Chương 111-115:

Chương 111: Thật biết cách ăn.

Mỗi ngày, anh hai với anh ba Chu đều đi đặt ống lươn, để đó qua một đêm, ngày hôm sau tan tầm sẽ đi thu hoạch. Hôm nay coi bộ cũng được kha khá, hai anh em phấn khởi xách lưng sọt lươn về nhà, giữa đường gặp Chu Thanh Bách.

"Chú tư, chú cắt lá chuối về làm gì vậy?"

Chu Thanh Bách: "Thanh Hoà nói làm bánh xốp."

Má ơi, sang vãi, ăn hẳn bánh xốp! Anh hai Chu hâm mộ muốn chết: "Trờiiiii, chú tư sướng quá nha."

Chu Thanh Bách không nhịn được, bất giác cong cong khoé miệng: "Có gì khó đâu, anh hai muốn ăn thì kêu chị dâu làm là được mà."

Anh hai Chu: "Chị dâu chú keo kiệt lắm, đời nào cô ấy chịu làm mấy thứ như này."

Anh ba Chu nghĩ sao nói vậy: "Nhưng mà biết tiết kiệm thì vẫn tốt hơn."

Chu Thanh Bách thoải mái nói: "Có mấy cái bánh xốp thôi ấy mà."

Nhà anh không nghèo đến độ không ăn nổi bánh xốp, hơn nữa chính tay bà xã làm chắc chắn hương vị sẽ rất ngon, anh cũng rất chờ mong.

Ba anh em nói đôi câu rồi tách ra làm hai hướng.

Về tới Chu gia, anh hai và anh ba chia đều số lươn.

Anh ba Chu nói với vợ: "Mẹ Đại Oa ăn sang thật đấy, vừa nãy bọn anh gặp chú tư đi cắt lá chuối, nói là bên đó muốn làm bánh xốp."

Chị ba Chu cảm thấy chuyện này bình thường: "Có gì đâu, bánh xốp thôi mà, nếu anh muốn em làm mấy cái cho cha con anh ăn."

Anh ba Chu lắc đầu cười cười, thôi bỏ đi, bà xã đang mang thai, chỉ còn mấy tháng nữa là vỡ chum rồi, phụ nữ ở cữ phải tẩm bổ, đến lúc đó cũng tốn kha khá tiền mua đồ ăn, phải tích cóp từ giờ mới đủ.

Anh hai Chu thì chẳng kể lại cái gì với vợ vì anh biết có nói ra cũng vô dụng.

Chạng vạng tối, Lâm Thanh Hoà làm xong một cái bánh xốp rất to.

Táo đỏ bỏ hạt, cắt đôi, rải trên mặt bánh.

Bánh có màu nâu bởi vì bên trong có bỏ đường đỏ.

Bánh rất xốp, mềm, bỏ vào miệng là tan ngay đồng thời vị ngọt bao trùm toàn bộ vị giác.

Lâm Thanh Hoà cắt một phần tư cái bánh, bảo Đại Oa bưng sang biếu ông bà nội.

Thơm quá lại còn đẹp mắt nữa.

Bà Chu xua xua tay đuổi hết đám cháu trai cháu gái ra ngoài: "Đi về đi, muốn ăn thì về bảo mẹ làm cho mà ăn. Đừng có đòi ông bà, ông bà không có nhiều đâu."

Đây là bánh vợ thằng tư hiếu kính ông bà, không chỉ đơn giản là miếng bánh mà còn là tấm lòng của nó. Bảo chia ra ấy hả..., ai da, cái này rất tế nhị, thôi đi, tốt hơn hết là để lại ăn, không cho đứa nào hết.

Đố đứa nào dám đàm tiếu gì sau lưng. Bánh xốp thì đã sao, có gì quá đáng, con dâu ông bà làm cho ông bà ăn, ai dám nói gì?

Chu Hạ lại lao về phòng nháo nhào đòi ăn.

Chị hai Chu điên hết cả người: "Cái nhà kia rốt cuộc có để cho ai sống yên không hả? Suốt ngày bày vẽ làm này làm nọ, toàn kiếm việc cho người khác không à!"

Anh hai Chu khó chịu: "Con trai mình đòi ăn bánh xốp, cô lại vòng sang nói vợ chú tư là cái kiểu gì?"

Chị hai Chu bực tức: "Nếu không phải tại cô ta thì con trai tôi biết đòi ăn à? Đưa bánh xốp thì cứ đưa đi, mắc cái gì mà thằng nhãi ranh Đại Oa phải hét ầm ĩ hết cả lên, sợ người khác không biết chắc?"

Ô hay, Đại Oa mang đồ ăn lại đây là để hiếu kính ông bà nội, chuyện tốt thì cứ đường đường chính chính mà làm, không lẽ phải lén la lén lút? Với lại, ngoại trừ vợ chú tư ra thì những nhà khác có ai biếu cha mẹ cái gì đâu, có ai so sánh hay đánh giá gì đâu mà tự nhiên nổi điên lên. Haizz, những tư duy khác người này của bà vợ nhà mình, anh hai Chu đã quá quen rồi, tốt nhất là cứ im lặng cho qua chuyện thôi.

Chị hai Chu vẫn chưa chịu bỏ qua: "Để tôi chống mắt lên xem cô ta còn huyênh hoang được bao lâu."

Càng nói càng quá đáng, anh hai Chu trợn mắt, nạt: "Cô đứng lên đi làm bánh xốp đi. Đừng để con trai tôi phải khóc đòi."

Chị hai Chu đâu phải dạng vừa: "Ai thích thì đi mà làm, tôi không làm, trong nhà không có bột mì tinh."

Rồi xong, anh hai Chu chịu thua, hình như chút bột mì tinh cuối cùng đã mang ra gói sủi cảo ăn hết rồi thì phải.

Bên nhà chị cả với chị ba Chu cũng không làm bánh xốp. Rối cuộc thì điều kiện nhà mình không bằng nhà thím tư, không cho phép thèm cái gì là ăn ngay cái đó.

Ông Chu đang vui vẻ ăn bánh xốp táo đỏ thì bà bạn già kế bên lại nhăn mặt phiền muộn.

"Bà làm sao thế? Ăn không ngon à?"

"Ăn ngon."

"Ngon thì sao bà còn như vậy?"

Bà Chu thở dài thườn thượt, ngon thì ngon đấy nhưng mà ôi giời ôi nào là bột mì tinh, đường đỏ, táo đỏ, nuốt xuống bụng toàn thấy xót tiền xót bạc thôi.

Bà đành tự trấn an mình, không nên đi tìm con dâu tư, không nên đi tìm con dâu tư. Dù sao hai ông bà cũng đã có sự chuẩn bị rồi, tương lai không sợ ba thằng cháu nội không cưới được vợ.

Ông Chu nghĩ sao nói vậy: "Xem ra thằng tư được vợ nó chăm sóc càng ngày càng tốt."

