B - Blackboard

Như tôi đã nói thì nhà tôi không giàu có, nhưng như mẹ tôi nói thì tôi "không thiếu thứ gì". Nói thế cũng có lý, vì tôi là đứa con duy nhất trong gia đình. Ông nội tôi, may mắn là không như nhiều ông nội khác, đã nói rằng: "Thôi đừng đẻ nữa. Đẻ một đứa thôi. Trai hay gái gì cũng được. Đẻ nhiều không nuôi được đâu."

Sau hơn hai chục năm sống trên đời, tôi không thu được nhiều kinh nghiệm sống nhưng cũng biết số tôi thế là còn may. Rất nhiều gia đình họ đẻ vô tội vạ, đẻ như chuột. Sòn sòn sòn đô sòn mỗi năm một đứa. Con đông đến mức chính bố mẹ chúng nó cũng phải mất một lúc để gọi đúng tên từng đứa một. Họ tin rằng: trời sinh voi thì trời sinh cỏ. Nhưng mà những bậc phụ huynh đầu óc giản đơn ấy quên mất là họ đẻ ra người chứ đâu có đẻ ra voi. Người cần có cơm ăn, áo mặc, học phí, viện phí và hầm bà lằng những nhu cầu không tên khác mà voi không có.

Có lẽ việc tôi là con một giúp cho bố mẹ tôi nuôi dạy tôi dễ hơn và nhờ thế mà tôi sướng hơn đầy đứa khác. Một trong những cái "sung sướng" là tôi "được" đi học trước khi vào lớp một. Về sau thì tôi thấy việc học trước này không ra gì. Nếu con các ông các bà đủ khả năng đi học từ năm tuổi thì chẳng ai đặt ra luật bắt trẻ con sáu tuổi mới được đến trường tiểu học. Nhưng biết sao bây giờ? Người ta lại thích thế! Lúc có chửa thì mong con mình đẻ ra là người bình thường. Chẳng hiểu sao đẻ rồi lại nhồi nhét cho nó thành người phi thường. Nhồi nhét quá nó lại thành bất thường.

Bây giờ ngẫm nghĩ lại, tôi cũng chẳng biết sự nhồi nhét ấy có lợi ích hay tác hại gì với tôi không, hoặc là có nhưng mà tôi quên mất rồi.

Tôi chỉ biết là tự nhiên một hôm đang yên đang lành, tôi bị mẹ dúi đến lớp học tư của cô Bích và cô Ngọc.

Đó là một ngôi nhà rộng rãi, được chia thành ba gian. Gian bên phải là nhà vệ sinh, nhà tắm và nơi nấu ăn - một kiểu xây dựng mà khi lớn rồi tôi mới thấy như thế là hết sức phản khoa học. Gian bên trái là phòng ngủ, phòng ăn và có cả bàn giấy để soạn bài và chấm bài. Chính giữa, tức gian nhà rộng nhất là nơi kê hai dãy bàn ghế học sinh, hai bảng đen cùng hai bộ bàn ghế giáo viên. Lớp bé học chung với lớp lớn. Thật ra thì chẳng phải lớn nhỏ với to bé gì cả. Tất cả đều bằng tuổi nhau, chỉ là nhóm học trước, nhóm học sau mà thôi.

Hình như phụ huynh thời đó không như phụ huynh bây giờ. Họ thuộc thế hệ 6x, 7x, là những người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh giáo viên là ông hoàng bà chúa nên họ coi thầy cô của con còn hơn cả ông chúa bà hoàng. Cho dù chỉ cần bố mẹ quay lưng đi, những người mang danh nuôi dạy mầm non tương lai của tổ quốc sẽ lấy roi mà vụt mầm non tới tấp thì bố mẹ vẫn cứ cho rằng "thương cho roi cho vọt". Giá có ai chỉ cho tôi những trận đòn tóe máu hoặc những câu mạt sát ấy ẩn chứa tình thương ở cái ngóc ngách nào thì tôi biết ơn lắm lắm. Con mình bị đánh đến thừa sống thiếu chết mà còn chẳng quan tâm, thảo nào cái lớp học ọp ẹp như thế mà phụ huynh vẫn sung sướng đóng tiền để con mình được vào, vừa ăn học vừa ăn đòn.

Tôi có lẽ là một trong số ít những đứa trẻ nhận ra rằng cái bảng của lớp lớn có vấn đề. Thề có bóng đèn trên đầu, tôi đã thấy nó rung lắc không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần cái bảng trở chứng như vậy, tôi lại muốn la lên, hét lên hoặc gào lên cho mọi người biết: nó sắp rơi xuống. Và cứ nhìn cái kiểu ấy thì nếu rơi, cái bảng sẽ đổ sập xuống đầu hai thằng sinh đôi.

