TRẦN VIÊN VIÊN - MỸ NHÂN ĐỂ LỤY ANH HÙNG (p4)

Nghe tin Trần Viên Viên bị bộ tướng của Lý Tự Thành bắt giữ, có thái độ hết sức sàm sỡ, Ngô Tam Quế gầm lên 1 tiếng rồi triệu tập toàn bộ quân tướng lại, hô hào họ quyết tâm trả thù cho hoàng đế Sùng Trinh. Quân tướng dưới quyền đâu có biết tâm ý của Ngô Tam Quế, đồng thanh reo hò, xin được hết lòng trung trinh đánh đuổi bọn giặc cướp Lý Tự Thành. Ngô Tam Quế rất hài lòng, lui quân về Sơn Hải Quan chỉnh đốn, bổ sung lực lượng để sẵn sàng quyết chiến 1 trận. Khi ấy Đại Thuận hoàng đế Lý Tự Thành chờ mãi không thấy Ngô Tam Quế về quy hàng, đang nóng ruột thì lại nghe tin quân mã của hắn đang rục rịch động binh. Lý Tự Thành hết sức nóng giận, mắng lớn: "Tên họ Ngô này quả không hiểu thời thế. Hắn đã không quy thuận triều đình thì thôi, còn dám nói không đội trời chung với ta thì thật to gan!".

Lý Tự Thành liền thân chinh dẫn 20 vạn quân tiến thẳng đến Sơn Hải Quan, mang theo gia quyến của Ngô Tam Quế làm con tin. Ngô Tam Quế không khỏi lo sợ bởi vì 2 mặt đều có địch thủ. Bên ngoài quan ải quân Thanh đang rình rập thời cơ vượt qua, bên trong đại binh của Lý Tự Thành khí thế đang dâng cao, quân số lại hơn hẳn thì khó chống đỡ được cả 2 mặt. Dù là danh tướng oai hùng, mấy ngày liền Ngô Tam Quế không khỏi mất ăn mất ngủ, tìm kế sách đối phó sao cho vẹn toàn. Chợt Ngô Tam Quế tự nghĩ: "Ta đã thề không đội trời chung với Lý Tự Thành thì dù có chết chung cũng quyết giữ lời, vả chăng quy thuận hắn thì cũng là quan tướng dưới quyền, sau này hồ hắn o ép bắt buộc; còn đầu hàng quân Thanh vẫn bảo toàn được lực lượng. Nếu sau này cầ thiết ta sẽ phản lại, làm vua môt cõi chẳng hay hơn sao!".

Thật sự ngay từ khi nắm binh quyền, Ngô Tam Quế đã tham vọng lớn hơn là suốt đời làm chức tổng binh hay kim ngô gần hoàng đế, nay lại nhân có việc của Viên Viên thì chính là cơ hội tốt nhất. Vì vậy sau khi toan tính lợi hại nhiều đường, Ngô Tam Quế quyết định đầu hàng nhà Thanh, nhờ họ chống với Lý Tự Thành, còn mình ngồi làm ngư ông đắc lợi. Ngô Tam Quế liền viết thư, sai 2 bộ tướng là Vương Khuông và Quách Vân mang đến quân doanh nhà Thanh đang đóng ở Đôn Hậu. Lúc đó Đa Nhĩ Cổn đích thân đóng quân, xem xét tình hình để có kế sách vượt qua Sơn Hải Quan. Mưu sĩ đưa ra nhiều kế sách nhưng Đa Nhĩ Cổn đều bác bỏ bởi vì những kế sách này rất hao tổn quân binh. Đa Nhĩ Cổn cũng mấy lần đốc thúc tấn công thử xem Ngô Tam Quế chỉ huy ra sao, mấy lần đều thất bại nên trong lòng càng lo lắng, nếu trừ được Ngô Tam Quế thì mới có hy vọng vượt quan ải vào đất Trung Nguyên. Bất chợt nhận được thư của Ngô Tam Quế thì mừng rỡ như bắt được vàng, cho Vương Khuông và Quách Vân nghỉ ngơi, cùng với Phạm Văn Trình, Hồng Thừa Trù bàn soạn. Phạm Văn Trình và Hồng Thừa Trù vốn là bề tôi của nhà Minh, đầu hàng quân Thanh ngay từ lúc quân Thanh xâm lấn biên giới nên rất được trọng dụng. Phạm Văn Trình được phong làm quân sư, còn Hồng Thừa Trì làm tướng quân. Vốn chưa quen thuộc phong tục Trung nguyên, việc gì Đa Nhĩ Cổn cũng hỏi ý kiến 2 người khi thi hành để tránh sai sót. Điều này cho thấy tâm cơ của Đa Nhĩ Cổn rất tinh minh, biết thu xếp hài hòa để đạt được tham vọng. Phạm Văn Trình đọc xong thư của Ngô Tam Quế thì sáng hẳn nét mặt, mừng rỡ nói: "Thật là trời giúp vương gia, có lẽ trời đã an định vương gia thống nhất được Trung Nguyên nên mới đưa đẩy ra tình thế này. Tôi xin chúc mừng!".

