VÕ TẮC THIÊN - MỸ NHÂN THAM VỌNG ĐIÊN CUỒNG (end)
Chu Hưng đang có men rượu, hớn hở khoe: "Chẳng có gì phải giấu, bây giờ Lai huynh tìm một cái nồi đồng to vừa vặn một người ngồi vào, đậy nắp bằng dây xích thật chắc rồi đốt lửa xung quanh. Bảo đảm chỉ trong một canh giờ là tiên thánh cũng phải khai hết. Nếu không khai, ba canh giờ sau xương thịt của hắn nát nhừ, đổ xuống sông là xong!".
Lai Tuấn Thần bật dậy, mặt tươi tỉnh hẳn ra: "Trong phủ của đệ cũng có một cái nồi như vậy, xin Chu huynh tiện đây chỉ dẫn tận tình thì đệ cảm ơn vô cùng!".
Chu Hưng bằng lòng ngay. Chờ khi quân sĩ mang nồi đồng ra, Chu Hưng hăng hái chỉ dẫn: nào phải cho người vào ngồi ra sao, đốt lửa nhỏ liu riu phía ngoài cho thật đều, nóng; còn cẩn thận dặn phải làm một cái lỗ thông hơi phía trên nếu không phạm nhân sẽ chết rất mau không kịp thú nhận tội lỗi. Chu Hưng hướng dẫn đến đâu, Lai Tuấn Thần cho bọn quân sĩ làm thử đến đó, chẳng bao lâu ngọn lửa đã bùng cháy như ý muốn, khi ấy Lai Tuấn Thần mới bất ngờ quát lên 1 tiếng, hô quân sĩ xúm lại trói chặt Chu Hưng lại. Chu Hưng hết sức kinh ngạc, ấp úng kêu lên: "Lai huynh làm cái gì vậy? Chẳng lẽ lại đùa giỡn, đem tiểu đệ ra thử hình cụ này hay sao?".
Lai Tuấn Thần sầm mặt lại nói: "Ta đùa giỡn bao giờ! Có người tố cáo với hoàng thượng là ngươi âm mưu tạo phản nên giao cho ta thẩm vấn. Ngươi đã nghĩ ra hình cụ này thì ta áp dụng thử xem ngươi chịu được đến đâu!".
Chu Hưng nghe vậy chết lặng cả người, mặt tái đi không còn chút máu, hắn biết đã rơi vào tay Lai Tuấn Thần thì chống cự chỉ thiệt vào thân, run rẩy nói chẳng ra hơi: "Tiểu đệ xin ký vào tạ tử biểu, sau này sẽ xin đứng trước mặt hoàng đế kêu oan. Lai huynh nghĩ tình giao hữu từ trước tới nay mà nói giùm với hoàng thượng một tiếng".
Lai Tuấn Thần chờ Chu Hưng ký xong thì liền cười nhạt, cho biết: "Ta đã được lệnh hoàng thượng rất kỹ là khi ngươi nhận tội thì giết lập tức, sau đó hãy về báo cáo. Vì vậy dù ngươi có kêu gào đến đâu thì cũng vô ích mà thôi. Mau mau tự mình vào nồi đồng ngồi đi, ta vì tình giao hữu lâu nay, cho đốt lửa thật lớn để ngươi không phải khổ sở lâu!".
Mặc cho Chu Hưng kêu gào giãy dụa, theo lệnh của Lai Tuấn Thần, bọn quân sĩ xúm lại ấn Chu Hưng vào nồi. Thật ra kẻ ác tâm nhất bao giờ cũng nhát gan nhất. Bọn quân sĩ còn chưa thi hành xong thì Chu Hưng đã gần như chết rồi, nhắm mắt mặc cho ai muốn làm gì thì làm. Lai Tuấn Thần thong thả mang tờ tạ tử biểu vào cung dâng cho Võ Tắc Thiên, khi ấy bà ta mới nhận chân sự thật lời nói của cậu bé họ Nhạc không dối trá chút nào; mà không có dối trá thì chính Lai Tuấn Thần cũng phải chết để yên lòng dân. Võ Tắc Thiên lạnh lùng nói luôn: "Ngươi đã thấy cái chết của Chu Hưng rồi đó. Vì ngươi phục vụ ta nhiều năm nay, ta không muốn ngươi cũng chết thê thảm như vậy. Hãy về tự xử đi!".
