thầy cô ơi em nhớ! upload zenclu
20-11-ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày mà tôi sẽ gọi là "Ngày của tôi", viết về những người Thầy, người Cô đã đem đến cho tôi không chỉ những kiến thức trong sách vở mà còn là những bài học lớn về cuộc sống.
Bắt đầu những câu chuyện với câu chuyện Thầy tôi-một Thầy giáo già yêu nhạc cổ điển, đi Vespa và có vẻ gì đó hơi giống Trịnh. Nhưng không phải câu chuyện của chính Thầy, mà là của Mẹ Thầy-một giáo viên. Mẹ Thầy đã ngoài 90, cái tuổi xưa nay hiếm, theo nghề giáo mấy chục năm trời, đã dạy dỗ không biết bao nhiêu đứa trẻ thành người. Hằng năm, dịp lễ 20-11 là ngày mà những học sinh của bà từ mọi vùng miền về thăm Cô cũ. Học sinh giờ đã già, tóc nhiều sợi bạc, nhìn giống như những người bạn già ngồi nói chuyện nhưng vẫn một mực xưng "Cô", "trò". Nhưng ở đời không ai thoát khỏi luật sinh tử. Mỗi năm mỗi vắng bóng trò. Năm nay, ngày 20-11 chỉ còn hai trò đến. Cô buồn lắm, không phải vì trò quên Cô, chỉ vì thời gian khắc nghiệt quá. Hai trò thăm Cô với hai bó hoa, một bó hoa thật như hàng năm vẫn vậy, bó kia là hoa giả. Trò nói, tặng Cô hoa giả là để sang năm, lỡ hai trò đều không còn nữa thì Cô vẫn sẽ được nhận hoa ngày Hiến chương Nhà Giáo. Kể đến đây, nước mắt Thầy tôi rơi. Thầy nói, cả cuộc đời đi dạy chỉ mong được nghe những lời nói đó. Tôi cũng vậy, cũng tâm nguyện sao cho sau này, khi tôi trở thành một giáo viên, học sinh của tôi sẽ nói với tôi như thế. Chỉ một lời nói thôi nhưng đó lại là cả tấm lòng.
Bây giờ là chuyện của tôi. Từ ngày đi nhà trẻ, lên mẫu giáo, vào cấp 1 rồi rời cấp 3, tôi có may mắn được gặp những Thầy Cô đúng nghĩa. Với những người khác thì sao chứ đối với tôi, đây là một hạnh phúc. Đi nhà trẻ là tình thương dành cho một con bé khó nuôi như tôi từ bữa ăn, giấc ngủ của Cô Lắm. Vào cấp 1 là bàn tay nắn nót tập viết của Cô Doan, là những lần tập văn nghệ, tập đàn của Cô Liên hồi lớp 2, cách chỉ bảo tận tình của Cô Hoa...Bao nhiêu năm rồi, ngôi trường cấp 1 nhỏ bé ấy đã in dấu chân của tôi và cả những đứa em tôi, vậy mà các Cô vẫn nhớ tên từng đứa một, vẫn nhận ra tôi mỗi lần tôi đến.
Lên cấp 2, bắt đầu tiếp xúc với nhiều Thầy Cô hơn, nào là giáo viên chủ nhiệm, rồi giáo viên bộ môn, thế nhưng tình cảm Thầy trò cũng không vì thế mà xa. Các Thầy cô gần gũi lắm, quan tâm nhiều đến từng người. Tôi không biết có chủ quan không khi nói rằng ở thành phố, dường như cái sợi dây liên kết giữa Thầy và trò không bền chặt bằng những vùng khác, có lẽ vì học trò đông quá, Thầy không nhớ nổi.
