hình thi hành ngay? Một người hành nghề luật sư như thế sao lại có thể để một phạm nhân trọng tội tay đeo còng, sắp sửa bước vào chỗ chết lấy được vật nhọn khống chế mình?" [5; 165]. Đó còn là những suy nghĩ của một chàng trai từng trải qua hội chứng chấn thương tâm lí, mặc cảm thân phận của những sai lầm trong quá khứ để đồng cảm với những tội phạm từng là nạn nhân của Giáo hóa trường và phẫn nộ với kẻ đã lợi dụng họ để làm việc xấu: "Không nên nghi ngờ sự vĩ đại của Tâm lí học, nhưng trong tay những kẻ có dã tâm độc ác thì sự vĩ đại của khoa học chỉ là hung khí tàn bạo mà thôi. Trên đường trở về, Phương Mộc đột nhiên nghĩ đến Tôn Phổ. [...] Tôn Phổ ngày ấy và tên T bây giờ sao mà giống nhau thế! [...] Tên T rất hiều điều này (việc giết người) sẽ không làm cho Khương Đức Tiên và đồng bọn thoát khỏi chứng bệnh tâm lí mà sẽ tạo ra một vết thương mới. [...] Nhất định phải nhanh chóng tìm ra tên T, không thể chần chừ thêm một phút nào nữa" [5; 526, 527]. Những dòng suy nghĩ nội tâm của Phương Mộc đã thể hiện anh là một cảnh sát có nội tâm hết sức phức tạp khi đã trải qua không ít nỗi đau trước đó. Nhưng hơn hết, ta thấy một cảnh sát Phương có cái nhìn đầy nhạy bén với vụ án, một cách nhìn hết sức con người, nhân văn với từng đối tượng tội phạm khác nhau. Điều đó không chỉ đơn thuần là do "Trời sinh ra thế" như anh từng nói; tài năng có thể là bẩm sinh song cách suy nghĩ, nhìn nhận con người của anh lại được tạo dựng qua kinh nghiệm, qua từng sự việc thương tâm anh đã trải nghiệm.

Việc sử dụng yếu tố độc thoại và độc thoại nội tâm cùng tương quan về tần suất xuất hiện giữa chúng là một dụng ý nghệ thuật của tác giả Lôi Mễ. Đặt những nhân vật tội phạm vào tinh huống tự kể lại cuộc đời mình, tác giả đã tạo thử thách rất lớn cho nhân vật khi chính họ phải dũng cảm nhìn nhận vào nỗi đau của họ. Những màn độc thoại của các nhân vật này thường rất dài nhưng lại không liên tục mà thường xuyên ngắt quãng càng nhấn mạnh tính bi kịch trong suốt quá trình họ phải chịu đựng làm một vật thí nghiệm. Tác giả xây dựng không riêng lẻ cá nhân một ai mà xây dựng cả một nhóm người, lời độc thoại mỗi người cũng khác nhau như một cách để nói tới quy mô của kế hoạch Giáo hóa trường, đồng thời di chứng, nỗi đau mà kế hoạch đó mang đến có tính chất rộng khắp, không riêng lẻ một ai. Qua những lời độc thoại như vậy, người đọc càng hiểu thêm tâm lí bất ổn mà những con người ấy phải chịu đựng trong suốt hàng năm, thậm chí là hàng chục năm. Thế giới những nhân vật với mặc cảm tâm lí bởi thế càng trở nên sống động và nhuốm màu sắc đau thương, bi kịch hơn.

Những dòng độc thoại nội tâm, tuy không thường xuyên xuất hiện và dường như cũng chỉ tập trung ở một nhân vật nhất định là cảnh sát Phương Mộc nhưng lại có tính chất như những dấu mốc đánh dấu sự phát triển tâm lí, cách nhìn nhận, đánh giá của Phương Mộc với những vụ án mạng liên tiếp do tổ chức hỗ trợ giết người gây ra. Nếu như trước đấy anh coi họ chỉ đơn thuần là những tội phạm cần phải nhanh chóng bắt giữ về quy án thì sau khi biết về Giáo hóa trường, hiểu về đau thương mà họ phải gánh chịu, anh đã nhìn nhận họ như những con người mắc trở ngại tâm lí bị lợi dụng hết sức đáng thương.

Giữa ngôn ngữ đối thoại với ngôn ngữ độc thoại trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính cũng có sự khác biệt về tần suất xuất hiện. Tác giả Lôi Mễ dùng rất nhiều những cuộc hội thoại giữa giữa những nhóm nhân vật với nhau; và qua những cuộc đối thoại đấy, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy tính cách, quan điểm, nhất là trạng thái tâm lí của mỗi nhân vật. Đồng thời, từ hình thức ngôn ngữ đối thoại, tác giả xây dựng được một hệ thống những mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau; sự chuyển biến của ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật cũng là sự chuyển biến về thái độ, cách nhìn, tâm lí của các nhân vật với nhau. Trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám tâm lí tội phạm mà giữa các nhân vật có những mối quan hệ liên quan hết sức phức tạp như Cuồng vọng phi nhân tính, việc xây dựng thế giới nhân vật, khắc họa tâm lí nhân vật qua hội thoại thực sự là phương án tối ưu. Nhưng ngôn ngữ độc thoại không vì thế mà mất đi giá trị, bởi ngôn ngữ đối thoại có thể khái quát chân dung nhân vật nhưng muốn đi sâu vào tâm lí từng cá thể thì ngôn ngữ độc thoại lại chiếm ưu thế.

Tính linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ cùng tần suất xuất hiện của từng loại ngôn ngữ ở tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ đã góp phần tạo dựng lên những chân dung những nhân vật tâm lí hết sức khác nhau. Điều đó đã tạo nên tính đa dạng trong thế giới nhân vật của tiểu thuyết trinh thám Cuồng vọng phi nhân tính.

3.2. Nghệ thuật xây dựng ngoại hình nhân vật.

Với tiểu thuyết trinh thám, việc khắc họa nhân vật qua ngoại hình hết sức quan trọng bởi ngoại hình nhân vật không chỉ tiết lộ tuổi tác hay tạo ấn tượng ban đầu về nhân vật ấy mà còn tiết lộ thói quen sinh hoạt, nghề nghiệp, tính cách, tâm lí của người đó. Và đối với người điều tra, nhà thám tử, từ những chứng cứ bước đầu thu thập được ở hiện trường họ có thể phác họa ngược trở lại ngoại hình nhân vật để thu hẹp đối tượng bị tình nghi trong quá trình phá án.

