TRẦN VIÊN VIÊN - MỸ NHÂN ĐỂ LỤY ANH HÙNG (p5)

Ngô Tam Quế được ra trận thì như hổ về rừng, ào ạt dẫn quân đánh thốc vào trung quân, quyết 1 trận giết chết hay bắt sống Lý Tự Thành. Lý Tự Thành thấy đối phương không bao nhiêu người thì rất khinh suất, cười nhạt rồi chia ra làm 2 cánh bao vây Ngô Tam Quế vào giữa. Ngô Tam Quế tả xung hữu đột chống đỡ rất dũng mãnh khiến quân tướng của Lý Tự Thành kinh sợ, không dám tiến lại gần. Hai bên còn đang hỗn chiến dữ dội chưa phân thắng bại, đột nhiên đại hậu quân Đại Thuận náo loạn, tiếng quân sĩ kêu khóc vang trời. Lý Tự Thành nhìn lại không khỏi thất sắc, không những trung quân bị tập kích, khói lửa ngút trời mà từ 2 bên sườn núi, kỵ binh thiện chiến của quân Thanh chẳng hiểu từ đâu xông ra như nước vỡ bờ, dẫn đầu là Thanh Dự vương Đa Phong và Anh vương A Tế Cách. Thì ra Đa Nhĩ Cổn theo kế của Phạm Văn Trình, để quân của Ngô Tam Quế thu hút toàn bộ lực lượng Lý Tự Thành, cho quân kỵ lẻn vòng ra phía sau tập kích. Quân Mãn Thanh vốn rất giỏi về kỵ binh, di chuyển mau lẹ nên Lý Tự Thành không sao ngờ được. Lý Tự Thành cũng biết mình rơi vào thế yếu, lập tức ra lệnh lui binh tháo chạy, tổn thất không biết bao mà kể.

Ngô Tam Quế thừa cơ hội hô quân truy kích, đuổi Lý Tự Thành chạy dài. Còn đang hăng máu, Ngô Tam Quế chợt nghe có tiếng chiêng thu quân thì rất bực tức, tuy nhiên đã đồng ý phối hợp với quân Thanh nên Ngô Tam Quế đành phải nghe lệnh rút về. Vừa gặp mặt Đa Nhĩ Cổn, Ngô Tam Quế đã hỏi luôn: "Tôi đang thừa thắng đánh đuổi, sao vương gia lại cho thu quân? Chỉ một lát nữa thôi là tôi đã có thể bắt giết Lý Tự Thành rồi!".

Đa Nhĩ Cổn giải thích: "Tuy nhất thời quân Đại Thuận thua to nhưng nếu chúng ta đầu đuôi không tiếp ứng được, Ngô tướng quân mải mê đuổi theo thì tất rơi vào chỗ phục binh. Trận đầu mà thua thì sau này rất khó vực được tinh thần quân sĩ".

Thấy Ngô Tam Quế vẫn còn hậm hực, Đa Nhĩ Cổn cười mà nói: "Ngày mai nếu tướng quân muốn đuổi theo tận tuyệt thì ta sẽ giao thêm cho hai vạn quân thì mới an lòng. Quân tướng chúng ta nghỉ một đêm càng phục hồi sức lực, mà chính đối phương cũng phải nghỉ ngơi, chạy sao thoát được!".

Ngô Tam Quế cả mừng, đâu có biết đó chính là chủ ý của Đa Nhĩ Cổn. Nếu ông ta để Ngô Tam Quế một mình đánh giết được Lý Tự Thành là công của tướng triều Minh trừ diệt giặc loạn; còn có số quân Thanh đi theo lại là công của 2 nước, sau này không ai dị nghị gì được. Vả chăng bất cứ Ngô Tam Quế động tĩnh gì thì đều có người của Đa Nhĩ Cổn giám sát, dễ dàng ứng phó. Ngô Tam Quế không nhận ra thủ đoạn của Đa Nhĩ Cổn, vui mừng tạ ơn rồi mờ sáng hôm sau nhảy lên lưng ngựa, huy động quân sĩ đuổi theo cấp tốc. Với lực lượng hùng hậu lại hừng hực khí thế trả thù, Ngô Tam Quế đuổi đến đâu hạ thành trì đến đó. Sức tiến công của Ngô Tam Quế chẳng khác chẻ tre khiến Lý Tự Thành chưa hẳn thua mà vẫn kinh hoảng, phái người đến xin cầu hòa, hứa sẽ ban thưởng chức tước. Ở đây Lý Tự Thành phạm 1 sai lầm quá lớn, nếu như ông ra vừa hứa hẹn ban thưởng, vừa thả hết qua quyến của Ngô Tam Quế ra thì chắc có lẽ sẽ thành công, đằng này Lý Tự Thành chỉ hứa hẹn mà vẫn giữ chặt lấy gia quyến, coi đó là bùa hộ mệnh.

