TRIỆU PHI YẾN - MỸ NHÂN LOẠN CUNG ĐÌNH (end)
Hợp Đức cả mừng, bái tạ Thành Đế xong, vào trong tắm rửa thay đổi xiêm y trong khi Thành Đế sai phái các cung nữ. Một lúc sau, các cung nữ xúm xít bế hoàng tử trên tay, bọc bằng tấm chăn bông lớn màu vàng, 2 bên có bọn nội thị theo bảo vệ rất nghiêm ngặt. Thành Đế bế đứa con trai lên ngắm nhìn 1 lát, tỏ vẻ thỏa mãn trước khi giao cho Hợp Đức. Nhìn thấy hoàng tử trắng trẻo kháu khỉnh, Hợp Đức tỏ ra rất vui sướng, luôn tay nựng nịu, miệng khen ngợi: "Được hoàng nam đĩnh ngộ như vậy, chắc chắn nhà Hán sau này sẽ hưng thịnh. Bệ hạ quả là có phúc tề thiên, thần thiếp càng nhìn càng tủi cho phận của mình không được may mắn như vậy".
Thành Đế quan sát thái độ của Hợp Đức rất kĩ, không thấy 1 chút gì giả dối, thì cũng mừng trong lòng, cười ha hả: "Ái khanh không được làm mẹ một người nhưng được làm mẫu nghi khắp cả thiên hạ còn gì!".
Hợp Đức gật đầu, đưa ngón tay vào miệng cho đứa bé mút chùn chụt, rồi trợn đôi mắt phượng lên vừa cười tươi như hoa nở vừa nói: "Có lẽ hoàng tử đã đói rồi đây, mau mang về cho mẹ nó săn sóc!"
Thành Đế hết sức đắc ý, đưa tay bế đứa bé rồi trao lại cho bọn cung nữ, dặn dò: "Các ngươi mang hoàng tử về cung, khi đi đường nhớ cẩn thận gió sương, nếu có gì sai sót thì mấy cái đầu không chuộc được tội lỗi đâu!"
Bọn cung nữ cúi đầu bái tạ mau mắn bế hoàng tử ra khỏi cung, cười vui ríu rít. Thành Đế nhìn theo, hớn hở nói với Hợp Đức: "Bao nhiêu năm nay ta mang nặng ước ao, bây giờ mới được thỏa mãn. Thật cao thiên còn muốn độ trì cho nhà Hán trường tồn".
Thái độ của Hợp Đức khác hẳn khi trước, chỉ cười nhạt rồi kêu nhức đầu, vào hậu cung nằm nghỉ. Thành Đế cũng không để ý, vừa toan bước ra thì chợt có tiếng kêu gào lẫn trong tiếng khóc từ xa đưa lại. Hình như linh tính có điều gì báo động, trái tim Thành Đế đập như trống trận, mặt rồng tái mét, chạy vội ra cửa quát tháo nhưng bọn cung nữ cùng nội thị vẫn không ngưng tiếng khóc. Tất cả phủ phục trước mặt nhà vua, tiếng khóc càng thêm thê thảm, nói không ra lời. Tuy chưa biết việc gì xảy ra, nhưng Thành Đế vẫn như mất hết hồn vía, đứng như trời trồng 1 lúc lâu mới nghẹn ngào hỏi: "Hoàng tử ra sao rồi?".
Tiếng khóc của bọn cung nữ nội thị càng to hơn, chen lẫn cả tiếng u oán như người sắp chết khiến Thành Đế lạnh cả người. Thật ra bọn này khóc cho kiếp làm người ngắn ngủi của hoàng tử thì ít, mà khóc cho thân phận của mình chắc chắn khó thoát khỏi cái chết thì nhiều, vì vậy càng lúc càng nức nở to hơn. Thành Đế qua cơn kinh hoảng, nóng nảy hỏi luôn mấy tiếng thì mới có 1 tên nội thị gạt nước mắt, nghẹn ngào tâu lên: "Chúng thần đưa hoàng tử về cung, trên đường đi chẳng có gì khác lạ, đến khi Hứa nương nương đưa tay đỡ lấy mới kinh hoảng nhận ra hoàng tử đã tắt thở từ bao giờ".