Đa Nhĩ Cổn ngạc nhiên hỏi: "Sao ông chúc mừng sớm vậy? Ta thấy có gì đặc biệt đâu? Ngô Tam Quế một lòng trung trinh với triều đình, xin giúp quân mã thì có lợi gì cho ta?".

Phạm Văn Trình cười nhạt nói: "Tôi thật chẳng hiểu vì sao Ngô Tam Quế lại xin liên kết với chúng ta, nhưng rõ ràng là cơ hội ngàn năm một thuở,. Mấy tháng nay vương gia lo nghĩ đến bạc đầu mà chẳng làm sao vượt được Sơn Hải Quan. Bây giờ nhân cơ hội này đồng ý giúp cho Ngô Tam Quế đánh tan Lý Tự Thành, rồi thẳng đường chiếm luôn Bắc Kinh, khi ấy Ngô Tam Quế có phản đối cũng chẳng làm gì chúng ta được nữa!".

Đa Nhĩ Cổn hiểu ra kế sách "hỗn thủy môn ngư" – tức thừa nước đục bắt cá, cười khoái trá rồi toan hạ lệnh điểm quân mã giúp cho Ngô Tam Quế. Phạm Văn Trình vội thưa: "Vương gia nên từng bước tiến hành thì mới có kết quả tốt nhất. Vương gia phúc đáp đồng ý, giả vờ tiến quân nhưng thực chất là chờ đợi Ngô Tam Quế giao tranh với Lý Tự Thành vài ba trận, thế lực yếu đi rồi chúng ta mới nhúng tay vào; khi ấy chính Lý Tự Thành cũng tổn thất lớn, sẽ không còn ai đủ sức chống lại chúng ta nữa!".

Đa Nhĩ Cổn gật đầu khen ngợi Phạm Văn Trình hết lời, rồi lập tức viết thư phúc đáp, đồng ý với yêu cầu của Ngô Tam Quế; đồng thời Đa Nhĩ Cổn cũng cho quân tiến chầm chậm về hướng Liên Sơn. Ngô Tam Quế nhận được thư phúc đáp rất mừng, lại nghe quân thám báo cho biết quân Thanh đang tiến động, thì càng tin tưởng rung đùi mà đợi. Chẳng ngờ quân Thanh chưa thấy đâu, mà đại quân của Lý Tự Thành đã bắt đầu tiến công dữ dội. Ngô Tam Quế cố gắng chỉ huy quân binh đẩy lùi mấy đợt công thành. Lên địch lâu quan sát tình thế, hắn thấy Lý Tự Thành thân chinh đốc thúc, mặt giáp vàng hết sức oai phong, tay cầm roi chỉ chỏ chỗ này chỗ kia ra vẻ đắc ý thì bao nhiêu tức giận bốc lên hừng hực. Ngô Tam Quế liền điểm vài ngàn kỵ mã, mở cửa thành ra giao chiến. Quả nhiên họ Ngô anh hùng cái thế, quân tướng cũng tinh nhuệ. Tuy Lý Tự Thành huy động toàn bộ 20 vạn binh, giao tranh mù mịt cả trời đất mà từ sáng đến chiều vẫn không sao thắng được Ngô Tam Quế. Ngô Tam Quế cho rằng như vậy cũng đủ oai phong, nếu để lâu sức lực mỏi mòn thì nguy hiểm, nên cuối cùng gióng chiêng lui quân, rút vào quan ải cố thủ như trước. Lý Tự Thành không đuổi theo, bàn với các tướng: "Ngô Tam Quế thật dũng mãnh. Tuy hôm nay hắn tổn thất khá nặng nhưng bên ta cũng không dễ dàng gì. Để bảo toàn lực lượng, theo ta thì nên bao vây chặt chẽ, vài ba tháng sau trong ải hết lương thảo, không cần đánh cũng sẽ chiếm được thôi!".

