CHAP 9. Bài giảng của thầy



Lớp 11A hôm nay nhộn nhàng hơn mọi khi, thầy Kim vừa bước vào đã thấy chúng nó túm năm tụm ba thành từng nhóm, chúi mặt vào những chiếc Ipad loại mới nhất, chăm chú xem một cái gì đó, thi thoảng lại ồ lên thích thú rồi bàn tán sôi nổi.

- Trật tự nào các em! Hôm nay chúng ta sẽ học về Tố Hữu. – Kim hắng giọng thông báo.

Dù đã nghe tiếng thầy nhắc, nhưng chưa đứa nào muốn vào học, nhiều đứa còn bĩu môi khi nghe thấy tên Tố Hữu. Chào thầy xong, chúng nó lại tiếp tục dấm dúi vào chiếc Ipad dưới ngăn bàn, miệng vẫn còn bàn luận rôm rả.

- Này, mấy đứa kia! Thầy nói mà không chịu nghe hả? Có gì mà cứ bàn tán nãy giờ thế?

- Thầy ơi, thầy cho các bạn ấy thêm ít phút để đọc nốt tin báo ạ! – Trang lớp trưởng đứng lên năn nỉ.

- Tin gì mà khiến các em quan tâm hơn cả Tố Hữu vậy?

- Madonna sẽ comeback và đi tour trong năm nay thầy ạ! – Hạ "kiều nữ" nói với lên trong khi vẫn đang chuốt lại bộ mi cho Thanh "công chúa".

Không chịu kém phần, Nam "chà nel" cũng vội nhảy cẫng lên, vẻ phấn khích.

- Nghe đâu tour mới của bả có ghé qua Việt Nam nữa thầy ơi!

- Bả mà qua Việt Nam thật, dù vé có đắt thế nào tôi cũng nguyện bán thân để mua bằng được! – Tùng "đi ò" reo lên sung sướng.

- Còn tôi sẽ cưỡng hôn bả trên sân khấu để làm màn trình diễn để đời như hồi đó bả làm với Christina và Britney! – Bảo "hơ mẹc" mãn nguyện tưởng tượng, mắt sáng lên đầy hi vọng.

- Đừng có mơ nha má! Ở nước Việt Nam này chỉ có tôi là đủ đẳng cấp hôn Madonna thôi! – Thắm "gõ" cong cớn.

...

Sự phấn khích, ngưỡng mộ và bàn tán sôi nổi của lũ học sinh lớp 11Avề Madonna trong tiết học về Tố Hữu bỗng như một tia sáng chiếu thẳng vào Kim, khiến cậu chợt nhớ lại lời của cô chủ nhiệm: "Đừng bao giờ dạy học sinh theo giáo điều và nhồi sọ! Hãy dạy học theo hứng thú của học sinh!". Như vừa giác ngộ một điều gì đó, Kim trầm ngâm một lúc, rồi nói lớn:

- Thôi được! Hôm nay chúng ta không học về Tố Hữu, mà sẽ học về Madonna!

Câu nói của Kim như một tia sét đánh ngang qua lớp 11A, gây chấn động toàn bộ lũ học sinh, khiến Phong đang thơ thẩn ngoài cửa sổ cũng phải ngoái lại nhìn cậu.

- Thật... thật hả thầy? Thầy không đùa chứ ạ? – Trang lớp trưởng ngỡ ngàng, lắp bắp hỏi lại.

- Thật chứ! – Kim mỉm cười chắc nịch.

- Nhưng, Madonna thì có liên quan gì tới môn văn hả thầy? – Linh hoài nghi.

- Sao lại không liên quan? Văn học là nhân học, là nghệ thuật về cái nhân văn trong cuộc sống, chứ đâu phải chỉ quanh đi quẩn lại một vài tác giả đã in mòn trong sách giáo khoa! – Kim lập luận chắc chắn.

Nghe tới đó, cả lớp cùng ồ lên ngạc nhiên và thích thú, xem ra thầy Kim hôm nay đã gãi đúng chỗ ngứa của chúng nó. Đúng như thầy nói, chúng nó phải học Tố Hữu suốt từ cấp 1, lên tới cấp 2, rồi lại cấp 3 với tinh thần học thuộc lòng và chép văn mẫu làm đầu, nên phát ngấy, ứ tận cổ như nghẹn thịt mỡ. Môn văn với chúng nó trước giờ chẳng khác nào môn khảo cổ học và thi xem ai nhai lại tốt hơn. Chúng nó cần một cái gì đó mới hơn, hấp dẫn hơn ở môn văn, để có lại được cái hứng thú trong học hành, để biết rằng tri thức mới vẫn nằm đâu đó quanh chúng nó. Nhưng các giáo viên dạy văn của chúng nó trước giờ, ai cũng như ai, thảo mai và khô khan, chỉ biết nhắc đi nhắc lại những kiến thức thuộc lòng xưa cũ trên những trang giáo án mục nát, khiến chúng nó hễ cứ đến giờ văn là ngáp ngắn ngáp dài, chẳng có chút hứng thú nào. Học sinh nhà giàu là vậy, cuộc sống đầy đủ giúp chúng nó không phải toan tính đến chuyện luồn cúi để đi lên, nên luôn muốn tự mình đi bước đi của mình, chứ ít khi muốn đặt đâu ngồi đấy. Nhưng, cái tên Madonna thì quả nhiên quá mới, chưa từng có tiền lệ nào trước đây, lại càng không phải một tác gia văn học, nên chúng nó vẫn đang rất tò mò, không biết thầy Kim sẽ dạy gì về một cô ca sĩ giải trí, kẻ vốn bị các giáo viên khác xem là hư hỏng, kệch cỡm, đồi trụy, vô bổ.

- Vậy, thầy sẽ dạy gì về Madonna hả thầy? – Sim thắc mắc.

Vốn là người hay hành động trước khi suy nghĩ kĩ càng, tới giờ Kim mới kịp nhận ra mình chưa hề chuẩn bị gì cho bài giảng lạ lùng này. Chưa từng có ai dạy Kim về Madonna, và chính cậu cũng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày dạy Madonna cho học sinh của mình. Nhưng rồi, cậu lại nhớ về lời cô chủ nhiệm từng nói: "Đừng bao giờ nghĩ rằng có thể lặp lại bài giảng của cô, và cũng đừng nghĩ có thể mang những gì cô dạy các em về dạy lại cho học sinh! Môi trường học đường không phải những tiết học dự giờ chuẩn mực, mà luôn phát sinh trăm ngàn tình huống khác nhau. Một giáo viên giỏi là người có thể dạy học mà không cần đến giáo án, dạy được trong mọi tình huống dù bất ngờ nhất. Kiến thức thầy cô dạy các em chỉ là nền tảng để tạo nên cái mới, không phải kiến thức trọn vẹn để nhai lại qua năm tháng. Kiến thức nằm trong đầu người dạy, chứ không phải nằm chết khô trên giáo án. Phải luôn luôn tư duy và bồi đắp kiến thức mới để tung ra những lúc cần thiết! Phải biết cách hệ thống hóa kiến thức mình có thành các ý sâu chuỗi nhau trong thời gian ngắn nhất để truyền đạy cho học sinh!".