Thành Đế choáng váng cả người, tai ù đi, không còn nghe được gì nữa, người như muốn ngã xuống. Bọn nội thị theo hầu vội lấy thuốc bôi dầu, đỡ 2 bên cho đứng vững. Bọn này toan gọi thái y nhưng Thành Đế chợt tỉnh táo đôi chút, gắng gượng hỏi: "Tình trạng hoàng tử chết ra sao? Thân thể có tím đen hay không?".
Sở dĩ Thành Đế hỏi câu này vì chợt nhớ tới, Hợp Đức có lúc đưa ngón tay đưa ngón tay vào miệng cho hoàng tử đùa chơi. 1 tên nội thị nén sợ cố gắng trả lời: "Hoàng tử không hề có dấu vết gì trúng độc. Thân thể hoàng tử thậm chí sắc mặt vẫn hồng hào như người ngủ say. Chúng thần đã gọi thái y nhưng chính đại phu cũng không tìm ra nguyên nhân cái chết. Xin thánh thượng mở lòng nhân tha chết cho chúng thần".
Thành Đế nghe vậy, không biết phải làm sao, đành hạ chỉ cho Đình úy tra xét sự việc trước khi làm lễ tống táng cho vị hoàng tử xấu số. Có lẽ Hợp Đức đã sử dụng loại thuốc độc cực mạnh, không mùi không sắc, hoặc giả chính Đình Quý cũng bị mua chuộc, che giấu nguyên nhân, nên cuối cùng vụ án cũng đi vào quên lãng. Thành Đế không có chứng cứ nào, chỉ còn biết ngày đêm tự trách mình, đã làm hoàng đế mà vẫn không bảo vệ được con cái. Lúc ấy ở ngoài thành, chẳng biết ai đã dạy cho bọn trẻ con hát đồng dao: "Yến phi lai, trác hoàng tôn", tức là "chim yến bay đến mổ chết hết con cháu hoàng gia" rất phổ biến. Thành Đế nghe câu đồng dao này càng thêm đau xót, sức khỏe và tinh thần đều suy sụp. Năm Thành Đế 45 tuổi, đột nhiên 1 hôm nhà vua ngủ dậy, bỗng thấy đầu óc choáng váng, mắt tối sầm lại rồi gục luôn xuống long sàng, không kêu được tiếng nào. Hợp Đức nhận ra ngay đó là dấu hiệu nguy hiểm, vội lớn tiếng gọi cung nữ vào săn sóc cho hoàng đế, đồng thời cấp tốc mời thái y đến. thái y chẩn mạch xong, vội quỳ xuống thưa với Hợp Đức: "Thưa nương nương, hoàng thượng đã băng hà!".
Hợp Đức nghe vậy mất hết hồn vía, kêu thất thanh: "Sao lại vậy được? Đêm qua đâu có dấu hiệu gì khác lạ!".
Lúc ấy Vương thái hậu, Triệu Phi Yến cũng đã nghe tin, tất tả chạy đến. Vương thái hậu đang có dã tâm với nhà Hán, nghe tin Thành Đế băng hà thì khóc rống lên, chỉ tay mắng Hợp Đức: "Ngươi! Tiện tì nhà ngươi đã làm gì hoàng thượng? Mau triệu Vương Tư Mã về đây tra xét mọi việc!"
