Chương 96-100:

Chương 96: Sinh thêm một đứa con gái đi.

Trưa nay, hai vợ chồng Chu Hiểu Mai ăn ở nhà anh chị tư.

Lâm Thanh Hoà không keo kiệt, trổ tài làm thêm vài món.

Mọi người quây quần lại vừa ăn cơm vừa chuyện trò rôm rả, thức ăn ngon, lòng người càng ấm áp!

Ăn cơm xong, Tô Đại Lâm đạp xe chở Chu Hiểu Mai về. Trên đường đi, anh lắp bắp nói ra tâm tư trong lòng: "Anh anh...tư cùng chị...tư tư...đều là người người...tốt."

Chu Hiểu Mai vòng tay ôm eo chồng, áp gương mặt ngọt ngào vào lưng chồng, vui vẻ nói: "Điều đó là đương nhiên. À Đại Lâm, chị tư nói với em là chúng ta nên tiết kiệm từ bây giờ, sau này không chừng có thể mua được căn nhà lớn hơn."

Tô Đại Lâm gật gật đầu. Để tổ chức đám cưới này, anh đã tốn khá nhiều tiền nhưng vẫn còn khoảng một ngàn đồng tiền tiết kiệm, ở thời này đây là một con số không nhỏ.

Hai vợ chồng son chuyện trò ríu rít dọc đường đi.

Bên này, Lâm Thanh Hoà với Chu Thanh Bách cũng đang nói chuyện về cặp đôi mới cưới.

Lâm Thanh Hoà: "Tiếc một cái là dượng út có tật nói lắp, nhưng mà không sao, chỉ cần dượng ấy một lòng một dạ với Hiểu Mai là được, trên cơ bản không có vấn đề gì lớn."

"Ừ." Chu Thanh Bách gật đầu.

Đối với người em rể này, về cơ bản anh không có thành kiến gì, trước mắt thấy con người cũng được, ngay thẳng tốt bụng.

Lâm Thanh Hoà: "À, hôm tổ chức hôn lễ của Hiểu Mai, hai chị lớn bận việc nên không về được, chắc mồng hai Tết sẽ về chứ hả?"

Chu gia còn có hai người con gái lớn là Chu Hiểu Quyên và Chu Hiểu Cúc. Chu Hiểu Quyên là con gái đầu lòng của ông bà Chu, sau đó tới Chu Hiểu Cúc rồi mới tới anh cả Chu. Nếu tính theo thứ tự thì anh cả Chu đứng hàng thứ ba trong đám anh chị em, nhưng theo tục lệ ở đây nam nữ tính riêng nên dù sinh thứ mấy thì đứa con trai đầu tiên vẫn được kêu là anh cả của gia đình.

Chu Hiểu Quyên là bởi vì bị cảm mạo khá nặng nên không về được, kêu chồng đưa tới năm đồng tiền tặng Hiểu Mai coi như biểu hiện tâm ý của chị lớn.

Chu Hiểu Cúc thì bởi vì mẹ chồng ngã bệnh nên cũng không về được. Chồng chị ấy là con trai độc đinh nên bắt buộc con dâu phải ở nhà chăm sóc. Cũng giống như Chu Hiểu Quyên, Chu Hiểu Cúc cũng kêu chồng đưa về năm đồng tiền tặng em gái.

Chu Thanh Bách nghe ý tứ là hiểu vợ đang muốn gì, anh hỏi: "Em muốn đi huyện thành?"

Lâm Thanh Hoà: "Mùng hai ở nhà, để mùng ba đi cũng được."

Thật ra mục đích chính là vì ở lại chơi với Chu Hiểu Mai chứ hai chị lớn kia thì cô không thân thuộc lắm.

Sau đó, Lâm Thanh Hoà lấy mấy tấm ảnh chụp Tết năm ngoái ra xem.

Ba thằng nhóc đều vây xung quanh, thích thú ngắm chính mình trong mỗi bức hình.

Đại Oa đầy chờ mong nói với mẹ: "Mẹ, năm nay nhà mình có đi vào thành chụp ảnh nữa không ạ?"

Nhị Oa cũng năn nỉ: "Chụp nữa đi mẹ, nhé?"

"Chụp, con muốn chụp!" Tam Oa gật đầu rất mạnh.

Lâm Thanh Hoà: "Được rồi, xét thấy năm nay ba đứa khá ngoan ngoãn, mẹ lại thưởng cho một chuyến chụp ảnh làm kỉ niệm."

Ba thằng nhóc bật dậy hoan hô reo mừng ầm ĩ.

Suốt buổi tối, Lâm Thanh Hoà vẫn nằm xem ảnh chụp mãi không chán, tấm tắc tự thấy mình thật xinh đẹp, còn Chu Thanh Bách vẫn khuôn mặt nghìn năm không đổi, nghiêm túc y như đi duyệt binh ấy, cô phải doạ nạt lẫn năn nỉ mãi anh mới nhu hoà được một tí nhưng nhất định không chịu cười, thế mà lên ảnh nhìn rất chi là nam tính nha, đẹp trai quá, haha!

Lâm Thanh Hoà: "Chán nhở, chả có khung để lồng ảnh vào, hay là nhà mình làm mấy cái khung ảnh nhỉ?"

Chu Thanh Bách thấy vợ vui vẻ thì mặt mũi cũng tự động nhu hoà, anh nói: "Để anh ra chỗ thợ mộc đặt làm."

Lâm Thanh Hoà nghĩ nghĩ thế nào liền thay đổi chủ ý: "Hay là từ từ đã. Mỗi năm nhà mình đều chụp một lần, thế thì có nhiều ảnh lắm, có mà treo kín tưởng. Thôi, để em tính lại, có gì em báo anh sau."

Chu Thanh Bách tuỳ ý vợ sắp xếp, mấy cái này anh không có ý kiến.

Mùa đông, tuyết rơi trắng xoá, lạnh cóng chân cóng tay chẳng có việc gì làm. Vừa hay là thời gian để người nông dân thảnh thơi nghỉ ngơi, thư giãn gân cốt sau một năm lao động cực nhọc.

Chu Thanh Bách lên đại đội xin cấp hai con heo nhỏ về nhà nuôi, Lâm Thanh Hoà thì ngày ngày ở trong nhà chỉ bận nghĩ hôm nay làm món gì, ngày mai ăn cái gì.

Màn thầu bí đỏ, màn thầu bắp, màn thầu đậu đỏ, bánh trôi nhân đậu, cháo bát bảo....đây là những món ăn chính, ngoài ra còn có những món ăn kèm, món canh, món hầm.

Bọn nhỏ bữa nào cũng ăn sướng miệng, Chu Thanh Bách cũng vậy.

Kể cả buổi sáng anh đã chạy bộ tập thể dục thể thao thế nhưng buổi tối vẫn phải vận động trên giường một chút cho dễ ngủ.

Tối qua hơi có chút kịch liệt, khụ..., thiếu chút đánh thức Đại Oa, Lâm Thanh Hoà cảnh cáo Chu Thanh Bách: "Đêm nay anh ngoan ngoãn ngủ cho em, không cho phép xằng bậy nữa, nghe không?"