Xuất ngũ một thời gian rồi mà trông nó vẫn y như hồi còn trong quân ngũ, to khoẻ, rắn rỏi, cường tráng, tràn đầy nhiệt huyết.

Ba thằng Đại Oa cũng giống y như cha chúng, đừng nói đám nhóc trong thôn mà ngay cả mấy thanh niên choai choai, thậm chí đám đàn ông cũng không có được cái sức sống ấy.

Vì sao à? Tất nhiên là vì được ăn ngon rồi.

Bà Chu thở dài chán chê, cuối cùng mới nói: "À, mấy hôm trước Hiểu Mai nhắn về, vợ chồng nó muốn nhờ tôi trông con giúp. Ý ông thế nào?"

Mỗi tháng 5 đồng, một năm hơn 50 đồng. Cộng dồn mấy năm lại cũng được một khoản kha khá, chờ tới lúc đám Đại Oa kết hôn, có khi ông bà còn chuẩn bị được Tứ đại kiện cho chúng nó ấy chứ.

Vì hạnh phúc của mấy đứa cháu trai, bà Chu quyết định kiếm tiền từ cô con gái.

Bầu bạn với nhau bao nhiêu năm, Ông Chu thừa biết suy tính của bà, nhưng xét thấy chuyện này cũng ổn, cho nên nói: "Bà ở nhà giữ cháu cũng được, thỉnh thoảng rảnh rỗi thì đi đánh cỏ heo kiếm công chút điểm."

Ông vẫn còn sức lao động, hơn nữa là lấy đủ mười phần công điểm, thừa sức nuôi bà bạn già.

Với cả, mỗi quý còn có lương thực trợ cấp từ 4 thằng con trai.

Bà Chu: "Vậy được, để tôi sang nói với mẹ Đại Oa một tiếng, khi nào nó có dịp lên thành tiện thể chuyển lời cho Hiểu Mai luôn."

Ông Chu liền nói: "Đừng nói linh tinh với mẹ Đại Oa."

"Tôi biết rồi." Bà Chu phất tay rồi đứng lên đi sang nhà con trai tư.

Lâm Thanh Hoà: "Mẹ sang đấy ạ, cha mẹ đã ăn bánh xốp chưa?"

"Ăn rồi, ăn ngon lắm." Bà Chu cười, nhìn thấy ba thằng cháu nội vừa cầm bánh ăn vừa cười tít mắt.

Kế bên, thằng con trai cũng đang ăn dang dở một miếng to.

Bà Chu: "Mẹ qua nói về chuyện của Hiểu Mai."

Lâm Thanh Hoà: "Mẹ nghĩ kỹ rồi hả? Nếu mẹ đồng ý thì để hôm nào con đi huyện thành con chuyển lời cho."

"Ừ, nói với Hiểu Mai sinh xong cứ mang con về đây mẹ trông cho."

"Cô út gửi mẹ năm đồng mỗi tháng nhưng tính ra tiền bạc có nghĩa lý gì, mẹ là công thần đấy, nếu không có mẹ thì chưa chắc cô ấy đã giữ nổi công việc đâu."

Không kiếm được người trông con thì chỉ có cách tự mình ở nhà chăm, mất việc cũng phải chịu.

Phụ nữ ở nhà chăm con ngửa tay xin tiền chồng sẽ bị nói là đồ vô dụng, ăn bám chồng, bla...bla...Tất nhiên Tô Đại Lâm không tới nỗi như vậy, nhưng Lâm Thanh Hoà cảm thấy phương án này hết sức thoả đáng. Bà ngoại trông cháu còn gì yên tâm hơn. Chu Hiểu Mai vẫn giữ được công tác, dù kiếm ít hay kiếm nhiều thì công việc luôn mang lại cho phụ nữ sự tự tin, đồng thời được mọi người xung quanh xem trọng.

Bà Chu cười cười, ai da, vợ thằng tư này thật là, cái gì cũng nói ra miệng được, nhưng mà đúng thật ban đầu bà hơi ngại cái chuyện tiền công nhưng sau khi nghe con dâu nói xong thì bà yên tâm thoái mái hơn.

Lâm Thanh Hoà: "Nhỏ quá thì con không dám trông, nhưng lớn lớn một chút thì được. Tới lúc ấy nếu ví dụ hôm nào mẹ bận việc gì đó thì có thể mang cháu sang đây con nhìn giúp cho một lúc."

Chương 112: Phá của.

Bà Chu cười đồng ý: "Được."

Chả trách tại sao Hiểu Mai lại thân thiết với chị dâu tư của nó đến thế. Thanh Hòa đối với nó cũng rất thâm tình.

Chứ chiếu theo tính tình của vợ thằng tư thì nó chẳng quan tâm đến chuyện nhà ai bao giờ huống chi giúp đỡ trông một đứa bé.

Bà Chu không ở chơi lâu, nói chuyện xong là rời đi ngay.

Đại Oa vừa nhồm nhoàm ăn bánh xốp, vừa hỏi: "Mẹ ơi, khi nào thì mẹ đi mua bóng đá cho con hả mẹ?"

Lâm Thanh Hoà: "Đợt này mẹ đang bận, đợi mẹ xong việc cái đã."

Cô muốn tích nhiều nhiều thịt heo một chút rồi đi lên huyện bán cả thể.

Chu Thanh Bách chỉ nghe thôi chứ không tham gia. Mọi chuyện lớn bé trong nhà anh chưa bao giờ hỏi nhiều, đã nói giao cho vợ quản là giao hẳn cho vợ. Dưới mái nhà này là thiên hạ của cô ấy, ngay cả anh cũng phải tuân lệnh chứ chẳng chơi.

Thời gian thoăn thoắt thoi đưa, thoáng cái đã trôi qua ba tháng. Hiện giờ đang là tháng tư âm lịch.

Người nông dân chắc chỉ có khoảng thời gian rét mướt cuối năm là còn nhàn hạ một chút chứ những lúc khác toàn bận nháo nhào, làm không hết việc.

Chu Thanh Bách lại càng không chịu ngồi không, bận thế nào thì bận chứ anh vẫn đi bắt cá bắt lươn về cho vợ đổi món.

Cá chạch hầm đậu hũ, lươn kho tàu này nọ qua tay bà xã nhà anh là đảm bảo bắt cơm cực kỳ.

Đã hứa với con trẻ thì không thể thất hứa. Tranh thủ hôm nay đi lên huyện thành bán thịt heo, Lâm Thanh Hoà đã mua một quả bóng về cho mấy anh em Đại Oa.

Đại Oa đi học về tới cửa liền nhìn thấy Nhị Oa với Tam Oa đang đá qua đá lại ở trong sân. Nó nhảy cẫng lên hét ầm ĩ, buông cặp sách xuống là lao ngay ra ôm lấy trái bóng.

Đám trẻ nhỏ trong thôn hâm mộ tới rơi tròng mắt, bu đen bu đỏ xin chơi ké.

