VÕ TẮC THIÊN - MỸ NHÂN THAM VỌNG ĐIÊN CUỒNG (p2)
Nghe Cao Tông nhắc đến Trưởng Tôn Vô Kỵ và Chử Toại Lương, Võ Tắc Thiên càng thêm lo sợ, bởi họ là những trung thần cương trực, là cản trở lớn nhất cho tham vọng của nàng. Trưởng Tôn Vô Kỵ không những là anh của Trưởng Tôn hoàng hậu, mà còn là khai quốc công thần, vai thúc bá của Cao Tông, được triều thần kính nể chẳng khác nhà vua. Còn Chử Toại Lương là cận thần của Thái Tông, được nhà vua coi như sư phụ, hết sức phò tá và dâng nhiều kế sách giúp cho nước ổn dân an. Chử Toại Lương nắm quyền trung thư lệnh dưới triều Thái Tông nhưng khi Cao Tông lên ngôi được phong làm tể tướng, quyền uy chấn động cả triều đình. Chử Toại Lương thì còn có thể thuyết phục được chứ Trưởng Tôn Vô Kỵ thì vô phương, bởi bản tính của ông ta từ trước đến giờ không ai lung lạc được. Tuy nhiên, Võ Tắc Thiên không đầu hàng, nàng nằng nì với Cao Tông: "Hai vị đại thần ấy biết lo cho dân cho nước thì phải có cái nhìn bao quát. Hiện nay hậu cung xao động vì những việc làm độc ác của Vương hoàng hậu thì làm sao mà bệ hạ yên tâm quyết định triều chính. Nếu quả họ là người trung thần, thì phải giúp bệ hạ chỉnh đốn hậu cugn trước. Thần thiếp cúi xin bệ hạ thử cho người đến thuyết phục một lần xem sao!".
Bất đắc dĩ Cao Tông phải sai thân tín đến phủ Trưởng Tôn Vô Kỵ ngỏ lời hỏi xem có thể phế truất Vương hoàng hậu được hay không. Dĩ nhiên Trưởng Tôn Vô Kỵ bác bỏ ngay, giận dữ đuổi người của Cao Tông về. Võ Tắc Thiên liền nhờ mẹ là Dương thị đi thêm 1 lần nữa, kết quả vẫn không được gì. Vốn là người cương quyết, đã muốn là phải được, Võ Tắc Thiên cho người mời đại thần Hứa Kính Tông vào cung, hứa ban thưởng quyền chức và châu ngọc nếu như thuyết phục được Trưởng Tôn Vô Kỵ. Chẳng ngờ ông ta đã sẵn ghét Hứa Kính Tông, mắng chửi cho 1 trận thậm twj rồi còn toan dâng tấu hạch tội, Hứa Kính Tông cả sợ, cúi đầu chạy thẳng không dám ngoái lại. Tưởng đâu việc phế truất Vương hoàng hậu bất thành, Võ Tắc Thiên đã có ý nghĩ chán nản, thì đột nhiên có 1 việc ngoài ý muốn xảy ra. Nguyên Lý Nghĩa Phủ là trung thư xá nhân từ trước đến nay cùng với Trưởng Tôn Vô Kỵ có nhiều xích mích, 2 người xem nhau như tình địch. Thấy Trưởng Tôn Vô Kỵ làm mất lòng Cao Tông, trái ý Võ Tắc Thiên, mắng chửi cả Hứa Kính Tông, Lý Nghĩa Phủ cả mừng, cho đây là cơ hội hãm hại người trung thần này. Thêm vào đó, Lý Nghĩa Phủ còn nghe phong thanh Vô Kỵ sắp điều mình đi làm tư mã ở Bích Châu xa xôi thì thầm tính toán: "Nếu nhân cơ hội này, ta làm cho Vô Kỵ mất chức, thì chẳng còn lo gì bị hắn đẩy đến chỗ rừng thiêng nước độc nữa".
Chưa thật yên tâm, Lý Nghĩa Phủ chạy đến hiến kế 1 trung thư xá nhân khác là Dương Đức Kiệm, được coi là người trí tuệ nhất ở phủ trung thư. Nghe Lý Nghĩa Phủ trình bày ý định, Dương Đức Kiệm cười nói: "Hiện nay hoàng thượng chỉ muốn làm vừa lòng Võ chiêu nghi, tất cả chỉ vì không một đại quan nào đứng ra tán thành, vì vậy hoàng thượng không thể bỏ ngoài tai ý kiến của Vô Kỵ được. Nay ông công khai đứng ra ủng hộ, có khi họa thành phúc. Những gì người khác không dám mà mình dám làm thì mới có kết quả bất ngờ!".
