Chương VII: Trước bão
Đời học sinh có rất nhiều cái để ghét, một trong số đó là đã thi xong mà vẫn phải học. Trong lúc mọi người vẫn đang tung tăng vui vẻ tận hưởng sự thoải mái của tuần sau thi thì tôi buộc phải cắm đầu cắm cổ vào học, tất cả cũng chỉ tại kì thi học sinh giỏi Sử cấp quốc gia dành cho học sinh cuối cấp được tổ chức vào tháng sau. Năm ngoái tôi cũng đã tham gia kì thi này rồi, kết quả là đạt giải nhất và còn được tặng kèm "một người bạn trai" rất dễ thương. Còn năm nay, nói thật tôi không trông mong mấy về kì thi này, không còn cái sự lo lắng hồi hộp của lần đầu nữa, có lẽ đó là do thứ tâm lí kì lạ của con người, khi lên đến đỉnh cao của cái gì đó ta sẽ lại tự mãn. Vì thời gian đã gấp rút nên việc học đội tuyển của chúng tôi cũng phải tăng buổi, đó là việc tôi ngán nhất. Bình thường đội tuyển Sử chỉ học mỗi chiều thứ ba và thứ bảy thôi, nhưng bây giờ thì lịch học gần như trải dài cả tuần. Trường tôi phòng trống không nhiều, ngoài đội tuyển Sử ra còn rất nhiều đội tuyển lý thuyết khác nữa, tất cả đều đồng loạt tăng buổi thành ra phải tranh giành nơi để học. Tôi bảo anh sao chúng tôi không học ở nhà, khỏi cần phải tranh giành phòng học với người khác, cũng một phần là tôi lười việc cứ phải lê thân vào trường. Nhưng cuối cũng đề nghị của tôi bị bác bỏ, không phải từ phía anh mà về phía hiệu trưởng. Thầy vốn dĩ rất thương tôi, có thể nói là hơi thiên vị tôi đôi chút, vì trong ba năm học tôi nhiều lần đạt giải cao mang về nhiều danh dự cho nhà trường. Thầy nói tôi có thể vào bất cứ phòng nào tôi muốn, nếu bị đụng phòng với lớp khác thì cũng có thể lên phòng khách học cũng chẳng sao. Cuối cùng để chấm dứt tình trạng chỉ vì một cái phòng học mà suốt ngày giành qua giành lại, các giáo viên dạy đội tuyển đã phải họp lại để quyết định chọn ra phòng học cố định cho đội tuyển của mình. Các đội tuyển Toán, Lý, Hóa, Sinh khá đông người nên hầu hết đều học ở phòng thực hành hoặc những căn phòng lớn có thể viết bảng. Còn đội tuyển Sử chúng tôi rất dễ, chỉ có mỗi tôi và anh nên một cái bàn hai cái ghế cũng có thể học được, có bảng hay không cũng chẳng quan trọng. Sau khi họp cuối cùng thì trận chiến giành phòng cũng đã chấm dứt, đội tuyển Sử chúng tôi học ở phòng tương tác hai, kế bên lớp đội tuyển Toán mà Thanh và Ngân đang theo học.
Một ngày thứ năm buồn, ngày học cuối cùng của tất cả các đội tuyển thi lý thuyết. Trong căn phòng khá trống trãi của tầng ba dãy tương tác, tôi mệt mỏi thả người vào ghế khi vừa hoàn thành xong bài kiểm tra Sử cuối cùng. Bên kia bức tường bỗng nghe thấy tiếng hò hét vang lên bất chợt, không biết có chuyện gì với đội tuyển Toán bên kia. Sẵn đang lúc rảnh rang đợi anh chấm bài, tôi tò mò dỏng tai lắng nghe tình hình bên lớp Toán. Hoá ra là vì bữa học cuối cùng nên thầy Hưng, giáo viên dạy Toán đội tuyển, chiêu đãi tụi nó mấy ly đá đậu, được ăn nên tụi nó rất sung sướng. Nhưng thầy không cho tụi nó ăn vội, để ly đá đậu trước mặt mỗi đứa, thầy đứng trên bục giảng luyên thuyên mãi, tôi ngồi bên đây cũng thấy khá sốt ruột, hơn mười lăm phút, chắc cả đám tụi nó đang thèm chảy cả nước miếng.
Ai đó cuối cùng cũng đã chấm xong bài, tôi thở dài, một khóa học đội tuyển dài đăng đẳng đã kết thúc, tôi chờ ngày đã lâu tại sao đến cận kề giờ phút chia tay, lòng lại dấy lên nỗi u buồn rất lớn. Đã bốn giờ ba mươi, bắt đầu buổi họp thường lệ của giáo viên, anh rời đi, chỉ còn tôi lặng người với căn phòng cô quạnh. Một mình cũng buồn tôi tìm qua lớp Toán, thầy Hưng đi cũng được mười phút rồi, ấy vậy mà chưa đứa nào vội ra về. Ngân gặp tôi thì hồ hởi kéo vào, nó đưa ly nước trong tay lịch sự mời tôi, tôi khéo léo từ chối. Tôi nhanh chóng kiếm một cái ghế trống, ngồi xuống ung dung nói chuyện với tụi nó. Chúng tôi khá thân, học sát nhau hơn nửa năm, nên nói chuyện cũng rất vui vẻ. Tôi nhớ lại những ngày đầu học đội tuyển, ngoài Thanh và Ngân ra tôi chẳng quen biết đứa nào trong chúng nó. Lúc tụi nó biết tôi học Sử, hơn nữa còn là thành viên duy nhất trong cái đội tuyển khô khan này, tụi nó cứ trố mắt lên nhìn tôi như thể một sinh vật lạ, có đứa còn lắc đầu ngao ngán:
"Sử mà cũng có đứa học hả? Bà chắc bị khùng rồi."