Đại Oa không keo kiệt, hào phóng tuyên bố cho tất cả chơi chung.

À tất nhiên là chỉ cho mấy đứa chiến hữu thân cận với nó thôi còn mấy đứa không thân không quen thì thôi dẹp, đứng gọn sang một bên mà nhìn.

Trẻ con rồi thanh niên choai choai mới lớn đều bị thu hút hết về phía này. Đứa nào đứa nấy tấm tắc khen mẹ Đại Oa không hổ danh là bà mẹ số một toàn thôn, bình thường bọn Đại Oa được ăn nhiều thức ăn ngon chúng nó đã không bì kịp rồi, hôm nay lại còn mua về một trái bóng siêu cấp đắt tiền. Cả cái thôn này không một ai bằng mẹ Đại Oa luôn.

Bọn nhỏ thì như vậy nhưng người lớn lại nghĩ khác, ai hay tin cũng ngao ngán lắc đầu.

Vợ Thanh Bách thật đúng là đệ nhất phá của, không biết vun vén cho gia đình, chỉ biết tiêu xài hoang phí. Một trái bóng, đá qua đá lại có cái gì hay, có chỗ nào tốt, mấy thứ này toàn là đồ chơi của đám trẻ con thành phố, trẻ con nông thôn chơi làm gì, kể cả có thừa tiền thì cũng chẳng ông bố bà mẹ nào mua ba cái thứ linh tinh này, đúng là đốt tiền.

Có người đi chợ về kể một quả bóng như này có giá hơn hai mươi đồng. Trời đất, quanh năm suốt tháng làm lụng cực khổ kiếm được có vài đồng bạc mà cô ta dám làm vậy, cô ta điên rồi. Tội nghiệp cho cái anh Thanh Bách, một mình nuôi năm miệng ăn đâu phải chuyện dễ, nai lưng ra kiếm mười phần công điểm mà lại vớ phải cô vợ cực phẩm thế này thì đúng là công cốc thôi.....

Vương Linh nghe người trong thôn bàn tán xôn xao thì sán lại phía chị hai Chu: "Này, không phải lần trước cô nói nhà cô ta hết tiền rồi à, người ta mua bóng đá cho con người ta chơi kia kìa. Tận hai mươi đồng lận đấy."

Chị hai Chu thà chết cũng không muốn tin Lâm Thanh Hoà có tiền, vẫn còn cố đấm ăn xôi: "Có ai mà không biết cô ta là cái loại sĩ diện hão, chắc là không muốn người ngoài biết cô ta hết tiền nên mới phải dùng cách này lừa thiên hạ."

Nhưng lần này Vương Linh không tin: "Có đợt nhà đó còn ăn bánh xốp còn gì, thấy bảo ngon lắm. Tôi nghĩ phí xuất ngũ của chú tư nhà cô không ít đâu. Chồng phải có tiền thì vợ mới dám tiêu pha kiểu ấy chứ."

Chị hai Chu: "Không thể nào, cô ta về nhà mẹ đẻ vay tiền rồi cãi cọ đoạn tuyệt quan hệ. Cái này tôi nghe người ta nói, không sai được."

Vương Linh bĩu môi: "Cô bị ngốc à, có thế mà cũng không nghĩ ra. Điều đó càng khẳng định chú tư nhà cô đem về rất nhiều tiền, cô ta không muốn gia đình mẹ đẻ biết chuyện chạy tới xin xỏ cho nên mới cố tình làm vậy."

Chị hai Chu giật mình thầm nghĩ Vương Linh không nhắc thì đúng là trước giờ không để ý thật. Thế nhưng ngoài mặt cô vẫn giả vờ khinh thường, khịt mũi nói: "Cô ta coi trọng nhất là nhà mẹ đẻ, làm sao tự dưng đi gây chuyện được. Tôi còn nhớ rõ trước đây chú tư gửi một cái áo khoác bộ đội mới nguyên về, cô ta không nói hai lời cho thẳng bên nhà mẹ đẻ mà."

Nói lại chuyện này, chị hai Chu vẫn còn nghiến răng nghiến lợi. Nhớ năm đó thời tiết lạnh lắm, tưởng chừng cắt da cắt thịt, nhà cô thiếu chăn, định bụng sang nhà Lâm Thanh Hoà mượn một cái nhưng Lâm Thanh Hoà không do dự mà thẳng thừng từ chối. Sau đó lại mang đi cho nhà mẹ đẻ. Vì chuyện này mà mẹ chồng giận rất lâu nhưng cái ngữ bất hiếu như cô ta thì nào thèm quan tâm.

Vương Linh thật ra cũng chỉ ăn ốc nói mò, người trong nhà đã nói vậy rồi thì cô còn biết nói gì nữa, bèn chuyển đề tài: "Chẳng qua là tôi thương cô thôi, cùng làm dâu Chu gia, nhưng mà cô nhìn cô xem, bụng to vượt mặt rồi mà vẫn phải xuống đất kiếm công điểm, cô ta thì nhẹ tênh ăn chơi cả ngày."

Lúc này Chị hai Chu tức muốn ói máu: "Tôi không tốt số như cô ta."

Vương Linh: "Nhưng mà kể cũng lạ, sao chồng cô ta về lâu như vậy rồi mà không thấy cô ta có thai nhỉ. Hình như thằng con nhỏ nhất của nhà đó năm nay cũng lên hai rồi, phải không?"

"Không biết." Chị hai Chu cực kỳ không có hứng thú với chuyện nhà Lâm Thanh Hoà, trong bụng còn mong sao cho Lâm Thanh Hoà không đẻ được càng tốt. Người đàn bà này quá tốt số, đã gả được cho một người chồng tốt như Chu Thanh Bách rồi thì cũng thôi đi, ai đời cái bụng cũng quá siêu việt, đẻ là ra con trai, liên tiếp ba thằng.

Vương Linh: "Theo cô thì chuyện này là sao nhỉ, hay là cô ta không sinh được?"

Chị hai Chu xua tay: "Ba thằng con trai lù lù ra kia, cô nói xem người ta biết sinh hay là không?"

Vương Linh nghẹn họng, nói tới chuyện sinh con đẻ cái, cả cái thôn này chỉ có ít ỏi vài người là sánh được với Lâm Thanh Hoà, sinh liên tiếp ba thằng con trai.

Chị hai Chu: "Thôi mau làm việc đi, làm xong tôi còn về nhà nghỉ ngơi, hôm nay nắng nóng mệt quá."

Hai người đang cắt cỏ heo, phải nói thế thì Vương Linh mới chịu yên lặng, nghiêm túc tiếp tục công việc.

Mà người đang nằm giữa tâm bão, Lâm Thanh Hoà lúc này lại cực kỳ bình thản cắt cỏ heo. Ngoài ra cô còn tranh thủ đào ít rau dại về ăn cho mát.

