Chương 2: Thục Khuê gặp nạn?
Theo lệ thường của xứ pháp thuật Việt Nam thì cứ đến tháng sáu, tháng bảy hàng năm là diễn ra cuộc tuyển quân cho Cục Thi hành Luật Pháp Thuật hay còn có tên gọi tắt là Cục Hành Pháp. Vậy mà chẳng hiểu vì cớ gì mà năm nay Bộ Pháp Thuật lại cho Cục Hành Pháp tuyển quân sớm hơn thông lệ, từ tận những ngày đầu tháng bốn. Việc tuyển quân không theo lệ thường của Bộ đã kéo theo nhiều hệ lụy liên quan, một trong số đó là việc tăng ca của các ban ngành trong bộ.
Cục Lưu trữ hồ sơ Pháp Thuật - gọi tắt là Cục Lưu Trữ, cũng nằm trong số đó, và nói không ngoa thì đây cũng là nơi phải chịu áp lực công việc nhiều nhất trong dịp này. Do tính chất của Cục Lưu trữ là phải thẩm tra, đối chiếu cẩn thận các hồ sơ của những người nhậm chức vào Bộ Pháp Thuật, nên mỗi lần đến dịp tuyển quân hay tuyển nhân viên Bộ là các thành viên của Cục này phải thức đêm thức hôm để làm xong việc. Lần này lại còn là tuyển quân trước thời hạn nên thời gian duyệt hồ sơ phải được đẩy nhanh tốc độ, mỗi người đều ước gì thành ba đầu sáu tay hay có phép Phân Thân Toàn Phần để được hoàn thành công việc nhanh chóng.
Hậu quả là chỉ mới có bảy giờ tối mà ai nấy đều phờ phạc, rũ rượi hết cả lên. Hải Xuân cũng không nằm ngoài số đó, nhưng được cái cô may hơn người khác ở việc số hồ sơ mà cô cần xét duyệt đa phần là hạt giống ưu tú được đề cử lên trên nên số lượng cũng không phải rất lớn. Ngay khi kết thúc công việc là Hải Xuân đã khoác túi lên vai, chào sếp và đồng nghiệp đang bù đầu vào công việc rồi chạy một mạch về nhà
Bà sếp đang lúi húi với chồng hồ sơ chất cao như núi có bìa nâu sởn màu thì giật bắn cả người khi Hải Xuân đột nhiên cất tiếng, chưa kịp định thần lại thì cô ta đã biến mất tăm trong tầm mắt bà. Hơi đẩy gọng kính trong suốt lên sống mũi, bà sếp ngó đăm đăm cái chồng hồ sơ của Hải Xuân cũng cao không kém cái chồng đang ở trước mặt bà đầy chăm chú, bà ta nhìn chồng hồ sơ thật kĩ, thật tỉ mẩn và đủ lâu để thấy nó đã được xếp gọn gàng, ngăn nắp với tờ giấy ghi bằng mực đỏ có hai chữ "Đã duyệt" thật to kèm con dấu của Hải Xuân ở bên trên. Cuối cùng, chẳng biết bà sếp nghĩ gì vì bà ta đã tiếp tục cúi xuống cặm cụi với công việc của mình, nhưng chắc hẳn bà đã từ bỏ việc xét nét Hải Xuân hay trừ lương cô ta vì đã bỏ về sớm.
Sau bữa tối, Ý Nhi lên phòng tắm rửa và để lại phòng khách cho bố mẹ. Lúc này bố nó đang xem chuyển động 24h, thường thường ông lại nghĩ ra gì đó và nói với vợ về những tin tức đang được trình chiếu. Tầm nửa tiếng nữa mới đến mấy bộ phim yêu thích của mẹ Ý Nhi nên bà ấy đang nhắn tin cho bạn bè, thỉnh thoảng bà cũng kể với chồng về mấy người chị em ngày xưa khi xem ảnh họ bây giờ. Chẳng rõ cách âm nhà Ý Nhi có tệ quá hay không mà dù đã lên phòng riêng nhưng nó hãy còn nghe được tiếng bố mẹ từ dưới phòng khách.