Lúc trước tôi cũng không nghĩ sẽ có ngày chọn theo Sử như thế này, lẽ ra tôi đã có thể đồng hành cũng mười hai người tụi nó trong đội tuyển Toán nếu không nghe theo lời dụ dỗ của người nào đấy. Những ngày đầu tôi còn tưởng mình chọn sai, vì một người mà chọn thứ mình không thích có vẻ khá ngốc, nhưng giờ thì tôi cảm thấy rất may vì mình đã chọn thế. Nhờ quyết định khá điên rồ ngày ấy, tôi mới biết Sử thú vị đến thế, tôi mới có được một người yêu thương mình đến thế, hơn thế nữa là vì những bài tập thầy Hưng cho tôi có nhìn qua, nó quá khó với sức học của tôi. Thật ra tôi phải là người khâm phục tụi nó, cái thứ Toán khó hiểu đó không ngờ cũng có người kiên trì theo đuổi.
Thời gian thấy thế mà trôi nhanh quá, mới chớp mắt một cái chuyện nửa năm như chỉ mới hôm qua. Trước thời gian thật là không gì là không thể, ngày nào đó Thanh còn hay chạy đến cạnh tôi than dài than ngắn, nào là Toán quá phức tạp, nào là cảm thấy chán muốn nhanh nhanh tới ngày không cần phải lê thân vào trường suốt mấy tiếng liền nữa, bây giờ thì ngày đó đã tới rồi nhưng có vẻ như Thanh nó là đứa lưu luyến nơi này nhất. Chúng tôi nhìn nhau người này như đợi người kia, cả đi về cũng lười.
Kì thi năm nay được tổ chức sớm hơn nhiều so với năm ngoái, nhưng may mắn hơn là địa điểm thi được chọn nằm ở Cần Thơ, không cần lại phải cực nhọc đi xe lên Sài Gòn. Năm nay trường chúng tôi chơi sang, bởi số học sinh tham gia vào kì thi cấp quốc gia lần này nhiều gấp mấy lần so với năm ngoái, thầy hiệu trưởng cao hứng chi tiền thuê xe đưa đón chúng tôi. Đúng sáu giờ sáng của một ngày thứ sáu trong lành, một chiếc xe khách to đỗ ngay trước cổng trường Đoàn Thị Điểm, ngoài những học sinh đi thi như chúng tôi ra thì tất cả mọi người còn lại đều đi học bình thường, chúng nó lúc vào học đi ngang qua cổng chính cứ trố mắt nhìn chúng tôi đầy vẻ ghen tị. Đúng là được trường bao xe cho đi không phải là đứa nào cũng được may mắn vậy nhưng xét theo một phương diện khác thì bọn nó cũng là những kẻ may mắn. Bởi trong kì thi này thầy hiệu trưởng ra quyết định giáo viên đội tuyển phải đi cùng với học sinh cho tới tận lúc bước vào phòng thi để học sinh được yên tâm hơn, thế nên lớp nào có tiết của những giáo viên đó hiển nhiên sẽ được nghỉ, đại loại như lớp tôi sẽ được nghỉ tiết đầu môn Sử.
Chúng tôi đối mặt với kì thi toàn quốc quan trọng là thế nhưng có vẻ như không đứa nào lo lắng mấy, ai nấy cũng cười rất tươi, vui vẻ đùa giỡn. Trái lại các giáo viên đi theo lại là người lo lắng nhất. Ở góc đằng kia đội tuyển Hóa lý thuyết đang họp lại, cô Thư lại lần nữa lo lắng nhắc đi nhắc lại những thứ có lẽ sẽ cho thi. Bọn Anh Văn, Văn, Địa, Sinh lý thuyết, Vật lý lý thuyết cũng vậy, trông tụi nó có vẻ càng nghe lại càng lo lắng hơn. Còn thoải mái nhất có lẽ là đội tuyển Toán, bởi đó là môn duy nhất không có cái để ôn, mỗi bài Toán là một dạng đề khác nhau giải được hay không là do sự tư duy của mỗi người, nên bọn chúng là những đứa thoải mái nhất. Tuy vậy thầy Hưng đứng cách tôi không xa lại đưa mắt sầu não về phía tụi học trò của mình. Thầy nắm chắc được sức học của những đứa học trò mình, nhưng Toán không như Sử chỉ cần học thuộc, một đứa học thật giỏi cũng sẽ có lúc giải không được một bài Toán khó trong khi một đứa với năng lực bình thường lại có thể. Hai tay thầy cứ xoa liên hồi, lưng trông có vẻ như càng lúc càng khom, mồ hôi đã rịn ướt cả phần cổ áo, lần đầu tiên tôi thấy thầy lo lắng đến vậy. Tôi đưa mắt dáo dác tìm người, tại sao đội tuyển nào cũng có giáo viên bên cạnh còn tôi lại không thấy kẻ dạy đội tuyển của mình. Đội tuyển Sử chỉ có mình tôi học, giờ không có anh ở đây thành ra tôi lẻ loi giữa biển người. Một hồi lâu sau tôi mới thấy bóng dáng kẻ vô trách nhiệm ấy, anh khoan thai đi đến bên tôi trên tay cầm theo ly trà sữa. Anh đưa nó cho tôi một cách tự nhiên, tôi cũng vui vẻ đón nhận như một sự hiển nhiên. Nhưng cũng thật bất ngờ, người bình thường vẫn hay ngăn cấm tôi không được uống những thứ có hại cho sức khỏe như thế này lại đi mua cho tôi uống, chắc có lẽ anh sợ tôi căng thẳng quá nên thôi một lần phá lệ để tôi uống thứ tôi thích.