Bữa trưa nay cô tính trộn mấy loại bột đậu làm màn thầu, ăn kèm với rau dại xào thịt và trứng tráng bao.

Tại mọi người cứ hay đàm tiếu thổi phồng lên chứ

thỉnh thoảng cô vẫn trộn lẫn một số loại lương thực thô với lương thực tinh để làm món chính.

Mâm cơm nhà cô thường xuyên xuất hiện mấy món như màn thầu hỗn hợp nhiều loại bột hoặc bánh bột bắp này nọ.

Ngoài ra, còn có rau dại, hoặc là rau dưa củ quả trồng sau hậu viện.

Được cái răng của mấy thằng nhóc rất chắc khoẻ, cô làm món gì cũng xử được tuốt, không kén ăn. Tất nhiên được như vậy là dựa trên điều kiện cô ở nhà có nhiều thời gian rảnh rỗi, chứ nếu cô cũng xuất công bận rộn thì làm gì còn sức lực mà thay đổi món nọ món kia, tiện làm cái gì thì ăn cái đó thôi chứ.

Giờ cơm trưa, Chu Thanh Bách nói ngày mai phải đi mua phân bón, đại đội giao việc này cho anh.

Lâm Thanh Hoà hỏi: "Thế trưa mai anh có về ăn cơm không?"

"Khỏi chờ cơm anh." Chu Thanh Bách nhẩm tính chắc cũng phải chạng vạng tối mới về được.

Sáng hôm sau, Lâm Thanh Hoà nấu cơm sáng.

Sau khi ăn uống xong xuôi, cô nhét vào túi áo anh phiếu gạo, phiếu thịt và tiền: "Đi ra ngoài nhớ ăn uống đầy đủ, không cần tiết kiệm vài hào."

Chu Thanh Bách cười cười: "Tuân lệnh", rồi đi ra cửa.

Lâm Thanh Hoà ở trong nhà đọc sách, học thuộc lòng vài bài thơ, bài văn hay.

Cô cứ tưởng Chu Thanh Bách chỉ đơn thuần là đi mua nông dược, ai dè mua xong anh không về nhà ngay mà đi tới Cục Công An tìm đồng đội cũ.


Chương 113: Hẹ xào trứng.

Chu Thanh Bách về, mang cho bà xã một sợi dây chuyền, một chiếc nhẫn, một đôi bông tai và một cặp vòng tay tất cả đều bằng vàng, ngoài ra còn có một miếng ngọc bội.

Vào những năm này, mấy thứ trang sức vàng bạc đều bị xếp vào diện đồ vật bị bài trừ, tuyệt đối phải giấu kín, ai để lộ ra chỉ có nước chết.

Cũng may người trong Cục Công An là đồng đội cũ của Chu Thanh Bách nên anh mới thuận lợi lấy được vài món chứ nếu là người khác e rằng đã bị tố giác.

Nhìn một đống vòng vàng lấp lánh trên tay, Lâm Thanh Hoà hoàn toàn chấn động, ngàn vạn lần không ngờ được một người đàn ông truyền thống như chồng cô lại có thể làm trái quy tắc chỉ vì để vợ được vui vẻ.

Thấy vợ cứ trợn mắt há miệng lắp bắp mãi không thốt nên lời, Chu Thanh Bách hơi mất tự nhiên, anh ho khan hai tiếng rồi nói: "Đừng để lộ ra ngoài."

Lâm Thanh Hoà nhanh tay đem đồ gói lại, bọn trẻ còn nhỏ, nhỡ chẳng may chúng nhìn thấy rồi lỡ miệng nói linh tinh.

Cô đi vào trong phòng cất đồ nhưng kỳ thực là thu vào không gian riêng.

Sau đó, cô đi ra nói với Chu Thanh Bách: "Những câu lần trước em nói, anh vẫn luôn để trong lòng?"

Chu Thanh Bách trước giờ không phải là người giỏi biểu đạt, cũng may cô hiểu anh, chỉ một cái nhíu mày, nhăn trán, rầu rĩ hay vui vẻ cô đều nhìn ra được, chứ nếu là một người phụ nữ e rằng vợ chồng khó mà thấu hiểu nhau.

Lâm Thanh Hoà chủ động bước đến, vòng tay ôm lấy eo anh, áp mặt lên lồng ngực rắn rỏi, lắng nghe từng nhịp tim trầm ổn mà mạnh mẽ.

"Nhưng em cũng nói anh đừng mạo hiểm."

Chu Thanh Bách "ừ" khẽ một tiếng.

Lâm Thanh Hoà hỏi: "Trưa nay anh ăn gì? Có no bụng không?"

"Sủi cảo, không ngon bằng em làm."

Câu này không phải nịnh đầm mà là anh ăn ngay nói thật, đồ ăn bên ngoài bán kém xa cơm nhà bà xã nấu.

Lâm Thanh Hoà cười khanh khách trêu anh: "haha, vậy hôm nay ăn cháo gạo kê với rau hẹ thôi nhé."

Chu Thanh Bách gật đầu: "Được."

Cô đẩy anh vào phòng nghỉ ngơi, đi đi về về cả buổi chắc cũng thấm mệt rồi.

Lâm Thanh Hoà vào bếp, vừa nấu cháo gạo kê vừa thuận tay ủ bột.

Trù nghệ của cô thì khỏi phải bàn, đặc biệt từ sau khi xuyên tới đây càng ngày càng tiến bộ vượt bậc. Mà cũng đũng thôi, trong nhà có ba thằng nhóc con háu ăn, còn có một người đàn ông sức ăn như thuồng luồng, làm sao cô không nâng cao tay nghề cho được.

Cháo gạo kê đã chín nhừ, cô trút ra tô rồi rửa nồi chuẩn bị nấu món kế tiếp. Lâm Thanh Hoà ra hậu viện nhổ một mớ rau hẹ, lặt bỏ rễ, rửa sạch, cắt khúc bỏ lên chảo chiên vàng rồi xúc ra đĩa để qua một bên. Đánh tan mấy quả trứng gà, đổ vào chảo xào chín, xếp chỗ hẹ vừa chiên lúc nãy lên trên, rắc chút muối cho vừa miệng rồi bắc ra.

Đại Oa chưa tan học, Nhị Oa, Tam Oa đang chơi ngoài cửa.

Tam Oa đã tới tuổi hiếu động, nhỏ con nhất nhưng xét về độ nghịch ngợm thì chắc phải ngang ngửa với Đại Oa khi còn bé.

Lâm Thanh Hoà cho chúng nó tự do hoạt động, chỉ cấm tới mấy chỗ nguy hiểm như sông ngòi, ao hồ. Nếu đi thì phải có mẹ đi cùng, nếu phát hiện dám tự ý một mình nghịch nước thì bị cắt bảy ngày đồ ăn vặt.

