F - Feast

- Sách Đạo đức của mày đâu? Mày chết! Mày làm mất sách Đạo đức rồi! Bây giờ phải đi mua lại cho mày đây này! Con với cái!

Thề có bóng đèn trên đầu, lúc đó khi mới vào trường Anh Tiên, tôi còn chưa biết môn Đạo đức có tồn tại. Có lẽ do lúc ấy tôi vẫn là trẻ con, nên tư duy của tôi còn rất đơn giản. Đạo đức với tôi chỉ gói gọn trong mấy điều như: không được nói dối, không được ăn cắp ăn trộm, không được đánh nhau, không nói tục chửi bậy... Từ điển của tôi còn mỏng, chưa chứa thêm những từ như giết người chặt xác, hiếp dâm trẻ em, đánh bom khủng bố hay là tra tấn tù nhân. Tôi tự hỏi đạo đức mà cũng có sách dạy hay sao?

Mẹ tôi lôi từ trong ngăn bàn của tôi ra một cuốn sách mỏng tang có đề tựa "Vở bài tập Đạo đức". Như đã nói, tôi không bao giờ biết rằng mình sẽ phải đi học vào ngày nào, ở chỗ nào, đồng phục đâu, sách vở đâu. Mọi thứ sách giáo khoa, sách bài tập lẫn vở viết của tôi đều là do mẹ mua, mẹ bọc và mẹ viết nhãn vở.

Mẹ tôi là một người có rất nhiều mâu thuẫn. Hồi lớp Một, mẹ mua giấy màu để bọc vở, mua nilon để bọc sách và cuốn nào cũng được mẹ dán nhãn, kể cả những quyển vở đã có sẵn nhãn. Mẹ kêu là chữ tôi xấu quá, để mẹ viết cho. Lúc nào cũng thế, mẹ bảo "Chữ mẹ hơi bị đẹp đấy nhé". Sang năm lớp Hai, khi tôi hỏi sao mẹ không dán nhãn lên vở cho con, mẹ lại quạt tôi:

- Phung phí! Có sẵn chỗ viết họ tên rồi! Dán nhãn làm gì! Toàn là làm trò!

Tất nhiên tôi không phải loại người nhỏ nhen đến độ chỉ có mỗi thế thôi mà đã than rằng mẹ là người nhiều mâu thuẫn. Còn rất nhiều bằng chứng khác cho thấy mẹ tôi hết sức vô lý, nhưng tôi không ghét mẹ. Tôi chỉ phát điên lên với mẹ vì mẹ chọc cho tôi phát điên lên rồi lại hỏi sao tôi cứ hay gắt gỏng. Khi tôi trở thành người lớn, tôi nhận ra mẹ tôi không hề vô lý, ít ra là ở góc nhìn của người lớn bình thường. Một trong những yếu tố khiến người lớn và trẻ con lúc nào cũng như đang giương đủ loại súng ống đại bác vào mặt nhau là tình thương. Bố mẹ thương con, ông bà thương cháu, anh chị thương em nhỏ, nhưng yêu thương không phải lúc nào cũng làm ta thấy hạnh phúc. Ở đây, tôi thấy hai chữ "lửa tình" thật là đắt, và ai nghĩ ra cái từ ấy thật tài làm sao! Tình yêu cũng như lửa, đem cho ta hơi ấm và nếu thiếu hiểu biết hoặc bất cẩn, nó sẽ làm ta đau. Người lớn không đơn giản như trẻ con. Người lớn biết chỗ nào nên dán nhãn vở, biết tại sao khi cuốn nem thì phải cuốn thành hình trụ chứ không phải hình hộp chữ nhật, biết khi nào không nên thật thà quá. Họ cố gắng kiểm soát tình hình, họ sợ trẻ con sẽ làm hỏng việc. Có điều là người lớn lại không chịu dùng thời gian để giải thích chuyện dán nhãn vở, chuyện cuốn nem hoặc chuyện nói dối. Đôi khi việc người lớn giải thích những chuyện họ làm đồng nghĩa với việc họ phải thừa nhận rằng mình đã sai. Và đối với người lớn, thừa nhận rằng mình sai với một đứa con nít vắt mũi chưa sạch thì sẽ rất là nhục. Mặc dù nếu họ chịu suy nghĩ kỹ thì họ sẽ thấy sai mà không dám nhận còn nhục hơn gấp vạn lần.

