VÕ TẮC THIÊN - MỸ NHÂN THAM VỌNG ĐIÊN CUỒNG (p7)

Khi gặp mặt Võ Tắc Thiên, cậu bé nhà họ Nhạc điềm nhiên thưa: "Phụ thân của thần đã chết oan, nhà cửa tan nát, dù có minh oan thì cũng không còn cứu vãn được nữa! nhưng tiểu thần tiếc cho phép nước không minh, tiếc cho bệ hạ bị bọn Lai Tuấn Thần dối gạt mà không nhận ra; liều mạng vào cung biện luận cho Địch tướng quân!".

Võ Tắc Thiên rất ngạc nhiên vì sự can đảm của cậu bé họ Nhạc, gật gù ngồi nghe tiếp. Cậu liền nói: "Trong kinh thành ai cũng biết đã sa vào tay bọn Lai Tuấn Thần thì không thú nhận cũng chết, mà thú nhận thì càng làm cho bọn chúng có thêm công trạng. Vì vậy đa số người bị tố cáo đều nhận bừa cho xong. Tiểu thần biết bệ hạ rất tin tưởng bọn họ Lai, vì vậy có biện luận cách nào đi nữa cũng không kết quả".

Võ Tắc Thiên nghe vậy càng ngạc nhiên, nhíu mày hỏi: "Ngươi cho rằng biện luận không có kết quả thì tại sao lại đòi gặp mặt ta, không sợ phạm vào tội khi quân, mất đầu như cha ngươi hả?".

Cậu bé họ Nhạc vẫn bình tĩnh, cúi đầu nói: "Tiểu thần đâu dám khi quân phạm thượng. Sở dĩ tiểu thần không biện luận bằng lời là vì có phương pháp biện luận không bằng lời nói mà bằng sự việc trước mắt. Bây giờ bệ hạ hãy chọn ra một người thật tin cậy, tức là không hề có dạ phản nghịch, và giao cho Lai Tuấn Thần mà không biết người ấy là ai. Tiểu thần cam đoan, chỉ tỏng vòng 3 ngày, Lai Tuấn Thần sẽ dâng tạ tử biểu cho bệ hạ ngay!".

Võ Tắc Thiên càng kinh ngạc hơn, suy nghĩ một hồi rồi nói: "Nếu không đúng như ngươi nói thì sao?".

Cậu bé họ Nhạc cúi đầu đáp lạnh lùng: "Tiểu thần lấy cái đầu mình và toàn gia ra cược với bệ hạ. Trường hợp tiểu thần may mắn thắng cuộc, không dám cầu xin gì cả, chỉ mong bệ hạ răng đe bọn Lại Tuấn Thần để phép nước được thi hành nghiêm chỉnh, giang sơn nhà Chu nhờ vậy sẽ được trường tồn!".

Võ Tắc Thiên vốn tính rất kiêu ngạo, từ trước đến giờ chưa bao giờ nhận mình là người có sai phạm, thấy cậu bé nói chắc chắn thì thầm suy nghĩ: "Dù ta có thắng đi nữa cũng chẳng vinh quang gì bởi đối thủ là một đứa trẻ chưa ráo máu đầu. Bằng ngược lại, hóa ra ta vạch áo cho thiên hạ biết đến nữ hoàng cũng sai lầm chẳng khác gì người thường ư?".

Vì vậy, Võ Tắc Thiên giả như chưa quyết định, cho mọi người lui ra, rồi chiều hôm ấy xuống lệnh dẫn giải Địch Nhân Kiệt vào cung, tự mình thẩm vấn. Thấy Địch Nhân Kiệt không lộ vẻ khúm núm sợ hãi, bà cầm tpwf tạ tử biểu trong tay, lạnh lùng phán hỏi: "Trẫm đãi ngươi không bạc, sao ngươi đem lòng bội phản triều đình?".

Địch Nhân Kiệt đáp luôn: "Trước mặt bệ hạ thần không dám nói dối nửa lời. Thần suốt đời chỉ biết bỏ máu xương ra phò giúp giang sơn, xông pha ngoài chiến trận không nghĩ đến thân mình, đâu bao giờ dám có ý nghĩ phản bội triều đình. Thần tự nghĩ, nếu chết rồi thì lấy gì mà minh oan, cả dòng họ đều mang tiếng xấu giống như Nhạc tể tướng trước kia mà thôi. Để bảo toàn mạng sống, thần bắt buộc phải cung khai theo ý kẻ thẩm vấn. Xin bệ hạ anh minh xem xét lại cho thần!".

Võ Tắc Thiên cười gằng, hỏi tiếp: "Quả thật không có tội, thì sao ngươi lại hạ bút kí vào tạ tự biểu?".

Địch Nhân Kiệt ngơ ngác trả lời: "Thần thật không biết gì việc ấy, thần chỉ nhận tội cho đỡ bị tra tấn chứ chưa kí tên thú nhận bao giờ!".

Võ Tắc Thiên cười nhạt, đưa tờ tạ tử biểu cho Địch Nhân Kiệt cầm xem tận mắt. Chỉ nhìn thoáng qua, Địch Nhân Kiệt đã nói lớn: "Đây là ngụy tạo, chữ kí của thần không phải như vậy!".