Ý Nhi đang ngâm mình trong bồn tắm đầy nước và bọt từ sữa tắm, nó tựa mình vào thành bồn trong khi hai mắt hờ. Đột nhiên những hình ảnh vụn vỡ như các mảnh thủy tinh của một chiếc cốc vỡ dần hiện lên trong đầu nó. Tối, bóng tối mờ ảo như bủa vây cuộn chắt lấy người nó, Ý Nhi nghe được âm thanh mường như tiếng trườn bò dưới mặt đất ẩm ướt của loài bò sát, và tiếng nước rơi từng giọt một, đều đặn lặp đi lặp lại.
Một, hai và ba người, Thục Khuê. Là Thục Khuê, đứa bạn thân của Ý Nhi đang bị tấn công, và trong những hình ảnh đó Thục Khuê nó đang đau đớn khiếp khủng.
Ý Nhi như chung nỗi đau với bạn trong chừng vài giây, và nó gần như hét toáng lên đau và vì sợ. Nhưng may mắn, con bé kịp bặm môi lại, và chỉ thốt ra âm thanh rên rỉ khản đặc. Nó bừng dậy, thở hổn hển và tưởng như chỉ cần mê man thêm vài phút nữa là Ý Nhi sẽ chới với trong bồn tắm ngập nước.
Không còn tâm trạng tắm táp, nó vơ lấy bộ đồ nào đó mặc tạm, cố giữ vẻ mặt bình tĩnh và đi xuống nhà với một cái cặp nhỏ.
⁃ Bố cho con sang nhà Thục Khuê học nhóm được không ạ? Chiều nay con có hẹn với bạn mà bẫng đi mất.
Nếu nói trong số đám bạn của Ý Nhi ai được bố mẹ nó tin cậy và quý mến nhất thì chắc chắn hẳn là Thục Khuê, con bé tuy không dẻo miệng nhưng được cái ngoan ngoãn và học giỏi. Vậy nên từ khi Ý Nhi chơi thân với Thục Khuê, nó thường lấy lí do học nhóm hoặc mượn vở của Thục Khuê để sang nhà cô bạn chơi hoặc đi đâu đó mua đồ. Vừa mới nói đến nhà Thục Khuê là bố của Ý Nhi đã gật đầu đồng ý.
⁃ Trời tối, con gái con đứa đi mình nguy hiểm. Bố đưa con đến nhà bạn, rồi lại đón về.
Để ở ngày thường thì chắc hẳn Ý Nhi đã giãy nảy lên vì thấy bố mình quá kèm cặp, nhưng bây giờ nó chỉ ngoan ngoãn gật đầu, bởi đi với bố sẽ nhanh hơn chút đỉnh. Vả lại, nếu có chuyện gì thì bố cũng giúp được Thục Khuê và dì Hải Xuân.
⁃ Dạ vâng.
Ý Nhi và bố ngồi lên chiếc tay ga màu đỏ rượu của mẹ nó rồi phóng đến nhà Thục Khuê, chỉ một đoạn đường ngắn nhưng Ý Nhi thấy người mình nôn nao hết cả lên. Mấy cái giấc mơ hay hình ảnh vụt lên trong đầu nó thường là dự đoán trước, nếu lần này cũng thế thì nguy cho Thục Khuê quá.
Dù đã cố bắt chuyến xe Phi Mã nhanh nhất nhưng Hải Xuân cũng mất kha khá thời gian mới về được nhà. Tính đi tính lại thì Thục Khuê vẫn chỉ mới có mười mấy tuổi, lại còn là con gái, để nó một mình ở nhà lâu như thế chính cô cũng có chút khó yên trong người. Từ lòng dạ khó yên Hải Xuân chuyển qua lạnh run người, nỗi sợ hãi cứ dần ăn mòn. Có lẽ người khác khi thấy thấy nhà tối đen như mực sẽ nghĩ cháu gái đã đi ngủ từ sớm, nhưng chỉ có cô mới hiểu việc nghiêm trọng thế nào. Cổ họng khô cứng không thốt nổi thành lời và chân như bị dính chắc xuống mặt đường.
Mọi khi, chỉ cần ở nhà là Thục Khuê sẽ bật điện sáng chưng, vậy mà hôm nay trong nhà không có nổi một ánh sáng le lói nào cả. Giữ chút hi vọng trong lòng, Hải Xuân một bên lấy gọi điện cho cháu, bên kia hấp tấp đi tới cổng nhà. Cái khoá ngoài vẫn y nguyên, không chút dấu vết đã từng được mở ra. Cả chiếc xe đạp nhật mà Thục Khuê hay đi cũng không ở trong sân, con bé không có nhà. Nó đi đâu được cơ chứ.