Khi biết rằng Thành Đế đã chết, Hợp Đức đau đớn và bối rối cùng cực, bởi vì nhà vua chính là chỗ dựa duy nhất trong cuộc đời mình. Hợp Đức cũng biết có rất nhiều người oán giận, thù ghét nàng đến tận xương tủy, nhưng vì còn Thành Đế nên chịu nuốt hận, không dám ra tay. Nay vì Thành Đế mất, đó là cơ hội cho mọi người báo thù, mà trước tiên là Vương Mãng, hiện đang giữ chức Đại Tư Mã, con của Vương Mạn, tức là cháu của Vương thái hậu. Trong số các đại thần nắm giữ quyền hành, thì hắn là người thâm hiểm và có dã tâm nhiều nhất, chắc chắn khó để cho Hợp Đức làm mưa làm gió. Phi Yến và Hợp Đức đều biết Vương thái hậu có nhiều dã tâm, ép buộc Thành Đế phong chức tước bừa bãi cho con cháu, thậm chí chỉ là người họ Vương, không hề thân thích cũng được ưu đãi. Trong số ấy, Vương Mãng là người mưu mô, nhiều thủ đoạn nhất. Từ khi được người chú là Vương Phụng tiến cử ra làm quan, chỉ 1 thời gian ngắn Vương Mãng đã leo lên tới chức Đại Tư Mã, nắm hết quyền binh trong tay. Vương Chính Quân – tức Vương thái hậu rất tin dùng Vương Mãng, khi biết Thành Đế đã băng hà, lập tức gọi vào cung Vị Ương , trao toàn quyền cho hắn tra xét. Vương Mãng cùng với thừa tướng Khổng Quan xuống lệnh giam lỏng Hợp Đức, mỗi ngày mấy lần đến tra xét hăm dọa, ép buộc phải khai theo ý muốn bọn chúng. Bọn chúng bày hình cụ la liệt, làm cho Hợp Đức loạn cả đầu có, mất hết sự minh mẫn vốn có, vì vậy càng khai càng mâu thuẫn mặc dù Hợp Đức không hề biết chút gì về nguyên nhân cái chết của Thành Đế. Nhưng nhà vua chết ngay trên giường của mình, thì có 10 miệng cũng không thanh minh được, thế mà nàng lại cung khai đầu đuôi bất nhất, thì càng dễ cho bọn Vương Mãng ghép tội nặng hơn. Khi ấy nàng đang bị giam lỏng nên Phi Yến không thể liên lạc an ủi, cũng không có cách nào cứu giúp em gái, đành khoanh tay chờ số phận đưa đẩy. Những ngày ấy, Hợp Đức sống trong cảnh cô đơn tăm tối cùng với sự ê chề nhục nhã mặc dù vẫn có 1 số cung nữ hầu hạ bên cạnh. Tâm trí nàng bắt đầu hồi tưởng lại những việc trước kia, từ việc hãm hại Hứa hoàng hậu, giết mẹ con Tào mỹ nhân cho đến đầu độc vị hoàng tử còn trong trứng nước, bao nhiêu hậu quả ấy sẽ dồn hết lên đầu nàng ngày hôm nay, vô phương tránh đỡ. Quá phẫn uất và bi thương, Hợp Đức tự nghĩ: "Với bao nhiêu tội danh mà Vương Mãng cố tình đổ lên đầu, trước sau gì ta cũng phải chết; chi bằng ta chọn cái chết thì hay hơn, may ra nhờ đó mà Triệu tỷ tỷ còn giữ được ngôi hoàng hậu".
Hợp Đức liền gọi các cung nữ lại, lấy hết số vàng bạc của mình phân phát cho bọn họ, rồi đêm ấy dùng loại thuốc độc cực mạnh không mùi không vị vẫn luôn luôn đem theo trong người, tự vẫn chết ngay trong cung. Đối với Vương Mãng, Hợp Đức và Phi Yến chỉ là việc nhỏ, dù sống hay chết cũng không ngăn trở nổi âm mưu từng bước chiếm đoạt giang sơn nhà Hán của hắn, nên khi Hợp Đức chết rồi, tên gian thần này không tra cứu thêm nữa, đồng thời lấy cớ Phi Yến không liên lụy gì, để yên cho nàng 1 thời gian. Giai nhân tuyệt thế họ Triệu chết rồi, cả kinh thành xôn xao bàn tán, người thương tiếc cho nhan sắc khuynh thành uổng phí khi còn xuân xanh, kẻ cho rằng trời cao có mắt, không để ý đến những cơn sóng ngầm mà Vương Mãng và Vương thái hậu sắp gây ra làm sụp đổ nhà Hán.