Như đã nói, bản tính của Võ Tắc Thiên rất ngoan cố và kiêu ngạo, nghe Địch Nhân Kiệt nói vậy thì đã đoán ra sự thật nhưng vẫn không biểu lộ ra ngoài mặt, lạnh lùng phất tay cho Địch Nhân Kiệt trở về đại lao mà không nói lời nào. Địch Nhân Kiệt quá hiểu rõ tâm lý người đàn bà nhiều tham vọng điên cuồng này, cúi đầu bái tạ lui ra mà trong lòng nhen nhóm một ít hy vọng, nếu quả ông có tội thật thì chẳng bao giờ nữ hoàng đế cho lui ra dễ dàng như vậy. Quả nhiên chỉ mấy ngày sau, Võ Tắc Thiên xuống chiếu xử lý các quan lại được coi là tình nghi có lòng phản nghịch, biếm Địch Nhân Kiệt xuống làm huyện lệnh ở huyện Bành Trạch, Thôi Tuyền Lễ làm huyện lệnh ở Di Lăng, Nhiệm Tri Cổ làm huyện lệnh ở Giang Hạ, Ngụy Nguyên Trung làm huyện lệnh ở Bồi Lăng, Lư Hiến làm huyện lệnh ở Tây Hương, Bùi Hạnh Bảng bị đầy xuống Lĩnh Nam. Trong chiếu thư không hề nhắc đến trách nhiệm gì của bọn Lai Tuấn Thần, Chu Hưng; đủ biết Võ Tắc Thiên vẫn ngoan cố chỉ muốn dùng bọn tay chân vô lại có đủ can đảm tra tấn, đánh giết người tàn nhẫn giống như mình mà thôi. Kết quả việc lạm dụng hình phạt tàn khốc để cai trị, giữ vững ngai vàng của Võ Tắc Thiên đã sản sinh ra 1 lớp quan lại ngồi trên ghế nhằm vào mục đích vinh thân phì gia hơn lo cho tổ quốc. Những kẻ sĩ quan lại có lòng vì nước vì dân hầu như đã thiệt mạng gần hết, số còn lại ẩn nhẫn chờ thời cơ. Điển hình cho tính cách quan lại đời Võ Chu là 2 câu chuyện được người dân truyền tụng, khi người em được phong làm thứ sử Đại Châu, trước khi lên đường phó nhiệm, tể tướng Lâu Sư Đức đã hỏi: "Muốn bảo toàn tính mạng và chức tước, ngươi phải ứng phó ra sao?".

Người em liền đáp: "Dù ai có nhổ nước bọt vào mặt, em cũng chỉ chùi đi mà thôi, như vậy có thể bảo toàn tính mạng. Được chưa?".

Lâu Sư Đức lắc đầu nói: "Chưa được! Người dám nhổ vào mặt em đã có oán hận gì rồi. Hắn đã có can đảm sĩ nhục em thì ắc có can đảm vu cáo em những tội danh hoang tưởng nhất. Vì vậy khi người nhổ vào mặt, em nên bình thản chùi đi cười vui vẻ, coi như không có thì mới yên thân được!".

Câu chuyện thứ 2 là một thứ triết lý nhẫn nhục đê tiện của 1 tể tướng họ Tô tên Vi Đạo. Theo Tô Vi Đạo thì phương pháp giữ mình hay nhất là việc gì cũng không nên quyết đoán, bao giờ cũng tỏ thái độ lưng chừng, tránh phiền phức vào thân. Triết lý trốn tránh nhiệm vụ, lo bảo toàn của Tô Vi Đạo được rất nhiều quan lại thời ấy tán tụng, thậm chí nâng lên hàng nhân sinh quan, thì đủ biết sự khủng bố tàn nhẫn của Võ Tắc Thiên đã làm cho triều đình Võ Chu trở thành 1 hí trường mà quan lại là những con rối mua vui cho bà nữ hoàng họ Võ. Tuy nhiên sự trấn áp quá đáng cũng không thể làm cho người có tâm huyết nhẫn nhịn được mãi. Ngự sử Lý Tự Chân 1 lần đã lấy hết can đảm dâng tấu: "Hiện nay số người tố cáo quá nhiều, phần là giả dối trả thù riêng chứ không phải là sự thật, không phải là vì lòng trung với bệ hạ mà đứng ra tố cáo. Họ nghĩ đến lợi ích của mình mà không biết rằng vu cáo chính là gây ra sự ly gián giữa vua và tôi thần. Tôi thần run sợ không dám nói sự thật, hoàng đế thì mơ không biết chân giả ra sao, rốt cuộc đâm ra nghi ngờ lẫn nhau. Theo thần được biết thì từ trước tới nay, các triều đại sử dụng cực hình rất thận trọng, xét xử 1 vụ án phải qua nhiều cấp, phối hợp chính xác mới kết luận được. Nay bệ hạ tin dùng người dưới, ban cho quyền hạn xét xử quá lớn, không qua bộ hình, chẳng nhắc gì đến môn hạ tĩnh, như vậy tức là đoạt quyền sinh sát của hoàng đế mà tác oai tác quái. Những việc ấy đều làm hại đến quốc gia, xin bệ hạ minh xét!".