Sau một tháng đi học ở lớp học tư, tôi mới biết hai thằng sinh đôi đó đều tên là Đức. Minh Đức và Anh Đức, thường gọi là Đức lớn là Đức bé. Lại lớn và bé. Hai thằng đó giống hệt nhau, giống từ chân đến đầu. Về sau khi được học về di truyền, tôi mới biết hai thằng là trẻ đồng sinh cùng trứng. DNA của chúng nó giống hệt nhau. Bố mẹ chúng nó hình như muốn khoe với cả thế giới là mình đẻ một phát được tận hai đứa hay sao không biết mà để hai đứa con cắt tóc và mặc quần áo, đi giày dép giống hệt nhau, khiến cho giáo viên và những đứa khác mỗi khi cần lại phải hỏi: "Mày là Đức lớn hay Đức bé?"

Hai thằng Đức lúc nào cũng ngồi bàn đầu trong lớp lớn. Hình như hai đứa nó không bao giờ nghĩ tới chuyện cái bảng kia mà rơi vào đầu thì chỉ có nước vỡ sọ mà chết.

Như đã nói, tôi luôn muốn cho mọi người biết rằng tôi sợ hai thằng sinh đôi sẽ phải chết vì bị bảng đập vào đầu.

May mắn là hôm đó tôi đã kịp hét lên "Bảng rơi kìa", và cô Ngọc lẫn cô Bích kịp thời giữ cái bảng của lớp lớn lại. Hai cô bảo bọn lớp lớn tránh ra, tránh sang bên kia đứng để hai cô hạ hẳn cái bảng xuống. Đức lớn và Đức bé thở phào nhẹ nhõm, may quá! Nếu tôi không kêu lên để báo hiệu thì chắc không ai nhận ra cái bảng đó đang đổ xuống. Tôi nhìn cái bảng ấy chằm chằm. Hình như trên bảng có mấy dấu tay bé xíu. Những dấu tay ấy tan biến rất nhanh, tựa như một vài ảo ảnh trong đáy mắt. Liền sau đó, tai tôi nghe được một tiếng đổ sập như động đất.

Cái bảng của lớp bé đã đổ xuống. Lần này thì nó đổ trúng đầu hai thằng sinh đôi. Máu loang ra đầy đất. Tôi trợn mắt đứng nhìn những dòng đỏ thẫm đổ vào mạch vữa sàn nhà, tự hỏi có ai tẩy sạch được những vết máu ấy không hay cái sàn sẽ mãi mãi như thế.

Lần trước, tôi đã bảo với mọi người là trừ thằng Cò ra, tôi không thấy một cái chết bất thường nào trong suốt cuộc đời mình, dù cái chết vì bệnh tật của thằng Cò thoạt trông chẳng có gì lạ. Tôi nói thế bởi tôi cho rằng, hoặc cố tự an ủi mình rằng việc hai thằng Đức lớn Đức bé bị bảng đè vỡ đầu trong lớp là một tai nạn. Tai nạn thì rất nhiều. Hoặc việc chứng kiến một thằng bạn chết một cách lạ lùng đã kinh khiếp lắm rồi, đằng này tận hai thằng...

Theo tôi được biết thì cái bảng đó vẫn được tiếp tục sử dụng và cái lớp tư đó vẫn không bị đóng cửa. Vì tôi chuyển nhà đi đã hơn mười năm, mà khoảng thời gian trước đó tôi cũng không bén mảng tới cái chỗ quái quỷ ấy làm gì.

Thỉnh thoảng khi tôi gặp một cặp sinh đôi, tôi không tránh khỏi việc nghĩ về hai thằng Đức lớn và Đức bé. Tôi tự hỏi mình rằng cái bảng của lớp lớn lung lay, chẳng sớm thì muộn nó sẽ đổ sụp xuống, cái đó thì tất nhiên rồi. Nhưng tôi chưa từng thấy bảng của lớp bé xảy ra bất cứ vấn đề gì lạ. Tôi học lớp bé, tôi là đứa nhìn lên bảng, tại sao tôi không thấy? Sau này có một khoảng thời gian tôi bị khủng hoảng tinh thần nặng nề, và tôi không ngừng đổ lỗi cho chính bản thân mình mỗi khi nhớ đến một chuyện không may từng xảy ra. Chuyện cái chết của hai thằng sinh đôi không nằm ngoài số đó. Có lẽ tôi đã không vượt qua được quãng thời gian đó nếu như tôi không nhớ về những dấu tay nhỏ xíu thoắt ẩn thoắt hiện.

Mong muốn làm đau người khác, nhất là làm đau những đứa trẻ vô tội là một ý nghĩ xấu xa. Đôi khi những ý nghĩ xấu xa tồn tại dưới một dạng khác, ở những chiều thời - không khác. Sự xấu xa của chúng tiến hóa thành sự độc ác. Cũng giống như cái cách mà người ta lấy cớ "đẻ được thì nuôi được" để có một đàn con, hay viện lý thương yêu để chửi mắng và đánh đập con trẻ thôi. Muốn làm việc xấu, người ta có thể viện đủ mọi lý do. Và khi muốn làm việc ác, người ta sẽ tìm đủ mọi cách, trong đó có những cách mà không đời nào ta tưởng tượng ra được.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top