VÕ TẮC THIÊN - MỸ NHÂN THAM VỌNG ĐIÊN CUỒNG (p6)
Nhà Chu khởi nghiệp với hàng loạt sắc phong của Võ Tắc Thiên cho con cháu: Võ Thừa Tự được phong Ngụy vương, Võ Tam Tư lên làm Lư vương, số con cháu của người thúc bá là Võ Sĩ Nhượng đa số cũng được phong quận vương, cai trị 1 vùng. Bà hy vọng với ân huệ ban phát rộng rãi cho con cháu, họ Võ sẽ củng cố vững bền giang sơn nhà Chu. Đạt được tham vọng cuối cùng rồi, ai cũng tưởng Võ Tắc Thiên sẽ ngồi yên hưởng thụ, đất nước được yên ổn. Chẳng ngờ càng ngồi trên ngôi cao, tính tình của Võ Tắc Thiên càng thêm lo lắng, nghi ngờ không đâu, bất cứ 1 việc cỏn con nào cũng đều quy vào phản nghịch và bà cho áp dụng hình phạt khốc liệt để trấn áp. Đây là 1 thời kì các người dân khốn khổ nhất, bởi Võ Tắc Thiên rất coi trọng sự tố cáo, dù chưa có bằng chứng rõ ràng vẫn giam cầm tra xét khắc nghiệt. Quan lại như ngồi trên ghế lửa, ngày hôm nay đang yên vị, ngày mai đã rơi đầu hoặc đi tù đày, nơm nớp không yên thì lấy đâu ra đầu óc hiến dâng kế sách, trị dân giúp nước. Võ Tắc Thiên lại thích gọi thẳng người tố cáo vào cung, tự thân hạch hỏi, nếu có manh mối thì hớn hở ban thưởng, bẳng cớ chỉ là vu vơ cũng vui vẻ cho người tố cáo ra về mà không khép tội. Do vậy, việc tố cáo lẫn nhau trong thời nhà Chu cực kì loạn xạ, may thì sống mà xui rủi thì chết. Người dân từ 4 phương kéo nhau đổ về kinh thành dâng thư tố cáo nườm nượp, bọn nịnh thần lại được 1 phen bóc lột làm giàu, điển hình nhất là tên Sách Nguyên Lễ. Vốn là dân tộc Hung Nô, tính tình vừa tàn nhẫn vừa đa nghi, chỉ 1 lần cáo mật đã được Võ Tắc Thiên vừa ý, phong cho làm chức quan chuyên về loại vụ án này. Sách Nguyên Lễ có cơ hội bộc lộ bản tính tàn nhẫn của mình. Có 1 người tố cáo thì thể nào y cũng tìm ra được 10 người liên quan, rồi dùng hình phạt tra tấn để những người đó khai thêm đồng lõa. Càng nhiều y càng thích, càng có nhiều việc để tâu lên Võ Tắc Thiên để được lãnh thưởng.
Theo gương Sách Nguyên Lễ, 1 số quan lại bắt chước theo, nổi bật nhất là Chu Hưng, Lai Tuấn Thần và Hầu Tư Chỉ. 3 tên này nổi danh hung thần thời nhà Võ Chu, chỉ nghe tới tên là người ta đã lạnh cả gáy dù chẳng có tội gì. Nguyên Chu Hưng chỉ là 1 quan nhỏ ở Hà Dương, khi được Cao Tông gọi về triều thì tể tướng Ngụy Hàn Đồng có khuyên hắn: "Không nên chờ đợi mất công, hoàng đế còn nhiều việc phải giải quyết hơn là gặp mặt các quan nhỏ nơi xa xôi".
Chu Hưng hết sức tức giận, đút lót cho bọn hoạn quan xin được bệ kiến Võ Tắc Thiên, đặt điều vu cáo: "Hạ thần đã từng một lần nghe tể tướng nói với tả hữu: thái hậu tuổi đã cao, lại là nữ nhân, nếu chịu phò tá Duệ Tông thì may ra mới được vinh hiển lâu dài. Khi ấy hạ thần không được dịp bệ kiến thánh mẫu nên ôm ấp mãi trong lòng. Xin thánh mẫu đề phòng họ Ngụy mới được!".
Võ Tắc Thiên tối kỵ nhất là ai chê mình già xấu. Nghe lời tố cáo của Chu Hưng, nổi trận lôi đình, chẳng tra xét gì cả, xuống lệnh cho Ngụy Hàn Đồng tự xử.