Hôm đó, mẹ theo tôi đến trường. Khi đã được cô Hạ - giáo viên chủ nhiệm của tôi năm lớp Hai xác nhận rằng tôi không hề làm mất sách Đạo đức vì chẳng có thứ gì như thế cả, mẹ tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tất nhiên, như mọi khi và như nhiều người lớn khác, mẹ không xin lỗi vì đã hiểu lầm tôi. Tuy nhiên tôi cũng hiểu rằng mẹ muốn xin lỗi tôi vì ngay tối hôm đó, mẹ mang về cho tôi cuốn "Truyện cổ tích thế giới".

Tôi rất thích đọc truyện, dù là truyện tranh hay truyện chữ. Tôi chỉ ngán mỗi báo giấy, vì tôi thấy báo người lớn chán phèo. Toàn những tin giết người, cướp của và hiếp dâm. Nếu không phải cướp – giết – hiếp thì cũng là buôn bán ma túy, đột kích ổ mại dâm, toàn những cái mà tôi không hiểu gì. Tôi thích nhất là đọc truyện chữ, vì truyện chữ thì có nhiều chữ để đọc.

Cuốn truyện cổ tích đó tôi đã làm mất trong một lần chuyển nhà. Nội dung của nó không có gì đặc sắc. Duy có một câu chuyện mà tôi nhớ như in: Đừng đùa với người chết.

Đúng rồi, bạn không hề đọc nhầm đâu. Truyện đó tên là "Đừng đùa với người chết". Nội dung đại loại như sau:

Có anh nọ tính hay bông đùa, gặp ai cũng trêu chọc, cười cợt và rủ về nhà chơi. Một hôm anh ta đang đi trên đường thì thấy một xác chết, thế là rủ cái xác đến nhà mình ăn uống. Ai ngờ cái xác lại đồng ý đến nhà anh ta thật.

Cái xác đến nhà anh nọ chơi, ăn uống tì tì, xơi sạch hết món này đến món khác. Ăn no rồi, xác chết lại mời anh nọ đến chỗ nó ăn tiệc. Anh ta đến nơi, bị xác chết cho ăn những món hôi thối, ôi thiu. Ăn rồi về nhà, anh ta đổ bệnh nặng. Từ đó trở đi không dám đùa cợt với người chết nữa.

Câu chuyện này khiến tôi bị ám ảnh suốt một thời gian dài. Có lẽ vì thế mà khi trở thành người lớn, tôi luôn khuyên những ai có con thì đừng cho con đọc truyện cổ tích mà nên cho chúng nó đọc truyện ngụ ngôn. Truyện cổ tích đôi khi có những chi tiết khiến người ta sởn tóc gáy: tự cắt gọt chân để đi vừa giày, đi một đôi giày bằng sắt nung rồi nhảy múa đến chết, chặt cụt hai tay con gái để con khỏi bị quỷ sứ bắt đi, mẹ kế giết con riêng của chồng rồi nấu thịt thằng bé đó cho bố nó ăn, v.v...

Tôi lớn lên bên những câu chuyện như thế. May sao tôi không tiếp thu cái lối suy nghĩ rằng vợ hoặc chồng mới của cha mẹ mình nếu không chặt đầu hay hạ độc mình thì cũng sẽ tìm cách vứt mình vào rừng cho cọp tha gấu bắt hoặc bét nhất cũng trộn hạt nêm với mì chính rồi bắt mình lựa riêng từng thứ một. May mắn hơn nữa là tôi cũng không nhanh nhanh chóng chóng lấy đại đứa nào chỉ vì nó giải được một câu đố hết sức ngu si. Câu chuyện gây ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất sau cùng vẫn chỉ có "Nàng tiên cá" của Hans Christian Andersen.

Tất nhiên là nếu không tính đến "Đừng đùa với người chết".