Lai Tuấn Thần nghe xong bủn rủn cả tay chân, biết cầu xin cũng vô ích, bò lê dưới đất mà ra về, không còn chút hơi sức nào nữa. Khi Lai Tuấn Thần chết rồi, đột nhiên Hầu Tư Chỉ biến mất. Từ đó trở đi không ai biết tung tích của hắn ra sao. Hóa ra tên bán bánh ngoài chợ lại không ngoan hơn hết, biết tìm đường tháo chạy. Sau khi 2 tên đồ tể Chu Hưng và Lai Tuấn Thần chết rồi, Võ Tắc Thiên nhận được không biết bao nhiêu trình tấu xin minh oan khiến bà cũng có lúc tỏ ra hối hận vì đã để cho bọn chúng lạm dụng hình phạt thảm khốc thẩm vấn quan lại. Hành động đầu tiên khiến triều thần trút bỏ gánh nặng nơm nớp lo sợ là việc Võ Tắc Thiên cho gọi Ngụy Nguyên Trung và Địch Nhân Kiệt về triều cho nắm chức tể tướng như cũ. Ngoài ra Võ Tắc thiên còn nói với thuộc hạ: "Ta xem các sớ tấu minh oan thấy rõ rằng bọn Chu Hưng, Lai Tuấn Thần quá lạm dụng hình ngục, không phân biệt tốt xấu, ai cũng vu cho là mưu phản. Nay Chu Hưng và Lai Tuấn Thần đều đã chết, nếu các ngươi biết ai còn oan ức thì cứ tâu cho ta rõ hãy còn có ai mưu phản nữa không".
Binh bộ thị lang Diêu Nguyên Sùng nghe được câu này, lập tức vào tâu: "Hầu hết người rơi vào tay bọn Chu Hưng, Lai Tuấn Thần đều chết vì bị ghép vào tội mưu phản, điều ấy khiến bệ hạ càng lúc càng lo lắng, long thể bất an. Nay Chu Hưng và Lai Tuấn Thần đều đã chết thì thiên hạ ai còn dám mưu phản nữa!".
Nhờ vậy đất Trung nguyên được 1 thời gian khá yên tĩnh trước khi biến chuyển sang giai đoạn mới - thời kỳ suy tàn của triều đại Võ Chu. Tất cả mọi phiền phức đều bắt nguồn từ việc: ai sẽ là người nối ngôi hoàng đế. Phiền phức nảy sinh là ở chỗ, dù Võ Tắc Thiên đã ngồi chắc chắn trên ngôi chí tôn, không ai dám mưu phản nữa; nhưng bà vẫn là 1 nữ nhân. Bà không thể gọi họ của chồng là ngoại thích và cũng không thể cha truyền con nối cho họ Võ được. Trong số những người xin minh oan có Bùi Địch là cháu của Bùi Viêm dâng sớ, trong đó có đoạn viết: "Bệ hạ dù sao cũng là nữ nhân của họ Lý. Khi Cao Tông qua đời, bệ hạ tài trí hơn người, muốn nắm hết quyền hành quốc gia nên phế trừ họ Lý, ban phong tước lộc cho họ Võ. Bá phụ vì can ngăn bệ hạ lập thất miếu cho họ Võ mà bị tội, thật oan uổng vô cùng! Nay thần không dám nhắc lại chuyện cũ. Chỉ xin bệ hạ cho khôi phục lại địa vị của con cháu họ Lý mới mong bảo toàn được gia tộc."