- Các em cho thầy xin một phút suy nghĩ!

Kim ra hiệu cho cả lớp trật tự, rồi lặng ngồi về bàn giáo viên, hai tay chống trán, mắt nghiền chặt sâu chuỗi lại mọi hiểu biết của cậu về Madonna thành một hệ thống bài giảng có quy mô. Điều cần nhất lúc này với Kim là móc nối được âm nhạc với văn học một cách trôi chảy nhất, nên cậu phải cố nhào trộn những kiến thức học được ở trường đại học về lí luận văn học, lí luận nghệ thuật, mỹ học... với những kiến thức âm nhạc mà cậu tự tìm hiểu được, để biến thành một bài giảng nghiêm túc, có giá trị.

Không ai bảo ai, đứa nào đứa nấy đều tự giác trật tự, mắt chăm chú nhìn về Kim. Chúng nó hoàn toàn bất ngờ và tò mò về quyết định lạ lùng của vị thầy giáo trẻ con này. Nhiều đứa hoài nghi và tự hỏi, liệu thầy sẽ dạy gì để về một cô ca sĩ giải trí trong tiết văn học. Nhưng, trông bộ dạng của thầy, đứa nào cũng thấy được sự nghiêm túc và tâm huyết trong đó. Sau một phút suy nghĩ, Kim cầm phấn bước tới giữa bảng, viết một dòng chữ ngay ngắn, nắn nót: "Madonna – biểu tượng của nền âm nhạc hậu hiện đại".

- Thầy cần một laptop có kết nối mạng. Có ai cho thầy mượn được không?

Câu hỏi của Kim rơi vào lớp 11A chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo, vừa mở lời xong, hàng loạt laptop hàng hiệu các loại lập tức được đưa lên cho cậu. Đứa nào cũng hào hứng muốn được thầy giáo sử dụng laptop của mình, khiến Kim khá bối rối. Sau một hồi cân nhắc, cậu quyết định chọn đại chiếc Vaio lớn nhất của Thư "pì xà", khiến con bé sung sướng, không ngừng ngả ngốn: "Ôi cha! Thầy nữ vương thụ chọn lap của ta rồi a! Tối nay về phải lấy giấy thấm lại dấu vân tay của thầy in trên đó mới được a!".

Việc đầu tiên Kim làm là lí giải về "hậu hiện đại", vì đây là móc nối duy nhất cậu có để gắn kết giữa Madonna và văn học.

- Trước hết, thầy sẽ giải thích về thuật ngữ "hậu hiện đại". Đây là thuật ngữ quen thuộc trong văn học – nghệ thuật, nhưng hẳn là vô cùng lạ lẫm với các em. Nhưng nếu các em muốn tìm hiểu văn học – nghệ thuật để một ngày nào đó có thể đàm đạo với bạn bè trên thế giới, thì chắc chắn các em cần phải biết! – Kim nhấn mạnh vào điều này, vì cậu biết đa số học sinh ở trường Nữ Hoàng đều được cha mẹ định hướng du học trong tương lai - Hậu hiện đại là một thuật ngữ do các nhà triết học, xã hội học, phê bình nghệ thuật dùng để nói về các khía cạnh của điều kiện nghệ thuật, văn hóa, kinh tế và xã hội hiện đại, tổng hòa thành đời sống của con người giai đoạn cuối thế kỉ XX - đầu thế kỉ XXI, với những đặc trưng cơ bản như sự toàn cầu hóa, tiêu thụ đại chúng, sự phân tán quyền lực, công nghệ hình ảnh, phổ cập kiến thức dễ dàng hơn... Hậu hiện đại là sự tiếp nối của hiện đại, kế thừa các chủ nghĩa như: chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa trừu tượng, chủ nghĩa đa đa, chủ nghĩa hiện sinh... Khi các quan điểm sáng tác, thể hiện nghệ thuật được đồng nhất thành những phạm trù ý thức nhất định, nó được gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong hậu hiện đại gồm có triết học hậu hiện đại, văn học hậu hiện đại, âm nhạc hậu hiện đại, học thuyết phê phán, toàn cầu hóa, chủ nghĩa cực giản, âm nhạc cực giản, chủ nghĩa tiêu thụ... Mà theo quan điểm của thầy, Madonna nổi lên như một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất nền âm nhạc hậu hiện đại, có thể sánh ngang với bất kì tác gia văn học hậu hiện đại nào trên thế giới.

Đến đây, Chiến không giấu nổi tò mò, bèn hỏi leo:

- Thế ở Việt Nam có hậu hiện đại không thầy ơi?

- Thầy nghĩ là có! – Kim nhún vai – Nhưng dấu ấn còn quá mờ nhạt để nhận diện một cách hệ thống. Vì ở Việt Nam, định hướng nghệ thuật xã hội chủ nghĩa vốn đã đè át mọi xu hướng nghệ thuật khác rồi.

- Thế vì sao Madonna lại trở thành biểu tượng của âm nhạc hậu hiện đại hả thầy?

Nam "chà nel" hỏi với lên trong khi vẫn chăm chú lắng nghe lời thầy, tay cầm bút ghi chép không sót một chữ. Bình thường, hiếm khi nó chịu ghi chép tỉ mỉ, nhưng Madonna vốn là thần tượng số một của nó, nên lúc này, công việc ghi ghép với nó lại trở thành một đam mê vô thức. Trong đời nó, chưa bao giờ dám nghĩ rằng sẽ có ngày thần tượng của mình được đưa lên bài giảng phổ thông, bởi một giáo viên dạy văn, nên vô cùng hào hứng, như muốn được sống trọn từng giây phút với bài giảng của thầy Kim vậy. Với tiềm thức của nó, môn văn là một môn cổ xưa, giáo điều, chứ không phải môn học hiện đại, mới mẻ thế này.

- Tất nhiên, ngay bây giờ, thầy sẽ chứng minh từng luận điểm vừa nói với các em. Nhưng cũng cần nhớ rằng, mọi kiến thức hôm nay thầy nói chỉ là quan điểm của thầy, không phải một bài giảng đã được phê duyệt nhé! Biết vậy thôi, chứ đừng kể lại với thầy cô khác đấy! – Kim không quên dặn trước, vì cậu biết đây là việc làm ngoài quỹ đạo.