Phải nói là sau cái ngày chứng kiến Mai Linh biến mất trong luồng sáng đỏ, tần suất gặp ác mộng của tôi ngày một nhiều. Thường thì tôi hay mơ đi mơ lại cảnh mình bước vào thế giới màu đỏ, nhìn thấy cánh tay của Mai Linh bị thiêu cháy trong ao máu, cố gắng tìm cách lao vào biển lửa để cứu bạn mình và sau cùng tôi tỉnh dậy, toàn thân ướt mồ hôi và mũi cứ thoang thoảng ngửi thấy mùi gì tanh nồng. Nhờ câu chuyện cổ tích kinh dị, tôi có thêm một cơn ác mộng mới. Tôi mơ thấy mình lạc vào giữa một bãi tha ma, xung quanh chỉ có bạt ngàn bia bộ đủ kiểu đủ cỡ và tiếng cú kêu dế gáy. Sau đó, một bộ xương trắng hếu khoác giẻ rách thình lình xuất hiện trước mắt tôi, đặt xuống dưới vạt cỏ chết úa một cái mâm. Trên mâm có một cái chậu nhôm và sáu chiếc thìa, loại thìa mà các quán ăn vẫn hay dùng. Tôi nhòm vào trong cái chậu. Toàn là máu đông. Hoa mỹ hơn thì gọi là tiết canh. Rồi từ trong cái chậu, một khúc xương tay cầm thìa thò lên. Nhanh như cắt, cánh tay chết chóc trắng ởn xúc một thìa máu đông dí vào mồm tôi. Phần kế tiếp thì các bạn cũng đoán được rồi: tôi lại giật mình mở bừng mắt ra và cứ ngửi thấy mùi tanh quanh quẩn trong mũi.

*****

Tôi không nhớ lần đầu tiên tôi gặp chú Trung là lúc tôi mấy tuổi. Tôi chỉ nhớ rằng chú Trung là một người cao lêu nghêu nhưng lại gầy nhẳng, khiến tôi luôn nghĩ chú giống con bọ que trong phim hoạt hình "Đời sâu bọ". Chú thường đội một chiếc mũ rơm rộng vành, sơ mi hoa lá và quần ngố. Tôi thường gặp chú Trung ở ngoài hàng tạp hóa, thấy chú đổi vài chai bia và mua mấy gói bánh quẩy. Nếu bố tôi không thỉnh thoảng mời chú qua uống rượu rồi tán phét, chắc hẳn tôi sẽ nghĩ sự phát triển mất cân đối của chú là do chú sống bằng bia và bánh quẩy. Với cái kiểu ăn uống đó, chắc chắn chú Trung sẽ bị bố mẹ đè nghiến xuống giường mà thụt đít vì đã một tuần rồi chú không ị được cục nào.

Chiều tối hôm đó, chú và bố ngồi cạnh nhau bên mấy bát tiết canh vịt và chai rượu đế, khoe ra bốn cẳng chân đặc những lông. Tôi và mẹ cũng ngồi ăn chung, thỉnh thoảng lại nói góp một điều gì đó vào vấn đề đang được nhắc đến. Trong lúc mọi người đang cười ồ lên vì một câu nói đùa của bố tôi thì đột nhiên, một tia sét đánh xuống giữa khoảng sân trước nhà. Đó là một tia sét màu đỏ. Nó để lại trên mặt đất một vết cháy hình người. Tôi không hề nhìn nhầm. Một hình người có đủ đầu mình tay chân. Tôi vẫn có thể nhận ra cái hình người ấy dù nó có hơi méo mó. Nó chính là cái bóng của chú Trung đổ ra ngoài sân. Sét đánh trúng cái bóng của chú Trung, để lại một mùi tanh nồng nặc đến lợm giọng. Tôi toan chạy ra sân để ọe, nhưng sực nhớ đến cảnh vừa rồi, tôi lại chạy lên tầng hai, lao vào nhà vệ sinh và gập người xuống nôn vào bồn cầu.

Sau khi đã thải ra qua đường miệng toàn bộ thức ăn, dịch vị lẫn với mật xanh mật vàng, tôi khật khừ bước xuống, thấy cả nhà đang tiếp tục ăn. Mọi người nhìn tôi lom lom. Mẹ hỏi:

- Sao thế Cún? Ốm à?

Tôi lắc đầu:

- Chắc là con bị đau bụng.

- Đau bụng thì uống men tiêu hóa vào, cả berberine nữa.

- Dạ.

Tôi vừa lục ngăn kéo tìm thuốc, vừa nhìn ra ngoài sân. Cái bóng bị sét đánh đã biến mất trong lúc tôi bận nôn ọe. Bóng của bố mẹ tôi vẫn ở ngoài sân, lắc lư chuyển động theo hai người. Nhưng chú Trung thì có vẻ kém vui hẳn đi. Cái bóng của chú không còn nữa. Chú không có bóng. Chú không cười đùa nhiều như lúc nãy nữa mà tập trung vào việc diệt mồi. Hình như món khoái khẩu của chú Trung là tiết canh vịt. Mẹ và tôi không dám ăn những đồ sống như tiết canh vì sợ đau bụng. Bố tôi tuy bụng dạ tốt nhưng cũng tránh ăn những món như vậy. Chỉ có chú Trung ăn hết phần của mình thì lại nhìn bát tiết canh của bố tôi một cách thòm thèm. Muốn chiều ý khách, bố tôi đẩy cái bát tiết của mình ra phía chú và giục:

- Ăn đi mày! Cứ ăn đi không phải ngại ngần gì hết nhé!