Theo Giáo trính Lí luận văn học, khắc họa nhân vật qua ngoại hình là: "Với các thủ pháp nghệ thuật, nhà văn làm hiển hiện trước mắt người đọc hình dáng, diện mạo, tuổi tác của các nhân vật. Ở phương diện này nhà văn thường chọn lấy và mô tả những chi tiết độc đáo để gây ấn tượng với người đọc" [3, 131]. Là một cuốn tiểu thuyết trinh thám tâm lí học tiêu biểu của một nhà văn làm việc lâu năm trong nghề cảnh sát nên những dòng miêu tả ngoại hình nhân vật trong Cuồng vọng phi nhân tính hết sức tỉ mỉ đồng thời đầy sức gợi về trạng thái tâm lí cũng như tính cách của nhân vật. Những miêu tả đó xuất phát từ điểm nhìn của nhân vật chính Phương Mộc hoặc xuất phát từ chính điểm nhìn của tác giả.

Cảnh sát Hình Chí Sâm từng nhận định, đánh giá Phương Mộc là một chàng trai có thiên phú về sự nhạy bén đặc biệt đối với những vụ án và phác họa chân dung, nhất là tâm lí con người. Nhưng sự nhạy bén ấy phải xuất phát từ việc quan sát một cách có chiều sâu ngoại hình người khác, kể cả những yếu tố dẫu là nhỏ nhất của con người; nếu chỉ quan sát một cách hời hợt, Phương Mộc không thể nào có được cái nhìn tổng thể, tinh tế khiến có đối tượng anh tiếp xúc cũng phải cảm thấy ngạc nhiên, thán phục. Như từ ngoại hình của Thẩm Tương là một cô gái hay mặc váy trắng, Phương Mộc đã đoán trúng tính cách trong sáng, thuần khiết của cô từ đó đánh vào tâm lí sẵn sàng làm tất cả vì bạn gái của La Gia Hải về một Thẩm Tương, dù trở thành người đã khuất cũng không hề muốn mình trở nên hôi hám, xấu xí. Hay như từ ánh mắt bất thường, "rất hiếm thấy trên mặt một người làm luật sư" [5; 78] của Khương Đức Tiên sau lần gặp đầu tiên giữa ông ta và La Gia Hải, Phương Mộc đã nhìn thấy một trạng thái tâm lí, đấy là "sự bi thương" hiển hiện trong đôi mắt đó. Khi ấy, anh không hề hay biết "sự bi thương" kia là tâm lí của một người đồng cảnh ngộ với một người đồng cảnh ngộ nhưng có lẽ, ngay từ giây phút đó, Phương Mộc đã có ý nghi ngờ Khương Đức Tiên là một nhân vật có "vấn đề". Bởi trong hoàn cảnh đã là một luật sư nổi tiếng, việc Khương Đức Tiên tiếp xúc với La Gia Hải là hoàn toàn không còn ý nghĩa trong cả khía cạnh giúp phát triển địa vị, sự nghiệp lẫn tiền tài của ông ta. Hoặc như cô bé Liêu Á Phàm, ngoại hình của cô bé với: "nét mặt cô thể hiện sự trầm tĩnh thờ ơ, mang theo sự u buồn cô độc hiếm thấy trên khuôn mặt của các thiếu nữ đồng trang lứa" [5; 19] đã phần nào tiết lộ nỗi đau và trạng thái tâm lí hết sức cô đơn ở một cô bé đang tuổi dậy thì. Khác với những đứa trẻ khác ở Thiên sứ đường, Liêu Á Phàm từng có mười năm tuổi thơ sống trong tình thương của mẹ, nên khi mất mẹ, được Phương Mộc gửi gắm vào Thiên sứ đường, cô bé vẫn không thể nào có được cảm giác ấm áp ngày thơ bé. Chưa kể, Liêu Á Phàm đang trong độ tuổi dậy thì, sự thay đổi môi trường sống từ một mái ấm gia đình đến một nơi xa lạ với những người không chung huyết thống càng khắc sâu thêm nỗi buồn và sự cô độc trong cô. Ngoại hình, gương mặt với sự trầm tĩnh thờ ơ, u buồn cô độc không chỉ khác với những cô gái đồng trang lứa mà còn đối lập hẳn với sự vui tươi, hồn nhiên của những cô bé, cậu bé khác tại Thiên sứ đường đã càng tiết lộ nội tâm của Liêu Á Phàm: với cô bé, Thiên sứ đường có thể là nơi để ở nhưng đó vĩnh viễn không phải là nhà, là mái ấm cô cần.

Bên cạnh việc xây dựng chân dung nhân vật qua những phác họa ngoại hình từ điểm nhìn của cảnh sát Phương, bằng điểm nhìn của người trần thuật, tác giả Lôi Mễ gần như đi vào từng hình tượng nhân vật để miêu tả ngoại hình của họ. Một điểm dễ nhận thấy, Lôi Mễ không miêu tả quá nhiều nhưng những chi tiết đều hết sức gợi mở. Như việc miêu tả ngoại hình của Dương Cẩm Trình trong một lần thị sát tại Sở nghiên cứu tâm lí ông ta đứng đầu: "Vừa bước ra khỏi cửa, mọi nỗi mệt mỏi trên khuôn mặt Dương Cẩm Trình bỗng nhiên biến mất. Trông ông như luôn luôn tràn đầy sinh lực, một chủ nhiệm Dương khoan dung mà không mất đi vẻ anh minh, dí dỏm nhưng không mất đi vẻ uy nghiêm" [5; 63, 64]. Hiểu một cách đơn giản, sự thay đổi hoàn toàn ngoại hình của Dương Cẩm Trình từ một người mệt mỏi thành một người tràn đầy sinh lực có thể chỉ là do tâm lí không muốn mang vẻ mệt mỏi của bản thân để tạo áp lực với người khác. Nhưng càng đọc cuốn tiểu thuyết, ta càng nhận thấy sự thay đổi đó không đơn thuần chỉ là như vậy. Tất cả đều thể hiện tâm lí yêu bản thân, coi trọng hình tượng bản thân một cách quá mức; thậm chí thể hiện rõ quan điểm ngông cuồng như ông ta từng nói với Châu Chấn Bang: "Người lãnh đạo nhân loại trong tương lai sẽ phải có một khuôn mặt hoàn mĩ" [5; 502], trong bất cứ đâu, bất kì hoàn cảnh nào khi đối mặt với người khác.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính hết sức đa dạng, mỗi người một nghề nghiệp, một cá tính, gặp phải trở ngại về tâm lí khác nhau nhưng ngoại hình mỗi nhân vật không ai giống ai. Ngoại hình các nhân vật vừa thể hiện tuổi tác, nghề nghiệp, gia cảnh vừa thể hiện những trạng thái tâm lí khác nhau. Và thông qua việc tạo dựng thế giới nhân vật từ khắc họa ngoại hình trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính, tác giả Lôi Mễ đã phần nào thể hiện được những mảng tối, những trạng thái tâm lí đầy bất ổn và biến động của các nhân vật.