Đại Oa có một lần vi phạm, bị cấm vận đúng bảy ngày. Trong bảy ngày này mẹ toàn nấu mấy món ngon, nhưng tuyệt nhiên không có phần của nó.

Hai thằng em trai ăn dưa hấu nó nhịn, hai thằng em ăn đường đỏ nó nhịn, nó nhớ nhất là món cá khô nhí chiên giòn trời ơi thơm chảy nước miếng, ở ngay trước mắt mà không thể ăn, còn gì đau khổ hơn.

Đời này, Đại Oa khẳng định đây là sự trừng phạt khắc cốt ghi tâm nhất, một lần chừa tới già không dám tái phạm.

Nhị Oa với Tam Oa không cần đích thân trải nghiệm, chỉ cần nhìn cái gương to như cái liếp trước mặt là đủ rút ra bài học nhớ đời rồi. Hai thằng thầm lập lời thề trong lòng nhất định không được ngáo ngơ quên lời mẹ dặn như ông anh trai ngốc nghếch.

Lâm Thanh Hoà luôn canh chuẩn thời gian, cơm nước vừa sắp ra mâm là Đại Oa tan học về tới cửa.

Cái trò đi học là hay bị đói bụng lắm, nhảy chân sáo vào bếp, cái miệng đã liến thoắng: "Mẹ ơi, thớm quá đi, hôm nay ăn hẹ xào trứng ạ?"

Lâm Thanh Hoà: "Mũi tinh như mũi cún, đi gọi hai em về đi, chuẩn bị ăn cơm."

Đại Oa: "Ăn sớm vậy ạ?"

"Ừ hôm nay ăn cơm sớm để tối còn có bụng uống chè đậu đỏ."

"Dạ, con đi gọi hai đứa nó về ngay." Đại Oa nhoắng một cái đã chạy biến.

Không có trò gì vui bằng trò nghịch bẩn, Nhị Oa với Tam Oa đi vào hiển nhiên cả người dơ hầy. Lâm Thanh Hoà trừng mắt xách tai hai thằng ra chậu nước rửa mặt rửa tay.

Vừa kì cọ bùn đất vừa mắng: "Còn chơi dơ một lần nữa thì đừng trách mẹ xử lý hai đứa con."

Nhị Oa cãi: "Đều là tại Tam Oa ngốc con dạy mãi mà nó không biết bắn bi."

Tam Oa bĩu môi: "Anh cũng ngốc còn gì, bắn mãi không trúng."

Nhị Oa tức đỏ mặt: "Lần sau đừng rủ tao chung đội với mày."

Tam Oa cãi lại: "Ai thèm, em rủ Khỉ con lập đội."

Người thì có chút éc mà hăng máu lắm, cãi nhau với hai anh một chín một mười, chưa bao giờ chịu thua.

Lâm Thanh Hoà: "Cãi nhau cái gì, tự kì sạch hai cái bàn tay đen sì của mình đi, đứa nào rửa không sạch không cho ăn cơm."

Chu Đại Oa bất chợt như nhớ ra cái gì: "Mẹ, cha vẫn chưa về."

"Cha về từ sớm rồi, đang nằm nghỉ trong phòng. Để mẹ vào xem cha dậy chưa, con ở đây giám sát hai thằng quỷ này cho mẹ." Lâm Thanh Hoà nói xong liền quay người đi vào phòng.

Vừa mở cửa phòng, bốn mắt giao nhau.

Lâm Thanh Hoà mỉm cười: "Anh thức rồi à, em còn tưởng anh vẫn đang ngủ. Dậy rồi thì ra ngoài đi, chuẩn bị ăn cơm."

Chu Thanh Bách kì thực đã sớm tỉnh nhưng anh vẫn nằm yên trên giường lắng nghe đoạn hội thoại của mấy mẹ con. Lòng anh như có dòng suối ấm áp chảy qua, đây chính cuộc sống gia đình rất đỗi dung dị và bình yên, cám ơn bà xã đã tặng cho anh một gia đình nhỏ nhưng tràn đầy hạnh phúc.

Nghĩ là làm, anh vươn tay kéo cô gái nhỏ của mình vào lòng.

Lâm Thanh Hoà mất đà bổ nhào vào ngực anh.

Cô xấu hổ cúi thấp đầu, nhỏ giọng nói: "Này này anh làm gì thế, nhỡ đâu bọn nhỏ bất thình lình chạy vào thì sao."

Chu Thanh Bách hít hà mùi thơm trên tóc vợ, âm thanh trầm thấp êm ái như tiếng đàn Cello: "Vợ à, mình sinh thêm một cô con gái đi."

Lâm Thanh Hoà khóc không ra nước mắt, bẵng một thời gian không thấy sao hôm nay tự nhiên lại nhắc tới chủ đề này rồi. Huhu!

Cô cười gượng, nói: "Nếu có mang thì em sẽ sinh.."

"Ngoan." Chu Thanh Bách cúi đầu đặt xuống cổ bà xã một nụ hôn nồng nàn.

Bức tranh đang đẹp thì tự dưng có thằng nhảy xổ ra phá game.

"Con không nhìn thấy gì đâu nhé!" Chu Nhị Oa không biết xuất hiện ở cửa từ lúc nào, hét toáng lên, hai bàn tay đưa lên che mắt nhưng các ngón tay lại mở ra hết cỡ.

Lâm Thanh Hoà bật dậy như lò xo, ho khan hai tiếng rồi giả vờ quát: "Chu Nhị Oa, sao con vào mà không gõ cửa."

Chu Nhị Oa: "Không phải tại con, tại cửa không đóng."

Tiếng Chu Đại Oa vọng vào từ bên ngoài: "Cha, mẹ, mau ra ăn cơm đi, rau hẹ xào trứng để nguội mất ngon."

Chu Thanh Bách điềm nhiên dắt tay bà xã đi ra phòng khách, Chu Nhị Oa bụm miệng cười hí hí theo sau.

Cả nhà năm người quây quần bên mâm cơm. Nói thì lại bảo là khen chứ cái món rau hẹ xào trứng này cô làm quá ngon. Món này rất dễ làm, nguyên liệu đơn giản dễ kiếm nhưng không phải ai cũng hào phóng đổ nhiều dầu cho nên món ăn người khác làm rất nhạt nhẽo, không thơm, không béo.

Tam Oa còn nhỏ, ăn nhiều khó tiêu nên chỉ phát cho nó hai cái, còn lại thì ăn cháo cho no.

Đại Oa với Nhị Oa lớn rồi nên vô tư, sức ăn đến đâu thì cứ ăn thoải mái.

Chương 114: Kinh doanh lương thực.

Ăn uống xong xuôi, ai vào việc nấy, Đại Oa thu dọn chén bát, Nhị Oa với Tam Oa lại lết ra cửa chơi, Lâm Thanh Hoà về phòng, Chu Thanh Bách đi sang nhà bí thư chi bộ.

