TRẦN VIÊN VIÊN - MỸ NHÂN ĐỂ LỤY ANH HÙNG (end)
Ngô Tam Quế và Viên Viên chưa sum họp bao lâu thì Lý Tự Thành chạy về Chân Định, ra sức củng cố lại quân đội. Thấy thanh thế của Lý Tự Thành được phục hồi càng ngày càng mạnh lên, triều đình nhà Thanh sai Ngô Tam Quế dẫn quân đi chinh phạt. Được lệnh này, Ngô Tam Quế hết sức vui mừng, bởi vì dù Viên Viên đã yên lành nhưng mối căm giận Lý Tự Thành vẫn chưa nhạt. Ngô Tam Quế lại muốn quyết chiến 1 trận để triều đình nhà Thanh hiểu rõ tài năng của mình, vừa đến Chân Định là hạ lệnh tấn công ngay. Dù đông đảo nhưng quân tướng Lý Tự Thành không sao địch nổi đoàn quân thiện chiến của Ngô Tam Quế. Qua vài trận quyết chiến hết sức dữ dội đã mất gần 1 vạn quân mã, ngay cả Lý Tự Thành cố sức điều động quân tướng cũng bị trúng tên thọ thương, được đưa về Cửu Cung Sơn. Lý Tự Thành chỉ gượng sống được mấy ngày rồi qua đời. Thế là 1 anh hùng nông dân đủ tài năng lật đổ nhà Minh nhưng chỉ vì chính sách sai lầm ngay từ phút đầu, tiến vào Bắc Kinh mà hậu quả trở thành tay trắng, để hận lại đời sau.
Ngô Tam Quế nhờ công lao tiêu diệt được thế lực nông dân của Lý Tự thành, đặc biệt được nhà Thanh ưu ái phong làm Thân vương. Quân Thanh tuy đã chiếm gần hết Trung Nguyên, nhưng ở miền nam vẫn có những lực lượng nổi dậy, lớn mạnh nhất là lực lượng của Trương Hiến Trung, đồng thời xây dựng được chính quyền phong kiến ở Tứ Xuyên. Vì vậy không những "bát kỳ" – tức quân tinh nhuệ của nhà Thanh phải vất vả đánh dẹp mà Ngô Tam Quế cũng không yên ổn ngày nào. Vào năm Thuận Trị thứ 2, Đa Nhĩ Cổn lâm bệnh nặng rồi chết ở Nội Mông. Đa Nhĩ Cổn không những là chỗ dựa của Ngô Tam Quế mà còn là vị Thân vương có uy thế lớn nhất của Mãn Thanh. Khi chết rồi, lập tức triều đình nhà Thanh nổi lên nhiều sóng gió. Đa Nhĩ Cổn đã xanh mồ vẫn không được yên thân, một số đại thần nhà Thanh tố cáo Đa Nhĩ Cổn trước kia đã từng âm mưu phản nghịch, chỉ vì không có thời cơ nên chưa dám ra tay mà thôi. Việc này làm liên lụy rất nhiều đại thần nhưng riêng Ngô Tam Quế vẫn không hề hấn gì bởi vì triều đình nhà Thanh vẫn đang cần tới hắn, vẫn phải lợi dụng tài năng quân sự của Ngô Tam Quế để tiêu diệt các mầm mống nổi dậy của người Hán.