Mùa đông lạnh giá nên ba anh em sang phòng ngủ chính ngủ cùng cha mẹ.

Chu Thanh Bách đảo mắt, trong mắt mang theo ý cười, chọc ghẹo cô vợ nhỏ: "Tại ai không nhịn được kêu lên ấy chứ."

Lâm Thanh Hoà còn nói gì được nữa, nhưng trong bụng lầm bầm tại ai, anh sung mãn như thế, làm sao em nhịn được, hừ!

Sau bữa tối, Lâm Thanh Hoà phụ đạo bài vở cho Đại Oa.

Đại oa: "Mẹ, sang năm con muốn học lớp 3, lớp 2 dễ quá, ngồi học buồn ngủ."

Lâm Thanh Hoà đề cao tinh thần dân chủ, tôn trọng ý kiến con trẻ: "Được, để cha dẫn con đến trường gặp thầy giáo. Nếu con vượt qua khảo sát thì có thể lên thẳng lớp 3."

Mỗi buổi tối Lâm Thanh Hoà đều dạy kèm Đại Oa học tập, nó đã học xong một nửa chương trình học lớp 3, nên đối với nó kiến thức lớp 2 chỉ dành cho trẻ con. Thằng nhóc này rất thông minh, khả năng tiếp thu và ghi nhớ đều rất tốt, các bài kiểm tra hay bài thi ở lớp đều đạt một trăm điểm. Vì thế, nếu nó muốn nhảy lớp cũng không thành vấn đề, thời đại này hệ tiểu học là 5 năm chứ chưa phải 6 năm như ở tương lai.

Đại Oa liền quay sang nói với cha: "Cha, cha nghe thấy mẹ nói gì không, sang năm con nhảy lớp nhé."

Chu Thanh Bách vẫn theo nguyên tắc cũ, đối với vấn đề giáo dục các con anh rất hạn chế nhúng tay vào, chỉ khi nào bọn nhỏ làm gì sai trái thì anh mới ra mặt dạy dỗ sửa chữa.

Kỳ thực Việc Đại Oa nhảy lớp vừa hay đúng ý Lâm Thanh Hoà. Theo lịch sử, năm 77 chính phủ sẽ khôi phục thi đại học, hiện tại đã là năm 70 tức là còn 7 năm nữa thôi.

Sang năm Đại Oa lên bảy, so với mặt bằng chung thì tuổi này học lớp 3 là quá sớm nhưng năng lực học tập của nó theo kịp là một điều đáng mừng. Như vậy thì khả năng cao sẽ không bắt kịp lứa sinh viên đầu tiên, nhưng lứa thứ hai hoặc thứ ba thì hoàn toàn có thể.

Trẻ mười bốn, mười lăm tuổi vẫn được phép học đại học chỉ cần thi đậu là được.

Lâm Thanh Hoà đã suy nghĩ tới vấn đề học hành của Đại Oa từ rất lâu rồi. Cô tin tưởng vào trình độ và khả năng giảng dạy của mình, đồng thời tin tưởng đứa trẻ do chính mình rèn giũa, dù mới mười bốn, mười lăm tuổi nhưng chắc chắn nó sẽ độc lập mạnh mẽ, đủ khả năng chăm sóc cho bản thân.

Nhị Oa hỏi: "Mẹ, khi nào con được đi học?"

Sang năm Nhị Oa lên năm.

Lâm Thanh Hoà: "Đợi con lên sáu tuổi nhé. Năm nay con tự học ở nhà trước đi, sang năm rồi tới trường. Cố gắng học giỏi để nhảy lớp giống như anh cả này."

Nhị Oa nghe vậy mới gật gù, mẹ nói có lý.

Vừa đuổi được một thằng thì thằng khác lại nhào tới. Tam Oa ôm mẹ làm nũng. Lâm Thanh Hoà cười cười: "Tam Oa còn nhỏ nên được ưu tiên ở nhà chơi với mẹ nhiều hơn các anh, đợi mấy năm nữa cao bằng các anh mẹ sẽ đưa Tam Oa tới trường đọc sách nha."

Tam Oa: "Con muốn có cặp sách."

Nhóc con đã mơ ước cái cặp của anh cả từ lâu lắm rồi.

Lâm Thanh Hoà gật đầu: "Được chứ, đợi con đi học mẹ cũng sẽ làm cho con một cái cặp sách mới."

Lúc này nó mới hài lòng nhoẻn miệng cười.

Ba anh em đùa nghịch một hồi mới đi ngủ. Mấy thằng này được cái nết ngủ giống nhau, nói đi ngủ là nhắm mắt ngủ ngay.

Lâm Thanh Hoà vừa dém chăn cẩn thận cho các con vừa thì thầm: "Ba thằng nhóc thúi không có lương tâm."

Chu Thanh Bách kéo vợ vào trong lồng ngực, khàn khàn dụ dỗ: "Vợ à, mình sinh thêm một đứa con gái đi."

Lâm Thanh Hoà: "Anh đừng có mơ, số anh chỉ sinh được con trai thôi."

Chu Thanh Bách cười, xoay người đè cô vợ nhỏ xuống dưới.

Lâm Thanh Hoà khẩn trương: "Ấy ấy, anh đừng lộn xộn. Đêm nào cũng "ăn thịt" anh không sợ hư thận hả?!"

Chương 97: Đổi phiếu thịt,ăn thịt dê.

"Hỏng hay chưa, không phải em là người biết rõ nhất à?" Chu Thanh Bách nở nụ cười gian xảo, cúi đầu lấp kín đôi môi đỏ mọng.

Chỉ một lúc sau Lâm Thanh Hoà đã bị hôn tới đầu óc choáng váng. Gã tài xế già này càng ngày càng lão luyện, cô chỉ kịp nói một câu "anh nhẹ chút..." rồi sau đó không nói gì được nữa....

Tối nay có người được ăn no nê thoả mãn.

Sáng hôm sau, tận hơn tám giờ, Lâm Thanh Hoà mới có thể rời giường. Haizzz...cuộc sống này... thật sa đoạ... cô tự cảm khái cho bản thân mình năm phút.

Ăn qua loa bữa sáng rồi cô đạp xe tới chỗ chị Mai.

Hiện tại địa điểm gặp gỡ của hai người đã đổi thành nhà chị Mai thay vì lò mổ. Vì bên đó lạnh lắm, ra đó đứng chút xíu buốt hết cả đầu, chịu không nổi.

Chị Mai đã mất việc, chỉ dựa vào nguồn thu từ chỗ Lâm Thanh Hoà nên rất nhiệt tình tự mình tới lò mổ đem thịt về, dặn Lâm Thanh Hoà chỉ việc tới thẳng nhà chị là được. Cô mừng còn không kịp ấy chứ, chưa kịp nói hai lời vội vàng đáp ứng ngay.

Mỗi lần lấy năm, sáu cân thịt. Có khi chỉ lấy được hai, ba cân thôi, lời lãi chẳng đáng là bao nhưng đối với chị Mai mà nói bảy, tám đồng mỗi tháng cũng rất quan trọng.