Chủ ý của Ngô Tam Quế vẫn là muốn cứu gia đình và bảo vệ cho ái thiếp Viên Viên nên mấy lần đều từ chối việc cầu hòa, thúc quân đuổi theo ráo riết. Cuối cùng Lý Tự Thành phải chạy vào thành Yên Kinh, đóng chặt cửa cố thủ. Ngô Tam Quế ỷ vào số quân Thanh đông đảo, vừa cho bố trí bao vây chặt chẽ vừa mở các cuộc tấn công hãm thành liên tiếp, Lý Tự Thành cùng 1 số quần thần Đại Thuận lâm vào tình trạng hết sức bi đát, đành phải cùng nhau bàn luận kế sách "tiên lễ hậu binh". Trước tiên Lý Tự Thành sai sứ giả đến quân doanh Ngô Tam Quế cầu hòa, lần này hứa hẹn sẽ cùng nhau chia đôi thiên hạ, Ngô Tam Quế nghe vậy cười lớn: "Đúng là tên cướp! Đã cùng đường, thiên hạ hiện nay vô chủ, vài ngày nữa đã rơi vào tay ta! Sao có thể chia đôi với hắn!".

Để biểu lộ lòng quyết tâm, Ngô Tam Quế lập tức sai quân mang sứ giả ra chém đầu, rồi tiếp tục công thành dữ dội. Lý Tự Thành đành phải dùng tới kế sách cuối cùng, đó là dùng số người thân trong gia đình họ Ngô ép buộc Ngô Tam Quế phải dừng tay. Hôm sau Ngô Tam Quế đang định đem quân công phá thành trì thì chợt có tiếng trống nổi lên, lẫn trong tiếng trống là tiếng khóc ai oán của nhiều người. Ngô Tam Quế nhìn lên thấy phụ thân là Ngô Tương đầu tóc rối tung, mặt mày tiều tụy, quần áo rách nát, lục đục dẫn theo 10 người thân ra đứng trước bờ thành thì trong lòng hết sức đau đớn. Ngô Tương nói vọng xuống: "Sở dĩ hoàng đế Đại Thuận chưa giết hết gia đình chúng ta là có lòng mến tài năng của con. Nếu con ưng chịu về hàng thì không những có được quyền cao chức trọng mà cả nhà đều bình an. Số phận của phụ thân cùng gia đình đều trông vào con đó!".

Tuy đang đau thương, Ngô Tam Quế vẫn chú ý là số con tin do Lý Tự Thành cầm giữ không có hình bóng Viên Viên, tức giận gầm lên: "Lý Tự Thành! Lưu Tông Mẫn! Còn ái thiếp của ta đâu? Các ngươi đã đến đường cùng rồi, nếu thả người thì còn toàn tính mạng. Bằng trái lại, ta thề sẽ giết không còn một bóng, giải cứu gia đình sau chưa muộn!".

Thật ra Ngô Tam Quế cũng rất đau lòng, nhưng đang ở thế thắng, chỉ cần gật đầu 1 cái là trở thành thế bại, mặc tình cho Lý Tự Thành o ép đủ điều. Hắn chỉ mong nói cứng sẽ khiến Lý Tự Thành sợ hãi mà thả người trước hoặc ít nhất cũng không dám ra tay giết chóc ngay. Chẳng ngờ Lý Tự Thành là người hung bạo, mấy ngày nay bất đắc dĩ mới phải cắm đầu chạy trốn, mất hết uy phong vị hoàng đế, nay lại thấy Ngô Tam Quế cương quyết không chấp nhận bất cứ điều kiện nào thì nổi tính hung hãn lên, trợn mắt mắng luôn: "Được lắm! Ngươi không coi thân thuộc ra gì thì ta cũng đành một mất một còn với ngươi, xem ai anh hùng hảo hán!".

