CHƯƠNG 5 : CUỘC KHỞI NGHĨA SỚM NHẤT


Trong hai viện bảo tàng nổi tiếng ở Châu Âu có lưu giữ hai tập tư liệu thành văn viết trên cuộn giấy papyrut từ hơn 3000 năm trước Công nguyên. Hai tập tư liệu này đã bị rách không còn toàn vẹn, nhưng ghi chép được một cuộc khởi nghĩa nô lệ quy mô lớn sớm nhất trên thế giới. 

Sự kiện này xảy ra ở Ai Cập vào khoảng năm 1750 trước Công nguyên. 

Ta hãy xem một đoạn ghi chép dưới đây: 

"... Sự việc không bao giờ xảy ra cuối cùng đã xảy ra. Quốc vương đã bị đám người nghèo khổ đuổi đi rồi. Những kẻ bạo động chỉ trong một thời gian ngắn đã chiếm được Kinh thành.

 Lúc này đã xảy ra chuyện như thế này. . .

Cổng lớn, hàng cột trụ, nóc nhà trong cung điện của Quốc vương đều bị thiêu cháy thành than, chỉ còn sót lại vài bức tường nham nhở ở hoàng cung. 

Vùng tam giác châu khóc than vì kho lương thực của Quốc vương đã thành tài sản của mọi người. 

Các quan ở trong nước đều đã bỏ chạy. . .

Các quan lại ở cung đình cũng bị đuổi đi theo nhà vua. Ngôi nhà tòa án cao to đã thành nơi mọi người tùy ý ra vào, những kẻ nghèo khổ cũng đi vào đi ra nơi cung điện uy nghi. 

Ôi, nơi tòa nhà xử án đẹp đẽ kia, những bản pháp lệnh đã bị vứt bỏ ra ngoài, mọi người bước đi trên những cuộn giây papyrút ở ngã tư đường.

Các quan tòa bị đuổi đi khắp nơi trong nước. 

Họ cướp đi những tài sản của những người tôn quý đem giao cho người nghèo. Người có của chịu tổn thất còn người nghèo thì rất bằng lòng. 

Họ chế ra những tên đồng, dùng máu để đổi lấy bánh mì. 

Mọi người quay cuồng như đi trên chiếc bàn xoay làm đồ gốm. . .'' 

Chẳng cần giải thích ta cũng rõ đây chính là ghi chép về một cuộc khởi nghĩa lớn trời long đất lở. 

Từ khoảng năm 2400 trước Công nguyên, Cổ Vương quốc Ai Cập tan rã, trải qua hơn 300 năm đến trước năm 2000 trước Công nguyên, thành lập ra Trung Vương quốc Ai Cập. Trung Vương quốc lấy thành Tebơ làm kinh đô, lập ra một nhà nước trung ương tập quyền lớn mạnh. Của cải của Pharaôn, quý tộc và các chủ nô tăng nhanh, còn những nô lệ bị áp bức và những nông dân tự canh tác trên mảnh ruộng đất của mình thì ngày một khốn khổ bần cùng hơn. Họ không còn chịu đựng được nữa, thế là một cuộc khởi nghĩa trên quy mô cả nước cuối cùng đã bùng nổ. 

Cuộc khởi nghĩa nô lệ có nông dân tham gia đã giáng một đòn mạnh mẽ vào giới quý tộc chủ nô. Do còn thiếu những tư liệu lịch sử nên tới nay vẫn còn chưa rõ toàn bộ quá trình cuộc khởi nghĩa lớn này, thậm chí ngay tên tuổi người tổ chức khởi nghĩa cũng không biết. Nhưng qua những ghi chép trên hai cuộn giấy papyrút này cũng đủ để thấy được uy lực của cuộc khởi nghĩa này. 

Cuộc khởi nghĩa này kéo dài 40 năm. Lúc đầu chỉ là những cuộc bạo động lẻ tẻ, phân tán, sau dần hợp lại thành cuộc khởi nghĩa lớn mang tính toàn quốc. Qua ghi chép trên cuộn giấy papyrút còn có thể thấy quân khởi nghĩa chỉ đánh vào bọn áp bức về mặt chính trị mà chưa tổ chức ra chính quyền mang tính toàn quốc; về mặt kinh tế đã tước đoạt của cải của bọn bóc lột nhưng chưa coi trọng kịp thời việc phát triển kinh tế của mình thậm chí còn làm cho sản xuất bị ảnh hưởng khá lớn. Tư liệu chữ viết trên cuộn giấy papyrút ghi: 

''Sông ngòi khô cạn, mọi người có thể lội qua sông. Những bãi đất nổi trên sông còn nhiều hơn nước dưới lòng sông. 

Hai bên đường, các loại cây trồng đều khô héo. Mọi người không có quần áo, không có dầu mỡ càng chẳng thể có sữa uống. . .'' 

Đã lật đổ được tầng lớp thống trị phản động mà không chú ý xây dựng cuộc sống mới cho mình, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa tất không thể duy trì được lâu dài Pharaôn thời Trung Vương quốc cuối cùng đã lại tổ chức được chính quyền của họ, nông dân và nô lệ lại chịu áp bức bóc lột như cũ. 

Sau cuộc khởi nghĩa này không lâu, người Hichxốt ở châu Á đã xâm nhập Ai Cập Họ dùng chiến thuật xe ngựa bao vây, những cỗ xe gió lao lên như tia chớp đột nhập vào đội ngũ quân Ai Cập, quân Đội Ai Cập chỉ còn biết nhìn hướng gió mà chạy. Khi đó người Ai Cập còn chưa biết sử dụng ngựa chiến, chỉ biết dùng bộ binh để đánh trận mà bộ binh thì không có cách nào ngăn chặn được kỵ binh và chiến xa. 

Người Hichxốt đã thống trị Ai Cập khoảng 150 năm. Năm 1580 trước Công nguyên, người cầm quyền mới ở thành Tebơ là Amôxit đã dấy quân đánh lại người Hichxôt, đuổi họ ra khỏi Ai Cập, lập ra Tân Vương quốc Ai Cập. Từ đó trở đi, người Ai Cập đã học được cách nuôi ngựa và sử dụng kỵ binh cùng chiến xa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #5000#đại