VÕ TẮC THIÊN - MỸ NHÂN THAM VỌNG ĐIÊN CUỒNG (p4)

Cao Tông còn đang phân vân thì ngày hôm sau, Hứa Kính Tông lại vào tâu thêm: "Trước kia Tùy Dạng Đế vì quá tin tưởng Vũ Văn Thuật, cũng là bậc khai quốc công thần nên trọng dụng con trưởng là Vũ Văn Hóa Cập, gả quận chúa cho em trai là Vũ Văn Sĩ Cập, nhưng cuối cùng thiệt mạng, mất giang sơn vì nhà Vũ Văn. Hạ thần không dám khuyên bảo hoàng thượng, nhưng người ta thường nói: bất độc bất trượng phu. Đừng để khi Trưởng Tôn Vô Kỵ ra tay, thì e rằng đỡ không kịp nữa!".

Nghe vậy, Cao Tông cũng đâm hoảng hốt, hồ đồ hạ chiếu lột hết chức tước của Vô Kỵ, lấy lại toàn bộ đất phong và đày đi Kiềm Châu giống như Lý Trung. Cao Tông không hề nghĩ đến việc cắt chức Trưởng Tôn Vô Kỵ sẽ kéo theo nhiều sụp đổ khác, làm cho triều đình nhà Đường trống rỗng, trở thành vùng đất cho Võ Tắc Thiên và đồng bọn tha hồ tung hoành. Trưởng Tôn Vô Kỵ mất chức rồi, Võ Tắc Thiên chẳng còn gì lo ngại, lần lượt biếm Chử Toại Lương làm đô đốc Đàm Châu, Quế Châu; còn các con của ông là Chử Ngạn Phủ, Chử Ngạn Xuân đều bị giết 1 cách mờ ám trên đường đi đày xuống Ái Châu. Vẫn chưa vừa ý, tháng 7 năm Hiển Khánh thứ 4, Võ Tắc Thiên ghép Liễu Bậc vào tội chết, đồng thời giả chiếu chỉ bắt Trưởng Tôn Vô Kỵ đang ở đất đày phải tự xử; riêng Hàn Viện trước kia cật lực phản đối lập Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu thì khi đã chết rồi vẫn bị đào mả, vứt thi thể xuống sông cho cá ăn.

Những vụ giết người không nương tay vô cùng tàn độc này làm cho người bạo gan nhất cùng phải rùng mình. Từ đó không một ai dám mở miệng xúc phạm đến Võ Tắc Thiên nữa. Triều đình trở thành vở tuồng cho các nịnh thần ngày ngày nịnh hót, thi nhau mua chuộc lấy lòng Võ Tắc Thiên; vừa bảo toàn mạng sống, vừa vinh thân phì gia.

Đến thời điểm này, ngôi vị của Võ Tắc Thiên hoàn toàn vững chắc, bắt đầu tham vọng chiếm đoạt luôn các quyền hành của Cao Tông. Võ Tắc Thiên viện cớ Cao Tông bị chứng đau đầu, tinh thần không minh mẫn, thâu tóm hết các tấu chương, tự mình phê duyệt, không cần hỏi ý kiến của Cao Tông. Thoạt đầu Cao Tông còn có lo ngại, nhưng Võ Tắc Thiên rất khôn ngoan, bà ta không hề làm gì sai phạm, tận tụy lo việc triều đình chẳng khác gì ông vua anh minh. Dần dần Cao Tông tin tưởng trao hết quyền hành cho Võ Tắc Thiên, chỉ vùi đầu ăn chơi hưởng lạc. Thế nhưng khi ấy sức khỏe nhà vua đã quá suy yếu, Võ Tắc Thiên thì còn tuổi sung sức, và việc làm loạn phép tắc trong hậu cung tất phải đến. Võ Tắc Thiên thường đặc cách cho 1 số thanh niên trai tráng ra vào tự do, mặc dù những người ấy không hề có chức tước hoặc nhiệm vụ gì. Cao Tông đành nhắm mắt làm ngơ. Chẳng ngờ 1 thời gian sau, có 1 vị quan tên Dương Phục Thắng vì uất ức khi nhìn thấy những việc vô sĩ đê tiện diễn ra trước mắt, viết thư tố cáo Võ hoàng hậu thông dâm với tên đạo sĩ Quách Hành Chân, lại còn sai y dùng bùa chú trấn ếm những người vô tội. Không dừng được, Cao Tông liền viết mật chiếu hỏi ý tể tướng Thượng Quan Nghi. Vốn có ác cảm với Võ Tắc Thiên, Thượng Quan Nghi lập tức dâng sớ phúc đáp, cho rằng Võ Tắc Thiên lộng quyền, thi hành búa chú mê tín dị đoan, phạm toàn những tội lớn nên cần phải phế bỏ. Cao Tông nghe theo, sai Thượng Quan Nghi viết sẵn chiếu chỉ, chờ hội đình thần lại rồi mang đọc trước bá quan văn võ. Tiếc rằng Võ Tắc Thiên tai mắt nhanh nhạy hơn, nhanh chóng vào thẳng cung Cần Chính, tận mắt nhìn thấy tờ chiếu thư do Thượng Quan Nghi soạn thảo, Võ Tắc Thiên liền giở thủ đoạn mê hoặc, khóc lóc thanh minh, cho rằng mình bị hàm oan. Với sắc đẹp kiều mị sẵn có, Cao Tông càng nhìn mỹ nhân vật vã khóc lóc càng động lòng, ấp úng chối cãi: "Trẫm làm sao có thể phế bỏ ái khanh được! Việc này hoàn toàn do Thượng Quan Nghi chủ trương mà thôi!".