Nhờ thắng lợi vang dội ở Chân Định, Thanh Thánh Tổ Khang Hy quyết định ban phong cho Ngô Tam Quế làm Thân vương, đây là vinh dự rất lớn. Trong hơn 200 năm lập quốc, nhà Thanh chỉ phong cho 2 người Hán tộc làm Thân vương, đó là Ngô Tam Quế và sau này là Hàn tướng Thượng Khả Hỷ. Khi đã làm Thân vương, Ngô Tam Quế được điều đi trấn giữ vùng Vân Nam, cho phép toàn quyền điều động binh mã 4 trấn lớn, không những được quyền ban thưởng cho thuộc hạ, mà còn sinh sát tùy ý. Sau đó không lâu, triều đình nhà Thanh có nhiều việc quân cơ bận rộn, lại giao thêm Quý Châu cho Ngô Tam Quế. Binh quyền ngất trời trong tay, Ngô Tam Quế bắt đầu nổi dã tâm, sai quân thu vét của cải nhân dân để xây cung điện nguy nga chẳng kém gì các đế vương tộc Hán ngày trước. Viên Viên được lập làm vương phi nhưng Ngô Tam Quế cũng không vì vậy mà không hưởng thụ cho thỏa mãn. Hắn thu nạp thêm 2 mỹ nhân nữa, biệt danh là Bát diện Quan Âm và Tứ diện Quan Âm. Hai mỹ nhân này vốn là ca kỹ của Lý Minh Duệ - Lễ bộ thị lang triều Minh, bị Cao An cướp lấy rồi dâng cho Ngô Tam Quế để tân công. Ngô Tam Quế tỏ ra biết sủng ái mỹ nhân, cho xây 1 tòa nhà vàng gọi là Lệ cung để 2 mỹ nhân có chỗ vui chơi. Ngoài Viên Viên và 2 Quan Âm, Ngô Tam Quế còn sủng ái 1 mỹ nhân nhỏ tuổi tên là Liên Nhi. Thấy triều đình không hề chú ý, dần dần Ngô Tam Quế còn bắt chước các đế vương, tuyển chọn cả ngàn mỹ nữ vào cung để thỏa mãn tham vọng ngày trước. Lúc đó Ngô Tam Quế chẳng khác gì đế vương là mấy. Sở dĩ Ngô Tam Quế tha hồ xưng hùng xưng bá là vì triều đình nhà Thanh mãi lo chấn chỉnh nội bộ. Khi đã vững vàng, Khang Hy liền lập kế hoạch bãi trừ quyền hạn của các phiên trấn. Khi nghe tin Khang Hy hạ chiếu bãi trừ phiên trấn của Thượng Khả Hỷ, Ngô Tam Quế mới giật mình lo lắng. Suy tính nhiều ngày, Ngô Tam Quế định đi 1 nước cờ táo bạo, đó là dâng tấu xin từ chức. Ngô Tam Quế hy vọng nhà Thanh còn cần đến chắc chắn sẽ không chuẩn tấu. Tiếc rằng Khang Hy Thanh Thánh Tổ phê chuẩn ngay lập tức, có nghĩa là Ngô Tam Quế phải rời bỏ các cung điện mà hắn đã nhiều công xây dựng nên cùng với quyền thế, danh vọng. Mất quyền thế cũng tức là mất toàn bộ mỹ nhân mà hắn thu nạp được. Ngô Tam Quế nghe tin này vô cùng tức giận, chiêu tập tổng binh 4 trấn, tuyên bố phản lại nhà Thanh, tự phong là Đại nguyên soái, đặt quốc hiệu là Chu.
Ngô Tam Quế bàn với các tướng: "Nay chúng ta đã là một quốc gia, chắc chắn triều đình Thanh không để yên. Người ta thường nói "tiên hạ thủ vi cường". Nhà Thanh chưa kịp phản ứng với việc chúng ta lập triều đình riêng thì nhân cơ hội này tiến thẳng lên phương bắc, lấy lý do là "phản Thanh phục Minh" tất nhân dân sẽ hưởng ứng đông đảo".
Khi ấy sự căm phẫn của người dân Trung Nguyên đối với việc nhà Thanh bắt buộc cạo đầu tết tóc đang lên tới đỉnh điểm, hầu như ai cũng muốn đi theo Ngô Tam Quế nên thanh thế rất lớn. Ngô Tam Quế lại là tướng lĩnh thiện chiến nên ngay trận đầu đã chiếm được Quý Châu. Vì tổng đốc Quý Châu không thuận theo, cả nhà đều bị giết chết. Với khí thế hừng hực ấy, Ngô Tam Quế liên tiếp thu phục được Quảng Châu, Thường Đức, Trấn Châu, Trường Sa, Nhạc Châu, Hàng Châu, tức là làm chủ toàn bộ đất đai vùng Hồ Nam. Tin tức này làm rúng động cả triều đình nhà Thanh, nhưng Ngô Tam Quế quá tự mãn, cho quân tướng đóng ở Phùng Tư gần 3 tháng để nghỉ ngơi, bỏ qua lời khuyên của mưu sĩ Lưu Huyền. Ý đồ của Ngô Tam Quế là muốn lấy Trường Giang làm biên giới tự nhiên, cùng nhà Thanh chia cắt đất đai. Theo bình luận của các sử gia sau này, nếu như Ngô Tam Quế lợi dụng thời cơ nhà Thanh đang hỗn loạn, đưa quân vượt Trường Giang thì có lẽ lịch sử đã thay đổi thuận lợi cho Hán tộc.