Lát sau, Chu Đại Oa chạy vào nói với mẹ: "Con rửa xong hết rồi nhé, nồi niêu cũng sạch bong rồi."

Lâm Thanh Hoà biết tỏng ý đồ của nó: "Thế con làm bài tập đi, chè đậu đỏ mẹ nấu xong từ chiều rồi, tí xuôi cơm rồi ăn."

Chu Đại Oa nghiêm túc ngồi vào bàn giở sách vở ra làm bài tập.

Lâm Thanh Hoà lặng lẽ về phòng, lấy mấy món đồ Thanh Bách mới mang về lúc nãy ra xem kỹ.

Wow, trang sức bằng vàng lẫn ngọc bội, toàn bộ đều là hàng thượng phẩm. Wow, wow!

Chậc chậc, thế mà ở thời này lại chẳng đáng giá bằng một cái màn thầu.

Đã thế lại còn phải giấu như mèo giấu phân, không ai dám giao dịch buôn bán, vì nếu lỡ bị phạt hiện sẽ bị mang ra đấu tố

*Đấu tố: Đeo biển đi giễu phố, bị phê bình công khai, chịu sự sỉ nhục, phỉ nhổ của người xung quanh.

Ngắm thứ kim loại lấp la lấp lánh, Lâm Thanh Hoà mỉm cười, trong đầu nảy ra một ý tưởng mới. Nhưng mà chưa thực hiện ngay được, phải chờ thu hoạch xong vụ hè này đã, lúc ấy mới có dư lương thực để làm việc khác.

Thu vòng vàng, ngọc bội vào trong không gian riêng. Trong đây còn có mấy tập tem Thanh Bách đã mua cho cô từ đợt trước.

Cứ lưu trữ hết vào đây, tương lai toàn là những đồ có giá trị.

Tiện thể, Lâm Thanh Hoà kiểm kê vật tư. Trái cây đã hết sạch sành sanh, bánh bao cũng không còn sót lại cái nào, bột mì với gạo vẫn còn dư lại một nửa, những thứ khác như tương, dấm, dầu, muối, đường phèn, đường đỏ cũng còn dư lại phân nửa.

Thịt heo với trứng gà ăn tương đối nhiều, nên chỉ còn lại có một phần ba thôi.

Xem ra, sau này phải bổ sung thêm vào đây mới được.

Nhìn chung mọi thứ đều thâm hụt, chỉ có một thứ gia tăng, đó chính là tiền. Haha. Mặc dù đã chi ra một số tiền lớn để mua xe đạp nhưng trong khoảng thời gian này cô đã kịp thời bù vào chỗ trống và tiết kiệm thêm một ít nữa. Buôn bán thịt heo cũng kiếm chác được lắm, so ra còn nhiều hơn cả tiền lương công nhân trên huyện thành ấy chứ.

Hơn 7 giờ tối, Lâm Thanh Hoà múc chè đậu đỏ cho các con.

Trẻ con, buổi tối ăn nhiều sẽ khó ngủ cho nên mỗi đứa chỉ được uống một chén thôi. Lâm Thanh Hoà cũng chỉ uống một chén, dư lại hơn hai chén để phần hết cho Chu Thanh Bách.

Vì cách mạng chưa thành công cho nên đồng chí vẫn cần cố gắng. Chu Thanh Bách đêm đêm gắng sức cấy cầy, hôm nay lại còn ăn rau hẹ nữa, ui chu choa, quả này chẳng mấy mà anh được bế con gái.

Hiện giờ thời tiết đã ấm áp hơn, ba thằng con trai bị đuổi về phòng, cho nên hai vợ chồng tha hồ í ì i, không cần phải nín nhịn hay kiêng dè gì hết.

Sướng nhất chính là Chu Thanh Bách, cả cơ thể và tinh thần đều được thoả mãn.

Đương nhiên, Lâm Thanh Hoà cũng rất hưởng thụ những đêm ân ái mặn nồng...

Thoắt một cái đã đến tháng sáu âm lịch. Trời càng ngày càng nóng nực, cuối tháng này mọi người sẽ tiến vào thu hoạch vụ hè.

Trong cái không khí oi nồng của mùa hạ, ông trời bất chợt đổ cơn mưa mang theo sấm sét rền vang.

Đại Oa chắp hai tay sau đít, nhìn bên ngoài mưa lớn xối xả, thở dài một cái rồi cất giọng già đanh: "Cứ thế này thì bí thư chi bộ với cả đại đội trưởng thôn mình chỉ có nước khóc."

Lâm Thanh Hoà buồn cười nhìn về phía nó: "Thời tiết tháng sáu thất thường lắm, nay mưa biết đâu mai lại nắng."

Mưa thối đất thối cát liên tiếp bảy ngày mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đại đổi trưởng với bí thi chi bộ nhìn màn mưa trắng xoá mà phát rầu.

Nhưng mà đúng như lời Lâm Thanh Hoà nói, thời tiết tháng sáu thay đổi thất thường, mới đêm qua đi ngủ vẫn còn mưa tầm tã, ấy vậy mà sáng hôm sau đã trời quang mây tạnh.

Sau cơn mưa hạ, trời đặc biệt trong xanh và nắng cũng đặc biệt gắt.

Nhưng mà xã viên không ai quan tâm nắng to tới mức nào, chỉ cần ông trời ngừng mưa là họ vui lắm rồi.

Toàn đại đội nô nức xắn ống quần xuống ruộng gặt hái.

Lâm Thanh Hoà ở nhà cũng không rảnh, cô nhanh chống đốt lá ngải cứu, hun khắp mọi ngóc ngách trong nhà từ trong ra ngoài. Đặc biệt là khu vực chuồng trại, không chỉ hun ngải cứu mà còn cần rắc vôi bột tiêu độc. Cái gì qua loa được chứ vấn đề vệ sinh là phải cực kỳ chú trọng.

Sau mưa to thì nắng lại càng gay gắt, mấy người phụ nữ sức đề kháng yếu đã bị cảm nắng.

Trong số đó có hai người tới nhà Lâm Thanh Hoà xin thuốc.

Lâm Thanh Hoà kiểm tra lại số lượng thuốc trong không gian riêng, phân ra một phần dành riêng cho bản thân và gia đình dùng, còn lại một ít có thể giúp đỡ những người khác.

Đối phương là người không tồi, lại tới tận cửa cho nên cô không khước từ, tất nhiên là có thu tiền rồi, làm sao cho không được.

Ai ngờ, một hành động tưởng chừng nhỏ nhặt lại dễ dàng tẩy trắng cái danh ụp lên đầu cô bao lâu nay. Ai ai cũng khen cô là một người tốt bụng.

Tiếng lành đồn xa, đáng lẽ phải vui nhưng thật ra Lâm Thanh Hoà cảm thấy rất rất rất phiền, cô không muốn mang cái danh người tốt, ôm cái danh này đồng nghĩa từ giờ về sau làm gì cũng phải đúng chuẩn mực á? Huhu Cô không muốn, ngàn lần không muốn.