Đến giờ chiếc xe khách chở hơn năm mươi người nặng nề lăn bánh. Trên xe cả bọn như những đứa học sinh cấp một lần đầu được đi tham quan, phấn khởi vô cùng, lo lắng lúc này cũng chẳng được ích gì thôi thì cứ vui vẻ vậy. Để tránh lộn xộn, chỗ ngồi của mỗi người cũng được sắp xếp theo đội tuyển, tôi và anh nhanh chóng ngồi ngay ngắn vào dãy ghế hai người, lại là cạnh đội tuyển Toán. Tôi nhìn qua tụi nó, mười hai đứa chia đều ra bắt cặp trò chuyện với nhau không chút tranh chấp lộn xộn nào. Ở trên là Quang Tiến và Gia Huy, cạnh đó còn có Ngân Thảo và Vĩnh Duy, thêm ở dưới là Phú Sĩ và Quang Duy, đám tụi nó là những đứa siêng năng nhất rãnh rỗi lại lấy bài ra cùng nhau làm. Còn tụi còn lại thì vô tư hơn, Phúc Toàn với Việt Tiến thì lo bàn nhau chuyện game chuyện bóng đá- tụi con trai gặp nhau thì cũng chỉ có thế, Thuỳ Dương thì lấy rubik ra dạy Ngân cách chơi, Mỹ Yến và Thanh chẳng có chuyện làm cũng ngồi cùng nhau tâm sự. Tôi nhìn sang Thanh, bị thu hút đặc biệt bởi cái thứ nó cầm trên tay. Một thứ có dạng như bùa cầu may, tôi nhớ là Thanh không có cái tính tin dị đoan như thế. Trông có vẻ như rất quen hình như tôi đã thấy ở đâu rồi thì phải. Lục lại hết một lượt những kí ức lộn xộn cuối cùng thì tôi cũng nhớ ra, lá bùa ấy là của thầy Bình, thầy từng nói với tôi lá bùa ấy rất linh từ hồi đi học thầy đã luôn mang theo nó bên mình, nó như vị thần may mắn giúp thầy dễ dàng vượt qua các kì thi, bảo vật như thế mà thầy trao cho nó cũng đủ hiểu với thầy nó quan trọng thế nào.
Không quá lâu để đến trường Trung học An Hòa 2, nơi được chọn để tổ chức cuộc thi. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến ngôi trường này, nếu không có kì thi này có lẽ tôi còn không biết Cần Thơ có một ngôi trường như thế. Ngôi trường trông còn khá mới, khoác lên mình sắc vàng thường thấy như ở bao trường khác. Tuy không phải là trường điểm nhưng so về quy mô thì ngôi trường sinh sau đẻ muộn này cũng không thua kém gì mấy.
Lúc chúng tôi đến nơi trường đã chật kín người. Một cuộc thi mang tính toàn quốc có khác, tề tụ đông đủ các gương mặt có tiếng học hay. Đội Cần Thơ chúng tôi năm nay khá nhiều người, hầu hết cũng là từ đội tuyển trường Đoàn Thị Điểm, thế nên đội hình cũng không mấy lép vế trước những tỉnh thành khác. Khắp sân trường học sinh vẫn còn lao xao xem số báo danh, phòng thi, thì bất ngờ tiếng trống vang lên liên hồi như thúc giục. Buổi lễ khai mạc đã bắt đầu.
Buổi lễ với những bài phát biểu dài lê thê cuối cùng cũng kết thúc trong sự ngán ngẫm của tất cả mọi người, học sinh truyền tai nhau những câu "thà vào thi ngay còn hơn phải ngồi dưới cái nắng chang chang thế này để nghe những lời phát biểu vô vị". Tiếng trống lại vang lên lần nữa, học sinh tự giác nhanh chóng vào xếp hàng ngay ngắn. Cô giám thị lần lượt đọc tên thí sinh, chúng tôi tiến vào từng người từng người một thành hàng đều như những người lính hành quân ra trận. Lại thêm nửa tiếng rảnh rỗi dành cho học sinh lẫn giám thị ổn định mọi thứ, tôi buồn chán đảo mắt quan sát mọi người xung quanh mình. Sau cuộc thi cấp thành thì ngoài tôi ra còn một bạn nữa là học sinh trường Lương Thế Vinh đậu đội tuyển Sử, nhưng nghe bảo bạn ấy cuối cùng vì không chịu nổi áp lực quá nặng của môn học này nên đã bỏ cuộc, thành ra cả Cần Thơ rộng lớn chỉ có mỗi tôi thi Sử. Vì thế nên khi vào phòng thi tôi chẳng quen biết ai trong số hơn hai mươi khuôn mặt lạ lẫm này. Không có người quen trò chuyện tôi đành dời sự chú ý đến cô giám thị đang ngồi trước mặt tôi, đành lấy việc quan sát cô làm thú vui qua giờ vậy. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô là cô trông rất trẻ, chỉ khoảng từ ba mươi đổ lại, thường trong những kì thi như thế này gác thi thường là những giáo viên lão làng, chỉ có họ mới đủ tinh mắt và nghiêm khắc để đảm bảo công bằng cho cuộc thi. Cô có mái tóc đen tuyền như mun, tóc cô khá dài, mái rẽ ngôi giữa, mái tóc được cô buộc nhẹ ở dưới trông rất gọn gàng. Một điều khác biệt giữa cô và các giáo viên nữ khác là cô không hề trang điểm khi đến trường, một chút son hay tí phấn cũng không, chỉ vận một bộ áo dài màu lam không quá lòe loẹt. Cô không thể nói là quá đẹp, có đẹp nhưng đẹp theo một cách riêng, chẳng phải là nét đẹp mà những người con trai hay tìm kiếm ở người yêu mình mà là vẻ đẹp hiền dịu của một người vợ.
Vẫn đang mải mê vào công việc vô ích, thật không hay thời gian đã chầm chậm đi qua, kì thi cuối cùng cũng đã chính thức bắt đầu. Cô giám thị nhanh chóng phát bài, học sinh vừa nhận bài liền chăm chú vào bài thi. Cả căn phòng bỗng im bặt sự huyên náo trong phút chốc, âm vang đâu đó cũng chỉ là tiếng giấy sột soạt, chẳng thêm bất cứ tiếng động nào thừa. Tôi cũng tập trung vào bài thi của mình, vẫn như thường lệ sáu mươi phút với năm câu hỏi, bốn câu về phần học một câu phần hiểu và liên hệ thực tế. Bài thi lần này không dễ, nhìn vào những cái vò đầu bứt tóc và cắn viết của các thí sinh khác cũng đủ biết. Tuy vậy nhưng nó cũng chẳng làm khó được tôi mấy, có thể nói cũng là nhờ công sức ai đó tối ngày lải nhải bên tai tôi phải nhớ cái này cái kia, phải thường xuyên cập nhật tin tức thời sự để có thể dễ dàng trả lời những câu hỏi liên hệ thực tế.