Rồi, Kim mau lẹ lên Youtube tìm clip của ca khúc American life, xoay màn hình laptop về phía học sinh, để chúng được nhìn rõ hơn. Được gần hết ca khúc, cậu mới tiếp tục nói:

- Hậu hiện đại là một dạng kiến trúc thượng tầng nảy sinh trên cơ sở hạ tầng là thời kì hậu công nghiệp, tiêu thụ đại chúng với nền văn minh kĩ trị, nơi người ta bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất, tiêu dùng. Nếu như các nghệ sĩ hậu hiện đại như Becket, Haler, Hassan... chọn chủ nghĩa hư vô, ảo mộng về nhân sinh, diễn đạt trạng thái cô đơn, phi lí, sầu não để ngầm phê phán xã hội, thì Madonna trong thời gian đầu sự nghiệp lại chọn hướng đi ngược lại, phi lí hóa bản thân để chống lại cái phi lí. Trong ca khúc Material Girl' (cô gái vật chất), Madonna đã biến mình thành biểu tượng vật chất, khi dùng vật chất để gia tăng quyền lực cho phụ nữ, tự nâng mình lên trong thế giới vật chất, lấy giá trị của mình chà đạp lên vật chất, coi nó chỉ là thứ phục vụ mình, chứ mình không phải nô lệ cho nó: "Vì chúng ta đang sống trong một thế giới vật chất. Và tôi là một cô gái vật chất". Nhưng khi đã ở tuổi tứ tuần, Madonna lại trở nên suy tư hơn, trong ca khúc American life, cô phô bày hiện thực về cái gọi là "giấc mơ Mỹ", sự giả tạo, ảo mộng của cái gọi là "đỉnh cao của thế giới hiện đại", cái đã khiến người ta phải đánh đổi tên họ, tự do để lao vào như con thiêu thân. Câu hỏi xuyên suốt bài hát từ đầu đến cuối "Liệu tôi có phải thay đổi tên của tôi?" chính là câu hỏi dành cho thái độ của con người trong cuộc sống hậu hiện đại. Cũng trong ca khúc này, thầy muốn nhấn mạnh với các em về tinh thần đấu tranh sâu sắc của Madonna. Trên phương diện chính trị, video clip của ca khúc đã gây tranh cãi trong dư luận nước Mỹ khi đề cập đến nhiều hình ảnh của chiến tranh (trong đó có chiến tranh Việt Nam và cuộc chiến tại Iraq của nước Mỹ) với đầy rẫy bom đạn, súng ống, xe tăng, máy bay phun chất độc da cam, nhà tù, thương tích, chết chóc, vũ khí hạt nhân, bắt bớ, giết chóc... Theo thầy, bằng việc dựng lên một sàn catwalk với những người mẫu mặc quân phục, thương tích đầy mình đang quằn quại, cùng những đứa bé ngây thơ phải đeo trên người cả tá vũ khí trong sự hò reo, vui thú của khán giả và cánh phóng viên, Madonna đã chỉ trích sự bàng quan, thờ ơ của người dân Mỹ trước những cuộc chiến tranh mà chính đất nước họ gây ra, đồng thời đả kích, bóc trần bộ mặt thật của chính quyền Mỹ khi mượn danh dân chủ đem quân đánh chiếm nước khác, gây tội ác tày đình chỉ để vơ vét cho đầy túi tham của mình. Xuyên suốt ca khúc là rất nhiều từ "fuck you" thể hiện sự phẫn nộ, căm ghét của Madonna với chính quyền Mỹ. Càng về cuối clip, những hình ảnh chết chóc, thương tích, đau đớn được chụp từ các cuộc chiến càng dồn dập với tốc độ nhanh, đối lập với nó là sự thích thú, reo hò của đám đông bên dưới để phô bày bản chất máu lạnh, vô tâm của đa số người Mỹ. Quả lựu đạn mà Madonna ném vào giữa sàn catwalk ở cuối clip chính là câu hỏi về thái độ, sự lựa chọn của người Mỹ trước thời cuộc. Sau này, Madonna đã bị buộc phải làm một clip khác thay thế clip này, và ca khúc này cũng bị nhiều đài phát thanh cấm cửa, khiến nó bị tụt hạng nhiều trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Dù không đạt nhiều thành công do động chạm tới chính trị, nhưng với thầy, đây vẫn là một trong những thành công lớn của Madonna.

Tới lúc này, cả lớp mới vỡ òa một cách bất ngờ. Nhiều đứa đã từng nghe ca khúc American life, nhưng chưa hề được xem clip này. Nhiều đứa từng xem clip, nhưng lại không hiểu hết ý nghĩa của nó. Bây giờ được thầy Kim phân tích tỉ mỉ với những nhận xét nghiêm túc, khiến đứa nào cũng vỡ ra nhiều điều, nhất là band Siêu Mẫu, vốn là những fan cuồng của Madonna. Cho đến giờ phút này, chúng nó mới học được cách phân tích một video clip âm nhạc như phân tích một tác phẩm văn học. Quả nhiên, kiến thức văn học nếu thoát ra khỏi sách vở, giáo điều để vận dụng vào cuộc sống sẽ vô cùng có ích, như thầy Kim đang làm lúc này.

Nhân lúc lũ học sinh còn đang trầm trồ, giác ngộ, Kim tranh thủ bám vào dòng cảm xúc của chúng để nói tiếp:

- Madonna là một trường hợp đặc biệt của nền nghệ thuật hậu hiện đại. Nếu ở chủ nghĩa hiện đại, mà chủ yếu là chủ nghĩa hiện sinh (cái này thầy sẽ nói sau nếu có dịp), ý thức về cái tôi, về bản thể rất mãnh liệt, các nghệ sĩ thường cố thể hiện rõ nhất cái tôi của mình, trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại lại hoài nghi về nó, dẫn đến sự phân tán bản thể phi trung tâm, vô định và không rõ ràng, thì Madonna lại chọn cách trải nghiệm thật nhiều bản thể khác nhau, sống và hóa thân vào nhiều cái tôi. Dù thể hiện cái tôi khá rõ nét, nhưng không phải một cái tôi mà là vô vàn cái tôi. Đó là cách mà Madonna phân tán bản thể vào nhiều trạng thái, dạng thức khác nhau, nhiều trung tâm nhưng chia làm nhiều ngả khác nhau, phi trung tâm chính, nên chúng ta vẫn xếp cô vào chủ nghĩa hậu hiện đại. – Hít một hơi dài, Kim nói tiếp - Thật khó có thể tìm thấy một ca sĩ nào có sự đa dạng phong cách và hình tượng như Madonna, cô có thể hóa thân vào một quý bà, một mệnh phụ, một minh tinh, một người mẫu, một nữ chiến binh, một cô gái nổi loạn, hư hỏng, một khách làng chơi, một tomboy, cô gái mới lớn..., lúc thì ma quái biến ảo, lúc thì dữ dằn, đanh thép, lúc lại hiền lành, ngây thơ... Khó mà kể hết được những hình tượng mà cô đã hóa thân trong suốt sự nghiệp của mình. Ngay cả đến giới tính là cái khó thay đổi, thì Madonna cũng biến hóa được thành trạng thái phi giới tính, phi tình dục, hỗn độn và mờ ảo, khi phô bày việc quan hệ tình dục với cả nam và nữ, thậm chí là người đồng tính, rồi lúc thì ngọt ngào nữ tính, lúc lại theo phong cách tomboy như một nàng les chuyển giới... Đặc biệt hơn cả, dù ở vai diễn nào, cô cũng hóa thân một cách xuất sắc, biến nó thành một bản thể không tách rời của mình, khiến người xem tin chắc đó là con người thật của cô. Để rồi đến cuối cùng, người ta chẳng thể biết nổi Madonna thật đang nằm ở đâu, rằng liệu cô đã bộc lộ nó ra chưa, hay vẫn giấu kín ở ngõ ngách nào đó? Liệu có phải đó là cách để Madonna biến thành tắc kè hoa, thích nghi ở mọi thời điểm của thế giới giải trí, cũng như cái cách mà con người cần học để tồn tại được trong xã hội hậu hiện đại đầy khắc nghiệt này? Chỉ cần biết rằng, đó là một cách tồn tại khôn ngoan, tìm thấy bản thể và trở nên nổi bật ở mọi môi trường, nhưng vẫn luôn đổi mới và biến chuyển, không bị chững lại một chỗ, tránh để bản thân rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng vì giữ mãi một bản thể khó thích nghi. Đúng như những gì Madonna từng nói: "Phong cách của tôi đại diện cho tự do, tôi làm những gì mình tin và không ngừng mơ ước để đạt được những gì mình muốn", cô biến hóa vào tất cả mọi phong cách, hình tượng để tìm lấy tự do, đạt được những ước mơ, ảo mộng của mình. Nhưng thầy cũng cần nói thêm với các em rằng, biến thân vào nhiều hình tượng không có nghĩa là đa nhân cách, là vô thức mà vẫn có ý thức rõ ràng. Từ sâu bên trong mỗi hình tượng trải nghiệm, Madonna vẫn giữ những móc xích nhất định, ngầm trong đó bản thể của cô, giấu kín đi nhưng vẫn đang tồn tại. Sự hóa thân của Madonna thành công tới mức, dù trải qua nhiều phong cách như thế, nhưng ở bất cứ phong cách nào, người ta vẫn biết ngay đó là Madonna, không phải một ca sĩ nào khác, đúng như lời cô nói: "Tôi có phong cách nghệ thuật của riêng mình, không lẫn với ai được". Dù tự do tới đâu, nhiều bản thể đến đâu, thì Madonna vẫn luôn là chính mình, không bao giờ phải ngả nghiêng hay che đậy bất cứ điều gì. Nếu người ta có đánh giá rằng Madonna "không có tính cách thật, không có cách thức tồn tại xác thực vì cô đã thay thế nó bằng một dòng bất tận các tính cách lừa dối", thì đây cũng chỉ là cách mà cô học được từ chủ nghĩa hiện sinh mà thôi, tức là dùng cái phi lí của bản thân để chống lại cái phi lí của cuộc đời. Thầy đánh giá đây là một cách thể hiện tồn thể rất mới của Madonna, chưa từng có trong chủ nghĩa hiện đại cũng như chủ nghĩa hậu hiện đại.

Thấy cả lớp có vẻ hơi đuối vì cậu tung ra quá nhiều thuật ngữ chuyên môn, quá nhiều kiến thức sâu, lạ lẫm với những đứa học sinh lớp 11, Kim bèn lanh trí liên hệ lại bài giảng với học sinh.

- Nếu ai trong lớp mình cũng phát huy hết cái tôi cá nhân, thì cả lớp chúng ta hợp lại cũng thành một Madonna đấy! – Kim cười.

- Chuẩn rồi thầy ơi! – Trang lớp trưởng reo òa lên như vừa vỡ ra một điều gì đó – Mỗi đứa trong lớp em đều có thể là một khuôn mặt của Madonna thầy nhỉ? Thanh công chúa là khuôn mặt đỏng đảnh; Hạ kiều nữ là khuôn mặt kiêu căng; Thắm gõ là khuôn mặt lẳng lơ; Ngân bikini là khuôn mặt khiêu gợi; Hà dại trai là khuôn mặt thèm khát; Giang bánh bèo là khuôn mặt dễ thương; Sim tình báo là khuôn mặt đeo kính nghiêm túc; Linh cô đồng khuôn mặt mộ đạo; Thư pì xà là khuôn mặt điệu chảy rớt; band Siêu Mẫu là khuôn mặt phi giới tính; band Rồng Đen là khuôn mặt sôi động... Tất cả chúng em hợp lại thành một bản thể hậu hiện đại của Madonna đúng không thầy?

- Chính xác! Nếu lớp mình đoàn kết với nhau, chúng ta sẽ tạo nên những kì tích như Madonna đã từng làm! – Kim mỉm cười khoái chí vì lũ học sinh thông minh đã nắm được ý mình, không quên khích lệ - Vậy nên đừng sống mờ nhạt! Hãy sống và phát huy cá tính các em có!

Không để trôi mất dòng hứng thú của học sinh, Kim lại tiếp tục luận điểm tiếp theo.

- Tất cả chúng ta đều biết Madonna không có chất giọng quá đặc sắc để theo đuổi một dòng nhạc riêng biệt như nhiều ca sĩ khác. Nhưng, thầy thấy rằng, chính chất giọng không có gì đặc biệt đó đã giúp Madonna thích nghi với nhiều loại nhạc khác nhau. Nó giống như một tờ giấy trắng vậy, nếu các em không có gì, các em sẽ viết lên đó được nhiều cái hơn là có những dòng chữ quá đậm nét, đến mức không thể tẩy nó đi để viết lên những dòng chữ mới được. Madonna không thể melisma, không thể run&riff, không thể vibrato theo kiểu pop/r&b của người da màu, không thể gào thét, gằn giọng dữ dội như các ca sĩ rock, không thể phô diễn vocal theo kiểu pop standard truyền thống, cũng chẳng mấy khi dùng head voice, falsetto, belt cao trào, thay vào đó, cô làm cho mọi loại nhạc mình thử nghiệm trở nên bằng phẳng, dễ hát hơn, gia tăng tiếng đọc chậm, cách hát ngắn trên lời nhạc, dùng giọng thật như nói, không cầu kì hoa mỹ ở phần thể hiện vocal. Bằng cách làm này, cô đưa tất cả vào pop đại chúng, từ Jazz, Gospel, Latin, House, Electro, Punk, Disco, Rock, đến những dòng underground, indie mang tính văn hóa vùng miền với những bộ nhạc cụ, hòa âm khác lạ. Và, với giọng hát không có gì nổi trội, Madonna chú trọng, đào sâu hơn vào hòa âm, phối khí, khám phá nhiều cách phối lạ, nhiều tầng vỉa, kết hợp phối nhiều dòng nhạc vào nhau trong một ca khúc. Nếu các ca sĩ khác có vẻ ít quan trọng hóa kĩ thuật thu âm, vì họ tự tin rằng giọng hát và kĩ thuật của họ là quá đủ để làm nên một bản nhạc chất lượng, thì Madonna lại tận dụng triệt để công nghệ phòng thu và sáng tạo rất nhiều thứ mới lạ từ đó. Chẳng hạn, trong một ca khúc, Madonna có thể hòa âm hai giọng, ba giọng, giọng cao, giọng trầm, giọng chậm, giọng nhanh, co giãn, biến dạng giọng hát, giọng này chồng nên giọng khác, kéo thắt, tăng giảm nhịp beat, bè, thiết lập cấu trúc đa diện, lập thể trong tiết tấu, giai điệu... Với những cách phối này, mỗi lần nghe lại một ca khúc của Madonna, hoặc nghe kĩ hơn, các em sẽ khám phá ra nhiều thứ. Giống như văn học có những tác phẩm có thể đọc lại nhiều lần, thì nhạc của Madonna thuộc loại nhạc dùng để nghe nhiều lần, chứ không phải loại nhạc ăn liền, nghe một lần là hết ý. Bằng việc đưa tất cả vào pop như thế, Madonna đã thiết lập nên những màu sắc mới cho pop đại chúng, mở rộng biên giới của pop đến mọi loại nhạc, biến tất cả các loại nhạc trở nên đại chúng hóa với công chúng. Rõ ràng, Madonna đã thiết lập nên nhạc pop hậu hiện đại với đúng nghĩa của nó, mờ ảo, không biên giới, vô định hình, không tính xác định, phi tiêu chuẩn. Nhiều người cho rằng, làm như vậy sẽ hỗn độn âm nhạc, khó xác định thể loại, nhưng đó là điều cần thiết để đại chúng hóa âm nhạc hậu hiện đại.