Như vậy rõ ràng ngôi hoàng đế chỉ có thể cha truyền con nối. Dù hiện nay vợ nối ngôi chồng, nhưng đúng theo phép tắc truyền lại cho con cháu họ Lý, thì vẫn là giang sơn họ Đường chứ không phải họ Võ. Thấy Võ Tắc Thiên tuổi đã cao, tâm tính lại bớt tàn nhẫn như trước, triều thần thi nhau gây áp lực truyền ngôi cho rõ ràng. Võ Tắc Thiên càng thêm lúng túng, tạm thời cho dời đô từ Trường An về Lạc Dương, lấy cớ là cần có thời gian nghỉ ngơi. Tính ra từ lúc Cao Tông chết cho đến khi Võ Tắc Thiên thoái vị khoảng 20 năm, bà chỉ ở Trường An chừng vài năm. Khi đã quen với Lạc Dương, Võ Tắc Thiên quyết định sống hết cuộc đời ở đó, đổi tên Lạc Dương thành Thần Đô, khác với Trường An là kinh đô. Võ Tắc Thiên cho lập thất miếu họ Võ ở Lạc Dương, nhưng đồng thời cũng không ngăn cản con cháu họ Lý ở Trường An; điều này chứng tỏ tâm lý của bà phân vân giữa 2 ngã đường, tự mâu thuấn với chính mình; mâu thuẫn này ám ảnh Võ Tắc Thiên mãi cho đến khi chết. Thậm chí Vương Khánh Chi muốn nịnh hót, dâng sớ tấu xin hoàng đế lập Võ Thừa Tự làm hoàng tử. Thấy Võ Tắc Thiên không bằng lòng, Vương Khánh Chi còn cố thuyết phục: "Hiện giờ giang sơn Trung nguyên là của họ Võ, tại sao còn để họ Lý ( tức Duệ Tông ) ngồi trên ngôi vua. Như vậy sau này họ Lý sẽ kế thừa chứ không phải họ Võ. Xin bệ hạ minh xét mà chuẩn tấu!".
Vì Vương Khánh Chi muốn nịnh hót mà gây ra sự bực bội trong lòng bà nữ hoàng đế. Sau này Võ Tắc Thiên có dịp dã trừ khử Vương Khánh Chi không thương tiếc. Riêng trung thư thị lang Lý Chiêu Đức khuyên khéo léo hơn, lấy đạo đức phong kiến ra làm bà thay đổi suy nghĩ, hy vọng bà sẽ quyết định sáng suốt mà trả ngai vàng về cho họ Lý. Ông nói với Võ Tắc Thiên: "Cao Tông là chồng của bệ hạ, Hoàng Tự là con của bệ hạ. Bệ hạ truyền ngôi cho con thì chẳng ai dị nghị. Nếu truyền cho cháu ngoại thì sau này rất khó thu xếp. Từ xưa đến nay thần chỉ nghe con cháu chính dòng lập miếu thờ cho cha mẹ tổ tiên; có ngoại thích nào lập đến thờ cho bà, cô, ông, cậu đâu".
Võ Tắc Thiên nghe vậy không trả lời, nhưng trầm ngâm suy nghĩ mấy ngày trời, chứng tỏ trong lòng bà giằng xé không sao quyết định được. Tuy bà đồng ý là con ruột đáng tin tưởng hơn cháu ngoại nhưng như vậy dòng họ Võ sẽ ra sao? Bao nhiêu công sức cướp đoạt giang sơn họ Lý nay lại trả về cho họ Lý thì tiếc rẻ biết bao. Về cuối đời, bà muốn bênh vực cho họ Lý nhưng đồng thời cũng muốn con cháu họ Võ được ngồi trên ngai vàng, thật là khó giải quyết đôi bề! Có lần tên nô tỳ thân tín của Võ Tắc Thiên là Đoàn Nhi vu cáo Hoàng Tự. Bà chẳng cần biết hắn cáo tố đúng hay sai, cho người giết ngay lập tức. 1 lần khác có người tố cáo Hoàng Tự liên kết với Lư Lăng vương toan làm phản, Võ Tắc Thiên liền cho bắt giam không thèm tìm hiểu thêm. Nhìn bề ngoài tưởng như Võ Tắc Thiên ưu ái với họ Lý, thật ra chính bà không sao quyết định được nên hễ cứ khó nghĩ là ra tay giết luôn cho khỏi bận tâm. Đó chính là sự mâu thuẫn của việc họ Lý hay họ Võ sẽ kế thừa giang sơn họ Đường. Tình trạng của Võ Tắc Thiên tiến không xong, lùi không được, rốt cuộc trở thành 1 bà già lẩm cẩm quyết định bất nhất, nóng nảy khó chịu, hay gắt gỏng. Thế nhưng chính Võ Tam Tư, Võ Thừa Tự nói thẳng với bà cô cầu xin được lên ngôi hoàng đế thì bà lại bằng lòng; may nhờ có Địch Nhân Kiệt can ngăn, bà mới dẹp bỏ ý định ấy. Võ Thừa Tự vì việc này đâm ra buồn rầu, bệnh tật rồi chết yểu. Việc lập người thừa kế ngai vàng không những làm người dân Trung nguyên xôn xao bàn luận mà nó còn lan tới cả các nước miền bắc, trong số đó Đột Quyết là nước tác động tới quyết định của Võ Tắc Thiên là nhiều nhất.