Lâm Thanh Hoà hỏi chị Mai: "Người ta không nói khi nào chị quay lại làm à?"

Chị Mai lắc đầu: "Tạm thời không có, nói là chờ khi nào có vị trí trống thì người ta gọi."

Một người giao thịt, một người giao tiền. Lâm Thanh Hoà là thế, thích tiền trao cháo múc, sòng phẳng.

Chị Mai nhận tiền cười nói: "À, em còn ăn mật ong không? Chỗ này chị có hai bình. Hôm nọ được ngày tuyết ngưng, anh trai chị đi vào rừng kiếm được, mang về cho chị nhưng nhà chị không ăn. Thấy em thích chị để dành cho em này. Tiện thể hôm nay em mang về luôn đi."

Wow, quá đã! Lâm Thanh Hoà thích thú nói: "Dạ, chị để cho em đi, nhưng em phải trả tiền nha. Nếu chị không nhận tiền thì em không lấy đâu đấy, em qua cung tiêu xã mua."

Chị Mai đi vào trong cầm hai bình mật ong ra, nói: "Chị em mình cần gì khách sáo. Đây, cầm về đi."

"Không được. Chị đừng đẩy tới đẩy lui nữa." Lâm Thanh Hoà dắt xe đạp ra cửa, treo hai bình mật ong lên ghi đông xe, nhét tiền vào tay chị Mai, rồi nhấn bàn đạp một cái đạp đi mất.

Cô tính theo giá bán ra của cung tiêu xã, tuy rằng không rẻ nhưng so với hai bình mật ong thiên nhiên thì hoàn toàn đáng đồng tiền bát gạo.

Cách đây không lâu cô mới mua một bình nhưng uống sắp hết rồi, còn dư lại đâu đó non nửa bình thôi.

Mỗi buổi tối, hai vợ chồng âu yếm xong một hồi đều phải uống mỗi người một ly, khụ khụ, hôm nào không làm cũng uống, cho nên rất nhanh hết.

Lâm Thanh Hoà mang hai bình mật ong với thịt heo, đạp xe thẳng về nhà.

Hiện giờ đã là trung tuần tháng mười hai, chắc tầm 25 tháng mười hai đại đội sẽ phân thịt lần cuối.

Nhìn lại một năm vừa qua, cuộc sống gia đình khá sung túc, con cái không bị đói thịt. Nhớ lần chia thịt trước, nhà cô được phân xuống rất nhiều, làm hết món này tới món khác, ăn bao ngày mới hết.

Về tới nhà, Lâm Thanh Hoà cất mật ong vào ngăn tủ trên cùng. Người lớn chỉ cần duỗi tay là lấy được, còn bọn trẻ không đủ chiều cao với tới, về cơ bản chúng còn chẳng nhìn được bên trong ngăn tủ đựng cái gì.

Chu Thanh Bách thấy vợ về tới, liền nói: "Ngày mai anh đi ra ngoài một chuyến xem có ai bán thịt dê không mua một ít về đổi bữa."

Lâm Thanh Hoà mừng húm: "Được đấy được đấy, nếu có thì anh mua nhiều nhiều sườn dê nhé, em thích ăn cái đó nhất."

Chu Thanh Bách gật đầu.

Lại nói tới vấn đề buôn thịt của bà xã, anh không quản quá nhiều. Ban đầu, anh đúng thật có chút nghi hoặc vì mỗi lần cô ấy đi chỉ một tí đã quay về. Nhưng vợ đã giải thích là có nơi bán sang tay. Sau khi lấy thịt heo từ lò mổ thì trực tiếp mang qua đó giao hàng là xong, những mặt khác cô ấy không can dự.

Lời lý giải này tương đối hợp lý, với cả vợ chồng phải tin tưởng lẫn nhau, anh tin vợ mình.

Ngày hôm sau, Chu Thanh Bách mua được thịt dê.

Lâm Thanh Hoà làm món thịt dê hầm, thả vào nồi một nắm kỷ tử và táo đó. Chỉ ngửi mùi thơm thôi đã thấy bổ rồi.

Đương nhiên mấy món ngon và bổ phải mang sang hiếu kính ông bà Chu. Cô đưa sang Chu gia hai chén canh và vài miếng thịt dê.

Thịt dê vốn rất tanh nhưng dưới bàn tay khéo léo của cô thì một chút mùi tanh cũng không còn, nước canh thơm nồng, vị đậm đà, hai ông bà rất thích.

Nhà họ Chu đã phân gia.

Sau hôm Chu Hiểu Mai cùng chồng về lại mặt, ông bà Chu liền đứng ra chủ trì buổi phân gia. Mỗi nhà được phân một trăm đồng, ngoài ra còn có đồ gia dụng, lương thực, phòng ốc đều chia ra hết.

Chỉ có phòng bếp là dùng chung, các hộ lần lượt thay phiên nhau nấu nướng.

Hai vợ chồng ông bà Chu cũng tự mình nấu ăn lấy, không ăn chung với nhà đứa nào.

Về phần dưỡng lão, sau khi bàn bạc mấy anh em đi tới thống nhất là chu cấp theo quý. Tới phiên nhà nào thì nhà ấy đưa lương thực cho hai ông bà, yêu cầu tiên quyết là phải đưa ngay trong ngày đại đội phát lương, một lần đưa hết theo số lượng đã định.

Thấy ông bà Chu uống canh thịt dê, ăn thịt dê, thằng nhóc Chu Hạ thèm nhỏ dãi, chạy về nói với mẹ: "Mẹ, khi nào nhà mình mới được ăn thịt?"

Chị hai Chu: "Trời ơi, cái thằng này, gấp cái gì. Mấy ngày nữa. Đợi đại đội phân thịt rồi làm vằn thắn cho mà ăn."

Anh hai Chu cũng thèm thịt, chép chép miệng nói: "Hay là đi mua thịt về ăn trước đi?"

Đúng là bực cả mình với bố con nhà này, chị hai Chu quắc mắt hỏi: "Anh có phiếu thịt không mà nói?"

Người nhà quê không có phiếu thịt với phiếu gạo. Mấy loại phiếu này chỉ người thành phố mới có.

Anh hai Chu: "Chắc chú tư có."

Ai có mắt thì đều nhìn thấy nhà chú tư cứ hai, ba bữa lại có thịt ăn, chắc chắn phải mua bằng phiếu thịt.

Chị hai Chu "Xuỳ...." một tiếng rất khoa trương "Cho dù có thì Lâm Thanh Hoà kia sẽ đưa cho anh chắc?"

Anh hai Chu kinh ngạc nhìn vợ: "Em còn định lấy không của nhà chú tư?"

Anh không hề có ý định trắng trợn như thế, anh định đổi bằng tiền. Lấy tiền ra có khi người ta còn không vui lòng đổi cho ấy chứ, đằng này bà vợ quý hoá nhà anh còn định lấy không???