Tôi dùng năm mười phút làm bài, thêm năm phút dò lại bài, năm phút còn lại thong thả ngồi chơi. Những học sinh khác có vẻ vẫn chưa hoàn thành xong bài thi, tôi thấy họ vẫn còn đang cặm cụi loay hoay, tôi đành dời ánh nhìn về phía sân trường, nơi duy nhất trong trường lúc này chẳng có lấy chút gì vội vã. Mưa, những cánh hoa thả mình theo gió lất phất rơi tạo nên cơn mưa hoa tuyệt đẹp. Xuyên qua những cánh hoa, phía xa xa trong căn phòng đối diện tít đằng kia, một bóng áo sơ mi quen thuộc. Hôm nay anh chọn màu áo trắng với những đường kẻ sọc nhỏ màu đen, không quá cầu kì nhưng vẫn đủ đẹp đẽ, trang nhã. Như biết được có người đang nhìn mình, đang nói chuyện với các giáo viên khác mà anh cũng quay người qua. Đối diện với ánh nhìn của tôi, anh vô cùng bình thản, như một điều quá quen thuộc rồi. Ánh nhìn của anh dừng lại khá lâu trên người tôi, có vẻ như trong ánh mắt ấy như còn muốn nhắn gởi điều gì đó. Hóa ra có người đến lo lắng cũng ngại thể hiện, cố tỏ vẻ lãnh cảm để che giấu nỗi lo toan trong lòng. Tôi khúc khích cười, rồi giơ hai ngón tay lên ra dấu chữ V, biểu tượng của chiến thắng. Mắt anh rất tốt, xa đến thế vẫn có thể trông rõ được, anh khẽ gật đầu, một chút nụ cười mãn nguyện. Sau đó anh lại tiếp tục nói chuyện với các giáo viên, thể như nãy giờ chẳng có chuyện gì xảy ra vậy.
Kì thi nhanh chóng đến hồi kết thúc, bài thi nhanh chóng được truyền từ dưới lên, tiếng ai oán âm vang khắp cả căn phòng. Tôi là người rời phòng sớm nhất, cái không khí xung quanh toàn người xa lạ ấy quả thực rất ngột ngạt, tôi không muốn tiếp tục với nó thêm một phút nào nữa. Sử thi xong khá sớm, còn một số đội tuyển như Toán vẫn còn rất lâu mới xong, tôi tặc lưỡi, đối phó với năm bài toán phức tạp như thế có vẻ như hai tiếng là quá ít. Để tránh việc mất trật tự gây ồn ào các lớp còn thi, chúng tôi được chỉ dẫn lên hội trường. Hội trường nơi này khá rộng, đủ chỗ để khoảng hơn trăm người thoải mái ngồi nghỉ. Thoát khỏi sự giam cầm của phòng thi, điều đầu tiên chắc chắn học sinh phải làm là dò kết quả bài làm. Sử, Địa thì không có nhiều thứ để dò mấy, chỉ chủ yếu là phần hiểu và liên hệ thực tế, sôi nổi nhất vẫn là Lý, Hóa, Sinh, tôi đã cố tình lánh ra góc phòng thế mà vẫn cứ nghe được lời tụi nó rõ mồn một.
Một tiếng đồng hồ trôi qua trong vô vị. Nhiều lần tôi định lợi dụng lúc hội người không còn ai canh gác để lẻn xuống phòng giáo viên, dù gì thì có người quen nói chuyện cũng đỡ nhàm chán. Thế nhưng có hai gã thầy giáo cứ đứng áng ngay cửa chẳng chịu một phút nào rời đi, cuối cùng tôi đành phải từ bỏ kế hoạch bỏ trốn, yên phận ngồi yên chờ hết thời gian. Cậu bạn ngồi trên đột ngột quay xuống nhìn tôi, bỗng chốc lại nở nụ cười rất tươi làm lộ rõ cả hàm răng trắng sáng.
"Tớ tên Phong, học sinh trường An Hòa 2, đội tuyển Hóa. Hân hạnh được làm quen." Bất chợt lại có một người xa lạ bắt chuyện, tôi không quen mấy, lúng túng trao cái bắt tay với bàn tay thân thiện chìa ra muốn làm quen của Phong. Một người bạn mới để nói chuyện giết thời gian, một ý kiến không tồi. Tôi bèn lịch sự giới thiệu:
"Ngọc Bích, trường Đoàn Thị Điểm, đội tuyển Sử. Rất vui vì được làm quen với cậu."
Sau đó chúng tôi trao đổi nhau những câu hỏi bình thường như đã được soạn sẵn trước, chẳng hạn như thi thế nào, làm bài được hết không, liệu có hi vọng đậu,...hàng loạt những câu hỏi mang đậm ý khách sáo của một mối quan hệ chưa vững chắc. Cậu chàng này rất thân thiện cũng khá thẳng tính. Càng nói chuyện càng hợp ý, chúng tôi như càng thân hơn, kể cho nhau nghe những chuyện vui đời thường. Phong cao hơn tôi nửa cái đầu, tướng tá cân đối không quá ốm cũng chẳng quá mập, làn da ngâm ngâm khỏe mạnh, đặc trưng thường thấy của dân chơi thể thao. Một cậu bạn thật thú vị, tuy chỉ mới lần đầu gặp mặt, nhưng Phong cho tôi cảm giác tựa hồ như đã quen rất lâu về trước.
Tiếng trống giòn giã cắt ngang cuộc chuyện trò vui vẻ của chúng tôi, cuối cùng thì kì thi cũng đã kết thúc, mệt thật. Mọi người bắt đầu tản ra, ai nấy cũng rất sốt ruột muốn về lắm rồi. Tôi nói tạm biệt Phong, vừa mới bước được vài bước định đi tìm anh thì bất ngờ bị níu lại. Phong dúi vào tay tôi chiếc điện thoại đã mở sẵn màn hình, tôi ngây người ra nhìn cậu, chẳng kịp hiểu nỗi cậu muốn làm gì.
"Nhập số điện thoại cậu vào đây."