Lúc ấy Đột Quyết đang là quốc gia hùng mạnh về quân sự , nhiều lần xâm phạm Trung nguyên. Võ Tắc Thiên cũng muốn theo gương hòa thân của các triều đại trước, sai con trai của Võ Thừa Tự là Võ Diên Tú – tức Hoài Dương vương mang châu ngọc đi cầu thân, xin được lấy con gái của Nạp Mặc Xuyết là khả hãn của Đột Quyết. Khi vào triều kiến, chẳng ngờ Nạp Mặc Xuyết đọc xong chiếu thư cầu thân thì đùng đùng nổi giận, đứng dậy nói lớn: "Ta là khả hãn một nước lớn mạnh, nếu có bằng lòng thì phải hòa thân với người họ Lý, con cháu của hoàng đế Trung nguyên. Ngươi không phải con cháu họ Lý thì đến đây làm gì?".
Võ Diên Tú đáp trả hơi cứng cỏi càng làm cho Nạp Mặc Xuyết thêm nóng nảy, lập tức truyền lệnh bắt giam rồi nói với các sứ thần đi theo: "Ta biết các vua họ Lý chưa có cơ hội nổi dậy lật đổ thế lực của họ Võ. Nếu có chuyện gì xảy ra, ta quyết đem quân giúp sức cho họ Lý đến khi thành công thì thôi!".
Không dừng ở đó, Nạp Mặc Xuyết còn viết thư thách thức Võ Tắc thiên, đại ý nói rằng: con gái của 1 vị khả hãn Đột Quyết là lá ngọc cành vàng, chỉ có thể gả cho con cháu hoàng tộc – tức họ Lý thì mới môn đăng hộ đối. Họ Võ không tìm hiểu trước, tự ý sai người sang cầu thân là có ý khinh dễ, sắp tới có thể tiến quân vào Hà Bắc trừng phạt thái độ vô lễ ấy bằng bạo lực. Vì vấn đề nội bộ, Nạp Mặc Xuyết không thực hiện được lời hăm dọa ấy nhưng có thể chứng tỏ cho Võ Tắc Thiên thấy 1 điều, Đột Quyết có thể tấn công Trung nguyên bất cứ lúc nào, nhất là họ Võ cứ nhất quyết chiếm đoạt ngôi vua Trung nguyên. Tác động của Đột Quyết càng làm cho Võ Tắc Thiên thêm khó nghĩ, nghiêng về giải pháp trả lại ngai vàng cho họ Lý, vừa tránh được binh đao, vừa bảo vệ an toàn cho con cháu họ Võ yên thân suốt đời. Mãi cho đến khi Võ Tắc Thiên quyết định lập Lư Lăng vương Lý Hiển làm thái tử, tâm lý của bà vẫn chưa hết mâu thuẫn, sau đó vài tháng lại lập cả 1 người con cháu họ Võ làm thái tử. Thái độ kỳ lạ của bà làm cho cả quần thần đều ngơ ngác không sao hiểu nổi. Chắc Võ Tắc Thiên cũng biết lòng người hoang mang, nên lại thay đổi ý kiến 1 lần nữa, lần này chấp nhận con cháu họ Lý được kế thừa ngai vàng nhưng bắt buộc Tương vương Lý Đán, Thái Bình công chúa, Lý Du Khải – là chồng của Thái Bình công chúa lập lời thế ước khắc vào cuốn sách bằng sắt, theo đó 2 họ Lý – Võ phải đời đời thuận hòa, không được đánh giết lẫn nhau. Hành động này tưởng như có thể giảng hòa được cục diện hòa giải của 2 dòng họ, thật sự dưới mắt triều thần cũng kỳ quái y như lập thái tử cho cả 2 họ Lý và họ Võ. Dĩ nhiên 1 số triều thần không bằng lòng và cũng không phản đối bới biết nữ hoàng đế bây giờ đã thất tuần, tâm lý lại bị căng thẳng thì ban bố những quy định ngược ngạo ấy là lẽ tự nhiên.