Nói xong, Lý Tự Thành hô quân mang toàn gia họ Ngô ra chém đầu ngay tường thành. Ngô Tam Quế chưa kịp xoay sở thì đã nghe tiếng kêu gào rợn người, rồi máu tươi từ trên cao bắn tung tóe xuống đất. Hắn đứng chết lặng như tượng đá hồi lâu rồi ngã ra bất tỉnh, quân tướng vội xốc Ngô Tam Quế về trướng săn sóc, bãi bỏ cuộc hãm thành hôm đó. Cảnh tượng này cũng được thi nhân Ngô Vĩ Nghiệp diễn tả trong bài "Viên Viên khúc" với 2 câu cô đọng: "Toàn gia bạch cốt thành hôi thổ, nhất đại hồng nhan chiếu hãn thanh"

Tức là: "Xương trắng cả nhà thành bùn đất, một mảnh hồng nhan ghi sử xanh".

Hôm sau đại quân nhà Thanh do Đa Nhĩ Cổn mới kéo đến. Vị vương gia này vào thăm hỏi Ngô Tam Quế, dùng lời an ủi: "Hận càng thêm hận, thù chất thêm thù. Ta quyết giúp tướng quân báo được mối hận thù này. Tướng quân hãy yên tâm an dưỡng, ngày mai ta sẽ lấy được thành Yên Kinh mới thôi!".

Ngô Tam Quế bùi ngùi xin đa tạ. Giữ đúng lời hứa, sáng hôm sau Đa Nhĩ Cổn huy động toàn lực, ban bố hiệu lệnh: "Chưa hạ được thành thì chưa dừng tay!".

Quân tướng nhà Thanh liền reo hò vang dậy, thề quyết 1 lòng khiến khí thế dâng lên hừng hực. Lý Tự Thành nhắm thấy có đánh cũng thêm thiệt hại mà thôi, bỏ thành chạy về Tây An. Khi vào được hoàng thành, Ngô Tam Quế đích thân lục soát toàn bộ hoàng cung để tìm Viên Viên, hy vọng quan quân Lý Tự Thành hoảng hốt không kịp đem theo. Tất cả công sức đều vô ích, bóng mỹ nhân vẫn biệt vô tăm cá. Ngô Tam Quế không hề nản chí, sai thuộc hạ đi từng nhà dân còn nán lại Yên Kinh để dò hỏi, rốt cuộc cũng không ai biết được Viên Viên lưu lạc về đâu. Trong lòng căm hận trào dâng, Ngô Tam Quế không kịp trình báo với Đa Nhĩ Cổn, cũng chẳng quan tâm triều đại đã đổi thay, dẫn theo số quân bảng bộ nhắm hướng Tây An đuổi theo Lý Tự Thành. Tuy thua trận, nhưng dù sao tàn quân của Lý Tự Thành vẫn còn gần 10 vạn, Ngô Tam Quế đuổi theo kịp, mấy lần giao tranh đều yếu thế hơn, tổn hại khá nhiều. Tuy vậy Ngô Tam Quế vẫn không sờn lòng, còn toan chỉnh đốn binh mã tiếp tục, thì vừa lúc 2 tướng là Tổ Đại Thọ và Khổng Hữu Đức theo lệnh Đa Nhĩ Cổn đuổi tới nơi. 2 tướng cho biết: "Vương gia rất lo cho tướng quân, nhưng kinh thành mới chiếm xong còn nhiều việc phải làm, không thể điều động binh mã giúp được. Chúng tôi theo lệnh vương gia, mang quân lệnh đến gọi tướng quân quay về kinh thành. Lý Tự Thành hiện nay binh tàn thế bại, cứ để cho hắn sống vài tháng nữa cũng không sao. Xin tướng quân suy nghĩ mà đừng chống lệnh!".