Hải Xuân gọi vào số Thục Khuê, không ai bắt máy, cô lại gọi tiếp, cứ thế lặp đi lặp lại. Đầu óc cô giờ phút này trống rỗng, tay chân run rẩy, Thục Khuê, rốt cuộc con bé ở đâu.
Ánh đèn pha sáng loáng bừng lên sau lưng cô, tiếng gọi với của Ý Nhi - bạn cháu cô, vang lên. Hải Xuân như bắt lấy niềm hi vọng nhỏ nhoi cuối cùng, hỏi
⁃ Cháu chào cô, cháu đến tìm bạn Thục Khuê ạ.
⁃ Cháu có thấy Thục Khuê đâu không?
Hai người sửng sốt nhìn nhau, mặt Ý Nhi tái mét không còn chút máu, Hải Xuân dần trượt ngồi xuống đất, xanh lét cả mặt mày. Lúc này bố Ý Nhi vội chống xe rồi chạy lại chỗ Hải Xuân, ông đỡ cô đứng dậy và hỏi chuyện, xem chừng cũng ý thức
được việc gì đang xảy ra.
⁃ Cô phải bình tĩnh lại rồi từ từ kể cho tôi nghe cháu Thục Khuê nó làm sao. Nào, vào nhà nói chuyện đã.
Hải Xuân nghe lời bố Ý Nhi, đờ đẫn mở cửa vào nhà ngồi, Ý Nhi và bố cũng đi theo, hai người ngồi xuống ghế sô pha trong đối diện Hải Xuân. Cô vẫn cứ im lặng, không nói gì mà suy nghĩ đủ chuyện về Thục Khuê. Người thân của con bé hiện giờ chỉ có mỗi mình cô, vậy thì con bé có thể ở đâu. Nhà Nguyễn Văn thì không thể rồi, họ đã tìm mọi cách để đá con bé ra khỏi nhà cơ mà. Khoan đã, nhà Nguyễn Văn, khốn nạn thật, Lê Đan Anh cô ta tính làm gì Thục Khuê.
Đây là chuyện của xứ pháp thuật, người thường tốt nhất là không nên tham gia. Hải Xuân cố giữ giọng mình bình thường lại rồi nói:
⁃ Làm phiền anh và cháu Ý Nhi lo lắng, khi nãy về đến nhà thấy cháu Thục Khuê không ở tôi cứ nghĩ linh tinh, sợ cháu gặp chuyện không may. Nhờ anh nhắc nhở, tôi đã bình tĩnh lại và nhớ ra vài chuyện, chẳng là tôi họ hàng nhà cháu mấy hôm trước có bảo tôi sẽ qua đón cháu về quê ăn giỗ. Mấy bữa nay bận rộn, tôi quên khuấy đi mất
Ngay chính Hải Xuân cũng biết mấy câu mình vừa nói ra nghe với lí và chẳng thuyết phục người khác như thế nào, nhưng biết sao được. Việc này hai bố con Ý Nhi không nên dây vào, mà dù có giúp cũng không thể làm gì được. Chuyện xứ pháp thuật nên để người xứ này giải quyết.
⁃ Thật chỉ vậy sao cô, nếu có chuyện cô để tôi giúp. Dù gì cháu Thục Khuê cũng chơi thân và giúp con tôi nhiều.
⁃ Cảm ơn anh, anh Hoàng Bách. Nếu không còn chuyện gì thì anh với cháu cứ về trước, bữa sau lại đến nhà tôi chơi. Giờ tôi đi qua bên họ hàng ở lại cuối tuần với cháu luôn.
Dì Hải Xuân bình thường vẫn hiền lành, điềm tĩnh bữa nay đột nhiên cứng rắn hơn thường, dù dì mời Ý Nhi và bố về trước nhưng không hiểu sao nó lại thấy dì Hải Xuân đang gấp gáp và không muốn bố con nó xen vào chuyện này. Nếu mọi lần Ý Nhi còn có thể kì kèo mặc cả thì lần này đến cất giọng nói chuyện nó cũng không dám. Ông Hoàng Bách đúng là người làm ăn, rất biết đọc không khí và cũng đoán đây là chuyện riêng của gia đình người khác, người ngoài dù thân đến mấy vẫn là không tiện xen vào.