Trước kia lúc Lý Kính Nghiệp nổi dậy, thấy Võ Tắc Thiên thúc đại quân đi đánh dẹp, tể tướng Bùi Viêm có phê bình: "Nếu như bệ hạ bằng lòng trao lại ngai vàng cho họ Lý thì có lẽ sẽ không hao tổn binh lực; Lý Kính Nghiệp cũng không bao giờ có ý phản lại triều đình!".
Câu nói ấy thật ra cũng chỉ là ý kiến bình thường của 1 tôi thần, thế nhưng Võ Tắc Thiên đã có ý tức giận Bùi Viêm ngay từ khi can ngăn việc lập thất miếu cho họ Võ, nay nhân cớ này hạ lệnh xử trảm ngay lập tức. Hiện tại 1 danh sĩ tên là Tô An Hàn dâng sớ lên Võ Tắc Thiên, đại ý cũng giống như lời khuyên can của Bùi Viêm mà bà không hề trách móc tiếng nào. Trong sớ tấu, Tô An Hàn viết: "Bệ hạ được sự giao phó của Cao Tông, được con trai nhường nhịn đã ngồi trên ngôi cửu ngũ hai mươi năm nay thì lịch sử tất ghi nhận như một sự kiện quan trọng. Họ tộc tất không bằng tình cảm thương yêu của mẹ con. Nếu thái tử nắm đại quyền thì vẫn kính yêu bệ hạ có khác gì hôm nay bệ hạ đang ngồi trên ngai vàng. Như vậy nhường ngôi cho thái tử, bảo trọng lấy sức khỏe, an vui với tuổi già chẳng hay hơn sao? Từ xưa đến nay việc trị lý một quốc gia không bao giờ có hai họ cùng nắm quyền, thế mà hiện nay họ Võ được phong vương nhiều hơn họ Lý, mai sau khi bệ hạ vạn tuế, họ nào lên ngôi cũng khó tránh được xáo trộn tranh giành. Giang sơn vốn là của họ Lý, bệ hạ cũng thuộc về họ Lý; theo khuôn phép truyền đời thì họ Lý phải nắm đại quyền. Xin bệ hạ minh xét mà giáng họ Võ xuống hàng công hầu, như vậy may ra thì triều đình mới ổn định được. Bệ hạ muốn họ Võ ngồi trên ngai vàng thì họ Lý tất không phục, đất nước mãi mãi còn rối loạn!".
Thấy Võ Tắc Thiên không có ý kiến gì về sớ tấu, Tô An Hàn lại can đảm tiếp tục dâng sớ lần nữa, trong sớ viết: "Thiên hạ là của hoàng đế. Thực tế xã tắc giang sơn ngày hôm nay bệ hạ có được là của họ Lý. Nay đã có thái tử, bệ hạ vẫn còn ngồi trên ngai vàng là quên tình nghĩa mẹ con, làm sao còn mặt mũi nhìn thấy tổ tiên nhà họ Lý trong thái miếu, làm sao nhìn mặt Cao Tông khi vạn thọ thiên thu. Thần học dịch thấy rằng: vật đến cùng cực tất trở lại, vật chứa đầy tất nghiêng đổ. Nay bệ hạ vẫn còn cơ hội thuận theo ý trời, trả lại thiên hạ cho họ Lý thì mới là người hiểu được lẽ thay đổi của trời đất".
