CHƯƠNG 4 : NÉT VẼ KỲ DIỆU
2000 năm trước, một tốp người Rôma đến Ai Cập. Khi họ đến tham quan đền đài và cung điện cổ xưa bỗng nhiên phát hiện thấy trên nhiều bức tường và trên rất nhiều trang giấy papyrút (chế tạo từ một loại cây sậy) có không ít những nét vẽ kỳ lạ. Những nét vẽ này hình như đều có liên quan đến lịch sử Ai Cập, nhưng người Rôma chẳng có hứng thú gì với những thứ đó nên cũng chẳng tìm hiểu nguồn gốc làm gì. Từ năm 525 trước Công nguyên, Ai Cập bị người Ba Tư chinh phục, hoàn toàn mất quyền tự chủ, trở thành một tỉnh của đế quốc Ba Tư. Bắt đầu từ lúc đó phải dùng chữ Ba Tư để ghi chép lịch sử: Còn những nét vẽ ghi lại lịch sử Cổ Ai Cập kể từ sau khi vị thầy tu cuối cùng biết được cách tạo ra những hình vẽ này qua đời thì không còn ai có thể giải thích được bí ẩn này.
Năm 1799, Napôlêông từ nước Pháp thống lĩnh quân đội viễn chinh đến Đông bộ Châu Phi, tiến đánh Ai Cập. Trong lần viễn chinh này của Napôlêông, tình cờ đã khám phá ra bí ẩn về những nét vẽ kỳ lạ này.
Một hôm, có một sĩ quan Pháp trẻ tuổi đi tuần tra ở thị trấn Rôdét gần cửa biển sông Nin. Thời gian dài dặc, ông thấy buồn chán bèn đi thăm những di chỉ ở đây. Tình cờ ông tìm thấy một tấm bia đá kỳ lạ. Nhìn kỹ, tấm bia đá này làm bằng đá huyền vũ đen giống như ở nhiều di chỉ khác tại Ai Cập nhưng trên mặt lại khắc đầy nhiều loại hình vẽ. Điều đáng chú ý là còn khắc ba loại chữ viết, trong đó có một loại là chữ Hy Lạp. Khi đó chữ Hy Lạp có nhiều người biết. Ông nghĩ: chỉ cần đối chiếu kiểu chữ hình vẽ Ai Cập với chữ Hy Lạp, nhất định sẽ dễ dàng hiểu được ý nghĩa của nó. Thế là ông vui sướng mang tấm bia trở về.
Nhưng viên sĩ quan trẻ tuổi này đã hỏi nhiều người, vẫn không ai hiểu được ý nghĩa của những hình vẽ nhỏ trên bia. Lại qua mấy chục năm, tới năm 1822 mới có một học giả người Pháp là Sămpôliông vén được tấm màn bí mật này. Vị học giả này đã bỏ ra 20 năm trời để hiểu rõ được ý nghĩa của 14 hình vẽ nhỏ trên đó. Ít lâu sau, ông qua đời vì làm việc quá sức, nhưng những nguyên tắc chủ yếu của chữ tượng hình Ai Cập đã được làm sáng tỏ. Sau này lại được người khác nghiên cứu thêm, cuối cùng đã hiểu rõ những hình vẽ kỳ diệu trên tấm bia đá đó là lời ca tụng chiến công của Quốc vương do viên tư tế Ai Cập viết và khắc vào năm 195 trước Công nguyên. Ba loại chữ trên đó, ngoài chữ Hy Lạp ra còn hai loại chữ kia đều là chữ Ai Cập, một loại là kiểu chữ thảo một loại là kiểu chữ tượng hình. Từ khi khám phá được bí mật của những hình vẽ này cũng có nghĩa là mở toang được cánh cửa lớn vào kho tàng quý giá của lịch sử Cổ Ai Cập, giúp chúng ta biết nhiều thêm về nền văn minh Cổ Ai Cập năm sáu ngàn năm trước đây.
Loại chữ tượng hình này xuất hiện vào khoảng năm 4000 trước Công nguyên. Nó cũng giống như chữ Sume, chữ Cổ Ấn Độ và chữ Giáp cốt của Trung Quốc, đều nẩy sinh từ những hình vẽ và hoa văn đơn giản nhất trong xã hội nguyên thủy vì vậy gọi là chữ tượng hình. Thầy tư tế hay người chép sử muốn viết một từ nào đó thì dùng hình vẽ nguyên dạng để thể hiện. Muốn viết thành một câu, biểu đạt một ý hoàn chỉnh thì kết hợp những phù hiệu hình vẽ cá biệt lại thành chuỗi hình vẽ phức tạp để thể hiện. Ví như, hơn
3000 năm trước Công nguyên, toàn Ai Cập thống nhất, thành lập Vương triều I Cổ Ai Cập với ông vua đầu tiên là Mênét. Trên một phiến đá kỷ niệm chiến thắng của Mênét có khắc hình ông dùng quyền trượng đánh một tù binh đang quỳ. Phía trên người tù binh là một con chim ưng, một chân nó quắp sợi dây thừng xuyên qua mũi người tù, một chân đạp trên lùm cây sáu gốc. Lùm cây sáu gốc như mọc lên từ một hình chữ nhật do thân hình các tù binh tạo thành. Bức họa đồ này nói lên rằng Quốc vương đã bắt được 6000 tù binh.
Dùng hệ thống chữ viết theo hình vẽ phức tạp như thế này đương nhiên là không thuận tiện. Cùng với sự phát triển của xã hội và ngôn ngữ phức tạp hóa, đã nảy sinh nhiều khái niệm trừu tượng, nhiều danh từ chuyên môn và hình thức ngữ pháp. Nếu như vẫn dùng những hình vẽ đơn giản để biểu đạt thì gặp khó khăn rất lớn. Thế là dần dần xuất hiện những phù hiệu biểu thị âm tiết, lại phát minh ra 24 chữ cái phụ âm, những từ tổ do các loại phù hiệu tạo thành cũng đã có hơn 600. Đây chưa phải là chữ ghép vần nhưng là một bước tiến rất lớn so với những hình vẽ đơn thuần.
Những thứ chữ này viết trên vật liệu gì ? Chúng ta biết rằng ở hai bờ sông Nin cỏ cây rậm rạp, có một loại cây gần giống cây sậy gọi là papyrut, thân dài mà rộng, người Ai Cập cắt về bóc ra thành lớp, dát mỏng phơi khô làm thành tờ giấy gọi là giấy papyrut (giấy cỏ ). Nhiều tờ giấy papyrut dán lại với nhau thành một tờ dài, cuộn lại thành cuộn giấy. Người Ai Cập viết chữ trên loại giấy này rồi cuộn thành nhiều cuộn. Mực làm bằng lá cây trộn với muội tro than, còn bút chế ra từ những ống sậy mảnh và nhỏ. Người Cổ Ai Cập đã dùng những công cụ như vậy để ghi chép, lưu lại cho đời sau một di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cứ mỗi tuần sẽ có 4 chương nhé ! Xin hứa ! Xin hứa ! Xin hứa !
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top