Chợt, Kim hướng mắt về mấy đứa band Rồng Đen như muốn nhắn nhủ điều gì.

- Band Rồng Đen nghe kĩ những điều thầy vừa nói nhé!

Quả nhiên, những lời Kim vừa nói, band Rồng Đen không để sót một từ. Tuy không ghi chép lại ra giấy như Nam "chà nel", nhưng đứa nào cũng in sâu vào lòng. Band Rồng Đen từ lâu đã tự hiểu rằng chúng nó bị thua thiệt nhiều vì không có điều kiện theo đuổi các trường lớp âm nhạc, cũng như sở hữu một tài năng cảm nhạc, chơi nhạc thiên bẩm. Nhưng không vì thế mà chúng nó từ bỏ ước mơ âm nhạc của mình. Cái chúng cần lúc này là kiến thức, để giúp chúng thấu hiểu âm nhạc và sáng tạo, đột phá dựa trên cá tính của riêng chúng. Và bài giảng của Kim lần này đã chiếu sáng rất nhiều cho tư tưởng của chúng, giúp chúng vỡ lẽ và định hình phần nào hướng đi âm nhạc cho riêng mình. Mỗi đứa trong band vẫn đang chăm chú nghe từng lời thầy nói, nhưng trong lòng đã bắt đầu nhen nhóm nhiều ý tưởng mơ hồ nào đó.

Thấy lũ học sinh bắt đầu khó hiểu, Kim vội chuyển sang một luận điểm nhạy cảm mà cậu biết chắc rằng rất nguy hiểm nhưng cũng rất cần thiết để truyền đạt. Ban đầu, Kim không định đưa luận điểm này ra, nhưng dần dà, cậu nhận thấy đây cũng là một cách để bổ sung vào nền giáo dục giới tính yếu kém ở Việt Nam hiện tại.

- Ở chủ nghĩa hậu hiện đại, văn hóa đã thực sự được đại chúng hóa, không còn phân biệt giữa cao nhã và thông tục. Về điểm này, Madonna đã làm rất thành công, mà điển hình nhất là sự kết hợp giữa tình dục và nghệ thuật trong sự nghiệp của cô, từ âm nhạc đến tạo hình. Những ý nghĩa, chiều sâu trong nghệ thuật thuật sử dụng tình dục, dục tính, phô bày cơ thể, ngôn từ thông tục vào âm nhạc, thầy sẽ nói ngay sau đây nếu các em cho phép. Vì đây là vấn đề nhạy cảm nên thầy cần có sự đồng ý của các em trước!

Kim vừa dứt lời, cả lớp nhao nhao lên đầy hứng khởi. Thực ra, câu hỏi của Kim chỉ như có lệ, chứ học sinh cấp ba ngày nay, chẳng đứa nào cảm thấy ngại ngùng mấy vấn đề này, nhất là mấy đứa lõi đời, từng trải qua hàng chục mối tình như Phong hay nhóm Hoa Hồng Đen. Cái chúng cần lúc này không phải là né tránh, mà là kiến thức về cái chúng đã quen thuộc.

- Thầy cứ nói đi thầy! Mấy vấn đề này bọn em chỉ sợ thầy còn ít kinh nghiệm hơn bọn em ấy chứ! – Thanh "kiều nữ" hạ giọng vẻ khiêu khích.

Cả lớp chỉ có duy nhất Thư "pì xà" phản đối, nó tiếp tục điệu bộ ngả ngốn.

- Ai da! Không có được đâu a! Một trinh nam trong trắng như thầy sao có thể nói những điều 18+ như thế a! Em phản đối a!

- Phản đối cái đầu bà! – Linh hất đầu Thư sang một bên – Thích thấy mồ còn làm bộ! – Rồi nó với lên Kim – Thầy còn lạ gì cái thành phần này, cứ kệ nó đi thầy!

Được sự hò reo đồng ý của cả lớp, Kim mới yên tâm và bạo dạn hơn. Cậu lên Google gõ từ khóa "Madonna sex book", mở phần hình ảnh cho học sinh cùng xem. Ngay lập tức, hàng loạt hình ảnh phô bày cơ thể, khoa trương tình dục của Madonna hiện lên, khiến lũ học sinh ồ lên ngỡ ngàng, mắt đứa nào cũng mở to nhìn chằm chằm vào màn hình với vô vàn thái độ khác nhau. Trước những hình ảnh nhạy cảm như thế, Kim cảm thấy ngượng đến đỏ bừng hai má, chân tay cứng đờ, vừa sợ vừa băn khoăn không biết có nên tiếp tục bài giảng này hay không. Chính Kim cũng không hiểu được bản thân đang làm gì, cậu làm mọi thứ lúc này hoàn toàn theo bản năng, không hề có sự xem xét hay chuẩn bị nào từ trước. Không hề có một điểm tựa nào, cũng không có một ai đứng ra chỉ giúp Kim xem việc cậu đang làm có nên hay không, nhưng đâu đó trong trái tim vẫn đang mách bảo vị thầy giáo trẻ rằng, hướng đi mà cậu chọn là đúng đắn. Cuối cùng, cậu đã chiến thắng nỗi sợ hãi và quyết định theo đuổi tiếp bài giảng của mình, dù sau mỗi câu nói là một cuộc đánh vật với lương tâm để có thể phát ra thành lời, thành tiếng. Đôi khi trong cuộc sống cần có cái liều. Bạn không thể biết được khả năng của mình tới đâu, và cũng không thể đạt tới thành quả xứng đáng nếu bạn không biết cách liều. Hít một hơi thật dài, Kim tiếp tục bài giảng dài của mình một cách trôi chảy.