Những lời lẽ như vậy nếu cách đây vài năm thì Tô An Hàn mất đầu từ lâu. Hiện tại Võ Tắc Thiên không thể tự dối mình được nữa, không bắt tội Tô An Hàn nhưng cũng không quyết định; rốt cuộc bà đã làm trái với trật tự tự nhiên và vật chứa đầy tất sẽ nghiêng đổ mà thôi.
Về cuối đời, Võ Tắc Thiên vẫn còn nhiều tham vọng và dục vọng, bà sủng ái 2 anh em trẻ tuổi tuấn tú là Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông, đặc cách cho họ được ra vào cung cấm tự do. Vì là 2 anh em nên người ta thường gọi Dịch Chi là Ngũ Lang, Xương Tông là Lục Lang. Vốn là kẻ chơi bời hư hỏng, nay được quyền thế trong tay nên 2 anh em họ Trương dần dần trở nên hống hách, lạm quyền, không kiêng sợ gì các đại thần. Cục diện đang căng thẳng giữa 2 họ Lý – Võ chưa giải quyết xong thì nay lại thêm hỗn loạn vì sự lộng quyền của 2 anh em họ Trương. Cũng may thời kì này kéo dài không lâu, Võ Tắc Thiên tuổi già sức yếu, lâm bệnh nằm liệt trên giường. Mặc dù có nhiều sớ tấu khuyên can nhưng bản tính độc đoán vẫn còn tiềm ẩn trong huyết quản, Võ Tắc Thiên không cho các tể tướng vào vấn an mà chỉ để 2 tên họ Trương hầu cận quanh mình; vì vậy 2 tên này càng thêm ngang ngược hống hách, đe dọa sẽ giết hết kẻ nào dám phê bình hay chống đối, thậm chí còn dám đe dọa cả Trung Tông. Không dừng được, triều thần có tâm huyết với đất nước phải chọn con đường bạo lực. Tham gia chính biến gồm có tể tướng Trương Giản Chi, Thôi Quyền Vi, Hoàng Ngạn Phạm, Diên Thứ Kỉ, Kính Uy. Sau khi bàn luận xong kế sách, tất cả các đại thần liền tập trung quân tướng dưới quyền mình, bất ngờ xông thẳng vào cung, chớp nhoáng chặt 2 tên họ Trương làm mấy mảnh, buộc Võ Tắc Thiên phải viết chiếu truyền ngôi cho thái tử, vẫn giữ hiệu là Trung Tông.
Nhà vua lên ngôi lần thứ 2, đổi quốc hiệu vẫn là nhà Đường như cũ, đổi Thần Đô thành Đông Đô. Dù triều đại Võ Chu đã chấm dứt hoàn toàn nhưng Trung Tông vẫn yêu kính mẹ, tôn phong Võ Tắc Thiên là Tắc Thiên đại thánh hoàng đế. Cuộc chính biến diễn ra được 10 tháng thì Võ Tắc Thiên trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 82 tuổi. Trước lúc lâm chung, có lẽ tinh thần đã tước bỏ được tham vọng điên cuồng, bà sai ghi lại trong di chiếu là chỉ giữ danh hiệu Tắc Thiên đại thánh hoàng hậu thay cho Tắc Thiên đại thánh hoàng đế. Triều đại Võ Chu đã chấm dứt nhưng để đạt được tham vọng điên cuồng ấy, mỹ nhân kiều mỵ một thời đã quá tàn nhẫn, giết người không gớm tay; nên dù nhiều người công nhận bà là người tài trí anh kiệt trong giới nữ lưu, tên tuổi của bà vẫn là 1 vết nhơ trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Người ta nhắc đến Võ Tắc Thiên và tán tụng là mỹ nhân có sức mạnh mê hồn, làm điên đảo cả 1 triều đại huy hoàng như nhà Đường, đồng thời cũng chê trách tham vọng điên cuồng của bà đã khiến 1 mỹ nhân trở thành tội nhân của lịch sử.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top