Giọng cậu khá lớn, rõ và dứt khoác như ra lệnh, không cho tôi cơ hội từ chối. Như sợ sệt trước mệnh lệnh của cậu, tôi cầm điện thoại nhanh chóng nhập nhanh số điện thoại của mình dù trong đầu vẫn còn lẫn quẫn nhiều thắc mắc, chúng tôi chỉ mới quen nhau được khoảng một giờ đồng hồ, đã thân đến mức có thể trao đổi cho nhau số điện thoại rồi à. Nhưng dù gì thì một số điện thoại cũng chẳng quan trọng lắm, cho cậu ấy cũng chẳng có hại gì. Phong nhận lại điện thoại từ tay tôi, việc đầu tiên cậu làm là bấm nhanh vào nút gọi, tức thì điện thoại tôi liền rung lên. Chỉ đợi có thế rồi cậu nhanh chóng cúp máy, cất điện thoại vào trong túi quần. Đến tận lúc này cậu mới thả cho tôi đi.
Tôi bước vội xuống những bậc thang, lúc chạm đến bậc cuối cùng ngay lập tức đã thấy được đội Toán đang tụ họp trước phòng thi. Nhìn lướt qua trông cả mười hai người trường tôi đều biểu cảm như nhau, một chút thất vọng, một chút tiếc nuối. Thi xong ai cũng muốn nhanh chân về nhà, thả mình xuống giường, phè phỡn đánh giấc ngon chờ ngày công bố kết quả. Còn tụi nó thì cứ tụ họp chôn chân tại đó mãi, không đứa nào trong tụi nó làm trọn vẹn hết cái đề Toán khó đó nên tụi nó ấm ức lắm, tụi nó lại lấy cái đề ra cùng nhau hợp sức giải lại phải đến được mới chịu thôi. Thanh là đứa chúa làm biếng nhất mà tôi từng biết, còn cô nàng Ngân thì thôi khỏi nói cũng lười chẳng kém cạnh gì, vậy nên khi thấy tụi nó cũng xông xáo vào tham gia giải lại đề Toán, tôi rất bất ngờ. Thật không biết nên cười hay nên khóc đây, mười hai đứa tụi nó, có vẻ như học riết nên khùng luôn rồi.
Xe đã đến chờ đợi rước chúng tôi, không suy nghĩ nhiều ai nấy cũng đều nhanh chóng khoác nhanh balo lên vai rồi chạy thật nhanh về phía cổng, chỉ trừ một số thành phần vẫn còn đang chìm đắm trong kì thi không để ý gì đến tình hình xung quanh. Một hàng dài học sinh xếp ngay ngắn trước cửa xe, thế nhưng ai cũng lấy làm thắc mắc vì chẳng thấy giáo viên đâu. Một đại diện được cử đi nhanh chóng quay về báo cáo tình hình, giáo viên còn đang họp chắc cũng phải đợi khoảng hai mươi phút nữa. Không phải chỉ mỗi riêng trường chúng tôi, đội tuyển các tỉnh thành khác cũng vậy, đều ngao ngán đợi chờ giáo viên để có thể khởi hành trở về. Đợi rồi lại đợi, lại một lần nữa tôi trở thành kẻ rãnh rỗi. Ngay tại đây tôi chỉ quen mỗi anh và những người trong đội tuyển Toán, anh thì đang họp, tụi nó thì làm bài, một lần nữa tôi trở thành kẻ bơ vơ.
Ngôi trường này tuy rộng lớn nhưng cũng chẳng có chỗ để tôi mua vui. Tôi cứ lẫn quẫn dạo quanh hết nơi này rồi nơi khác, kiến trúc các phòng đều giống nhau khiến tôi cứ đi lạc mãi. Lúc này nếu có Phong thì tốt biết mấy, cậu là dân ở đây rành đường, có thể đưa tôi đi thăm thú khắp nơi. Cứ đi mãi mà chẳng biết mình phải đi đâu tôi chán nản đẩy cửa bước đại vào một phòng, trước cửa phòng có đề bảng "Phòng trưng bày", chắc có thứ để xem đây. Căn phòng không mấy rộng, với gam màu chủ đạo là màu xanh mát mẻ trông rất bắt mắt. Dọc dài hai dãy tường treo đầy tranh ảnh, tôi lướt mắt qua một lượt, bắt gặp bộ sưu tập ảnh quen thuộc, những bức ảnh về lịch sử Việt Nam từ thời văn lang âu lạc cho đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ đều có đủ cả. Ngoài ra còn có những tấm ảnh về những kỉ vật mang đậm dấu ấn lịch sử chẳng hạn như bức thư tay "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Hồ chủ tịch, vũ khí quân dân ta dùng để chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống cường quốc,... Thứ hút mắt tôi nhất là dãy ảnh được treo cao trên tường, một loạt vị anh hùng, lãnh tụ vĩ đại trong lịch sử dân tộc cũng như trên thế giới. Tôi rất thích cứ ngẩn người ngắm mãi dù những gương mặt đó đã vô cùng quen thuộc đối với tôi, tôi bị anh bắt nhìn biết bao lần rồi chứ. Một căn phòng chỉ toàn là tranh ảnh không một chút hiện vật nhưng lại có thể như tái hiện lại cả một quá trình lịch sử lâu dài, lạc vào đây có cảm giác chẳng khác gì được đi tham quan viện bảo tàng vậy. Căn phòng này quả thực là một phương pháp dạy học mới rất hay, học sinh có thể đến đây tham quan, nghiên cứu về lịch sử, không còn cảm thấy sợ hãi về môn học này. Nếu trường tôi cũng có một căn phòng giống vậy thì có lẽ đó chắc là nơi tôi thường xuyên ghé vào. Được nghe kể về những câu chuyện lịch sử hào hùng là thú vui lớn nhất của tôi, cũng nhờ có anh đã gợi cho tôi biết trong tim mình có một niềm say mê mãnh liệt đến thế.
Một tiếng lạch cạch bất ngờ vang lên, là ai đó đang mở cửa bước vào. Cửa vừa mở xuất hiện trước mắt tôi là một gương mặt vô cùng quen thuộc.