Lý Nghĩa Phủ gật đầu xin nghe theo, ngay ngày hôm sau dâng sớ xin phế bỏ Vương hoàng hậu, lập Võ chiêu nghi lên thay, lấy đó là ý muốn của tất cả bá quan trong triều. Cao Tông chẳng cần biết Lý Nghĩa Phủ đúng hay sai, vớ được sớ tấu thì mừng lắm, lập tức gọi hắn vào cung ban thưởng và thăng lên làm trung thư thị lang kiêm tể tướng. Từ trước đến giờ ai cũng biết Lý Nghĩa Phủ là người gian trá, nịnh hót nên gọi lén là Lý Miêu – họ Lý xảo quyệt như con mèo. Nay chỉ nhờ 1 động tác hợp với tâm ý của Cao Tông đã được ngồi trên nhất phẩm triều đình thì ai cũng bất ngờ. Những kẻ xu nịnh như Hứa Kính Tông, Thôi Nghĩa Quyền, Công Du đều trở mặt nịnh nọt cả Lý Nghĩa Phủ lẫn Võ Tắc Thiên, trở thành 1 bè đảng có thế lực. Thế nhưng Cao Tông vẫn khó tự mình quyết định, 1 hôm bãi triều rồi, cho gọi mấy vị khai quốc công thần như Trưởng Tôn Vô Kỵ, Chử Toại Lương, Lý Tích, Du Chí Ninh vào hậu cung bàn dứt khoát việc nên hay không phế bỏ Vương hoàng hậu. Nhà vua muốn cho Võ Tắc Thiên thấy quyết tâm của mình nên lén để nàng ngồi sau bức rèm, nới với các vị đại thần: "Trẫm cũng không muốn gây xáo trộn nội cung, nhưng tình thế bắt buộc, đành phải mời các khanh đến giải quyết một lần cho xong. Vương hoàng hậu từ lâu đã tuyệt tự không có con. Tuy chưa có bằng chứng chắc chắn, nhưng trẫm cho là hoàng hậu đã ra tay độc ác, giết công chúa của Võ chiêu nghi. Trong khi ấy, dù công chúa đã chết, nhưng Võ chiêu nghi có nhiều hy vọng sinh cho trẫm một hay nhiều hoàng nam nối dõi, rất xứng đáng được thăng lên ngôi chính cung. Theo trẫm thì như vậy hậu cung mới được yên ổn".
Chử Toại Lương chờ Cao Tông nói xong, lập tức đứng lên phản bác: "Hoàng thượng nói sai rồi! Hoàng hậu là danh gia thế phiệt do tiên đế chọn lựa, lại được phó thác trước khi lâm chung, thì dù có chứng cứ đi nữa cũng không thể phế bỏ dễ dàng vậy được. Thần quyết theo di mệnh của tiên đế. Xin hoàng thượng bỏ ý định ấy đi!"
Lý Tích là danh tướng trụ cột, nhưng quen với việc chinh chiến hơn là chính trị, ngồi im không có ý kiến gì.
Cao Tông nóng lòng, gằng giọng nói: "Các ngươi đừng ép trẫm quá! Tuy tiên đế có di mệnh thật, trẫm vẫn hằng tuân theo nhưng tiên đế đâu có tiên lượng được tình hình như ngày nay mà cứ khăng khăng theo từng lời từng chữ!".
Chử Toại Lương nghiêm mặt trả lời: "Bệ hạ đã nhất định thì phận tôi thần phải nói ra những lời không hay. Võ chiêu nghi đã từng hầu hạ tiên đế thiên hạ không nói gì đến việc bệ hạ đưa về cung vì bậc đế vương có thế làm những chuyện theo ý mình, không ai ngăn cản được. Riêng việc lập thành hoàng hậu thì quyết không xong. Nếu bệ hạ muốn phế bỏ Vương hoàng hậu thì tùy ý, nhưng phải chọn một người trong hàng danh gia vọng tộc thay thế, nhất định không phải là Võ chiêu nghi thì mọi người mới tuân phục".
Cao Tông nổi giận xung thiên, đập bàn quát lớn: "Ta là hoàng đế, cứ muốn như vậy thì sao. Các ngươi cho là cố mệnh đại thần thì có thể ép buộc cả thiên tử phải không".
Chử Toại Lương liền để cái hốp xuống thềm, dập đầu tâu: "Vậy thần xin trả cái hốp này cho bệ hạ, về quê an dưỡng tuổi già".
Cái hốp mà Chử Toại Lương đòi trả lại cho Cao Tông chính là vật được tiên đế ban cho, tượng trưng cho quyền lực của cố mệnh đại thần; vì vậy Cao Tông hơi hoảng sợ, tan hết cơn giận dữ.