3.3. Nghệ thuật xây dựng hành động, tâm lí nhân vật.

3.3.1. Nghệ thuật xây dựng hành động nhân vật.

Với tiểu thuyết trinh thám, người điều tra có thể từ hành động, cử chỉ dù là nhỏ nhất của đối tượng nghi vấn để suy đoán suy nghĩ, tâm lí của đối tượng ấy. Giáo trình Lí luận văn học có viết: "Xét cho cùng thì hành động là thước đo chính xác nhất tư cách của con người. Thông qua hành động của nhân vật người đọc thất được bản chất của nhân vật. Vì vậy, trong khi xây dựng nhân vật, các nhà văn bao giờ cũng dành một phần quan trọng để khắc họa hành động" [3, 131].

Trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính, hệ thống nhân vật hết sức đa dạng, bên cạnh hai tuyến nhân vật chính là người điều tra và tội phạm còn có những đối tương liên đới đến vụ án nên việc khắc họa hành động nhân vật để có thể tạo nên những cá thể riêng biệt là một trong những yếu tố quyết định thành công của câu chuyện. Thật sự tác giả Lôi Mễ đã khắc họa được những hành động không chỉ là đặc trưng cho từng cá nhân mà qua hành động ấy còn thể hiện một trạng thái tâm lí, tinh thần của nhân vật.

Như Dương Cẩm Trình, trong mắt những người ở Sở nghiên cứu tâm lí, hắn luôn là một người chủ nhiệm lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện với nhân viên trong những lần đi thị sát hàng ngày. Bản thân hành động đi thị sát và quan sát nhân viên làm việc đã thể hiện tâm lí tự yêu chính mình của hắn, thậm chí hắn đang coi mình như một vị chúa tể ở một vương quốc nơi hắn đứng đầu. Nhưng đối với đứa con trai duy nhất, Dương Cẩm Trình không có ánh nhìn yêu thương, thân thiện như với nhân viên. Với Dương Triển, sự đối đãi của Dương Cẩm Trình dành cho cậu bé chỉ là sự hằn học, thù địch cùng những cơn thịnh nộ, đòn roi hàng ngày. Hắn nói, sự cố gắng để có thành tựu trong học thuật, địa vị trong giới tâm lí là vì Dương Triển: "Đồ ngu! Bố mày vất vả thế này là vì cái gì? Không phải vì mày thì vì con mẹ mày à?" [5; 573] nhưng hành động lại không thể hiện điều đó. Hắn mua cho Dương Triển chiếc cặp sách đắt tiền song lại không biết con trai mình dùng cặp sách nào. Hắn mua đồ ăn cho con trai nhưng khi nhìn cách ăn của con trai hắn lại chán ghét. Hắn cho Dương Triển mỗi tuần cả nghìn tệ để tiêu vặt nhưng đổi lại là những trận đòn roi trút lên người cậu bé mỗi khi cậu bé nổi loạn. Đỉnh điểm khi Dương Triển gào khóc không muốn ra nước ngoài, Dương Cẩm Trình đã: "tát thằng con trai, tát cho nó hai cái thật mạnh, lại đá văng nó vào góc nhà [...] tiện tay bê bể cá trên bàn, ném mạnh về phía nó" [5; 572]. Những lời nói cùng hành động của Dương Cẩm Trình đã thể hiện một trạng thái tâm lí hết sức bất ổn. Dương Triển là con trai của hắn với người vợ quá cố, người vợ mà hắn đã bỏ lại với căn bệnh hiểm nghèo để theo đuổi kế hoạch Giáo hóa trường, người vợ mà hắn đã phản bội để làm chuyện đồi bại với cô bé Thẩm Tương hòng thu được kết quả thực nghiệm như mong muốn. Dương Triển, vô hình chung đã trở thành đối tượng khơi gợi phần kí ức đau thương mà hắn không muốn nhìn lại trong quá khứ. Sự bạo hành của hắn lên Dương Triển chỉ là cách để hắn giải tỏa mặc cảm về sai lầm, mặc cảm với người vợ hay thậm chí là sự chối bỏ trách nhiệm với một hành động mất tính người. Bản thân Dương Cẩm Trình ngoài là một kẻ tự yêu chính mình đến cuồng si còn là một kẻ cũng có những ẩn ức đau thương hằn sâu trong vô thức. Hắn có thể chẩn đoán và điều trị chứng bệnh tâm lí cho người khác nhưng bản thân hắn lại không thể tự điều trị cho chính mình, càng không thể tỉnh táo để nhìn thấy những bất ổn trong tấm lí người con trai để có phương hướng điều trị kịp thời cho thằng bé.

Bên cạnh Dương Cẩm Trình là cậu bé Dương Triển, những hành động bạo lực cùng sự thờ ơ của người cha đã tạo dựng lên tính cách cùng hành động mang tính chất nổi loạn, chống đối hết sức rõ rệt ở Dương Triển. Cả câu chuyện, hầu như Dương Triển rất ít nói, chủ yếu cậu bé hiện lên qua những miêu tả về hành động, cử chi, ánh mắt. Thằng bé thường xuyên đứng rất lâu ở ngoài cổng, dõi ánh mắt để nhìn những đứa trẻ ở Thiên sứ đường hồn nhiên chạy nhảy, vui cười nhưng khi nhận được sự quan tâm, hỏi thăm của những người ở Thiên sứ đường, nó lại rụt rè, thậm chí là chạy trốn. Thằng bé cũng không ít lần đánh nhau với bạn vì muốn đổi món đồ đắt tiền của nó lấy món đồ rẻ tiền nhưng dễ thương của bạn bè. Khi bị bố đánh, thằng bé cũng hết sức cam chịu, bất quá nó gào khóc kêu tên mẹ trong vô thức rồi chạy trốn vào phòng khóa trái cửa. Bố nó cấm cơm nó, thằng bé lôi hộp thức ăn dự trữ trong gầm giường ra thong thả ăn với gương mặt mãn nguyện. Nó thường xuyên "đánh mất" chìa khóa để bố nó mở cửa, cũng nửa đêm lặng lẽ mở cửa phòng chạy đi phá xe của bố. Dương Triển ngay từ khi còn là một cậu bé hai tuổi đã mất đi hơi ấm của mẹ, trong mắt nó, Dương Cẩm Trình vừa là cha nhưng cũng là kẻ có tội khi đã bỏ rơi mẹ nó, ngăn cản nó được gần gũi với mẹ trong những phút cuối cùng; chưa kể từ khi Dương Triển mất mẹ đến khi cậu bé mười tuổi, Dương Triển không hề cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của người cha. Hành động nổi loạn chống đối của Dương Triển ấy vừa là sự trả thù hết sức trẻ thơ của một cậu bé không được yêu thương, cũng vừa là hành động hi vọng nhận được sự quan tâm hồi đáp từ Dương Cẩm Trình. Và mỗi khi đứng trước Thiên sứ đường nhìn đến say mê những đứa trẻ nói cười, Dương Triển đã thể hiện khát khao về một tuổi thơ cũng có thể nở được nụ cười hồn nhiên, vô tư như thế. Mặc cảm về sự thiếu sót trong cuộc sống của cậu bé với lũ trẻ cùng trang lứa, phức cảm Oedipe hình thành trong quan hệ cha – con giữa cậu bé và Dương Cẩm Trình đã tạo dựng nên hình ảnh một Dương Triển với những hành động vừa rụt rè, ngây thơ nhưng đồng thời cũng đầy nổi loạn, ngang bướng.