Chị hai Chu bực tức: "Sao anh ăn nói khó nghe thế, lấy không gì mà lấy không, chú tư xuất ngũ thể nào chẳng mang phiếu trở về. Đừng ai dám mở miệng nói với tôi là không có đấy. Có chết tôi cũng không tin đâu."

Anh hai Chu: "Cho dù đúng như thế thật thì chắc hẳn bây giờ nhà chú ấy cũng chẳng còn bao nhiêu. Vợ chú ấy hoang phí như thế cơ mà. Nếu muốn thì anh sẽ đi qua đó hỏi xem sao nhưng nhất định phải mang tiền theo đổi."

Đối diện với ánh mắt hấp háy chờ mong của thằng con trai, chị hai Chu suy nghĩ lại, đã phân gia rồi, nhà này do mình làm chủ, tiền trong tay mình, chẳng nhẽ không thể mua tí thịt ăn? Thích thì ăn ai dám cản, Chị hai Chu liền nói: "Vậy anh qua đó hỏi xem sao nhưng nhớ rõ tuyệt đối không được dùng nhiều tiền của tôi đâu đấy."

Anh hai Chu nhận lấy tiền từ tay vợ, rồi nói: "Phải hỏi đã mới biết được chứ."

Chu Thanh Bách sau khi nghe anh trai nói muốn đổi phiếu thịt, anh nhìn về phía vợ, mấy chuyện như thế này tất nhiên vợ anh làm chủ.

Lâm Thanh Hoà cười với anh hai Chu, nói: "Anh hai tới thật đúng lúc, nhà em đang uống canh thịt dê, anh uống một chút chứ?"

Cô với chị hai Chu có mâu thuẫn nhưng lại không có vấn đề gì với anh hai Chu cả, việc nào ra việc nấy, không nên trộn lẫn lại với nhau.

Anh hai Chu cười cười lắc đầu: "Không cần, không cần. Tại thằng nhóc Hạ Hạ thấy ông bà nội ăn nên về ăn vạ với mẹ nó. haha"

Lâm Thanh Hoà: "Hôm nay Thanh Bách mới mua được miếng thịt về đây. Nếu anh hai cần thì cầm về ăn trước đi. Phiếu thịt nhà em dùng sắp hết rồi, chẳng còn lại bao nhiêu. Với lại giờ cũng muộn rồi, đường xá xa xôi, anh cầm phiếu thịt chạy lên tới đó cũng chưa chắc mua được thịt ấy chứ."

Chương 98: Mãi không thấy mang thai.

"Thế này....ngại quá" anh hai Chu ngoài miệng nói ngại, nhưng hiển nhiên cực kỳ động tâm.

Bây giờ đi chắc chắn không mua được thịt, muốn ăn thì phải đợi tới tận sáng mai lận.

"Không có gì đâu." Lâm Thanh Hoà nhìn ra được ý tứ của anh hai nên lập tức đứng dậy đi vào phòng bếp lấy thịt. Hôm nay Chu Thanh Bách mang về ước chừng hai, ba cân thịt ba chỉ, nhiều mỡ, là loại ngon.

Lâm Thanh Hoà cầm lên ước lượng rồi cắt ra một miếng khoảng một cân. Cô đã buôn bán thịt ở chợ đen một thời gian, khả năng ước lượng rất chuẩn xác.

Đưa cho anh hai Chu một cân thịt ba chỉ, về phần giá cả tất nhiên chiếu theo giá chợ đen rồi.

Anh hai Chu cực kỳ vui vẻ xách thịt về nhà.

Trực tiếp lấy tiền mua thịt vừa nhanh gọn tính ra lại rẻ. Nếu dùng tiền đổi phiếu thịt, rồi cầm phiếu chạy ra chợ đen mua có khi còn phải trả thêm tiền ấy chứ. Với lại, chợ đen là địa phương nào, đâu phải ai cũng dám qua đó giao dịch.

Thấy chồng cầm thịt về, chị hai Chu ngây người ra một lúc.

Anh đưa tiền thừa cho vợ: "Mẹ Đại Oa cắt cho đấy."

Chị hai Chu nhìn tiền dư trong tay, nghiến răng nghiến lợi: "Sao lại dùng lắm tiền thế hả?"

Anh hai Chu không thể hiểu nổi lý lẽ mấy bà vợ: "Cái gì mà nhiều với chả ít, ngần ấy tiền chỉ mua nổi một cân thịt thôi. Đằng này dư ra rồi mà vẫn còn kêu ca."

Chị hai Chu càng lúc càng bất mãn: "Cô ta tính cho anh theo giá chợ đen?"

Anh hai Chu nhìn vợ một cái, chép miệng nói: "Thịt là Chu Thanh Bách mua, chắc cũng khó khăn mới mua được một ít. Tại nghe tôi nói Hạ Hạ thèm nên mẹ Đại Oa mới sẻ cho một miếng. Bây giờ mà tôi tự đi mua, đường xá xa xôi không nói, có mua được hay không cũng là cả một vấn đề. Chú tư mua trên chợ đen, nhà mình mua lại tất nhiên phải tính giá chợ đen rồi. Chứ không cô muốn thế nào, lấy không của người ta chắc?"

Chị hai Chu đứng lườm chồng cháy mắt.

Anh hai Chu chán không muốn đôi co, nói: "Được rồi, bớt nói lại. Mau đi gói sủi cảo đi. Chỗ thịt ba chỉ này là thịt ngon đấy. Nếu không phải anh trai ruột thì còn lâu chú tư mới chịu đổi."

Tiền cũng đã tiêu ra rồi, còn nói gì được nữa. Chị hai Chu đành bắt tay vào nấu nướng.

Cả nhà năm người quây quần ăn sủi cảo, ngon mĩ mãn cuộc đời, đến cả chị hai Chu cũng không chê bai bới móc được cái gì nữa.

Lần phân thịt trước, Chu gia vẫn chưa phân gia cho nên mỗi người gắp được có một gắp, chẳng bõ dính răng.

Hôm nay mạnh tay cắt hẳn nửa cân thịt gói sủi cảo, phải nói là ăn đã đời. Còn lại nửa cân, để dành ăn từ từ.

Nhà chị hai Chu ăn thịt, mà thịt lại được đổi từ nhà Lâm Thanh Hoà.

Tin này ngay lập tức truyền ra. Chị cả Chu trào phúng, Chị ba Chu chế nhạo, thầm thì với chồng: "Hôm nọ mới đánh nhau xong, hôm nay vẫn còn mặt mũi qua bên đó đổi thịt, mặt dày thật ấy."

Sự chú ý của anh ba Chu không nằm ở chỗ mặt ai dày, mặt ai mỏng mà nằm ở miếng thịt heo, anh cũng muốn ăn: "Hay nhà mình cũng qua đó đổi đi?"

Chị ba Chu tức giận: "Đổi cái gì mà đổi, sắp phân thịt đến nơi rồi, đợi mấy hôm nữa rồi ăn."

Anh ba Chu bật cười: "Em đang mang thai, cũng nên ăn chút thịt tẩm bổ."