Y như rằng, vài hôm sau liên tiếp có người tới gõ cửa xin thuốc, Lâm Thanh Hoà thẳng thừng nói hết rồi, có bao nhiêu đã phát hết cho mấy người tới trước rồi.

Ngay lập tức lại rộ lên tin đồn, nói rằng Lâm Thanh Hoà sống không công bằng, nhìn mặt cho thuốc, chỉ cho những người thân quen thôi còn những người khác thì mặc kệ sống chết, ác nhân, thất đức, vân vân và mây mây.

Tiếng xấu đồn xa, nhưng Lâm Thanh Hoà không để ý càng không bận lòng, việc mình thì mình làm thôi. Ba ngày sau khi vào vụ gặt, cô bắt một con gà làm thịt, hầm với táo đỏ, kỷ tử, bồi dưỡng cho cả nhà.

Còn một con thì giữ lại nuôi tới khi kết thúc vụ này sẽ làm một bữa nữa.

Vì được bồi bổ, ăn uống đủ chất cho nên chỉ có người ngợm đau mỏi qua loa thôi chứ tinh thần vẫn cứ là lai láng.

Gặt xong là tiến hành phân lương.

Vẫn như mọi lần, công điểm của Chu Thanh Bách đổi được rất nhiều lương thực và tiền. Lâm Thanh Hoà lấy hết số tiền đó mua thêm lương thực.

Đối với hành động này của cô, mọi người cũng quá quen rồi, dù sao ai cũng biết cô rất hoang đường, thích gì là ăn cái đó, mà toàn ăn ngon mới chịu.

Còn dùng bột ngô nuôi heo cơ mà, mua nhiều lương thực cũng phải thôi.

Chu Thanh Bách thu hết mọi việc vào tầm mắt, đợi tới khi vận chuyển toàn bộ lương thực về nhà mình, anh mới đánh mắt ngầm hỏi vợ.

Lâm Thanh Hoà: "Khụ khụ khụ...e hèm...em tình cờ quen một bà lão trên huyện thành. Nhà bà ấy rất nghèo, một bữa no hai bữa đói. Con dâu bà cụ làm công nhân ở xưởng dệt, em định đi đổi ít vải vụn về làm thêm mấy đôi giày cho cha con anh. Đặc biệt là anh với Đại Oa ấy, đi như phá."

Chu Thanh Bách lúc này mới vỡ lẽ, dịu dàng nhìn vợ: "Vất vả cho em rồi, vợ à."

Lâm Thanh Hoà xua tay, thuận miệng nói: "Không có gì, chắc là kiếp trước em nợ anh."

Chu Thanh Bách lắc đầu cười cười.

Lâm Thanh Hoà chính thức bước vào sự nghiệp kinh doanh lương thực.

Lần đầu chưa nhiều lắm, chỉ có hơn 300 cân hạt bắp, 50 cân lúa mì, và mấy thứ phụ như khoai lang, khoai tây, các loại đậu, hạt mè này nọ...

Từng này chỉ cần đi vài chuyến chợ đen là bán sạch.

Ai không có phiếu gạo thì phải chịu giá cao một chút nhưng nhìn chung thì cái giá mà Lâm Thanh Hoà đưa ra tương đối hợp lý, dễ mua, dễ bán.

Vì đã có kinh nghiệm trong nghề từ trước cho nên cô nắm rất rõ từng đường đi nước bước, một tay giao tiền, một tay giao hàng, nhanh chóng thuận tiện, đôi bên cùng vui vẻ.

Tổng kết lần đầu buôn bán lương thực, lợi nhuận gấp đôi, thu về 70 đồng, trong đó lúa mì là được giá nhất.

Tiếc rằng lần này cô không nhập được nhiều lúa mì, chứ không chắc chắn còn lời nữa.

Chương 115: Đại Oa khó đối phó.

Lần này, cả thịt và lương thực, lợi nhuận thu về ngót nghét 100 đồng.

Buôn hết hàng, Lâm Thanh Hoà mau chóng đi ra chỗ hai đứa con.

Hai thằng nhóc quỷ mắt mũi láo liên, cũng may vẫn còn biết nghe lời mẹ chịu ngồi yên một chỗ đợi, không chạy loạn.

Đang dáo dác nhìn khắp nơi thì phát hiện mẹ đã quay lại, Nhị Oa Tam Oa lập tức đứng bật dậy, hơn ha hớn hở.

Tam Oa chạy tới ôm lấy đùi mẹ hô to: "Mẹ."

Lâm Thanh Hoà xoa đầu nó hỏi: "Có ngoan ngoãn ở đây chờ mẹ không đấy?"

Nhị Oa liền đáp: "Có ạ, chúng con vẫn luôn ngồi ở chỗ này không đi đâu hết."

Tam Oa cũng gật đầu, rồi đưa ra yêu cầu: "Mẹ ơi, mẹ mua cho con hồ lô ngào đường đi."

Lâm Thanh Hoà: "Mới vừa ăn kem xong còn gì?"

Một que kem bơ có giá tám xu, Lâm Thanh Hoà mua cho Nhị Oa, Tam Oa mỗi đứa một que.

Tam Oa bắt đầu mè nheo: "Con muốn ăn, con muốn ăn cơ."

Lâm Thanh Hoà: "Được rồi, mẹ sẽ mua nhưng có một điều kiện. Hai đứa ăn chung một cây, cha, mẹ và anh cả mỗi người được riêng một cây."

Nhị Oa gật đầu ngay: "Vâng."

Tam Oa hơi do dự, ngẫm nghĩ một chút rồi mới gật đầu.

Ba mẹ con đi dạo thương trường, trong nhà đã dùng hết đường trắng cho nên Lâm Thanh Hoà mua thêm một cân, ngoài ra còn mua một hộp sữa bột cho mấy thằng con trai.

Vừa về đến nhà, Nhị Oa Tam Oa gấp không đợi nổi, nháo lên đòi ăn hồ lô ngào đường.

Lâm Thanh Hoà mở bọc lấy ra cho hai đứa nó một cây, còn dư lại ba cây.

Buổi trưa, đợi Chu Thanh Bách tan tầm, Đại Oa tan học xong đi đánh cỏ heo trở về, ba người mỗi người cầm một cây hồ lô ngào đường ăn.

Nhị Oa với Tam Oa thèm chảy nước dãi.

Tam Oa bắt đầu giở trò nhõng nhèo, nhẹt cái miệng ra mếu máo: "Mẹ ẹ ẹ ẹ ẹ ẹ"

Lâm Thanh Hoà: "Con có khóc lăn ra đây cũng vô dụng. Mẹ đã quy ước từ trước rồi."

Ngay lập tức, Tam Oa thu lại nước mắt.

Lâm Thanh Hoà hỏi: "Lần sau có còn tiếp tục ăn mảnh, không đợi cha với anh cả nữa không?"