Thấy 1 lời nói mà hại chết được 1 tể tướng đương triều, Chu Hưng càng thêm hăng hái trong việc đặt điều vu cáo. Tình cờ nghe bọn nô tỳ trong phủ đại tướng quân Hắc Sĩ Thường tiết lộ chủ nhân có ý đồ phản nghịch, Chu Hưng liền vào dâng công với Võ Tắc Thiên, kết quả Hắc Sĩ Thường chết trong ngục tối và Chu Hưng được thăng lên hình bộ thị lang kiêm ty hình thiếu khanh, tha hồ tác oai tác phúc. Riêng Lai Tuấn Thần chỉ là 1 tên du thủ du thực, nhờ nhiều lần tố cáo vu vơ mà được Võ Tắc Thiên để ý trọng dụng. Lai Tuấn Thần dựa vào các tên vô lại ở kinh thành, họp nhau bàn luận để tố cáo ai và tố cáo tội gì, rồi chia nhau ra cùng lúc tố cáo khắp nơi, kêu cầu Lai Tuấn Thần đứng ra xử lý. Võ Tắc Thiên đọc thư nào đều có tên Lai Tuấn Thần thì rất tin dùng, cho lập riêng 1 tòa sự viện ở Lệ Cảnh môn toàn quyền thẩm vấn tội nhân. Người ta đồn đại, dù không có tội nhưng khi bước vào sự viện thì đã thành ma rồi, trăm người vào chưa thấy ai ra bao giờ, đủ biết Lai Tuấn Thần tàn ác vô nhân như thế nào. Hầu Tư Chỉ còn tệ hại hơn nữa, là kẻ bán bánh ngoài chợ, thế mà chỉ đặt điều vu cáo đã đường hoàng bước lên làm quan. Một lần vào bệ kiến Võ Tắc Thiên, hắn bạo gan tâu: "Được bệ hạ ban ân cho làm quan là phúc đức tề thiên, thế nhưng làm quan nhỏ chẳng những nghèo đói mà còn không có dịp giúp đỡ bệ hạ trong những việc lớn. Giá như bệ hạ cho thần làm ngự sử thì hay biết mấy! Cam đoan thần sẽ thay mặt bệ hạ trừ diệt không còn một mầm mống phản loạn nào!".
Võ Tắc Thiên hơi buồn cười vì vẻ ngây ngô của hắn, hỏi lại: "Ngươi không biết một chữ, cho ngươi làm ngự sử thì đọc tấu sớ thế nào được?".
Hầu Tư Chỉ liền nói thẳng ra luôn: "Theo truyền thuyết dân gian thì con giải trãi thời cổ chỉ có một sừng mà rất ghét kẻ tiểu nhân, thấy ở đâu là liều chết hút ngay lập tức. Tiểu nhân không biết chữ thật nhưng có thể làm con giải trãi, hút chết bọn phản nghịch cho bệ hạ được vậy. Tiểu nhân xin làm con vật cho bệ hạ sai khiến, bệ hạ chỉ đâu tiểu nhân sẽ hút vào đó".
Võ Tắc Thiên đang vui vẻ trong lòng, nghe lời tưởng như ngô nghê nhưng thật ra nịnh hót rất khéo, sẵn sàng so sánh với loài thú vật để làm tôi mọi thì thích thú ban cho Hầu Tư Chỉ làm triều tán đại phu chẳng cần biết hắn tài năng ra sao.
3 tên vô lại tàn nhẫn mất hết lương tri này câu kết với nhau, tung hoành giết người vô tội chẳng khác sài lang, đến các đại thần cũng phải kiêng nể bởi vì bọn chúng rất được Võ Tắc Thiên tin tưởng, thậm chí có quan lại khi được triệu vào cung thì đều nói lời vĩnh biệt gia đình, chắc chắn là chết đến 9 phần. Tố cáo mãi rồi cũng hết người, bọn 3 tên hung thần liền bàn với nhau: Lai Tuấn Thần đứng ra tố cáo 1 loạt các tể tướng Nhiệm Tri Cổ, Địch Nhân Kiệt, Bùi Hạnh Bản cùng với các đại quan Lư Hiến, Ngụy Nguyên Trung, Lý Tự Chân âm mưu phản nghịch triều đình. Trước đó, Lai Tuấn Thần đã xin Võ Tắc Thiên ban quy định: hễ ai nhận tội ngay, kí vào tạ tử biểu thì sẽ tha chết. Vì vậy khi vụ việc được Võ Tắc Thiên giao cho bọn Lai Tuấn Thần thẩm vấn, thì hầu như ai cũng nhận tội bừa để bảo toàn mạng sống, hy vọng sau đó tìm cách minh oan. Chỉ riêng Ngụy Nguyên Trung là người cứng cỏi, nhất quyết không nhận tội mặc dù bị bọn Lai Tuấn Thần tra khảo chết đi sống lại. Một lần kia bị Hầu Tư Chỉ dùng hình cụ tra tấn dã man, Ngụy Nguyên Trung tức giận mắng lại dữ dội, Hầu Tư Chỉ liền chỉ mặt Ngụy Nguyên Trung, nghiến răng nói: "Lần này ta quyết giết bằng hết bọn tự xưng là có học vấn, chê bai bọn chúng ta là hạ tiện. Để xem các ngươi lấy học vấn ra đối phó ra sao?".