Nhóc Chu Đông Đông mới được một tuổi, chị ba Chu lại có tin vui.

Từ sau khi sinh xong cô con gái đầu lòng Chu Ngũ Ni, vợ chồng anh chị ba chờ mỏi mắt bao năm mới sinh thêm được Chu Đông Đông, ai ngờ mới qua một năm cái bụng lại có động tĩnh.

Thật ra thì chị chưa đi tới trạm y tế khám, chỉ là kinh nguyệt trễ một tháng nên đoán vậy thôi, nhưng khả năng trúng thưởng phải tới tám, chín phần.

Khỏi cần tới trạm y tế kiểm tra chi cho cực, cứ đợi tháng sau là biết liền ngay thôi.

Lâm Thanh Hoà vẫn chưa biết chuyện này, mãi tới hôm 25 đi đại đội phân thịt gặp nhau nghe chị ba nói cô mới biết.

Hai chữ "khiếp sợ" không đủ diễn tả biểu tình của Lâm Thanh Hoà ngay lúc này: "Trời đất, nhanh dữ vậy? Chị mới sinh mà?"

Lâm Thanh Hoà vẫn luôn cảm thấy nhóc Chu Đông Đông mới vừa sinh chưa bao lâu.

Chị ba Chu cười cười: "Này tính là gì, thím cũng nhanh lên đi."

Lâm Thanh Hoà lúng túng: "Khụ, đừng giục em, em có ba thằng nhóc rồi còn gì, không định sinh thêm nữa đâu."

Chị ba Chu cười cười im lặng, vì ở nông thôn, phụ nữ đẻ được ba đứa con trai là đủ tự tin ngẩng mặt nhìn đời, không cần vất vả sinh thêm nữa.

Lần phân thịt này nhà Lâm Thanh Hoà vẫn được chia số lượng không nhỏ, nhưng không phải heo nhà mình nuôi nên không được lấy mấy thứ như nội tạng.

Cha mẹ con cái kéo nhau về tới nhà, Chu Thanh Bách mới quay qua hỏi Thanh Hoà: "Chị ba lại có thai?"

Vừa nãy anh nghe loáng thoáng đám phụ nữ nói chuyện, chỉ nghe được đoạn đầu không kịp nghe đoạn cuối Lâm Thanh Hoà nói không sinh nữa.

Lâm Thanh Hoà gật đầu: "Ừ, lúc nghe tin em cũng hết cả hồn, năm ngoái mới sinh Đông Đông, năm nay lại có nữa, nhanh dã man."

Đâu phải một mình chị ba Chu nhà này, giờ ra đường bắt gặp đầy thai phụ. Mùa đông rảnh rỗi, hết ăn lại ngủ, chẳng có việc gì làm thì lại tạo người thôi. Cứ dăm, ba ngày lại có nhà báo tin vui, ví như thím Trần sát vách, năm ngoái mới kiếm Lâm Thanh Hoà mua hai cân đường đỏ cho con dâu ở cữ, ấy thế mà năm nay cô con dâu lại tiếp tục mang bầu....

Chu Thanh Bách nhìn vợ buồn cười: "Chuyện tốt như thế có gì đâu mà hết hồn?"

Lâm Thanh Hoà thoáng qua là biết tỏng ý tứ của ông tướng này rồi, cô ho khan di dời chủ đề: "Chỗ thịt heo này làm món gì được nhỉ?"

"Cứ làm theo ý em là được."

Màn đêm buông xuống, đèn thổi tắt ngóm, con cái ngủ hết, rốt cuộc Lâm Thanh Hoà cũng không thể trốn tránh vấn đề sinh con đẻ cái.

Sau khi hai vợ chồng thân mật một phen, Chu Thanh Bách ôm vợ âu yếm nói: "Sinh thêm mấy đứa nữa đi, nhà ta nuôi nổi."

Lâm Thanh Hoà bĩu môi, trong bụng nói ai thèm sinh, nhưng kể cũng kỳ, bao lâu nay hai vợ chồng quan hệ đều không dùng áo mưa, sao bụng cô chẳng có động tĩnh gì nhỉ?!

Năng lực anh như nào, khụ....cô là người hiểu rõ nhất. Làm vợ một người đàn ông cường tráng như này, đáng lẽ phải dễ dàng hoài thai lắm chứ nhỉ.

Lạ thật?!....Hay là cô quên mất chuyện gì nhỉ??

Nhưng mà nếu có thai thì cô phải đẻ à? Eo ôi, sợ lắm, đau lắm, thôi không sinh đâu ...

Lâm Thanh Hoà nhủ thầm lần sau đi huyện thành nhất định phải tạt qua bệnh viện mua ba con sói mới được.

"Hử?" Chu Thanh Bách đợi nửa ngày cũng không thấy cô vợ nhỏ lên tiếng.

Lâm Thanh Hoà đỏ mặt, đáp qua loa: "Con cái là trời cho, chắc là duyên phận chưa tới."

Ờ, bà xã nói đúng, thôi đợi ông trời ban cho vậy, còn bây giờ anh phải kéo bà xã đánh tiếp hiệp nữa cho dễ ngủ.

Tận lúc Thanh Hoà mệt mỏi rã rời, thân, eo đau nhức anh mới buông tha.

Trước khi chìm vào giấc ngủ Lâm Thanh Hoà vẫn cố nhắc nhở bản thân mình ngày mai nhất định phải đi mua ba con sói, tuyệt đối không thể mang bầu.

Thật không may, sáng hôm sau mở mắt ra ập vào là một khoảng mênh mông trắng xoá toàn tuyết là tuyết. Rồi xong, định mệnh!

Hôm nay đã là ngày 29 tháng chạp, chả còn việc gì làm, tuyết rơi dày cũng chẳng đi đâu được, Lâm Thanh Hoà làm biếng xuống giường, cuộn tròn trong ổ chăn đọc sách giết thời gian.

Đang rung đùi ấm áp thì có tiếng người gọi cửa.

Hoá ra là cậu ba Lâm tới, trên tay còn xách theo một con thỏ hoang.

Bình thường bắt thỏ đã vô cùng khó, huống chi cái thời tiết khắc nghiệt này. Vất vả vồ được một con lại còn mang sang đây.

Lâm Thanh Hoà trừng mắt hỏi: "Tuyết rơi lớn như này mà còn chạy ra ngoài bắt thỏ?"

Chương 99:

"Không sao mà." Cậu ba Lâm gãi gãi đầu cười, rồi đưa con thỏ cho Lâm Thanh Hoà: "Chị, cho chị này, em đi về trước đây."

Lâm Thanh Hoà nhét lại vào tay cậu em, nói: "Đưa cho chị làm gì, cậu cầm về nhà mình ăn đi."

Cậu ba Lâm: "Đây là em bắt riêng cho chị. Lúc vợ em ở cữ cũng may có thịt chị cho. Cái này là nhà em cảm ơn chị."

"Ơn huệ gì, mau vào trong nhà ngồi."

Chu Thanh Bách dắt ba đứa qua Chu gia chơi, trong nhà chỉ có mình cô cùng Phi Ưng.