Nhị Oa và Tam Oa tất nhiên không đắn đó mà đồng ý ngay, một lần này thôi đã hối hận xanh ruột rồi, nếu còn có lần sau chắc chúng nó khóc hết nước mắt mất.

Lâm Thanh Hoà gật đầu hài lòng, sau đó đứng lên đi chuẩn bị cơm nước.

Đối với phương pháp giáo dục con cái, Chu Thanh Bách chưa một lần xen vào. Trong một gia đình truyền thống luôn có sự phân công rất rõ ràng, đàn ông lo đối ngoại, đàn bà lo đối nội.

Lâm Thanh Hoà cực kỳ hài lòng với kiểu sắp xếp này. Im lặng có nghĩa là đồng ý, chắc anh tán thành với cách dạy con của cô!

Lâm Thanh Hoà hỏi Chu Thanh Bách: "Anh mua hai con gà con ở nhà ai đấy?"

Chu Thanh Bách hiền hoà đáp: "Ở nhà bí thư chi bộ."

Nhà cô nuôi ba con gá mái chuyên để đẻ trứng. Đầu xuân nuôi thêm hai con gà con, hôm thu hoạch vụ hè cô đã làm thịt hầm kỉ tử tẩm bổ cho mấy cha con. Giờ lại mới bắt về hai con nữa, chắc nuôi tầm ba tháng, tới khoảng tháng 10 âm là đủ béo để làm thịt ăn.

Thời buổi này thiếu thốn đủ đường, quần quật làm lụng quanh năm suốt tháng cũng chỉ có loanh quanh vài món gà, heo, cá để bồi bổ cơ thể. Muốn ăn cái khác cũng bói không ra.

Nói đến cùng thì chỉ có người hậu thế như cô mới dám mạnh tay cho cha con nhà này ăn ngon chứ toàn bộ cái thôn này không nhà nào ăn sang được như vậy.

Điều khiến Lâm Thanh Hoà lo lắng nhất chính là sức khoẻ của Chu Thanh Bách, công việc nhà nông nặng nhọc mà không được ăn đủ chất thì chắc chắn cơ thể càng ngày càng suy yếu. Vì thế mặc kệ tiếng lành hay tiếng xấu gì thì cô vẫn lo chu toàn ngày ba bữa, đảm bảo dinh dưỡng cho cha con nhà anh.

Trưa nay ăn xương sườn hầm rong biển, dưa leo xào trứng gà, canh cà chua, món chính là màn thầu hỗn hợp nhiều loại đậu.

Ăn xong, Lâm Thanh Hoà nói với Chu Thanh Bách: "Chạng vạng anh đi sờ xem có con cá, con lươn gì không nhé."

"Được."

Tan tầm, bóng ngả về tây, Chu Thanh Bách cầm cái thùng đi mò cá chạch.

Thu hoạch không tệ, phân nửa thùng cá chạch, hai con lươn, mỗi con tầm năm, sáu lạng.

Lươn đồng ở thời này không đáng tiền, chứ thời hiện đại vào nhà hàng thì lại thành món đặc sản giá trên trời, không những thế mà còn hiếm lắm mới ăn được lươn đồng chính cống.

Nhìn thành quả Chu Thanh Bách xách về, Lâm Thanh Hoà cười như được mùa.

Cá chạch cứ để nuôi trong thùng cho nhả bùn tới ngày mai mới hầm đậu hũ.

Tối nay xử trước hai con lươn. À tất nhiên công đoạn giết thịt vẫn giao cho Chu Thanh Bách, Lâm Thanh Hoà đi ra hậu viện nhổ hành.

Lươn kho tàu, ngon cực kỳ. Lâm Thanh Hoà rất mê món này nhưng hình như hơi ít thì phải, chắc không đủ cả nhà ăn. Cô bèn nấu thêm một tô canh trứng cà chua, chiên cho bốn cha con mỗi người thêm một quả trứng. Món chính là bánh bột bắp.

Ngoài ra, vẫn còn món chè đậu xanh nấu đường phèn đang được giữ lạnh trong nước giếng, đợi tới tầm 7 giờ mọi người xuôi cơm mới lấy lên uống.

Lâm Thanh Hoà hỏi Đại Oa: "Đại Oa, hôm nào thi?"

Đợt thu hoạch vụ hè, nhà trường cho toàn bộ học sinh nghỉ, gặt xong mới lại tiếp tục đi học.

Không thể không nói, giáo dục thời này vẫn chưa được coi trọng, nội quy nhà trường rất lỏng lẻo.

Chu Đại Oa: "Ngài mai con thi, ngày kia nghỉ học."

Lâm Thanh Hòa gật đầu: "Ừ, thi tốt nhé."

Chu Đại Oa: "Mẹ, nghỉ hè mẹ cho con đi lên huyện thành với nhá, được không? Mẹ toàn cho Tam Oa với Nhị Oa đi, chưa cho con đi lần nào."

"Ừ, lần sau mẹ cho con đi. Nhưng nếu lần này thi không đạt được thành tích tốt thì dẹp, không có đi đâu hết."

Chu Đại Oa vui mừng: "Tuân lệnh, con sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao."

Lâm Thanh Hoà tiếp tục cắm cúi đóng đế giày, Chu Thanh Bách ngồi bên cạnh nhẹ nhàng quạt gió cho vợ.

Một hồi sau cô càu nhàu: "Sao nhà mình sạch như thế này rồi mà vẫn có lắm muỗi thế nhỉ?"

Muỗi nhiều ơi nhiều, bị cắn phát nào thì ngứa phải biết.

Tam Oa la oai oái: "Mẹ ơi, muỗi cắn con. Mẹ mau bôi dầu cho con đi."

Lâm Thanh Hoà vào phòng lấy dầu gió ra thoa cho nó.

Nhị Oa chìa cánh tay chi chít nốt muối đốt tới: "Con nữa, con nữa."

Lâm Thanh Hoà cũng thoa cho nó.

Dầu gió này là cô mang từ tương lai tới, thoa một chút là đỡ ngứa ngay, hơn nữa còn có hiệu quả đuổi muỗi.

Lâm Thanh Hoà xức cho Chu Thanh Bách rồi quay sang hỏi Đại Oa: "Đại Oa, con có muốn không?"

Đại Oa thở dài, chẹp miệng: "Người đàn ông của mẹ thì mẹ trực tiếp xức. Tới lượt con trai mẹ thì mẹ còn hỏi có muốn hay không. Hình như có người tiếc không muốn cho con dùng a."

Nhị Oa phá lên cười "Haha."

Tam Oa cũng cười theo.

Chu Thanh Bách quay đầu nhìn về phía vợ, ánh mắt thâm tình. Lâm Thanh Hoà khóc không ra nước mắt, oan quá, cô thực sự không có ý gì mà, cái thằng nhóc Đại Oa này nha. Càng lớn càng khó đối phó!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top