M - Mortality

Đêm hôm ấy, tôi gấp sách lại khi nhìn thấy đồng hồ kim trên màn hình điện thoại đang chỉ đúng hai giờ sáng.

Thật ra tôi cũng không cần phải học khuya đến mức ấy, nhưng tôi đã quen thức muộn rồi. Mặc dù biết thừa rằng ngủ ngày cày đêm là một việc làm hết sức phản khoa học, nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai mọi khuyến cáo. Trên đời này có bảy tỉ người với bảy tỉ cơ thể khác nhau, bảy tỉ kiểu ăn ngủ nghỉ khác nhau. Tại sao tôi phải bắt chước đứa bỏ mẹ nào đó trong khi tôi thấy hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình?

Nói thế thôi, chứ không nên thức khuya quá. Tôi không muốn mẹ phàn nàn về việc ăn ngủ của tôi quá nhiều, dù bà biết thừa rằng tôi đang rất căng thẳng. chỉ còn khoảng hơn một tuần nữa tôi sẽ thi vào trung học phổ thông. Với sức học của tôi, năm mươi điểm không khó để có được nhưng trước một bước ngoặt lớn như thế tôi không tránh được cảm giác âu lo.

Vừa lúc định cất quyển sách vào ngăn bàn, thì một tiếng động lớn tựa như có vật gì bằng gỗ vừa gãy sụp xuống làm tôi giật mình. Đó không phải tiếng động trong nhà tôi phát ra. Chắc chắn là thế. Bởi tôi đã nghe thấy tiếng đó vài lần rồi.

Lần thứ nhất là đêm hôm kia.

Đến đây thì phải ngừng lại một chút. Để tôi kể cho các bạn nghe qua về hàng xóm nhà tôi. Yên tâm đi, tôi sẽ không nói nhiều đâu vì cho đến giờ này tôi vẫn chẳng biết những người sống sát vách nhà mình tên là gì.

Thứ nhất, tôi là một người rất dễ tính. Tôi chẳng có yêu cầu gì đặc biệt ngoại trừ tí chút riêng tư. Người xung quanh tôi làm gì kệ họ, miễn đừng có phiền đến tôi là được. Còn như hàng xóm nhà tôi là người bán rau, là ăn mày, là bác sĩ, kỹ sư, người nổi tiếng, người tai tiếng, phi hành gia đầu tiên đặt chân lên Mặt Trời hoặc là người ngoài hành tinh tôi cũng không quan tâm. Huống hồ tôi đang sống trong một nơi gọi là khu tập thể giáo viên. Giáo viên dù sao cũng phải giữ tư cách, họ sẽ không tùy tiện thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người nhà, chửi chó mắng mèo om sòm, vạch quần đái bậy hay khạc nhổ bừa phứa. Duy chỉ có một người khiến tôi hơi ái ngại là bà Hiếu. Tôi chỉ biết rằng bà ấy tên là Hiếu, và chiều nào bà ấy cũng mò thùng rác nhà tôi để lấy cơm thừa cho chó mèo nhà bà ăn. Tôi chẳng tiếc gì những thứ đồ ăn thức uống bỏ đi, nhưng việc một người cứ bới tung rác rến nhà mình lên khiến tôi thấy ghê ghê, dù có thể bà Hiếu không phải loại rình mò biến thái.

Thứ hai, tôi luôn cảm thấy hơi rờn rợn mỗi khi buộc phải tiếp chuyện một người hàng xóm. Như đã nói, tôi không hề biết họ là ai, bao nhiêu tuổi, nam hay nữ, kết hôn chưa, có con chưa, mấy con, làm nghề gì, lương tháng bao nhiêu, khỏe mạnh hay ốm yếu. Trái lại, họ biết rất rõ về tôi. Họ biết tên tôi là Nguyễn Thu Hương, sinh năm 1998, học trường nào, lớp nào, con nhà nào. Và dễ phải tới chín mươi chín phẩy chín phần trăm là mấy cô cắt tóc gội đầu ngoài ngõ đã biết chuyện tôi đái dầm hồi mẫu giáo rồi nói dối mẹ là "làm đổ nước ra người". Tất cả là nhờ công ơn của mẹ tôi – một người phụ nữ đáng yêu luôn sẵn lòng buôn dưa lê bán dưa chuột với nhiều người phụ nữ đáng yêu khác. Ôi! Cứ nghĩ đến cái cảnh khi tôi chết đi, người ta chỉ còn nhớ một con Nguyễn Thu Hương đái dầm hồi mẫu giáo chứ không hề biết đến một cô gái dũng cảm vào sinh ra tử là tôi lại thở dài.