Ngô Tam Quế đành phải tuân lời. Về tới Yên Kinh, Ngô Tam Quế không sao yên tâm được. Mỗi lần nhìn thấy cảnh hoang tàn của kinh thành, lòng thù hận càng dâng cao, mấy lần xin với Đa Nhĩ Cổn cấp quân mã cho mình đuổi theo Lý Tự Thành, đánh giết cho tận tuyệt. Đa Nhĩ Cổn vốn có tầm nhìn xa trông rộng, nhất định không ưng thuận. Đa Nhĩ Cổn hoạch định rất chính xác, Trung Nguyên là mảnh đất bao la bát ngát, nếu rải quân ra nhiều chỗ thì chẳng những không đủ mà còn cung ứng lương thực vất vả, vì vậy việc xây dựng chính quyền vững mạnh là điều cần thiết hơn cả. Nhờ tài trí của Đa Nhĩ Cổn, chẳng bao lâu nhà Thanh đã phát triển thành 1 triều đại vững vàng, được nhiều sĩ phu Hán tộc tham gia chính sự. Tuy vẫn có 1 số sĩ phu Hán tộc ngấm ngầm chống đối nhưng không gây được tác động lớn đối với việc cai trị của nhà Thanh trong giai đoạn đầu. Cũng trong năm ấy, con trai của Hoàng Thái Cực là Phúc Lâm lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Thanh Thái Tổ. Năm Thuận Trị nguyên niên, khi bình công ban thưởng, Ngô Tam Quế có công lao lớn nhất nên được phong làm Bình Tây vương, rất được triều đình nhà Thanh trọng đãi, nhưng đồng thời vẫn có ý đề phòng, không tin cậy bằng các hàng thần như Phạm Văn Trình, Hồng Thừa Trù. Ngô Tam Quế đành phải bó gối nơi Yên Kinh, ngày ngày tưởng nhớ đến bóng giai nhân.

Thời gian trôi qua, bất ngờ 1 hôm có một người họ Quách ở ngoại thành đến phủ Ngô Tam Quế xin vào gặp mặt, cho biết: "Một cô nương xinh đẹp như thiên tiên nhờ tôi gởi cho vương gia một lá thư. Cô nương này dặn phải trao tận tay Ngô vương gia, nhất định không qua tay người khác. Vì vậy tôi bạo gan xin được vào yết kiến".

Ngô Tam Quế nghe nói là thư của một cô nương thì linh tính máy động, lập tức cho vào, hóa ra đó là người của Quách gia trang ở ngoại thành và lá thư đúng là của mỹ nhân Viên Viên. Ngô Tam Quế mừng rỡ vô cùng, mau chóng mở thư ra đọc: "Tiện thiếp vốn sinh ra trong kiếp gian truân, trải qua bao nhiêu vất vả tủi nhục mới gặp được chàng. Ngờ đâu con tạo trớ trêu, loan phượng chưa phỉ tình thì chàng vì nước phải rời xa mái ấm. Ở lại kinh thành, thiếp ngày ngày mong nhớ, nhận những món quà mà phu quân từ nơi biên ải gió sương gửi về mà lòng đau quặn thát, mong mỏi tới ngày tái hợp. Thiếp tưởng đâu đã dựa bóng anh hùng, suốt đời được nương tựa ấm êm, ngờ đâu một sớm kinh đô đầy giặc cỏ, anh hùng đâu kịp mang quân về dành người ngọc. Thiếp bị bọn giặc Sấm vương bức phải vào cung, trăm điều cực khổ, nhưng lòng đã quyết không phụ tùng quân, mãi mãi thủy chung duy nhất nên một hôm thừa cơ hội trốn thoát, tìm đến chốn ngoại thành, nương nhờ Quách gia trang cho đến ngày nay. Vốn là nơi quê mùa, tin tức không có, thiếp nghe tin chàng được triều đình trọng dụng mà vẫn không sao dám tin. Nay được biết chắc, nhờ người đem tin tới. Mong ngóng tin chàng như hạn mong mưa. Nếu chàng còn nhớ những ái ân xưa xin cho người đón thiếp để ngọc châu lại về hợp phố".

NgôTam Quế đọc xong thư của Viên Viên, mừng rỡ như điên dại, thưởng cho người đưathư xong lập tức vào triều xin nghỉ vài ngày đi đón ái thiếp. Đa Nhĩ Cổn quả làtay sành sỏi, nghe biết thì rất rộng rãi, truyền cấp cho kiệu hoa xe ngựa đầyđủ theo nghi vệ vương gia. Cuộc đón giai nhân diễn ra khá rầm rộ, bởi vì NgôTam Quế điều động gần 1000 nhân mã, cờ xí la liệt, có cả đàn sáo chiêng trốngrầm rộ kéo nhau ra ngoại thành. Ngô Tam Quế nhớ nhung Viên Viên tha thiết, nênkhi về bỏ ngựa, cùng với giai nhân ngồi chung kiệu, đằm thắm chuyện trò cho phỉtình bấy lâu. Khi về đến Yên Kinh, Ngô Tam Quế mở yến tiệc trùng phùng rất longtrọng, mời cả bá quan nhà Thanh đến chung vui. Đa Nhĩ Cổn cũng đích thân dựtiệc, tặng Viên Viên nhiều vật phẩm đắt giá và tuyên bố chiếu thư phong chonàng làm vương phi.    

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top