Đúng ra trong lòng Lý Tự Thành cũng có đôi chút khiếp sợ Ngô Tam Quế. Lý Tự Thành và thuộc tướng còn đang bàn bạc thì chợt quân sĩ chạy vào báo tin: "Hai tướng nhà Minh đã quy hàng là Đường Thông và Bạch Quảng Ân tụ tập được một số quân sĩ, đang kéo đến xin giúp sức cho thánh thượng một tay!".

Lý Tự Thành nghe vậy cả mừng, lập tức xuống lệnh phối hợp. Ba mặt đánh trống phất cờ rung trời động đất để phô trương thanh thế. Ngay hôm sau, Lý Tự Thành thân ra đốc chiến, hạ lệnh cho 3 quân: "Hôm nay quyết hạ được quan ải. Người nào anh dũng lên thành trước tiên sẽ được phong làm Tiên phong tướng!".

Được lời của hoàng đế Đại Thuận, quân binh hết sức hăng hái, cả 3 mặt đều hò reo vang động rồi thi nhau xung phong hãm thành. Ngô Tam Quế cố gắng chỉ huy 3 quân chống đỡ, từ sáng cho đến trưa thì đã kiệt sức, trong lòng ai oán thầm nghĩ: "Số kiếp của ta quả là mạc vận, không những chẳng báo thù cho phụ thân, giải nguy cho ái thiếp được mà cò có khi bỏ thân nơi quan ải này nữa!", đồng thời Ngô Tam Quế cũng tức giận vì quân Thanh đồng ý mà sao không thấy tới, hết lời chửi thầm bọn man di mọi rợ thất ước.

Ngô Tam Quế đang vận dụng hết sức lực điều khiển quân tướng thì chợt nghe có tiếng reo hò từ đằng xa. 1 tên quân chạy lại, mặt xanh như tàu lá hớt hải nói: "Thưa tướng quân, quân Thanh thừa cơ chúng ta đang chống đỡ, từ mặt Liên Sơn ồ ạt kéo đến. Chúng ta hai mặt bị giáp công thì nguy mất rồi!".

Ngô Tam Quế nghe vậy thì cười ngất khiến tên quân chẳng hiểu tại sao. Thì ra Ngô Tam Quế chỉ âm thầm xin quân Thanh trợ giúp, giấu nhẹm với quân sĩ để họ đừng hoang mang. Lý Tự Thành cũng được cấp báo có quân Thanh xuất hiện, nếu tiếp tục hãm thành thì chẳng khác gì đưa lưng cho người ta đánh, vội vàng hạ lệnh lui binh. Ngày hôm sau, Ngô Tam Quế dẫn mấy kỵ binh theo mình, mở cửa ải đến quân doanh của Thanh Dự vương Đa Phong và Anh vương A Tế Cách bàn luận phối hợp tiêu diệt Lý Tự Thành. 3 người còn đang bàn luận thì đích thân Đa Nhĩ Cổn cũng dẫn 1 đạo quân đến tiếp ứng, thanh thế càng lớn mạnh. Ngô Tam Quế nóng nảy xin mau chóng xuất binh nhưng Đa Nhĩ Cổn không vội, mời Ngô Tam Quế 1 tiệc nhỏ, khoan thai nói: "Lý Tự Thành như con chuột sa bẫy, có chạy đi đâu được mà sợ. Tướng quân cứ yên tâm mà ăn uống đi, tất cả sẽ do chúng tôi lo liệu. Để tình giao hảo chúng ta được công khai, ba quân hai bên đếu biết, sau khi tiệc xong chúng ta sẽ tiến hành lễ kết giao mãi mãi sẽ là đồng minh, cùng nhau hưởng thụ giang sơn gấm vóc Trung Nguyên".