Đó là nguyên nhân vì sao hai đêm trước, tôi không hề để tâm mấy đến tiếng đổ vỡ ở nhà bên. Không có một gia đình nào là không bao giờ có xô xát cãi vã, quan trọng là họ giải quyết mâu thuẫn trong nhà như thế nào thôi. Việc mình cứ chõ mõm vào chuyện riêng của gia đình người ta có thể coi như đỉnh cao của sự vô duyên. Trừ khi người ta đánh nhau, hãm hiếp nhau hoặc nhốt bạn đời của mình trong cũi sắt rồi bắt vừa ăn cơm chó vừa sủa gâu gâu, tốt nhất đừng để ý chuyện nhà người ta làm gì.

Cho tới đêm nay.

Vậy là đã ba đêm liên tiếp tôi nghe thấy hàng xóm nhà mình làm đổ vỡ thứ gì đó vào lúc hai giờ sáng. Hoặc là nhà họ có chuyện gì lạ đang diễn ra, hoặc là ở cạnh vách nhà tôi có một người mộng du cứ đúng hai giờ sáng là đi đập bàn đập ghế, hoặc là bên đó có rất nhiều chuột. Cá nhân tôi thì không tin rằng người mộng du ngủ say đến mức đập đồ rầm rầm như thế mà vẫn mộng du tiếp được, và chẳng có chuột nào lại đeo đồng hồ cả, chuột Mickey thì còn cân nhắc.

Tôi mở cửa sổ, nhìn ra khoảng sân trường tiểu học trước mặt. Khi tôi học lớp Chín, trường vẫn chưa xây lại. Từ cửa sổ phòng tôi nhìn ra có thể thấy được phần lớn sân trường và ánh đèn trong phòng mình lẫn ánh đèn nhà hàng xóm hắt xuống mảng mái tôn màu đỏ.

Tôi nhận ra ánh sáng từ cửa sổ nhà hàng xóm cũng có màu đỏ. Một màu đỏ kỳ dị, nhức nhối nhưng cũng rất quen thuộc. Tôi và Phong cùng gọi nó là red limbo, dù cả hai đứa đều không dám chắc ánh sáng đỏ và red limbo là một hay có liên hệ như thế nào với nhau. Nhưng như thế vẫn còn tốt hơn là mù tịt hoàn toàn về một thứ nguy hiểm nhường ấy.

Tôi nín thở quan sát mảng sáng đỏ trước mặt, ở góc độ và vị trí này, tôi không thể nhìn thấy khung cứa sổ nhà hàng xóm được. Chỉ còn một cách để do thám là căng lỗ tai ra mà nghe xem người ta có nói gì không. Chưa đầy ba mươi giây sau, tôi đã nghe thấy một giọng nữ nói gì đó mà tôi nghe không rõ, nhưng cũng lờ mờ đoán được là cô ta đang cằn nhằn gì đó với người khác. Giọng tiếp theo là một người đàn ông hình như đang ngái ngủ lắm thì phải.

Chợt có tiếng trẻ con nói oang oang:

- Chú ơi chú ăn cái gì đấy ạ?

Và sau đó, một người đàn ông khác lè nhè trả lời:

- Ăn tiết canh vịt.

Tôi giật mình thụt lùi mấy bước theo phản xạ tự nhiên. Những ký ức rùng rợn về chú Trung, về bữa ăn máu me và tia sét đỏ rực nhanh chóng tràn ra ồ ạt.

Ở nhà bên đó có bao nhiêu người?

Và quan trọng hơn, những người đó là ai?

Chợt nhà bên lại có tiếng con gái bắt nhịp:

- Hai... ba nào!

Rồi trước sự sững sờ pha lẫn với kinh khiếp của tôi, cả một dàn đồng ca mấy chục cái mồm con gái cùng hát bài "Nối vòng tay lớn". Một bài hát hay, nhưng những người hát có vẻ rất mệt mỏi, thành ra nghe chẳng khác nào ru ngủ. Chen lẫn trong tiếng hát của những thiếu nữ có cả tiếng gầm ghè của con trai:

- Mày muốn thấy những thứ tao đã thấy trên mạng mấy ngày nay không?

Có cả tiếng ỉ ôi:

- Ê có tiền không? Cho tớ năm nghìn đi!

- Cái bút này không mở được cổng để về nhà là vì thiếu mất viên kim cương thôi!