Địch Nhân Kiệt nghe được câu này rất lo lắng, lén viết thư rồi đút lót cho bọn quản ngục mang đưa cho con là Địch Quang Viễn, dặn con phải tìm mọi cách gặp mặt Võ Tắc Thiên giải oan cho mình, chậm ngày nào sẽ mất mạng oan ngày ấy. Địch Quang Viễn hết sức cậy cục, nhờ vả; sau cùng gặp được Võ Tắc Thiên nhưng bà ta không tin tưởng, giáng bảo: "Chẳng lẽ thuộc hạ của ta dám lừa dối vu oan cho Địch Nhân Kiệt. Nể mặt phụ thân ngươi đã có nhiều công lao nơi chiến trận, ta sẽ sai Chu Lâm thẩm xét lại sau".
Lai Tuấn Thần có nhiều tai mắt bên cạnh Võ Tắc Thiên, nghe báo tin thì liền viết 1 số tờ tạ tự biểu – tờ biểu thú nhận tội cầu xin được tha chết, bắt toàn bộ kí nhận rồi mau mau vào thanh minh với Võ Tắc Thiên: "Đây là bằng chứng mà chúng thần thu được. Nếu Địch Nhân Kiệt không có tội sao lại thú nhận, chẳng qua hắn muốn lừa gạt bệ hạ mà thôi. Chỉ nội việc lén lút đưa thư ra khỏi đại lao cũng đủ biết hắn không quang minh chính đại. Nếu không có tội thì cứ kêu oan, lẽ nào bệ hạ lại không cứu xét".
Tuy Võ Tắc Thiên lại không quyết định ra sao, nhưng Chu Lâm biết Lai Tuấn Thần đi trước 1 bước thì rất lo sợ, không dám thẳng thắn tra hỏi Địch Nhân Kiệt. Vì việc này, bọn Lai Tuấn Thần vô cùng căm tức Địch Nhân Kiệt, Ngụy Nguyên Trung, thề sẽ tìm mọi cách giết người bịt miệng.
May sao lúc đó có người con trai của tể tướng Nhạc Tư Hối cũng bị bọn Lai Tuấn Thần vu cáo giết chết khi Võ Tắc Thiên mới lên ngôi chừng 2 năm. Lúc đó chỉ là cậu bé 8 tuổi, còn ngây ngô, nhìn cảnh cha bị dẫn đi mà không biết làm sao minh oan cho cha được. Hiện tại cậu bé đã lên 10, trí tuệ phát triển vượt bậc, được người ta tán thưởng thần đồng. Nghe biết tình cảnh của Địch Quang Viễn giống như mình hồi trước, liền tìm đến nói: "Tôi có kế sách giúp Địch tướng quân tỏ được nỗi oan nếu như được tiến dẫn biện luận trực tiếp với hoàng thượng".
Thấy cậu bé rất đỉnh ngộ, lời nói rất quả quyết, thái độ đĩnh đạc nghiêm chỉnh chứ không phải đùa giỡn, chỉ riêng việc can đảm dám đương đầu trực tiếp với Võ Tắc Thiên cũng đủ làm cho người ta tin tưởng. Địch Quang Viễn liền bỏ tiền ra đút lót cho bọn hoạn quan hầu cận nói dùm. Võ Tắc Thiên nghe tâu có cậu bé chưa ráo máu đầu đòi vào gặp mình biện luận minh oan thì hết sức ngạc nhiên, cho vào xem thử để thoả mãn tính tò mò.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top