Tuy nhiên, tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính không chỉ đi sâu vào mối quan hệ giữa Dương Cẩm trình – Dương Triển mà còn đi sâu vào vụ án giết người liên hoàn của một tổ chức hỗ trợ giết người với nòng cốt là những nhân vật từng là đối tượng thí nghiệm của Giáo hóa trường. Có thể nói hành động của những nhân vật với những vết thương hằn sâu trong vô thức này thể hiện rất rõ những bất ổn trong tâm lí của họ nhất là những hành động của họ khi kịch tâm lí diễn ra. Cùng với ngôn ngữ mang đầy cảm xúc tự ti, bi thương là những hành động biểu lộ trạng trái tâm thần không ổn định khi nhớ lại những gì diễn ra trong quá khứ. Đó là sự sợ hãi của Quách Nhụy đến đánh rơi que kem, thậm chí là bật khóc hay là sự tự trừng phạt bản thân của Hoàng Nhuận Hoa bằng cách dùng khay để nước liên tiếp đập vào đầu mình. Và khi vở kịch được dàn dựng, trạng thái tâm lí bị tổn thương của họ càng được biểu lộ rõ rệt. Hầu hết đều muốn chối bỏ, trốn tránh, không dám nhìn vào hiện thực, cũng không dám đối mặt với chính bản thân mình. Tác giả chỉ tái hiện "diễn xuất đau thương" của Quách Nhụy nhưng đó cũng là một đại diện hết sức tiêu biểu về hành động cho những nhân vật khác đã từng là đối tượng thí nghiệm của Giáo hóa trường. Đặc biệt, khi Quách Nhụy phải tự tay giết người, cô đã đánh rơi chiếc rìu và liên tục lắc đầu kèm câu nói: "Em không làm được". Bản thân những con người ấy, họ có thật sự muốn giết người? Họ đơn thuần chỉ là những kẻ từng bị người khác hãm hại, lợi dụng đến mức mắc những chứng bệnh tâm lí nghiêm trọng. Hành động khác thường của họ trong cuộc sống cũng chỉ là biểu hiện cho những tổn thương mà họ phải gánh chịu mà không thể nói thành lời, họ càng chối bỏ thì tổn thương lại càng trở nên nghiêm trọng. Qua hành động của những đối tượng này thể hiện trong cuộc sống, trong vở kịch tâm lí, tác giả Lôi Mễ càng khẳng định những triệu chứng tâm lí không ổn định của họ; và càng khẳng định, họ thực chất chỉ là những con người đáng thương hai lần phải chịu thương tổn tâm lí bởi cuồng vọng của kẻ khác.

Bên cạnh nhân vật tội phạm, tác giả cũng không quên đi sâu khắc họa hành động của nhân vật người điều tra, đặc biệt là nhân vật chính: Phương Mộc. Để có được những phán đoán chính xác nhằm xây dựng, tái hiện lên tính cách, tâm lí, lối sống, sinh hoạt của kẻ phạm tội, việc thường xuyên quan sát với Phương Mộc là rất cần thiết. Và qua lời anh kể lại với Biên Binh, có thể thấy anh đã quan sát tỉ mỉ đối tượng đến như thế nào, bất kì một thay đổi về ánh mắt, cơ mặt cũng không thể lọt khỏi ánh mắt người cảnh sát họ Phương. Nhưng dẫu anh có cảm quan vụ án tốt hay sự quan sát tỉ mỉ đối tượng đến đâu, Phương Mộc vẫn không là một cảnh sát "chuẩn" theo cảm nhận của Thái Vĩ. Bởi hành động của Phương Mộc luôn mang đầy cảm tính và anh luôn chịu sự chi phối của cảm xúc trong hành động. Nếu là cảnh sát khác, anh ta hẳn sẽ chỉ nghĩ đến việc làm sao để giải cứu con tin chứ không nghĩ đến việc sẵn sàng xả thân để giải cứu kẻ phạm tội như Phương Mộc. Nếu là cảnh sát khác, anh ta hẳn tìm mọi cách để Dương Cẩm Trình giao nộp kế hoạch Giáo hóa trường chứ không đơn thuần chỉ là tìm ra tên T. Và nếu là cảnh sát khác, có lẽ sẽ không có cuộc nói chuyện "không máy ghi âm" với Khương Đức Tiên và Quách Nhụy chỉ vì "cảm thấy cần phải nói". Và nếu là một người khác, có lẽ sẽ không phải chịu những ám ảnh tâm lí dai dằng như Phương Mộc, thậm chí đến khi thoát khỏi những cơn ác mộng triền miên vẫn tìm cách bù đắp lỗi lầm cho Liêu Á Phàm. Hành động của Phương Mộc, có thể không đủ "tiêu chuẩn" của một cảnh sát nhưng đó đều là những hành động hết sức nhân văn. Có nhiều độc giả, đọc Cuồng vọng phi nhân tính nói riêng, series tâm lí học tội phạm của Lôi Mễ nói chung cảm thấy Phương Mộc có phần yếu đuối vì hành động của anh cảm tính quá, không "lạnh lùng, sắc sảo" như những nhân vật điều tra xuất sắc khác. Nhưng thật sự, chính từ những hành động cảm tính ấy mà hình tượng Phương Mộc trở nên khác biệt trong thế giới nhân vật người điều tra muôn màu của tiểu thuyết trinh thám. Đồng thời qua những hành động chứa đựng đầy cảm xúc ấy mà ta thấy được sự nhiệt huyết, tận tâm cùng những cách nhìn nhận, đánh giá tội phạm hết sức con người của Phương Mộc. Anh không nhìn tội phạm nào cũng đơn thuần chỉ là kẻ giết người để dồn họ đến mức phải chịu hình phạt nặng nhất lm luôn tìm đến góc khuất tâm hồn họ để có thể tìm ra cho họ một con người sống.