"Em thích Sử quá nhỉ? Rảnh rỗi đến đây tham quan phòng trưng bày, học sinh ở đây chẳng được mấy đứa lui tới phòng này đâu."
Tôi dễ dàng nhận ra ngay lập tức là cô giám thị trẻ tôi vừa gặp lúc nãy. Cô thân thiện bắt chuyện với tôi, có vẻ như người ở trường này ai nấy cũng đều dễ gần như vậy, cứ luôn có thể vui vẻ bắt chuyện với người khác cho dù chưa bao giờ quen biết.
"Em tên Từ Lệ Ngọc Bích đúng không? Khi nãy quả thực cô rất ấn tượng em, em không giống như các thí sinh khác, rất bình tĩnh cẩn thận hoàn thành bài thi của mình. Xem ra kì thi lần này không làm khó được em nhỉ?"
Được khen mặt tôi bỗng chuyển đỏ ửng. Dù biết đó vốn chỉ là những lời khen khách sáo nhưng ai mà chẳng thích khi được nghe người khác khen. "Cô nói hơi quá rồi." Tôi ngại ngùng đáp lại, mặt tôi hơi cúi xuống e thẹn, kiểu như loài hoa trinh nữ e ấp khi bị người khác chạm vào. Còn cô thì cười, nụ cười sảng khoái, xa lạ nhưng ấm áp.
"Cô dạy Sử à? Trông cô cũng có vẻ rất thích Sử."
"Không, tại trước đây có một người rất thích Sử cô ở gần nên cũng nhiễm luôn cái sở thích đó. Cô tên Lê Quang Thái, giáo viên dạy văn."
"Lê Quang Thái" tôi lặp lại trong đầu, cái tên không thích hợp mấy cho một người con gái. Vừa nghĩ thế cô cũng vừa lên tiếng "Tên cô nghe như con trai vậy nhỉ?". Thật lạ một người con gái hiền dịu cớ sao lại có cái tên nam tính đến thế, chắc hẳn cô cũng bị mọi người trêu chọc vì điều này rất nhiều lần.
Chúng tôi tìm tới bộ sopha gần đó, ngồi xuống, vừa ngắm bức ảnh tái hiện cuộc chiến thắng lịch sử Điện Biên vừa vui vẻ trò chuyện. Cô rất cởi mở, chẳng ngại kể hết chuyện của mình cho tôi. Cô kể trước đây cô có quen biết với một người từng là thủ khoa Sử trong kì thi đại học, người đó luôn lải nhải với cô những câu chuyện lịch sử Việt Nam cũng như thế giới, rồi làm cô bắt đầu thích Sử từ lúc nào không hay. Cô còn than dù cô thích Sử nhưng lại chẳng được trời phú trí nhớ siêu đẳng nên đành phải ngậm ngùi từ bỏ môn học này. Tôi chăm chú lắng nghe lời cô kể, rất lấy làm thắc mắc. Liệu có cần thiết không khi đem một kỉ niệm trong quá khứ của mình kể cho một người xa lạ biết? Nhưng rồi tôi lại dẹp hết mọi ý nghĩ trong đầu và thầm bảo bản thân, người ta đã có lòng muốn kể mình nghe cũng chẳng tổn hại gì. Rồi tôi lại bật cười tủm tỉm, không phải vì câu chuyện của cô mà là bởi qua câu chuyện cô kể, tôi thấy thấp thoáng hình ảnh một ai đó rất quen thuộc. Người nào đó nhà tôi cũng thế, từ sáng đến tối chỉ biết có Sử, cứ lải nhải mãi khiến tôi thuộc lòng hết thảy, có cảm giác như không cần cơm anh vẫn có thể ôm quyển sách Sử sống qua ngày vậy. Đột nhiên nghĩ đến lại làm tôi nhớ anh quá, không biết bây giờ anh họp xong chưa nhỉ.
Lại một cơn gió nhẹ thổi qua làm xào xạc tán cây ngoài cửa sổ, chúng tôi vẫn mãi mê trò chuyện, như sợ chẳng có cơ hội gặp lại lần nữa nên muốn nói cho hết những tâm sự. Tôi là một kẻ rất hướng nội, rất ngại bắt chuyện trước với người khác, thứ nhất là chẳng biết nói gì, hai là lại sợ làm phiền người ta. Ngược với tôi, cô có vẻ như có rất nhiều chuyện muốn biết, cứ hỏi tôi liên tục hết câu này đến câu khác, tôi cũng kiên nhẫn trả lời từng câu một. Hầu hết các câu hỏi của cô đều xoay quanh vấn đề trường lớp và sinh hoạt hằng ngày của tôi, tôi có cảm giác mình trông như tù nhân đứng trước người quản giáo kê khai ra hết lí lịch của mình dù chẳng biết lí do tại sao mình phải vậy.
Một tiếng chuông điện thoại réo rắt vang lên kéo tôi thoát khỏi cái vòng lẫn quẫn những câu hỏi của cô. "Sẽ nhớ hoài hình bóng của người thầy thân thương cùng bao bụi phấn..." Tiếng chuông gì lạ vậy, tôi cố gắng lục nhanh tay nhất có thể, lấy được cái điện thoại ra tôi mới dám chắc tiếng chuông đó là từ điện thoại mình. Quái lạ tôi nhớ rõ ràng tôi đâu đặt nhạc chuông như vậy. Nghĩ ngợi một hồi tôi mới chợt nhớ ra, tối hôm qua có người mượn điện thoại tôi phá một lúc lâu, chắc là để làm cái này đây. Anh muốn tôi hôm nay lúc giữa đông học sinh lại gọi tới để tiếng nhạc chuông vang lên và mọi người sẽ biết tôi thương "thầy" nhiều thế nào. Trẻ con!
"Alo, em nghe... Em đang đi vòng vòng tham quan trường... Dạ vậy anh đợi em ngoài cổng, em ra liền."