Phi Ưng giương mắt quan sát cậu ba Lâm, vì đích thân Lâm Thanh Hoà dắt vào nên nó buông bỏ địch ý.

Lâm Thanh Hoà rót một chén lớn trà táo đỏ đưa cho em trai: "Uống đi cho ấm người, nhanh lên."

Mùa đông, trong nhà luôn có sẵn trà táo đỏ vừa bổ dưỡng vừa ấm thân thể.

"Trời lạnh thế này mà sao cậu ra ngoài ăn mặc phong phanh thế?"

Lâm Thanh Hoà đi vào phòng ngủ lúi húi lật tìm cái áo len cũ của Chu Thanh Bách. Cái này là anh tự mua, mặc đã cũ sờn. Năm ngoái Lâm Thanh Hoà đan cho anh một cái áo mới cho nên anh bỏ cái cũ chỉ mặc áo do chính tay vợ đan.

Cô mang ra đưa cho cậu ba Lâm nói: "Đây là áo của anh rể cậu, hơi cũ tí nhưng vẫn mặc được. Cậu mau mặc thêm vào cho ấm."

Cậu ba Lâm vội vàng đẩy ra: "Chị, không được, đây là quần áo của anh rể."

Hôm nay cậu lại đây chỉ đơn thuần là muốn tặng con thỏ cảm ơn chứ không phải trao đổi.

Lâm Thanh Hoà: "Chị cho thì cậu cứ mặc vào đi. Nếu nó còn mới thì chị cũng luyến tiếc lắm chẳng cho cậu đâu."

Cậu ba Lâm vẫn lắc đầu quầy quậy: "Em không nhận đâu, chị đừng làm thế. Anh rể về phát hiện ra thể nào cũng cãi nhau với chị cho xem."

Đúng lúc Chu Thanh Bách dắt mấy anh em Đại Oa vào đến cửa. Anh nói: "Nhà này chị cậu làm chủ, anh cũng phải nghe theo lời cô ấy."

Nhìn thấy Chu Thanh Bách về, cậu ba Lâm vội vàng chào lớn: "Anh rể."

Chu Thanh Bách gật đầu.

Đại Oa, Nhị Oa, Tam Oa nhốn nháo chào "cậu ba, cậu ba..."

Cậu ba Lâm tươi cười vui vẻ.

Lâm Thanh Hoà quay qua hỏi chồng: "Từ năm ngoái tới giờ em không thấy anh mặc cái áo này nữa. Cất trong tủ cũng vậy, cho em trai em nhé?"

Chu Thanh Bách hỏi lại: "Liệu có cũ quá không?"

Lâm Thanh Hoà nhìn về phía cậu ba Lâm: "Cái này phải hỏi xem cậu ba có chê hay không?"

Cậu ba Lâm lắc đầu: "Áo len tốt như này em ngại gì cũ mới đâu."

"Thế còn chần chờ gì nữa, mau mặc vào đi."

Nói rồi cô quay qua Đại Oa: "Đại Oa, dắt cậu ba vào phòng con thay quần áo đi."

Đại Oa: "Cậu, cậu đi theo cháu."

Nãy giờ Chu Thanh Bách cũng để ý thấy quần áo trên người cậu ba quả thực đơn bạc, liền nói: "Nghe theo lời chị cậu đi."

Nghe anh rể đồng ý, cậu ba Lâm mới đi theo Đại Oa vào phòng. Trời ơi, vừa mặc vào một cái cả người ấm sực lên luôn.

Lâm Thanh Hoà hỏi em trai: "Tối nay ở lại đây ăn cơm nhé?"

Cậu ba Lâm vội vàng lắc đầu như trống bỏi: "Không không không, em về nhà ăn."

"Ờ, thế cậu về nhà ăn đi. Này, cầm mấy cái bánh bao này về, hâm nóng lên ăn." Lâm Thanh Hoà nhét ba cái bánh bao bột mì tinh vào trong lòng cậu em trai.

Hôm nọ vợ chồng con cái nhà cô mới dành cả một buổi ngồi làm sẵn bánh bao với màn thầu. Tới bữa chỉ cần hâm nóng, nấu tô canh là xong ngay.

"Chị, không cần...."

"Bảo cậu cầm thì cứ cầm lấy đi."

"À chị này, Tết năm nay chị có về nhà không?"

Lâm Thanh Hoà xua tay: "Không về, chị đã nói rồi còn gì, nhất đao lưỡng đoạn!"

Cậu ba Lâm rất bất đắc dĩ nhưng không biết phải khuyên gì thêm nữa, đành nói: "Thế năm nay em với vợ em lại đây chúc tết anh chị nhé?"

Lâm Thanh Hoà: "Cậu rảnh mùng một hay mùng hai?"

"Mùng một đi, mùng một chúng em qua."

"Được."

Lâm gia.

Cậu ba Lâm ôm ba cái bánh bao về.

Thấy chồng về, em dâu ba vội hỏi: "Hôm nay lạnh nhỉ, anh ra ngoài có làm được cái gì không?"

Cậu ba Lâm cười nói: "Anh bắt được một con thỏ."

"Thỏ đâu?"

"Anh đưa qua chỗ chị Thanh Hoà rồi."

Em dâu ba sửng sốt một chút nhưng không nói gì.

Đời này, việc cô luôn nhắc nhở bản thân phải khắc cốt ghi tâm chính là khoảng thời gian ở cữ. Nếu không có người chị chồng này thì một quả trứng gà cô cũng không có mà ăn.

Gia đình nhà chồng quá khắc nghiệt, từ ngày đầu về làm dâu đã khổ, sinh liên tiếp hai đứa con gái lại càng khổ hơn. Chịu hết nổi, cô sống chết đòi phân gia.

Vợ chồng anh cả, anh hai chưa muốn phân gia vì quá ít đồ đạc chia ra chẳng được bao nhiêu, nhưng cô rất quyết tâm, nhà ai không phân thì kệ chứ nhà cô phải phân.

Từ ngày làm đương gia, tự quản lý gia đình nhỏ của mình, cô muốn ăn gì thì ăn cái đó, đừng hòng ai được phép chõ miệng vào nói nọ nó kia.

"Em xem anh mang về cái gì này."

Cậu ba Lâm cười toe toét móc từ trong lồng ngực ra một bọc giấy dầu, bên trong đựng ba cái bánh bao bột mì tinh to đùng.

Em dâu ba hai mắt sáng rực lên, hỏi: "Ở đâu ra đấy?"

Cậu ba Lâm cười nói: "Chị Thanh Hoà cho."

Đáp án không nằm ngoài dự đoán.

Em dâu ba thở dài: "Em không ngờ chị ấy từ bỏ cả nhà mẹ đẻ mà vẫn nhận người em trai là anh."

Cô biết, lần trước chị Thanh Hoà gửi trứng gà, xương sườn heo qua đây đều là vì nể mặt chồng cô.

Trước đây cô chưa từng lên tiêng nói giúp chị ấy một câu, chắc chị ấy cũng xếp cô cùng một giuộc với đám người nhà họ Lâm.