Đến nước này, Đa Nhĩ Cổn có đói hỏi gì cao hơn thì Ngô Tam Quế cũng phải chấp nhận, gật đầu xin nghe theo. Khi Ngô Tam Quế trở về quan ải rồi, Đa Nhĩ Cổn sai 2 vương gia là Đa Phong và A Tế Cách bất ngờ dẫn quân theo lối sau tấn công 2 cánh quân ô hợp của Đường Phong và Bạch Quảng Ân. 2 phản tướng nhà Minh này ỷ vào lực lượng của Lý Tự Thành đóng gần đó nên không hề đề phòng, quân binh lại từ nhiều châu quận tụ về nên rất ô hợp; bất ngờ bị tiến đánh thì chỉ biết ôm đầu mà chạy. Đa Phong và A Tế Cách chẳng khó khăn gì cũng đánh được 2 cánh quân phụ trợ, vui vẻ ra về tâu lại với Đa Nhĩ Cổn. Không còn gì đáng ngại nữa, Đa Nhĩ Cổn liền dẫn đại quân tiến vào Sơn Hải Quan, được Ngô Tam Quế đón tiếp rất trọng hậu. Đa Nhĩ Cổn ngồi trên lưng ngựa ngắm cảnh hùng vĩ của Sơn Hải Quan, vào trong rồi quan sát các cách bố phòng quả là vững chãi thì cứ chắt lưỡi khen hoài, rùng mình nghĩ thầm: "Sơn Hải Quan nổi tiếng từ trước đến nay quả không sai. Nếu như ta không được trời giúp thì chắc vài ba năm cũng chưa vượt qua được ải kiên cố này được!".

Thắng trận đầu, Đa Nhĩ Cổn và Ngô Tam Quế rất tự tin, mở tiệc ăn uống, ban cho quân tướng dưới quyền rượu ngon thịt béo phủ phê. Ngày hôm sau, 2 người lên địch lâu quan sát địch tình, Đa Nhĩ Cổn thấy quân của Lý Tự Thành đông đảo, các trại đóng san sát như bát úp, trải dài hơn 20 dặm thì lơi lo sợ, nói với Ngô Tam Quế: "Lực lượng của Lý Tự Thành quá hùng hậu, chúng ta chưa nên xuất kích vội, cần phải bàn kế sách phối hợp cho thật vẹn toàn mới được".

Ngô Tam Quế vì muốn nóng lòng trả thù Lý Tự Thành tra khảo gia quyến mình, vừa muốn mau mau tìm hỏi số phận của ái thiếp Viên Viên nên vội nói ngay: "Xin vương gia chớ ngại, quân số của Lý Tự Thành tuy đông thật nhưng toàn nông dân uất ức chế độ hủ bại của nhà Sùng Trinh nên tình nguyện gia nhập, chưa qua huấn luyện bao giờ thì sao có thể tinh nhuệ bằng quân sĩ chúng ta. Vừa rồi tôi đã thử giao chiến, chỉ mới vài ngàn quân mà đã đánh cho hắn một trận thất điên bát đảo. Vương gia có dưới tay quân hùng tướng mạnh thì có gì phải e ngại!".

Đa Nhĩ Cổn trước khi tiến quân cũng đã cho người dò xét, biết rõ trận giao tranh vừa rồi của Ngô Tam Quế với Lý Tự Thành nhưng vẫn còn e ngại, phân vân không quyết. Thấy vậy Ngô Tam Quế càng nóng ruột, nghiêm mặt nói: "Nếu vương gia chưa tin thì Tam Quế này xin làm tiên phong dẫn quân đi đâu!".

Đa Nhĩ Cổn quay lại nhìn Phạm Văn Trình, thấy hắn nháy mắt thì hiểu là nên nghe theo, vui vẻ chấp thuận.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top