Vì Thành Đế không có con ruột, Vương thái hậu và Vương Mãng quyết định đưa Lưu Hơn lên nối ngôi. Lưu Hơn ( là con của Định Đào vương Lưu Khanh, anh cùng cha khác mẹ với Thành Đế) lên ngôi xưng hiệu là Hán Ai Đế. Sở dĩ Vương thái hậu chọn Lưu Hơn là vì hắn vốn u tối, mê muội, dễ dàng làm cho mình nước cờ trao hết quyền hành cho thân thích nhà họ Vương. Ai Đế lên ngôi xong, với sự thúc giục của Vương Mãng, phong cho Phi Yến làm hoàng thái hậu. Thế nhưng cuộc đời của giai nhân làm điên đảo tâm hồn bậc quân vương 1 thời ấy không được bình yên bao lâu. Mặc dù sau cái chết của Hợp Đức, nàng đã lui về hậu cung sống âm thầm như 1 bóng ma. Bóng ma ấy sở dĩ còn vất vưởng là vì Vương Mãng đang ra sức củng cố thế lực của mình. Sau 1 thời gian, Vương Mãng mới bắt đầu diệt, trấn áp các đại thần, trừ khử bất cứ ai chống đối, mà trước tiên là lấy Phi Yến ra làm gương. Chính hắn yêu cầu Ai Đế phong cho Phi Yến làm hoàng thái hậu, thì nay cũng chính hắn dâng tấu hạch tội nàng đồng lõa với Hợp Đức lộng hành nội cung, hãm hại các hoàng tử và mỹ nhân, xin Ai Đế phế truất để yên lòng dân. Dĩ nhiên Ai Đế phải nghe theo, phế Phi Yến xuống làm Hiếu Thành hoàng hậu, rồi sau đó lại phế 1 lần nữa, xuống làm thứ dân, đuổi ra khỏi hoàng cung. Nhưng Phi Yến quyết định không để cho sự việc diễn ra theo ý muốn của Vương Mãng. Ngay khi chiếu chỉ phế truất tuyên đọc, nàng lui về hậu cung, cũng dùng thuốc độc tự vẫn giống như người em Hợp Đức.
Cái chết của 2 giai nhân cũng chính là dấu hiệu nhà Hán bước vào giai đoạn suy tàn. Sau cái chết của Hợp Đức và Phi Yến, Vương Mãng tiến hành thủ đoạn thâm độc khác, ép Vương thái hậu trao hết quyền bính cho mình, từng bước thao túng qua các đời Ai Đế, Bình Đế, Tử Anh, tiêu diệt nhà Hán, kiến lập nên nhà Tân. Triều Tây Hán đến đây tạm thời kết thúc. Với sự cai trị tàn nhẫn của Vương Mãn, nhân dân căm phẫn nổi dậy khắp nơi. Cuối cùng sau 17 năm trị vì, cuộc khởi nghĩa ở Lục Lâm, Xích Mi bùng phát dữ dội, quân khởi nghĩa tràn vào Trường An như nước vỡ bờ. Vương Mãng không chạy kịp, bị nghĩa quân giết chết. Ai ai cũng vui mừng, cho rằng nhà Hán khi được trung hưng sẽ mang lại cho mọi người cơm no áo ấm. Thế nhưng Lưu Quyền lấy danh nghĩa con cháu nhà Hán, cướp công của nghĩa quân, từ Lạc Dương dời đô về Trường An, lên ngôi hoàng đế, xưng hiệu là Cánh Thủy Đế. Lưu Quyền không những chẳng trọng thưởng cho nghĩa quân, mà còn ra sức giết hại các thủ lĩnh, thiết lập 1 triều đại phong kiến hủ lậu, dành riêng cho giới quý tộc tha hồ ăn chơi hưởng lạc.
Tức nước tất vỡ bờ, lần thứ 2 quân khởi nghĩa nổi dậy chiếm Trường An, treo cổ Lưu Quyền. Thời điểm này thật sự nhà Tây Hán mới chấm dứt, nếu cộng cả triều Tân tồn tại được 232 năm. Tiếp theo đó, triều đại Đông Hán bắt đầu sự kiến lập bằng tài trí của Lưu Tú, lên ngôi xưng là Quang Võ Đế. Với nhiều cải cách chính trị, Lưu Tú đã đưa triều đại Đông Hán đến thịnh trị. Thế nhưng trải qua mấy đời Minh Đế, Chương Đế, đến khi Lưu Hoàng lên ngôi, xưng hiệu là Hán Linh Đế thì triều đại Đông Hán đã suy sụp cực độ, triều đình rối ren, các thế lực quân phiệt tha hồ thao túng, nhất là sự thao túng của Đổng Trác. Trên bầu trời Trung Quốc lại xuất hiện 1 mỹ nhân rực rỡ làm biến đổi tình hình chính trị, đó là Điêu Thuyền, 1 mỹ nhân được nhiều người ca ngợi vì chấp nhận hy sinh thân mình làm kế ly gián cha con gian thần Đổng Trác và Lã Bố.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top