"Chị Thanh Hoà luôn đối xử tốt với anh." Nói rồi, anh vén áo lên khoe: "Em nhìn xem, anh rể cho anh áo len này."

"Anh rể cho?" Em dâu ba đi từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác, tay sờ sờ mặt len, mịn màng, dày dặn, chắc ấm lắm đây!

Kỳ thực nói Chu Thanh Bách ghét bỏ cái áo này thì hơi oan, nó đã có một chỗ rách nào đâu, chỉ tại vợ anh đan cho anh một cái mới, anh nịnh vợ nên mới vất xó cái áo cũ thôi.

"Ừ, lúc chị đưa cho anh vừa hay anh rể về tới, anh ấy bảo anh mặc vào."

Cậu ba Lâm nói xong rồi nói sang chuyện mùng một đầu năm nhà mình qua nhà chị Thanh Hoà chúc Tết.

Em dâu ba: "Năm nay chị ấy cũng không định trở về?"

"Chắc vẫn chưa nguôi giận."

Em dâu ba nghĩ trong lòng, giận gì mà một năm trời vẫn con giận, kiểu nay chắc là muốn cắt đứt với nhà mẹ đẻ thật rồi.

Nhưng cô cũng không quan tâm nhiều tới vấn đề này, cô nói: "Vậy dắt Ngọc Nhi với Hương Nhi qua chúc tết cô và dượng luôn."

Cô nhìn ra một điều, ở cái nhà họ Lâm này chỉ có duy nhất một người chị chồng quan tâm tới gia đình nhỏ của cô mà thôi. Kể cả chị ấy không ưa cô, chỉ coi trọng một mình chồng cô đi chăng nữa thì mối quan hệ này nhất định cô phải giữ cho chắc.

Cậu ba Lâm tất nhiên vui vẻ đồng ý.

Bữa tối, gia đình nhỏ cùng nhau ăn bánh bao.

Đứa con gái lớn một mình ăn hết một cái.

Đứa con gái bé còn nhỏ chỉ ăn nửa cái là no.

Còn lại bao nhiêu hai vợ chồng cậu ba xử lý nốt, tất nhiên là không đủ no. Nhưng có cái bỏ vào bụng là may rồi, trời đông lạnh giá, mọi người đều hô vang khẩu hiệu thắt lưng buộc bụng, đặc biệt là hoàn cảnh vừa mới phân gia mà chỉ được chia có chút ít lương thực như nhà anh.

Chương 100: ngày cuối cùng của năm 70.

Nhà Lâm Thanh Hoà.

Cô vừa đứng bếp làm món thịt thỏ kho tàu vừa nói chuyện với Chu Thanh Bách: "Anh này, anh nói xem cậu ba dạo này bị làm sao nhỉ, em thấy hình như còn gầy hơn cả lúc trước thì phải?"

Tất nhiên là anh không biết rồi nên hỏi cô: "Hay là em về đó một chuyến?"

"Không về." Đối với cô, Lâm gia chẳng có một tí tẹo ấn tượng tốt đẹp nào, năm trước cũng may tìm được cái cớ cô mới cắt đứt gọn ghẽ với bên đó, giờ ngu gì vác xác sang đấy.

Chu Thanh Bách rất bất đắc dĩ, không biết nói sao cho phải.

Nồi thịt thỏ trên bếp đã chín, hương thơm lan toả khắp nơi nhanh chóng kéo suy nghĩ của Lâm Thanh Hoà về. Thôi mặc kệ bên đó vậy, cô nhanh tay nhấc nồi xuống, xúc một chén bảo Chu Thanh Bách bê qua cho ông bà Chu.

Cô cẩn thận dặn dò: "Anh mang qua đưa cho cha mẹ ăn đi, nhớ phải nói rõ ràng thịt thỏ này là cậu ba nhà em cho, nó lăn lộn ở ngoài trời cả buổi mới bắt được đấy."

Làm gì cũng phải nói rõ ràng, đỡ cho lòng người nghi ngờ cô chỉ biết lén lút trợ cấp nhà mẹ đẻ. Cô không phải nguyên chủ, đâu có ngu mà đi trợ cấp cho một đám bạch nhãn lang, cả Lâm gia cô chỉ nhận duy nhất một người em trai này thôi.

Hôm nay cậu ba cho nhà cô một con thỏ, cô chỉ đưa lại có ba cái bánh bao. Không phải cô keo kiệt mà mỗi hành động của cô đều được suy xét thấu đáo.

Cậu ba đã kết hôn, không chỉ đơn thuần là em trai của cô mà còn là chồng là cha người khác. Cô không muốn cho quá nhiều tránh cho vợ cậu ấy hình thành thói quen xấu.

Cho dù là ba cái bánh bao ít ỏi ngày hôm nay hay thịt, trứng lúc ở cữ, dù ít dù nhiều thì cái cô ấy nhận được chính là nhân tình.

Một mối quan hệ phải xây dựng từ cả hai phía thì mới bền vững, bánh ít trao đi bánh quy trao lại, đừng chỉ biết nhận và coi đó là chuyện hiển nhiên, trên đời này không có gì là hiển nhiên cả.

Tuy nhiên Lâm Thanh Hoà không biết, ở thời này ba cái bánh bao có giá trị ngang với cả một con thỏ béo.

Trong thành, một cái bánh bao bột mì tinh cỡ lớn có giá mấy hào, nhưng điều kiện tiên quyết là phải có phiếu gạo mới được.

Muốn ăn bánh bao phải có tiền và phiếu gạo, người nhà quê nghĩ cũng không cần nghĩ tới, nằm ngoài khả năng của họ.

Hơn nữa nhân bánh còn có thịt ba chỉ, trứng gà, nêm nếm gia vị đậm đà, ngon hơn bánh bao trong tiệm quốc danh ấy chứ.

Trong mắt hai vợ chồng cậu ba Lâm, chị Thanh Hoà cho ba cái bánh bao này không hề keo kiệt, phải là hào phóng mới đúng.

Chu Thanh Bách bê thịt thỏ kho tàu qua cho bố mẹ, có chút dở khóc dở cười nhưng vẫn lặp lại từng câu từng chữ theo lời vợ dặn.

Bà Chu lý nào không hiểu ý tứ cô con dâu.

Đợi con trai đi về, bà mới lên tiếng: "Ai da, lần trước tôi có nói mẹ Đại Oa cái gì đâu."

Ông Chu: "Ừ, đừng để ý nhiều là được."

Bà Chu nhanh chân xuống bếp hâm nóng bánh bột ngô, đem lên ăn kèm với thịt thỏ kho tàu. Vợ thằng tư nêm nếm gia vị rất mạnh tay nên món kho tàu vô cùng đậm đà, ông bà ăn hết sạch sành sanh mà vẫn thòm thèm.

Ông Chu chép chép miệng, nói: "Tôi thấy thằng tư được vợ chăm sóc tốt đấy, cả năm nông vụ bận rộn mà nó chẳng gầy đi tí nào."