⁃ Vậy chào cô, tôi với cháu về trước.
Ngay khi bố con ông Hoàng Bách ra khỏi nhà, Hải Xuân cũng xách túi đi ngay. Cô vẩy tấm thẻ có vẽ hình một bầy ngựa dũng mãnh, con nào con nấy đều to khoe phi thường theo hình sao năm cánh. Chỉ vài giây sau, trước mặt Hải Xuân phun ra làm khói trắng xoá và "đùng đoàng" một tiếng rồi đột ngột hiện ra một chiếc xe buýt màu gỗ lâu năm, trên đầu xe có ghi hai chữ Phi Mã bằng cả chữ Nôm lẫn tiếng Việt hiện thời bằng mực tàu ánh kim.
Người phụ xe vừa mở cửa cái "xoạch" là Hải Xuân đã đi nhanh lên xe và ngồi vào chỗ đầu tiên của dãy bên phải. Có nhẽ do vẻ của cô quá nghiêm túc, lại đằng đằng sát khí nên người phụ xe chẳng dám cất lời nói mấy chuyện hài tếu táo hay tán tỉnh như trước. Yết hầu anh ta lên xuống mấy lần rồi mới dám hỏi:
⁃ Tối thế này cô Hải Xuân muốn tới đâu?
Hải Xuân đáp củn ngủn:
⁃ Bộ Pháp Thuật.
Anh phụ xe không dám nhìn thẳng mặt Hải Xuân hiện giờ, vì trong cô lạ quá, khác với ngày thường quá. Anh nói to với lái xe đang chỉnh lại gương.
⁃ Tới Bộ Pháp Thuật bác tài!
Như khi đến, chiếc xe lại tạo ra một tiếng "đùng đoàng" với làn khói trắng nữa rồi mất hút trong bóng tối, chỉ để lại những khung cửa mở ra của các nhà hàng xóm hiếu kì và khói trắng.
Mùi ngai ngái ẩm mốc của rêu xanh căng phồng cánh mũi và đầy áp sau mỗi lần thở hổn hển nặng nề của Thục Khuê. Tay chân nó bị trói chặt bằng một thứ dây lạ, hễ cứ cựa quậy là chúng lại thít chặt hơn, nó cũng không nhìn được gì ngoài một màu đen kịt quay cuồng vì mắt đã bị bịt kín. Nhưng bù lại, tai Thục Khuê trở nên "thính" hơn trước. Các âm thanh thi nhau tràn vào màng nhĩ con bé, và nó phải cố gắng nghe xem đấy là gì.
Cuối cùng Thục Khuê cũng nhận ra, nó nghe được tiếng "xột xoạt" và "chít, chít" không biết mệt của mấy con chuột, lúc đầu là ở bên phải nhưng chỉ mấy phút sau sang bên trái. Thục Khuê không biết nó đang ở nơi nào, con bé chỉ thấy lạnh và không thể suy nghĩ rõ ràng được cái gì.
Chẳng hiểu sao mà cơ thể Thục Khuê cứ rút dần sức lực, tay chân rệu rã , đầu óc quay cuồng hỗn loạn và bụng quặn thắt lại từng cơn như có người đang nhảy múa bên trên. Thục Khuê không cảm thấy đói mà chỉ thấy mệt và đau nhức, cơn đau đến từ xương cốt như thể từng khớp xương một đang tách rời, nghiền nát và vỡ vụn. Lưng nó trượt dần xuống đất, và con bé mường như rêu xanh dính đầy nước bẩn đang bết dính trên lưng nó. Chiếc áo mỏng manh dính chặt vào người Thục Khuê vì mồ hôi và vì rêu, nó cố há miệng, cố nói chuyện nhưng không thể phát ra bất cứ âm thanh nào.
Cơn đau cứ gặm nhấm dần ý thức của Thục Khuê, những âm thanh hỗn loạn và cơn đau dường như muốn kéo dài bất tận. Cho đến khi Thục Khuê vẫn mê man trong nỗi đau đớn tuyệt vọng trên nền đất ngổn thì âm thanh đã thay đổi, hay đúng hơn, là sự xuất hiện của tiếng bước chân lạ.
⁃ Chào Thục Khuê, chỗ này đẹp chứ?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top