Võ Tắc Thiên biết đã đắc thắng, ngọt ngào xin Cao Tông xé bỏ chiếu chỉ ấy đi, dĩ nhiên là Cao Tông mê muội nghe theo; và việc toan phế trừ hoàng hậu không một ai hay biết. Tuy vậy, Võ Tắc Thiên thừa biết ít nhất cũng phải có ý kiến của Cao Tông thì Thượng Quan Nghi mới dám soạn sẵn chiếu chỉ, vì vậy bà ta tìm cách giết chết Thượng Quan Nghi mới hả dạ. Hứa Kính Tông đoán được tâm ý của Võ Tắc Thiên, 1 lần kia vào cung tâu: "Trước kia, Thượng Quan Nghi và Dương Phục Thắng đều là quan lại trong cung thái tử Lý Trung. Khi Lý Trung chết, nương nương độ lượng không bắt tội các thuộc hạ nên Dươc Phục Thắng và Thượng Quan Nghi mới thăng chức cho đến ngày nay. Hai tên này vẫn còn căm hận việc Lý Trung nên cấu kết với nhau, trước là vu cáo nương nương, sau sẽ hãm hại hoàng thượng báo thù cho chủ cũ. Nếu lật lại vụ án Lý Trung thì có thể lấy cớ trừ bọn Dương Phục Thắng và Thượng Quan Nghi được!".

Võ Tắc Thiên mừng lắm, lập tức sai đình úy xem lại văn bản vụ án Lý Trung, rồi tìm từng câu từng chữ ghép Thượng Quan Nghi vào tội phản nghịch, giam vào đại lao chưa đầy 1 năm thì chết. Con của Thượng Quan Nghi là Thượng Quan Đình Chi cùng với những người liên quan như Dương Phục Thắng lên tới số hàng chục, đều bị trừng trị rất tàn bạo: người chết, người đi đày vĩnh viễn.

Tưởng đâu Võ Tắc Thiên tha hồ tung hoành, chẳng cần phải toan tính gì nữa, thế nhưng trò đời luôn luôn có những biến chuyển mà không sao lường trước được. Giai đoạn tiếp theo, Võ Tắc Thiên phải đối phó với 1 số thế lực chống đối bắt nguồn từ chính gia đình họ Võ. Nguyên lúc Võ Sĩ Hộ chết rồi, chính thê là Lý thị sinh được 2 con trai là Võ Nguyên Khánh và Võ Nguyê Sảng. Hai người này thừa hưởng tước lộc của cha, 1 lòng kính yêu Lý thị; nhưng đối với Dương thị - mẹ của Võ Tắc Thiên là vợ thứ thì tỏ ra khinh miệt. Dương thị cũng không vừa, nhân ngày Võ Tắc Thiên được phong làm hoàng hậu, bà ta bày tiệc lớn, mới tất cả họ Võ đến tham dự, dương dương tự đắc nói: "Các vị được vinh hoa phú quý như ngày hôm nay chẳng phải là nhờ ái nữ của ta sao?".

Nghe vậy, Võ Duy Lương và Võ Hoài Vận đều là em ruột của Võ Sĩ Hộ - cha Võ Tắc Thiên lập tức đứng lên phản đối: "Chúng tôi là dòng dõi khai quốc công thần, lấy tài năng ra giúp dân giúp nước. Đâu phải nhờ vào cái nhan sắc ma mị của con bà mà được vinh hoa phú quý".

Dương thị cứng miệng không cãi được, tức ở trong lòng nên kể lại sự việc cho Võ Tắc Thiên nghe. Tuy sự việc không liên quan gì đến Võ Nguyên Khánh và Võ Nguyên Sảng, nhưng Võ Tắc Thiên đem lòng thù hận đối với tất cả người họ Võ, bí mật sai Hứa Kính Tông bới lông tìm vết để trừng trị. Trong cuộc đời làm quan ở 1 triều đình mất hết kỉ cương phép nước, nếu cố tình thể nào cũng tìm được 1 vài sai phạm nhỏ nhặt nào đó, chỉ cần như vậy, Võ Tắc Thiên lập tức thay mặt Cao Tông hạ chiếu: Võ Duy Lương từ thiếu khanh xuống làm thứ sử, kiểm hiệu ở Long Châu. Võ Nguyên Sảng đang từ thiếu phủ, giáng xuống thứ sử Hào Châu. Nguyên Sảng vì quá uất ức chẳng bao lâu qua đời, Võ Duy Lương cũng chẳng sống được bao lâu. Đó là việc về sau.