Tắt máy, tôi vội vàng kiếm balo mang lên lưng. Cô Thái thấy ý muốn vội rời phòng của tôi cũng không có ý định ngăn cản. Cô nhìn tôi nháy mắt một cái tinh nghịch "Bạn trai hả?" Tôi khựng lại một chút, mỉm cười ngượng ngùng rồi cất bước nhanh rời khỏi phòng, không cho cô một câu trả lời thẳng thắng. Tôi cũng chẳng thể hiểu nỗi mình sao nữa, trước người phụ nữ chỉ lướt một lần ngang đời này, tôi chẳng suy tư kể hết mọi thứ nhưng đến những chuyện liên quan đến anh, tôi lại chần chừ e ngại. Rốt cuộc thâm tâm tôi đang lo sợ điều gì?
Tôi đi nhanh ra cửa hết sức có thể. Trước cổng trường, anh đứng tựa người vào cột bình thản, trầm tư đẹp tựa như một pho tượng. Anh không vội vã chút nào, ngược lại thì đám bạn tôi lại khác, nó cứ hối tôi liên hồi, có vẻ tụi nó muốn về lắm rồi. Xe lại khởi hành chở đoàn người trở về ngôi trường Đoàn Thị Điểm thân yêu. Không khí trên xe lúc này khác hẳn lúc đi, thi xong rồi cả bọn nhẹ người hơn hẳn, lúc này đây mới có thể vô tư đùa giỡn, chẳng cần nghĩ ngợi chi nhiều. Giáo viên thì không được lạc quan mấy, dù gì thì học sinh mình dạy có đậu hay không thì mình cũng được ít nhiều tiếng thơm, nhưng giáo viên cũng rất biết nghĩ cho học sinh, chỉ hỏi "Thi được không?" rồi thôi chứ không nói thêm gì nữa. Gió trưa đìu hiu thật khiến ta buồn ngủ, một số đứa tựa người vào nhau, đánh giấc ngon lành. Tôi cũng tựa người vào vai anh, nhắm hờ mắt như ngủ, chỉ là sau một ngày dài mệt mỏi muốn ngả vào lòng anh nhưng trước mặt nhiều người như vậy, chỉ có thể giả vờ như thế. Bờ vai anh bình yên thật, không ồn ào hối hả như phố thị đông người phức tạp ngoài kia, nếu có thể cả đời được tựa vào bờ vai này thì hay biết mấy.
Xe chúng tôi về lại trường vào khoảng 10 giờ 50, lúc này đã vào tiết thứ năm của buổi học. Chào đón chúng tôi trở về là vị hiệu trưởng đáng kính, mặt thầy vui vẻ hào hứng khi được gặp lại những người sẽ đem lại vinh quang cho trường. Chúng tôi bước xuống xe, thầy vồn vã chạy lại hỏi thăm, chẳng phải là câu hỏi về tình hình thi đầy áp lực mà chỉ ôn tồn "Mấy đứa mệt không?". Chúng tôi rất ấm lòng, được thầy cô quan tâm như thế ai mà không thích chứ. Vì về sớm hơn nửa tiếng so với dự tính nên đám học sinh chúng tôi tụ tập đi chơi, cũng có lịch sự rủ các thầy cô, nhưng ai nấy cũng rất tế nhị mà từ chối, họ cũng mệt lắm rồi khi phải theo tụi tôi cả ngày, cũng đã đến lúc họ nên về nhà và nghỉ ngơi.
Chúng tôi chia thành nhiều nhóm để đi chơi, ai chung điểm đến thì tụ lại thành nhóm. Quyết định một hồi, tôi, Thanh, Dương, Ngân, Toàn hợp thành một nhóm qua sense. Vừa bước khỏi cổng trường định đi thì chúng tôi bị kêu giật lại bởi tiếng người đằng sau, quay người lại chúng tôi thấy thầy Bình, thầy bảo thầy hết tiết rồi nên ngỏ ý muốn đi chung với chúng tôi, nguyên nhân thì ai cũng đã biết. Chúng tôi không có lí do gì để từ chối thầy, vậy là nhóm 6 người xuất phát đi quậy một trận ra trò. Lúc đầu chúng tôi cũng có hơi e ngại, lo sợ học sinh đi chơi mà có giáo viên theo thì sẽ không vui nhưng không ngờ có thầy Bình đi theo rất lợi, thầy chi hết toàn bộ phí quậy phá của chúng tôi, cả tiền ăn uống thầy cũng bao tất. Hiếm khi được một bữa chúng tôi cũng chẳng khách sáo làm gì. Tôi, Toàn và Dương lao đầu vào chơi game, hết đua xe tới bắn súng, rồi bóng rổ, banh bàn, hockey. Thanh và Ngân thì xung phong đi mua đồ ăn thức uống, tụi nó chọn lựa toàn những thứ ngon nhưng khá đắt mà bình thường vẫn tiếc tiền không dám mua ăn. Cả bọn chúng tôi chơi đã đời rồi thì cười khì, hôm nay xui cho thầy Bình rồi, thôi thì muốn lấy le với gái thì cũng nên chịu chút hao tổn vậy.
Vui vẻ xong rồi nhưng vẫn chưa muốn về, tụi tôi lại đảo vòng quanh siêu thị, lợi dụng lúc bọn con gái đi vệ sinh và thầy Bình phải canh cặp giùm tụi nó, Toàn nhanh chóng kéo tay tôi chạy mất dạng. Khi nãy tôi có than trời khá nóng nực, thế là bây giờ nhanh chóng có một ly kem Baskin Robins to lớn trước mặt. Cậu chàng học đội tuyển Toán này tôi đã quen được hơn nửa năm, quen nhưng không thân, tính ra nói chuyện cũng chỉ từ một tháng gần đây đổ lại, thật không có lí do gì để cậu phải mua đồ ăn cho tôi, ngoại trừ việc nhờ vả. Phúc Toàn thích Hoàng Yến, cô con gái cưng của tôi, kể từ ngày biết được bí mật này tôi được Toàn đối đãi như bà hoàng, chỉ cần tôi lên tiếng sẽ được nhanh chóng cung phụng đồ ăn thức uống. Tôi cũng không đến nỗi độc ác, những chuyện của Yến tôi đều kể cho Toàn nghe, tuy có chút cảm giác phản bạn nhưng bạn mình có người yêu cũng là chuyện tốt đấy chứ. Toàn nhìn tôi ăn ly kem to tướng vẻ ngao ngán, tôi cười ha hả, lại một người nữa cảm thấy mình ngu ngốc khi tiêu tiền phung phí vì gái. Ngay lúc này tiếng chuông điện thoại lại reo, lần này là âm báo tin nhắn. Màn hình hiển thị tin nhắn tới từ danh bạ "Tuấn Phong".