- Trong thế kỉ XX, các em hẳn là đều biết tới những "quả bom sex" huyền thoại như Marylin Monroe, Elizabeth Taylor, Brigitte Bardot... Tất cả họ đều có một điểm chung là sở hữu nhan sắc diễm lệ, cơ thể quyến rũ, sự nữ tính tuyệt vời, và tất cả những gì họ làm là phô diễn nó một cách thăng hoa nhất. Nhưng Madonna thì khác, kể từ khi cô xuất hiện, khái niệm "sexy" đã được định nghĩa lại hoàn toàn, không chỉ dừng lại ở sự quyến rũ đơn thuần, mà thêm vào đó là cách mạng, tình dục, quyền lực, nổi loạn và nghệ thuật. Đây là một trong những cống hiến lớn nhất của Madonna với nghệ thuật nói riêng và nền văn hóa đại chúng nói chung. Madonna thậm chí đã vượt qua mỹ nhân huyền thoại Marilyn Monroe để được bầu chọn là "Biểu tượng sex lớn nhất mọi thời đại" với một đánh giá khá chính xác mà thầy vẫn nhớ là: "Không ai có thể làm được như Madonna. Cô ấy biết kết hợp hài hoà giữa tình dục và nghệ thuật. Những việc làm đó của Madonna đã tạo được hứng khởi cho khán giả và người hâm mộ. Trong khi có rất nhiều ngôi sao trẻ khác gợi cảm và sexy hơn nhưng họ thật sự không biết kết hợp giữa sex và những gì công chúng muốn được thưởng thức".

Rồi Kim hướng mặt về lớp học để liên hệ:

- Đến đây thầy muốn hỏi cả lớp một câu, các em thấy Madonna giống với tác gia văn học nào của Việt Nam mà các em đã từng học?

Câu hỏi liên hệ của Kim khiến cả lớp phải băn khoăn suy nghĩ. Vốn là đứa nhanh trí, Nam "chà nel" vội giơ tay phát biểu ngay:

- Có phải là Hồ Xuân Hương không thầy?

- Chính xác! Giỏi lắm Nam! Thầy sẽ cộng điểm cho em!

Sau khi cộng điểm cho Nam, Kim lại chạy về phía laptop, tìm kiếm những bức hình trắng đen Madonna chụp trong phong cách Marylin Monroe với mái tóc vàng trắng đầy cuốn hút, quay về cho cả lớp cùng chiêm ngưỡng và cảm nhận. Sau một hồi tham khảo ý kiến của một số học sinh, Kim mới nói tiếp:

- Người ta cho rằng, trong những năm thập niên 80, Madonna đã cố tình bắt chước Marylin Monroe bằng việc cắt tóc ngắn và nhuộm bạch kim. Theo thầy, đây là một đánh giá thiếu hiểu biết, họ không hề biết rằng, bằng việc mô phỏng lại Marylin, Madonna đã tiên phong trong xu hướng Retro (xu hướng hoài cổ, mặc lại hoặc phối lại trang phục của các thập niên trước) trong thời trang và các phong cách nghệ thuật khác nhau. Nhưng thầy không bàn đến chuyện thời trang ở đây, mà các em hãy thử so sánh giữa biểu tượng sex Marylin với Madonna để thấy được tài năng của cô lớn thế nào nhé! Nếu Marylin đóng khuôn ở hình tượng quyến rũ cháy bỏng, ngọt ngào, mê hoặc đàn ông, theo kiểu đúng chất một minh tinh điện ảnh, thì Madonna lại gai góc, nhiều tầng vỉa hơn nhiều. Cũng mái tóc vàng óng cắt ngắn, cũng làn da trắng, cũng cách đánh son đỏ chói đó, nhưng thay vì một cơ thể đầy đặn, thì Madonna phô bày một cơ thể gân guốc, cơ bắp của việc luyện tập thể thao, vô cùng khỏe mạnh, nhưng vẫn đầy sức quyến rũ. Madonna chưa bao giờ muốn yếu mềm như Marylin, cô luôn thể hiện mình là người mạnh mẽ, từ thể chất đến tính cách, nên việc phô bày thể lực để chứng tỏ sức mạnh không có gì lạ với cô, đó như kiểu một kiểu nhắc nhở rằng: "Tôi có thể ban ơn cho anh một đêm, nhưng đừng dại mà động vào tôi, nếu không tôi sẽ đấm vỡ mặt anh!". Có một nhà nghiên cứu khi đánh giá về sự sexy của Madonna, đã nói rằng: "Từ người phụ nữ trẻ này toát ra bản năng giới tính, số mệnh tạo ra cô là người phô bày bản thân, nhưng dường như cô là người thích tự ve vuốt mình hơn là khêu gợi lòng ham muốn và chấp nhận của nam giới". Cứ như vậy, bằng việc phô bày giới tính và tính dục đến cùng cực, Madonna đã đả phá tất cả những quan điểm cổ hủ, lỗi thời, tiến thêm một nấc thang nữa trong việc giải phóng phụ nữ. Nếu Marylin mềm mại, nửa kín nửa hở, thì Madonna phô bày hết tất cả những gì cô có, kể cả bộ phận sinh dục, cô cũng không ngoại khoe nó ra. Nếu Marylin thích mặc những bộ cánh mềm mại, bay bổng, lấp lánh thì Madonna phá cách với những bộ đồ da bó sát, những bộ Le smoking (loại tuxedo mang tính cách mạng, gây chấn động, dành riêng cho nữ giới được nhà thiết kế Yves Saint Laurent thiết kế) hở ngực, những bộ đồ lập dị, gắn đầy kim loại, trên tay phì phèo điếu thuốc lá hoặc cầm roi da, đồ chơi tình dục... Nếu Marylin đóng khung trong vai một mỹ nữ yếu đuối luôn cần đàn ông che chở thì Madonna ngược lại, luôn luôn nổi loạn, nắm thế chủ động, cao hơn, sẵn sàng nhảy lên, coi đàn ông như một con thứ cưng, một món đồ chơi để nghịch ngợm, giễu cợt, và phụ thuộc vào cô. Nếu Marylin thích sự ngọt ngào, nữ tính đến từng chi tiết, thì Madonna cứng cáp, ngông hơn rất nhiều. Tất cả những gì Madonna làm không phải chỉ là sự sexy đơn thuần, mà ẩn chứa trong đó sự giải phóng quyền lực của người phụ nữ, đề cao tự do, cái mà không có mỹ nhân nào trước cô làm được. Cô muốn đàn ông vừa thèm muốn và vừa phải làm nô lệ cho cô, chứ không cần phải dựa dẫm ai hết. Khi so sánh tầm ảnh hưởng giữa Madonna và Marylin, người ta cho rằng: "Mái tóc vàng tẩy trắng phô trương một cách hãnh diện những chân tóc sẫm màu. Cặp mắt quyến rũ được tô điểm và son môi tạo ra cái vẻ bề ngoài tương tự Marilyn Monroe, nhưng thái độ kiêu hãnh toát ra một sự tự tin và độc lập trái ngược với hình ảnh cô gái ngây thơ trong trắng đã lỗi thời". Rõ ràng, Madonna đã kết hợp hoàn hảo giữa sắc đẹp và nghệ thuật đến một mức thăng hoa.