Những hành động của nhân vật được đặt trong một cấu trúc truyện có thời gian đảo lộn, không gian không cố định khi mở đầu câu chuyện là vụ án La Gia Hải giết người, tưởng rất dễ dàng phá án nhưng câu chuyện của chàng thanh niên ấy đã liên đới tới rất nhiều người, đặc biệt là những người từng là đối tượng thực nghiệm của Giáo hóa trường như Thẩm Tương. Từ câu chuyện của La Gia Hải, câu chuyện bi thương của Giáo hóa trường dần được gợi mở qua những màn hồi tưởng kí ức của những đối tượng kia khi diễn ra những buổi trị liệu tâm lí. Nhưng đan xen với những mảnh vụn của quá khứ là quá trình điều tra phá án ở hiện tại với công cuộc điều tra phá án của cảnh sát, song song với quá trình trả thù của những đối tượng thực nghiệm của Giáo hóa trường là cuộc sống đùm bọc và bảo vệ lẫn nhau của những con người sống trong Thiên sứ đường, và song song với nỗi đau quá khứ vẫn là dòng chảy của cuộc sống không ngừng. Trong một cấu trúc thời gian trùng lặp, đan xen như vậy, ta như thấy sự giao thoa về mặt tâm lí giữa các nhân vật. Bên cạnh những nhân vật tội phạm từng là đối tượng thực nghiệm của Giáo hóa trường đang giúp đỡ nhau vượt qua mặc cảm là ngưởi cảnh sát được đồng đội hỗ trợ để vượt qua trở ngại tâm lí sau khi không hoàn thành nhiệm vụ. Và vì thế, thế giới nhân vật được xây dựng trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính càng dễ dàng tạo cảm giác đó là một thế giới của những con người đều có trở ngại về tâm thần, những mặc cảm về tâm lí không từ riêng một người nào dẫu rằng đó là tội phạm sát nhân hay người cảnh sát thực thi công lí.

Không gian câu chuyện cũng liên tục được chuyển dịch, tổ chức mà Trần Triết lập ra thường tập trung ở một địa điểm để cùng diễn kịch tâm lí nhưng địa điểm giết người khác nhau, địa điểm vứt xác càng không đồng nhất. Khi cảnh sát bắt đầu theo dõi, tổ chức này chia nhỏ và phân tán ra thành nhiều nhóm xuất hiện ở những địa điểm cách xa nhau. Và khác với những tổ chức tội phạm trong những truyện trinh thám khác các thành viên thường liên kết rất chặt chẽ thì mối liên kết của tổ chức này khá lỏng lẻo. Họ chỉ là một tổ chức hỗ trợ trị liệu tâm lí cho nhau, hỗ trợ nhau gây án và như kẻ đứng đầu – Trần Triết đã nói: khi tất cả kết thúc, gần như tổ chức sẽ giải tán, những con người từng tập hợp lại với nhau sẽ đều trở thành những người xa lạ. Một nhóm tội phạm có liên kết lỏng lẻo về mặt tổ chức nhưng lại rất ăn ý với nhau trong việc hỗ trợ điều trị tâm lí và cùng nhau gây án bởi họ hiểu họ đã cùng sống cùng chết với nhau, bởi họ hiểu họ là những con người cùng chung một chứng bệnh tâm lí. Việc liên tục chuyển dịch không thời gian nhưng liên kết trong hành động của tổ chức này vẫn khá liền mạch, quy củ đã cho thấy tính thống nhất, đồng lòng trong việc họ giúp đỡ nhau cùng thoát khỏi bệnh tật. Dường như họ nghĩ rằng: họ đã không còn gì để mất, không còn con đường khác để đi. Khi đặt những tội phạm ấy trong kết cấu mê cung như vậy, nỗi đau cùng trạng thái tâm lí bị dồn nén đến đường cùng của họ càng trở nên rõ nét.

Vì được đặt trong kết câu không, thời gian như vậy mà những mối quan hệ của các nhân vật, hành động của các nhân vật càng trở nên khó lòng đoán biết. Và việc kết hợp hành động của nhân vật với cấu trúc truyện có không, thời gian đảo lộn tạo nên một trong những điểm nhấn đặc sắc trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ.

3.3.2. Nghệ thuật xây dựng tâm lí nhân vật.

Cuồng vọng phi nhân tính là một cuốn tiểu thuyết trinh thám tâm lí học tội phạm, nên ngoài việc thể hiện góc nhìn tâm lí trong xây dựng ngoại hình, lời nói, hành động của nhân vật thì tác giả Lôi Mễ còn hết sức quan tâm miêu tả trực tiếp tâm lí để tạo dựng hình tượng nhân vật. Đặc biệt, với điểm nhìn ở ngôi kể thứ ba, Lôi Mễ càng có điều kiện để có thể miêu tả tâm lí của từng nhân vật một cách khách quan, trung thực.

Tâm lí, nội tâm là "toàn bộ tư tưởng, tình cảm của con người đối với cuộc sống. [...] Ở phương diện này nhà văn chú ý tới các chi tiết thể hiện đời sống bên trong, các trạng thái cảm xúc, các quá trình diễn biến tâm trạng của nhân vật. Vì vậy người đọc hiểu được tính cách của nhân vật, biết được những tư tưởng cao quý, những tình cảm tốt đẹp hoặc là xấu xa của nhân vật" [3; 131].

Trong một cuốn tiểu thuyết với thế giới nhân vật đa dạng, đa sắc màu như Cuồng vọng phi nhân tính, người đọc có thể nhận thấy những thế giới nội tâm hết sức phức tạp, đa chiều của các nhân vật khác nhau. Trong nội tâm chàng cảnh sát đại diện cho chính nghĩa Phương Mộc luôn tồn tại những luồng tâm lí, suy nghĩ trái chiều, những dòng suy tư của một con người đa cảm. Như ngay những trang đầu cuốn sách, chỉ là dư ra hai tiếng không biết làm gì cũng khiến anh suy nghĩ miên man: "Lên xe, Phương Mộc mới phát hiện ra, đột nhiên có hai tiếng đồng hồ dư thừa khiến anh cảm thấy hơi mơ hồ, đi đâu bây giờ. Anh đặt tay lên vô lăng, ánh mắt hướng về phía tòa cao ốc đứng sừng sững đằng xa. Những tòa kiến trúc đồ sộ lạnh lùng màu trầm tối lúc này đây đang ẩn hiện trong màn sương mù dày đặc màu trắng xám, bầu trời như thể sà xuống thấp hơn mọi ngày, dường như đang từ từ ép lấy những giọt nước cuối cùng của thành phố này. Bất giác Phương Mộc nghĩ đến một loại quả, vừa ngọt tươi, lại vừa giòn, dễ vỡ" [5; 11, 12]. Có lẽ chính bởi sự đa sầu đa cảm này mà Thái Vĩ nhận định Phương Mộc không hợp với nghề cảnh sát, bởi một người cảnh sát gần như luôn phải giữ "cái đầu lạnh" trong mọi hoàn cảnh thì không thể nào để xuất hiện những suy nghĩ hay cảm xúc đầy "mơ hồ" như vậy. Bởi cá tính như vậy mà trong suốt quá trình theo đuổi vụ án La Gia Hải, Phương Mộc luôn xuất hiện những cảm xúc, tâm lí đối lập: "Nếu như nói Phương Mộc đồng tình với La Gia Hải trong việc giết chết hai mạng người, thì không nghi ngờ gì nữa, điều này sẽ là đi ngược lại với thiên phú nghề nghiệp của anh; nếu nói Phương Mộc tìm kiếm động cơ phạm tội khác hoang toàn là do yêu cầu nghiệp vụ, đó cũng là lừa mình dối người. La Gia Hải tất nhiên phải trả giá cho hành vi của mình, nhưng Phương Mộc không muốn cậu ta phải chết" [5; 110]. Và khi càng đi gần đến chân tướng của vụ án, tâm trạng của Phương Mộc càng trở nên phức tạp: đau thương có khi những đối tượng thực nghiệm của Giáo hóa trường gợi anh về quá khứ đầy thương đau ngày trước, quá khứ "cần phải quên, nhưng làm thế nào để quên được?" [5; 337]. Nhưng lớn hơn cả vẫn là sự phẫn nộ trước kẻ tài năng nhưng chỉ coi con người chỉ là những vật thí nghiệm: "Không nên nghi ngờ sự vĩ đại của Tâm lí học, nhưng trong tay những kẻ có dã tâm độc ác thì sự vĩ đại của khoa học chỉ là hung khí tàn bạo mà thôi" [5; 526]. Phương Mộc thật sự rất khác với đại đa số hình tượng người điều tra trong văn học trinh thám. Anh không có thân hình cường tráng, lại là một người đa cảm, để những biến động trong tâm lí ảnh hưởng rất nhiều đến phán đoán, công việc. Xây dựng hình tượng nhân vật chính Phương Mộc với dòng chảy tâm lí đầy biến động, Lôi Mễ không chỉ lần nữa khẳng định sự phát triển trong cách nhìn nhận con người trong vụ án của chàng trai ấy mà còn khẳng định tính người trong nhân cách Phương Mộc: một người cảnh sát tốt, không đơn thuần là giải quyết vụ án bằng cái đầu lạnh mà người cảnh sát tốt còn biết đánh giá, nhìn nhận đúng bản chất vụ án, bản chất con người để biết được đâu mới thực sự là tên tội phạm đáng sợ nhất.