"Vài ngày nữa rảnh rỗi, chúng ta đi chơi nha. Hẹn gặp lại!"
Một lời mời đầy tính ngông cuồng, cơ hội để tôi từ chối cũng không có. Gặp nhau nói chuyện chỉ vỏn vẹn một tiếng đồng hồ ngắn ngủi mà bây giờ hẹn cả đi chơi riêng, tình bạn của chúng tôi tiến triển hơi nhanh thì phải. Tôi suy nghĩ đôi chút, vài ngày nữa anh phải chấm thi không thể phiền anh được, đúng lúc lại có người để mua vui, thế là nhanh chóng gửi đi dòng tin "Ừ tớ đợi cậu". Toàn nhìn thấy tôi vừa nhắn tin vừa tủm tỉm cười, bèn trêu chọc: "Bạn trai đồ!". Tức khắc nó nhận ngay cái liếc xéo của tôi, cũng may cho nó là anh không ở đây, anh mà nghe được lời nó, chắc chắn điểm Sử của nó sẽ tuột dốc thảm hại. Tôi bỏ Toàn qua một bên, không quan tâm đến cậu nữa. Đọc lại tin nhắn, tôi lẩm bẩm nhắc lại "Hẹn gặp lại". Lời cuối cùng mà cô Thái nói với tôi lúc tôi quay lưng đi hình như là "Hẹn gặp lại", cô nói rất nhỏ, vừa như thì thầm một mình, vừa như cố ý muốn nói cho tôi nghe. Chắc là tôi nghe lầm rồi, làm sao cô có thể biết chắc được chúng tôi sẽ có ngày gặp lại mà nói câu đó chứ.
Chuyện tôi và Toàn đánh lẻ đi ăn riêng cuối cùng cũng bị tụi nó phát hiện. Thanh và Ngân giận dỗi, giở trò nũng nịu dễ thương bắt Toàn phải bao cả tụi nó. Cậu chàng có vẻ cũng hơi rung động, nhưng lại khá xót tiền nên cương quyết từ chối. Khỏi phải nói cũng biết Thanh và Ngân nổi giận đến mức nào, nhưng cũng không được lâu, Dương nhanh chóng đi mua một ly kem dâu mát lành cho Ngân và thầy Bình cũng ngay lập tức đặt trước mặt Thanh một ly kem đủ màu đẹp mắt. Có đồ ăn ai nấy cũng đều vui vẻ, tôi lại thấy khá tội cho những người phải chi tiền, nhưng rồi thôi cũng kệ dù gì cũng chẳng phải tôi.
Chỉ sáu người mà làm rôm rả cả phòng kem giữa ngày trưa nóng bức. Thanh nhìn vào đồng hồ đeo tay rồi kêu thót lên, tôi cũng liếc nhìn thử chiếc đồng hồ trên tay mình, 11 giờ 25 rồi, nhanh thật. Vậy là chúng tôi lục đục ra về. Chia tay tụi nó tại ngã ba, tôi không về trường mà đứng trước cổng nhà sách đợi anh, giờ này chắc anh đang chở thầy Huy về, vài phút nữa sẽ quay lại đón tôi.
Tôi ngồi tựa vào băng đá, nhìn dòng người hối hả ngược xuôi, rảnh rang ngẫm ngợi. Bình yên quá, bình yên đến lo sợ run người. Người yếu đuối nhất là người hạnh phúc nhất, bởi quá hạnh phúc nên mới sợ mất đi. Tôi đang ở giai đoạn hạnh phúc nhất của một đời người, học hành không kém, đạt được nhiều giải cao, yên bề gia thất sớm hơn thảy những người bạn cùng trang lứa, được bao bọc trong vòng tay yêu thương của gia đình, của người chồng tôi yêu hết mực. Chợt nghĩ có thể nào hạnh phúc này như cát, một ngày nào đó sẽ theo gió vụt tan.
Tôi lắc mạnh đầu, không cho mình suy nghĩ tiêu cực thêm phút nào nữa, thế giới của tôi nhất định sẽ không quay lưng với tôi. Anh đến đón, tôi mang vẻ buồn rười rượi lên xe. Thấy tôi không vui anh gặng hỏi lí do. Tôi không nói gì, ngã đầu vào lưng anh, có rất nhiều chuyện muốn nói với anh nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Suốt hơn một tháng qua, tôi liên tục thấy những hành động kì lạ của anh. Nhiều lần tôi thấy anh tránh đi nghe điện thoại, giọng rất giận dữ như muốn quát lên. Nhiều cuộc điện thoại vào đêm, anh chẳng buồn bắt máy, thẳng thừng bấm tắt. Tôi có hỏi anh, lần nào cũng chỉ nhận được câu "Không có gì". Rốt cuộc là chuyện gì đây chứ? Có thật là không có gì không đây? Tôi từng trải lòng với thầy Huy, thầy cũng như tôi chẳng biết gì. Lúc nghe tôi kể thầy lấy làm lạ lắm, thầy với anh tình sâu nghĩa nặng như cha con, từ trước đến giờ chuyện của anh thầy luôn là người đầu tiên được biết, lần này ngay cả thầy anh cũng giấu chắc chắn đã có gì xảy ra.
"Con đừng lo quá, thằng Giang nó biết rõ mình muốn làm gì mà. Nó giấu con chắc cũng có cái nguyên do của nó, đợi đến lúc nào đó thích hợp chẳng cần con hỏi nó tự khắc cũng sẽ nói."
"Giang à, có thể là chuyện gì đây?" Cuộc đời hiện tại liệu có thật sự bình yên phẳng lặng như tôi nghĩ, hay chỉ là đêm trước cơn bão, có thể nào cầu vồng lại đến trước những cơn mưa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top