Nói tới đây, Kim lại vội quay về laptop, lên Youtube tìm bật clip màn trình diễn ca khúc Like a virgin của Madonna tại MTV Awards 1984. Kim để một chút thời gian cho lũ học sinh chăm chú thưởng thức màn trình diễn này, rồi mới đi vào phân tích như phân tích một tác phẩm văn chương.

- Sử dụng tình dục, việc phô bày thân thể vốn đã được Madonna định hướng ngay từ khi bước vào sự nghiệp, mà ví dụ tiêu biểu chính là màn trình diễn các em đang xem. Những cách tân táo bạo của Madonna trong màn trình diễn đến ngay từ trang phục. Thay vì mặc một chiếc váy cưới dài theo kiểu truyền thống, cô cắt phăng đến tận gối với ngụ ý giải phóng phụ nữ khỏi sự bế tắc, yếu đuối trong hôn nhân. Đeo chiếc thắt lưng kim loại có dòng chữ Boy Toy, cô ám chỉ đàn ông chỉ là đồ chơi của cô. Mặc dù tên ca khúc là "Như một trinh nữ", nhưng Madonna lại biểu diễn với đầy những tư thế gợi tình, mô phỏng các động tác làm tình trên sân khấu, để rồi kết thúc một cách đầy bất ngờ với việc lăn lê, cố tình để hở chiếc quần lót vào ống kính và khán giả. Màn trình diễn này lập tức gây xôn xao dư luận, và thầy đánh giá, đó là phát súng đầu tiên giải phóng cho các nghệ sĩ nữ được phép biểu diễn một cách khiêu gợi, thoải mái hơn, mở ra một chương mới trong lịch sử âm nhạc.

Ngay khi màn trình diễn Like a virgin vừa kết thúc, Kim nhanh chóng bật sang video clip hiếm của ca khúc Justify my love, vừa để ca khúc trôi đi, vừa dẫn dắt theo nhịp nhạc:

- Năm 1990, Madonna gây chấn động ngành giải trí khi phát hành video clip ca khúc Justify my love. Trong mv mà các em đang xem, cô hóa thân vào minh tinh màn bạc theo hình tượng Marylin, thực hiện các cảnh quay làm tình với cả đàn ông lẫn những cô gái les nam tính, kết hợp cùng vũ đạo khiêu gợi. Bằng hành động này, cô đã chống đối lại các chuẩn mực về tình dục truyền thống, mà theo một người nghiên cứu, "với một quan điểm mỹ học có tính biệt lập rõ rệt, Madonna phá hủy những biểu trưng hoài cổ về giới tính bằng cách thường xuyên đưa nó ra như một tác nhân kép. Video "Justify My Love - Biện minh cho Tình yêu" - 1990 - là biểu hiện tột đỉnh của tính biệt lập qua một loạt các phản ứng do nó gợi ra, từ khôi hài hóm hỉnh đến nghiêm túc và gợi tình. Có thể nhận thấy chiến lược của Madonna qua vô số phong cách mà cô bắt chước, từ cô gái hư, minh tinh màn bạc cho đến siêu mẫu. Bằng cách biếm họa cái xã hội thủ cựu "chính trực" nông cạn, sự miêu tả bằng hình tượng của Madonna thường dành cho (và đôi khi ủng hộ) những nhóm văn hóa khác". Tiếp theo, sự chống đối, hạ bệ và giễu nhại lớn nhất của Madonna với quyền lực của đàn ông thể hiện ở nam diễn viên chính. Ban đầu, anh ta xuất hiện trong bộ vest rất nam tính và quyền lực, vuốt ve Madonna như một khách làng chơi mua gái điếm, nhưng sau đó, anh ta cởi bộ vest đó ra, để lộ bộ trang phục đồng bóng như một kẻ trai gọi, và phải tuân phục, chiều chuộng, khép nép Madonna cũng như người diễn viên nữ giả les như một con thú cưng, một món đồ chơi bị lệ thuộc. Thậm chí, có lúc anh ta phải nằm ngoài nhìn Madonna làm tình với người phụ nữ khác một cách thèm thuồng và bất lực. Ngay cả ở vị trí làm tình, Madonna cũng chọn cách nhảy lên phía trên cơ thể người đàn ông kia, chứ quyết không chịu nằm dưới, cam chịu như cách làm tình truyền thống. Rõ ràng, trong thế giới của Madonna, đàn ông chẳng còn chút quyền lực gì ngoài việc mua vui, thỏa mãn phụ nữ cũng như các giới tính khác. Ngoài ra, việc sử dụng trang sức hình thánh giá trong các cảnh làm tình, rồi quay tận cảnh bức tượng một thiên thần bị treo mình bên cạnh hai người đang làm tình cũng là cách thức để Madonna phỉ báng tôn giáo, chế giễu sự lỗi thời, bó buộc phụ nữ, kì thị người đồng tính, cấm đoán tình yêu, tình dục, giới tính của nó.

Thấy lũ học sinh đang há hốc mồm lắng nghe không sót một từ, Kim biết chúng đang vô cùng hào hứng với bài giảng táo bạo của mình, vội chạy hình ảnh về phần Sex book ban đầu để đưa bài giảng vào đoạn kịch tính nhất.