Bên cạnh đó, nội tâm của những nhân vật khác trong Cuồng vọng phi nhân tính cũng rất đáng chú ý. Những dòng nội tâm được miêu tả thực sự rất đặc trưng cho tâm lí, tính cách của từng riêng nhân vật. Chẳng hạn cô bé Liêu Á Phàm khi nghe Dương Triển nói đến Thiên sứ đường là nhà của cô: "Nhà á? – Sắc mặt Liêu Á Phàm bỗng trở nên u ám, cô quay đầu nhìn căn nhà nhỏ và cái sân sau của Thiên sứ đường. Trong sắc trời ngày một tối và khói bếp lững lờ bay lên, Liêu Á Phàm bỗng nảy sinh một nỗi buồn bực vô cớ. Giống như chạm vào cái bệ bếp lâu ngày không lau chùi vừa nhờn vừa cũ kĩ" [5, 222]. Đối lập hoàn toàn với sự hào hứng của cậu bé Dương Triển trong công cuộc thu thập lon coca để quyên góp cho Liêu Á Phàm tăng thêm thu nhập cho Thiên sứ đường: "Nó uống suốt từ chiều đến tối, bụng phình to như cái trống. Lon coca trong tay cũn chỉ uống hết một nửa, không uống tiếp được nữa. Nó thấy hơi buồn nhìn vào hai mươi ba lon coca còn thừa thong thùng giấy, bỗng nó nhiên nó nghĩ ra điều gì đó liền nhẩy cẫng lên, nó đổ hết số coca thừa vào bồn rửa tay" [5; 310]. Hai đứa trẻ, hai hoàn cảnh khác nhau dẫn đến hai cách nhìn nhận, đánh giá cùng tâm trạng khác nhau khi đặt nhà và Thiên sứ đường lên cán cân so sánh. Hay như những con người từng là đối tượng thực nghiệm của Giáo hóa trường, sau khi trả thù xong một kẻ từng gây ra chứng bệnh tâm lí cho họ, họ luôn có chung một tâm lí: "hưng phấn đến cực độ" nhưng khi sự việc qua đi, họ đều "không cảm thấy thanh thản", nhất là khi vụ án đi dần đến hồi kết. Thực ra có thể thanh thản sao được khi họ quen biết nhau nhưng lại phải làm như không quen biết để tránh nghi ngờ từ phía cảnh sát, luôn phải mang mặc cảm của kẻ sát nhân bên người.

Giáo trình Lí luận văn học có viết: "Việc mô tả nội tâm nhân vật cũng thể hiện vốn sống và tài năng nghệ thuật của nhà văn" [3; 131]. Quả thực, với vốn kinh nghiệm phong phú từ thực tiễn công việc, nhà văn Lôi Mễ có những dòng miêu tả tâm lí nhân vật hết sức chân thực từ tâm lí nhân vật người điều tra đến tâm lí nhân vật tội phạm hay những người liên quan đến vụ án. Bức tranh về thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính bên cạnh đươc xây dựng bằng ngoại hình, lời nói, hành động còn được biểu hiện bằng đặc trưng tâm lí của từng đối tượng. Khó có thể so sánh trong cuốn tiểu thuyết, hành động nhiều hơn hay miêu tả tâm lí nhiều hơn bởi hành động nhân vật luôn xuất phát, đi kèm với một trạng thái tâm lí nhất định và ngược lại từ một trạng thái tâm lí mà xuất hiện hành động nhân vật. Miêu tả hành động và tâm lí đã trở thành hai yếu tố không thể tách rời trong series trinh thám tâm lí học tội phạm của Lôi Mễ nói chung, tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính nói riêng.

3.4. Nghệ thuật xây dựng những cặp nhân vật đối lập.

Trong tiểu thuyết trinh thám, luôn song hành hai tuyến nhân vật đối lập nhau: người điều tra và kẻ gây án khi một bên muốn đưa bí mật ra ánh sáng còn một bên muốn bí mật mãi mãi chìm sâu trong bóng tối. Nhưng trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính không chỉ có hai tuyến nhân vật đối lập truyền thống đó mà tác giả đã xây dựng được những cặp nhân vật đối lập, không đối lập gay gắt như người điều tra – kẻ gây án về tất cả phương diện nhưng họ mâu thuẫn nhau về lối suy nghĩ, quan điểm sống. Và từ những đối lập đó mà cá tính và những tổn thương tâm lí của từng nhân vật lại càng được khắc họa rõ rệt,