Ông rất thưởng thức tay nghề của cô con dâu này, mỗi lần nhà nó đưa thức ăn qua đây đều là đồ bổ dưỡng lại thơm ngon. Ông mỉm cười, mừng thầm cho mấy cha con thằng tư.

Bà Chu thở dài: "Thì tôi có nói nó không chăm sóc Thanh Bách và bọn nhỏ đâu, chỉ là tôi tiếc tiền haizz..."

Phóng mắt ra cả cái thôn này, người phụ nữ có bản lĩnh tiêu tiền nhanh như chớp chỉ có mình cô con dâu tư nhà bà. Nhưng ông chồng già nói cũng có lý, xét về độ chăm con chiều chồng thì nó đứng thứ hai không ai dám nhận thứ nhất.

Xem ra từ ngày thằng tư xuất ngũ tới nay, sức khoẻ và tinh thần ngày một phấn chấn, ba anh em Đại oa cũng thế, thằng nào thằng nấy hoạt bát, lanh lợi, hiếu động hơn cả trước đây nữa.

Ông Chu nói: "Thôi được rồi, bà đừng cả nghĩ nữa. Tôi vẫn còn sức lao động, tiết kiệm lên cho chúng nó là được chứ gì?"

Bà Chu nghe xuôi tai, gật đầu. Thôi được rồi, tuỳ vợ chồng nhà nó, về sau Đại Oa, Nhị Oa, Tam Oa kết hôn đã có tiền tiết kiệm của hai ông bà đây rồi.

Miễn sao ba thằng cháu nội yêu dấu của bà không phải đánh quang côn* là được.

*đàn ông lớn tuổi không lấy được vợ.

Bên này, Lâm Thanh Hoà không nghĩ vì một tô thịt thỏ kho tàu mà hai ông bà già lại trăn trở nhiều chuyện đến vậy.

Cô cùng chồng và ba đứa con đang ăn cơm chiều.

Một tô canh tôm khô, màn thầu bắp, thịt thỏ kho tàu, nóng hôi hổi, vừa thổi vừa ăn, cực kỳ hợp với thời tiết giá lạnh ngày đông.

Trên bàn cơm, Đại Oa vừa gặm đầu thỏ vừa hỏi: "Cha, hôm nào cha con mình cũng đi bắt thỏ đi?"

Lâm Thanh Hoà trừng mắt: "Lạnh thế này đi cái gì mà đi?"

Nhị Oa: "Năm nay lúc thu hoạch vụ thu ở ngoài ruộng có quá trời thỏ béo ơi là béo, nhưng mà nó chạy nhanh quá cha cũng không tóm được, haha."

Mỗi mùa gặt, đám thỏ mò xuống ruộng ăn thóc rơi thóc vãi, nhưng nào có dễ tóm được chúng, các cụ đã dạy rồi "chạy nhanh như thỏ" mà lại. Hơn nữa loài động vật này cực kỳ tinh ranh, người ta có câu thỏ khôn đào ba hang. Hôm nào phải hên dữ lắm thì hoạ may mới tóm trúng một con, chứ thường thường thì chỉ nhìn nó xẹt ngang qua trước mắt thôi, gặt lúa đã mệt muốn chết rồi hơi sức đâu mà đuổi theo mấy con thỏ.

Lâm Thanh Hoà nói với Nhị Oa: "Cha các con gặt tới mức đau lưng chùn gối, thở còn không ra hơi nữa là đòi đuổi bắt thỏ. Sao các con không đi bắt về cho cha ăn?"

Nhị Oa nhanh nhảu: "Con còn bé mà, đợi con lớn lên nhất định sẽ chạy nhanh hơn thỏ, bắt hết chúng về!"

Lâm Thanh Hoà: "Ừhm, thế con ăn nhiều một chút cho mau lớn nhé!"

Chu Thanh Bách ngồi đó, nghiêm túc hưởng thụ tay nghề nấu ăn tuyệt đỉnh của bà xã nhà mình, yên lặng thu hết cuộc hội thoại vào tai.

Sáng hôm sau anh liền đi ra ngoài nhưng khi về hai tay trống trơn. Thực lực thôi chưa đủ phải có vận khí nữa mới được.

Liếc mắt thấy ông chồng về một cái là bà vợ bắt đầu bật chế độ nói một hơi không ngừng nghỉ, không vấp váp, tròn vành rõ chữ: "30 Tết rồi, ngày cuối cùng trong năm anh không ở nhà còn đi đâu đấy? Anh nhàn quá hoá khùng nên phải đi lên núi hít khí lạnh cho dễ chịu? Nhà mình thiếu miếng thịt hay sao mà anh phải đày đoạ bản thân như thế, hả?"

Miệng thì mắng nhưng tay chân lại lanh lẹ rót trà táo đỏ ra, ép anh uống bằng hết mới thôi.

Hôm nay là tất niên mặc dù Chu gia đã phân gia, nhưng theo lệ cũ, tất cả con cái cháu chắt quây quần lại ăn chung mâm cơm đoàn viên.

Lâm Thanh Hoà mang tới hai khay đồ ăn, miến hầm thịt và thịt viên. Đây là hai món mặn được chào đón nhất trên bàn ăn.

Đặc biệt là khay thịt viên, bọn nhỏ thích chí muốn chết, mỗi đứa cầm một cái đũa, bên trên cắm một viên thịt, cắn ăn ngon lành.

Cơm nước xong xuôi, đám phụ nữ tụ lại buôn chuyện phiếm, chén dĩa bát đũa giao hết cho Đại Ni, Nhị Ni rửa dọn.

Chị hai Chu không tham gia, ăn xong phủi đít đi luôn.

Lâm Thanh Hoà chẳng thèm để ý người này, sau vụ việc lần trước hai người coi như đã xé mặt. Hiển nhiên chị hai Chu không dám nói xiên nói xỏ như mọi khi nữa nhưng cũng không để Lâm Thanh Hoà vào mắt, tương tự Lâm Thanh Hoà cũng coi chị ta như người vô hình.

Lâm Thanh Hoà hỏi chị ba Chu: "Lúc nãy trong bữa cơm em thấy chị ăn uống không được ngon miệng lắm, làm sao thế?"

Chị ba Chu bất đắc dĩ nói: "Đứa bé này khó chiều quá, mới ở trong bụng đã biết làm khổ mẹ rồi."

Lâm Thanh Hoà kinh ngạc: "Nôn nghén?"

Chị cả Chu gật đầu: "Ừ, sáng sớm chị đã nghe tiếng thím ba nôn rồi."

Lâm Thanh Hoà bất đầu càng lúc càng rối rắm đối với việc sinh nở. Mẹ bầu vất vả quá, thế mà ông chồng yêu quý của cô cứ nằng nặc đòi sinh thêm, đúng là cái đồ đàn ông không có lương tâm.

Phải nâng cao phòng bị không cho lão tài xế già tiếp cận mình mới được, để tranh thủ đi mua ba con sói chứ không lỡ may trúng thưởng thì không biết làm sao, thật không dám tưởng tượng luôn!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top