Tôi nhận ra tất cả bọn họ. Họ đều là những nạn nhân của red limbo. Hình như trong chiều không gian màu đỏ kia, thời gian ngừng trôi hoặc không hề tồn tại. Những ai bị cuốn vào đó đều không hề lớn lên hoặc là già đi. Ánh sáng đỏ đã khiến họ bị mắc kẹt trong những ham muốn tầm thường. Họ không hề nhận ra mình đang ở đâu, đang làm gì, tại sao mình lại ở trong một nơi như thế.

Tôi tiếp tục nghe suốt nửa tiếng đồng hồ. Vẫn chỉ là những âm thanh hỗn tạp quen thuộc mà chẳng hiểu sao nước mắt tôi cứ chảy dài.

Chắc là vì tôi biết rằng Mai Linh, chú Trung, Chung Linh – Chung Văn, Cầm, những bạn nữ mặc váy hoa, và có thể là nhiều người khác nữa còn sống.

Còn sống tức là còn hy vọng.

Bỗng tất cả mọi người cùng im bặt. Đêm lại chìm vào tĩnh lặng.

Sự im lặng chỉ kéo dài được vài giây. Khi tôi còn chưa kịp tự hỏi chuyện gì đang diễn ra thì bên tai đã nghe thấy giọng nói quen quen:

- Có người đang nghe trộm đấy.

Tín hình sự.

- Phòng bên cạnh có ánh sáng hắt ra kìa. Lúc thì sáng lúc thì tối, chứng tỏ là có người đang đi đi lại lại trước cửa sổ.

Tất cả những giọng nói đều đồng thanh:

- Có. Người. Nghe. Trộm. Có. Người. Nghe. Trộm. Có, người, nghe, trộm. Có, người, nghe, trộm. Có người nghe trộm. Có người nghe trộm. Cóngườinghetrộm. Cóngườinghetrộm.

Tín hình sự nói bằng giọng đều đều:

- Nguyễn Thu Hương đang nghe trộm đấy.

Liền sau đó một luồng sáng đỏ chói lòa ùa vào ô cửa sổ phòng tôi. Ánh sáng kéo theo mấy chục cánh tay người, nam, nữ, già, trẻ đều đủ cả. Những cánh tay vô chủ chen chúc nhau quờ quạng, cố gắng tóm lấy tôi. Tôi ngã ngửa trên mặt đất, hai mắt vẫn chưa thôi bỏng rát.

Ngoài cửa có tiếng mẹ tôi sốt sắng:

- Sao đấy con? Mở cửa cho mẹ!

Tôi mắt nhắm mắt mở toan mở cửa để thoát ra thì thấy dưới khe cửa, ánh sáng đỏ lại hắt vào nhàn nhạt. Tôi đứng lùi lại, chửi tục:

- Mở cái con c. tao đây này!

Bên ngoài vọng vào tiếng cười khùng khục:

- Khôn nhỉ? Thảo nào mãi không bắt được mày!

Tôi không nói gì, chỉ biết nhìn chằm chằm vào khung cửa sổ có chấn song sơn vàng. Mấy chục cánh tay trắng hếu đang đang giằng giật, cố tìm cách để phá cửa xông vào. Luồng ánh sáng đỏ nóng rẫy như muốn nung chảy chấn song. Không biết cái cửa ọp ẹp này có thể chịu đựng được bao lâu nữa.

Bỗng tôi nhận ra một vật – cây bút của Mai Linh. Sau nhiều năm, tôi vẫn nhớ như in hình dạng của nó. Chính là nó.

Tôi đưa mắt tìm một vật vẫn được bọc kín, đặt một góc trên giá sách. Viên kim cương giả bằng nhựa. Tôi túm lấy nó theo kiểu một người sắp chết đuối vớ được cọc. Rồi tôi lấy hết can đảm trong lồng ngực thò tay giật phắt lấy cây bút của Mai Linh.

Khoảnh khắc viên đá nhựa và cây bút chạm vào nhau, hai bàn tay tôi nóng rát. Dù đôi mắt nhắm nghiền, tôi vẫn cảm nhận được luồng sáng đỏ chói ngoài cửa sổ.

Mười giây sau, mọi thứ trở lại bình thường. Tôi nằm bò ra sàn, tay vẫn còn nắm chặt cây bút của Mai Linh.

Chỉ có điều là trên sàn có thêm một bộ hài cốt của trẻ con.

Tôi ôm lấy cái đầu lâu mà khóc nức nở.

Cuối cùng tớ cũng có thể mở cổng cho cậu về nhà.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top