Không đợi bố tôi mời đến câu thứ hai, chú Trung đã dốc cả bát tiết canh còn lại vào miệng. Máu rớt ra nhoe nhoét hai bên khóe miệng chú, khiến cả bố lẫn mẹ tôi đều chết sững. Họ chắc không đời nào tin rằng một người vui vẻ, hiền lành và khiêm tốn như chú Trung lại có kiểu ăn uống thô lỗ như thế. Bố bèn đánh mắt sang phía mẹ, ra hiệu "Thôi kệ nó, trời đánh còn tránh miếng ăn".

Đối với tôi lúc đó, tôi biết rằng trời đánh không tránh miếng ăn. Cái bóng cao lêu nghêu của chú Trung đã bị một tia sét đỏ tanh tưởi đánh trúng. Cơ mà chưa chắc chú Trung đã bị trời đánh, có thể lưỡi tầm sét kia không từ trời giáng xuống mà phóng lên từ địa ngục thì sao? Địa ngục? Thật là một khái niệm kỳ lạ. Hình như tôi đã nhìn thấy địa ngục ở đâu đó rồi thì phải... Một địa ngục ngập trong màu đỏ.

Sau cái bữa ăn tiết canh vịt ấy, tôi không còn gặp chú Trung ở tiệm tạp hóa của bà Nhâm nữa. Tôi thắc mắc không biết chú Trung đã đi đâu.

Lần cuối cùng tôi thấy chú Trung là gần một năm sau đó, khi chú đang loay hoay chất đồ lên chiếc xe tải. Bố tôi bảo chú Trung có ý định chuyển nhà đi nơi khác sống. Mấy hôm trước khi gặp nhau ngoài quán nhậu, bố tôi và chú Trung đã nói chuyện với nhau. Chú Trung nói rằng mẹ chú năm nay cũng gần sáu mươi rồi, bà không muốn sống ở thành phố nữa mà muốn về quê. Mẹ chú về quê trước, chú sẽ đóng gói đồ đạc rồi về sau. Bố trách chú Trung sao dọn nhà mà không bảo anh em bạn bè để mọi người đến giúp mà lại tự đi làm một mình. Chú chỉ cười trừ.

Khi thấy tôi đứng bên chiếc xe tải, chú Trung hình như bị giật mình. Chú liếc mắt nhìn về hướng nhà mình. Ngôi nhà của chú Trung bé tí, thấp lè tè và trông te tua như lá gan của một tên bợm nhậu. Tôi gật đầu chào chú rồi bước lăng xăng về nhà. Lúc qua nhà chú Trung, tôi mơ hồ nhận ra một mùi tanh kỳ lạ. Lấy hết can đảm, tôi nhòm nhanh qua cửa sổ nhà chú.

Chẳng có gì trong đó cả. Căn nhà trống huơ trống hoác. Chỉ có điều là sàn nhà hơi bụi. Tôi toàn bỏ đi thì thấy bên cửa sổ có một vệt nhỏ màu nâu đỏ, chìm hơn vệt sơn. Nhìn kỹ lại thì xung quanh còn mấy vết khác tương tự, ngắn dài khác nhau. Tôi tự nhiên nhớ đến cơn thèm tiết canh lạ lùng của chú Trung vào cái hôm chú qua nhà tôi ăn cơm, nhớ về tia sét quái đản đã thiêu cháy cái bóng cao kều.

Tôi chạy ngược ra phía đầu ngõ. Chú Trung đang nhảy lên xe, ngồi vào ghế lái phụ. Tôi bần thần nhìn cái bóng của chú đỏ như một vết máu loang dưới mặt đường nhựa.

Não tôi như bị màu đỏ của cái bóng nung chảy ra thành bùn nhão, khiến tôi chỉ biết đứng đó mà nhìn vết máu nhỏ ra từ thùng xe rơi tong tỏng xuống đường.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top