Cả quá trình, Ngô Tam Quế đã gặt hái nhiều thắng lợi nên chủ quan, không biết rằng Khang Hy tuy trẻ tuổi nhưng trí tuệ siêu việt hơn người. Trong lúc quân tướng của Ngô Tam Quế ở Phùng Tư mãi ăn chơi thì nhà vua âm thầm điều động toàn quân khắp đất nước về kinh thành, sửa soạn tấn công tiêu diệt đối phương. Khi thấy lực lượng đã đủ sức, Khang Hy liền thiết triều tuyên bố phế bỏ tước Thân vương của Ngô Tam Quế, rồi hạ lệnh cho 10 đạo quân rầm rộ ra khỏi kinh thành tiến đánh. Đến lúc này Ngô Tam Quế vẫn chưa nhìn thấy thất bại, ung dung bày trận ở Hồ Nam chờ đợi. Sau nhiều cuộc chiến đẫm máu, quân đội nhà Thanh chiếm ưu thế. Khi ấy Ngô Tam Quế mới theo lời khuyên của các mưu sĩ, hấp tấp lên ngôi xưng đế ở Hàng Châu, quốc hiệu là Đại Chu, niên hiệu là Chiêu Võ nguyên niên, toan tính nhờ việc này sẽ làm lòng quân dân ổn định. Cuộc chiến kéo dài nhiều năm, 2 bên đều tổn thất không biết bao nhiêu nhân mạng, nhưng nhà Thanh mỗi ngày mỗi mạnh lên, còn Ngô Tam Quế tuy là anh hùng dũng lược nhưng nay đã 67 tuổi, sức lực và ý chí đều đã suy nhược nên bại nhiều hơn thắng.
Khi ấy Nhạc Châu bị quân thanh vây hãm nhiều năm, lương thảo thiếu thốn, quân tướng đều ngã lòng muốn đầu hàng nhà Thanh nhưng Ngô Tam Quế không nhận ra, vẫn liên tiếp hạ chiếu đốc thúc quyết chiến tới cùng. Vào năm Khang Hy thứ 17, Ngô Tam Quế đang cùng các mỹ nhân vui chơi thì đột ngột trúng phong, lâm bệnh nặng rồi qua đời. Ngô Tam Quế mất rồi, quân tướng nhà Đại Chu như rắn không đầu, mất hết tinh thần chiến đấu. Thậm chí 1 số tướng lĩnh lén lút chạy sang đầu hàng quân Thanh. Nắm được thời cơ ấy, quân Thanh mở 1 cuộc tấn công đại quy mô, trước tiên chiếm được thành Nhạc Châu, tướng trấn giữ là Ngô Ứng Kỳ bỏ thành chạy trốn. Nhạc Châu mất thì Trường Sa cũng không thể giữ vững, tướng trấn giữ là Hồ Quốc Trụ biết tình thế không xong, mau lẹ rút lui không chờ xin lệnh của triều đình. Thế là tình hình chiến trận thay đổi hoàn toàn, chẳng bao lâu hỗn loạn, không ai nghe ai chỉ huy, mà cũng chẳng mấy ai chịu bỏ mạng trong thời điểm thất bại đó nữa.
Người ta cho rằng mỹ nhân Viên Viên là nguyên nhân thúc đẩy Ngô Tam Quế trở cờ phản lại đất nước, gây thành 1 thời kỳ xáo trộn điêu linh đã nhân lúc loạn quân trốn ra khỏi thành, rồi không còn biết tông tích ra sao nữa. Thật ra khi Ngô Tam Quế có ý định phản lại nhà Thanh, Viên Viên đã nhiều lần khuyên chồng: "Trước vương gia vì tức hận mà dẫn quân của quân Thanh vượt quan ải, thần thiếp không dám phê bình đại sự nhưng cho rằng đó là lòng trời đưa đẩy cho nhà Thanh đoạt được Trung Nguyên thuận lợi. Thời thế đã vậy thì vương gia cũng nên thuận theo mới phải, dù có lập quốc thì vinh hoa phú quý cũng chỉ đến có này mà thôi!".