Như hai đứa trẻ Dương Triển và Liêu Á Phàm. Chúng đều chịu mặc cảm về thân phận khi cả hai cùng mất người thân khi còn nhỏ nhưng lại khác nhau về hoàn cảnh sống mà suy nghĩ cùng sự biểu hiện thương tổn của chúng không giống nhau. Dương Triển sống trong cảnh giàu sang, sung túc nhưng lại thiếu thốn tình thương. Nhà với cậu bé là nơi phải chịu sự cô đơn, lạnh lẽo, là nơi cậu bé phải chịu những cơn thịnh nộ cùng đòn roi của người cha; nhà với Dương Triển là một nơi không vui, cậu bé không muốn trở về. Chính vì thế khi đứng ngoài Thiên sứ đường, cậu bé đã khao khát bao nhiêu có những người bạn đồng trang lứa để cùng vui chơi hay đơn thuần chỉ là nở nụ cười hồn nhiên như những đứa trẻ đó. Còn Liêu Á Phàm, cô bé mất người thân, mất luôn nhà để về. Thiên sứ đường có thể cho cô bé tình thương, cho cô bé một nơi để đến nhưng không thể bù đắp quãng thời gian cô bé từng sống vui vẻ, sung túc bên người mẹ. Vì thế, trong mắt Liêu Á Phàm, nhà luôn là nơi tốt nhất. Hai đứa trẻ, một có nhà nhưng lại không muốn về, một không còn nhà để trở về nữa đã tìm đến với nhau như một sự đồng cảm, như sự bù đắp cho tâm hồn thiếu hụt của chúng.

Hay cặp nhân vật Châu Chấn Bang và Dương Cẩm Trình. Cả hai từng cùng nhau xây dựng và phát triển kế hoạch Giáo hóa trường, thậm chí chính Châu Chấn Bang đã vẽ lên viễn cảnh về một vinh quang học thuật trước mắt Dương Cẩm Trình - người học trò xuất sắc nhất của ông. Hai con người ấy đã cùng chung một đích đến, một con đường. Nhưng thái độ của họ trên con người học thuật lại không giống nhau. Nếu Châu Chấn Bang lập nên kế hoạch Giáo hóa trường, ông muốn nhìn thấy sự thành công của kế hoạch ấy nhưng ông cũng sẵn sàng chấp nhận việc kế hoạch sẽ kéo dài lâu hơn nữa, thậm chí cho đến khi ông và Dương Cẩm Trình mất đi. Song Dương Cẩm Trình không như vậy, hắn không chấp nhận việc đánh đổi nửa đời người, hoặc cả đời người vì một kết quả mà hắn chỉ có thể hưởng khi hắn đã già hay ở thế giới bên kia. Chính thái độ đó đã quyết định đến lương tâm của người làm nghiên cứu của hai con người này. Châu Chấn Bang không ngần ngại đốt đi tất cả công trình nghiên cứu tâm huyết của ông, hủy bỏ toàn bộ kế hoạch Giáo hóa trường vì những đau thương mà nó gây ra cho người khác; và khi kế hoạch đó vẫn tiếp tục và tổn thương đem đến cho con người càng lớn hơn, ông sẵn sàng giết kẻ cầm đầu rồi tự sát: "Những tội ác mà tôi tạo ra trong cuộc đời chẳng phải là những điều ngốc nghếch rồi đó sao?", "Tôi không phải không dám đối diện với pháp luật và hình phạt [...] Cái tôi không dám đối diện chính là lương tâm của tôi" [5; 560, 561]. Nhưng Dương Cẩm Trình một kẻ không chỉ quá tự cao tự đại, cuồng vọng vào bản thân mà còn chấp nhất vinh quang học thuật sẵn sàng đánh đổi lương tâm để lấy vinh quang sau này. Hắn cưỡng hiếp Thẩm Tương, khôi phục lại kế hoạch Giáo hóa trường bị Châu Chấn Bang đốt bỏ, gài bẫy hại chết người thầy của mình. Châu Chấn Bang và Dương Cẩm Trình, nỗi đau mà kế hoạch Giáo hóa trường gây ra cho hai con người này đều lớn như nhau nhưng cách đối diện của họ lại khác nhau. Sự mâu thuẫn ở hai con người này nằm ở lương tâm học thuật, nằm ở tâm lí khi đối diện với lương tâm của chính mình.

Đó còn là sự đối lập giữa Phương Mộc và những đối tượng nghiên cứu của Giáo hóa trường. Phương Mộc từng gặp trở ngại tâm lí nghiêm trọng, cũng từng như những đối tượng kia không thể sống một cuộc sống bình thường như bao người khác. Nhưng anh đã may mắn gặp được Thái Vĩ, người đồng hành cùng anh vượt qua trở ngại để dẫu Phương Mộc không quên được quá khứ đau thương thì anh cũng đủ dũng cảm, bình tĩnh nhìn thẳng vào nó và tiếp tục sống, cố gắng. Tuy nhiên những đối tượng thực nghiệm của kế hoạch Giáo hóa trường không gặp được may mắn như Phương Mộc. Họ đã gặp nhầm người nên trở ngại tâm lí này của họ được chữa khỏi thì trở ngại tâm lí khác lại đến và càng nghiêm trọng hơn. Nhất là kẻ đó lần thứ hai biến họ thành quân cờ cho mục đích phi nhân tính của hắn. Hội chứng tâm lí, mặc cảm thân phận mà Phương Mộc và các đối tượng thực nghiệm của kế hoạch Giáo hóa trường gặp phải về cơ bản không khác nhau nhưng cách giải quyết vấn đề và người đồng hành trong quá trình điều trị khác nhau nên kết quả điều trị, trạng thái tâm lí của họ cũng khác nhau. Chẳng vậy mà sau vụ án của Tôn Phổ, Phương Mộc có thể vứt con dao quân sự mà anh luôn mang để trở lại cuộc sống bình thường nhưng sau khi giết người, những Quách Nhụy, Khương Đức Tiên... không hề cảm thấy thanh thản.

Tiểu kết:

Trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính, bằng những thủ pháp nghệ thuật khác nhau Lôi Mễ đã xây dựng lên một hệ thống nhân vật hết sức phong phú, mỗi người một vẻ. Qua sự kết hợp linh hoạt giữa ngôn ngữ đối thoại với ngôn ngữ độc thoại và ngôn ngữ độc thoại nội tâm mà phần lớn là những lời đối thoại giữa các nhân vật, cá tính, sự thay đổi tâm lí của nhân vật theo dòng chảy của vụ án dần được bộc lộ. Từ những phác họa ngoại hình ban đầu của nhân vật mà tác giả bước đầu tạo dựng lên trước mắt người đọc chân dung của từng nhân vật với những đặc điểm rất riêng về tâm lí được thể hiện trên ngoại hình như biểu cảm gương mặt, ánh mắt, nụ cười... Qua những miêu tả hành động, tâm lí trực tiếp mà hành động xuất phát từ một trạng thái tâm lí nhất định và tâm lí là cội nguồn để phát xuất hành động, tác giả đã thể hiện một dòng chảy tâm lí gần như liên tục biến đổi của các nhân vật. Và từ việc xây dựng các cặp nhân vật đối lập, tác giả đã thể hiện những mâu thuẫn không chỉ trong cuộc đời, quan điểm sống mà hơn cả là sự mâu thuẫn về mặt tinh thần giữa những nhân vật với nhau. Tiếp cận nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả Lôi Mễ trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính từ góc nhìn tâm lí, người đọc thấy được một thế giới với những con người luôn mang một nỗi đau hay gánh nặng về tâm thần nhất định. Chân dung nhân vật trong cuốn tiểu thuyết vì thế không đơn thuần chỉ là những chân dung được phác họa bên ngoài mà là chân dung có chiều sâu của những con người mang trở ngại tâm lí.