Thái độ khăng khăng của Chử Toại Lương và thái độ im lặng của Cao Tông khiến Võ Tắc Thiên ngồi sau rèm không sao chịu được, nói nhỏ vừa đủ cho Cao Tông nghe được: "Sao bệ hạ không ra lệnh giết quách tên cứng đầu này làm gương, chắc chắn kẻ khác không dám chống đối bệ hạ nữa đâu".
Cao Tông toan nghe theo, nhưng Trưởng Tôn Vô Kỵ bước ra ngăn lại, cho rằng Chử Toại Lương có cố mệnh của tiên đế, không thể gia hình mà cũng không thể cho từ quan. Cái hốp đó tượng trưng cho tiên đế, Cao Tông đành thở dài, cho tất cả ra về. Riêng Võ Tắc Thiên nhìn qua rèm thấy Lý Tích và Du Chí Ninh không can thiệp thì đã có ý khác, nói với Cao Tông: "Du Chí Ninh chẳng nói làm gì, Lý tướng quân là trụ cột triều đình, một tay nắm đại quyền binh mã, nếu được Lý tướng quân đồng ý thì cũng thừa đủ trấn áp bọn tôi thần cứng đầu rồi. Bệ hạ là thiên tử thay trời trị dân, không thuyết phục được họ thì còn tới cách dùng quyền lực của mình chứ!".
Cao Tông nghe theo, hôm sau mời riêng Lý Tích vào cung, hỏi: "Trẫm nói thật với khanh, trẫm thật lòng muốn lập chiêu nghi lên làm hoàng hậu nhưng Vô Kỵ và Chử Toại Lương nhất định không bằng lòng, họ lại là cố mệnh đại thần. Chẳng lẽ họ muốn sao trẫm cũng phải nghe theo hay sao?".
Lý Tích đáp giống như việc không đáng để ý: "Việc nội cung là do bệ hạ quyết định, đâu phải quốc gia đại sự mà cần phải hỏi ý kiến của các đại thần".
Cao Tông nghe vậy hết sức vui mừng, lập tức vào kể lại cho Võ Tắc Thiên biết. Mỹ nhân cũng mừng không kém, ôn nhu bàn với Cao Tông: "Một mặt bệ hạ cứ nói cứng với các đại thần là việc riêng trong cung, hỏi ý kiến của họ là vì tôn trọng mà thôi, tự mình có thể quyết định mà không ai cản trở được. Khi bệ hạ đã nói ra như vậy thì triều thần sẽ theo về ngay. Những kẻ như Du Chí Ninh sở dĩ nắm chức trọng quyền cao mà khi gặp khó khăn cứ ngậm miệng là vì chưa biết rõ phải theo về ai mà thôi. Đồng thời khi ấy, thần thiếp cũng có quen biết một số đại thần, sẽ nhờ họ ngầm giúp sức. Ngoài đánh vào, trong nội ứng, thì còn việc gì mà không thành công!".
Cao Tông vui vẻ nghe theo. Trước tiên, Hứa Kính Tông theo thời thế, gặp ai cũng giả vờ thở dài nói: "Ta thấy kẻ nông phu muốn đổi vợ thì tiến hành ngay lập tức, thế mà hoàng đế muốn thay vợ lại cứ lúng túng không dám quyết định thì chẳng thể hiểu tại sao?".
Bọn tay chân của Võ Tắc Thiên nhân lời lời nói ấy phao đồn khắp nơi là Chử Toại Lương, Trưởng Tôn Vô Kỵ ỷ mình là cố mệnh đại thần cùng nhau âm mưu lộng quyền, tiến dần đến việc truất ngôi thiên tử. Chử Toại Lương vốn thẳng tính, nghe vậy hầm hầm vào cung trách mắng Cao Tông dung túng cho Võ Tắc Thiên ngoa truyền, làm hại đến triều chính. Cao Tông lập tức vịn vào việc này xuống chiếu: Chử Toại Lương loạn quyền, dám trách mắng thiên tử. Tội khi quân không thể tha, nhưng dù sao cũng là cố mệnh đại thần, nay chỉ biếm làm đô đốc Đàm Châu, nội trong 1 tháng phải ra khỏi kinh thành.
Cũng trong tháng ấy, thấy Trưởng Tôn Vô Kỵ còn đang lúng túng, chưa biết phải đối phó ra sao. Cao Tông nghe theo lời xúi của Võ Tắc Thiên, giáng 1 đòn quyết định: giáng Vương hoàng hậu và Tiêu phi xuống làm thứ dân, suốt đời phải ở trong biệt viện. Võ Tắc Thiên khôn ngoan vấn kế cho Cao Tông, không nói gì đến việc lập hoàng hậu. Việc phế bỏ dựa theo các tội danh còn chưa đủ chứng cứ không phải vì sắc đẹp mà thay ngôi đổi vị. Vì vậy nhiều triều thần không bằng lòng nhưng cũng không có lý do gì phản đối lại.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top