Từ khi Ngô Tam Quế bắt đầu thu nạp mỹ nhân, ăn chơi trác táng, Viên Viên vẫn 1 lòng thờ kính, ân cần chiều chuộng, không hề có 1 chút ghen tuông nào. Vì vậy Ngô Tam Quế hết sức nể trọng, tuy nhiên lòng kiêu ngạo của hắn quá lớn, nhất quyết không nghe theo lời của Viên Viên, thậm chí còn hằn hộc nói là nữ nhi đâu biết gì đại sự. Nhiều lần như vậy, Viên Viên biết Ngô Tam Quế đã giảm lòng thương yêu đối với mình, buồn rầu xin được xuất gia làm đạo sĩ. Nhan sắc của nàng khi ấy cũng tàn phai, Ngô Tam Quế không còn thương tiếc gì nữa, mau chóng chấp thuận và cho xây 1 đạo quán ở vùng đất thuộc gia tộc họ Mộc để Viên Viên yên tĩnh tu hành, lấy đạo hiệu là Tịch Tĩnh. Có lẽ Viên Viên đã được cửa từ bi cảm hóa, biết trước tương lai nên trong thời điểm huy hoàng nhất của Ngô Tam Quế là lúc xưng đế, Viên Viên đột ngột viên tịch, được an táng ở cạnh chùa Thương Sơn.
Có thể nói là cuộc đời của Trần Viên Viên quả là hồng nhan gian truân, ngay từ nhỏ nàng đã phải vất vả mưu sinh, trải qua không biết bao nhiêu tay phú thương, vương tôn quý tộc để rồi đến cuối cùng mới đạt được 1 khoảng thời gian đầy đủ hạnh phúc dưới sự sủng ái của anh hùng Ngô Tam Quế. Nhưng số mệnh không cho nàng hưởng lâu dài, đến cuối cuộc đời sống lặng lẽ trong cung điện huy hoàng mà như người đã chết, chẳng còn ham muốn điều gì. Có lẽ vì vậy mà khi Ngô Tam Quế xưng đế, Viên Viên mới quyết định xuất gia làm đạo sĩ, lấy câu kinh tiến kệ, trút bỏ số kiếp gian truân. Người sau đọc chuyện tình của Ngô Tam Quế và Trần Viên Viên đều cảm xúc, sáng tác thơ văn mô tả lại như bài "Viên Viên khúc" của Ngô Vĩ Nghiệp, xin trích mấy câu sau đây:
Đỉnh hồ đương nhật khí nhân gian
Phá địch thu kinh hạ Ngọc Quan
Đổng khốc lục quân giai cảo tố
Xung quan nhất nộ nhị hồng quan.
Hồng nhan lưu lạc phi ngô luyến
Nghịch tặc thiên vong tự hoang yến
Điện tảo Hoàng Cân định Hắc Sơn
Khốc bãi quân thân tái tương kiến.
Tương kiến sơ kinh Điền Đậu gia
Hầu môn ca vũ xuất như hoa
Hứa tương thích lý không hầu kỹ
Đẳng thủ tướng quân du bích xa.
Gia bản Cô Tô Cán Hoa Lý
Viên Viên tiểu tự kiều la ỷ
Mộng hướng Phù Sai uyển lý du
Cung nga ủng nhập quân vương khởi...
Tạm dịch:
Đỉnh hồ hôm ấy bỏ trần gian
Phá địch thu kinh xuống Ngọc Quan
Khóc nấc sáu quân mang tang trắng
Một người tóc dựng vì hồng nhan.
Hồng nhan lưu lạc đâu vì yêu
Giặc nghịch mất trời tự tàn tiệc
Quét sách Hoàng Cân bình Hắc Sơn
Dứt khúc chia tay rồi lại tiếp.
Gặp gỡ đầu hoa ruộng Đậu gia
Cửa hầu ca múa đẹp như hoa
Hẹn sau cửa ấy trơ nhạc xướng
Đợi xe quân tướng liếc ngọc hoa.
Nhà vốn Cô Tô làng rửa hoa
Tên thiếp Viên Viên mềm lụa là
Mộng về Phù Sai chơi mộng đẹp
Cung nga nâng giấc quân vương xa.
__________________________________HẾT__________________________________________
Trên đây mình đã cop xong tác phẩm Thập đại mỹ nhân Trung Quốc, cảm ơn các bạn đã đọc và ủng hộ tác phẩm trong thời gian qua. Hẹ gặp các bạn vào tác phẩm hay khác!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top