KẾT LUẬN

Đến nay gần như chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính nói riêng, series trinh thám tâm lí học tội phạm của Lôi Mễ nói chung cả ở Việt Nam lẫn tại Trung Quốc. Và cũng chưa có bài viết nào nhìn nhận, đánh giá thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính từ góc nhìn phân tâm học. Bởi thế, với đề tài Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ dưới góc nhìn phân tâm học, chúng tôi hi vọng đã cung cấp một cách nhìn, đánh giá, cách tiếp cận mới trong quan sát thế giới nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này.

Với khảo sát và phân tích thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của tác giả Lôi Mễ từ góc nhìn nhân tâm học, khóa luận đã cho thấy đó là một thế giới đầy màu sắc với đủ mọi thành phần xã hội từ những trí thức tới những người học vấn hạn chế, từ những người ở địa vị xã hội cao đến những người làm công bình thường. Trong thế giới ấy, dường như không ai không bị những tổn thương hay gặp những trở ngại về mặt tâm lí dẫu là tội phạm, người điều tra hay đơn thuần chỉ là những người có liên quan đến vụ án. Đấy có thể là những tổn thương hằn sâu vào vô thức từ rất lâu, hàng năm thậm chí là hàng chục năm như trường hợp của Khương Đức Tiên nhưng đó cũng có thể là người mới gặp phải trở ngại tâm lí như trường hợp của Lỗ Húc. Và từ góc nhìn phân tâm học để đánh giá, nhìn nhận những con người ấy, ta thấy được cách xây dựng nhân vật hết sức nhân văn của tác giả. Tội phạm, đó không chỉ là những người trực tiếp gây án, cần phải chịu sự trừng phạt của pháp luật mà hơn cả, họ là những nạn nhân tâm lí hết sức đáng thương của tầng tầng lớp lớp những kế hoạch phi nhân tính biến họ trở thành chuột bạch thí nghiệm, nấc thang tiến lên vinh quang của những kẻ có tài nhưng không có đức. Bên cạnh đó, hình tượng nhân vật điều tra, người cảnh sát cũng được xây dựng hết sức nhân bản. Cảnh sát, dưới ngòi bút xây dựng của Lôi Mễ không phải là một hình tượng được tạo dựng như những anh hùng hay đấng cứu thế hoàn mĩ không tì vết mà là những con người hết sức thực tế. Họ có những nỗi lo lắng, căng thằng trong cuộc sống, công việc như bao người bình thường khác thậm chí với đặc thù nghề nghiệp, họ còn phải chịu áp lực gấp bội từ công việc họ theo đuổi cùng rủi ro mắc những chứng bệnh về tâm lí cao hơn rất nhiều so với người khác. Đứng trên phương diện tâm lí, tội phạm và cảnh sát không đơn giản chỉ là hai đường thẳng song song không có điểm chung mà họ đều có điểm chung ở những chấn thương tâm lí gặp phải, các hội chứng về tâm lí, thực sự không từ bất kì ai.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính hết sức đa dạng bởi thế tác giả Lôi Mễ đã sử dụng kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau để có thể tạo dựng được một hệ thống nhân vật phong phú, đầy màu sắc. Qua miêu tả ngoại hình, tác giả cho người đọc những hình dung ban đầu về thói quen, tính cách, tâm lí nhân vật. Trạng thái tâm lí, suy nghĩ của nhân vật được biểu lộ qua việc sử dụng linh hoạt ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại. Hành động và tâm lí nhân vật góp phần tạo dựng chân dung những cá nhân có cá tính riêng biệt với suy nghĩ, hành động khác nhau. Và những cặp nhân vật đối lập nhau như hình ảnh được phản chiếu qua một tấm gương càng làm nổi bật tính riêng trong cá tính, tâm lí mỗi người. Các thủ pháp nghệ thuật ấy đã góp phần vẽ lên một thế giới nhân vật không những đầy màu sắc, không nhân vật nào trùng khớp với nhân vật nào mà còn tạo nên những con người mang đầy những mặc cảm về tâm lí trong tiểu thuyết Cuồng vọng phi nhân tính của Lôi Mễ.

Bước chân vào con đường sáng tác tiểu thuyết trinh thám khá muộn khi đã có vốn sống, kinh nghiệm trực tiếp tiếp xúc với những vụ án hóc búa, những con người với đủ số phận khác nhau; sáng tác trinh thám của Lôi Mễ thực sự không đặt nặng vào thủ pháp gây án, không "cân não" người đọc trong cách thức phạm tội của tội phạm mà tác giả chủ yếu đi sâu vào khắc họa những bí ẩn tâm lí, đặc biệt là nỗi đau của con người. Bởi thế, tiểu thuyết trinh thám của Lôi Mễ nói chung, Cuồng vọng phi nhân tính nói riêng cuốn hút người đọc bởi chất đời, bởi thế giới nhân vật được xây dựng hết sức chân thực qua sự hun đúc từ chính trải nghiệm của tác giả với sự nghiệp và con người.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. S. Freud, C. G. Jung, Jean Bellemin; Huyền Giang, Ngô Bình Lâm dịch; Đỗ Lai Thúy biên soạn (2004), Phân tâm học và văn học nghệ thuật, NXB Văn hóa Thông tin

2. Lê Bá Hân, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử (đồng chủ biên) (2013), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục

3. Lê Lưu Oanh, Phạm Đăng Dư (2008), Giáo trình Lí luận văn học, NXB Đại học Sư phạm

4. Liêu Trương (2010), Phân tâm học và phê bình văn học, NXB Phụ nữ

5. Lôi Mễ (2011), Hương Ly, Lưu Quang Thuyết dịch (2014), Cuồng vọng phi nhân tính, NXB Văn học

6. Lôi Mễ (2006), Trần Hữu Nùng dịch (2014), Độc giả thứ bảy, NXB Văn học

7. Simund Freud (1920), Thân Thị Mận dịch (2016), Sâu xa hơn nguyên tắc không đổi, NXB Tri thức (2016)

8. Trần Thanh Hà (2008), Học thuyết Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội

9. Lôi Mễ - nhà văn trinh thám nổi tiếng của Trung Quốc đăng trên website NXB Công an nhân dân 07/ 02/ 2012:  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top