Triều đình nhà Đường qua việc thanh trừng nội bộ này yên ổn 1 thời gian, rồi lại có chuyện mới tiếp tục làm cho Võ Tắc Thiên phải ra tay. Nguyên nhân chính là Cao Tông dù sức khỏe đã suy sụp vẫn không hết lòng tham danh hiếu sắc. Võ Tắc Thiên có người chị được phong làm Hàn Quốc phu nhân, thường hay ra vào cung cấm thăm hỏi, cùng nhau vui chơi. Hàn Quốc phu nhân có người con gái rất xinh đẹp, thường theo mẹ vào cung. Cao Tông mấy lần gặp mặt trò chuyện thì rất thích thú, ưu ái phong cho làm Ngụy Quốc phu nhân để có tư cách ra vào cung cấm giống như mẹ. Khi Hàn Quốc phu nhân mất, Cao Tông không còn e ngại gì nữa, toan tính nạp Ngụy Quốc phu nhân làm phi tần. Cao Tông chỉ mới nhen nhúm ý định, Võ Tắc Thiên đã nghe biết, ngấm ngầm giết chết tình địch tương lai, cũng là người cháu của nàng. Nhớ tới việc Võ Duy Lương còn ở Long Châu chưa có dịp diệt trừ, nàng nảy ra 1 kế độc. Võ Tắc Thiên nhân dịp Võ Duy Lương về kinh triều kiến, báo cáo tình hình châu quận; bày 1 tiệc nhỏ, mời riêng những người họ Võ. Bữa tiệc diễn ra bình thường, đến nửa chừng thì Ngụy Quốc phu nhân đột ngột ngã ra chết, máu tươi ứa đầy miệng. Võ Tắc Thiên lập tức hô hoán, vu cáo cho Võ Duy Lương và Võ Hoài Vận bỏ thuốc độc, giết chết Ngụy Quốc phu nhân, giam cầm 2 người được vài tháng thì đem xử tội chết. Nực cười thay, Võ Tắc Thiên càng độc ác, tàn nhẫn bao nhiêu thì càng khoa trương học vấn, đề xướng tôn giáo, đặc biệt là tôn sùng Lão Tử, ưu ái các đạo sĩ. Cùng thời gian Võ Tắc Thiên lập ra Bắc Môn học sĩ để biên soạn sách vở, khuyến khích mọi người theo đạo vô vi của Lão Tử, thì cũng đồng thời vì 1 lý do nhỏ nhặt nhất mà giết luôn con trai của mình là thái tử Lý Quằng. Khi Lý Quằng chết rồi, Lý Hiền được lên làm thái tử nhưng cũng chỉ dựa vào 1 lý do cỏn con là Lý Hiền hoang mang không biết mình là con ruột của Võ Tắc Thiên hay là con của Hàn Quốc phu nhân mà bị biếm xuống làm thứ dân, đày đi 3 châu. Chưa vừa lòng, được 1 thời gian, Võ Tắc Thiên bí mật cho người đến đất đày bức chết Lý Hiền. Bắt đầu từ đó, mỗi lần Cao Tông thiết triều, Võ Tắc Thiên đều ngồi sau màn nghe quần thần tâu báo, Cao Tông chỉ quyết định khi đã có dấu hiệu chấp thuận, chẳng khác gì con rối ngồi trên ngai vàng. Võ Tắc Thiên lộng quyền tới mức không chỉ phế bỏ con người khác: Lý Trung để giữ vững địa vị, mà còn sẵn sàng loại trừ cả con ruột. Khi phế bỏ Lý Hiền rồi, bà đưa Lý Triết lên làm thái tử. Cho rằng đã chịu ơn của mình thì tất cả không thể phản kháng. Nhưng sự việc không đúng như vậy, khi Cao Tông băng hà, Lý Triết lên ngôi hoàng đế lúc 27 tuổi, xưng hiệu là Trung Tông. Nhà vua trẻ còn nhiều hăng hái, không hề sợ Võ Tắc Thiên, tự mình quyết định thăng nhạc phụ là Vi Quyền Trinh giữ chức quan tầm thường ở Tấn Châu lên làm thứ sử Dự Châu, rồi sau đó không bao lâu lại thăng lên thị trung. Tể tướng Bùi Viêm vốn thuộc phe Võ Tắc Thiên hết sức phản đối, cho rằng nhà vua lộng quyền, không được sự chấp thuận của Võ hoàng thái hậu, cũng không tham khảo ý kiến quần thần. Thấy Bùi Viêm dâng sớ ngăn cản, Trung Tông trẻ người non dạ, nóng nảy nói: "Giang sơn nhà Đường là của trẫm, trẫm muốn cho hết họ Vi cũng được; sao ngươi có quyền xem vào tâu bày lôi thôi?".

Bùi Viêm không dám cãi, tức giận chạy vào cung mách với hoàng thái hậu. Võ Tắc Thiên nổi trận lôi đình, ngay hôm đó triệu toàn bộ các quan vào triều, tuyên bố phế bỏ Trung Tông, đày xuống Khâm Châu. Cũng ngay hôm đó, Võ Tắc Thiên lập Dự vương Lý Đáng lên ngôi, xưng hiệu là Duệ Tông.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top