Võ Tắc Thiên đọc xong sớ tấu, không để ý gì đến mà cũng không trách phạt Lý Tự Chân khiến mọi người đều ngơ ngác, không hiểu tâm ý của nữ hoàng đế ra sao. Tuy nhiên, sớ tấu của Lý Tự Chân cũng có 1 số tác dụng nhất định. Từ đó về sau, không ít quan lại bắt chước dâng sớ xin Võ Tắc Thiên giảm bớt khốc hình, trừng trị những ai lạm dụng hình phạt để mưu lợi riêng. Cùng với những sớ tấu liên tiếp dâng lên, Võ Tắc Thiên xem lại thì quả nhiên con số người đứng ra tố cáo cao khủng khiếp, mỗi năm mỗi tăng thêm khiến bà đâm ra lúng túng, có nhiều việc quyết đoán hết sức mâu thuẫn nhau. Trong khi đó, bọn Lai Tuấn Thần rất yên trí về quyền hành của mình, hung hăng bắt giết tùy thích, bọn này dần dần đi tới chỗ không còn suy nghĩ, thích là thi hành ngay; nên cuối cùng tự đi vào chỗ chết. 

Đó là vào năm Thần công nguyên niên, thấy không còn ai có máu mặt xứng đáng cho mình trừng trị, Lai Tuấn Thần bèn bịa chuyện vu cáo cho Duệ Tông và Trung Tông toan tính việc mưu phản. Chẳng ngờ việc này liên quan đến cả vương tộc họ Võ và trực tiếp Thái Bình công chúa – con gái của Võ Tắc Thiên vốn được bà yêu chiều, tin cậy. Tất cả những người bị tố cáo đều 1 lòng liên kết phản công, có thêm 1 số triều thần tâm huyết hỗ trợ nên sau cùng, Võ Tắc Thiên phải xử bọn Lai Tuấn Thần, Chu Hưng vào tội chết. Trước khi quyết định xuống lệnh, Võ Tắc Thiên nhớ lại lời biện thuyết của cậu bé họ Nhạc, liền cho Lai Tuấn Thần đứng ra thẩm vấn Chu Hưng xem sao. Hai tên này tuy cùng 1 bè phái, ngoài mặt giao du thân thiện nhưng trong lòng luôn tìm cách hại nhau đều tranh quyền thế. Khi Lai Tuấn Thần được lệnh của Võ Tắc Thiên thẩm vấn Chu Hưng vì có người tố cáo hắn âm mưu làm phản, Lai Tuấn Thần như mở cờ trong bụng. Hắn chuẩn bị đâu đó xong xuôi rồi mới mời Chu Hưng đến tiệc tùng. Việc giao du chè chén giữa 2 tên này không có gì là lạ nên Chu Hưng chẳng may để ý gì, vui vẻ đến phủ nhà họ Lai. Khi rượu đã được vài tuần, Lai Tuấn Thần giả vờ thở dài, đăm chiêu nghĩ ngợi đến mức không nghe Chu Hưng thao thao bất tuyệt nói về cách thẩm vấn tội nhân tiên tiến nhất mà hắn đã áp dụng luôn luôn có kết quả thành công. Thấy Lai Tuấn Thần nhíu mày thở dài hoài, Chu Hưng vỗ vai cười hỏi: "Xem ra việc quan của Lai huynh bận rộn quá. Tuy nhiên đã vui chơi thì đừng nghĩ gì đến công việc mới thoải mái!".

Lai Tuấn Thần gật đầu, vẻ mặt chưa hết buồn rầu cho biết: "Chu huynh nói rất phải, tiếc là công việc không như ý muốn nên ngay khi cả vui chơi cũng không sao không nghĩ đến nó được!".

Chu Hưng cười hô hố hỏi luôn: "Đối với đệ thì không có gì là không giải quyết được. Việc gì khiến cho Lai huynh phải đau đầu như vậy, nói thử cho đệ biết được không?".

Thấy Chu Hưng trúng kế, Lai Tuấn Thần vẫn giữ bộ mặt đăm chiêu, nói: "Hai hôm nay đệ thẩm vấn một tên phản tặc. Đệ đã dùng mọi cách từ dụ dỗ đến dùng khảo hình khốc liệt nhất mà hắn một mực không nhận tội cũng không thèm ký vào tạ tử biểu, thậm chí hắn còn lớn tiếng mắng chửi đến cả tổ tiên đệ nữa".

Chu Hưng bật cười: "Đó là do Lai huynh chưa sử dụng hết hình cụ mà thôi. Tên này chỉ cần giao cho đệ là cam đoan trong hết một ngày là bảo gì khai nấy liền!".

Lai Tuấn Thần sáng mắt lên hỏi: "Việc này hoàng thượng đích thân giao cho đệ lấy khẩu cung, vì vậy không thể đưa cho Chu huynh được. Nếu có thể Chu huynh cho biết cách gì để hắn cúi đầu ngoan ngoãn".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top