- Giờ mới là phần quan trọng nhất đây! Năm 1992 là một năm chấn động khi Madonna tung ra cuốn Sex Book, đây là cuốn sách ảnh thuộc thể loại khiêu dâm, phô bày toàn bộ những cảnh khỏa thân, tình dục của Madonna với các người mẫu nam và nữ. Thoạt nhìn qua, nó đúng là một cuốn sách khiêu dâm, nhưng giá trị thực tế lại lớn hơn rất nhiều. Trước hết, thầy phải khẳng định với các em, đây không phải cuốn sách khiêu dâm, vì mọi cảnh giao hợp đều được ẩn kín hoặc làm mờ đi. Có thể thấy sự đầu tư nghiêm túc của Madonna ở bố cục ánh sáng, phối cảnh trong từng bức ảnh, rất nghệ thuật và có chiều sâu. Thêm nữa, cách tạo dáng của Madonna hết sức chuyên nghiệp và có thần thái, khí chất. Chỉ cần một dáng đứng đơn giản nhất của cô cũng khiến người ta bị lôi cuốn, thể hiện một chiều sâu nghệ thuật, mà nếu là người khác, sẽ rất khó để tạo ra hoặc bắt chước theo những cách tạo dáng như vậy, chưa kể những dáng rất khó mà phải có một cơ thể linh hoạt mới làm được. Không những thế, Madonna còn kết hợp hài hòa giữa phong cách Punk rock với màu sắc siêu thực chủ nghĩa, mục đích để tạo ra những ảo giác về giấc mơ tình dục nửa hư nửa thực, giống như lời mở đầu cuốn sách: "Tất cả những thứ bạn muốn xem là sự tưởng tượng, giấc mơ và sự giả vờ". Điều này gợi lên những giác cảm rất mới lạ trong các cảnh dục tính tự nhiên chủ nghĩa, tạo nên hướng đi khá mới đối với nền nghệ thuật hậu hiện đại. Về mặt nội dung, cuốn sách này chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn cái tên của nó rất nhiều. Thứ nhất, bằng việc cho các người mẫu nam quan hệ tình dục với nhau, và chính mình quan hệ tình dục, ân ái với cả mẫu nam lẫn mẫu nữ (trong đó có những cảnh cô tình tự với người mẫu nữ rất tự nhiên, chân thật), Madonna đã dùng danh tiếng của mình để phổ cập kiến thức cho toàn thế giới về quan hệ đồng tính và lưỡng tính, đồng thời ngầm ủng hộ cộng đồng LGBT. Hành động này có ý nghĩa khá lớn, vì trong bối cảnh đầu thập niên 90, các xu hướng tình dục ngoài chính thống (nam - nữ) vẫn còn khá mơ hồ, được ít người biết đến, do truyền thông đại chúng chưa phổ cập. Madonna đã sớm nhận thấy rằng, sự kì thị sẽ còn kéo dài nếu người ta không hiểu biết về chúng, và cô lựa chọn phương thức "đánh bom" gây sốc để đại chúng hóa các xu hướng tình dục, biến nó thành điểu hiển nhiên, tự nhiên nhất. Xem những clip trong Sex book, người ta sẽ không thể xác định được đâu mới là giới tính thật của cô, vì cô đóng những cảnh đồng tính nữ rất tự nhiên, mặn nồng, lãng mạn đến khó tin. Thứ hai, bằng việc sử dụng siêu mẫu da màu Naomi Campbell vào những cảnh quan hệ tình dục với mình, Madonna đã tiến thêm một bước nữa trong quá trình đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, khi hai màu da hòa quyện cùng nhau một cách đầy tự nhiên trong dục tính, gợi tình, khiêu khích người xem. Với cách làm này, người xem dễ nhận thấy tính yêu, tình dục giữa những người khác màu da là điều hết sức bình thường, thậm chí là một dạng thức khác của cái đẹp. Thứ ba, Madonna tiếp tục phổ biến kiến thức cho đại chúng về các kiểu dạng hoạt động tình dục như bạo dâm, khổ dâm, sex với thú vốn là những kiểu dạng tình dục không phổ biến, rất ít người biết đến. Nhưng theo thầy, việc chụp những bức ảnh bạo dâm, khổ dâm cũng là một cách để Madonna thể hiện quyền lực của người phụ nữ và người đồng tính. Bởi người nắm vị trí chủ động trong các cảnh bạo dâm, khổ dâm đa số là người đồng tính và người phụ nữ, còn kẻ phải chịu đựng lại là đàn ông. Dường như Madonna đang muốn bằng mọi giá đứng về phía phái yếu, để chống lại thứ quyền lực đáng kinh tởm của giới đàn ông vẫn tồn tại hàng ngàn năm qua, và tình dục chính là một phương tiện được cô lựa chọn. Khi đánh giá về Sex book, đa số các nhà phê bình đều cho rằng đó là một tác phẩm tiên tiến, ẩn chứa nhiều tư tưởng vượt trước thời đại, là một cuốn sách văn hóa - nghệ thuật chứ không phải cuốn sách khiêu dâm thông thường. Nhà lý luận phê bình Douglas Kellner khẳng định rằng, với Sex book, "Madonna đã trở về chính bản thể gốc của mình và tạo nên một kiệt tác của văn hóa pop đại chúng". Trong khi đó, nhiều nhà văn cho rằng, Madonna đã đem về cho mình danh hiệu đại sứ văn hóa của ngành công nghiệp khiêu dâm, biến khiêu dâm thành một nghệ thuật chứ không phải sự phô bày đơn thuần. Riêng với cộng đồng LGBT, Sex book thực sự là một quả bom mở đường cho hành trình đòi quyền bình đẳng của họ. Theo Mark Blankenship, "Sex book đã làm văn học thay đổi mãi mãi". Còn với Carolin Grace, "Madonna đã thực sự trở thành một biểu tượng của những năm 90, kể từ khi ấy, văn hóa đồng tính nữ đã thực sự thay đổi". Cho đến tận sau này, Sex book vẫn là một trong những đối tượng được tham khảo nhiều khi nghiên cứu về văn hóa hiện đại hậu công nghiệp. Đến năm 1993, Madonna lại tiếp tục gây sốc khi thực hiện The Girlie Show Tour. Trong tour diễn này, Madonna cắt tóc ngắn, mặc bộ quần áo ngắn bó sát người, tay cầm chiếc roi da, xung quanh là rất nhiều vũ công nữ ăn mặc hở hang, thậm chí để cả ngực trần. Show diễn nhanh chóng vấp phải nhiều phản đối, đặc biệt từ những người Do Thái vốn tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng với bản lĩnh sẵn có, cô vẫn hoàn thành trọn vẹn tour diễn này.

Ngừng một lúc để thở sau một tràng nói dài, Kim hít một hơi thật sâu rồi kết luận:

- Chỉ cần điểm qua một số nét chính trên, các em có thể thấy Madonna xứng đáng là một biểu tượng sex lớn nhất mọi thời đại - người đã biến sex từ một phạm trù thầm kín thành một mã văn hóa, một biểu tượng nghệ thuật của thế giới hậu hiện đại. Chỉ có cô mới đủ sức biểu đạt sex một cách tự nhiên và nghệ thuật đến thế, đem đến cho nó một nấc thang giá trị mới, đi liền với cách mạng, tự do, quyền lực, văn hóa, nghệ thuật, ăn sâu vào đời sống nhân sinh. Luôn luôn đi trước thời đại, chính Madonna đã đưa sex trở thành một phần không thể thiếu của ngành âm nhạc nói riêng và văn hóa pop đại chúng ngày nay nói chung.

- Đó thấy chưa! Tôi đã nói Madonna mãi mãi xứng đáng là Mother của chúng mình mà! Lady Gaga tuổi gì! – Bảo "hơ mẹc" tự hào tuyên bố với band Siêu Mẫu.

Không chịu kém miếng, Thanh "công chúa" cũng vội đỏng lên:

- Gớm! Madonna cũng là thánh nữ của những nữ nhi nổi loạn như nhóm Hoa Hồng Đen này nhé! Làm như mỗi band chuyển giới các bà có Mother ấy!

- Nói chung là, đã có Madonna hộ vệ thì bọn đàn ông cứ coi chừng! – Hà gật gù phán chốt một câu, củng cố niềm tin nổi loạn cho nhóm Hoa Hồng Đen của nó.

Tobe Continued...

Đức Long

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top