Bước vào cấp 3 đối với tôi là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm nhất. Trường tôi học đa phần là Thầy Cô trẻ, có lẽ vậy mà gần gũi, hòa đồng với học sinh hơn. Thầy Cô, cho đến bây giờ, đối với tôi vẫn là những người bạn lớn đáng tin cậy nhất. Cô Lê chủ nhiệm dạy Anh văn nhưng lại có thể làm thơ tặng lớp là người đã giúp tôi định hướng nghề nghiệp cho mình, trở thành một giáo viên ngay chính ngôi trường Cô đã từng học. Cô hiền và hay cười, nhưng cũng dễ khóc lắm những khi lớp có chuyện. Cô chăm chút cho từng đứa, lắng nghe những chuyện "dở hơi" của tụi nhóc đang tập làm người lớn, những chuyện mà ngay cả với Ba mẹ, chúng cũng không dám kể. Cô Bình "cò", "cao như cây sậy"(nguyên văn lời bạn Điệp) là người chuyên đặt nickname cho lớp. Tụi con gái trong lớp hầu như tất cả đều có những cái nickname dễ thương gắn liền với tính cách của từng đứa và bắt đầu bằng chữ "Vịt", từ Cô hay dùng để gọi chúng tôi những khi không phải giờ lên lớp. Tôi vẫn còn nhớ ngày chia tay lớp, Cô đã viết cho tôi "Vịt xấu xí! Hãy luôn xấu xí nhé" và tôi đã mang theo nó trong suốt con đường tôi đi. Em sẽ cố gắng giữ cho mình sự "xấu xí" đó, Cô ah. Rồi Cô Hương với những bài tập sinh nâng cao dành riêng cho một con bé thích sinh nhưng lại không theo như tôi, Cô Hường với lời cảm ơn dành cho bài phát biểu chia tay của tôi đã làm tôi xúc động vô cùng. Là Thầy Trường với sự quan tâm sâu sắc và tế nhị dành cho học sinh, là những lần Thầy về quê cặm cụi mang lên cho lớp đủ thứ quà. là Thầy Linh với những bí mật nho nhỏ giữa hai người bạn mà lắm khi, khiến người khác hiểu lầm Là Thầy hiệu trưởng "Đoraemon", là Cô Sương "có võ"...Ba năm rồi, ít khi có điều kiện gặp lại Thầy Cô nhưng vẫn còn đó những yêu thương, quan tâm chia sẻ qua những dòng tin nhắn, qua những thời gian rất ngắn được nói chuyện với Thầy Cô, qua những gì mà mọi người đã kể cho lứa học trò sau những kỷ niệm đầy màu sắc của tụi em ngày ấy. Thương yêu vô cùng.
Lên Đại học, khái niệm tình Thầy trò dường như có vẻ xa lạ đối với những trường khác nhưng ở lớp chúng tôi, Thầy Cô lại gần gũi vô cùng. Thương Cô Huyền Tôn Nữ Tuyết dạy Pháp, coi chúng tôi như con cháu trong nhà, đến nỗi ngày rằm hay mùng Một là tụi tôi lại chuyền tai "phát biểu hăng say nhé, hôm nay thể nào Cô cũng có quà cho tụi mình". Quà của Cô chỉ là trái cây, bánh kẹo, là những vật lưu niệm nho nhỏ nhưng đứa nào cũng cố gắng để được một lần nhận quà của Cô. Thương Thầy Thân Trọng Liên Nhân dạy toàn những môn khó tiếp thu, làm Thầy phải vất vả giải thích cho tụi sinh viên hiểu. Thương Thầy Hiếu với những bài học về cuộc sống mà thầy đã dạy còn nhiều hơn cả bài học khô khan trong sách. Quý giá vô cùng là những tình cảm Thầy trò ấy
Không chỉ là những người Thầy, người Cô cả đời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, Thầy Cô tôi còn là những chiến sĩ áo xanh ở Trung tâm Giáo dục quốc phòng, những người Thầy-người lính. Hơn một tháng gắn bó từ những giờ trên lớp, giờ luyện tập trên bãi cho đến từng bữa ăn, giấc ngủ, các Thầy thật sự giống những người cha, chỉ bảo từng ly từng tý một. Hình ảnh những người Thầy áo xanh ấy đẹp lắm, không chỉ cho chúng tôi hiểu những gian khổ ngày xưa mà còn là những bài học về lòng yêu Tổ quốc.
Vẫn biết còn đó những tiêu cực, những hình ảnh không đẹp về người Thầy trong xã hội ngày nay nhưng trên tất cả, đối với tôi, Thầy Cô là những gì thiêng liêng và cần phải kính trọng nhất. Khi biết trọng người, tôi tin rồi mình cũng sẽ làm được như những gì mà Thầy Cô đã dành cho chúng tôi, không chỉ dạy học, mà dạy cả những bước đi vào đời, từ chính những gì mình trải qua, bằng chính tâm huyết của mình. 20-11, dành cho tất cả những ai được gọi là Thầy, một lời "Cám ơn" từ đứa trò nhỏ, và một lời hứa về trách nhiệm, bổn phận và cái tâm của người Thầy, một mai, khi tôi đứng trên bục giảng...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top